Top 5 mẫu Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (2024) SIÊU HAY

Nếu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến lớp 12 Cánh diều gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 12 hay hơn.

1 447 08/08/2024


Nếu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến

Đề bài: Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến.

TOP 20 bài Nêu điểm giống nhau và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (ảnh 1)

Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (mẫu 1)

Có những tác phẩm đọc xong, gấp sách lại là ta quên ngay, cho đến lúc xem lại ta mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi. Nhưng cũng có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại những ấn tượng chạm khắc trong tâm khảm. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Tây Tiến” của Quang Dũng là hai tác phẩm như thế! Song, hai tác phẩm đều có điểm giống và khác nhau về mặt nội dung và nghệ thuật.

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được Nguyễn Đình Chiểu viết để tưởng nhớ công ơn của những người nông dân đã anh dũng đứng lên chống giặc. Bài văn tế như bức tượng đài bằng ngôn từ, khắc họa hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân hào hùng mà bi tráng, tượng trưng cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của cha ông ta. Tác phẩm “Tây Tiến” được viết cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây), khi Quang Dũng đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ. Binh đoàn Tây Tiến: được thành lập vào năm 1947 với thành phần là phần đông là thanh niên Hà Nội, học sinh, sinh viên. Nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt- Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp. Địa bàn hoạt động khá rộng lớn: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa ( Việt Nam), Sầm Nưa (Lào)

Nội dung của bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu) có sự giống nhau với tác phẩm “Tây Tiến” (Quang Dũng) ở những điểm sau: Trước hết, chủ đề của hai văn bản đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước vô cùng sâu sắc trong thời kì giữ vững, bảo vệ nền độc lập của dân tộc trước giặc ngoại xâm. Tiếp đó, hai tác phẩm đều vô cùng thành công khi xây dựng, khắc họa vẻ đẹp gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trong kì kháng chiến. Hình tượng những người chiến sĩ, nghĩa sĩ trong Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc phải trải qua những khó khăn trong cuộc chiến đấu: Các nghĩa sĩ Cần Giuộc phải vào trận với các thứ vũ khí thô sơ, thiếu thốn, chỉ là những vật dụng sinh hoạt và lao động hàng ngày:

Ngoài cật có một manh áo vải

Hay:

Trong tay cầm một ngọn tầm vông.

Và người lính Tây Tiến cũng phải chiến đấu trong điều kiện núi rừng hoang sơ, khắc nghiệt, những cơn sốt rét hoành hành. Vì thế, mỗi tác phẩm đều là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa dân tộc và có ý nghĩa như lời kêu gọi hành động đối với nhân dân Việt Nam hãy đoàn kết, đấu tranh vì độc lập, chủ quyền của mình.

Ngoài những điểm chung trên thì ở mỗi tác phẩm có sự khác biệt nhật đại diện cho thời kì lịch sử khác nhau cũng như cho tài năng và phong cách sáng tác của mỗi tác giả. Trước hết, cách khai thác vẻ đẹp của người dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp của hai tác phẩm khác nhau. Trong bài văn tế, hình tượng nghĩa quân Cần Giuộc được hiện lên không phải là người lính đã quen với việc binh đao, họ đều là những người dân nghèo lương thiện, cui cút làm ăn, ấy thế nhưng một khi tổ quốc cần, thì trái tim họ một lòng hướng về dân tộc.

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ....

Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu tập trung khắc họa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ qua tinh thần gan dạ, dũng cảm, hào hùng, sẵn sàng đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc. Dẫu trong cuộc chiến, lực lượng của ta và địch có sự chênh lệch lớn, không cân sức nhưng những người nông dân áo vải vẫn xông lên, quyết chiến với thứ vũ khí thô sơ, đơn giản. Vì thế, hình tượng nghĩa sĩ nông dân trở nên thật bi tráng, tựa như một tượng đài sững sừng vào không gian với thời gian để trở thành một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ mai sau. Người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc tiêu biểu cho hình ảnh người anh hùng chống Pháp thời kì đầu.

Mặt khác, những người lính Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được khắc họa khi phần lớn xuất thân từ những người thanh niên tri thức ở Hà Nội. Ngoài sự gan góc, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian khổ trong chiến tranh, binh đoàn Tây Tiến đuọc miêu tả với vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn Người lính Tây Tiến hào hoa, có lòng yêu nước nồng nàn, khát khao lập chiến công. Ngày dõi tầm mắt vượt biên giới mơ lập chiến công, tiêu diệt quân thù. Đêm mơ về Hà Nội có người thân, người yêu.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt gian nan nhưng sự lãng mạn trong những người lính trẻ không hề mất đi. Họ không cứng nhắc, khô khan, cũng có những phút giây họ dành cho người thân gia đình. Họ nhớ về quê hương nơi mà người thân họ vẫn ngày đêm trông mong. Họ nhớ về những bóng dáng thân yêu. Dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, những người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp của những chiến sĩ cách mạng thời đại.

Về mặt nghệ thuật, trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng từ ngữ giản dị, gần gũi và lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, phép đối được sử dụng rộng rãi, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Những phép đối nói trên đã khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người nông dân nghĩa sĩ. Giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với nội dung biểu đạt, trạng thái cảm xúc, trên nền âm hưởng chủ đạo là thống thiết. Khi gợi lại cuộc sống lam lũ, nghèo khó của người nông dân: Giọng văn bùi ngùi, trầm lắng còn lúc tái hiện trận công đồn thì nhịp điệu văn nhanh, mạnh, dồn dập, khắc họa những hành động khẩn trương, quyết liệt, gợi tả khí thế sôi động, tâm trạng hào hứng, hả hê: kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ. Khi ca ngợi những người nghĩa sĩ xả thân vì nước: Lời văn trở nên trang trọng, tự hào.

Trong bài “Tây Tiến”, bằng tài năng sử dụng, kết hợp các từ mới lạ độc đáo, Quang Dũng đã khiến cho bài thơ đậm chất nhạc, chất họa. Chẳng hạn như trong câu thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Ngoài ra,tác giả sử dụng nhiều từ ngữ tạo hình, kết hợp với nghệ thuật tương phản và những nét vẽ gân guốc: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, súng ngửi trời, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống…đã vẽ được một bức tranh núi rừng Tây Bắc hiểm trở, dữ dội. Xen vào những nét vẽ gân guốc giàu tính tạo hình là những nét vẽ mềm mại, gam màu lạnh của màu khói cơm, màu sương mờ ảo làm xoa dịu cả khổ thơ. Giữa khung cảnh thiên nhiên là hình ảnh con người tuy nhỏ nhưng hiện lên với tư thế hiên ngang, làm chủ thiên nhiên

Có thể nói rằng, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng đều là những tác phẩm văn học nổi tiếng của văn học Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước, khí phách và lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả về lòng yêu nước sâu sắc cũng như vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kì giữ vững, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (mẫu 2)

Viết về hình tượng người lính, đã có không ít những tác phẩm văn học khai thác về chủ đề này. Viết về người lính có bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Ở hai tác phẩm, người lính hiện lên mang những nét anh dũng, kiên cường nhưng ở họ cũng có nét độc đáo riêng biệt.

Đầu tiên, xét về điểm giống nhau, hình tượng người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc và hình tượng người lính Tây Tiến đều mang vẻ đẹp sử thi, ấy là vẻ đẹp người anh hùng thời đại, họ dũng cảm, kiên cường và mạnh mẽ, vượt qua mọi thiếu thốn vật chất, họ vẫn mang khí thế anh hùng. Thứ nữa, người lính được các tác giả dành một tình cảm tự hào, ngưỡng mộ nhưng cũng tiếc thương vô hạn. Nếu ở Tây Tiến đó là nỗi xót thương trước sự hy sinh, mất mát của người lính “Áo bào thay chiếu anh về đất”, họ hy sinh ngay giữa núi rừng, không một nén hương hay cỗ quan tài, thì ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tác giả lại thể hiện lòng thương xót cho những hy sinh mất mát của bao người nghĩa sĩ “hỡi ôi thương thay!”, giờ đây người còn sống chỉ biết tiếc thương trước linh hồn của người đã mất. Bên cạnh đó, ở những người lính đều được các tác giả thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao đẹp. Ở họ luôn mang một lòng nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, ý thức trách nhiệm cùng tinh thần hào hiệp, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn, vì độc lập Tổ quốc.

Giống nhau là vậy nhưng hình tượng người chiến sĩ ở hai tác phẩm đều có nét riêng biệt. Đầu tiên, xét về nguồn góc xuất thân, người nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là người nông dân nghèo bị áp bức, bị bóc lột và chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay giặc trong khi quan quân triều đình thì lại làm ngơ. Họ không được giáo dục về tư tưởng yêu nước như qua sách vở, không được rèn luyện binh đao. Tinh thần yêu nước của họ xuất phát từ tinh thần tự cường dân tộc và lòng căm thù trước sự tàn bạo của kẻ thù. Đây chính là điểm khác biệt với người lính Tây Tiến, họ xuất thân từ tầng lớp trí thức trẻ Hà Nội, tạm gác bút nghiên ra tiền tuyến chống giặc. Ở họ đã được tôi luyện lý tưởng của Đảng và sức mạnh ý chí, được thấm nhuần lòng yêu nước thông qua sách vở. Cũng chính từ hoàn cảnh xuất thân khác biệt mà hình tượng người lính hiện lên cũng thật độc đáo. Nếu vẻ đẹp của người chiến sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hiện lên từ vẻ ngoài chân chất, mộc mạc và có phần bộc trực của người dân Nam Bộ. Họ sống tự nhiên, phóng khoáng, yêu ghét rạch ròi như chính mảnh đất nơi này, thì người lính Tây Tiến lại mang nét đẹp hào hoa, lãng tử của những chàng trai Hà thành tuổi đôi mươi, nét phóng khoáng, lạc quan của tuổi trẻ. Trong gian khổ họ vẫn giữ được nét đẹp của tuổi trẻ “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, đó là ánh mắt của tuổi trẻ, ánh mắt của sự hào hoa và khát vọng. ”Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” – hình bóng những nàng thơ vẫn luôn phảng phất trong tâm hồn người chiến sĩ. Dẫu trước bao gian khó là vậy, tâm hồn họ vẫn không trở nên khô cằn, sỏi đá mà vẫn mang nét hào hoa, lãng tử tuổi đôi mươi.

Qua hai tác phẩm, với những giá trị nghệ thuật đặc sắc và những hình ảnh mang đậm chất sử thi, hình tượng người lính hiện lên thật dũng mãnh, kiên cường, bất khuất và đặc biệt, ở họ vẫn hiện lên nét nổi bật của chính con người họ, những tàn khốc của chiến trường cũng không làm họ đánh mất bản chất con người của mình. Hai tác phẩm đã xây dựng lên bức tượng đài bất khuất, kiên trung.

Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (mẫu 3)

Bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu và bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng đều là những tác phẩm nổi bật trong nền văn học Việt Nam, ghi lại hình ảnh anh hùng và lòng yêu nước của những người lính trong hai thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm lại mang một màu sắc và phong cách riêng biệt, phản ánh những điểm tương đồng và khác biệt rõ ràng.

Điểm giống nhau đầu tiên giữa hai tác phẩm chính là chủ đề yêu nước. Cả "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" và "Tây Tiến" đều đề cao tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả của người lính Việt Nam. Những nhân vật trong hai tác phẩm sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và hy sinh bản thân vì Tổ quốc. Đây là điểm chung nổi bật nhất, thể hiện rõ ràng lòng yêu nước và khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam qua mọi thời kỳ.

Hình ảnh người lính anh hùng cũng là một điểm tương đồng quan trọng. Người lính trong cả hai bài đều được miêu tả với lòng dũng cảm, kiên cường. "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" khắc họa hình ảnh những người nông dân chân chất, chưa từng quen với chiến trận nhưng đã dũng cảm đứng lên chống giặc. Tương tự, "Tây Tiến" mô tả những người lính trẻ trung, gan dạ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong rừng núi hiểm trở. Đây là những bức chân dung sống động về những con người đã hy sinh vì đại nghĩa.

Tinh thần bi tráng là một nét chung nổi bật khác. Cả hai tác phẩm đều thể hiện tinh thần bi tráng của cuộc chiến, sự mất mát và đau thương nhưng cũng đầy khí phách và niềm tự hào dân tộc. Sự hy sinh của những người lính được tô đậm bằng những cảm xúc mãnh liệt, vừa bi thương vừa hào hùng, tạo nên một âm hưởng đặc biệt cho mỗi bài thơ.

Tuy nhiên, điểm khác nhau rõ ràng nhất giữa hai tác phẩm là phong cách và ngôn ngữ. "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" được viết theo thể loại văn tế, sử dụng ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, đầy cảm xúc và bi thương. Ngược lại, "Tây Tiến" được viết bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ sống động, hiện đại, mang tính lãng mạn và hình tượng cao. Sự khác biệt này phản ánh sự thay đổi trong phong cách sáng tác và cách thể hiện cảm xúc của hai thời kỳ khác nhau.

Hoàn cảnh lịch sử cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt. "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" phản ánh cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nông dân Nam Bộ trong thế kỷ 19, trong khi "Tây Tiến" miêu tả cuộc chiến đấu gian khổ của đoàn quân Tây Tiến trong kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Bắc trong thế kỷ 20. Mỗi tác phẩm gắn liền với một thời kỳ lịch sử cụ thể, mang đến những bối cảnh và trải nghiệm khác nhau cho người đọc.

Hình ảnh thiên nhiên trong hai tác phẩm cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trong "Tây Tiến", thiên nhiên được mô tả với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng đầy hiểm nguy với "dốc lên khúc khuỷu", "heo hút cồn mây". Trong khi đó, "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ít chú trọng miêu tả cảnh quan mà tập trung vào cảnh đời sống nông dân và những trận đánh anh dũng. Điều này tạo nên sự đa dạng và phong phú trong cách thể hiện của mỗi tác phẩm.

Cuối cùng, cảm xúc chủ đạo của hai bài thơ cũng có sự khác biệt. "Tây Tiến" mang đến cảm giác lãng mạn, hào hùng và mơ mộng, dù có những lúc bi thương nhưng luôn tràn đầy hy vọng và niềm tin vào tương lai. Trong khi đó, "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" chủ yếu là nỗi đau thương, tiếc nuối cho những người anh hùng đã ngã xuống. Sự khác biệt này tạo nên những màu sắc riêng biệt, độc đáo cho mỗi tác phẩm.

Tóm lại, cả "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" và "Tây Tiến" đều là những áng văn bất hủ, khắc họa rõ nét tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của người lính Việt Nam. Mỗi bài thơ mang một phong cách riêng, phản ánh những đặc điểm độc đáo của từng thời kỳ lịch sử và của từng nhà thơ. Sự kết hợp giữa điểm giống nhau và khác nhau tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn học Việt Nam, đồng thời làm nổi bật lên những giá trị nhân văn cao cả và lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc.

Nêu điểm giống và khác nhau giữa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tây Tiến (mẫu 4)

Trong lịch sử văn học Việt Nam, "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu và "Tây Tiến" của Quang Dũng là hai tác phẩm đầy ý nghĩa về tinh thần dân tộc và cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Ra đời cách nhau gần một thế kỉ và thuộc các thể loại văn chương khác nhau, hai tác phẩm ấy có những điểm tương đồng và đối lập nhất định.

Trước hết, cả hai tác phẩm đều tập trung vào chủ đề chiến tranh và tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam. "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh oanh liệt của những người nông dân nghĩa dũng chống giặc Pháp xâm lược, trong khi "Tây Tiến" khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến trong cuộc chiến chống Pháp gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất, mang theo lòng yêu nước nồng nàn và ước mơ về quê hương.

Thứ hai, cả hai tác phẩm đều sử dụng ngôn ngữ trang trọng, giàu tính biểu cảm. "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" sử dụng nhiều điển tích, điển cố, lối văn bi tráng để thể hiện niềm thương tiếc và lòng căm thù giặc, trong khi, "Tây Tiến" sử dụng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, nhằm mô tả vẻ đẹp bi tráng của người lính và cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ.

Ngoài ra, cả hai tác phẩm đều chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, phản ánh cuộc sống và tinh thần của nhân dân trong thời kỳ chiến tranh. "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" thể hiện cuộc sống của người dân Nam Bộ và tinh thần yêu nước, bất khuất của họ, trong khi "Tây Tiến" ca ngợi tinh thần dũng cảm, hy sinh của người lính và tình yêu quê hương của họ.

Tuy nhiên, có những khác biệt đáng chú ý giữa hai tác phẩm này. Đầu tiên, bối cảnh lịch sử của họ là khác nhau. "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ vào thế kỷ XIX, trong khi "Tây Tiến" là về cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Tây Bắc vào thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, hình tượng người lính được miêu tả khác nhau. Trong "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc," đó là hình tượng người nông dân mộc mạc, dũng cảm, trong khi "Tây Tiến" thể hiện người lính trẻ tuổi, hào hùng, mang theo nỗi nhớ quê hương.

Đặc biệt, giọng điệu của hai tác phẩm cũng khác biệt. "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" có giọng điệu bi tráng, thể hiện niềm thương tiếc và lòng căm thù giặc sâu sắc, trong khi "Tây Tiến" kết hợp giọng điệu hào hùng, lãng mạn để thể hiện tự hào và tình yêu quê hương.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng "Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc" và "Tây Tiến" đều là những tác phẩm văn học có giá trị lịch sử và nhân văn, thể hiện tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mặc dù có những điểm khác biệt về bối cảnh lịch sử, hình tượng người lính và giọng điệu, nhưng cả hai tác phẩm đều góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm văn hóa, lịch sử văn học của dân tộc.

1 447 08/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: