TOP 15 câu Trắc nghiệm GDCD 8 Bài 4 (Cánh diều 2024) có đáp án: Bảo vệ lẽ phải

Bộ 15 câu hỏi trắc nghiệm Giáo dục công dân lớp 8 Bài 4: Bảo vệ lẽ phải có đáp án đầy đủ các mức độ sách Cánh diều giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm GDCD 8 Bài 4.

1 457 08/01/2024


Trắc nghiệm GDCD 8 Bài 4: Bảo vệ lẽ phải

Câu 1. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng về khái niệm lẽ phải?

A. Lẽ phải là những điều đúng đắn.

B. Vi phạm chuẩn mực đạo đức và lợi ích chung của xã hội.

C. Được xác định dựa trên những quy tắc chung của con người.

D. Phù hợp với quy tắc, chuẩn mực và lợi ích chung của xã hội.

Đáp án đúng là: B

- Lẽ phải là những điều đúng đắn, được xác định dựa trên những quy ước chung của con người, phù hợp với quy tắc, chuẩn mực và lợi ích chung của xã hội.

Câu 2. Người biết bảo vệ lẽ phải sẽ

A. chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

B. được mọi người yêu mến, quý trọng.

C. bị mọi người xung quanh lợi dụng.

D. nhận được nhiều lợi ích vật chất.

Đáp án đúng là: B

Người biết bảo vệ lẽ phải sẽ được mọi người xung quanh yêu mến và quý trọng.

Câu 3. Trong tình huống sau đây, bạn học sinh nào đã biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải?

Tình huống. Bạn M là lớp trưởng lớp 8A. Khi thấy các bạn trong lớp mắc khuyết điểm, M đều nhẹ nhàng góp ý và khuyên các bạn nên sửa chữa lỗi sai. Nhiều lần được M góp ý, nhắc nhở, nhưng K không sửa đổi, ngược lại, K cho rằng: “M đang lợi dụng chức vụ để cố tình trù dập mình”.

A. Bạn K.

B. Bạn M.

C. Hai bạn K và Đ.

D. Không có bạn học sinh nào.

Đáp án đúng là: B

Trong tình huống trên, bạn M đã biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, vì: M đã góp ý và đề nghị các bạn trong lớp sửa chữa khuyết điểm.

Câu 4. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Bà V là chủ một của hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu. Để thu được nhiều lợi nhuận, bà V đã lén lút nhập hoa quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán. Không những vậy, bà còn thường xuyên ngâm hoa quả trong các loại hóa chất để bảo quản được lâu hơn.

Câu hỏi: Nếu vô tình phát hiện hành vi của bà V, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. Mặc kệ, không quan tâm vì việc đó không liên quan đến mình.

B. Không mua hàng nhưng cũng không tố cáo hành vi của bà V.

C. Mặc kệ người ngoài, chỉ cảnh báo người thân không mua hàng.

D. Bí mật thu thập chứng cứ và báo cáo với lực lượng chức năng.

Đáp án đúng là: D

Bà V đã có nhiều hành vi sai trái, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu vô tình phát hiện hành vi của bà V, em nên: bí mật thu thập chứng cứ và báo cáo với lực lượng chức năng.

Câu 5. Em đồng tình với việc làm của nhân vật nào dưới đây?

A. Thấy bất kể việc gì có lợi cho mình, anh H cũng làm cho bằng được.

B. Anh S cùng các bạn thu thập chứng cứ và tố cáo một việc làm sai trái.

C. Chị M kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình dù ý kiến đó đúng hay sai.

D. Bạn B chê bai người khác nhưng che dấu khuyết điểm của bản thân.

Đáp án đúng là: B

Đồng tình với việc làm của anh S và các bạn của anh, vì: anh S và nhóm bạn đã biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Câu 6. Việc tôn trọng và bảo vệ lẽ phải không mang lại ý nghĩa nào sau đây?

A. Giúp mỗi người có cách ứng xử phù hợp.

B. Góp phần làm lành mạnh mối quan hệ xã hội.

C. Suy giảm niềm tin của con người vào cộng đồng.

D. Góp phần thúc đẩy xã hội ổn định và phát triển.

Đáp án đúng là: C

- Việc bảo vệ lẽ phải có ý nghĩa quan trọng:

+ Giúp mỗi người có cách ứng xử phù hợp;

+ Góp phần đẩy lùi cái sai, cái xấu, để làm lành mạnh mối quan hệ xã hội;

+ Góp phần thúc đẩy xã hội ổn định, phát triển;

+ Củng cố niềm tin của con người vào cộng đồng, pháp luật và lương tri.

Câu 7. Câu ca dao nào dưới đây phản ánh về việc tôn trọng và bảo vệ lẽ phải?

A. Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm.

B. Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời.

C. Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

D. Đố ai chừa được rượu tăm/ Khôi chơi cờ bạc, không nằm ngủ trưa.

Đáp án đúng là: B

Câu ca dao “Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời” phản ánh về việc bảo vệ lẽ phải.

Câu 8. Trong tình huống dưới đây, bạn học sinh nào biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải?

Tình huống. Bị nhóm bạn xấu rủ rê, nên bạn V đã sa vào tệ nạn chơi điện tử ăn tiền. Để có tiền nạp vào tài khoản ảo trên mạng, V đã nhiều lần ăn cắp tiền của bố mẹ. Biết chuyện, bạn K (bạn thân của V) đã khuyên V không nên chơi điện tử nữa đồng thời tâm sự, trao đổi và thông báo tình hình cho bố mẹ của V.

A. Bạn K.

B. Bạn V.

C. Cả hai bạn V và K.

D. Không có bạn học sinh nào.

Đáp án đúng là: A

Trong tình huống trên, bạn K đã biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Câu 9. Thái độ và hành động của bạn M trong tình huống sau đây đã cho thấy điều gì?

Tình huống. H và M là bạn thân. Dạo gần đây, H bỏ bê học tập, có lần còn trốn học đi chơi. M biết sự việc nhưng im lặng, coi như không biết gì. Khi bố mẹ H hỏi han về tình hình học tập của H, bạn M đã trả lời: “Bạn H rất chăm chỉ, luôn đi học đúng giờ và hoàn thành tốt nhiệm vụ thầy cô giao. Hai bác cứ yên tâm ạ!”

A. Bạn M có tấm lòng yêu thương, giúp đỡ H.

B. Bạn M chưa biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

C. Bạn M là người biết giữ chữ tín và tốt bụng.

D. Bạn M quan tâm, chia sẻ khó khăn với bạn H.

Đáp án đúng là: B

Thái độ và hành động của bạn M trong tình huống trên đã cho thấy bạn M chưa biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Câu 10. Hành vi nào sau đây không phải là biểu hiện của việc tôn trọng và bảo vệ lẽ phải?

A. Không chấp nhận và làm những việc sai trái.

B. Điều chỉnh suy nghĩ, hành vi theo hướng tích cực.

C. Chỉ bảo vệ lẽ phải khi nhận được lợi ích cho bản thân.

D. Phê phán những thái độ, hành vi đi ngược lại lẽ phải.

Đáp án đúng là: C

- Biểu hiện của việc tôn trọng và bảo vệ lẽ phải

+ Tôn trọng, ủng hộ, tuân theo những điều đúng đắn.

+ Biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực.

+ Khích lệ, động viên bạn bè có thái độ, hành vi bảo vệ lẽ phải.

+ Phê phán thái độ, hành vi đi ngược lại lẽ phải.

Câu 11. Thấy B được bố mẹ cho nhiều tiền tiêu vặt, C bàn với T: sau giờ học sẽ chặn đường để trấn lột tiền của B, sau đó sẽ dùng số tiền ấy để đi chơi điện tử. Nếu là bạn cùng lớp với B, C, T và vô tình biết được ý định của C, em nên lựa chọn cách ứng xử nào dưới đây?

A. Mặc kệ, không quan tâm vì không liên quan gì đến mình.

B. Rủ thêm các bạn khác trong lớp cùng đi xem, cổ vũ C và T.

C. Báo cáo sự việc với giáo viên chủ nhiệm để kịp thời xử lí.

D. Không cổ vũ C và T nhưng cũng không can ngăn hai bạn.

Đáp án đúng là: C

Nếu là bạn cùng lớp với B, C, T và vô tình biết được ý định của C, em nên báo cáo sự việc với giáo viện chủ nhiệm để thầy/ cô kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lí.

Câu 12. Nhân vật nào dưới đây chưa biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải?

A. Anh B gửi đơn tố cáo hành vi tổ chức đánh bạc của ông X.

B. Chị H che dấu hành vi sử dụng chất ma túy của người thân.

C. Bạn V dũng cảm nhận khuyết điểm khi phạm phải lỗi lầm.

D. Thấy anh K làm sai, anh H góp ý và khuyên anh K sửa đổi.

Đáp án đúng là: B

Việc chị H che dấu hành vi sử dụng chất ma túy của người thân đã cho thấy chị H chưa biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Câu 13. Sắp tới giờ kiểm tra môn Toán, bạn Đ rất lo lắng vì Đ hôm qua mải đi đá bóng nên không ôn lại bài. Đ thổ lộ với K (bạn cùng bàn) về việc sẽ quay cóp, mở tài liệu. Nếu là K, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. Ngay lập tức hưởng ứng và làm theo hành động của Đ.

B. Không quan tâm vì việc đó không liên quan tới mình.

C. Đợi lúc bạn Đ mở tài liệu sẽ đứng lên tố cáo với giáo viên.

D. Khuyên Đ nên tự lực làm bài kiểm tra, không nên quay cóp.

Đáp án đúng là: D

Trong trường hợp trên, nếu là K, em nên khuyên Đ: tự lực làm bàu kiểm tra, không nên quay cóp, mở tài liệu, vì đó là hành vi sai trái.

Câu 14. Em đồng tình với ý kiến nào dưới đây khi bàn về vấn đề bảo vệ lẽ phải?

A. Chỉ nên tố cáo sai trái, nói đúng sự thật khi nhận thấy có lợi cho bản thân.

B. Trước việc làm sai trái, nếu mình không liên quan thì không cần lên tiếng.

C. Người bảo vệ lẽ phải sẽ bị lợi dụng và phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

D. Bảo vệ lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo, bảo vệ những điều đúng đắn.

Đáp án đúng là: D

Bảo vệ lẽ phải là công nhận, ủng hộ, tuân theo và bảo vệ những điều đúng đắn.

Câu 15. Câu tục ngữ “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” phản ánh về vấn đề gì?

A. Quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

B. Kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn.

C. Nhân ái, yêu thương con người.

D. Tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Đáp án đúng là: D

Câu tục ngữ “Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” phản ánh về việc tôn trọng và bảo vệ lẽ phải.

Xem thêm câu hỏi trắc nghiệm Giáo dục công dân lớp 8 Cánh diều khác, chi tiết khác:

Trắc nghiệm Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Trắc nghiệm Bài 6: Phòng, chống bạo lực gia đình

Trắc nghiệm Bài 7: Xác định mục tiêu cá nhân

Trắc nghiệm Bài 8: Lập kế hoạch chi tiêu

Trắc nghiệm Bài 9: Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại

1 457 08/01/2024