Văn phòng đại diện có cần nộp lệ phí môn bài không?

1. Văn phòng đại diện có nộp lệ phí môn bài không?

Theo quy định tại Khoản 56, Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP về người nộp lệ phí môn bài cụ thể như sau:

“Người nộp lệ phí môn bài

Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:

…..

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).

……”

Theo đó, đối tượng nộp lệ phí môn bài là tổ chức; cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa theo quy định. Đa số các văn phòng đại diện chỉ có chức năng thay mặt công ty giao dịch với khách hàng mà không có chức năng kinh doanh nên trong các trường hợp này văn phòng đại diện không phải nộp lệ phí môn bài. Tuy nhiên, nếu văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài.

Như vậy, khi thành lập văn phòng đại diện, cần xác định văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay không để biết được văn phòng đại diện có thuộc đối tượng đóng lệ phí môn bài không.

2. Lệ phí môn bài là gì?

Căn cứ vào Nghị định 139/2016/NĐ-CPThông tư 302/2016/TT-BTC, lệ phí môn bài là khoản tiền mà cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp hằng năm. Lệ phí môn bài là loại thuế trực thu mà tổ chức sản xuất, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh nộp dựa trên vốn điều lệ/vốn đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu theo năm đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Văn phòng đại diện có cần nộp lệ phí môn bài không?

3. Mức nộp lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện

Căn cứ quy định tại Điểm c, khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí môn bài, theo đó:

“Mức thu lệ phí môn bài

1. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

……

c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”

Như vậy, văn phòng đại diện nếu thuộc trường hợp phải đóng lệ phí môn bài thì sẽ có mức nộp lệ phí môn bài là 1.000.000 đồng/năm.

4. Hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài được quy định như sau:

  • Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Như vậy, nếu văn phòng đại diện không thuộc trường hợp miễn lệ phí môn bài theo quy định thì phải nộp tờ khai lệ phí môn bài và đóng theo quy định.

Trên đây là những nội dung liên quan đến Văn phòng đại diện có cần nộp lệ phí môn bài không? Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mức lệ phí môn bài của văn phòng đại diện.

5. Các câu hỏi thường gặp

5.1. Văn phòng đại diện phải nộp báo cáo gì?

Văn phòng đại diện phải tự tính toán các khoản khấu trừ thuế, kê khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thuế nhà thầu khi thực hiện thanh toán các khoản lương, thưởng, phí dịch vụ. Bên cạnh đó, văn phòng đại diện cũng vẫn có thể phải lập báo cáo tài chính nội bộ theo yêu cầu của công ty mẹ.

5.2. Văn phòng đại diện được làm gì?

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, được ủy quyền để thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, ngoại trừ các hoạt động làm phát sinh doanh thu. Văn phòng đại diện không có tài sản độc lập do vậy không có tư cách pháp nhân.

5.3. Văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài là gì?

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.