Không mua bảo hiểm xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

1. Bảo hiểm công trình xây dựng là gì?

Bảo hiểm công trình xây dựng là một loại hình bảo hiểm mà đối tượng áp dụng là các công trình xây dựng. Rủi ro được bồi thường khi công trình xảy ra tổn thất vật chất trong quá trình xây dựng và được bồi thường cho người thứ ba cũng như chủ đầu tư.

Theo quy định pháp luật, bảo hiểm công trình xây dựng là một thủ tục bắt buộc để được cấp phép và thi công công trình xây dựng. Khi chủ đầu tư muốn xây dựng công trình công cộng hay công trình cá nhân đều phải xin giấy phép xây dựng và bảo hiểm công trình xây dựng gần như là một thủ tục bắt buộc.

2. Bảo hiểm xây dựng bắt buộc sẽ do chủ đầu tư dự án hay nhà thầu mua?

Theo quy định tại Điều 9 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thì bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm:

- Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;

- Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;

- Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.

Về trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định như sau:

- Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp;

- Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên;

- Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Như vậy, cả chủ đầu tư dự án xây dựng và nhà thầu thi công đều phải mua bảo hiểm xây dựng theo quy định của pháp luật đối với dự án xây dựng của mình. Tùy vào bạn là chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn hay nhà thầu thi công xây dựng mà phải mua gói bảo hiểm bắt buộc theo quy định.

Không mua bảo hiểm xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

3. Không mua bảo hiểm xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không mua bảo hiểm công trình như sau:

“Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình

...

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…….

đ) Không mua bảo hiểm công trình theo quy định;

...

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

...

n) Buộc mua bảo hiểm công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng;

...”

Cùng với quy định tại Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường như sau:

“Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình

...

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…..

b) Không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba theo quy định.

…..

4. Biện pháp khắc phục hậu quả (đối với công trình đang thi công xây dựng):

...

h) Buộc mua bảo hiểm theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này”

Theo các quy định trên thì:

- Đối với chủ đầu tư dự án không mua bảo hiểm công trình cho dự án của mình thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc phải mua bảo hiểm xây dựng.

- Đối với nhà thầu thi công không mua bảo hiểm cho người lao động thi công thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và cũng buộc phải mua bảo hiểm cho người lao động.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Phạm vi bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng