Hướng dẫn cách yêu cầu bảo hiểm bồi thường khi bị tai nạn giao thông

1. Bảo hiểm là gì?

Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính. Đó là hình thức quản lý rủi ro, chủ yếu được sử dụng để bảo hiểm cho những rủi ro ngẫu nhiên hoặc tổn thất có thể xảy ra.

Theo đó, Bảo hiểm có thể hiểu là một bên là người được bảo hiểm cam đoan trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm thực hiện mong muốn để cho mình hoặc để cho một người thứ 3 trong trường hợp xảy ra rủi ro sẽ nhận được một khoản đền bù các tổn thất được trả bởi một bên khác: đó là người bảo hiểm. Người bảo hiểm nhận trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro và đền bù các thiệt hại theo các phương pháp của thống kê.

2. Các hình thức của bảo hiểm

Bảo hiểm có các hình thức sau đây theo quy định của pháp luật về bảo hiểm:

- Bảo hiểm xã hội

- Bảo hiểm y tế

- Bảo hiểm kinh doanh

- Bảo hiểm thương mại

3. Hướng dẫn cách yêu cầu bảo hiểm bồi thường khi bị tai nạn giao thông

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, khi bị tai nạn giao thông, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có thể yêu cầu công ty bảo hiểm (bên bán bảo hiểm) bồi thường theo trình tự như sau:

Bước 1: Thông báo ngay cho công ty bảo hiểm khi xảy ra tai nạn: Khi tai nạn xảy ra, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thông báo ngay cho công ty bảo hiểm để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.

Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chú ý khi xảy ra tai nạn phải có trách nhiệm:

- Không di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của công ty bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho công ty bảo hiểm, cụ thể như sau:

+ Văn bản yêu cầu bồi thường.

+ Tài liệu liên quan đến xe cơ giới, người lái xe (Bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp) như: Giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe; Giấy chứng nhận bảo hiểm.

+ Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng như: Giấy chứng nhận thương tích; hồ sơ bệnh án; trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan Công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn

+ Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản: hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này); các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

+ Quyết định của Tòa án (nếu có).

- Tạo điều kiện thuận lợi cho công ty bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.

Hướng dẫn cách yêu cầu bảo hiểm bồi thường khi bị tai nạn giao thông

Bước 2: Tiến hành giám định và hoàn thiện hồ sơ bồi thường: Sau khi thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm hướng dẫn:

- Các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người, tài sản;

- Hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm;

- Tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm trong vòng 24 giờ.

Bước 3: Nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm: Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày công ty bảo hiểm nhận được thông báo, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm sẽ được tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể:

- Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 70% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong.

+ 50% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tổn thương bộ phận.

- Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên.

+ 10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.

Bước 4: Gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho công ty bảo hiểm: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho công ty bảo hiểm.