Các loại vạch kẻ đường mới nhất 2025
Các loại vạch kẻ đường mới nhất 2025

1. Các loại vạch kẻ đường mới nhất 2025

1.1. Nhóm vạch phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều

  • Vạch 1.1: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đơn, đứt nét.
Vạch tim đường 1.1
Vạch tim đường 1.1
    • Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.
    • Quy cách:
      • Vạch 1.1 là vạch đơn, đứt nét, màu vàng. Bề rộng nét vẽ b = 15 cm, chiều dài đoạn nét liền L1 = 1 m - 3 m; chiều dài đoạn nét đứt (2 m - 6 m); tỷ lệ L1/L2=1:2. Trong trường hợp đường hẹp, không đủ 2 làn cơ giới, nhưng có nhiều xe máy lưu thông, có thể sử dụng vạch dạng này để phân chia, khi đó bề rộng vạch rộng 10cm, tỷ lệ L1/L2=1:3 hoặc 1:2.
      • Tốc độ vận hành càng cao, chọn chiều dài đoạn nét liền L1 và chiều dài đoạn nét đứt L2 càng lớn. Chọn giá trị chiều dài đoạn nét liền L1 và đoạn nét đứt L2 nhỏ trong các trường hợp cần tăng tính dẫn hướng xe chạy (ví dụ trong phạm vi đường cong nằm bán kính nhỏ).
  • Vạch 1.2: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đơn, nét liền:
Vạch tim đường 1.2
Vạch tim đường 1.2
    • Ý nghĩa sử dụng của vạch 1.2: dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
    • Về quy cách:
      • Vạch 1.2 là vạch đơn, liền nét, màu vàng, bề rộng vạch 15 cm. Vạch này thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn trên các đường có 2 hoặc 3 làn xe cơ giới và không có dải phân cách giữa.
      • Chỉ được sử dụng vạch 1.2 để phân chia hai chiều xe chạy khi bề rộng làn đường đáp ứng được điều kiện chuyển động của các loại xe có kích thước lớn được phép tham gia giao thông trên tuyến đường đang xét.
  • Vạch 1.3: Vạch phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường), dạng vạch đôi, nét liền:
Vạch tim đường 1.3
Vạch tim đường 1.3
    • Ý nghĩa sử dụng của vạch 1.3: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thường dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều cho đường có từ 4 làn xe cơ giới trở lên, không có dải phân cách giữa trên đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn hoặc ở các vị trí cần thiết khác.
    • Về Quy cách:
      • Vạch 1.3 là vạch đôi song song, liền nét, màu vàng, bề rộng nét vẽ b = 15 cm, khoảng cách phía trong hai mép vạch đơn nhỏ nhất là 15 cm; lớn nhất là 50 cm. Nếu khoảng cách hai mép phía trong của các vạch đơn lớn hơn 50 cm thì sử dụng vạch kênh hóa dòng xe dạng gạch chéo, màu vàng (vạch 4.1).
      • Vạch này thường dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều cho đường có từ 4 làn xe cơ giới trở lên, không có dải phân cách giữa trên đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn hoặc ở các vị trí cần thiết khác.
      • Trường hợp các đường có 2 hoặc 3 làn xe cơ giới, không có dải phân cách giữa có thể sử dụng vạch 1.3 ở các vị trí cần thiết để nhấn mạnh mức độ nguy hiểm, không được lấn làn, không được đè lên vạch. Tác dụng của vạch 1.3 trong trường hợp này tương tự vạch 1.2.
  • Vạch 1.4: Vạch phân chia hai chiều xe chạy, dạng vạch đôi gồm một vạch nét liền, một vạch nét đứt
    • Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.
Vạch 1.4
Vạch 1.4
    • Quy cách:
      • Vạch 1.4 là vạch đôi song song, một vạch liền nét, một vạch đứt nét.
        • Bề rộng nét vẽ của các vạch b = 15 cm; khoảng cách phía trong hai mép vạch đơn là 15 cm - 20 cm.
        • Đối với vạch đứt nét, chiều dài đoạn nét liền L1 = (1 m - 3 m); chiều dài đoạn nét đứt L2 = (2 m - 6m); tỷ lệ L1/L2 = 1:2.

Tốc độ vận hành càng cao, chọn chiều dài đoạn nét liền L1 và chiều dài đoạn nét đứt L2 càng lớn. Chọn giá trị chiều dài đoạn nét liền L1 và đoạn nét đứt L2 nhỏ trong các trường hợp cần tăng tính dẫn hướng xe chạy (ví dụ trong phạm vi đường cong nằm bán kính nhỏ).

      • Vạch này được sử dụng trên đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân giữa, ở các đoạn cần thiết phải cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng xe chạy nhất định để đảm bảo an toàn.

Trường hợp chỉ có một làn xe bên phía tiếp giáp với vạch liền nét, bề rộng của làn đường này phải đáp ứng được điều kiện chuyển động của các loại xe có kích thước lớn được phép tham gia giao thông trên tuyến đường đang xét.

  • Vạch 1.5: Vạch xác định ranh giới làn đường có thể thay đổi hướng xe chạy
Vạch 1.5
Vạch 1.5
    • Ý nghĩa sử dụng: dùng để xác định ranh giới làn đường có thể thay đổi hướng xe chạy trên đó theo thời gian. Hướng xe chạy ở một thời điểm trên làn đường có thể đổi chiều được quy định bởi người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn, biển báo hoặc các báo hiệu khác phù hợp.
    • Quy cách:
      • Vạch 1.5 là vạch đôi, đứt nét, màu vàng, bề rộng nét vẽ b = 15 cm; khoảng cách phía trong hai mép vạch đơn là 15 cm - 20 cm; khoảng cách nét liền L1 = (1 m - 2 m), khoảng cách nét đứt L2 = ( 3m - 6m), tỷ lệ L1:L2 = 1:3.
      • Tốc độ vận hành càng cao, chọn chiều dài đoạn nét liền L1 và chiều dài đoạn nét đứt L2 càng lớn. Chọn giá trị chiều dài đoạn nét liền L1 và đoạn nét đứt L2 nhỏ trong các trường hợp cần tăng tính dẫn hướng xe chạy (ví dụ trong phạm vi đường cong nằm bán kính nhỏ).

1.2. Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều

  • Vạch 2.1: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, đứt nét

Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch 2.1.

Vạch 2.1
Vạch 2.1

Quy cách:

    • Vạch 2.1 là vạch đơn, đứt nét, màu trắng.
    • Bề rộng nét vẽ b = 15cm, chiều dài đoạn nét liền L1 = (1 m - 3 m);
    • Chiều dài đoạn nét đứt (3 m - 9 m);
    • Tỷ lệ L1/L2 = 1:3.
    • Tốc độ vận hành càng cao, chọn chiều dài đoạn nét liền L1 và chiều dài đoạn nét đứt L2 càng lớn. Chọn giá trị chiều dài đoạn nét liền L1 và đoạn nét đứt L2 nhỏ trong các trường hợp cần tăng tính dẫn hướng xe chạy (ví dụ trong phạm vi đường cong nằm bán kính nhỏ).
  • Vạch 2.2: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét.

Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Vạch 2.2
Vạch 2.2

Quy cách: Vạch 2.2 là vạch đơn, liền nét, màu trắng, bề rộng vạch 15 cm.

2. Xe máy phạm lỗi đè vạch tim đường bị phạt bao nhiêu tiền?

Xe máy phạm lỗi đè vạch tim đường bị phạt bao nhiêu tiền?
Xe máy phạm lỗi đè vạch tim đường bị phạt bao nhiêu tiền?

Lỗi đè vạch kẻ đường đối với xe máy bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra nếu hành vi đè vạch kẻ đường gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với lỗi đè vạch kẻ đường đối với xe máy như sau:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 2; điểm a, điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4; khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm d khoản 8 Điều này;

...

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

...

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;

...

Như vậy, lỗi đè vạch kẻ đường đối với xe máy bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra nếu hành vi đè vạch kẻ đường gây tai nạn giao thông thì bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

3. Các câu hỏi thường gặp

3.1. Vạch tim đường có tác dụng gì?

Vạch tim đường là vạch phân chia hai chiều xe chạy.

3.2. Vạch tim đường màu gì?

Vạch tim đường có màu vàng.

3.3. Vạch trắng đứt là gì?

Vạch màu trắng nét đứt hay còn gọi là vạch 2.1. Vạch này dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch 2.1.

3.4. Có mấy loại vạch tim đường và chúng khác nhau thế nào?

Vạch tim đường có hai loại chính: vạch liền và vạch đứt đoạn.

  • Vạch liền không cho phép phương tiện vượt qua hoặc lấn làn, thường được sử dụng ở các khu vực có tầm nhìn hạn chế, đoạn đường cong, hoặc nơi dễ xảy ra tai nạn.
  • Vạch đứt đoạn cho phép phương tiện vượt qua khi đảm bảo an toàn, thường được sử dụng ở những đoạn đường thẳng, rộng rãi và có tầm nhìn thoáng.

3.5. Vạch tim đường liền có ý nghĩa gì trong giao thông?

Vạch tim đường liền mang ý nghĩa cấm lấn làn hoặc vượt qua làn đường ngược chiều. Nó giúp đảm bảo an toàn, đặc biệt ở những khu vực nguy hiểm như đèo dốc, ngã rẽ gấp, hoặc nơi có mật độ giao thông cao.

3.6. Khi nào được phép vượt qua vạch tim đường đứt đoạn?

Phương tiện được phép vượt qua vạch đứt đoạn nếu thỏa mãn các điều kiện an toàn như tầm nhìn rõ ràng, không có phương tiện ngược chiều ở khoảng cách gần, và tốc độ di chuyển phù hợp. Vạch đứt đoạn tạo điều kiện linh hoạt trong giao thông nhưng yêu cầu lái xe tuân thủ các quy tắc an toàn.

3.7. Vạch tim đường có một bên liền, một bên đứt đoạn có ý nghĩa gì?

Vạch tim đường dạng này có ý nghĩa hai chiều:

  • Phía có vạch liền cấm lấn làn hoặc vượt qua.
  • Phía có vạch đứt đoạn cho phép vượt qua khi đảm bảo an toàn.

Loại vạch này thường được sử dụng trên các đoạn đường có độ dốc hoặc tầm nhìn bị hạn chế theo một chiều cụ thể.