Soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (trang 122) Cánh diều

Với soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự trang 122 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 70 13/10/2024


Soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự trang 122

1. Định hướng

1.1. Bài 5 (sách Ngữ văn 9, tập một) đã nêu yêu cầu rèn luyện kĩ năng trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự. Bài 10 tiếp tục rèn luyện về kĩ năng này. Trong cuộc sống có rất nhiều sự việc hay vấn đề mang tính thời sự. Hiện nay, việc quảng cáo tràn lan, quảng cáo không đúng pháp luật,… cũng là một sự việc có tính thời sự. Nội dung ý kiến cần trình bày ở đây là: Những điều gì cần tránh trong quảng cáo?

1.2. Để xác định những điều cần tránh, các em cần nắm vững yêu cầu khi xây dựng quảng cáo, từ đó, suy luận ngược lại sẽ biết điều cần tránh.

2. Thực hành

Bài tập (trang 123 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Trình bày ý kiến về những điều cần tránh trong quảng cáo.

a) Chuẩn bị

- Xem lại nội dung phần Viết về văn bản quảng cáo.

- Lựa chọn ít nhất một yêu cầu cần tránh đã nêu trong phần Viết để trình bày ý kiến cá nhân. Ví dụ: không tuân thủ Luật Quảng cáo và các quy định có liên quan.

- Chuẩn bị nội dung ý kiến của mình.

b) Tìm ý và lập dàn ý.

- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như: yêu cầu cần tránh trong quảng cáo là gì? Vì sao? Điều đó mang lại hiệu quả gì? Có thể thấy qua ví dụ nào?...

- Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

+ Mở đầu: Nêu yêu cầu cần tránh trong quảng cáo.

+ Nội dung chính: Nêu các biểu hiện cụ thể và giải thích lí do cần tránh trong quảng cáo.

+ Kết thúc: Nêu kết quả và ý nghĩa của việc thực hiện những điều cần tránh trong quảng cáo.

c) Nói và nghe

- Các em dựa vào dàn ý đã chuẩn bị để trình bày ý kiến của cá nhân.

- Người nghe hỏi hoặc trao đổi các ý kiến mình chưa rõ hoặc không đồng tình.

- Có thể sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ trong khi trình bày, thảo luận.

* Bài nói tham khảo:

Xin chào các bạn! Theo một thống kê gần đây trên PewInternet, có đến ba phần tư cư dân mạng trên toàn cầu tham gia vào hoạt động mạng xã hội thông qua tài khoản như Facebook, LinkedIn, Twitter hoặc Google+.

Nói cách khác, nếu như cách đây một thập niên cùng với sự ra đời của Web 2.0, việc doanh nghiệp sở hữu một website là điều tất yếu thì giờ đây, thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động trên các trang xã hội truyền thông là điều bắt buộc để vươn tới một khối lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ.

Tuy nhiên, chỉ với một sơ sót rất nhỏ, doanh nghiệp có thể hủy hoại thương hiệu một cách nhanh chóng. Để có thể tận dụng triệt để những lợi ích từ mạng xã hội, hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp tránh được những sai sót sau đây.

1. Đưa ra hình ảnh sai về doanh nghiệp:

Lý do chính để doanh nghiệp hiện diện trên các trang xã hội chính là chia sẻ tiếng nói của mình với thế giới bên ngoài.

Vì thế, làm thế nào để doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh ấy nếu đi thuê ngoài một doanh nghiệp khác thực hiện giúp công việc quản lý tài khoản cho mình? Thậm chí tệ hơn, nếu người quản lý tài khoản lại không hề có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực truyền thông xã hội vốn đang còn khá mới mẻ?

Có khả năng rất nhiều điều tệ hại sẽ xảy đến, khiến người xem không thông hiểu trọn vẹn hoặc hiểu nhầm về doanh nghiệp khi đọc những nội dung kém chất lượng được đăng tải.

Tuy nhiên, không có nghĩa rằng doanh nghiệp không nên sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Trái lại, hãy tìm một tổ chức uy tín hay một cá nhân có trình độ cao để cùng doanh nghiệp thực hiện công việc quản lý tài khoản mạng xã hội.

2. Bị hack (đánh cắp):

Vấn đề an toàn và bảo mật thông tin luôn là mối bận tâm chính đối với tất cả những ai sử dụng mạng xã hội. Theo công ty an ninh mạng Trustwave, hằng năm có đến hàng trăm ngàn tài khoản Facebook bị đánh cắp.

Hậu quả của việc bị đánh cắp sẽ khiến tài khoản của doanh nghiệp bị ngưng trệ hoạt động và đánh mất niềm tin từ người theo dõi.

Để tránh hệ quả ấy xảy ra, hãy đảm bảo rằng vấn đề quản lý mạng luôn được xem xét cẩn trọng và nếu cần thiết, lập ra chính sách nội bộ cho việc quản lý mạng xã hội cho hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp.

3. Chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân:

Bộc lộ tính cách của một thương hiệu là điều rất cần thiết vì chúng sẽ giúp doanh nghiệp trở nên đáng ghi nhớ và nổi bật giữa đám đông, đồng thời giúp người theo dõi thấu hiểu nhiều hơn về những cá nhân đứng phía sau thương hiệu.

Tuy nhiên, đừng bày tỏ quá nhiều những thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Tham gia vào các lời bình phẩm tiêu cực hoặc chia sẻ những chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của doanh nghiệp và tạo phản cảm cho người xem.

4. Không tạo ra những mẫu nội dung gốc:

Nếu doanh nghiệp muốn tạo lập hình ảnh một cá nhân thuộc doanh nghiệp như một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình hoạt động và gắn kết nhiều hơn với người xem, thì đừng cố gắng bắt chước người khác.

Điều ấy không có nghĩa rằng không thể chia sẻ hình ảnh, video clip và bài viết của người khác mà doanh nghiệp nên tạo ra những nội dung gốc giúp hút đúng đối tượng khán giả mục tiêu của mình.

5. Lạm dụng dấu hashtag (#):

Hiển nhiên ký hiệu # đang được sử dụng rất rộng rãi và một nghiên cứu đăng trên Forbes gần đây cho thấy những hình ảnh đính kèm ký hiệu hashtag thu được nhiều “like” hơn những hình ảnh không sử dụng ký hiệu này.

Tuy nhiên, hãy cẩn trọng, rất có thể lợi bất cập hại. Chẳng hạn, McDonald’s từng thất bại ê chề từ khi kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ #McDStories.

Bởi kết quả thu được là vô số người thuật lại những mẩu chuyện kinh khủng, trải nghiệm tiêu cực giữa họ với chuỗi nhà hàng này thay vì những trải nghiệm thú vị và ấm áp cùng bạn bè, gia đình khi thưởng thức McDonald’s.

Do đó, cách dễ dàng nhất để tránh hệ quả ấy chính là định nghĩa thật rõ ràng ký hiệu hashtag và hướng đến đúng đối tượng khách hàng khi kêu gọi chia sẻ.

6. Sử dụng quá nhiều nền tảng truyền thông mạng xã hội:

Chia sẻ ý tưởng tại nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau là một ý tưởng, nhưng doanh nghiệp không nhất thiết phải hiện diện ở khắp nơi. Chẳng hạn, một doanh nghiệp luật sư mới cần xuất hiện trên LinkedIn nhưng không hẳn phải quảng bá trên Pinterest, Snapchat hay Instagram.

Hãy tiến hành một số nghiên cứu để tìm hiểu đâu là nơi khách hàng của doanh nghiệp đang ở và tập trung chính vào những nền tảng ấy.

7. Cập nhật quá tải thông tin:

Chia sẻ nội dung theo một chu kỳ thường xuyên là điều tuyệt đối nên làm, nhưng đừng quá lạm dụng, vì điều ấy sẽ khiến người xem trở nên chán chường trước dòng thông tin quá nhiều từ doanh nghiệp.

Theo Bufferapp, “lịch trình” sau đây là một gợi ý:

Facebook: 2 lần/ngày, 7 ngày/tuần, 10 giờ sáng – 3 giờ chiều.

LinkedIn: 1 lần/ngày, 8 giờ sáng, tránh cuối tuần.

Google+: 2 lần/ngày, 9 giờ sáng – 7 giờ chiều, tránh cuối tuần.

Trên đây là những ý kiến của tôi về những điều cần tránh trong quảng cáo, rất mong được sự nhận xét, bổ sung của các bạn và cô giáo. Xin trân trọng cảm ơn!

d) Kiểm tra, chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục d (trang 28) và dàn ý bài trình bày vừa xây dựng để kiểm tra kết quả và chỉnh sửa các lỗi còn mắc.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Viết quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động

Hình ảnh con thuyền, người dân chài trong bài thơ Quê hương

Hướng dẫn tự học trang 126

Tổng kết về văn học

Tổng kết về tiếng Việt

1 70 13/10/2024