Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 9 Tập 1 (trang 43) Cánh diều

Với soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 9 Tập 1 trang 43 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 692 01/04/2024


Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 9 Tập 1 trang 43

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Ghép các điển cố, điển tích (in đậm) ở bên A với nguồn gốc và nghĩa nêu ở bên B:

A. Điển cố, điểm tích

B. Nguồn gốc, nghĩa

a) Giường kia treo cũng hững hờ, (Nguyễn Khuyến)

1) Điển tích, lấy từ chuyện xưa bên Trung Quốc: “Vua Vũ Hán Đế kén phò mã, cho công chúa ngồi trên lầu ném quả cầu xuống, ai cướp được thì được làm phò mã”. Câu thơ mượn chuyện này để ngụ ý: Cha mẹ Thuý Kiều mong muốn gả con vào nơi xứng đáng.

b) Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn (Nguyễn Khuyến)

2) Điển tích, dẫn theo chuyện xưa: “Trần Phồn thời hậu Hán (Trung Quốc) sắm chiếc giường giành riêng cho người bạn thân là Từ Trĩ. Khi bạn đến chơi thì mang giường xuống, khi bạn về thì lại treo cất đi.”.

c) Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai (Nguyễn Du)

3) Điển tích, lấy từ chuyện xưa: “Tương truyền Bá Nha và Chung Tử Kỳ là hai người bạn tri âm, sống vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc (Trung Quốc xưa). Bá Nha chơi đàn giỏi. Tử Kỳ nghe tiếng đàn của Bá Nha mà như hiểu tâm can của bạn. Sau khi Tử Kỳ chết, bá Nha đập bỏ đàn vì cho rằng trên đời không còn ai hiểu được tiếng đàn của mình nữa.”.

d) Nuôi con những ước về sau,/ Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi. (Nguyễn Du)

4) Điển cố, lấy từ bài ca của Lý Diên Niên (Trung Quốc): “Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” (Ngoảnh lại một cái làm xiêu thành trì của người, ngoảnh lại cái nữa làm xiêu nước của người.). Câu thơ mượn từ ngữ của bài thơ xưa để diễn tả vẻ đẹp của Thuý Kiều.

M: a) – 2)

Trả lời:

a) – 2)

b) – 3)

c) – 4)

d) – 1)

Câu 2 (trang 43 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Dựa vào chú thích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của các điển cố, điển tích (in đậm) trong những câu dưới đây:

a) Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

b) Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào đó không?

Trả lời:

a) “Bể dâu” – Điển tích, Theo sách Thần tiên truyện, thời Đông Hán, có ông Vương Phương Bình thông minh học giỏi, thi đỗ cao và được bổ làm quan đến chức Trung tán đại phu. Nhưng ông sớm từ quan để tu tiên học đạo. Khi đắc đạo, Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh, cho sứ giả mời tiên nữ Ma Cô (vị thọ tiên trong thần thoại Trung Hoa) đến để hỏi về thời gian cách biệt. Ma Cô tiên nữ trả lời rằng: “Từ khi biết ông đến nay, đã thấy ba lần biển xanh biến thành ruộng dâu”. Cuộc bể dâu mà Nguyễn Du trải qua đây không phải là ảo giác mà là sự thật rành rành trước mắt. Đó là hình ảnh của xã hội với sự thay đổi nhanh chóng không thể ngờ của nó mà Nguyễn Du đã chứng kiến. Chính vì thế, nhưng điều trông thấy đã làm cho nhà thơ đau đớn lòng. Tâm can tác giả quặn thắt, đau xót vô cùng trước những hình ảnh diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nhà thơ chua xót và thông cảm với những kiếp người cơ cực trong xã hội bấy giờ.

b) “Mắt xanh” – Điển cố, “mắt xanh: Chữ Hán là “thanh nhãn”. Nguyễn Tịch đời Tấn khi tiếp người mình ưa thì nhìn thẳng nên để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mình ghét thì nhìn nghiêng (lườm) mà để lộ tròng mắt trắng. ''Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?'' chỉ người con gái được nhiều người đàn ông tìm đến hỏi cưới, nhưng không ai lọt vào mắt xanh của cô gái ấy.

Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Tìm trong sách, báo (hoặc trên Internet) câu chuyện Tái Ông thất mã (Tái Ông mất ngựa). Viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) kể lại chuyện đó và nêu ý nghĩa của điển tích “ngựa Tái Ông”.

Trả lời:

- Câu chuyện Tái Ông thất mã (Tái Ông mất ngựa)

Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may”. Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Anh em láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó”. Cầu được ước thấy! Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!”. Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái. Quả là “trong phúc có hoạ”, “trong hoạ lại có phúc”. Sự đời thật khó mà lường.

- Ý nghĩa của điển tích “ngựa Tái Ông”: chỉ họa phúc khôn lường, được không nên mừng, mất không nên lo. Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu.

1 692 01/04/2024