Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng (trang 26) Cánh diều
Với soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 26 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 26
1. Định hướng
1.1. Câu chuyện tưởng tượng là một câu chuyện không có thật, do người kể tự hình dung, tưởng tượng ra. Tuy nhiên, câu chuyện tưởng tượng phải có cơ sở từ thực tế cuộc sống; nghĩa là tình huống, bối cảnh, nhân vật, sự việc… trong câu chuyện phải gắn với cuộc sống, có thể đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Câu chuyện tưởng tượng ấy cũng phải có ý nghĩa, mang đến một thông điệp về cuộc sống và con người…
Câu chuyện tưởng tượng có thể do các em tạo ra nhưng cũng có thể dựa vào một câu chuyện đã có sẵn để kể theo cách của mình như phần Viết truyện kể sáng tạo đã học.
1.2. Muốn kể một câu chuyện tưởng tượng, các em cần chú ý xác định một số yếu tố quan trọng tạo nên câu chuyện:
- Chuyện kể về việc gì, xảy ra trong bối cảnh nào? (Bối cảnh gồm không gian, thời gian xảy ra câu chuyện).
- Có những ai (nhân vật nào) tham gia câu chuyện? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính có gì đặc biệt (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ, tâm trạng…)?
- Câu chuyện xảy ra thế nào (cốt truyện)? (Kể lại câu chuyện bằng cách nêu sự việc, nhân vật, diễn biến các sự việc theo một trình tự nào đó).
Để rèn kĩ năng kể một câu chuyện tưởng tượng, trước hết các em có thể kể một câu chuyện đã học hoặc đã đọc, đã nghe bằng cách mở đầu, thêm, bớt các chi tiết, sự việc, nhân vật hoặc điều chỉnh cách kết thúc câu chuyện. Sau đó, các em có thể sáng tạo câu chuyện hoàn toàn do mình tưởng tượng.
2. Thực hành
Bài tập (trang 27 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Lựa chọn một trong hai đề sau:
a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)
- Xác định đối tượng người nghe và bối cảnh trình bày để chuẩn bị nội dung kể phù hợp.
- Chuẩn bị các phương tiện trình chiếu (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
Dựa vào dàn ý đã làm trong phần Viết, có thể thêm, bớt các ý mới phù hợp với yêu cầu bài nói (kể lại một câu chuyện tưởng tượng).
c) Nói và nghe
Người nói |
Người nghe |
- Nội dung câu chuyện cần được kể rõ ràng, cụ thể, dễ theo dõi. - Giọng kể diễn cảm, có ngữ điệu theo diễn biến nội dung, tình huống, cảm xúc của nhân vật. - Tôn trọng, hướng về phía người nghe. - Sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động và phù hợp. - Tốc độ kể vừa phải, không nên quá nhanh khiến người nghe khó theo dõi. - Bảo đảm yêu cầu về thời gian kể. |
- Lắng nghe, xác định và ghi lại nội dung chính. - Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe; sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người kể. - Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi quan điểm cá nhân về nội dung, cách thức kể chuyện. |
* Bài nói tham khảo:
(1) Hãy nhập vai một trong ba nhân vật: Me-ri, cha dượng hoặc mẹ Me-ri trong văn bản “Vụ cải trang bất thành” (trích “Sơ-lốc Hôm” của Đoi-lơ) đề kể lại câu chuyện trong phần (3) của văn bản.
Xin chào các bạn! Tôi là Me-ri, sống cùng mẹ và cha dượng. Tôi có vị hôn phu là Hót-mơ En-giô nhưng đã bị mất tích vào đúng hôm cử hành hôn lễ. Tôi đã tìm đến thám tử Hôm và nhờ giúp đỡ. Hôm nay, tôi đến nhà thám tử để xem kết quả tìm người đến đâu.
Vừa đến cửa, tôi đã nghe thấy tiếng nói của Hôm ở trong phòng vọng ra. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy Uyn-đi-banh (cha dượng tôi) đang thu mình trong ghế bành, đầu gọc xuống, sụp đổ hoàn toàn khi nghe Hôm kể lại toàn bộ sự việc. Hoá ra hắn (Uyn-đi-banh) đã lừa dối tôi bằng cách: lợi dụng sự đồng loã của vợ là mẹ tôi, cùng tình trạng cận thị nặng của tôi, để đóng giả làm Hót-mơ En-giô và tán tỉnh, tỏ tình với tôi. Hắn đã cải trang thành một người đàn ông khác, luôn phải đeo kính màu để che đậy cặp mắt vốn thân quen, đeo râu tóc giả, biến giọng nói thông thường thành một giọng nói thì thâm khó nghe. Hắn đã thành công trở thành một anh chàng Hót-mơ Ên-giô để gạt ra ngoài lề tất cả những đối thủ lăm le tán tỉnh tôi. Tôi đã tin tưởng và đính hôn với gã. Thật đáng thương cho tôi!
Nghe hết câu chuyện của Hôm, tôi đẩy cửa đi vào, nhìn chằm chằm vào gã cha dượng. Tôi thật sự không dám tin vào sự thật này. Gã cha dượng nhìn thấy tôi liền hốt hoảng, sợ hãi bỏ chạy ra khỏi căn nhà của Hôm. Tôi rất cảm ơn Hôm đã giúp mình làm sáng tỏ vụ việc, tránh được một sai lầm khủng khiếp trong đời.
(2) Hãy kể lại theo lời của Vũ Nương câu chuyện tưởng tượng về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Vũ Nương và mẹ chồng ở một thế giới khác.
Xin chào các bạn! Tôi là Vũ Nương, quê gốc ở Nam Xương, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bây giờ. Dù hiện tại tôi sống trong vinh hoa phú quý dưới thủy cung, trường thọ cùng đất trời nhưng tôi không bao giờ quên nỗi đau đớn trong cuộc đời khi bị chính người chồng của mình vu oan. Dù đã được minh oan nhưng nỗi đau ấy vẫn bám lấy tôi dai dẳng.
Năm nay để mừng thọ vua Thủy Tề, lễ hội mùa xuân được chuẩn bị công phu, chu đáo hơn mọi năm. Hôm đó ngay từ sớm Thủy cung đã được trang hoàng thật lộng lẫy. Từ xa đã thấy thấp thoáng bóng mấy hàng cờ hội tung bay phấp phới, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên rộn ràng. Đến nơi một khung cảnh tuyệt đẹp của chốn thần tiên đã hiện ra. Những khóm hoa màu sắc rực rỡ toả hương ngào ngạt, những bức trướng chạm khắc hình nổi trông thật tinh xảo, các cung nữ tết tóc cài trâm, thướt tha trong bộ xiêm y lộng lẫy.
Tôi đi dạo quanh khu vườn của thọ yến thì bất ngờ nhìn thấy một bóng dáng bà cụ quen thuộc. Tôi vội vã tiến lại gần thì nhận ra đó là mẹ chống tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi. Mẹ chồng tôi đã biết hết những chuyện mà tôi đã trải qua. Bà nói: “Con à, con trai của mẹ đã không biết trân trọng con, giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình, mẹ thay mặt nó xin lỗi con. Mong con vẫn luôn coi mẹ là mẹ của mình.”. Nghe bà nói thế, tôi ứa nước mắt vì bà luôn hiểu, cảm thông và tin tưởng tôi. Tôi chỉ mong rằng xã hội bất công này sẽ bị xóa bỏ, và từ câu chuyện cuộc đời của tôi để người đời lấy đó là bài học giữ gìn hạnh phúc. Hạnh phúc gia đình không chỉ được xây dựng trên cơ sở tình yêu mà nó còn phải ở cả sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
d) Kiểm tra, chỉnh sửa
Người nói |
Người nghe |
- Lắng nghe nhận xét của các bạn và thầy cô về câu chuyện vừa kể. - Rút kinh nghiệm về nội dung, cách thức và thái độ trình bày… - Tự đánh giá: + Em hài lòng về câu chuyện mình vừa kể ở những điểm nào? + Em muốn thay đổi điều gì trong phần kể vừa rồi? |
- Kiểm tra xem việc nghe và ghi chép nội dung câu chuyện đã chính xác chưa? - Đánh giá: + Em thấy câu chuyện mà bạn vừa kể có hấp dẫn, thú vị không? Vì sao? + Em tâm đắc với yếu tố tưởng tượng, hư cấu nào cảu câu chuyện? + Em học được điều gì từ câu chuyện và cách kể chuyện của bạn? |
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:
Xem thêm các chương trình khác: