Số: 15/VBHN-VPQH [Luật điện ảnh 2020]

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10; Luật này quy định về điện ảnh

1 260 25/06/2023


VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2020

 

LUẬT

ĐIỆN ẢNH

Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 31/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

2. Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

3. Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về điện ảnh[1].

Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức và hoạt động điện ảnh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh tại Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng Luật Điện ảnh

1. Hoạt động điện ảnh và quản lý hoạt động điện ảnh phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp thể hiện bằng hình ảnh động, kết hợp với âm thanh, được ghi trên vật liệu phim nhựa, băng từ, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để phổ biến đến công chúng thông qua các phương tiện kỹ thuật.

2. Tác phẩm điện ảnh là sản phẩm nghệ thuật được biểu hiện bằng hình ảnh động kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.

3. Phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.

Phim nhựa là phim được sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật điện ảnh, được ghi trên vật liệu phim nhựa để chiếu trên màn ảnh thông qua máy chiếu phim.

Phim vi-đi-ô là phim sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật vi-đi-ô, được ghi trên băng từ, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để phát thông qua thiết bị vi-đi-ô.

Phim truyền hình là phim vi-đi-ô để phát trên sóng truyền hình.

Băng phim, đĩa phim là sản phẩm của phim vi-đi-ô hoặc được in sang từ phim nhựa.

4. Kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim.

5. Kịch bản phân cảnh là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện các cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.

6. Hoạt động điện ảnh là hoạt động bao gồm sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim.

7. Sản xuất phim là quá trình tạo ra tác phẩm điện ảnh từ kịch bản văn học đến khi hoàn thành bộ phim.

8. Phát hành phim là quá trình lưu thông phim thông qua hình thức bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu.

9. Phổ biến phim là việc đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng Internet và phương tiện nghe nhìn khác.

10. Cơ sở điện ảnh là cơ sở do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Cơ sở dịch vụ sản xuất phim là cơ sở điện ảnh cung cấp phương tiện, trang bị, thiết bị kỹ thuật, bối cảnh và nhân lực cho việc sản xuất phim.

12. Chủ sở hữu phim là tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính để sản xuất phim, mua quyền sở hữu phim; được cho, tặng hoặc thừa kế quyền sở hữu phim và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh

1. Đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.

2. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ sở điện ảnh được bình đẳng trong hoạt động, được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai.

3. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh nhằm phát huy sự sáng tạo nghệ thuật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh; nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất và phổ biến phim.

4. Tài trợ cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.

5. Tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; tổ chức, tham gia liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế.

6.[2] Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện các chính sách quy định tại Điều này.

Điều 6. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

1. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thành lập để sử dụng cho các hoạt động sau đây:

a) Thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao;

b) Hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất;

c) Hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh.

2. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Điều 7. Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm

Nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu tác phẩm của chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về điện ảnh

1.[3] Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển sự nghiệp điện ảnh, định hướng phát triển cơ sở điện ảnh trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động điện ảnh.

2. Quản lý công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động điện ảnh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh.

3. Quản lý hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh.

4. Cấp, thu hồi giấy phép trong hoạt động điện ảnh.

5. Thực hiện công tác khen thưởng trong hoạt động điện ảnh; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với cá nhân và tác phẩm điện ảnh.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh.

Điều 9. Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[4] chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về điện ảnh.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[5] thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh theo thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh tại địa phương.

Điều 10. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 11. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và Nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Chương II: CƠ SỞ ĐIỆN ẢNH

Điều 12. Cơ sở điện ảnh

1. Cơ sở điện ảnh bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất phim;

b) Cơ sở dịch vụ sản xuất phim;

c) Cơ sở in sang, nhân bản phim;

d) Cơ sở bán, cho thuê phim;

đ) Cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu phim;

e) Cơ sở chiếu phim;

g) Cơ sở điện ảnh khác theo quy định của pháp luật.

2. Các loại hình hoạt động của cơ sở điện ảnh bao gồm doanh nghiệp điện ảnh và đơn vị sự nghiệp điện ảnh.

Doanh nghiệp điện ảnh hoạt động theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đơn vị sự nghiệp điện ảnh được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và theo quy định của Chính phủ.

Điều 13. Thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim tại Việt Nam theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp.

2.[6] Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp liên doanh.

Đối với hình thức đầu tư thành lập liên doanh thì phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định.

Điều 14.[7] (được bãi bỏ)

Điều 15.[8] (được bãi bỏ)

Điều 16. Đăng ký thành lập doanh nghiệp điện ảnh

1. Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp điện ảnh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật này.

2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

3. Khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có), mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp điện ảnh đó phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Điều 17. Tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản doanh nghiệp điện ảnh

1. Việc tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể doanh nghiệp điện ảnh được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; việc phá sản doanh nghiệp điện ảnh được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, trong quá trình giải quyết những nội dung thuộc phạm vi quyền hạn của mình đối với việc tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản của doanh nghiệp điện ảnh phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh để giải quyết những nội dung có liên quan và thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh kết quả việc giải quyết của mình trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định.

Chương III: SẢN XUẤT PHIM

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất phim

1. Thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim; việc hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim phải thực hiện đúng nội dung giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[9].

3. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện đúng nội dung giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[10].

4. Nộp lưu chiểu, nộp lưu trữ phim.

Điều 19. Quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim

1. Tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất phim hằng năm.

3. Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất phim.

4. Tuyển chọn kịch bản văn học.

5. Ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân đặt hàng sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim.

6. Đề nghị cấp giấy phép trước khi phổ biến phim.

7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim.

8. Thực hiện quy định về quyền tác giả và quyền liên quan.

9. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Quyền và trách nhiệm của biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim

1. Quyền và trách nhiệm của biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim thực hiện theo nội dung hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim.

2. Hợp đồng giữa biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim được ký kết và thực hiện trên cơ sở thỏa thuận và không trái với quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim

1. Thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để cung cấp dịch vụ sản xuất phim.

3. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hợp đồng; việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện đúng nội dung giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[11].

Điều 22. Quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim

1. Tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm.

3. Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim.

4. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Việc hợp tác, liên doanh để sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[12] cấp giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[13] có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Điều 24. Sản xuất phim đặt hàng

1. Tổ chức, cá nhân đặt hàng sản xuất phim là chủ đầu tư dự án sản xuất phim.

2. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim đặt hàng theo kịch bản văn học của mình phải liên đới chịu trách nhiệm với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim về nội dung phim.

3.[14] Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Chính phủ quy định cụ thể khoản này.

4. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim có trách nhiệm cung cấp tài chính và thực hiện các điều khoản khác theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất phim.

5. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim phải thực hiện đúng hợp đồng với chủ đầu tư dự án sản xuất phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim.

Điều 25. Sản xuất phim truyền hình[15]

Việc sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được cấp giấy phép hoạt động báo chí (sau đây gọi chung là đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình) do người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình quyết định đầu tư và tổ chức sản xuất phim để phát sóng trên truyền hình, phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương IV: PHÁT HÀNH PHIM

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành phim

1. Thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Trao đổi phim, hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát hành phim.

Điều 27. Quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp phát hành phim

1. Tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp phát hành phim.

3. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Bán, cho thuê phim

1. Tổ chức, cá nhân được bán, cho thuê phim nhựa, băng phim, đĩa phim, mở đại lý, cửa hàng bán, cho thuê băng phim, đĩa phim theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật này.

2.[16] Chỉ được bán, cho thuê phim nhựa, băng phim, đĩa phim đã có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình; băng phim, đĩa phim phải được dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 29. In sang, nhân bản phim

1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh in sang, nhân bản phim nhựa, băng phim, đĩa phim theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật này.

2.[17] Chỉ được in sang, nhân bản để phát hành phim nhựa, băng phim, đĩa phim đã có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình. Việc in sang, nhân bản phim nhựa, băng phim, đĩa phim phải có hợp đồng bằng văn bản với chủ sở hữu phim.

Điều 30. Xuất khẩu phim, nhập khẩu phim

1. Tổ chức thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu phim phải tuân thủ các quy định sau đây:

a)[18] Phim xuất khẩu phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

Phim xuất khẩu do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất phải có quyết định phát sóng của người đứng đầu Đài Truyền hình Việt Nam; phim xuất khẩu do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được cấp giấy phép hoạt động báo chí sản xuất phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

Băng phim, đĩa phim xuất khẩu phải được dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Phim nhập khẩu phải có bản quyền hợp pháp và không vi phạm quy định tại Điều 11 của Luật này.

2. Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim.

3.[19] (được bãi bỏ)

4. Doanh nghiệp chiếu phim được nhập khẩu phim để phổ biến.

5.[20] Đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được xuất khẩu phim do mình sản xuất, được nhập khẩu phim để phát sóng trên truyền hình.

6. Đơn vị sự nghiệp được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình; người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về nội dung, quản lý và sử dụng phim nhập khẩu.

7. Cơ quan nghiên cứu khoa học được nhập khẩu phim phục vụ công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình; người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng phim nhập khẩu.

Điều 31. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim

1. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim sử dụng thường xuyên mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp.

2. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim có quy mô nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới mười lao động, thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ.

Chương V: PHỔ BIẾN PHIM

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở chiếu phim

1. Thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của rạp chiếu phim theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[21].

3. Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để chiếu phim.

Điều 33. Quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cơ sở chiếu phim

1. Tổ chức thực hiện kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký.

2. Quản lý tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở chiếu phim.

3.[22] Tổ chức chiếu phim có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

4. Bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và giờ chiếu phim cho trẻ em theo quy định của Chính phủ.

5. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho khán giả.

6. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Chiếu phim lưu động

1. Nhà nước có chính sách đầu tư thiết bị chiếu phim, phương tiện vận chuyển, cấp kinh phí hoạt động cho đội chiếu phim lưu động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), đơn vị lực lượng vũ trang thành lập để phục vụ chiếu phim ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi phí buổi chiếu phim ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm từ 50% đến 80% chi phí buổi chiếu phim ở các vùng nông thôn cho đội chiếu phim lưu động.

3. Cơ sở chiếu phim tư nhân chiếu phim lưu động phục vụ ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được thanh toán chi phí buổi chiếu như cơ sở chiếu phim nhà nước.

Điều 35. Phát sóng phim trên hệ thống truyền hình

Việc phát sóng phim trên hệ thống truyền hình phải bảo đảm các quy định sau đây:

1.[23] Phim có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình;

2. Bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và giờ phát sóng phim cho trẻ em theo quy định của Chính phủ.

Điều 36. Phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh

Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Giấy phép phổ biến phim

1. Phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất, phim nhập khẩu chỉ được phát hành, phổ biến khi đã có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phổ biến phim bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

b) Giấy chứng nhận bản quyền phim.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và phim trình duyệt, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

3.[24] Phim do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình sản xuất và nhập khẩu đã có quyết định phát sóng trên đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được phổ biến trên phạm vi cả nước.

Điều 38. Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim

1. Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[25] cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu của cơ sở điện ảnh thuộc trung ương, cơ sở điện ảnh thuộc địa phương và cơ sở điện ảnh tư nhân trong phạm vi cả nước, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Chính phủ giao cấp giấy phép phổ biến phim;

b)[26] Chính phủ căn cứ vào số lượng phim sản xuất và nhập khẩu của các cơ sở điện ảnh thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý mà quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu thuộc cơ sở sản xuất phim của địa phương mình, cơ sở điện ảnh tư nhân đóng trên địa bàn và phim xuất khẩu do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được cấp giấy phép hoạt động báo chí sản xuất đã có quyết định phát sóng;

c)[27] Người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình quyết định và chịu trách nhiệm việc phát sóng phim trên đài truyền hình của mình.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[28] có quyền thu hồi giấy phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim truyền hình; tạm đình chỉ, đình chỉ việc phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 11 của Luật này.

3. Việc cấp giấy phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định phim.

Điều 39. Hội đồng thẩm định phim

1. Thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định phim được quy định như sau:

a) Hội đồng thẩm định phim cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[29] thành lập;

b) Hội đồng thẩm định phim cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập;

c)[30] Hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình do người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình thành lập.

2. Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi.

3. Hội đồng thẩm định phim có từ năm thành viên trở lên, bao gồm đại diện cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim, đạo diễn, biên kịch và các thành viên khác.

4.[31] Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim quy định tại khoản 1 Điều 39.

Điều 40. Quảng cáo phim

1. Quảng cáo phim bao gồm quảng cáo về phim và quảng cáo trong phim.

2.[32] Việc quảng cáo về phim được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp sản xuất phim, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được giới thiệu những thông tin liên quan đến bộ phim trong quá trình chuẩn bị và sản xuất;

b) Doanh nghiệp sản xuất phim, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình không được chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

3. Việc quảng cáo trong phim được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Điều 41. Tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim

1. Việc tổ chức liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[33] có trách nhiệm tổ chức liên hoan phim quốc gia theo định kỳ và tổ chức liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội điện ảnh được tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[34] chấp thuận;

c) Cơ sở sản xuất phim có quyền tham dự liên hoan phim;

d)[35] Phim tham dự liên hoan phim phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình;

đ) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[36] chấp thuận.

2. Việc tham gia liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế và tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài được quy định như sau:

a)[37] Cơ sở sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được quyền tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài;

b)[38] Phim tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình;

c) Việc tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[39] chấp thuận.

3. Đơn đề nghị tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, tổ chức giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải ghi mục đích, phạm vi, thời gian, địa điểm tổ chức, danh mục phim và đối tượng tham gia.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[40] có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc chấp thuận, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 42. Tổ chức liên hoan phim truyền hình

1. Đài Truyền hình Việt Nam được tổ chức liên hoan phim truyền hình quốc gia và quốc tế tại Việt Nam.

2.[41] Đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình được tổ chức liên hoan phim truyền hình và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Thủ tục để được chấp thuận thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này.

3.[42] Phim tham gia liên hoan phim truyền hình phải có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

Điều 43. Văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam

1. Việc đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[43] cấp giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

a) Đơn đề nghị đặt văn phòng đại diện ghi mục đích, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, trụ sở, giám đốc văn phòng đại diện và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của cơ sở điện ảnh nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[44] có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

4. Văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam được giới thiệu về hoạt động điện ảnh của cơ sở mình theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 44. Văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài

1. Việc đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[45] chấp thuận.

2. Hồ sơ đề nghị đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài bao gồm:

a) Đơn đề nghị đặt văn phòng đại diện ghi mục đích, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, trụ sở, giám đốc văn phòng đại diện và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại;

b) Văn bản chấp thuận cho đặt văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại.

3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[46] có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc chấp thuận, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Chương VI: LƯU CHIỂU PHIM, LƯU TRỮ PHIM

Điều 45. Lưu chiểu phim

1. Cơ sở sản xuất phim, cơ sở nhập khẩu phim phải nộp một bản lưu chiểu bộ phim tại cơ quan cấp giấy phép phổ biến phim.

2. Phim sản xuất bằng vật liệu nào thì nộp lưu chiểu bằng vật liệu đó.

3. Đối với phim nhựa nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu phim nộp lưu chiểu bằng băng phim, đĩa phim được in sang từ bộ phim trình duyệt.

4. Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến, cơ quan nhận lưu chiểu quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm nộp bản phim lưu chiểu cho cơ sở lưu trữ phim.

Điều 46. Lưu trữ phim

1. Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến, cơ sở sản xuất phim tài trợ, đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước phải nộp lưu trữ vật liệu gốc bao gồm gốc hình, gốc tiếng, kịch bản và tài liệu kèm theo phim cho cơ sở lưu trữ phim.

2. Cơ sở lưu trữ phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[47] có trách nhiệm lưu trữ phim của các cơ sở điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[48] và phim của các bộ, ngành, địa phương được cấp giấy phép phổ biến trong mạng lưới chiếu phim.

3. Cơ sở lưu trữ phim thuộc bộ, ngành lưu trữ phim lưu hành nội bộ; cơ quan nghiên cứu khoa học lưu trữ phim của cơ quan mình.

4.[49] Cơ sở lưu trữ phim thuộc đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình lưu trữ phim của đài mình.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim

1. Bảo đảm an toàn phim, vật liệu gốc của phim và bảo quản đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

2. Tổ chức khai thác phim lưu trữ, cung cấp lại bản sao, in trích tư liệu cho cơ sở sản xuất phim có phim lưu trữ theo quy định của pháp luật.

3. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động bảo quản, lưu trữ, phục hồi, khai thác phim.

4. Mua những tác phẩm điện ảnh có giá trị trong nước và nước ngoài để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

5. Ngoài việc thực hiện những quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, cơ quan lưu trữ phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[50] quản lý được làm dịch vụ lưu trữ phim cho các cơ sở điện ảnh; được bán, cho thuê, phổ biến phim lưu trữ dịch vụ đã có giấy phép phổ biến theo sự thỏa thuận của chủ sở hữu phim; được in sang, nhân bản để bán, cho thuê, phổ biến phim lưu chiểu khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

Việc quản lý và sử dụng nguồn thu thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[51] và Bộ Tài chính.

Chương VII: THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 48. Thanh tra điện ảnh

1.[52] Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về điện ảnh.

2. Thanh tra điện ảnh có các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về điện ảnh;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về điện ảnh;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về điện ảnh.

3. Tổ chức và hoạt động của thanh tra điện ảnh được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Điều 49. Hành vi vi phạm trong sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim

1. Vi phạm quy định tại Điều 11 của Luật này.

2. Sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài không có giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[53] hoặc thực hiện không đúng nội dung quy định trong giấy phép.

4. Vi phạm quy định về ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim với chủ đầu tư hoặc với biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim.

5. Không trình duyệt phim để được cấp giấy phép trước khi phổ biến phim.

6.[54] Không thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, không tổ chức đấu thầu đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

Điều 50. Hành vi vi phạm trong phát hành phim

1.[55] Phát hành phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

2. Phát hành phim sau khi có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

3. Phát hành băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[56].

4. In sang, nhân bản phim để phát hành không có hợp đồng hoặc không theo đúng hợp đồng với chủ sở hữu phim.

5.[57] Xuất khẩu phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

6. Xuất khẩu băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[58].

7.[59] Nhập khẩu phim không đúng quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này.

8. Cho thuê, bán phim lưu hành nội bộ.

9. Quản lý và sử dụng phim nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học không đúng mục đích, cho người tham dự xem phim không đúng đối tượng.

Điều 51. Hành vi vi phạm trong phổ biến phim

1.[60] Chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

2. Chiếu phim, phát sóng phim đã có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

3. Rạp chiếu phim không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[61].

4. Cho phép trẻ em vào rạp chiếu phim để xem loại phim cấm trẻ em.

5. Không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tỷ lệ số buổi chiếu, thời lượng, giờ chiếu phim, phát sóng phim Việt Nam; thời lượng và giờ chiếu phim, phát sóng phim cho trẻ em.

Điều 52. Hành vi vi phạm trong lưu chiểu phim, lưu trữ phim

1. Cơ sở sản xuất phim, cơ sở nhập khẩu phim không nộp lưu chiểu hoặc nộp không đủ số lượng, không đúng chủng loại phim.

2. Cơ sở sản xuất phim không nộp lưu trữ vật liệu gốc của phim tài trợ, đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước hoặc nộp không đủ số lượng, không đúng chủng loại cho cơ sở lưu trữ phim trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

3. Cơ quan nhận lưu chiểu không nộp bản lưu chiểu cho cơ sở lưu trữ trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

4. Cơ sở lưu trữ phim không cung cấp lại bản sao, in trích tư liệu của phim cho cơ sở sản xuất phim theo quy định của pháp luật.

5. Cơ sở lưu trữ phim không bảo đảm an toàn phim, vật liệu gốc của phim và không bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ.

6.[62] Cơ sở lưu trữ phim bán, cho thuê phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim, chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

7. Cơ sở lưu trữ phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[63] quản lý in sang, nhân bản để bán, cho thuê, phổ biến phim lưu chiểu khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh; quản lý, sử dụng nguồn thu không theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch[64] và Bộ Tài chính.

Điều 53. Xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[65]

Điều 54. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Điều 55. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 5, 6, 11, 12,[66] 24, 30, 31, 33, 34, 35, 38, 41 và 53 của Luật này.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 

 


[1] Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11.”.

Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13, Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Luật Đê điều số 79/2006/QH11, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12, Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, Luật Báo chí số 103/2016/QH13, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh số 30/2013/QH13, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 71/2014/QH13, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12, Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13, Luật Dầu khí năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10 và Luật số 10/2008/QH12, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 92/2015/QH13, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12.”.

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đầu tư.”.

[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[4] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[5] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[7] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

[8] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

[9] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[10] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[11] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[12] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[13] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[14] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[15] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[16] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[17] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[18] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[19] Khoản này được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

[20] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[21] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[22] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[23] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[24] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[25] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[26] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[27] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[28] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[29] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[30] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[31] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[32] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[33] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[34] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[35] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[36] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[37] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[38] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[39] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[40] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[41] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[42] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[43] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[44] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[45] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[46] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[47] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[48] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[49] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 18 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[50] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[51] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[52] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[53] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[54] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 20 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[55] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[56] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[57] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[58] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[59] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[60] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 22 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[61] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[62] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 23 Điều 1 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[63] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[64] Cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” được thay thế bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” theo quy định tại Điều 2 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

[65] Điều 3 của Luật số 31/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2009 quy định như sau:

Điều 3

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2009.

2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.”.

Điều 31 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 quy định như sau:

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.”.

Điều 76 và Điều 77 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 quy định như sau:

Điều 76. Điều khoản thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 3 Điều 75 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020.

3. Luật Đầu tư số 67/2014/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 42/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH14.

4. Cá nhân là công dân Việt Nam được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác khi thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.

5. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu đến quy định về quyết định phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này.

Điều 77. Quy định chuyển tiếp

1. Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

2. Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật này đối với dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng và nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

c) Nhà đầu tư đã trúng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

d) Dự án được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này và nội dung điều chỉnh thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật này thì phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này.

4. Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này thì không phải ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ. Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Luật này.

5. Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi hơn điều kiện quy định tại Danh mục ban hành theo quy định tại Điều 9 của Luật này thì được tiếp tục áp dụng điều kiện theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

7. Quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này áp dụng đối với cả các dự án đầu tư được bàn giao đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các dự án đầu tư chưa được bàn giao đất.

8. Trường hợp pháp luật quy định thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng dự án đầu tư không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này thì nhà đầu tư không phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

9. Đối với địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (đối với các khu công nghiệp thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2014) để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp sau khi điều chỉnh quy hoạch phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp và bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

10. Việc chuyển tiếp đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định sau đây:

a) Quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài tại Giấy phép, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 thì hết hiệu lực;

b) Nhà đầu tư được cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để thực hiện đầu tư ra nước ngoài thuộc ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện theo quy định của Luật này thì được tiếp tục thực hiện theo Giấy phép, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã được cấp.

11. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hồ sơ hợp lệ đã tiếp nhận và quá thời hạn giải quyết nhưng chưa trả kết quả theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 42/2019/QH14 thì tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 42/2019/QH14.

12. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

[66] Số “14” và dấu “,” được bỏ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

1 260 25/06/2023