Chương II Thông tư 123/2012/TT-BTC: Phương pháp và căn cứ tính thuế
Số hiệu: | 123/2012/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 27/07/2012 | Ngày hiệu lực: | 10/09/2012 |
Ngày công báo: | 27/08/2012 | Số công báo: | Từ số 571 đến số 572 |
Lĩnh vực: | Thuế - Phí - Lệ Phí, Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
02/08/2014 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Điểm mới trong thi hành Luật Thuế TNDN
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN, Nghị định 124/2008/NĐ-CP và 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN.
Theo đó, việc xác định chi phí được trừ vào thu nhập chịu thuế có một số điểm mới như: tiền chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được trừ nếu như được ghi trong Hợp đồng lao động, Quy chế tài chính của công ty…; Khoản hoa hồng trả cho nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp không bị khống chế bởi giới hạn 10% phần chi vượt quá tổng số chi được trừ;…
Việc xác định doanh thu của doanh nghiệp cũng có nhiều điểm mới: Đối với hoạt động cho thuê tài sản mà doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN, nếu “lựa chọn” phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thuê bên thuê trả trước cho nhiều năm, thì việc xác định số thuế TNDN từng năm miễn thuế, giảm thuế là tổng số thuế TNDN của số năm trả tiền trước chia số năm bên thuê trả tiền trước; Đối với hoạt động kinh doanh sân gôn là tiền bán vé chơi gôn, bán thẻ hội viên là loại thẻ trả trước cho nhiều năm thì doanh thu làm căn cứ xác định tính thuế TNDN của từng năm là số tiền bán vé, thẻ thực thu chia cho số năm sử dụng thẻ ; ...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/9/2012 và thay thế các Thông tư 130/2008/TT-BTC, 177/2009/TT-BTC, 40/2010/TT-BTC, 18/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp |
= |
Thu nhập tính thuế |
x |
Thuế suất thuế TNDN |
Trường hợp doanh nghiệp nếu có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp |
= |
( |
Thu nhập tính thuế |
- |
Phần trích lập quỹ KH&CN |
) |
x |
Thuế suất thuế TNDN |
Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp ở ngoài Việt Nam thì doanh nghiệp được trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng. Kỳ tính thuế đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
3. Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
4. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại) thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng. Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà có thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thì doanh nghiệp được lựa chọn: Ưu đãi trong năm chuyển đổi kỳ tính thuế hoặc nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông của năm chuyển đổi kỳ tính thuế và hưởng ưu đãi thuế sang năm tiếp theo.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp A (DN A) kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 áp dụng theo năm dương lịch, đầu năm 2012 lựa chọn chuyển đổi sang năm tài chính từ ngày 01/4 năm này sang ngày 31/03 năm sau, thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm chuyển đổi (năm chuyển đổi 2012) được tính từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 31/03/2012 (3 tháng), kỳ tính thuế TNDN năm tiếp theo được tính từ ngày 01/04/2012 đến hết ngày 31/03/2013.
Ví dụ 2: Cũng trường hợp nêu trên nhưng DN A được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm tiếp theo), năm 2009 bắt đầu được miễn thuế thì DN A sẽ hưởng ưu đãi thuế như sau (miễn thuế năm 2009, 2010; giảm 50% thuế năm 2011, 2012, 2013).
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn giảm 50% thuế theo kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2012 thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm 50% thuế TNDN năm chuyển đổi và năm tính thuế tiếp theo (năm tài chính 2012 từ 1/4/2012 đến 31/3/2013).
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn không hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN đối với kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi 2012 (kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2012 kê khai nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông) thì doanh nghiệp được giảm 50% thuế TNDN năm tài chính 2012 (từ 1/4/2012 đến 31/3/2013) và năm tài chính 2013 (từ 1/4/2013 đến 31/3/2014).
5. Đơn vị sự nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ: 5%;
+ Đối với kinh doanh hàng hoá: 1%;
+ Đối với hoạt động khác (bao gồm cả hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật): 2%.
Ví dụ 3: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một (01) năm là 100 triệu đồng, đơn vị không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ như sau:
Số thuế TNDN phải nộp = 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.
6. Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
1. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước theo quy định.
Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế |
= |
Thu nhập chịu thuế |
- |
Thu nhập được miễn thuế |
+ |
Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế |
= |
Doanh thu |
- |
Chi phí được trừ |
+ |
Các khoản thu nhập khác |
Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 25%, không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, không được bù trừ với thu nhập hoặc lỗ của các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Trường hợp doanh nghiệp có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật thì được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hoá, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
a) Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Ví dụ 4: Doanh nghiệp A là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế. Hoá đơn giá trị gia tăng gồm các chỉ tiêu như sau:
Giá bán: 100.000 đồng.
Thuế GTGT (10%): 10.000 đồng.
Giá thanh toán : 110.000 đồng.
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 100.000 đồng.
b) Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.
Ví dụ 5: Doanh nghiệp B là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Hoá đơn bán hàng chỉ ghi giá bán là 110.000 đồng (giá đã có thuế GTGT).
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 110.000 đồng.
2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
a) Đối với hoạt động bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá cho người mua.
b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.
Trường hợp thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.
c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau:
a) Đối với hàng hoá, dịch vụ bán theo phương thức trả góp, trả chậm là tiền bán hàng hoá, dịch vụ trả tiền một lần, không bao gồm tiền lãi trả góp, tiền lãi trả chậm.
b) Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi; biếu, tặng, cho; tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hoá, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi; biếu, tặng, cho; tiêu dùng nội bộ.
c) Đối với hoạt động gia công hàng hoá là tiền thu về hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hoá.
d) Đối với hàng hoá của các đơn vị giao đại lý, ký gửi và nhận đại lý, ký gửi theo hợp đồng đại lý, ký gửi bán đúng giá hưởng hoa hồng được xác định như sau:
- Doanh nghiệp giao hàng hoá cho các đại lý (kể cả đại lý bán hàng đa cấp), ký gửi là tổng số tiền bán hàng hoá.
- Doanh nghiệp nhận làm đại lý, ký gửi bán hàng đúng giá quy định của doanh nghiệp giao đại lý, ký gửi là tiền hoa hồng được hưởng theo hợp đồng đại lý, ký gửi hàng hoá.
e) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
Doanh nghiệp căn cứ điều kiện thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ thực tế và việc xác định chi phí, có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:
- Là số tiền cho thuê tài sản của từng năm được xác định bằng (=) số tiền trả trước chia (:) số năm trả tiền trước.
- Là toàn bộ số tiền cho thuê tài sản của số năm trả tiền trước.
Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lựa chọn phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thuê bên thuê trả trước cho nhiều năm thì việc xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp từng năm miễn thuế, giảm thuế căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của số năm trả tiền trước chia (:) số năm bên thuê trả tiền trước.
g) Đối với hoạt động tín dụng, hoạt động cho thuê tài chính là tiền lãi cho vay, doanh thu về cho thuê tài chính phải thu phát sinh trong kỳ tính thuế.
h) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hoá, hành lý phát sinh trong kỳ tính thuế.
i) Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là số tiền cung cấp điện, nước sạch ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là ngày xác nhận chỉ số công tơ điện và được ghi trên hoá đơn tính tiền điện, tiền nước sạch.
Ví dụ 6: Hoá đơn tiền điện ghi chỉ số công tơ từ ngày 5/12 đến ngày 5/1. Doanh thu của hoá đơn này được tính vào tháng 1.
k) Đối với hoạt động kinh doanh sân gôn là tiền bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn và các khoản thu khác trong kỳ tính thuế được xác định như sau:
- Đối với hình thức bán vé, bán thẻ chơi gôn theo ngày, doanh thu kinh doanh sân gôn làm căn cứ xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp là số tiền thu được từ bán vé, bán thẻ phát sinh trong kỳ tính thuế.
- Đối với hình thức bán vé, bán thẻ hội viên loại thẻ trả trước cho nhiều năm, doanh thu làm căn cứ xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp của từng năm là số tiền bán thẻ thực thu được chia cho số năm sử dụng thẻ.
l) Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thu được do cung ứng dịch vụ bảo hiểm và hàng hoá, dịch vụ khác, kể cả phụ thu và phí thu thêm mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng chưa có thuế giá trị gia tăng, bao gồm:
- Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm:
Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm là số tiền phải thu về thu phí bảo hiểm gốc; thu phí nhận tái bảo hiểm; thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; thu phí quản lý đơn bảo hiểm; thu phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100% (không kể giám định hộ giữa các doanh nghiệp thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán độc lập) sau khi đã trừ đi các khoản phải chi để giảm thu như: hoàn phí bảo hiểm; giảm phí bảo hiểm; hoàn phí nhận tái bảo hiểm; giảm phí nhận tái bảo hiểm; hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.
Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của từng bên là tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm cho mỗi bên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đối với hợp đồng bảo hiểm thoả thuận trả tiền theo từng kỳ thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu phát sinh trong từng kỳ.
Trường hợp có thực hiện các nghiệp vụ thu hộ giữa các doanh nghiệp trực thuộc hoặc giữa doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế không bao gồm phần doanh thu thu hộ.
- Doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm: Các khoản thu hoa hồng môi giới bảo hiểm sau khi trừ các khoản hoa hồng môi giới bảo hiểm, giảm và hoàn hoa hồng môi giới bảo hiểm.
m) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu.
- Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
- Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
n) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:
- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.
- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.
- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hoá đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình theo quy định hiện hành.
- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hoá đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.
o) Đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng (casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược) là số tiền thu từ hoạt động này bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ số tiền đã trả thưởng cho khách.
p) Đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán là các khoản thu từ dịch vụ môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, phát hành chứng chỉ quỹ, dịch vụ tổ chức thị trường và các dịch vụ chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.
q) Đối với dịch vụ tài chính phái sinh là số tiền thu từ việc cung ứng các dịch vụ tài chính phái sinh thực hiện trong kỳ tính thuế.
1. Trừ các khoản chi nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần bồi thường do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật.
a) Hồ sơ đối với tài sản, hàng hoá bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Văn bản của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý giải trình về tài sản, hàng hoá bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn.
- Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hoá bị tổn thất do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hoá tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hoá bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hoá có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hoá bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Văn bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra sự việc thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn là trong thời gian đó có xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
b) Hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Hồ sơ đối với hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Văn bản của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý giải trình về hàng hoá bị bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên.
- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hoá bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị hàng hoá hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hoá bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hoá có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hoá bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
c) Doanh nghiệp gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý văn bản giải trình về tài sản, hàng hoá bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn; hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên không được bồi thường chậm nhất khi nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của năm xảy ra tài sản, hàng hóa bị tổn thất, bị hư hỏng. Các hồ sơ khác (bao gồm Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hoá bị tổn thất, bị hư hỏng; Văn bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế; Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có); Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có) và các tài liệu khác) được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Riêng tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề; bể chứa nước sạch, nhà để xe, xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh được thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
c) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.
d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao (ví dụ: thông báo lựa chọn thực hiện phương pháp khấu hao đường thẳng...). Hàng năm doanh nghiệp tự quyết định mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định kể cả trường hợp khấu hao nhanh (nếu đáp ứng điều kiện).
Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được trích khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi.
Tài sản cố định góp vốn, tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản cố định này được tính khấu hao vào chi phí được trừ theo nguyên giá đánh giá lại. Đối với loại tài sản khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định có góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình và tài sản này có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản này được tính vào chi phí được trừ theo giá đánh giá lại.
Đối với tài sản cố định tự làm nguyên giá tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ là tổng các chi phí sản xuất để hình thành nên tài sản đó.
Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 2 năm.
e) Phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới đăng ký sử dụng và hạch toán trích khấu hao tài sản cố định từ ngày 01/01/2009 trở đi (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch.
Ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn là các ô tô được đăng ký tên doanh nghiệp mà doanh nghiệp này trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký một trong các ngành nghề: vận tải hành khách, du lịch, kinh doanh khách sạn và được cấp phép kinh doanh quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh vận tải, hành khách, du lịch, khách sạn.
Tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch là tàu bay dân dụng, du thuyền của các doanh nghiệp đăng ký và hạch toán trích khấu hao tài sản cố định nhưng trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp không đăng ký ngành nghề vận tải hàng hoá, vận tải hành khách, du lịch.
g) Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị.
h) Khấu hao đối với công trình trên đất vừa sử dụng cho sản xuất kinh doanh vừa sử dụng cho mục đích khác thì không được tính khấu hao vào chi phí được trừ đối với giá trị công trình trên đất tương ứng phần diện tích không sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp công trình trên đất như trụ sở văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được xây dựng trên đất thuê, đất mượn của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (không trực tiếp thuê đất của nhà nước hoặc thuê đất trong khu công nghiệp) doanh nghiệp chỉ được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ theo đúng mức trích khấu hao tài sản cố định quy định hiện hành của Bộ Tài chính đối với các công trình này nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Có hợp đồng thuê đất, mượn đất giữa doanh nghiệp với đơn vị có đất và đại diện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hợp đồng.
- Hóa đơn thanh toán khối lượng công trình xây dựng bàn giao kèm theo hợp đồng xây dựng công trình, thanh lý hợp đồng, quyết toán giá trị công trình xây dựng mang tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp .
- Công trình trên đất được quản lý, theo dõi hạch toán theo quy định hiện hành về quản lý tài sản cố định.
i) Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.
k) Quyền sử dụng đất lâu dài không được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật, có tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp doanh nghiệp mua tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là tài sản cố định vô hình; Tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản cố định hữu hình vào sử dụng. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá ghi trên hợp đồng mua bất động sản (tài sản) phù hợp với giá thị trường nhưng không được thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm mua tài sản. Trường hợp doanh nghiệp mua tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài không tách riêng được giá trị quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng được xác định theo giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm mua tài sản.
2.3. Chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá phần vượt mức tiêu hao hợp lý.
Doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Định mức này được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm và lưu tại doanh nghiệp đồng thời xuất trình đầy đủ với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Riêng định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 03 tháng đầu năm hoặc 03 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh (đối với doanh nghiệp mới thành lập hoặc trường hợp doanh nghiệp có bổ sung sản xuất những sản phẩm mới mà sản phẩm này thuộc diện phải thông báo định mức nhưng chưa được thông báo). Danh mục định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định.
Trường hợp doanh nghiệp trong thời gian sản xuất kinh doanh có điều chỉnh, bổ sung định mức tiêu hao nguyên vật liệu đã thông báo với cơ quan thuế thì phải thông báo lại cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết. Thời hạn cuối cùng của việc thông báo cho cơ quan thuế việc điều chỉnh, bổ sung định mức tiêu hao là thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của năm quyết toán. Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hoá Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành. Trường hợp doanh nghiệp không thông báo định mức cho cơ quan thuế đúng thời hạn quy định thì cơ quan thuế khi thanh tra, kiểm tra có quyền ấn định chi phí nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá. Việc ấn định chi phí nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá được căn cứ theo pháp luật về quản lý thuế.
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp: mua hàng hoá là nông sản, lâm sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và một số dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanh.
Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Trường hợp giá mua hàng hoá, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các khoản tiền thưởng, tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
- Trường hợp hợp đồng lao động của doanh nghiệp ký với lao động là người nước ngoài có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công, khoản chi này không trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp hợp đồng lao động của doanh nghiệp ký với người lao động có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công, không trái với các quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm bảo đảm việc trả lương không bị gián đoạn và không được sử dụng vào mục đích khác. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương nhưng đến ngày 31/12 của năm sau doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải ghi giảm chi phí của năm sau.
Ví dụ 7: Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2011 DN A có trích quỹ dự phòng tiền lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2012, DN A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2011 là 7 tỷ đồng thì DN A phải ghi giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2012) là 3 tỷ đồng (10 tỷ – 7 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2012 nếu DN A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định.
d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.
2.6. Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hoá đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính.
2.7. Chi thưởng sáng kiến, cải tiến mà doanh nghiệp không có quy chế quy định cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến, cải tiến, không có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến.
2.8. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động; Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài vượt quá 02 lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.
2.9. Các khoản chi sau không đúng đối tượng, không đúng mục đích hoặc mức chi vượt quá quy định.
a) Các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ bao gồm:
- Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Khoản chi này bao gồm: học phí (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học).
- Chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý.
- Chi phí tổ chức khám sức khoẻ thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.
- Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai.
- Phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp vì lý do khách quan người lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con, nghỉ cho con bú mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp được trả theo chế độ hiện hành; kể cả trường hợp trả lương theo sản phẩm mà lao động nữ vẫn làm việc trong thời gian không nghỉ theo chế độ.
b) Các khoản chi thêm cho người dân tộc thiểu số được tính vào chi phí được trừ bao gồm: học phí đi học (nếu có) cộng chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học); tiền hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trong trường hợp chưa được Nhà nước hỗ trợ theo chế độ quy định.
2.10. Phần trích nộp các quỹ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định; phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động vượt mức quy định.
2.11. Khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật được phép trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm); khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng chế độ hiện hành.
2.12. Chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên.
Phần chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (các Hiệp hội này được thành lập theo quy định của pháp luật) vượt quá mức quy định của Hiệp hội.
2.13. Chi trả tiền điện, tiền nước đối với những hợp đồng điện nước do chủ sở hữu cho thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh ký trực tiếp với đơn vị cung cấp điện, nước không có đủ chứng từ thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp thuê địa điểm sản xuất kinh doanh trực tiếp thanh toán tiền điện, nước cho nhà cung cấp điện, nước không có bảng kê (theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo các hoá đơn thanh toán tiền điện, nước và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
b) Trường hợp doanh nghiệp thuê địa điểm sản xuất kinh doanh thanh toán tiền điện, nước với chủ sở hữu cho thuê địa điểm kinh doanh không có bảng kê (theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo chứng từ thanh toán tiền điện, nước đối với người cho thuê địa điểm sản xuất kinh doanh phù hợp với số lượng điện, nước thực tế tiêu thụ và hợp đồng thuê địa điểm sản xuất kinh doanh.
2.14. Phần chi phí thuê tài sản cố định vượt quá mức phân bổ theo số năm mà bên đi thuê trả tiền trước.
Ví dụ 8: Doanh nghiệp A thuê tài sản cố định trong 4 năm với số tiền thuê là: 400 triệu đồng và thanh toán một lần. Chi phí thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí hàng năm là 100 triệu đồng. Chi phí thuê tài sản cố định hàng năm vượt trên 100 triệu đồng thì phần vượt trên 100 triệu đồng không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế.
Đối với chi phí sửa chữa tài sản cố định đi thuê mà trong hợp đồng thuê tài sản quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê thì chi phí sửa chữa tài sản cố định đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí nhưng thời gian tối đa không quá 03 năm.
Trường hợp doanh nghiệp có chi các khoản chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định: chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh... thì các khoản chi này được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng tối đa không quá 03 năm.
2.15. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
2.16. Chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh.
2.17. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng.
2.18. Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết.
Các khoản trích trước bao gồm: trích trước về sửa chữa lớn tài sản cố định theo chu kỳ, các khoản trích trước đối với hoạt động đã hạch toán doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng (kể cả trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài sản trong nhiều năm nhưng có thu tiền trước và đã hạch toán toàn bộ vào doanh thu của năm thu tiền) và các khoản trích trước khác.
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh đã ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh đầy đủ chi phí thì được trích trước các khoản chi phí theo quy định vào chi phí được trừ tương ứng với doanh thu đã ghi nhận khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp phải tính toán xác định chính xác số chi phí thực tế căn cứ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp thực tế đã phát sinh để điều chỉnh tăng chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số đã trích trước) hoặc giảm chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh nhỏ hơn số đã trích trước) vào kỳ tính thuế kết thúc hợp đồng.
Đối với những tài sản cố định việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí được trừ số chênh lệch này.
2.19. Phần chi vượt quá 10% tổng số chi được trừ, bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra;
Các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới bị khống chế nêu trên không bao gồm:
- Khoản hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; hoa hồng trả cho các đại lý bán hàng hóa, dịch vụ đúng giá.
- Khoản hoa hồng trả cho nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp. Đối với tổ chức nhận được khoản hoa hồng thì phải kê khai tính vào thu nhập chịu thuế, đối với cá nhân nhận được hoa hồng thì phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập.
- Các khoản chi phát sinh trong nước hoặc ngoài nước (nếu có) như: Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
- Chi báo biếu, báo tặng cho các đối tượng là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh; cán bộ, chiến sĩ ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Mức giới hạn chi phí được trừ không vượt quá 15% trong 3 năm đầu không áp dụng đối với doanh nghiệp được thành lập mới do hợp nhất, chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu.
2.20. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế).
Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ tài chính về xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp.
2.21. Chi tài trợ cho giáo dục không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
a) Tài trợ cho giáo dục gồm: tài trợ cho các trường học công lập, dân lập và tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của pháp luật về giáo dục mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các trường học; Tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động của trường học; Tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của trường; Tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sở giáo dục đại học được quy định tại Luật Giáo dục trực tiếp cho học sinh, sinh viên hoặc thông qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật; Tài trợ cho các cuộc thi về các môn học được giảng dạy trong trường học mà đối tượng tham gia dự thi là người học; tài trợ để thành lập các Quỹ khuyến học giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo.
b) Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho giáo dục gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện cơ sở kinh doanh là nhà tài trợ, đại diện của cơ sở giáo dục hợp pháp là đơn vị nhận tài trợ, học sinh, sinh viên (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) nhận tài trợ (theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này); kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
2.22. Chi tài trợ cho y tế không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
a) Tài trợ cho y tế gồm: tài trợ cho các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật về y tế mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các bệnh viện, trung tâm y tế đó; tài trợ thiết bị y tế, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh; tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của bệnh viện, trung tâm y tế; chi tài trợ bằng tiền cho người bị bệnh thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
b) Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho y tế gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của đơn vị nhận tài trợ (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) theo mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
2.23. Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
a) Tài trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai gồm: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiên tai trực tiếp cho tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; cá nhân bị thiệt hại do thiên tai thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
b) Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
2.24. Chi tài trợ làm nhà tình nghĩa cho người nghèo không đúng đối tượng quy định tại tiết a điểm này hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ nêu tại tiết b dưới đây:
a) Đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức tài trợ: tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật để xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo bằng cách trực tiếp hoặc thông qua một cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định của pháp luật.
b) Hồ sơ xác định khoản tài trợ làm nhà tình nghĩa cho người nghèo gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, người được hưởng tài trợ (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là bên nhận tài trợ (theo mẫu số 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này); văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương; kèm theo hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
2.25. Phần chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức chi phí tính theo công thức sau:
Chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam trong kỳ tính thuế |
= |
Doanh thu tính thuế của cơ sở thường trú tại Việt Nam trong kỳ tính thuế |
X |
Tổng số chi phí quản lý kinh doanh của công ty ở nước ngoài trong kỳ tính thuế. |
Tổng doanh thu của công ty ở nước ngoài, bao gồm cả doanh thu của các cơ sở thường trú ở các nước khác trong kỳ tính thuế |
Các khoản chi phí quản lý kinh doanh của công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ được tính từ khi cơ sở thường trú tại Việt Nam được thành lập.
Căn cứ để xác định chi phí và doanh thu của công ty ở nước ngoài là báo cáo tài chính của công ty ở nước ngoài đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập trong đó thể hiện rõ doanh thu của công ty ở nước ngoài, chi phí quản lý của công ty ở nước ngoài, phần chi phí quản lý công ty ở nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cơ sở thường trú của công ty ở nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ; chưa thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai thì không được tính vào chi phí hợp lý khoản chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ.
2.26. Các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác; Các khoản chi đã được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
2.27. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế.
Trường hợp doanh nghiệp có các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhâp chịu thuế.
2.28. Các khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, kinh doanh chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
2.29. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.
2.30. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định; chi ủng hộ địa phương; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội; chi từ thiện trừ khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo nêu tại điểm 2.21, 2.22, 2.23, 2.24 Khoản 2 Điều này; chi phí mua thẻ hội viên sân gôn, chi phí chơi gôn.
Khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh các khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (không phải là các khoản chi đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định) mà các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
2.31. Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế; thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân.
- Thuế thu nhập cá nhân không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là số tiền thuế do doanh nghiệp khấu trừ trên thu nhập của người nộp thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập cá nhân thì thuế thu nhập cá nhân doanh nghiệp nộp thay là khoản chi phí tiền lương được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thay nhà thầu nước ngoài (thuế nhà thầu) được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong trường hợp thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế nhà thầu).
Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:
1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán theo hướng dẫn tại Chương IV Thông tư này.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo hướng dẫn tại Chương V Thông tư này.
3. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); thu nhập từ chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật.
4. Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm cả tiền thu về bản quyền dưới mọi hình thức trả cho quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu về quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật. Cho thuê tài sản dưới mọi hình thức.
Thu nhập từ tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được xác định bằng tổng số tiền thu được trừ (-) giá vốn hoặc chi phí tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ được chuyển giao, trừ (-) chi phí duy trì, nâng cấp, phát triển quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ được chuyển giao và các khoản chi được trừ khác.
Thu nhập về cho thuê tài sản được xác định bằng doanh thu từ hoạt động cho thuê trừ (-) các khoản chi: chi phí khấu hao, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, chi phí thuê tài sản để cho thuê lại (nếu có) và các chi được trừ khác có liên quan đến việc cho thuê tài sản.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác. Khoản thu nhập này được xác định bằng (=) doanh thu thu được do chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản trừ (-) giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, thanh lý ghi trên sổ sách kế toán tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý và các khoản chi phí được trừ liên quan đến việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản.
6. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.
7. Thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ: bằng tổng số tiền thu từ bán ngoại tệ trừ (-) tổng giá mua của số lượng ngoại tệ bán ra.
8. Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá, được xác định cụ thể như sau:
Trong năm tính thuế doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì:
- Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác.
- Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.
Các khoản chênh lệch tỷ giá nêu trên không bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ.
9. Hoàn nhập các khoản dự phòng (trừ hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ khó đòi; Hoàn nhập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá đã trích nhưng hết thời gian trích lập không sử dụng hoặc sử dụng không hết; Hoàn nhập trích lập quỹ dự phòng tiền lương).
10. Khoản nợ khó đòi đã xoá nay đòi được.
11. Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.
12. Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra.
13. Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng phát sinh cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác.
Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng phát sinh thấp hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính giảm trừ vào thu nhập khác. Trường hợp đơn vị trong năm không phát sinh thu nhập khác thì được giảm trừ vào thu nhập hoạt động sản xuất kinh doanh.
14. Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, được xác định cụ thể như sau:
Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất) là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán và tính một lần vào thu nhập khác trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại.
Chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất để điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; để góp vốn vào các dự án đầu tư xây dựng nhà, hạ tầng để bán tính một lần vào thu nhập khác trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại doanh nghiệp có quyền sử dụng đất đánh giá lại.
Riêng chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất góp vốn vào doanh nghiệp để thực hiện sản xuất kinh doanh được tính dần vào thu nhập khác của doanh nghiệp có quyền sử dụng đất đánh giá lại trong thời gian tối đa không quá 10 năm bắt đầu từ năm giá trị quyền sử dụng đất được đem góp vốn. Doanh nghiệp phải có thông báo số năm doanh nghiệp phân bổ vào thu nhập khác khi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm bắt đầu kê khai khoản thu nhập này (năm có đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất đem góp vốn). Trường hợp nếu bên góp vốn thực hiện chuyển nhượng vốn góp trước thời hạn 10 năm thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào thu nhập kinh doanh bất động sản trong kỳ.
Chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất bao gồm: Đối với quyền sử dụng đất lâu dài là chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại và giá trị của quyền sử dụng đất ghi trên sổ sách kế toán; Đối với quyền sử dụng đất có thời hạn là chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại và giá trị còn lại chưa phân bổ của quyền sử dụng đất.
Doanh nghiệp nhận tài sản góp vốn, nhận tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được trích khấu hao hoặc phân bổ dần vào chi phí theo giá đánh giá lại (trừ trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không được trích khấu hao hoặc phân bổ vào chi phí theo quy định).
15. Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác.
16. Tiền đền bù về tài sản cố định trên đất và tiền hỗ trợ di dời sau khi trừ các khoản chi phí liên quan như chi phí di dời (chi phí vận chuyển, lắp đặt), giá trị còn lại của tài sản cố định và các chi phí khác (nếu có). Riêng tiền đền bù về tài sản cố định trên đất và tiền hỗ trợ di dời của các doanh nghiệp di chuyển địa điểm theo quy hoạch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà giá trị của các khoản hỗ trợ, đền bù sau khi trừ các chi phí liên quan (nếu có) thì phần còn lại doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
17. Các khoản thu nhập liên quan đến việc tiêu thụ hàng hoá, cung cấp dịch vụ không tính trong doanh thu như: thưởng giải phóng tàu nhanh, tiền thưởng phục vụ trong ngành ăn uống, khách sạn sau khi đã trừ các khoản chi phí để tạo ra khoản thu nhập đó.
18. Thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm sau khi đã trừ chi phí thu hồi và chi phí tiêu thụ, được xác định cụ thể như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất của các sản phẩm đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập này được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất của các sản phẩm không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập nhập này được tính vào thu nhập khác, không được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
19. Khoản tiền hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hoá đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh trong năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tính giảm trừ chi phí trong năm quyết toán. Trường hợp khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hoá đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh của các năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trước thì tính vào thu nhập khác của năm quyết toán. Khoản thu nhập này liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập này được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản thu nhập này không liên quan trực tiếp lĩnh vực sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập khác, không được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
20. Các khoản thu nhập từ các hoạt động góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế trong nước được chia từ thu nhập trước khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
21. Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài.
- Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước ngoài, thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo qui định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt nam, kể cả trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập theo qui định của nước doanh nghiệp đầu tư. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để tính và kê khai thuế đối với các khoản thu nhập từ nước ngoài là 25%, không áp dụng mức thuế suất ưu đãi (nếu có) mà doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài đang được hưởng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Cơ quan thuế có quyền ấn định thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với các trường hợp vi phạm qui định về kê khai, nộp thuế.
- Trường hợp khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc một loại thuế có bản chất tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp) ở nước ngoài, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài hoặc đã được đối tác nước tiếp nhận đầu tư trả thay (kể cả thuế đối với tiền lãi cổ phần), nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo qui định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Số thuế thu nhập doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài được miễn, giảm đối với phần lợi nhuận được hưởng từ dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp của nước doanh nghiệp đầu tư cũng được trừ khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt nam.
Hồ sơ đính kèm khi kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm:
+ Văn bản của doanh nghiệp về việc phân chia lợi nhuận của dự án đầu tư tại nước ngoài.
+ Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận.
+ Tờ khai thuế thu nhập của doanh nghiệp thuộc dự án đầu tư tại nước ngoài (bản sao có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của dự án đầu tư tại nước ngoài);
+ Biên bản quyết toán thuế đối với doanh nghiệp (nếu có);
+ Xác nhận số thuế đã nộp tại nước ngoài hoặc chứng từ chứng minh số thuế đã nộp ở nước ngoài.
- Trường hợp dự án đầu tư tại nước ngoài chưa phát sinh thu nhập chịu thuế (hoặc đang phát sinh lỗ), khi kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chỉ phải nộp Báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập hoặc của cơ quan có thẩm quyền của nước doanh nghiệp đầu tư và Tờ khai thuế thu nhập của dự án đầu tư tại nước ngoài (nộp 1 bản sao có xác nhận của đại diện có thẩm quyền của dự án đầu tư tại nước ngoài và có đóng dấu của doanh nghiệp). Số lỗ phát sinh từ dự án đầu tư ở nước ngoài không được trừ vào số thu nhập phát sinh của doanh nghiệp trong nước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài được kê khai vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tiếp sau năm tài chính phát sinh khoản thu nhập tại nước ngoài hoặc kê khai vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tài chính cùng với năm phát sinh khoản thu nhập tại nước ngoài nếu doanh nghiệp có đủ cơ sở và chứng từ xác định được số thu nhập và số thuế thu nhập đã nộp của dự án đầu tư tại nước ngoài.
Đối với khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư tại nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài kê khai và nộp thuế theo qui định tại Hiệp định.
22. Các khoản thu nhập nhận được bằng tiền hoặc hiện vật từ các nguồn tài trợ trừ khoản tài trợ nêu tại Khoản 7 Điều 8.
23. Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
2. Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp gồm: thu nhập từ dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng; dịch vụ phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
3. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thu nhập từ doanh thu bán sản phẩm trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm và thu nhập từ doanh thu bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, kể cả thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs). Thời gian miễn thuế tối đa không quá một (01) năm, kể từ ngày bắt đầu thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ngày bắt đầu sản xuất thử nghiệm sản phẩm; ngày bắt đầu áp dụng công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm; ngày bắt đầu được cấp chứng chỉ giảm phát thải (CERs).
a) Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn thuế phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có chứng nhận đăng ký hoạt động nghiên cứu khoa học;
- Được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận;
b) Thu nhập từ doanh thu bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam được miễn thuế phải đảm bảo công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận.
c) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) được miễn thuế phải đảm bảo khi bán hoặc chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) phải được cơ quan có thẩm quyền về môi trường xác nhận theo quy định.
4. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma tuý, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp.
Thu nhập được miễn thuế quy định tại Khoản này không bao gồm thu nhập khác quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế quy định tại Khoản này là doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên và không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp có thu nhập được miễn thuế theo quy định tại Khoản này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh) phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người khuyết tật.
b) Đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy phải có giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện của các cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền liên quan.
c) Đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nhiễm HIV phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người nhiễm HIV.
5. Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Trường hợp cơ sở dạy nghề có cả đối tượng khác thì phần thu nhập được miễn thuế được xác định tương ứng với tỷ lệ học viên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS trong tổng số học viên.
Thu nhập từ hoạt động dạy nghề được miễn thuế tại Khoản này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Cơ sở dạy nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của các văn bản hướng dẫn về dạy nghề.
- Có danh sách các học viên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS.
6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được miễn thuế, giảm thuế.
Ví dụ 9: Doanh nghiệp B nhận vốn góp của doanh nghiệp A. Thu nhập trước thuế tương ứng với phần vốn góp của doanh nghiệp A trong doanh nghiệp B là 100 triệu đồng.
- Trường hợp 1: Doanh nghiệp B không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và doanh nghiệp B đã nộp đủ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả khoản thu nhập của doanh nghiệp A nhận được thì thu nhập mà doanh nghiệp A nhận được từ hoạt động góp vốn là 75 triệu đồng [(100 triệu – (100 triệu x 25%)], doanh nghiệp A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 75 triệu đồng này.
- Trường hợp 2: Doanh nghiệp B được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và doanh nghiệp B đã nộp đủ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả khoản thu nhập của doanh nghiệp A nhận được theo số thuế thu nhập được giảm thì thu nhập mà doanh nghiệp A nhận được từ hoạt động góp vốn là 87,5 triệu đồng [100 triệu – (100 triệu x 25% x 50%)], doanh nghiệp A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 87,5 triệu đồng này.
- Trường hợp 3: Doanh nghiệp B được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì thu nhập mà doanh nghiệp A nhận được từ hoạt động góp vốn là 100 triệu đồng, doanh nghiệp A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với 100 triệu đồng này.
7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất 25% trên số tiền nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích.
Tổ chức nhận tài trợ quy định tại Khoản này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê.
1. Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập chịu thuế.
2. Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập chịu thuế của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.
Ví dụ 10: Năm 2011 DN A có phát sinh lỗ là 10 tỷ đồng, năm 2012 DN A có phát sinh thu nhập chịu thuế là 12 tỷ đồng thì toàn bộ số lỗ phát sinh năm 2011 là 10 tỷ đồng, DN A phải chuyển toàn bộ vào thu nhập chịu thuế năm 2012.
Ví dụ 11: Năm 2011 DN B có phát sinh lỗ là 20 tỷ đồng, năm 2012 DN B có phát sinh thu nhập chịu thuế là 15 tỷ đồng thì:
+ DN B phải chuyển toàn bộ số lỗ 15 tỷ đồng vào thu nhập chịu thuế năm 2012;
+ Số lỗ còn lại 5 tỷ đồng, DN B phải theo dõi và chuyển toàn bộ liên tục theo nguyên tắc chuyển lỗ của năm 2011 nêu trên vào các năm tiếp theo, nhưng tối đa không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Doanh nghiệp có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.
- Doanh nghiệp tự xác định số lỗ được trừ vào thu nhập chịu thuế theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ thì số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xác định số lỗ doanh nghiệp được chuyển khác với số lỗ do doanh nghiệp tự xác định thì số lỗ được chuyển xác định theo kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhưng đảm bảo chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định.
Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.
3. Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu (kể cả giao, bán doanh nghiệp Nhà nước), sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền. Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập chịu thuế cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
1. Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự xác định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ theo quy định trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hàng năm nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ thì doanh nghiệp phải lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ và kê khai mức trích lập, số tiền trích lập vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ được nộp cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 5 năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Số tiền sử dụng không đúng mục đích thì sẽ không được tính vào tổng số tiền sử dụng cho mục đích phát triển khoa học và công nghệ.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập quỹ.
- Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm.
3. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Các khoản chi từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
4. Doanh nghiệp không được tính các khoản đã chi từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế. Trường hợp doanh nghiệp có chi đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp từ quỹ phát triển khoa học công nghệ mà không đủ thì phần chênh lệch còn lại giữa số thực chi và số đã trích quỹ sẽ được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế.
5. Doanh nghiệp đang hoạt động mà có sự thay đổi về hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc thay đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập.
Doanh nghiệp nếu có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng hết khi chia, tách thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc chia, tách được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chia, tách. Việc phân chia Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan thuế.
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi.
2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam từ 32% đến 50%. Căn cứ vào vị trí khai thác, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ doanh nghiệp có dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể cho từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (trừ dầu khí) áp dụng thuế suất 50%; Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 40%.
Tài nguyên quý hiếm tại khoản này bao gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm.
METHOD AND GROUND FOR TAX CALCULATION
Article 3. Method of tax calculation
1. The tax amount the enterprise must pay in the tax period by chargeable income multiplied by the tax rate.
The payable enterprise income tax is determined by the following formula:
Payable enterprise income tax amount |
= |
Chargeable income |
x |
Tax rate of enterprise income tax |
Where enterprise deducts the fund for scientific and technological development, the payable enterprise income tax shall be determined as follows:
Payable enterprise income tax amount |
= |
( |
Chargeable income |
- |
Deduction of science and technology fund |
) |
x |
Tax rate of enterprise income tax |
Where the enterprise has paid the enterprise income tax or tax similar to the enterprise income tax outside Vietnam, this enterprise shall be deducted from the amount of tax the enterprise has been paid but not exceeding the maximum amount of payable enterprise income under the provisions of the Law on Enterprise Income Tax.
2. Tax period is determined by calendar year. Where enterprises apply the fiscal year different from the calendar year, the tax period shall be determined by the applicable fiscal year. The first tax period for newly established enterprises and the last tax period for enterprises transforming type of enterprise, form of ownership transformation, merger, separation, dissolution, bankruptcy is determined in accordance with the accounting period as prescribed by the law on accounting.
3. Where the tax period of the first year of newly established enterprise since being granted the certificate of enterprise registration or certificate of business registration or Permit of establishment or Certificate of investment and the tax period of the last year for enterprise transforming the type of enterprise, form of ownership, consolidation, merger, division, separation, dissolution, bankruptcy is shorter than 03 months, it shall be added to the tax period of year next (for newly established enterprises) or tax period the previous year (for enterprises transforming type of enterprise, form of ownership conversion, consolidation, merger, separation, dissolution and bankruptcy) to form a tax period of enterprise income. The tax period of enterprise income of the first year or the tax period of enterprise income of the last year shall not exceed 15 months.
4. Where enterprises convert their tax period of enterprise income (including the conversion of tax period from calendar year to fiscal year or vice versa), the tax period of the converting year must not exceed 12 months. If an enterprise enjoying enterprise income tax incentives converts its tax period, it may choose: enjoying incentives in the year of tax period conversion, or paying tax at the common rate in the year of tax period conversion and enjoy tax incentives in the succeeding year.
Example 1: For enterprise A, the tax period in 2011 is the calendar year. At the beginning of 2012, it converts to the fiscal year from April 01 this year to March 31 of the following year, the tax period of the year of conversion ( 2012) from the January 01, 2012 by the end of March 31, 2012 (3 months). The tax period of the following year shall start from April 01, 2012 by the end of March 31, 2013..
Example 2: In the same case, but enterprise A enjoys the preferential enterprise income tax (2 years tax exemption of , 50% reduction of enterprise income tax in the next 3 years), and the tax exemption starts in 2009, then enterprise A shall enjoy the preferential tax as follows: tax exemption in 2009, 2010; 50% reduction in tax in 2011, 2012 and 2013.
If the enterprise chooses 50% reduction in enterprise income tax in the tax period of the year of conversion 2012, it shall continue the enjoy 50% reduction in enterprise income tax of the year of conversion and the subsequent tax year (fiscal year 2012 from April 01, 2012 to March 31, 2013).
If the enterprise does not choose 50% reduction in enterprise income tax in the tax period of the year of conversion 2012 (the tax is declared and paid at the common rate in the year of conversion 2012), the enterprise shall enjoy 50% reduction in enterprise income tax in the fiscal year 2012 (from April 01 to March 31, 2013) and the fiscal year 2013 (from April 01, 2013 to March 31, 2014).
5. Non-business units which have the activities of goods and services business subject to enterprise income tax but these units can account the revenue but can not account and determine the cost and income of the business operation shall declare and pay enterprise income tax by the rate% on the revenue of sales of goods and services, as follows:
+ For services: 5%
+ For goods business: 1%
+ For other activities (including activities of education, health, art performance): 2%
Example 3: Non-business unit A has the activity of house letting, the revenue from the house letting in one (01) year is 100 million VND, the unit does not account and determine the cost and income from the above house letting because the unit has chosen to declare and pay enterprise income tax at the rate% on the revenue of sales of goods and services as follows:
Payable enterprise income tax amount = 100,000,000 VND x 5% = 5,000,000 VND
6. Enterprises which have the revenues, expenses, taxable income and chargeable income in foreign currency must convert the foreign currency into VND at the average exchange rate on the inter-bank foreign exchange market announced by the State Bank of Vietnam the country at the time of the arising of turnover, expenses, taxable income and chargeable income in foreign currency, unless otherwise provided by law. For the foreign currency without currency exchange rate with Vietnam VND must be converted via a foreign currency with the exchange rate with VND.
Article 4. Determination of chargeable income
1. The chargeable income in tax period is determined by the taxable income minus tax exemption income and the losses carried forward from previous years as prescribed.
Chargeable income is determined by the following formula:
Chargeable income |
= |
Taxable income |
- |
tax exemption income |
+ |
Losses carried forward as prescribed |
2. Taxable income
Taxable income in tax period includes income from activities of production and business of goods and services and other incomes
Taxable income in tax period is determined as follows:
Taxable income |
= |
Revenue |
- |
Deductible expenses |
+ |
Other incomes |
Income from activities of production and business of goods and services with the revenue of activities of production and business of goods and services minus deductible expenses of those activities of production and business of goods and services. Enterprise has a lot of activities of production and business and applies different tax rate, it has to separately calculate the income of each activity multiplied by the corresponding tax rate.
The incomes from real estate transfer, project transfer (not attached to the transfer of the right to use or to rent land); incomes from the transfer of the right to execute the project, the right to carry out mineral resources exploration, extraction and processing as prescribed by law, must be separately recorded to declare and pay enterprise income tax at the rate of 25%, and are not eligible for enterprise income tax incentives, and must not be offset against the income or losses of other business and production.. When an enterprise engages in real estate transfer, project transfer (not attached to the transfer of the right to use or to rent land); incomes from the transfer of the right to execute the project, the right to carry out mineral resources exploration, extraction and processing as prescribed by law, it may offset their profits against their losses to declare and pay enterprise income tax.
1. Revenue to calculate taxable income is determined as follows:
The revenue to calculate taxable income is the total proceeds from the sale of goods, processing amount, and services supply amount, including price subsidies, surcharges or extra that enterprises are entitled to enjoy regardless of collection or non-collection of money.
a) For enterprises making payment of value-added tax by the method of tax deduction is the revenue excluding value added tax.
Example 4: Company A is the taxpayer of value added tax by the method of tax deduction. The value-added invoice includes the criteria as follows:
Selling price: 100,000 VND
VAT (10%): 10,000 VND
Price paid: 110,000 VND
The revenue to calculate the taxable income is 100,000 VND
b) For enterprises making payment of value-added tax by direct method on a value added is the revenue including value added tax.
Example 5: Enterprise B is the tax payer of value added tax by the direct method on value added. The sales invoice only indicates the selling price is 110,000 VND (price including VAT).
The revenue to calculate the taxable income is 110,000 VND
2. The time for revenue determination to calculate taxable income is determined as follows:
a) For the sale of goods is the time of transfer of ownership or right to use goods to the buyer.
b) For the services supply is the time to complete the services supply to the buyer or the time of invoicing service supply.
In case the time of invoicing service supply occurs before the time of services completion, the time for determining the taxable revenue shall be calculated according to the time of invoicing service supply.
c) Other cases as prescribed by the law
3. The revenue to calculate the taxable income in a number of cases determined as follows :
a) For goods and services sold under the installment and deferment method is the proceeds of goods and services paid once, excluding the interest on installment payment of installment and interest on deferred payment.
b) For goods and services used for exchange; donations and offer and internal consumption (excluding goods and services used to continue the process of production and business of the enterprise) shall be defined by the selling price of products, goods and services of the same or similar kind on the market at the time of exchange; donations and offer and internal consumption.
c) For goods processing activities as proceeds from processing activities including wages, cost of fuel, power, auxiliary materials and other costs for the processing of goods.
d) For goods of the units delivering to the agents, consigning and receiving agent consigning under the agency contract, consigning for sale at the right price to enjoy commission shall be determined as follows:
- The enterprises deliver goods to the agents (including multi-level sales agents), and consign goods is the total amount of goods sales.
- Enterprises act as agents, consignees for goods sales at the fixed price of the enterprise delivering and consigning to the agents is the commission to be enjoyed under the contract of agency and consignment of goods.
e) For assets leasing activities is the amount the lessee pays each term under the contract. In case the lessee pays in advance for many years, the revenue for calculating taxable income is allocated to the number of year paid in advance or is determined by revenue of lump-sum payment.
The enterprises that shall base on the conditions of implementation of accounting regime, actual invoices and documents and the determination of cost, can select one of two methods of determining the revenue for calculating taxable income as follows:
- The annual rental equal (=) the amount paid in advance divided by (:)number of years of advance payment.
- The entire retal of the number of years of advance payment
Where enterprises that are enjoying their enterprise income tax incentives have chosen the method of determining the revenue for calculating taxable income which is the total rental the lessee has paid in advance for many years, the determination of the income tax which the enterprises are exempted from and reduced shall be based on the total enterprise income tax of the number of years prepaid divided by (:) the number of years prepaid by the lessee.
g) For credit activities, finance leasing activity is the loan interest and revenue on receivable finance leasing arising in the tax period.
h) For transport activities is the total revenue of passenger, cargo and luggage transportation arising in the tax period.
i) For activity of power supply, water supply is the amount of electricity, clean water recorded on VAT invoice. The time to determine the revenue for calculating taxable income is the date of certification of electricity meter indicator recorded on the electricity and clean water bill.
Example 6: The meter indicator on electricity bill recorded from day December 05 to January 01. The revenue of this bill is calculated in January.
k) For golf course business is the proceeds from the sale of membership cards and golf playing tickets and other revenues in the tax period determined as follows:
- For the form of daily golf ticket and card sales, the revenue of golf business as a basis for determining the chargeable income is the proceeds from ticket and card sales, card sales arising in the tax period.
- For the form of ticket and membership card sales of the prepaid cards for several years, the revenues as a basis for determining the chargeable income each year is the actual proceeds from card selling divided by the number of years of card using.
l) For the area of insurance business, the revenue for calculating taxable income is the total proceeds from the provision of insurance services and goods and other services, including surcharges and extra fees that the insurance enterprises are entitled to enjoy without value added tax, including:
- Revenue from activities of insurance business:
For activities of insurance business and reinsurance is the amount of original insurance premiums to be collected; collection of reinsurance premium, commission of reinsurance retrocession; single management fee of insurance, fee on agency services including damage assessment, consideration for compensation, requiring the third party for compensation and handling 100% of the compensated goods (excluding permitted inspection among enterprise members that account internally in the same insurer with independent accounting) after deduction of payables to reduce revenue such as refunding of insurance premium, reduction in premium; refunding of reinsurance premium; reduction in reinsurance premium; refunding of commission of reinsurance retrocession; reduction in commission of reinsurance retrocession.
Where the insurance enterprises participating in co- insurance, the revenue to calculate the taxable income of each party is the proceeds of original premium allocated in proportion to co- insurance for each party excluding value added tax.
For insurance contracts with agreement of payment by each period, the revenue for calculating taxable income is the amount receivable arising in each period.
Where implementation of collection operations between affiliated enterprises or between enterprises with dependent accounting office of the insurer, the turnover for calculating taxable income excluding revenue of permitted collection.
- Revenue from insurance brokerage activities: Proceeds from insurance brokerage commissions after deducting the insurance brokerage commissions, reduction and refunding of insurance brokerage commissions.
m) For construction and installation activities is the value of constructions, constructions items or the value of volume of constructions, installation and acceptance.
- In case of construction and installation involving the contracting supply of raw materials, machinery and equipment is the amount from construction and installation activity including the value of materials, machinery and equipment.
- In case of construction and installation without contracting supply of raw materials, machinery and equipment is the amount from construction and installation activity excluding the value of materials, machinery and equipment.
n) For business activities in the form of business cooperation contracts:
- Where the parties involving in business cooperation contract divide business results by the revenue of the sales of goods and services, the revenue for calculating tax is the revenue of each party divided under the contract.
- Where the parties involving in business cooperation contract divide business results by product, the revenue for calculating tax is the revenue of the product divided to each party under the contract.
- Where the parties involving in business cooperation contract divide business results by the pre-tax profit of enterprise income tax, the revenue to determine the pre-tax income is the proceeds from the sales of goods or services under the contract. The parties involving in business cooperation contracts must appoint a party as a representative to produce invoices, record revenues, costs, and determine the pre-tax profit of enterprise income tax divided by the parties involving in business cooperation contracts. Each party involving in business cooperation contracts shall carry out its obligations of enterprise income tax under current regulations.
- Where the parties involving in business cooperation contract divide business results by post-tax profit of enterprise income tax, the revenue to determine the taxable income is the proceeds of sales of goods and services under the contract. The parties involving in business cooperation contracts must appoint a party as a representative to produce invoices, record revenues and costs and make declaration and payment of enterprise income tax on behalf of the remaining parties involving in business cooperation contract.
o) For activities of bonus games business (casino, electronic games with bonus, and entertainment business with bet) are the proceeds from these activities including special excise duty minus the amount paid to customer for bonus.
p) For securities trading activities are the proceeds from brokerage services, securities dealing, securities underwriting, portfolio management, financial advisory and securities investment, investment fund management, issue of fund certificate, market organization services and other securities services under regulations of the law.
q) For derivative financial services are the proceeds from the provision of derivative financial services performed in the tax period.
Article 6. Deductible and nondeductible expenditures upon determination of taxable income
1. Except for expenditures stated in clause 2 of this Article, enterprises shall be deducted all expenditures if satisfying the following conditions:
a) The actual expenditures arising related to production and business activities of the enterprises;
b) The expenditures with adequate legal invoices and documents under regulations of the law.
2. The nondeductible expenditures upon determination of taxable income include:
2.1. The expenditures do not fully meet the conditions specified in Clause 1 of this Article.
Where the enterprises have expenditures related to the value of loss caused by natural disaster, epidemic, fire and other unforeseen circumstances without any compensation, these expenditures are charged to expenses deducted in determining income taxable income, specifically as follows:
The enterprises must determine the total value of loss caused by natural disaster, epidemic, fire and other unforeseen circumstances under regulations of the law.
The value of losses caused by natural disaster, epidemic, fire and other unforeseen circumstances without any compensation shall be determined by the total value of loss minus the compensation to be paid the organizations and individuals under regulations of the law.
a) Dossier for assets and goods lost due to natural disaster, epidemic, and fire are included in deductible expenditures as follows:
- Documents of enterprises sent to tax agencies under direct management to give explanation of assets, goods lost due to natural disaster, epidemic and fire.
- Record of inventory of assets value of assets and goods lost shall be made by the enterprise.
Record of inventory of assets value, loss of goods must clearly identify the value of assets and goods lost, cause of loss, responsibilities of organizations and individuals for losses; type, quantity and recoverable value of assets and goods (if any), the stock movement summary of the lost goods certified by the signature of the legal representative who shall take responsibility before law.
- Written certification of the People's Committees of commune, ward, the management Board of industrial parks and export processing zones, economic zones where the disaster, epidemic, fire occur there are natural is that during occurrence of natural disasters, epidemics, fires during that time.
- Dossier of compensation for loss accepted by the insurance agency (if any)
- Dossier stipulating responsibilities of organizations and individuals that must make compensation (if any).
b) Goods damaged due to expiry and changes in natural biochemical process without compensation shall be included in deductible expenses when determining the taxable income.
Dossier for goods damaged due to expiry and changes in natural biochemical process without compensation shall be included in deductible expenses is as follows:
-Documents of enterprises sent to the tax agency under direct management to explain the goods damaged due to expiry and changes in natural biochemical process without compensation shall be included in deductible expenses.
- Record of inventory of goods value damaged shall be made by the enterprises.
The record of inventory of goods value damaged must clearly identify the value of goods damaged, cause of damage, type, quantity, recoverable value of goods (if any) attached to the stock movement summary of the damaged goods certified by the signature of the legal representative who shall take responsibility before law.
- Dossier of compensation for loss accepted by the insurance agency (if any)
- Dossier stipulating responsibilities of organizations and individuals that must make compensation (if any).
c) The enterprises shall send the tax agencies under direct management a written explanation of assets and goods lost due to natural disaster, epidemic, fire, goods damaged due to expiry, damaged due to change of natural biochemical process without any compensation when submitting dossier to declare the settlement of enterprise income tax as prescribed of the year of the occurrence of the lost and damaged goods. Other dossiers (including the Record of inventory of assets value of assets and goods lost and damaged; the written certification of the People's Committees of commune, ward, the management Board of industrial parks and export processing zones and economic zones; Dossier of compensation for loss accepted by the insurance agency (if any); Dossier stipulating responsibilities of organizations and individuals that must make compensation (if any) and other documents) are kept at the enterprises and produced to the tax agencies as required.
2.2. Depreciation expense of fixed assets in one of the following cases:
a) Depreciation expense of fixed assets not used for activities of production and business of goods and services.
For fixed assets in service for employees working at enterprise such as mid-shift recreation area and canteen, locker room, toilet, infirmary, and vocational and training facility and equipment, furniture qualified as fixed assets installed in the mid-shift recreation area and canteen, locker room, toilet, infirmary, and vocational and training facility, clean water tanks, garages, commuter car, housing for workers built by the enterprise shall be depreciated and included in expense deducted in determining taxable income.
b) Depreciation expense of fixed assets without any papers of ownership of the enterprise (except for fixed assets from finance leasing).
c) Depreciation expense of fixed assets without management, monitoring and in accounting book of the enterprise under the current management regime of fixed asset and accounting record.
d) The depreciation exceeding the rate of current regulations of the Ministry of Finance on the regime of management, use and depreciation of fixed assets.
Enterprises shall notify the tax agencies under direct management of the method of depreciation of fixed assets that enterprises have chosen to apply before depreciation (for example, notifying choice of straight-line depreciation method...). Every year, enterprises shall decide the rate of depreciation of fixed assets according to the current regulations of the Ministry of Finance on the management, use and depreciation of fixed assets, including cases of accelerated depreciation (if meeting conditions).
Enterprises operating efficiently and economically shall be entitled to apply accelerated depreciation but not more than 2 times of the rate of depreciation determined under the straight-line method for rapid technological innovation. Upon conducting accelerated depreciation, enterprises must ensure the profitability.
Fixed assets contributed as capital, fixed assets transferred upon division, merger, consolidation, merger, transformation of type with reevaluation as prescribed, the enterprise receiving these assets are depreciated on costs and deducted at cost of reevaluation. For other assets not qualified as fixed assets contributed as capital, transferred upon division, merger, consolidation, merger, transformation of type
and these assets are revaluated as prescribed, the enterprises upon receiving these assets shall be included in deductible expenses by reevaluation.
For fixed assets made by themselves, the initial cost of the fixed asset depreciated shall be included in deductible expense that is the total of production cost to form those assets.
For assets as tools, instruments, circulating packaging, ... do not meet the conditions identified as fixed assets as prescribed, the expenses used to purchase the above assets are amortized to the cost of production & business in the period but not exceeding 2 years.
e) The depreciation corresponding to the original cost in excess of 1.6 billion / car for passenger cars of 9 seats or less with new use registration and accounting of depreciation of fixed assets from January 01, 2009 onwards (except automobiles specializing in passenger transport, traveling and hotel); the depreciation of fixed assets as civil airplanes and yachts not used for purposes of business of transportation of goods, passengers and tourists.
Passenger cars of 9 seats or less specialized in business of passenger transport, traveling and the hotel are the cars registered the in the enterprises’ names and these enterprises in the certificate of enterprise registration or certificate of business registration have registered one the business lines: passenger transport, traveling, hotel business and have been licensed the business as prescribed in legal documents on transport business, passengers, traveling and hotel.
Civil airplanes and yachts not used for not used for purposes of business of transportation of goods, passengers and tourists are the civil airplanes and yachts of the enterprises registering and accounting the depreciation of fixed assets but in certificate of business registration or certificate of enterprise registration of the enterprises which do not register the business line of passenger and goods transport and traveling.
g) Depreciation of fixed assets that have been depreciated in value.
h) Depreciation for constructions on land used for production and business and other purposes shall not be depreciated in deductible expenses for the construction value on land corresponding to the area not used in the activities of production and business.
Where constructions on land as office buildings, workshops and business stores in service for the production and business activities are built on leased land, land borrowed from organizations, individuals and households (not direct lease of state land or in industrial parks), the enterprises are entitled to depreciate to be included in the deductible expenses at the proper rate of depreciation of fixed assets in accordance with current regulations of the Ministry of Finance for the these constructions if it meeting the conditions as follows::
- There are contracts of land lease and land borrowing between enterprises and land-owning units and the enterprises’ representatives must take responsibilities before law for the accuracy of the contracts.
- The invoice of payment of construction volume handed over together with construction contract, contract liquidation and settlement of construction construction value bearing the name, address and tax identification number of the enterprise..
- Constructions on land shall be managed and monitored and accounted in accordance with the current regulations on management of fixed assets.
i) Where the fixed assets belonging to the ownership of the enterprises are used for the production and business but have to temporarily stop due to seasonal production with the period of less than 09 months, temporarily stopped for repair or relocation, periodic maintenance, with the period of less than 12 months, then the fixed assets continue to be put into service for production and business activities. During that temporary suspension, the enterprises are depreciated and the depreciation expenses of fixed assets in the time of temporary suspension is included in deductible expenses when determining taxable income.
Enterprises must keep and provide complete dossiers and the reason of the temporary suspension of fixed assets upon requirements of the tax agency.
k) Long-term land use rights are not depreciated and allocated to the deductible expenses in determining taxable income; the term land use right if there are sufficient invoices and documents and proper compliance with the procedures prescribed by law, participation in business and production activities shall be amortized to deductible expenses by the time limit stated in the certificate of land use right.
When an enterprise purchases tangible fixed assets being houses or constructions attached to the long-term land tenancy, the value of land tenancy must be separately calculated and recorded as intangible fixed assets. The input value of tangible fixed assets being houses and constructions is the actual purchase price plus (+) the expenses on putting the tangible fixed assets into use.. The land tenancy value shall be determined according to the contractual purchase price of the assets in accordance with the market price but not be lower than the price of land set by the People's Committees of central-run provinces and cities at the time of asset purchase. Where enterprises purchase the tangible fixed assets as buildings and structures associated with long-term land use rights but the value of land use right cannot be separately divided, then the value of use right shall be determined by the price regulated by the People's Committees of central-run provinces and cities at the time of assets purchase.
2.3. Expenses for raw materials, supplies, fuel, energy and goods in excess of reasonable consumption.
Enterprises build and manage the consumption norm of raw materials, supplies, fuel, energy, goods used in production and business. This norm is built from the beginning of the year or early product manufacturing period and kept at the enterprises and fully presented with the tax agencies upon their requirements.
Particularly the main norm of the principal products of the enterprises, they shall inform the tax authorities under direct management within the first 03 months of the year or 03 months after the start of production and business (for newly established enterprises or where the enterprises supplement the production of new products but these products are subject to notification of the norms but not being announced yet). The list of major norms of the principal products of enterprises shall be decided by the enterprises.
In case the enterprises during the time of production and business make adjustment and supplement the consumption norms of the raw materials and have informed the tax agencies, they must also notify the tax agency under direct management. The deadline for reporting to tax authorities to adjust and supplement the consumption rate is the time limit for submission of the finalization declaration of enterprise income tax in accordance with regulations of the settlement year. In case some raw materials, supplies, fuel and goods the State has issued the consumption rate shall comply with the norms issued by the State. In case the enterprises fail to notify the tax agency within the time limit prescribed, the tax agency during the inspection and checking shall have the right to determine the cost of raw materials, supplies and goods. The determination of the cost of raw materials, supplies and goods shall be based on the law on tax administration.
2.4. The expenses of the enterprise to purchase goods and services without invoices are permitted to make a list of purchasing goods and services purchased (Form No. 01/TNDN enclosed with this Circular) but do not make lists attached to the payment vouchers for vendors, providing services in the cases of purchase of goods as agricultural products, forest products and aqua products of the producers and fish catchers directly selling, buying handicrafts made of jute , rush, bamboo, leaves, rattan, straw, coconut husk, coconut shell or raw materials from agricultural products of handicraft producers selling without carrying on business, buying land, rocks, sand and gravel of people who extract and make direct sales; buying waste materials of people who directly collect; buying the furniture and property of the households and individuals that have used and directly sell and a number of purchasing services by individuals who do not carry on business.
List of purchasing goods or services that the legal representatives or authorized persons of enterprises shall sign and take responsibility before law for the accuracy and truthfulness. If the purchase price of goods and services on the list is higher than the market price at the time of goods purchase, the tax agencies shall base on market price at the time of purchase, or services of the same or similar type on the market to determine the rate of price to re-calculate the deductible expenses when determining taxable income.
2.5. Payment of salaries, wages and bonuses to employees in one of the following cases:
a) Payment of salaries, wages and other amounts payable to employees that the enterprises have accounted in business expenses in the period but have not made payment or without payment vouchers as prescribed by law.
b) The bonus, premium of life insurance for employees are not specified the conditions for entitlement and rate of entitlement in one of the following dossiers: Labor Contract; collective labor agreement; Regulation on finance of company, corporation, group; reward regulations regulated by the Chairman of the Board of Directors, General Director and Director under the financial regulation of the company and corporation.
- Where the labor contract of between the enterprise and a foreign laborer specifies that the tuition fee for that foreigner’s children studying the compulsory education program in Vietnam is paid by the enterprise and included in the salary or wage, such tuition fee shall be included in deductible expenses when calculating taxable income, provided this expenditure comes with adequate invoices, proof of payment, and does not contravene regulations of the law on salaries and wages.
- Where the labor contract of the enterprise signed with the laborers have been recorded the expenses of house rent paid by enterprises to employees, this payment has the nature of salaries and wages, not contrary to the provisions of law on salaries, wages with adequate invoices and vouchers, shall be included in deductible expenses when determining taxable income.
c) Payment of salaries, wages and allowances to be paid to the laborers but the deadline for submission of annual tax finalization dossier without any actual expenditure except the case the enterprise has provident fund to supplement the salary fund of the subsequent year to ensure the uninterrupted payment and not used for other purposes. The annual level of provision shall be decided by the enterprise but not more than 17% of performance wage fund.
The performance salary fund is the total salary actually paid of that settlement year to the last deadline to submit dossier of settlement as prescribed (excluding the amounts set aside for salary provision fund of the previous year spent in tax settlement year).
The salary provision must ensure after setting up, the enterprises shall not suffer losses if the enterprises suffer losses, they are not permitted for fully deduction of 17%.
Where the previous year the enterprises set aside salary provision fund, but by December 31 of the following year, the enterprises have not used or not used up the salary provision fund, the enterprise must write off the cost of the following year.
Example 7: When submitting the 2011 tax settlement dossier, enterprise has set aside salary provision fund of 10 billion VND. By December 31, 2012, enterprise A spends the amount from the salary provision fund of the year 2011 including 7 billion VND. enterprise A must record reduction in salary expense of the next year (2012) including 3 billion VND (10 billion minus 3 billion). When preparing the settlement dossier of the year 2012, if enterprise A has a need of deduction, it shall continue to set aside deduction of salary provision fund as prescribed.
d) Salaries and wages of owners of private enterprises, limited liability company with a member (employed by an individual) remuneration paid to the founding members, members of the Board of members, Board of Directors who are not directly involved in directing the production and business.
2.6. The expenses of outfits in kind to the laborers without any invoices and vouchers; the expense of outfits in cash, in kind to the laborers exceed 05 (five) million VND / person / year.
Where enterprises have expenses of outfits both in cash and in kind to the laborers, the maximum expenditure level for calculating the deductible expenses when determining taxable income not exceeding 05 (five) million / person / year
For business lines with particular characteristics, this expense is done in conformity with specific regulations of the Ministry of Finance.
2.7. Expenses for bonus of initiatives and renovation but the enterprises do not have specific regulations on bonus of initiatives and renovation without the acceptance Council of the initiatives and improvements.
2.8. Expenses of allowances of traveling and vacations not in accordance with the provisions of the Labor Code; the expenses of allowances paid to employees going on business at home or abroad exceed 02 times of the level prescribed under the guidance of the Ministry of Finance for civil servants, State employees.
Traveling expenses and accommodation for laborers to go on business if there are adequate legal invoices and vouchers as prescribed shall be included in deductible expenses when determining taxable income. Where enterprises have expenses of traveling and accommodation for the laborers, these expenses shall be included in deductible expenses of the expense of traveling and accommodation in accordance with regulations of the Ministry of Finance for civil servants, State employees.
Where enterprises have purchased air tickets through e-commerce website for the laborers to go on business for service of production and business activities of enterprises, the documents as the basis for calculating the deductible expenses as electronic airfare, boarding pass and documents of payment of enterprises having individual participating in transport journey.
2.9. The following expenditures are not in accordance with subjects, purposes or exceed the specified level of expenditures.
The additional expenditures for female laborers are included in deductible expenses including:
- Expenses for vocational re-training for female laborers in case the old jobs are no longer suitable and must switch to other jobs in the development planning of enterprises.
This expenditure includes: tuition fees (if any) plus the difference in salary grades ( guarantee of 100% salary to the trainees).
- Expenses of salaries and allowances (if any) for teachers in kindergarten nursery school organized and managed by the enterprises.
- Expenses of health examination in the year as professional, chronic or gynecological diseases for female laborers.
- Expenditure of bonus for female laborers after the first or second time birth.
- Overtime allowance for female laborers in case of objective reasons female laborers who do not leave after childbirth, leave for breast-feeding but stay to work for enterprise shall be paid under the current regulation; including case of payment by result female workers still work during non-leave period as prescribed.
b) The additional expenses for ethnic minorities shall be included in deductible expenses including school fees (if any) plus the difference in salary grades ( guarantee of 100% salary to the trainees), allowance of housing, social insurance, health insurance for ethnic minorities in the case having not been supported by State regulations.
2.10. The deduction for payment of compulsory insurance funds for laborers exceeds the prescribed level; the deduction for payment of trade union for laborers exceeds the prescribed level.
2.11. The deduction for provision fund of unemployment allowance (except for the case enterprises not subject to mandatory participation of unemployment insurance as prescribed by law are ,allowed to set aside a provision fund of unemployment allowance), the expenses of unemployment allowance paid to the laborers are not in compliance with current regulations.
2.12. Expenditure for contribution to form the source of management expense for superior.
Expenditure for contribution to the funds of the Association (these Associations are established under the provisions of law) is in excess of limits set by the Association.
2.13. Expense of electricity, water for water and electricity contracts by the owner leasing the production and business location directly sign with units providing electricity and water without adequate documents in one of the following cases :
a) Where enterprises leasing the production and business location directly make payment of electricity, water to the power and water supplier without any list (Form No. 02/TNDN issued with this Circular) together with the bills of electricity and water and the lease contract of production and business location.
b) Where enterprises leasing the production and business location make payment of electricity and water to the owner leasing the production and business location without any list (Form No. 02/TNDN issued with this Circular) enclosed with the bills of electricity and water paid to the lessor consistent with the amount of electricity and water consumption and the and lease contract of production and business location.
2.14. The expense of fixed assets leasing in excess of the rate allocated by the number of years that the lessee pays in advance.
Example 8: Enterprise A leases fixed assets in four years with the rent of 400 million VND and makes one-time payment. The expense of fixed assets leasing is accounted in the annual expense that is 100 million. If the expense of fixed assets leasing exceeds 100 million then the excess over 100 million VND shall not be included in reasonable expenses when determining taxable income.
For expense of repair of the leased fixed assets, in the assets lease contract has defined that the lessee is responsible for the repair of the assets during the leasing period, the expenses of repair of the leased fixed assets shall be permitted to account in expense or amortize to the expense but the maximum time shall not exceed 03 years.
Where enterprises have expenses for assets other than those fixed assets: expenditure on the purchase and use of technical material, patents, technology transfer licenses, trademarks, business advantage ... such expenses shall be amortized into business expenses but not more than 03 years.
2.15. The expense of loan interest payment for production and business of the objects that are not credit institutions or economic organizations in excess of 150% of basic interest rate announced by the State Bank of Vietnam at the time of borrowing.
2.16. The payment of loan interest for capital contribution or payment of loan interest corresponding to the deficit of registered charter capital under the capital contribution progress stated in the charter of the enterprise even where the enterprises have come into operation and business.
2.17. Setting aside and use of provisions for decline in inventory, provision for losses in financial investment, provision for receivable bad debts and provision for warranty of products, goods, installation works not in accordance with the guidelines of the Ministry of Finance on the provision.
2.18. Periodic accrued expenses that are not used or completely used at the end of the period.
The accrued expenses include: accrued expenses on the periodic major repairs of fixed assets, accrued expenses on the activities of which the revenue has been recorded, but the contractual obligation is not completely fulfilled (even the enterprise leases its assets for many years and collect money in advance, and record it in the revenue of the collecting year) and other accrued expenses.
If the income for calculating enterprise income tax is recorded but the expenses do not completely arise, the enterprise may accure the expenses on deductible expenses corresponding to the recorded revenue when calculating taxable income. When the contract expires, the enterprise must calculate the exact actual expenses based on the valid invoices to increase (if the actual amount is bigger than the accrued expense) or decrease (if the actual amount is smaller than the accrued expense) the expense in the tax period when the contract expires.
The enterprise may accrue on the expense on periodic repair of fixed assets according to the estimate to annual expense.. If the actual expense is bigger than the accrued amount under the estimate, the enterprise may add the difference to deductible expenses.
2.19. Expenditures in excess of 10% of deductible expenses, including expense of advertising, marketing, promotion, brokerage commissions; receptions, ceremonies, conferences; marketing support, expense support, payment discount; donation and offer of newspaper of the press agency directly related to production and business activities. For the newly-established enterprises is the expenditure exceeding 15% of total deductible expenses in the first three years since its establishment. The total deductible expenses do not include expenditures controlled prescribed at this point for commercial activities, the total deductible expenses do not include the purchase price of goods sold;
The expenses of advertising, marketing, promotion, brokerage commissions are controlled as above mentioned excluding:
- Commissions of insurance brokerage in accordance with regulations of the law on insurance business; commissions paid to agents selling goods and services at proper price.
- Commissions paid to distributors of multi-level sales company. For organizations receiving the commission shall declare to include in the taxable income, for individuals receiving commissions must be deducted from personal income tax before paying incomes.
- Expenses incurred in the country or abroad (if any) such as expenses of market research: exploration, survey, interviews, collection, analysis and evaluation of information; expenses of development and support of market research, expenses of hiring consultants to conduct the research, development and market research support; expenses of display and introduction of products and organization of fairs, commercial exhibition: expense of opening room or booth, introduction of products, expenses for space lease for display and introduction of products, expenses of materials and support tools for the display and introduction of products, expenses of transportation of products for display and introduction.
- Expenses of donation and offer of newspaper to persons who have contributed to the revolution, war invalids, sick soldiers and soldiers in the islands and remote areas and special difficulty-stricken areas.
Limits of deductible expenses shall not exceed 15% in the first 3 years not applicable to newly-established enterprises by the consolidation, division, merger, merger, transformation of form of enterprise and change of ownership.
2.20. Loss due to exchange rate differences due to revaluation of monetary items denominated in foreign currencies at the end of tax period (except for loss due to exchange rate differences due to revaluation of liabilities with foreign currency origin at the end of tax period).
Foreign exchange differences arising during the process of investment in capital construction to form the fixed assets implemented under the guidance in Circular of the Ministry of Finance on handling the differences in foreign exchange rates of enterprises.
2.21. Expenses for education funding not in accordance with subjects specified in Item a of this Point or there is no record to identify the funding mentioned in Item b below:
a) Funding for education including funding for public and private schools of the national education system in accordance with regulations of the law on education but this funding is not for contributing capital or purchasing shares in the schools; Financing facilities for teaching, learning and school activities; financing the regular activities of school; financing scholarships for pupils and students of the general education establishments, vocational education establishments and establishments of higher education defined in education Law directly to pupils and students or through other agencies and organizations with function to mobilize financing as prescribed by law; financing the contest on the subjects are taught in schools for subjects who are learners; financing for the establishment of education promotion fund in accordance with regulation of the law on education and training.
b) Dossier for determination of the education financing includes: Record of financing certification signed by the representatives of the business establishments as sponsors, the representative of legal educational establishments as financed units, pupils and students, students (or agencies and organizations with function of fund raising) recipient (Form No. 03/TNDN issued with this Circular), together with invoices and vouchers of goods purchase (if in-kind funding) or spending documents (if financed with money).
2.22. Expenses for health funding not in accordance with subjects specified in Item a of this Point or there is no record to identify the funding mentioned in Item b below:
a) Funding for health care including funding for health facilities established under the laws of health but this funding is not for capital contribution, purchase of shares in those hospitals, health centers; funding for medical equipment, medical instruments and medicines; funding for regular activities of hospitals, health centers; financing in cash to person suffering from diseases through an agency, organization with function of fund raising as prescribed by law.
b) Dossier to identify health funding includes: Record of financing certification signed by the representatives of the business establishments as sponsors, the representative of financed units (or agencies and organizations with function of fund raising) under Form No. 04/TNDN issued with this Circular together with invoices and vouchers of goods purchase (if in-kind funding) or spending documents (if financed with money).
2.23. Expenses of funding for remedy of natural disasters not in accordance with subjects specified in Item a of this Point or there is no record to identify the funding mentioned in Item b below:
a) Funding for natural disaster remedy includes funding in cash or in kind to overcome consequences of natural disasters directly to organizations established and operating under the provisions of the law and individuals affected by natural disasters through an agency or organization having function of fund raising as prescribed by law.
b) Dossier to identify the funding for natural disaster remedy includes: Record of financing certification signed by the representatives of the business establishments as sponsors, the representative of financed units (or agencies and organizations with function of fund raising) under Form No. 05/TNDN issued with this Circular together with invoices and vouchers of goods purchase (if in-kind funding) or spending documents (if financed with money).
2.24. Expense of financing for building houses of gratitude for the poor not in accordance with subjects specified in Item a of this Point or there is no record to identify the funding mentioned in Item b below:
a) Objects receiving financing are poor households as prescribed by the Prime Minister. Form of financing: financed with cash or in kind to build houses of gratitude for the poor households directly or through an agency or organization having function of fund raising as prescribed by law.
b) Dossier to determine the funding to build houses of gratitude for the poor includes Record of financing certification signed by the representatives of the business establishments as sponsors, the representative of financed units (or agencies and organizations with function of fund raising) under Form No. 06/TNDN issued with this Circular); written certification of the local authority together with invoices and vouchers of goods purchase (if in-kind funding) or spending documents (if financed with money).
2.25. The expenses of business management allocated by company abroad to permanent establishments in Vietnam in excess of the expenses calculated by the following formula:
Expenses of business management allocated by foreign company to permanent establishment in Vietnam in tax period |
= |
Taxable revenue of permanent establishment in Vietnam |
X |
Total expenses of business management of foreign company in tax period |
Total revenue of foreign company including revenues of permanent establishments in other countries in tax period |
The expenses of business management of the foreign company allocated to permanent establishment in Vietnam are only calculated since the permanent establishment in Vietnam is established.
The ground to determine expenses and revenue of the foreign company is the financial statement of the company audited by an independent auditing firm in which clearly reflecting the company's revenue abroad, the management expenses of the foreign company, the management expenses of the foreign company allocated to the permanent establishment in Vietnam.
The permanent establishment of the foreign company in Vietnam having not implemented the accounting regulations, invoices and vouchers; nor made payment of tax by the method of declaration shall not be entitled to include in the reasonable expenses of the expense of business management allocated by foreign company.
2.26. The expenses are offset by other funding sources; the expenses are paid from the funds for scientific and technological development of enterprises.
2.27. Expenses not corresponding to taxable revenue.
Where enterprises have actual expense for the activities of HIV / AIDS prevention and fighting at the workplace under the guidance of the Ministry of Health including: Expenses of training official on HIV / AIDS prevention and fighting of the enterprise, expenses of the media organization on in HIV / AIDS prevention and fighting for the enterprise’s laborers, expenses of consulting, examination and testing for HIV, expenses of supporting people with HIV infected who are enterprise’s laborers. These expenses shall be included in the deductible expenses in determining the taxable income.
2.28. The expenses of the activities of insurance business, lottery business, securities business and a number of specific business activities are not complied with guidelines of the Ministry of Finance.
2.29. Penalties due to administrative violations include: traffic violations, violations of regulations on business registration, violations of regulations on accounting and statistics, violations of the tax law and penalties for other administrative violations as prescribed by law.
2.30. Expenses for investment in capital construction in the investment phase to form the fixed assets; expenses in support of local authority, unions, social organizations, charity except for expense of funding on education, health, remedy of natural disaster and building houses of gratitude for the poor mentioned at point 2.21, 2:22, 2:23, 2:24 clause 2 of this article, the expenses of buying golf membership cards and golf playing.
Upon starting the business and production activities, the enterprise has not generated revenue but expenses regularly incurred to maintain the enterprise’s business activities (other than the expenditures for construction to form the fixed assets). If such expenses meet the conditions as prescribed, they shall be included in the deductible expenses in determining taxable income.
2.31. Input value added tax has been deducted or refunded, the input value added of fixed assets are car with 9 seats or less in excess of the deductible rate specified in the legal documents on value added tax, enterprise income tax and personal income tax.
- Personal income tax not included in deductible expenses when determining taxable income is the amount of tax deducted by enterprises on the income of the taxpayers to pay into the state budget. Where enterprises sign the labor contracts stipulating the salary or wages paid to laborers does not include the personal income tax, the personal income tax the enterprises pay on behalf of is the expense of salary included in deductible expenses upon determining taxable income.
- Enterprise income tax paid on behalf of foreign contractors (contractor tax) is included in deductible expenses when determining taxable income in case agreed in the contract, foreign sub-contractors, revenues of contractors, foreign sub-contractors received does not include enterprise income tax (contractor tax).
Other income is taxable income in the tax period but this income is not under the lines and sectors of business stated in business registration of enterprises. Other income includes the following income:
1. Income from alienation of capital and securities under the guidance in Chapter IV of this Circular.
2. Income from alienation of immovable property under the guidance in Chapter V of this Circular.
3. Incomes from project transfer (not attached to the transfer of the right to use or to rent land); incomes from the transfer of the right to execute the project, the right to carry out mineral resources exploration, extraction and processing as prescribed by law.
4. Income from ownership or use of assets, including proceeds from the copyright in any form of payment to the ownership, right to use property; intellectual property right, income from transfer of technology as prescribed by law. Property leasing in any form.
Income from intellectual property right, technology transfer determined by the total amount obtained minus (-) the prime cost or the cost to create the intellectual property rights and technology transferred, minus (-) the cost of maintaining, upgrading and developing intellectual property rights, technology transfer and other deductible expenses.
Income from property lease is determined by the revenue from leasing activities minus (-) expenses: depreciation, maintenance, repair and maintenance of assets, the expense of property lease for re-lease (if any) and other deductible expenses related to property leasing.
5. Income from transfer of assets and liquidation of assets (excluding immovable property), and other valuable papers. This income is determined by (=) revenue generated by the transfer of assets and liquidation of assets minus (-) the remaining value of the asset transferred or liquidated recorded on accounting books at the time transfer or liquidation and deductible expenses related to the transfer or liquidation of assets.
6. Income from deposit interest, loan interest, credit guarantee fee and other fees in capital loan contract
- In case the income from interest on deposit and loan incurred higher than loan interest payments as prescribed, after offset, the remaining difference shall be included in other income when determining the taxable income.
- For incomes from interest on deposits and loans incurred lower than the loan interest payments as prescribed, after offset, the remaining difference shall be deducted from income of production and business when determining the taxable income.
7. Income from activities from the sale of foreign currency: the sum of the proceeds from the sale of foreign currency minus (-) total purchase price of the amount of foreign currency sold.
8. Income from exchange rate difference shall be defined as follows:
In tax year, the enterprise has exchange rate difference arising in the period and exchange rate differences from revaluation of payable liabilities denominated in foreign currencies at the end of the fiscal year, then:
- The exchange rate difference arising in the period directly related to revenue and expense of the main production and business activities of enterprises shall be included in the expenses or income of the main production and business activities of enterprises. The exchange rate differences arising in the period are not directly related to the revenue and expense of the main production and business activities of enterprises. If losses arise, the exchange rate difference shall be included in expense of the main production and business activities. If interest arising, the exchange rate difference shall be included in other income.
- Interest on exchange rate difference from revaluation of liabilities payable in foreign currencies at the end of the fiscal year are offset such losses on exchange rate differences due to revaluation of liabilities payable in foreign currencies at the end of the fiscal year. After offset, if there is interest on exchange rate difference, it shall be included in other income, if there is loss on exchange rate difference, it shall be included in expense of the main production and business activities when determining the taxable income.
The exchange rate differences above mentioned do not include the exchange rate differences from revaluation of the year-end balance as cash, deposits, and cash in transit, debts receivable denominated in foreign currencies.
9. Reversal of reserves (excluding reversal of provision for devaluation of stocks, provision for losses in financial investment, provision for bad debts, reversal of provision for warranty of products and goods set aside but the time for setting aside is over without use or not using up.
10. Bad debts written off now recovered.
11. Payables debt of unknown creditor.
12. Income from omitted business and production activities of previous years now discovered
13. Where the enterprises with revenues from fines and compensation from the breach of contract of partners incurred higher than the expenses of fines and compensation due to breach of contract (these fines are not under the fines on administrative violations in accordance with the law on handling of administrative violations), after clearing, the remaining difference shall be included in other income.
Where the enterprises with revenues from fines and compensation from the breach of contract of partners incurred lower than the expenses of fines and compensation due to breach of contract (these fines are not under the fines on administrative violations in accordance with the law on handling of administrative violations), after clearing, the remaining difference shall be included in other income. Where the unit does not generate other income, it shall be deducted to the income of production and business activities.
14. Increase difference from revaluation of assets as prescribed by law for capital contribution, transfer of assets upon division, separation, consolidation, merger, transformation of type of enterprises shall be defined as follows:
Increase difference from revaluation of assets (excluding land use right) is the difference between the value of re-evaluation with the residual value of assets recorded on accounting books and shall be included in other income once in the tax period when determining the enterprise income tax at the enterprise with assets to be revaluated.
Increase difference from revaluation of land use right value for transfer upon division, separation, consolidation, merger, transformation of type of enterprises, for contribute capital to investment projects in construction of house and infrastructure to sell and include once in the other income in the tax period when determining enterprise income tax at the enterprise having the right to use land re-evaluated.
For increase differences from revaluation of land use right value to contribute capital to enterprises to carry out the production and business shall be gradually included into other income of enterprises having the right to use land re-evaluated in a maximum time than 10 years, starting from the year the land use right value is contributed as capital. The enterprise has to announce the number of years it has allocated to other income when submitting dossier of tax settlement declaration of enterprise income of the year starting the declaration of this income (year to re-evaluate the land use right value contributed capital). In case if the party contributing capital carries out the transfer of contributed capital prior to the 10 year period, the income from the activity of contributed capital transfer is equal to the land use right value to be included in the income of real estate business in the period.
Difference from revaluation of land use right value include: For long-term land use rights is the difference between value of revaluation and value of land use right recorded on the accounting books. For the term land use right is the difference between value of revaluation and unallocated remaining value of the land use rights.
Enterprise receives assets as capital and assets transferred upon division, separation, consolidation, merger, transformation of type of enterprise entitled to be depreciated or amortized into the expense of revaluation (except the land use right value is not depreciated or amortized into the expenses as prescribed).
15. Gifts, gifts in cash and in kind income received in cash or in kind from marketing assistance, cost assistance, payment discount, promotional bonus and other allowances.
16. The compensation for fixed assets on the land and relocation assistance money after deducting the related expenses such as relocation expenses (transportation and installation expenses), the residual value of fixed assets and other costs (if any). For compensation of fixed assets on the land and relocation assistance money of enterprise relocating as planned by the competent State authorities but the value of assistance and compensation after deducting related expenses (if any), the rest shall be used by the enterprise in accordance with relevant law..
17. The earnings related to the consumption of goods and services not included in revenue as quickly ship free bonus, bonus food service industry, hotel, after subtracting the costs to generate such income.
18. Income from consumption of waste materials and waste products after deducting the expenses of recovery and consumption shall be defined as follows:
- Where the enterprise has generated income arising from the sale of waste material and product formed during the production process of the products entitled to enjoy enterprise income tax incentives then this income shall enjoy the enterprise income tax incentives.
- Where the enterprise has generated income arising from the sale of waste material and product formed during the production process of the products entitled to enjoy enterprise income tax incentives then this income shall be included in the other income and not applied the enterprise income tax incentives.
19. Import and export tax refund of goods actually exported and imported arising in the settlement year of enterprise income tax shall be deducted. In case the import and export tax refund of goods actually exported and imported has arisen in previous settlement years of enterprise income tax, it shall be included in other income of the settlement year. If this income is directly related to the business and production sector entitled to enjoy the enterprise income tax incentives, then it shall be entitled to enjoy the enterprise income tax incentives. If this income is not directly related to the business and production sector entitled to enjoy the enterprise income tax incentives, then it shall not be applied the enterprise income tax incentives.
20. Incomes from capital contribution for joint stock, local economic joint venture and association divided from income before payment of corporate income tax.
21. Income earned from activities of production and business of goods and services abroad.
- Vietnamese enterprises investing abroad and having income from the business and production activities abroad, declaring and making payment of enterprise income tax under the provisions of the current Law on Enterprise Income Tax of Vietnam, including cases where enterprises are enjoying preferential reduction or exemption of income tax under the provisions of the country where enterprises are investing. The tax rate of enterprise income tax for calculation and declaration of tax for incomes earned abroad is 25%, not applying the preferential tax rate (if any) that Vietnamese enterprises investing abroad are enjoying under the provisions of the current Law on Enterprise Income Tax.
The tax agency is entitled to determine taxable income from production and business activities abroad of Vietnamese enterprises investing abroad for cases of violations of regulations on declaration and payment of tax.
- Where the income from investment project abroad incurred enterprise income tax (or a tax similar in nature to enterprise income tax) abroad, upon calculation of the enterprise income tax, it must be paid in Vietnam, Vietnam enterprises investing abroad shall be deducted the tax paid abroad or paid on their behalf by their partners of the country receiving investment have been partners receive payment in lieu of investment (including tax on dividends), but the tax deducted shall not exceed the income tax calculated under the provisions of the Law on Enterprise Income tax of Vietnam. The income tax Vietnamese enterprises invest abroad exempted or reduced for the profit earned from investment projects abroad under the laws of the country investment enterprises shall also be deducted when determining the income tax the enterprise must pay in Vietnam.
Dossier attached upon declaration and payment of tax of Vietnamese enterprises investing abroad for the income from investment projects abroad including:
+ Document of business on the distribution of profits of investment projects abroad.
+ Financial statements of the enterprises certified by independent audit organizations
+ Declaration of enterprise income tax under investment projects abroad (copy certified by the authorized representative of the investment projects abroad);
+ Record of tax settlement of enterprise (if any);
+ Confirmation of tax paid abroad or documents evidencing the tax paid abroad.
- In case the investment projects abroad have not yet generated taxable income (or losses arising), upon declaring the annual settlement of enterprise income tax, Vietnamese enterprises investing abroad only pay the financial statements certified by independent auditing agency or competent authorities of the country where the enterprises are investing and the Declaration of income tax of the investment projects (copy certified by the authorized representative of the investment projects abroad and enterprise’s seal); The loss generated from investment projects abroad are not deducted from the income generated of domestic enterprises upon calculating enterprise income tax.
- Income from investment projects abroad shall be declared in the settlement of enterprise income tax of the year following the fiscal year generating income abroad or declared in the settlement of enterprise income tax of the fiscal year together with the year generating income abroad if the enterprises have sufficient grounds and documents to determine the income and income tax paid of investment projects abroad.
For income from business and production activities of the investment projects in countries which have signed agreements on avoidance of double taxation with Vietnam, the Vietnamese enterprises investing abroad shall declare and pay tax under the provisions of the Agreement.
22. Incomes received in cash or in kind from funding sources other than the funding mentioned in Clause 7 of Article 8.
23. Other income as prescribed by the law.
Article 8. Incomes eligible for tax exemption
1. Incomes from farming, breeding, raising aquatic products of organizations established under the Law on Cooperatives.
2. Incomes from technical services provided for agriculture including: incomes from services of irrigation, plowing, raking soil, dredging canals, services of extermination of pest for plants and animals, services of harvesting.
3. Incomes from the performance of scientific research and technology development contracts; incomes from the sale of trial-manufactured products, incomes from the sale of products using technologies newly applied in Vietnam, including incomes from the transfer of Certified Emissions Reductions (CERs). The maximum tax exemption period is one (01) year as from the commencement date of the scientific research and technology development contracts, the commencement date of the trial-manufacture, the commencement date of the application of new technology in Vietnam to manufacture; the issuance date of the CERs.
a) Incomes from the performance of scientific research and technology development contracts are eligible for tax exemption if the following conditions are specified:
- Having scientific research registration certificates;
- Certified by agencies in charge of State management of science;
b) Incomes from the sale of products using technologies newly applied to Vietnam are eligible for tax exemption when the new technologies are certified by competent agencies in charge of State management of science.
c) Incomes from the transfer of CERs are eligible for tax exemption if the CERs being sold or transferred are certified by competent agencies in charge of environment.
4. Incomes from the production and business of enterprises that employ disabled, detoxified people, HIV sufferers, that make up at least 30% of the average number of workers in a year of the enterprise.
The incomes eligible for tax exemption specified in this Clause do not include other incomes specified in Article 7 of this Circular.
Enterprises eligible for tax exemption as prescribed in this Clause are enterprises of which the average number of workers in a year is 20 people or more, excluding enterprises engaged in financial or real estate business.
Enterprises earning incomes eligible for tax exemption as prescribed in this Clause must satisfy the following conditions:
a) The enterprises employing disabled people (including war invalids) must obtain the certification from competent Health agencies on the number of disabled employees.
b) The enterprises employing detoxified people must obtain the detoxification certificates from detoxification centers, or certification from relevant competent agencies.
c) The enterprises employing HIV sufferers must obtain the certification from competent Health agencies on the number of HIV-positive employees.
5. Incomes from vocational training provided for ethnic minorities, the disabled, impoverished children, offenders, detoxifying people, detoxified people, HIV/AIDS sufferers. In case there are other subjects in the vocational training facility, the income eligible for tax exemption is calculated proportionally to the ratio of students being ethnic people, the disabled, impoverished children, offenders, detoxifying or detoxified people, HIV/AIDS sufferers to the total number of students.
The incomes eligible for tax exemption as prescribed in this Clause must satisfy the following conditions:
- The vocational training facility is established and operated under the legal documents on vocational training.
- Having the list of students being ethnic people, the disabled, impoverished children, offenders, detoxifying people, detoxified people, and HIV/AIDS sufferers.
6. The incomes from the contribution, share purchase, joint venture and economic cooperation with domestic enterprises after the contributed party, the share issuer, or one the joint venture party has paid the enterprise income tax as prescribed in the Law on Enterprise income tax, including the case when the contributed party, the share issuer, or the joint venture party is eligible for tax exemption and tax reduction.
Example 9: Enterprise B is contributed by enterprise A. The pre-tax incomes corresponding to the contribution from enterprise A to enterprise B is 100 million VND.
- In case enterprise B is not eligible for enterprise income tax incentives, and enterprise B has completely paid the enterprise income tax, including the incomes earned by enterprise A, then the incomes earned by enterprise A from the contribution is 75 million VND [(100 million – (100 million x 25%)]. Enterprise A is eligible for enterprise income tax exemption on this 75 million VND.
- In case enterprise B is eligible for 50% reduction in enterprise income tax amount payable, and enterprise B has completely paid the enterprise income tax, including the incomes earned by enterprise A according to the reduced income tax amount, then the incomes earned by enterprise A from the contribution is 87.5 million VND [(100 million – (100 million x 25% x 50%)]. Enterprise A is eligible for enterprise income tax exemption on this 87.5 million VND.
- In case enterprise B is eligible for enterprise income tax exemption, then the incomes earned by enterprise A from the contribution is 100 million VND. Enterprise A is eligible for enterprise income tax exemption on this 75 million VND.
7. The sponsorship received to be used for educational, scientific, cultural, artistic, charitable, humanitarian activities, and other social activities in Vietnam.
If the sponsorship is not properly used, the sponsorship receiver must calculate and pay enterprise income tax at the rate of 25% on the amount improperly used.
The sponsorship receiver prescribed in this Clause must be established and operated in compliance with laws, comply with law provisions on accounting and statistics.
Article 9. Loss determination and transfer.
1. The loss arising in a tax period is the negative difference of taxable income.
2. The enterprise that suffers losses after the tax settlement must continuously transfer all the losses to the taxable income of the succeeding years. The continuous loss transfer period must not exceed 5 years as from the year succeeding the loss-making year.
The enterprise shall temporarily transfer the loss to the taxable income of the quarters after making the tentative tax declaration and officially transfer the loss to the succeeding year after making the annual tax settlement declaration.
Example 10: In 2011, the enterprise A makes a loss of 10 billion VND. In 2012, enterprise A earns a taxable income being 12 billion VND. All the loss of 10 billion in 2011 must be transferred to the taxable income in 2012.
Example 11: In 2011, the enterprise B make a loss of 20 billion VND. In 2012, enterprise B earns a taxable income being 15 billion VND, then:
+ Enterprise B must transfer all the loss of 15 billion VND to the taxable income in 2012;
+ The remaining loss of 5 billion, enterprise B must monitor and continuously transfer it to the succeeding years within 5 years as from the year succeeding the loss-making year.
- Enterprises making losses between the quarters in the same fiscal year are allowed to offset the loss of the previous year against the next quarter of that fiscal year. When making enterprise income tax settlement, the enterprise shall calculate and continuously transfer all the loss of the year to the taxable income of the succeeding years as prescribed.
- The enterprises shall independently calculate the loss deducted from taxable incomes according the above principle. In case other losses keep arising while the previous loss is being transferred, the newly arising losses (excluding the loss transferred from the previous period) shall be completely transferred within 5 consecutive succeeding years.
In case the competent agency discover that the loss transferred by the enterprise is different from the loss determined by the enterprise while carrying out enterprise income tax inspection, the loss shall be transferred under the conclusion from the inspection agencies, ensuring that the loss is completely and continuously transferred within 5 years as from the year succeeding the loss-making year as prescribed.
After 5 years as from the loss-making year, the loss not yet transferred shall not be transferred to the incomes in the succeeding years.
3. Enterprises converting the enterprise forms, ownership forms (including handing over or selling enterprises to the State), or divide, split, merge, consolidate, or dissolve their enterprises must carry out tax settlement with tax authorities when obtaining the decisions on converting the enterprise forms, ownership forms, declaring bankruptcy, dividing, separating, consolidating, or dissolving their enterprises from competent agencies. The loss of an enterprise arising before converting, merging, or consolidating must be closely monitored in the loss-making year, and shall be offset against the taxable income in the same year after converting, merging, or consolidating, or shall continue to be transferred to the taxable incomes of the succeeding years after converting, merging, or consolidating in order to ensure that the loss is not transferred for more than 5 consecutive years as from the year succeeding the loss-making year.
Article 10. Establishing scientific and technological development funds of enterprises
1. Enterprises established and operated under Vietnam’s laws are allowed to extract up to 10% of the annual chargeable income before calculating enterprise income tax to establish the Scientific and technological development fund of the enterprise. Enterprises shall determine the amount of the Scientific and technological development fund as prescribed before calculating enterprise income tax Enterprises that establish scientific and technological development funds must make the Report on the establishment and use of scientific and technological development funds, and declare the rate of extraction in the enterprise income tax settlement declaration. The report on the use of scientific and technological development funds must be submitted together with the enterprise income tax settlement declaration.
2. Within 5 years after extracting, if the scientific and technological development fund is not used or improperly used, or less than 70% thereof is used, the enterprise must pay the enterprise income tax on the income used to establish the fund that is not used of improperly used, and the on profit generated from such enterprise income tax amount.
The money improperly used must not be included in the total amount used for scientific and technological development.
- The enterprise income tax rate for calculating the tax amount reclaimed is the tax rate applicable to the enterprise during the establishment of the fund.
- The interest rate for calculating the profit of the tax amount reclaimed from the unused part of the fund, is the interest rate of 1-year treasury bonds at the reclaiming time, and the period for interest calculating is two years.
3. The scientific and technological development funds of enterprises are only used for investment in scientific research and technology development of enterprises in Vietnam. The expenses from the scientific and technological development fund must have valid invoices and receipts as prescribed by law.
4. Enterprises must not include the expenses from Scientific and technological development fund of the enterprise in the production and business code when calculating taxable income in the tax period. The scientific and technological development funds of enterprises are only used for investment in scientific research and technology development of enterprises in Vietnam.
5. If an enterprise converts its form of ownership, or merges, consolidates, the enterprise newly established from such conversion, merger, or consolidation shall inherit and bear responsibility for the management and use of their scientific and technological development fund before converting, merging, or consolidating.
If the scientific and technological development fund of the merged or consolidated enterprise has not been incompletely use, the enterprise newly established from such merger or consolidation shall inherit and bear responsibility for the management and use of their scientific and technological development fund before merging, or consolidating. The distribution of scientific and technological development funds are decided by enterprises and registered at the tax authorities.
Article 11. Enterprise income tax rates
1. The enterprise income tax rate is 25%, except for the case prescribed in Clause 2 of this Article and other cases to which the preferential tax rates apply.
2. The enterprise income tax rates on petroleum exploration and extraction in Vietnam is from 32% - 50%. Depending on the extraction positions, conditions and the petroleum reserves, the enterprises planning to carry out petroleum exploration and extraction shall send the investment project dossier to the Ministry of Finance for submitting to the Prime Minister for decisions on the specific tax rate on each project and each enterprise.
The enterprise income tax rate on the exploration and extraction of rare and valuable resources (except for petroleum) is 50%; In case 70% or more of the rare and valuable resources mine lies in localities with extreme socio-economic difficulties on the list of localities enjoying enterprise income tax incentives promulgated together with the Government's Decree No. 124/2008/ND-CP on December 11, 2008, the tax rate of 40% shall apply.
The rare and valuable resources prescribed in this Clause include: platinum, gold, silver, tin, wolfram, antimony, rare earth.