Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 119/2020/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Huỳnh Quang Hải |
Ngày ban hành: | 31/12/2020 | Ngày hiệu lực: | 15/02/2021 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Chứng khoán | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Điều kiện để sử dụng chứng khoán làm tài sản ký quỹ bù trừ
Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Theo đó, nhà đầu tư và thành viên bù trừ được sử dụng chứng khoán để thực hiện ký quỹ bù trừ nếu chứng khoán đáp ứng các điều kiện sau:
- Không thuộc loại bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập;
- Không phải là tài sản bảo đảm trong các giao dịch theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch tài sản bảo đảm, kể cả tài sản bảo đảm trong giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán;
- Không phải là tài sản đang bị phong tỏa bởi tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan;
- Không bị phong tỏa, tạm giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ký quỹ bù trừ là nhà đầu tư, thành viên bù trừ;
- Các điều kiện khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Thông tư 119/2020/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2021.
Văn bản tiếng việt
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 119/2020/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020 |
QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ, BÙ TRỪ VÀ THANH TOÁN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
1. Thông tư này quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tư này không điều chỉnh hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
2. Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:
a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, ngân hàng thanh toán, tổ chức phát hành, công ty đại chúng;
c) Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán;
d) Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chứng khoán chứng chỉ là chứng khoán được phát hành dưới hình thức chứng chỉ vật chất. Thông tin về việc sở hữu hợp pháp của người sở hữu chứng khoán được ghi nhận trên chứng chỉ chứng khoán.
2. Chứng khoán ghi sổ là chứng khoán được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Thông tin về việc sở hữu hợp pháp của người sở hữu chứng khoán ghi sổ được ghi nhận trên sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán.
3. Sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán là sổ ghi chép thông tin về người sở hữu chứng khoán do tổ chức phát hành, công ty đại chúng lập khi nộp hồ sơ đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và sổ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam lập khi quản lý chứng khoán đã đăng ký.
4. Người sở hữu chứng khoán là người có tên trên sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam lập khi quản lý chứng khoán đã đăng ký.
5. Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc Sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán là văn bản do tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoặc tổ chức được tổ chức phát hành, công ty đại chúng ủy quyền cấp cho người sở hữu chứng khoán ghi sổ để xác nhận thông tin về việc sở hữu chứng khoán tại một thời điểm nhất định.
6. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác lập danh sách người sở hữu chứng khoán được hưởng quyền phù hợp với quy định của pháp luật.
7. Bù trừ đa phương là việc bù trừ chung giữa số tiền, chứng khoán được nhận và số tiền, chứng khoán phải trả cho các giao dịch chứng khoán có cùng chu kỳ, phương thức thanh toán thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán để xác định nghĩa vụ thanh toán ròng cho nhà đầu tư, thành viên bù trừ.
8. Khu vực thị trường là các khu vực tách biệt trên hệ thống bù trừ, thanh toán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, được thiết lập cho các chứng khoán có cùng chu kỳ, phương thức thanh toán, cơ chế quản lý rủi ro, thành viên bù trừ, ngân hàng thanh toán tham gia vào hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
9. Ký gửi chứng khoán là việc đưa chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vào lưu giữ tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện giao dịch.
10. Giấy tờ có giá là các loại giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật về ngân hàng được sử dụng trong các nghiệp vụ thị trường tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước với các khách hàng lưu ký.
11. Hồ sơ, tài liệu hợp lệ là hồ sơ, tài liệu có đầy đủ giấy tờ và có nội dung kê khai tại các giấy tờ đó đầy đủ theo quy định pháp luật.
1. Loại chứng khoán và hình thức đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 149 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
2. Tổ chức phát hành, công ty đại chúng thực hiện đăng ký các thông tin sau với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam:
a) Thông tin về tổ chức phát hành, công ty đại chúng;
b) Thông tin về chứng khoán của tổ chức phát hành, công ty đại chúng;
c) Thông tin về người sở hữu chứng khoán gồm: danh sách người sở hữu chứng khoán, loại chứng khoán, số lượng chứng khoán sở hữu và tài khoản lưu ký chứng khoán trong trường hợp người sở hữu chứng khoán có nhu cầu đăng ký chứng khoán đồng thời với lưu ký chứng khoán.
3. Tổ chức phát hành, công ty đại chúng đăng ký chứng khoán trực tiếp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc thông qua công ty chứng khoán. Khi có thay đổi về thông tin đã đăng ký, tổ chức phát hành, công ty đại chúng phải thực hiện điều chỉnh thông tin với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Tổ chức phát hành, công ty đại chúng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ và kịp thời của các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này .
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế về hoạt động đăng ký chứng khoán.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện cấp mã chứng khoán trong nước và mã số định danh chứng khoán quốc tế (mã ISIN) cho các loại chứng khoán, các loại cổ phần đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Mã chứng khoán trong nước được sử dụng thống nhất khi đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
3. Mã số định danh chứng khoán quốc tế được sử dụng thống nhất cho chứng khoán phát hành tại Việt Nam để giao dịch và thanh toán tại thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế về hoạt động cấp mã chứng khoán trong nước và mã số định danh chứng khoán quốc tế.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý tập trung toàn bộ thông tin tổ chức phát hành, công ty đại chúng đã đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện quản lý thông tin, điều chỉnh thông tin chứng khoán đã đăng ký theo quy chế về hoạt động đăng ký chứng khoán.
1. Việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán thông qua các giao dịch mua bán thực hiện qua hệ thống giao dịch chứng khoán;
b) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán.
2. Các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Tặng cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của Bộ Luật Dân sự;
b) Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
c) Tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định pháp luật về cổ phần hóa; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông, mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
d) Chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng;
đ) Nhà đầu tư ủy thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư ủy thác bằng tài sản; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác trong trường hợp có thay đổi điều khoản tương ứng trong hợp đồng ủy thác đầu tư; công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoàn trả nhà đầu tư ủy thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý; chuyển quyền sở hữu giữa các công ty quản lý quỹ quản lý tài sản của cùng một nhà đầu tư ủy thác theo yêu cầu của nhà đầu tư đó;
e) Chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án;
g) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; giải thể doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định pháp luật;
h) Chào mua công khai; chuyển nhượng vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch theo phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ theo quy định của pháp luật; chuyển quyền sở hữu do cổ đông của công ty đại chúng chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua hình thức đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán;
i) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ trong giao dịch hoán đổi với quỹ hoán đổi danh mục; chuyển quyền sở hữu chứng khoán phục vụ phát hành hoặc hủy chứng chỉ lưu ký trong giao dịch giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài;
k) Chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước; chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ;
l) Chuyển quyền sở hữu trong hoạt động vay và cho vay chứng khoán theo quy định tại Điều 40 Thông tư này gồm chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ bên cho vay sang bên vay và ngược lại hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm là chứng khoán từ bên vay chứng khoán sang bên cho vay chứng khoán trong trường hợp bên vay bị mất khả năng hoàn trả khoản vay; chuyển quyền sở hữu chứng khoán để xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán;
m) Chuyển quyền sở hữu do xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thực hiện phong tỏa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Thông tư này. Trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
n) Chuyển nhượng cổ phiếu ưu đãi không bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp; chuyển quyền sở hữu chứng khoán do phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
o) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán cơ sở để thực hiện chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ theo phương thức chuyển giao chứng khoán cơ sở;
p) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể quỹ đầu tư chứng khoán; thành lập, tăng vốn điều lệ công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ; tăng, giảm vốn điều lệ quỹ thành viên; chuyển quyền sở hữu chứng khoán khi quỹ trả bằng chứng khoán trong hoạt động mua bán lại của quỹ mở;
q) Chuyển quyền sở hữu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau trong trường hợp đã đạt mức tối đa về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu đó và mức giá thỏa thuận giữa các bên cao hơn giá trần của cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán tại thời điểm thực hiện giao dịch;
r) Các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán khác sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chấp thuận các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán quy định tại điểm r khoản 2 Điều này căn cứ trên một số hoặc toàn bộ các tài liệu sau:
a) Công văn đề nghị chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán;
b) Hợp đồng giao dịch hoặc giấy tờ thỏa thuận giữa các bên;
c) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu doanh nghiệp của các bên chuyển quyền sở hữu (đối với tổ chức trong nước) thông qua việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
d) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty đại chúng, Ban đại diện quỹ đóng thông qua việc không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 35 Luật Chứng khoán;
đ) Công văn nêu ý kiến của tổ chức phát hành chứng khoán được chuyển quyền sở hữu về việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán giữa các nhà đầu tư nêu trong hồ sơ;
e) Văn bản xác nhận của thành viên lưu ký (trường hợp chứng khoán đã lưu ký) hoặc tổ chức phát hành, công ty đại chúng (trường hợp chứng khoán chưa lưu ký) về số lượng chứng khoán chuyển quyền sở hữu mà các bên chuyển quyền sở hữu hiện đang sở hữu;
g) Văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành có ý kiến về việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán của tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định phải có ý kiến;
h) Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ tương đương của các bên chuyển quyền sở hữu (nếu là tổ chức); giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là cá nhân);
i) Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp;
k) Giấy ủy quyền hoặc tài liệu chứng minh thẩm quyền ký kết hợp đồng giao dịch;
l) Văn bản của các bên chuyển quyền sở hữu làm rõ các nội dung liên quan đến việc công bố thông tin, chào mua công khai, thanh toán không dùng tiền mặt, nguồn vốn đảm bảo thanh toán và các nội dung khác theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
4. Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này phải được lập thành 01 bộ hồ sơ gốc bằng tiếng Việt và được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trường hợp các tài liệu trong hồ sơ là bản sao thì phải là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu khớp đúng với bản chính. Tài liệu được lập bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm bản dịch chứng thực sang tiếng Việt bởi cơ quan có thẩm quyền; những tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc từ chối chuyển quyền sở hữu chứng khoán.
5. Bên chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải thực hiện lưu ký chứng khoán trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này trừ các trường hợp sau:
a) Bên chuyển quyền sở hữu chứng khoán bị mất tích, chết, định cư ở nước ngoài không liên lạc được;
b) Tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định pháp luật về cổ phần hóa;
c) Chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án;
d) Chuyển quyền sở hữu do tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, giải thể hộ kinh doanh mà bên chuyển quyền sở hữu không còn tồn tại do đã hoàn tất các thủ tục tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, giải thể hộ kinh doanh;
đ) Các trường hợp khác sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế về hoạt động chuyển quyền sở hữu chứng khoán.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hủy đăng ký chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm đến thời gian đáo hạn;
b) Công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp được tổ chức phát hành mua lại trước thời gian đáo hạn;
c) Tổ chức phát hành thực hiện giảm vốn, giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt tồn tại do tổ chức lại doanh nghiệp;
d) Tổ chức phát hành hoán đổi cổ phiếu, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp;
đ) Cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa không phải là công ty đại chúng bị hủy niêm yết, hủy đăng ký giao dịch và doanh nghiệp có yêu cầu hủy đăng ký chứng khoán;
e) Chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết;
g) Quỹ hoán đổi danh mục giải thể;
h) Chứng khoán của các công ty đại chúng đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhưng không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và công ty có yêu cầu hủy đăng ký;
i) Tổ chức phát hành, công ty đại chúng đăng ký chứng khoán theo thỏa thuận với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự nguyện hủy đăng ký chứng khoán;
k) Hủy đăng ký số công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương do nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư không thanh toán tiền mua; hủy công cụ nợ của Chính phủ do đáo hạn hợp đồng đảm bảo thanh khoản giữa Kho bạc Nhà nước và nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư.
2. Việc hủy đăng ký chứng khoán thực hiện theo quy chế về hoạt động đăng ký chứng khoán.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam lập danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng, tính toán và phân bổ quyền mà người sở hữu chứng khoán được nhận theo quy định của pháp luật trên cơ sở các tài liệu dưới đây:
a) Văn bản thông báo của tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoặc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan;
b) Ủy quyền của tổ chức phát hành, công ty đại chúng cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thay mặt tổ chức phát hành, công ty đại chúng thực hiện các dịch vụ liên quan cho chứng khoán đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đã nêu tại Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tổ chức phát hành, công ty đại chúng.
2. Tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ được sử dụng danh sách người sở hữu chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp vào mục đích đã nêu trong văn bản thông báo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và chịu mọi trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích hoặc làm lộ bí mật thông tin.
3. Người sở hữu chứng khoán đã lưu ký nhận quyền, lợi ích được phân bổ thông qua Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên lưu ký nơi người sở hữu chứng khoán mở tài khoản lưu ký chứng khoán. Người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký nhận quyền, lợi ích được phân bổ trực tiếp tại tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoặc tổ chức được tổ chức phát hành, công ty đại chúng ủy quyền.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho người sở hữu chứng khoán do không tuân thủ đúng các quy định về thực hiện quyền tại Thông tư này và quy chế hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm của mình.
5. Việc lập danh sách, cung cấp danh sách và tổ chức thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán được thực hiện trên cơ sở ủy quyền của tổ chức phát hành, công ty đại chúng và quy chế về hoạt động thực hiện quyền của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Tuân thủ quy định của pháp luật và các quy chế hoạt động nghiệp vụ có liên quan của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
3. Cung cấp kịp thời và chính xác cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông tin hoặc các tài liệu cần thiết để thực hiện việc đăng ký chứng khoán và thực hiện quyền theo quy định hoặc khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có yêu cầu bằng văn bản để làm rõ các thông tin hoặc tài liệu nêu trên; chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và người sở hữu chứng khoán khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, trừ trường hợp bất khả kháng.
5. Nộp tiền dịch vụ cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.
6. Trách nhiệm khác theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tổ chức phát hành, công ty đại chúng gồm những nội dung chính sau:
a) Dịch vụ tổ chức phát hành, công ty đại chúng ủy quyền cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện (dịch vụ quản lý thông tin về chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, dịch vụ xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán, dịch vụ thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán, dịch vụ khác phát sinh theo thỏa thuận của hai bên);
b) Quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức phát hành, công ty đại chúng;
c) Giải quyết tranh chấp;
d) Chấm dứt hợp đồng;
đ) Thu tiền cung cấp dịch vụ.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tổ chức phát hành, công ty đại chúng.
1. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 57, Điều 58, Điều 59 Luật Chứng khoán. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán theo mẫu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại được ủy quyền cho chi nhánh thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán. Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại phải đảm bảo chi nhánh của mình đáp ứng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán.
3. Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ủy quyền cho chi nhánh thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán kèm theo thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán tại chi nhánh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản đến công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại về việc đã nhận được báo cáo ủy quyền cho chi nhánh thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán.
5. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều này, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại phải đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, tiến hành hoạt động lưu ký chứng khoán cho chi nhánh theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Sau thời hạn này, nếu công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại không đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, tiến hành hoạt động lưu ký chứng khoán cho chi nhánh thì phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấm dứt hoạt động lưu ký chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại trong các trường hợp sau:
a) Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán.
b) Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại tự nguyện chấm dứt hoạt động lưu ký chứng khoán tại chi nhánh;
c) Chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động.
d) Cơ sở vật chất, kỹ thuật của chi nhánh không đảm bảo để thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Việc chấm dứt hoạt động lưu ký chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Việc lưu ký chứng khoán của khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc: khách hàng lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký và thành viên lưu ký tái lưu ký chứng khoán của khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Thành viên lưu ký nhận lưu ký các chứng khoán của khách hàng với tư cách là người được khách hàng ủy quyền thực hiện các nghiệp vụ lưu ký chứng khoán. Để lưu ký chứng khoán, khách hàng phải ký hợp đồng mở tài khoản lưu ký chứng khoán với thành viên lưu ký.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhận lưu ký chứng khoán từ các thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp. Để lưu ký chứng khoán, thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Thành viên lưu ký phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện các giao dịch đối với chứng khoán của thành viên đó. Mỗi thành viên lưu ký chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và không được mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký khác, trừ các trường hợp sau:
a) Thành viên lưu ký mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lập quỹ để thực hiện các giao dịch liên quan đến quỹ hoán đổi danh mục;
b) Thành viên lưu ký là công ty chứng khoán đã chấm dứt tư cách thành viên tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được phép mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại các thành viên lưu ký khác để xử lý số chứng khoán còn lại trên tài khoản tự doanh;
c) Thành viên lưu ký không phải là thành viên bù trừ mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên bù trừ để phục vụ cho mục đích quản lý tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán cho thành viên lưu ký;
d) Thành viên lưu ký là công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm mở thêm 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm;
đ) Thành viên lưu ký là nhà tạo lập thị trường mở thêm 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động tạo lập thị trường.
2. Tổ chức mở tài khoản trực tiếp được phép mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Mở tài khoản lưu ký chứng khoán đối với nhà đầu tư, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài:
a) Tại mỗi thành viên lưu ký, nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán;
b) Nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;
c) Tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài được mở tài khoản lưu ký chứng khoán sau khi được cấp mã số giao dịch chứng khoán.
4. Mỗi quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại 01 ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát duy nhất theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Công ty quản lý quỹ phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tách biệt cho công ty và cho từng quỹ đầu tư chứng khoán do công ty quản lý. Trường hợp thực hiện quản lý danh mục đầu tư, tại mỗi ngân hàng lưu ký, công ty quản lý quỹ được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên công ty quản lý quỹ thay mặt cho nhà đầu tư ủy thác (01 tài khoản lưu ký chứng khoán cho khách hàng ủy thác trong nước và 01 tài khoản lưu ký chứng khoán cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài).
6. Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký trong đó 01 tài khoản lưu ký chứng khoán cho chính mình và 01 tài khoản lưu ký chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.
7. Công ty chứng khoán nước ngoài được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán tách biệt tại thành viên lưu ký trong đó 01 tài khoản lưu ký chứng khoán cho chính mình và 01 tài khoản lưu ký chứng khoán cho khách hàng của công ty.
8. Doanh nghiệp bảo hiểm được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán để quản lý tách biệt các khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và từ nguồn phí bảo hiểm khi thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, chứng khoán lưu ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán từ nguồn vốn chủ sở hữu chịu sự điều chỉnh bởi quy định pháp luật về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
9. Quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức đầu tư nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ, tổ chức đầu tư thuộc chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức đầu tư, tài chính thuộc tổ chức tài chính quốc tế mà Việt Nam là thành viên được mở nhiều tài khoản lưu ký chứng khoán theo nguyên tắc cứ mỗi mã số giao dịch chứng khoán được cấp thì được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký.
10. Trường hợp ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký chứng khoán không phải là thành viên bù trừ, nhà đầu tư phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên bù trừ để phục vụ cho mục đích quản lý tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán.
11. Việc mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Để đáp ứng yêu cầu quản lý của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký và tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm:
a) Tài khoản chứng khoán giao dịch;
b) Tài khoản chứng khoán tạm ngừng giao dịch;
c) Tài khoản chứng khoán dùng cho các giao dịch bảo đảm;
d) Tài khoản chứng khoán phong tỏa, tạm giữ;
đ) Tài khoản chứng khoán chờ thanh toán;
e) Tài khoản chứng khoán chờ về;
g) Tài khoản chứng khoán chờ cho vay;
h) Tài khoản chứng khoán thế chấp cho khoản vay chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
i) Tài khoản ký quỹ bù trừ trong trường hợp thành viên lưu ký đồng thời là thành viên bù trừ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
k) Các tài khoản khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký nêu tại khoản 1 Điều này được phân loại như sau:
a) Tài khoản của chính thành viên lưu ký;
b) Tài khoản cho khách hàng trong nước của thành viên lưu ký;
c) Tài khoản cho khách hàng nước ngoài của thành viên lưu ký.
3. Tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm các nội dung sau đây:
a) Số tài khoản lưu ký chứng khoán;
b) Tên và địa chỉ của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp;
c) Số lượng, loại và mã chứng khoán lưu ký;
d) Số lượng chứng khoán tăng, giảm và lý do của việc tăng, giảm;
đ) Các thông tin cần thiết khác.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán theo nguyên tắc sau:
a) Chứng khoán lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là tài sản thuộc sở hữu của khách hàng, được quản lý tách biệt với tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được sử dụng chứng khoán của khách hàng trong các trường hợp quy định tại các điểm h, i, k, l, m khoản 1 Điều 156 Nghị định số .../2020/NĐ-CP ngày .... tháng .... năm của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện hạch toán trên tài khoản lưu ký chứng khoán khi các chứng từ hạch toán đầy đủ, hợp lệ và là chứng từ gốc.
3. Tổng số dư trên các tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng mở tại thành viên lưu ký phải luôn khớp với số dư các tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký mở tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Số dư chi tiết trên tài khoản lưu ký chứng khoán của từng khách hàng tại thành viên lưu ký phải khớp với số liệu sở hữu của khách hàng đó tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Khi có bất kỳ sự thay đổi hay sai sót nào về thông tin tài khoản lưu ký chứng khoán, thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp có nghĩa vụ báo cáo và điều chỉnh ngay với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc điều chỉnh thông tin tài khoản lưu ký chứng khoán thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5. Khi phát hiện sai sót thông tin trong tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp hoặc khách hàng của thành viên lưu ký, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thông báo ngay cho thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp và các tổ chức này có trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp.
1. Để đáp ứng yêu cầu quản lý của thành viên lưu ký, tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng mở tại thành viên lưu ký bao gồm:
a) Tài khoản chứng khoán giao dịch;
b) Tài khoản chứng khoán tạm ngừng giao dịch;
c) Tài khoản chứng khoán dùng cho các giao dịch bảo đảm;
d) Tài khoản chứng khoán phong tỏa, tạm giữ;
đ) Tài khoản chứng khoán chờ thanh toán;
e) Tài khoản chứng khoán chờ về;
g) Tài khoản chứng khoán chờ cho vay;
h) Tài khoản chứng khoán thế chấp cho khoản vay chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
i) Tài khoản ký quỹ bù trừ trong trường hợp thành viên lưu ký đồng thời là thành viên bù trừ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
k) Các tài khoản khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng mở tại thành viên lưu ký bao gồm các nội dung sau:
a) Số tài khoản lưu ký chứng khoán;
b) Tên và địa chỉ liên lạc của khách hàng là chủ tài khoản;
c) Số, ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam; số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương đối với khách hàng là tổ chức trong nước; số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán đối với khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài;
d) Số lượng, loại và mã chứng khoán lưu ký;
đ) Số lượng chứng khoán lưu ký tăng, giảm và lý do của việc tăng, giảm;
e) Các thông tin cần thiết khác.
3. Đối với hoạt động quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ thì tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký phải có đầy đủ thông tin về khách hàng ủy thác theo quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này.
1. Thành viên lưu ký phải quản lý các tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng theo nguyên tắc sau:
a) Thành viên lưu ký phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán chi tiết cho từng khách hàng và quản lý tách biệt tài sản cho từng khách hàng;
b) Chứng khoán lưu ký của khách hàng tại thành viên lưu ký là tài sản thuộc sở hữu của khách hàng và được quản lý tách biệt với tài sản của thành viên lưu ký;
c) Thành viên lưu ký chỉ được sử dụng chứng khoán trong tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng trong các trường hợp sau:
- Thành viên lưu ký là công ty chứng khoán xử lý chứng khoán trên tài khoản của khách hàng trong giao dịch ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật hoặc xử lý chứng khoán trên tài khoản của khách hàng phù hợp với cam kết, thỏa thuận của khách hàng với thành viên lưu ký hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc xử lý chứng khoán trên tài khoản của khách hàng phù hợp với chỉ định hoặc ủy quyền bằng văn bản của khách hàng;
- Thành viên lưu ký là thành viên bù trừ xử lý chứng khoán trong tài khoản ký quỹ bù trừ của khách hàng để đảm bảo khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, hoàn trả các nguồn hỗ trợ đã sử dụng và bù đắp thiệt hại tài chính trong trường hợp khách hàng đó mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán.
d) Thành viên lưu ký có trách nhiệm thông báo kịp thời và đầy đủ các quyền lợi phát sinh liên quan đến chứng khoán lưu ký cho khách hàng;
đ) Thành viên lưu ký có trách nhiệm cập nhật hàng ngày thông tin mở, đóng tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng tại thành viên lưu ký cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thực hiện đối chiếu thông tin số dư tài khoản lưu ký chứng khoán của từng khách hàng với số liệu sở hữu chứng khoán của khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trên cơ sở các số liệu về sở hữu chứng khoán của khách hàng mà Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp cho thành viên lưu ký. Việc cập nhật thông tin tài khoản và đối chiếu số dư thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Theo yêu cầu của khách hàng, thành viên lưu ký phải gửi cho từng khách hàng bản sao kê tài khoản lưu ký chứng khoán trong thời hạn đã thỏa thuận với khách hàng; trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, thành viên lưu ký phải gửi cho khách hàng bản sao kê tài khoản lưu ký chứng khoán sau 01 ngày làm việc kể từ ngày khách hàng yêu cầu.
3. Khách hàng có nghĩa vụ thông báo ngay cho thành viên lưu ký khi có bất kỳ sự thay đổi hay sai sót nào về thông tin tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng tại thành viên lưu ký.
1. Việc lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có hiệu lực kể từ thời điểm Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện hạch toán trên tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp mở tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Việc hạch toán, chuyển khoản chứng khoán bằng bút toán ghi sổ giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp hoặc khách hàng lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có hiệu lực pháp lý như đối với chuyển giao chứng khoán chứng chỉ và được pháp luật thừa nhận.
1. Việc ký gửi chứng khoán trừ công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương của khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Khách hàng ký gửi chứng khoán vào Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi khách hàng đó mở tài khoản lưu ký chứng khoán;
b) Thành viên lưu ký có trách nhiệm làm thủ tục nhận chứng khoán ký gửi của khách hàng và tái ký gửi vào Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng;
c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ ký gửi chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của thành viên lưu ký;
2. Thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, khách hàng ký gửi chứng khoán không hợp lệ, chứng khoán giả mạo, bị thông báo mất cắp hoặc không có đủ thông tin theo yêu cầu phải chịu trách nhiệm về việc ký gửi số chứng khoán này và phải bồi thường cho các bên liên quan thiệt hại do việc lưu ký chứng khoán đó gây ra.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện yêu cầu ký gửi chứng khoán cho cổ đông của tổ chức phát hành khi có yêu cầu từ tổ chức phát hành đứng ra đại diện cho các cổ đông.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện hạch toán chứng khoán vào tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp hoặc khách hàng của thành viên lưu ký có liên quan trong các trường hợp ký gửi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và ký gửi cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đăng ký bổ sung phát sinh từ các chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5. Việc ký gửi chứng khoán thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Rút chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng:
a) Khách hàng chỉ được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi số lượng chứng khoán sở hữu trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, trừ các chứng khoán đang bị tạm giữ, phong tỏa, ký quỹ bù trừ;
b) Thành viên lưu ký phải chuyển cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng;
c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của thành viên lưu ký;
d) Thông tin sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư rút chứng khoán lưu ký được ghi nhận vào danh sách người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký;
đ) Tổ chức phát hành có trách nhiệm cấp lại giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán đã rút chứng khoán trong trường hợp tổ chức phát hành có cấp giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán.
2. Việc rút chứng khoán do chứng khoán hết hiệu lực lưu hành, rút chứng khoán do hủy đăng ký chứng khoán tự nguyện được thực hiện theo nguyên tắc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự động hạch toán giảm số lượng chứng khoán lưu ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán của các thành viên lưu ký sau khi tổ chức phát hành hoàn tất việc hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Việc rút chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Việc chuyển khoản chứng khoán để thanh toán các giao dịch chứng khoán thực hiện thông qua hệ thống giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định về bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển khoản chứng khoán lưu ký ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán và không gắn với chuyển quyền sở hữu chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Khách hàng chuyển khoản chứng khoán từ tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng tại thành viên lưu ký này sang tài khoản lưu ký chứng khoán, tài khoản ký quỹ bù trừ của chính khách hàng tại thành viên lưu ký khác;
b) Chuyển khoản giấy tờ có giá giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán của cùng nhà đầu tư phục vụ giao dịch trên thị trường tiền tệ;
c) Chuyển khoản chứng khoán để thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm của công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm; chuyển khoản chứng khoán để thực hiện hoạt động tạo lập thị trường của nhà tạo lập thị trường;
d) Chuyển khoản chứng khoán do chuyển danh mục đầu tư giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán của cùng một nhà đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư đó;
đ) Chuyển khoản chứng khoán do thay đổi thông tin về loại chứng khoán, điều chỉnh sai sót về số lượng chứng khoán sở hữu, thay đổi đại diện sở hữu vốn nhà nước; chuyển khoản chứng khoán do thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc thay đổi quốc tịch dẫn tới thay đổi từ nhà đầu tư trong nước thành nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại;
e) Chuyển khoản khi thành viên lưu ký nơi khách hàng đang mở tài khoản bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán hoặc bị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký; chuyển khoản khi thành viên bù trừ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán;
g) Khi tổ chức mở tài khoản trực tiếp chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
h) Tổ chức mở tài khoản trực tiếp chuyển khoản chứng khoán từ tài khoản lưu ký chứng khoán của chính mình tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sang tài khoản lưu ký chứng khoán, tài khoản ký quỹ bù trừ của tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại thành viên lưu ký và ngược lại.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển khoản chứng khoán lưu ký gắn với chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này và các trường hợp chuyển khoản khác sau khi có ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
4. Thành viên lưu ký phải chuyển cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hồ sơ chuyển khoản chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng.
5. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ chuyển khoản chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc đối với các trường hợp chuyển khoản quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h khoản 2 Điều này và tối đa 05 ngày làm việc đối với các trường hợp chuyển khoản quy định tại các điểm e, g khoản 2, khoản 3 Điều này kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
6. Việc chuyển khoản chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong các trường hợp:
a) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư;
c) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán sau khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Sau khi phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo để thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán và thông báo cho khách hàng có liên quan của thành viên lưu ký.
3. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư khi có yêu cầu của chính nhà đầu tư gửi cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư có chứng khoán lưu ký thực hiện phong tỏa, giải tỏa.
Chứng khoán phong tỏa là loại chứng khoán tự do chuyển nhượng, không bị phong tỏa, tạm giữ, ký quỹ. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện bù trừ đa phương để xác định nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc sau:
a) Việc bù trừ chứng khoán được thực hiện theo từng chứng khoán và tách biệt theo loại tài khoản môi giới cho khách hàng trong nước, tài khoản môi giới cho khách hàng nước ngoài và tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ;
b) Việc bù trừ tiền được thực hiện cho từng thành viên bù trừ trên cơ sở bù trừ chung giữa số tiền được nhận và số tiền phải trả cho các giao dịch có cùng thời gian, phương thức thanh toán trên hệ thống giao dịch chứng khoán và tách biệt theo loại tài khoản môi giới cho khách hàng trong nước, tài khoản môi giới cho khách hàng nước ngoài và tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ.
2. Việc thanh toán chuyển giao chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán được thực hiện trên cơ sở nghĩa vụ thanh toán chứng khoán và tiền do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định.
3. Thành viên bù trừ chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tư cách là đại diện theo ủy quyền của khách hàng, bao gồm cả giao dịch của thành viên giao dịch không bù trừ, khách hàng của thành viên giao dịch không bù trừ.
4. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chính thức triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, thành viên lưu ký được phép tham gia hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán như thành viên bù trừ trực tiếp, thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên bù trừ đối với việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đảm bảo khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán thông qua các cơ chế đảm bảo thanh toán quy định tại Điều 35 Thông tư này.
6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế về hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
1. Thành viên bù trừ mở cho nhà đầu tư tài khoản ký quỹ bù trừ để quản lý tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư theo nguyên tắc ứng với mỗi tài khoản giao dịch nhà đầu tư được mở 01 tài khoản ký quỹ bù trừ. Công ty chứng khoán không phải là thành viên bù trừ và khách hàng của mình phải mở tài khoản ký quỹ bù trừ để quản lý tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện nghĩa vụ thanh toán tại một thành viên bù trừ chung trên cơ sở hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán giữa công ty chứng khoán và thành viên bù trừ chung.
Trường hợp nhà đầu tư có tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký không phải là thành viên bù trừ, nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán và tài khoản ký quỹ bù trừ tại cùng một công ty chứng khoán là thành viên bù trừ để quản lý tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Trường hợp tài sản ký quỹ bù trừ là tiền, thành viên bù trừ phải mở tài khoản tiền gửi đứng tên thành viên bù trừ tại ngân hàng để thực hiện ký quỹ bù trừ và quản lý tách biệt tiền gửi để thực hiện ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư. Trường hợp tài sản ký quỹ bù trừ là chứng khoán, thành viên bù trừ quản lý chứng khoán ngay trên tài khoản lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Tài khoản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư chỉ được sử dụng cho các hoạt động sau:
a) Nhận và hoàn trả tài sản ký quỹ bù trừ cho nhà đầu tư;
b) Nhận hoặc thanh toán tiền giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư, nhận thanh toán lãi tiền gửi ngân hàng theo mức lãi suất thỏa thuận giữa thành viên bù trừ và ngân hàng quản lý tài khoản;
c) Nhận hoặc chuyển giao chứng khoán vào ngày thanh toán, nhận quyền và lợi ích phát sinh đối với chứng khoán trên tài khoản ký quỹ bù trừ theo hướng dẫn tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Trước khi thực hiện giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải có đầy đủ tài sản ký quỹ bù trừ theo yêu cầu của thành viên bù trừ, quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch chứng khoán dự kiến thực hiện. Việc ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư được thực hiện bằng tiền, chứng khoán của chính nhà đầu tư. Chứng khoán ký quỹ bù trừ phải là chứng khoán đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 Thông tư này và được thành viên bù trừ chấp nhận.
2. Nhà đầu tư phải duy trì ký quỹ bù trừ cho các giao dịch chưa hoàn tất thanh toán và phải bổ sung tài sản ký quỹ bù trừ trong trường hợp giá trị tài sản ký quỹ bù trừ thấp hơn giá trị ký quỹ bù trừ yêu cầu hoặc số dư tiền gửi ký quỹ bù trừ không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ bù trừ tối thiểu bằng tiền theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Tùy vào điều kiện thị trường, thành viên bù trừ có quyền yêu cầu nhà đầu tư bổ sung ký quỹ bù trừ ngay trong phiên giao dịch. Mức ký quỹ bù trừ bổ sung và thời hạn bổ sung ký quỹ bù trừ thực hiện theo hướng dẫn của thành viên bù trừ.
3. Khi nhà đầu tư thực hiện ký quỹ bù trừ ban đầu hoặc bổ sung ký quỹ bù trừ, thành viên bù trừ được yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bù trừ toàn bộ bằng tiền hoặc cho phép nhà đầu tư ký quỹ bù trừ một phần bằng chứng khoán được thành viên bù trừ chấp nhận nhưng đảm bảo không vượt quá 40% giá trị tài sản ký quỹ bù trừ. Nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ bù trừ nếu giá trị tài sản ký quỹ bù trừ vượt quá giá trị ký quỹ bù trừ yêu cầu do thành viên bù trừ xác định.
4. Tiền và chứng khoán trên tài khoản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư, không thuộc sở hữu của thành viên bù trừ. Thành viên bù trừ chỉ được sử dụng tiền, chứng khoán trên tài khoản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Thông tư này.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm mở các tài khoản tiền gửi ký quỹ bù trừ đứng tên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tại ngân hàng thanh toán và tài khoản chứng khoán ký quỹ bù trừ đứng tên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để quản lý tài sản ký quỹ bù trừ cho các giao dịch chứng khoán của thành viên bù trừ và các khách hàng của thành viên bù trừ quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư này.
2. Tại ngân hàng thanh toán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam mở cho mỗi thành viên bù trừ 03 tài khoản tiền gửi ký quỹ bù trừ và 03 tài khoản tiền gửi thanh toán đứng tên Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để quản lý tách biệt tài sản ký quỹ bù trừ và thực hiện thanh toán cho giao dịch tự doanh, giao dịch của khách hàng môi giới trong nước, giao dịch của khách hàng môi giới nước ngoài.
3. Tài khoản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ chỉ được sử dụng cho các hoạt động nhận và hoàn trả tài sản ký quỹ bù trừ. Tài sản trên tài khoản này bao gồm cả tài sản của khách hàng mà thành viên bù trừ sử dụng để ký quỹ bù trừ cho giao dịch chứng khoán của chính khách hàng đó và lãi tiền gửi ngân hàng được nhận. Tiền và chứng khoán phát sinh từ thực hiện quyền đối với chứng khoán ký quỹ bù trừ trên tài khoản chứng khoán ký quỹ bù trừ được phân bổ theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Tài khoản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ phải được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thiết lập, đảm bảo quản lý tách biệt tài sản của thành viên bù trừ với tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; tách biệt tài sản, tiền thanh toán của từng thành viên bù trừ; tách biệt với tài sản ký quỹ bù trừ của thị trường chứng khoán phái sinh.
5. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý đầy đủ thông tin về nghĩa vụ thanh toán, giá trị thanh toán, mức ký quỹ bù trừ yêu cầu, giá trị và danh mục tài sản ký quỹ bù trừ theo từng thành viên bù trừ.
6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền yêu cầu thành viên bù trừ cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản giao dịch (trường hợp thành viên bù trừ là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam), tài khoản ký quỹ bù trừ, giá trị và danh mục tài sản ký quỹ bù trừ của từng nhà đầu tư.
1. Việc ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Thành viên bù trừ phải nộp ký quỹ bù trừ đầy đủ và kịp thời cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với tất cả các giao dịch chứng khoán chưa hoàn tất thanh toán đứng tên thành viên bù trừ, bao gồm cả giao dịch của chính thành viên bù trừ và giao dịch của khách hàng của thành viên bù trừ;
b) Thành viên bù trừ phải nộp bổ sung tài sản ký quỹ bù trừ khi giá trị tài sản ký quỹ bù trừ không đáp ứng được giá trị ký quỹ bù trừ yêu cầu hoặc số dư tiền gửi ký quỹ bù trừ không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ bù trừ tối thiểu bằng tiền do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tính toán đối với toàn bộ giao dịch chứng khoán chưa hoàn tất thanh toán đứng tên thành viên bù trừ và được rút bớt tài sản ký quỹ bù trừ nếu giá trị tài sản ký quỹ bù trừ vượt quá giá trị ký quỹ bù trừ yêu cầu;
c) Tài sản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ bao gồm tiền, chứng khoán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp nhận ký quỹ bù trừ. Tỷ lệ ký quỹ bù trừ bằng tiền thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, đảm bảo không thấp hơn 90% giá trị tài sản ký quỹ bù trừ. Giá trị ký quỹ bù trừ yêu cầu đối với các giao dịch chứng khoán chưa hoàn tất thanh toán đứng tên thành viên bù trừ được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tính toán cho thành viên bù trừ hàng ngày dựa trên giá trị ký quỹ rủi ro, giá trị ký quỹ biến đổi, phần bù rủi ro thị trường.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định mức ký quỹ bù trừ yêu cầu đối với các giao dịch chứng khoán chưa hoàn tất thanh toán theo thành viên bù trừ, loại chứng khoán và tách biệt theo từng hoạt động tự doanh, môi giới trong nước, môi giới nước ngoài. Trong trường hợp thành viên bù trừ không nộp bổ sung đầy đủ, kịp thời ký quỹ bù trừ theo yêu cầu, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được áp dụng các biện pháp xử lý sau:
a) Yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đình chỉ giao dịch đối với thành viên bù trừ là thành viên giao dịch vi phạm và thành viên giao dịch không bù trừ vi phạm có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ;
b) Từ chối thế vị đối với giao dịch của thành viên bù trừ và thành viên giao dịch không bù trừ ủy thác bù trừ, thanh toán qua thành viên bù trừ thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đã yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đình chỉ hoạt động giao dịch của thành viên này;
c) Xử lý vi phạm đối với thành viên bù trừ vi phạm theo quy định tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không thực hiện gửi có kỳ hạn đối với tiền gửi ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ. Lãi tiền gửi không kỳ hạn sẽ được hoàn trả cho thành viên bù trừ theo lãi suất ngân hàng thanh toán công bố.
4. Việc xác định các loại ký quỹ bù trừ, phương pháp tính ký quỹ bù trừ, tham số tính toán, loại tài sản được chấp thuận ký quỹ bù trừ, thủ tục nộp, rút ký quỹ bù trừ, tỷ lệ ký quỹ bù trừ, tỷ lệ ký quỹ bù trừ tối thiểu bằng tiền, việc thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán ký quỹ bù trừ và các nội dung liên quan khác thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Nhà đầu tư và thành viên bù trừ được sử dụng tiền và chứng khoán đáp ứng điều kiện tại khoản 2, khoản 3 Điều này để thực hiện ký quỹ bù trừ.
2. Chứng khoán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp nhận là tài sản ký quỹ bù trừ cho các giao dịch chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Không thuộc loại bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập;
b) Không phải là tài sản bảo đảm trong các giao dịch theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch tài sản bảo đảm, kể cả tài sản bảo đảm trong giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán; không phải là tài sản đang bị phong tỏa bởi tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan;
c) Không bị phong tỏa, tạm giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
d) Thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ký quỹ bù trừ là nhà đầu tư, thành viên bù trừ;
đ) Các điều kiện khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Chứng khoán được thành viên bù trừ lựa chọn cho phép nhà đầu tư nộp ký quỹ bù trừ phải đảm bảo:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;
b) Đáp ứng các điều kiện khác của thành viên bù trừ.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ có trách nhiệm công bố danh sách chứng khoán được chấp thuận ký quỹ bù trừ và tỷ lệ chiết khấu của từng chứng khoán trên trang thông tin điện tử của mình. Trường hợp thay đổi chứng khoán được chấp thuận làm tài sản ký quỹ bù trừ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ có trách nhiệm thay thế bằng tiền hoặc chứng khoán được chấp thuận ký quỹ bù trừ khác theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ.
5. Trong thời gian ký quỹ bù trừ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ vẫn được nhận các quyền, lợi ích phát sinh liên quan tới chứng khoán ký quỹ bù trừ theo quy định pháp luật doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán và theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
6. Trong thời gian ký quỹ bù trừ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, ký quỹ, đăng ký tài sản bảo đảm hoặc sử dụng tài sản ký quỹ bù trừ vào mục đích khác.
1. Thành viên bù trừ phải quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ bù trừ tới từng nhà đầu tư; tách biệt với tài khoản và tài sản ký quỹ bù trừ của chính mình; tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ bù trừ với thị trường chứng khoán phái sinh.
2. Thành viên bù trừ chỉ được sử dụng tài sản ký quỹ bù trừ trên tài khoản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, thực hiện thanh toán cho các giao dịch chứng khoán của chính nhà đầu tư đó, không được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, thực hiện thanh toán cho các giao dịch của chính thành viên bù trừ và nhà đầu tư khác, không được sử dụng làm tài sản bảo đảm hoặc để thanh toán cho các mục đích khác, không được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của mình hoặc sử dụng để đầu tư ngoại trừ quy định tại khoản 5 Điều này. Lãi tiền gửi được hoàn trả cho nhà đầu tư theo lãi suất không kỳ hạn do ngân hàng thanh toán công bố.
3. Tài sản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư phải được quản lý tách biệt, không phải và không được coi là tài sản của thành viên bù trừ, kể cả khi đã được ký quỹ bù trừ trên tài khoản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ.
4. Trường hợp thành viên bù trừ giải thể, phá sản, tài sản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ và không được sử dụng để xử lý theo quy định pháp luật về giải thể, phá sản, không được phân chia cho các chủ nợ của thành viên bù trừ hoặc phân chia cho các cổ đông, thành viên góp vốn của thành viên bù trừ dưới mọi hình thức. Thành viên bù trừ có trách nhiệm hoàn trả ngay cho nhà đầu tư phần tài sản ký quỹ bù trừ còn lại sau khi hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư.
5. Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, thành viên bù trừ tính toán mức ký quỹ bù trừ yêu cầu, đánh giá lại giá trị tài sản ký quỹ bù trừ, đảm bảo nhà đầu tư luôn duy trì ký quỹ bù trừ theo thỏa thuận tại hợp đồng và phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ được sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ bù trừ mà không cần sự chấp thuận của nhà đầu tư. Trong thời hạn 01 ngày làm việc sau khi xử lý tài sản ký quỹ bù trừ, thành viên bù trừ phải thông báo cho nhà đầu tư theo phương thức đã thỏa thuận với nhà đầu tư về việc xử lý tài sản ký quỹ bù trừ. Thông báo phải nêu rõ lý do, loại tài sản đã xử lý, phương thức, thời gian và giá trị thực hiện.
6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền sử dụng tài sản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ đã nộp cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện các nghĩa vụ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 156 Nghị định số .../2020/NĐ-CP ngày .... tháng .... năm của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong thời hạn 01 ngày làm việc sau khi xử lý tài sản ký quỹ bù trừ, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho thành viên bù trừ về việc xử lý tài sản ký quỹ bù trừ. Thông báo phải nêu rõ lý do, loại tài sản đã xử lý, phương thức và thời gian xử lý, giá trị thực hiện.
1. Tổ chức mở tài khoản trực tiếp, khách hàng của ngân hàng lưu ký khi giao dịch chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu về giao dịch chứng khoán và thực hiện ký quỹ bù trừ trước khi giao dịch theo các quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Trường hợp có thỏa thuận với thành viên bù trừ, tổ chức mở tài khoản trực tiếp có thể tự quản lý tài sản ký quỹ bù trừ trên tài khoản lưu ký của tổ chức mở tài khoản trực tiếp; ngân hàng lưu ký không phải là thành viên bù trừ có thể quản lý tài sản ký quỹ bù trừ là tiền, chứng khoán của khách hàng trên tài khoản lưu ký của khách hàng tại ngân hàng lưu ký nhưng việc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của tổ chức mở tài khoản trực tiếp, khách hàng của ngân hàng lưu ký phải được thực hiện trên tài khoản ký quỹ bù trừ mở tại thành viên bù trừ.
3. Thành viên bù trừ chịu trách nhiệm đối với toàn bộ nghĩa vụ ký quỹ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của tổ chức mở tài khoản trực tiếp, khách hàng của ngân hàng lưu ký không phải là thành viên bù trừ đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, kể cả trường hợp có thỏa thuận về việc quản lý ký quỹ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán với tổ chức mở tài khoản trực tiếp, ngân hàng lưu ký đó.
4. Ngân hàng lưu ký là thành viên bù trừ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên bù trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư này và chỉ được quyền từ chối xác nhận thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán đặt lệnh giao dịch là thành viên bù trừ đặt sai thông tin lệnh của nhà đầu tư hoặc đặt lệnh khi chưa có xác nhận, bảo lãnh của ngân hàng lưu ký. Trong trường hợp này, công ty chứng khoán là thành viên bù trừ chịu trách nhiệm sửa lỗi cho giao dịch của nhà đầu tư theo quy định tại Điều 33 Thông tư này.
1. Sau khi nhận kết quả giao dịch từ các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam kiểm tra tính hợp lệ của các giao dịch trước khi thực hiện thế vị giao dịch. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quyền từ chối thế vị và loại bỏ thanh toán đối với các giao dịch không hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Thông tư này.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo danh sách giao dịch hợp lệ cho các thành viên bù trừ để đối chiếu và xác nhận.
3. Thành viên bù trừ có trách nhiệm đối chiếu chi tiết giao dịch với danh sách giao dịch hợp lệ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam gửi và xác nhận lại với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi sau giao dịch đối với các trường hợp sau:
a) Thành viên bù trừ là công ty chứng khoán đặt nhầm, sai lệnh của khách hàng như: sai số tài khoản của khách hàng, sai mã chứng khoán, sai mức giá, thừa lệnh, nhầm lệnh mua thành lệnh bán và ngược lại, sai số lượng chứng khoán;
b) Thành viên bù trừ không kiểm soát số dư chứng khoán và tiền của khách hàng theo quy định dẫn đến thiếu chứng khoán hoặc tiền để thanh toán giao dịch chứng khoán;
c) Số lượng chứng khoán bán hoặc số lượng chứng khoán mua chênh lệch do tổng số lượng chứng khoán bán không bằng với tổng số lượng chứng khoán mua trên các lệnh giao dịch trong ngày đã được thực hiện của nhà đầu tư;
d) Công ty chứng khoán là thành viên bù trừ đặt lệnh giao dịch cho khách hàng của thành viên bù trừ là ngân hàng lưu ký khi chưa có xác nhận hoặc đặt lệnh sai so với thông tin xác nhận của ngân hàng lưu ký;
đ) Tài khoản thiếu chứng khoán của khách hàng đến thời điểm quy định không gửi thông báo, xác nhận với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
e) Các giao dịch thiếu thông tin tài khoản của khách hàng.
2. Việc sửa lỗi sau giao dịch được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi về tài khoản tự doanh theo yêu cầu của thành viên bù trừ đối với các trường hợp quy định tại tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa lỗi về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán sau khi ngân hàng lưu ký từ chối xác nhận thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa lỗi về tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ mà không cần có ý kiến của thành viên bù trừ;
d) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa lỗi về đúng tài khoản của khách hàng đã được cập nhật thông tin trong thời gian quy định. Sau thời gian này, đối với các giao dịch thiếu thông tin tài khoản nhà đầu tư, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa lỗi về tài khoản tự doanh của thành viên bù trừ.
3. Trường hợp thành viên bù trừ sửa lỗi không có tài khoản tự doanh, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ mở tài khoản tự doanh cho thành viên bù trừ để hạch toán tạm thời số chứng khoán mà thành viên bù trừ được nhận hoặc phải trả do phải thực hiện sửa lỗi. Cơ chế thực hiện như sau:
a) Khi được nhận chứng khoán từ việc sửa lỗi, thành viên bù trừ có nghĩa vụ bán ngay số chứng khoán được nhận về từ giao dịch sửa lỗi vào phiên giao dịch gần nhất để Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đóng tài khoản;
b) Khi phải hoàn trả chứng khoán vay từ bên cho vay, thành viên bù trừ được phép duy trì tài khoản tự doanh cho đến khi hoàn tất nghĩa vụ đối với bên cho vay chứng khoán.
4. Trường hợp sửa lỗi dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định, thành viên bù trừ có trách nhiệm bán một phần hoặc toàn bộ số chứng khoán nhận về từ giao dịch sửa lỗi vào phiên giao dịch gần nhất để giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống mức quy định.
5. Đối với các lỗi không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được xem xét, xử lý sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
6. Thành viên bù trừ do sửa lỗi sau giao dịch bị coi là mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán được áp dụng các cơ chế hỗ trợ thanh toán theo quy định tại Điều 35 Thông tư này.
7. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán các giao dịch sửa lỗi sau giao dịch.
8. Việc sửa lỗi sau giao dịch được thực hiện theo hướng dẫn tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Trường hợp thành viên bù trừ là công ty chứng khoán nhập sai số hiệu tài khoản tự doanh, sai lệnh tự doanh vào hệ thống giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ thực hiện điều chỉnh tương ứng về đúng số hiệu tài khoản tự doanh, lệnh tự doanh của công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký để thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Trường hợp thành viên bù trừ là công ty chứng khoán nhập sai lệnh dẫn tới thiếu chứng khoán để thanh toán hoặc thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục bị thiếu chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục để thanh toán do giao dịch hoán đổi không thành công theo quy định về quản lý quỹ hoán đổi danh mục thì được áp dụng các cơ chế hỗ trợ thanh toán theo quy định tại Điều 35 Thông tư này.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán các giao dịch xử lý lỗi sau giao dịch.
1. Thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ bị mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Không kịp thời thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ ký quỹ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Bị phá sản hoặc tuyên bố phá sản theo quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp;
c) Các trường hợp khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Trường hợp thiếu tiền, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được sử dụng các nguồn hỗ trợ để đảm bảo thanh toán giao dịch chứng khoán khi thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán theo trình tự sau:
a) Sử dụng tiền ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán theo trình tự quy định tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Sử dụng khoản đóng góp quỹ bù trừ bằng tiền của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán trường hợp tiền ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ không đủ bù đắp nghĩa vụ thanh toán;
c) Thực hiện sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, tài sản đóng góp quỹ bù trừ bằng chứng khoán của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
d) Sử dụng khoản đóng góp quỹ bù trừ của thành viên bù trừ khác theo tỷ lệ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quyết định. Trong trường hợp này Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo cho các thành viên bù trừ thông tin về việc sử dụng quỹ bù trừ để đảm bảo thanh toán trong ngày sử dụng. Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tài sản quỹ bù trừ đã sử dụng và thanh toán tiền lãi cho các thành viên bù trừ khác theo lãi suất do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định;
đ) Sử dụng Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ và các nguồn vốn hợp pháp khác của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
3. Trường hợp thiếu chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch hoặc xử lý lỗi tự doanh, thành viên bù trừ áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo trình tự sau:
a) Sử dụng chứng khoán vay qua hệ thống vay và cho vay chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý;
b) Trường hợp đến thời điểm thanh toán theo quy định, thành viên bù trừ vẫn không đủ chứng khoán để thanh toán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ thực hiện lùi thời hạn thanh toán đối với số lượng chứng khoán thiếu của thành viên bù trừ để tiếp tục áp dụng cơ chế hỗ trợ do thiếu chứng khoán quy định tại điểm a hoặc điểm c khoản này. Việc lùi thời hạn thanh toán thực hiện theo quy định tại Điều 36 Thông tư này.
c) Mua bắt buộc qua hệ thống giao dịch chứng khoán. Giao dịch mua bắt buộc được thanh toán trong ngày và được bù trừ chung với giao dịch có cùng ngày thanh toán qua hệ thống của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện thanh toán bằng tiền đối với giao dịch thiếu chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Ngày thanh toán là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền có phát sinh lợi ích vật chất mà thành viên bù trừ không hoàn tất việc vay, mua bắt buộc chứng khoán trong thời gian quy định;
b) Chứng khoán thiếu không được phép vay và mua bắt buộc theo quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam;
c) Thành viên bù trừ đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ quy định tại khoản 3, Điều này mà vẫn không đủ chứng khoán để thanh toán.
5. Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, khách hàng của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán phải hoàn trả các nguồn hỗ trợ đã sử dụng quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự như sau:
a) Các nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
c) Khoản đóng góp của các thành viên bù trừ khác trong quỹ bù trừ;
d) Khoản đóng góp của chính thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán trong quỹ bù trừ.
6. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được sử dụng, bán, chuyển giao chứng khoán hiện có, chứng khoán chờ về từ các giao dịch mua trước đó trên các tài khoản tự doanh, tạo lập thị trường của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán tiền; chứng khoán chờ về từ các giao dịch mua thiếu tiền trước đó trên tài khoản của nhà đầu tư mất khả năng thanh toán tiền để hoàn trả các nguồn hỗ trợ đã sử dụng và bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan.
Trong trường hợp chưa thể bán, sử dụng, chuyển giao chứng khoán hiện có, chứng khoán chờ về nêu trên hoặc số tiền thu được từ việc bán, sử dụng, chuyển giao không đủ để hoàn trả các nguồn hỗ trợ và bù đắp các chi phí phát sinh liên quan, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được sử dụng tiền thu được từ các giao dịch bán chứng khoán khác, quyền và lợi ích thu được từ chứng khoán của chính thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán tiền để hoàn trả các nguồn hỗ trợ và bù đắp chi phí, thiệt hại phát sinh.
7. Việc sử dụng các nguồn hỗ trợ thanh toán, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm, hoàn trả khoản vay, việc xác định giá thanh toán, thời gian, trình tự thanh toán bằng tiền thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
8. Ngoài việc sử dụng các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện các biện pháp sau:
a) Yêu cầu thành viên bù trừ giải trình lý do, cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến việc mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, cung cấp danh sách khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng và thông tin trên tài khoản ký quỹ bù trừ của khách hàng và thành viên bù trừ;
b) Phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam để đình chỉ giao dịch đối với thành viên bù trừ là thành viên giao dịch, thành viên giao dịch không bù trừ có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các giao dịch theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (nếu có) để làm giảm nghĩa vụ thanh toán hoặc nghĩa vụ ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ;
c) Điều chỉnh mức ký quỹ bù trừ yêu cầu, mức đóng góp quỹ bù trừ đối với thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán.
9. Trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ có trách nhiệm báo cáo ngay cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông tin về giao dịch chứng khoán, danh mục tài sản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư đó và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp, bao gồm:
a) Yêu cầu nhà đầu tư hoặc thành viên bù trừ thực hiện giao dịch bắt buộc đối ứng với giao dịch đã thực hiện trong cùng ngày giao dịch để giảm thiểu nghĩa vụ thanh toán;
b) Đình chỉ việc nhận lệnh giao dịch chứng khoán mới từ nhà đầu tư liên quan đồng thời hủy các lệnh giao dịch chưa thực hiện của nhà đầu tư đó;
c) Sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ bù trừ của nhà đầu tư để mua hoặc làm tài sản bảo đảm cho khoản vay để thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư. Trường hợp không đủ, thành viên bù trừ phải sử dụng tài sản của mình để thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư.
10. Việc áp dụng cơ chế vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán được thực hiện theo hướng dẫn tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
11. Trường hợp thành viên bù trừ phải mua bắt buộc chứng khoán qua hệ thống giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ thực hiện theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán.
1. Việc lùi thời hạn thanh toán được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ tách số lượng chứng khoán thiếu để lùi thời hạn thanh toán;
b) Thời hạn lùi thanh toán tối đa là 03 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán của số lượng chứng khoán thiếu. Giá trị của số lượng chứng khoán lùi thời hạn thanh toán được xác định căn cứ vào giá đóng cửa của chứng khoán lùi thời hạn thanh toán tại ngày giao dịch liền trước ngày thanh toán;
c) Việc thanh toán chứng khoán bị lùi thời hạn thanh toán được thực hiện theo phương thức bù trừ chung với các giao dịch có ngày thanh toán kế tiếp;
d) Thành viên bù trừ có giao dịch bị lùi thời hạn thanh toán phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng liên quan theo mức 5% giá trị chứng khoán lùi thanh toán trên 01 ngày lùi thời hạn thanh toán.
2. Cách thức xác định số lượng và giá trị của chứng khoán thiếu phải lùi thời hạn thanh toán và trình tự lùi thời hạn thanh toán được thực hiện theo hướng dẫn tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền từ chối thế vị và loại bỏ thanh toán giao dịch chứng khoán trong các trường hợp sau:
a) Thành viên bù trừ, khách hàng của thành viên bù trừ bán chứng khoán khi chưa sở hữu không đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính;
b) Giao dịch của thành viên bù trừ hoặc khách hàng của thành viên bù trừ được thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam về việc đình chỉ giao dịch đối với thành viên bù trừ đó;
c) Giao dịch thực hiện đối với mã chứng khoán chưa được chấp nhận bù trừ, thanh toán trên hệ thống của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
d) Giao dịch có số hiệu tài khoản không hợp lệ do số đăng ký thành viên bù trừ hoặc ký tự loại tài khoản giao dịch không tồn tại;
đ) Giao dịch có các thông tin không hợp lệ gồm: không có mã phiên giao dịch; ngày giao dịch khác ngày hiện tại; không có số hiệu lệnh bên mua hoặc bên bán; giá, khối lượng giao dịch nhỏ hơn hoặc bằng không; không có xác nhận lệnh;
e) Giao dịch có tổ hợp bốn thông tin mã thị trường, mã bảng giao dịch, mã chứng khoán, số xác nhận lệnh trùng với giao dịch đã nhận trước đó;
g) Các trường hợp khác sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
2. Thành viên bù trừ có giao dịch bị từ chối thế vị và loại bỏ thanh toán tại các điểm a, b khoản 1 Điều này phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân có giao dịch đối ứng liên quan theo mức 20% giá trị giao dịch bị từ chối thế vị hoặc không được thanh toán. Trường hợp là hành vi vi phạm pháp luật, thành viên bù trừ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán các giao dịch bị từ chối thế vị và loại bỏ thanh toán.
1. Quỹ bù trừ được hình thành từ các khoản đóng góp bằng tiền hoặc chứng khoán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp nhận với mục đích bồi thường thiệt hại và hoàn tất các giao dịch chứng khoán, nghĩa vụ thanh toán đứng tên thành viên bù trừ trong trường hợp nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán. Tỷ lệ giá trị chứng khoán đóng góp vào quỹ bù trừ thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định mức đóng góp quỹ bù trừ dựa trên rủi ro mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên bù trừ tách biệt theo từng khu vực thị trường. Giá trị đóng góp quỹ bù trừ cho khu vực thị trường nào chỉ được sử dụng để hỗ trợ thanh toán, bồi thường thiệt hại phát sinh liên quan đến giao dịch chứng khoán của khu vực thị trường đó.
3. Thành viên bù trừ có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bù trừ theo mức tối thiểu ban đầu, đóng góp định kỳ do đánh giá lại và đóng góp bổ sung bất thường theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Mức đóng góp vào quỹ bù trừ của thành viên bù trừ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về các quỹ được quản lý bởi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đánh giá lại quy mô quỹ bù trừ định kỳ và xác định nghĩa vụ đóng góp quỹ bù trừ của từng thành viên bù trừ căn cứ vào quy mô giá trị thanh toán, mức độ biến động của thị trường, mức độ rủi ro và các tiêu chí khác:
a) Trường hợp số dư đóng góp quỹ bù trừ lớn hơn nghĩa vụ phải đóng góp, thành viên bù trừ được rút phần chênh lệch;
b) Trường hợp số dư đóng góp quỹ bù trừ nhỏ hơn nghĩa vụ phải đóng góp, thành viên bù trừ phải đóng góp bổ sung phần chênh lệch.
5. Thành viên bù trừ có trách nhiệm đóng góp bổ sung bất thường vào quỹ bù trừ theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong các trường hợp sau:
a) Sau khi đã sử dụng hết tài sản đóng góp quỹ bù trừ theo trình tự quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Thông tư này mà vẫn chưa đủ tiền để thanh toán giao dịch chứng khoán. Mức đóng góp bổ sung do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quyết định sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
b) Thành viên bù trừ bị đặt vào các tình trạng cảnh báo theo quy định của pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, quy định pháp luật ngân hàng về an toàn vốn;
c) Tài sản đóng góp quỹ bù trừ của thành viên bù trừ bị phong tỏa, tịch thu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quyết định của tòa án;
d) Các trường hợp khác do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
6. Quản lý và sử dụng quỹ bù trừ:
a) Tiền đóng góp vào quỹ bù trừ thuộc sở hữu của thành viên bù trừ và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý tách biệt với tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tách biệt với quỹ bù trừ của thị trường phái sinh. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được toàn quyền sử dụng, chuyển giao, kể cả bán các tài sản đóng góp vào quỹ bù trừ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bù đắp thiệt hại phát sinh từ giao dịch chứng khoán đứng tên thành viên bù trừ;
b) Đối với khoản đóng góp bằng tiền, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thanh toán để quản lý tiền của các thành viên bù trừ đóng góp vào quỹ bù trừ;
c) Đối với khoản đóng góp bằng chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để quản lý khoán đóng góp quỹ bù trừ của thành viên bù trừ. Cổ tức, trái tức, lãi phát sinh và các quyền lợi phát sinh khác đối với chứng khoán đóng góp phải được hoàn trả cho thành viên bù trừ sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan;
d) Lãi tiền gửi phát sinh liên quan đến khoản đóng góp quỹ bù trừ bằng tiền được phân bổ cho thành viên bù trừ phù hợp với số tiền và thời gian đóng góp của từng thành viên bù trừ sau khi trừ đi chi phí quản lý cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các chi phí liên quan khác (nếu có);
đ) Tùy theo giá trị thực tế của quỹ bù trừ và tần suất, mức độ sử dụng quỹ bù trừ của thành viên bù trừ, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được quy định mức trần sử dụng trong từng trường hợp hỗ trợ thanh toán. Lãi suất vay quỹ bù trừ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định sau khi thống nhất ý kiến của thành viên bù trừ và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
7. Hoàn trả quỹ bù trừ:
a) Thành viên bù trừ chỉ được hoàn trả lại số tiền đóng góp quỹ bù trừ khi thành viên bù trừ đó bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên bù trừ. Việc hoàn trả chỉ được thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đã khấu trừ các khoản phải trả (nghĩa vụ nợ), bao gồm cả khoản bồi thường thiệt hại tài chính cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các khoản phải thanh toán cho các giao dịch chứng khoán, các nghĩa vụ thanh toán chưa được hoàn tất của thành viên bù trừ và khách hàng của thành viên bù trừ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư này.
b) Trường hợp thành viên bù trừ đang trong thời gian xử lý để thu hồi Giấy chứng nhận thành viên bù trừ, giá trị đóng góp quỹ bù trừ của thành viên bù trừ đó được quản lý tách biệt ra khỏi quỹ bù trừ và là cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (nếu có) sau khi đã khấu trừ số tiền thành viên bù trừ còn phải thanh toán cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
8. Phương pháp xác định quy mô, nghĩa vụ đóng góp; tỷ lệ đóng góp quỹ bù trừ bằng tiền; trình tự nộp, rút, hoàn trả; cách thức nhận và phân bổ lãi thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chính thức triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm:
a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tiếp tục quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán với mục đích bồi thường thiệt hại tài chính cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và hoàn tất các giao dịch chứng khoán, nghĩa vụ thanh toán của thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, nhà đầu tư trong trường hợp thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán. Trong thời gian này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán như quỹ bù trừ để đảm bảo thanh toán theo quy định tại khoản này và các điểm b, d khoản 2 Điều 35 Thông tư này.
b) Thành viên lưu ký có trách nhiệm đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán bằng tiền với mức đóng góp cố định ban đầu, mức đóng góp hàng năm và mức đóng góp tối đa theo quy định của Bộ Tài chính về các quỹ được quản lý bởi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
c) Tiền đóng góp vào quỹ hỗ trợ thanh toán thuộc sở hữu của thành viên lưu ký và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý tách biệt với tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thành viên lưu ký được hoàn trả lại số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán trong các trường hợp sau:
- Thành viên lưu ký bị thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký theo quy định của pháp luật;
- Thành viên lưu ký không được cấp Giấy chứng nhận thành viên bù trừ sau 12 tháng kể từ thời điểm chính thức triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.
d) Việc hoàn trả tại điểm c khoản này chỉ được thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký và đã khấu trừ các khoản phải trả (nghĩa vụ nợ), bao gồm cả khoản bồi thường thiệt hại tài chính cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các khoản phải thanh toán cho các giao dịch chứng khoán, các nghĩa vụ thanh toán chưa được hoàn tất của thành viên lưu ký và khách hàng của thành viên lưu ký đó.
đ) Trường hợp thành viên lưu ký đang trong thời gian xử lý để thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, giá trị đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán của thành viên lưu ký được quản lý tách biệt khỏi quỹ hỗ trợ thanh toán và là cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi (nếu có) sau khi đã khấu trừ số tiền thành viên lưu ký còn phải thanh toán cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
e) Lãi phát sinh từ tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán được phân bổ cho thành viên lưu ký tương ứng với số tiền và thời gian đóng góp của từng thành viên lưu ký sau khi trừ chi phí quản lý cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (nếu có).
g) Phương pháp xác định quy mô, nghĩa vụ đóng góp; trình tự nộp, rút, hoàn trả; cách thức nhận và phân bổ lãi thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Sau 12 tháng kể từ ngày chính thức triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thiết lập, quản lý và sử dụng quỹ bù trừ theo quy định tại Điều 38 Thông tư này để thay thế cho quỹ hỗ trợ thanh toán và xử lý các khoản đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán của thành viên lưu ký như sau:
a) Giá trị đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán của thành viên lưu ký được cấp Giấy chứng nhận thành viên bù trừ được chuyển sang thành khoản đóng góp quỹ bù trừ. Thành viên bù trừ nộp bổ sung hoặc được hoàn trả khoản đóng góp (nếu có) theo thông báo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
b) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoàn trả lại số tiền đóng góp quỹ hỗ trợ thanh toán cho thành viên lưu ký không được cấp Giấy chứng nhận thành viên bù trừ sau khi đã khấu trừ số tiền thành viên lưu ký còn phải thanh toán cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm các khoản phải trả (nghĩa vụ nợ), khoản bồi thường thiệt hại tài chính cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các khoản phải thanh toán cho các giao dịch chứng khoán, các nghĩa vụ thanh toán chưa được hoàn tất do thành viên lưu ký đó chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam giữ vai trò trung gian, tổ chức quản lý, vận hành hệ thống vay và cho vay chứng khoán nhằm mục đích kết nối giữa bên cho vay và bên vay chứng khoán để thực hiện các giao dịch phù hợp với quy định pháp luật.
2. Hệ thống vay và cho vay chứng khoán thực hiện trên các nguyên tắc sau:
a) Hoạt động vay và cho vay chứng khoán được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận hoặc khớp lệnh giữa bên vay và bên cho vay trên nguyên tắc bên vay phải có tài sản bảo đảm. Cơ chế khớp lệnh phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên về lãi suất, số lượng chứng khoán và thời gian;
b) Tài sản bảo đảm có thể là tiền hoặc chứng khoán đủ điều kiện. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định chứng khoán đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm, tỷ lệ chiết khấu tài sản bảo đảm sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
c) Giá trị tài sản bảo đảm phải đạt tỷ lệ tối thiểu 110% giá trị khoản vay. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm so với giá trị khoản vay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận;
d) Lãi suất cho vay được thỏa thuận trên nguyên tắc tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan;
đ) Khoản vay phải được hoàn trả bằng chứng khoán đã vay hoặc hoàn trả bằng tiền sau khi được chấp thuận của bên cho vay. Trường hợp bên cho vay nhận hoàn trả khoản vay bằng chứng khoán dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định, phần vượt quá phải được hoàn trả bằng tiền;
e) Trường hợp bên cho vay nhận chuyển giao tài sản bảo đảm bằng chứng khoán khi bên vay mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định, bên cho vay có trách nhiệm bán số chứng khoán vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định trong ngày giao dịch kế tiếp ngày nhận chuyển giao.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Hoạt động vay và cho vay chứng khoán được thực hiện theo hướng dẫn tại quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
1. Định kỳ hàng tháng các thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp phải gửi báo cáo hoạt động lưu ký chứng khoán, thành viên bù trừ phải gửi báo cáo hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo nội dung quy định tại quy chế hoạt động nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Định kỳ hàng năm, ngân hàng thanh toán phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đáp ứng đủ điều kiện làm ngân hàng thanh toán theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Định kỳ 06 tháng, thành viên lưu ký và thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đáp ứng đủ điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo mẫu quy định tại các Phụ lục IV, V ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, ngân hàng thanh toán phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động thanh toán tiền giao dịch chứng khoán của ngân hàng thanh toán theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Thời hạn báo cáo được quy định như sau:
a) Báo cáo tháng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 10 ngày đầu của tháng tiếp theo;
b) Báo cáo quý gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 20 ngày đầu của tháng đầu tiên trong quý tiếp theo;
c) Báo cáo 06 tháng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 45 ngày đầu kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm;
d) Báo cáo năm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày đầu của năm tiếp theo.
6. Thời gian chốt số liệu báo cáo đối với báo cáo định kỳ như sau:
a) Kỳ báo cáo năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch;
b) Kỳ báo cáo 06 tháng được tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 06 năm dương lịch;
c) Kỳ báo cáo quý là 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;
d) Kỳ báo cáo tháng là 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn tối đa 24 giờ kể từ khi xảy ra các sự kiện sau đây;
a) Đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán, đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên;
b) Thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, Giấy chứng nhận thành viên bù trừ; chấm dứt hoạt động lưu ký chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại;
c) Cung cấp thông tin theo chế độ mật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán bị tê liệt một phần hay toàn bộ.
2. Ngân hàng thanh toán phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ngay lập tức khi hoạt động thanh toán tiền giao dịch chứng khoán bị tê liệt một phần hay toàn bộ.
3. Ngân hàng thanh toán, thành viên lưu ký và thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn tối đa 24 giờ kể từ khi không đáp ứng một trong những điều kiện làm ngân hàng thanh toán, điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
4. Thành viên bù trừ phải báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn tối đa 24 giờ kể từ khi xảy ra các sự kiện sau đây:
a) Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu giảm trên 10% so với vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính quý gần nhất;
b) Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 5 lần.
1. Ngoài các trường hợp báo cáo định kỳ và bất thường quy định tại Điều 41, Điều 42 Thông tư này, trong những trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ lợi ích chung và lợi ích của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể yêu cầu Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, thành viên bù trừ, ngân hàng thanh toán báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, thành viên bù trừ và ngân hàng thanh toán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử trong thời hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu kể từ khi nhận được yêu cầu báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được yêu cầu thành viên bù trừ, ngân hàng thanh toán báo cáo bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử về hoạt động ký quỹ bù trừ và bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán. Thành viên bù trừ, ngân hàng thanh toán có trách nhiệm báo cáo Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu báo cáo.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
2. Thông tư số 05/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành trừ quy định tại khoản 3 Điều 45 Thông tư này.
1. Trước khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Thông tư này.
2. Chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Quyết định chấp thuận hoạt động lưu ký chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chi nhánh hoạt động lưu ký trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động lưu ký chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Quyết định chấp thuận hoạt động lưu ký chứng khoán cho chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấm dứt hoạt động lưu ký chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
3. Trước thời điểm chính thức triển khai hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được tiếp tục thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán theo quy định tại Thông tư 05/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
1. Trên cơ sở quy định tại Thông tư này, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành các quy chế hoạt động nghiệp vụ, quy chế thành viên sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------
GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số .../2020/TT-BTC ngày .... tháng .... năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận hoạt động lưu ký chứng khoán cho:
1. Tên đầy đủ và chính thức của ngân hàng thương mại/công ty chứng khoán/ chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
2. Tên giao dịch của ngân hàng thương mại/ công ty chứng khoán/chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
3. Địa chỉ chính thức trụ sở chính của ngân hàng thương mại/ công ty chứng khoán/ chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
4. Số điện thoại, fax;
5. Người đại diện theo pháp luật (họ tên, chức danh):
6. Vốn điều lệ:
7. Ngày dự kiến triển khai hoạt động lưu ký chứng khoán.
|
....., ngày ... tháng ... năm .... |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------
THUYẾT MINH CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN
Chúng tôi là.........................
Địa chỉ:................................................................
Chúng tôi kính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuyết minh cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán như sau:
1. Hệ thống máy vi tính, thiết bị phục vụ cho hoạt động lưu ký chứng khoán:
- Số lượng máy vi tính;
- Dự kiến phương pháp lưu giữ và xử lý thông tin về khách hàng; phương án lưu giữ chứng khoán lưu ký của khách hàng;
- Phương pháp cung cấp thông tin cho khách hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các cơ quan liên quan khác (thông qua hệ thống máy tính, điện thoại, telex, fax...);
- Nêu rõ tính năng, tác dụng, tình trạng, cấp độ công nghệ của trang thiết bị sử dụng và việc bố trí hệ thống máy tính này tại ngân hàng thương mại (chi nhánh ngân hàng thương mại)/công ty chứng khoán (chi nhánh công ty chứng khoán)/chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Bảo đảm an toàn hoạt động lưu ký chứng khoán:
- Các biện pháp đảm bảo an toàn (chống cháy, nổ, đột nhập...);
- Đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động lưu ký chứng khoán.
- Thuyết minh hệ thống dự phòng nhằm đảm bảo tính thông suốt cho hoạt động lưu ký chứng khoán.
|
....., ngày ... tháng ... năm .... |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
TÊN NGÂN HÀNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Về việc đáp ứng đủ điều kiện làm ngân hàng thanh toán năm.....
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngân hàng ………… được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép làm ngân hàng hàng thanh toán theo Quyết định số ...
Ngân hàng... kính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo về việc đáp ứng đủ điều kiện làm ngân hàng thanh toán năm ... như sau:
STT |
Điều kiện làm ngân hàng thanh toán |
Mô tả chi tiết |
Đáp ứng (x) |
1 |
Có Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. |
|
|
2 |
Có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng. |
|
|
3 |
Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm gần nhất. |
|
|
4 |
Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định pháp luật về ngân hàng. |
|
|
5 |
Có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện thanh toán giao dịch và kết nối với hệ thống của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. |
|
|
6 |
Có hệ thống thanh toán, bù trừ kết nối với hệ thống thanh toán, bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
|
|
7 |
Có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để lưu giữ số liệu thông tin thanh toán giao dịch trong thời hạn ít nhất 10 năm và cung cấp được cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 48 giờ khi có yêu cầu. |
|
|
(*) Ngân hàng thanh toán ghi rõ về việc có hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và gửi tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, đề nghị Ngân hàng thanh toán nêu rõ lý do.
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO |
....., ngày ... tháng ... năm .... |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
TÊN NGÂN HÀNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Về việc đáp ứng đủ điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán
(Từ ngày.../.../.... đến ngày.../.../....)
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài... được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán số ...
Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài ... kính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo về việc đáp ứng đủ điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán như sau:
STT |
Điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán |
Mô tả chi tiết |
Đáp ứng (x) |
1 |
Có Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hoạt động lưu ký chứng khoán. |
|
|
2 |
Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật về ngân hàng, hoạt động kinh doanh có lãi trong năm gần nhất |
|
|
3 |
Đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện hoạt động lưu ký chứng khoán. |
|
|
(*) Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài ghi rõ về việc có hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và gửi tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, đề nghị Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rõ lý do.
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO |
....., ngày ... tháng ... năm .... |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
TÊN NGÂN HÀNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Về việc đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán
(Từ ngày.../.../....đến ngày.../.../....)
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài... được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán số ... Chúng tôi là thành viên bù trừ ... (ghi rõ loại thành viên bù trừ)
Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài ... kính gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước báo cáo về việc đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán như sau:
STT |
Điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán |
Mô tả chi tiết |
Đáp ứng (x) |
1 |
Được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; Đáp ứng quy định về cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng. |
|
|
2 |
Đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu như sau: - Đối với thành viên bù trừ trực tiếp: Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng - Đối với thành viên bù trừ chung: Có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 7.000 tỷ đồng |
|
|
3 |
Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định pháp luật về tổ chức tín dụng trong vòng 06 tháng gần nhất. |
|
|
4 |
Được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu thông qua việc thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán |
|
|
5 |
Không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản hoặc tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. |
|
|
(*) Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài ghi rõ về việc có hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và gửi tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, đề nghị Ngân hàng thương mại/ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rõ lý do.
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO |
....., ngày ... tháng ... năm .... |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
TÊN NGÂN HÀNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hoạt động thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán
(Từ ngày.../.../.... đến ngày.../.../....)
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ngân hàng... được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép làm ngân hàng hàng thanh toán theo Quyết định số ...
Ngân hàng... kính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo hoạt động thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán như sau:
1. Các chỉ tiêu
Chỉ tiêu |
Đầu kỳ |
Cuối kỳ |
Tăng/Giảm (%) |
Tiền gửi ký quỹ của các thành viên tham gia thị trường |
|||
Tiền gửi ký quỹ cho hoạt động tự doanh |
|
|
|
Tiền gửi ký quỹ cho hoạt động môi giới trong nước |
|
|
|
Tiền gửi ký quỹ cho hoạt động môi giới nước ngoài |
|
|
|
Tổng |
|
|
|
Tiền gửi thanh toán của các thành viên tham gia thị trường |
|||
Tiền gửi thanh toán cho hoạt động tự doanh |
|
|
|
Tiền gửi thanh toán cho hoạt động môi giới trong nước |
|
|
|
Tiền gửi thanh toán cho hoạt động môi giới nước ngoài |
|
|
|
Tổng |
|
|
|
Số lượng thành viên tham gia thanh toán tiền qua ngân hàng thanh toán |
|||
Công ty chứng khoán |
|
|
|
Ngân hàng thương mại |
|
|
|
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài |
|
|
|
Tổng |
|
|
|
2. Tồn tại, kiến nghị:
...
NGƯỜI LẬP BÁO CÁO |
....., ngày ... tháng ... năm .... |
MINISTRY OF FINANCE |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 119/2020/TT-BTC |
Hanoi, December 31, 2020 |
CIRCULAR
ON REGISTRATION, DEPOSITORY, CLEARING AND SETTLEMENT OF SECURITIES
Pursuant to the Law on Securities dated November 26, 2019;
Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;
Pursuant to the Government's Decree No.155/2020/ND-CP dated December 31, 2020 on elaboration of the Law on Securities;
Pursuant to the Government's Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26. 2017 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Finance;
At the request of the President of the State Securities Commission;
The Minister of Finance promulgates a Circular on registration, depository, clearing and settlement of securities.
GENERAL PROVISIONS
Article 1. Scope and regulated entities
1. This Circular set forth registration, depository, clearing and settlement of securities on the securities market of Vietnam.
This Circular does not govern clearing and settlement of transactions of derivative securities, debt instruments of the Government, government-guaranteed bonds, local government bonds.
2. Regulated entities of this Circular shall include:
a) Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation (VSDC);
b) Securities companies, commercial banks, branches of foreign banks, depository members (hereinafter referred to as DMs), clearing members (hereinafter referred to as CMs), organizations directly opening accounts at VSDC (hereinafter referred to as direct account holders), settlement banks, issuers, public companies;
c) User of registration, depository, clearing and settlement of securities;
d) Relevant agencies, organizations, and individuals.
Article 2. Interpretation of terms
For the purposes of this Circular, these terms below shall be construed as follows:
1. “certificated securities” are securities issued under the form of physical certificates. Information about the legal ownership of securities owners shall be recorded on securities certificates.
2. “book-entry securities” are securities issued under the form of book entries or electronic data. Information about the legal ownership of book-entry securities owners shall be recorded on the register of securities owners.
3. “securities owner registers” are books recorded the information on securities owners made by the issuer or public company when securities application is submitted at VSDC and books made by VSDC when managing the registered securities.
4. “securities owners” are those whose names are listed on the securities owner register at VSDC.
5. “securities ownership certification books/certificates” are documents granted to owners of book-entry securities to record the information on securities ownership by the issuer, public company or organizations authorized by the issuer, public company at a certain time.
6. “final registration date” is the date VSDC make lists entitled securities owners in accordance with the provisions of law.
7. “multilateral netting” is a payment mechanism whereby amounts or securities payable can be offset against amounts or securities receivable as to securities transactions within the same period, payment method on the securities trading system to determine the net payment obligation of investors and CMs.
8. “market areas” are separate areas on VSDC's clearing and settlement system, set up for securities with the same period, payment method, risk management mechanism, CMs, clearing banks engaged in clearing and settlement for securities transactions.
9. “securities deposit” means bringing securities registered with VSDC to be centrally held at VSDC for transaction.
10. “valuable papers” are types of valuable papers as prescribed in law on banks used in monetary market operations between the State bank and depository customers.
11. “valid applications and documents” are applications and documents with adequate documents and complete declaration as prescribed by law.
REGISTRATION OF SECURITIES
Article 3. Registration of securities with VSDC
1. Types of securities and forms of securities registration with VSDC are specified in Clauses 1, 2, 3, Article 149 of Decree No. 155/2020/ND-CP dated December 31, 2020 of the Government elaborating the Law on Securities.
2. An issuer or public company shall register the following information with VSDC:
a) Information about the issuer, public company;
b) Information about securities of the issuer or public company;
c) Information on securities owners, including: list of securities owners, types of securities, quantity of securities owned and securities depository accounts in case the securities owners wish to both register and deposit the securities.
3. Issuers, public companies register securities directly with VSDC or through securities companies. When there is a change in the registered information, the issuer, the public company must apply for modification to the information to VSDC. The issuer or public company shall be held liable for the accuracy, completeness and timeliness of the information specified in Clause 2 of this Article.
4. VSDC shall issue regulations on securities registration.
Article 4. Issuance of securities codes
1. VSDC shall issue domestic securities codes and international securities identification number (ISIN) for securities and shares registered with VSDC.
2. Domestic securities codes are used unanimously following the registration with VSDC and listed and registered for trading on the securities trading system.
3. International securities identification numbers are used unanimously for securities issued in Vietnam for trading and settlement in the Vietnamese and international securities markets.
4. VSDC shall promulgate regulations on issuance of domestic securities codes and international securities identification numbers.
Article 5. Management of registered securities information
1. VSDC shall centrally manage all information of registered issuers and public companies specified in Clause 2, Article 3 of this Circular.
2. VSDC shall manage and modify registered securities information in accordance with regulations on securities registration.
Article 6. Transfer of ownership of securities
1. The transfer of ownership of securities centrally registered with VSDC shall be carried out by VSDC according to the following principles:
a) Transfer of ownership of securities through securities transactions conducted through the securities trading system;
b) Transfer of ownership of securities outside the securities trading systems if such transfers are non-commercial in nature or fail to be executed via the securities trading system.
2. Cases of transfer of ownership of securities as prescribed in point b clause 1 hereof include:
a) Donation, offering and inheritance of securities as stipulated by the Civil Code;
b) Transactions of securities in odd lots as per the law on securities and securities market;
c) Issuers, public companies redeem stocks from their staff/employees in accordance with the regulation on issuance of stocks to staff/employees; issuers, public companies redeem preferred stocks from their staff/employees in accordance with the regulation on equitization; issuers, public companies redeem stocks upon requests of shareholders, redeem share of every shareholder in proportion to his/her share in the company as per the Law on Enterprises;
d) Transfer of stocks of founding shareholders within the restricted trading period;
dd) Investors transfer their securities ownership to fund management companies where such fund management companies agree to manage the portfolio in the form of assets; fund management companies transfer securities ownership to investors in case of any change to the terms and conditions of the investment trust agreement; fund management companies transfer securities ownership to investors or other fund management companies in the event of contract termination; fund management companies wind up, go bankrupt, or cease operation and reimburse assets to investors or transfer the portfolio to other fund management companies; transfer of ownership between fund management companies of the same investor upon the request of such investor;
e) Cases of ownership transfers as determined by judgments and decisions of the Court, awards of arbitrators or decisions of judgment enforcement agencies;
g) Total division, partial division, consolidation, acquisition of enterprises, or capital contribution in form of shares into enterprises; restructuring of public sector entities; winding up of enterprises, household businesses as per the law;
h) Tender offer; transferring capital of state or state-owned enterprises invested in listed entities, entities registered to trade according to methods of auctions, competitive offering, book building as per the law; transfer of ownership as shareholders of public companies make public offering via auctions via stock exchanges;
i) Transfer of ownership of structure securities, fund certificates in swap transactions with the exchange-traded fund (ETF); transfer ownership; transfer of ownership of securities for issue or revocation of depository receipts in transactions between investors and foreign depository receipt issuers;
k) Transfer of ownership of valuable papers on the money market at the request of the State Bank; transfer ownership of privately placed corporate bonds;
l) Transfer of ownership in securities lending and borrowing as prescribed in Article 40 of this Circular, including transfer of ownership of securities from the lender to the borrower and vice versa or the transfer of ownership of collateral being securities from the borrower of securities to the lender of securities in case the borrower defaults on the loan; transfer of ownership of securities to handle cases of defaults on payments of securities;
m) Transfer of ownership due to realization of collateral being securities registered with VSDC and freezing according to Point c, Clause 1, Article 23 of this Circular. In case the transfer of ownership of securities related to a foreign investor leads to a change in the foreign ownership ratio in a public company, securities company or fund management company, it shall only be done after obtaining the approval from the State Securities Commission (SSC);
n) Transfer of preferred shares without restricted transfer in accordance with the Law on Enterprises; transfer of ownership of securities due to division of marital property in accordance with the Law on Marriage and Family;
o) Transfer of ownership of underlying securities to exercise covered warrants or government bond futures contracts by the method of transferring underlying securities;
p) Transfer of ownership of securities upon total division, partial division, consolidation, acquisition, winding up of securities investment fund; establishing and increasing charter capital of individual securities investment companies; increasing or decreasing the charter capital of member funds; transfer of ownership of securities when the fund pays with securities in the sale and redemption of open-end funds;
q) Transfer of share ownership between foreign investors in the event that the maximum foreign ownership ratio for such shares has been reached and the price agreed upon by the parties is higher than the ceiling price of such shares on the securities trading system at the time of trading;
r) Other cases of transfer of ownership of securities after obtaining the approval from the SSC.
3. The SSC shall consider approving a case of transfer of ownership of securities specified at Point r, Clause 2 of this Article on the basis of some or all of the following documents:
a) A written request for transfer of ownership of securities outside the securities trading system;
b) Transaction contract or agreement document between the parties;
c) Decision of the General Meeting of Shareholders or the Board of Directors or the Board of Members or the business owner of the parties to the ownership transfer (for domestic organizations) through the transfer of ownership of securities according to the Enterprise Law;
d) The decision of the General Meeting of Shareholders of the public company, the Board of Representatives of the closed-end fund approving the non-performance of procedures for tender offer as prescribed in Points a and b Clause 2 Article 35 of the Law on Securities;
dd) An official letter stating the opinions of the securities issuer entitled to transfer of ownership concerning the transfer of securities ownership between investors mentioned in the application;
e) A written certification of the DM (in the case of deposited securities) or the issuer or public company (in the case of undeposited securities) of the quantity of securities transferred that the parties to the ownership transfer currently own;
g) The written opinion of the specialized regulatory authority on the transfer of ownership of securities by the issuer or public company operating in the field in which the specialized law requires opinions;
h) License for establishment and operation or Certificate of business registration or equivalent papers of the parties transferring ownership (for an organization); identity card or citizen identification card (for an individual);
i) Certificate of registration of securities trading code of foreign investors, issued by VSDC;
k) Power of attorney or documents proving the authority to sign transaction contracts;
l) The documents of the parties to the ownership transfer clarifying the contents related to information disclosure, tender offer, non-cash payment, capital source for payment and other matters as required by of the SSC.
4. The documents specified in Clause 3 of this Article must be made in 1 set of original application in Vietnamese and submitted in person or by post to the SSC. In case the documents in the application are copies, they must be copies issued from the master book or copies certified by competent agencies or organizations or the copies that have been compared with the originals. Documents made in a foreign language must be accompanied by a certified translation into Vietnamese by a competent authority; documents issued or certified by a foreign competent authority must bear consular authentication.
Within 07 working days from the date of receipt of the application, the SSC shall send a written request to amend and supplement the application (if any). Within 10 working days from the date of receipt of valid applications and documents, the SSC must reply in writing on approval or refusal to the transfer of securities ownership.
5. The transferor of securities must deposit securities prior to the ownership transfer in the cases specified in Clause 2 of this Article, except for the following cases:
a) The transferor of securities is missing, dies, or resides overseas and cannot be contacted;
b) Issuers, public companies redeem stocks from their staff/employees in accordance with the regulation on issuance of stocks to staff/employees; issuers, public companies redeem preferred stocks from their staff/employees in accordance with the regulation on equitization;
c) Ownership transfers as determined by judgments and decisions of the Court, awards of arbitrators or decisions of judgment enforcement agencies;
d) Transfer of ownership rights due to restructuring, dissolution of enterprises, dissolution of business households but the transferor no longer exists due to completion of procedures for restructuring, dissolution of enterprises, dissolution of household businesses;
dd) Other cases after obtaining approval from the SSC.
6. VSDC shall issue regulations on securities ownership transfer.
Article 7. Deregistration of securities
1. VSDC shall deregister securities in the following cases:
a) Government debt instruments, government-guaranteed bonds, local government bonds, corporate bonds, covered warrants come due;
b) Government debt instruments, government-guaranteed bonds, local government bonds, corporate bonds, covered warrants are redeemed by the issuers before they come due;
c) The issuer reduces its capital, dissolves, goes bankrupt or ceases to exist due to the restructuring of the enterprise;
d) The issuer swaps shares, government debt instruments, government-guaranteed bonds, local government bonds, corporate bonds;
dd) Shares of an equitized enterprise that is not a public company are delisted or deregistered for trading and the enterprise requests to deregister securities;
e) Investment fund certificates, covered warrants are delisted;
g) The ETF is dissolved;
h) Securities of a public company that has registered with VSDC but no longer satisfy the requirements for a public company and the company requests securities deregistration;
i) Issuers, public companies registering securities under the agreement with VSDC voluntarily apply for securities deregistration;
k) Deregister the number of government debt instruments, government-guaranteed bonds, local government bonds that market makers or investors fail to pay for purchases; deregister the Government's debt instruments due to the maturity of the liquidity guarantee contract between the State Treasury and market makers and investors.
2. Securities deregistration shall comply with regulations on securities registration.
Article 8. Exercising rights of securities owners
1. VSDC compiles a list of securities owners at the last registration date, calculates and allocates the rights that securities owners are entitled to in accordance with the law on the basis of the following documents:
a) Written notice of the issuer, public company or a competent organization or individual in accordance with relevant laws;
b) Authorization of the issuer or public company for VSDC to act on behalf of the issuer or public company to perform related services for securities registered with VSDC as stated in the service contract between VSDC and the issuer or public company.
2. The issuer, public company, organization or individual competent to convene the General Meeting of Shareholders in accordance with the Law on Enterprises may only use the list of securities owners provided by VSDC for the purposes stated in the written notice specified at Point a, Clause 1 of this Article and shall be liable for the use with improper purpose or disclosure of confidential information.
3. The owner of deposited securities receives rights and benefits distributed through VSDC and DMs where the securities owner opens a securities depository account. Owners of undeposited securities receive rights and benefits distributed directly at the issuer, public company or entity authorized by the issuer or public company.
4. VSDC, the DM is responsible for exercising the rights for the owner of securities registered and deposited with VSDC, and is responsible for the damage caused to the securities owner due to failure to comply with the regulations on the exercise of rights in this Circular and regulations on professional activities of VSDC within the scope of its responsibilities.
5. The making of the list, provision of the list and the exercising of rights of securities owners shall be carried out on the basis of authorization of the issuer, public company and regulations on the exercising of rights issued by VSDC.
Article 9. Responsibilities of issuers and public companies with registered securities
1. Comply with the provisions of law and the relevant professional operation regulations of VSDC.
2. Sign a service contract with VSDC in accordance with Article 10 of this Circular.
3. Provide accurate necessary information or documents in a timely manner to VSDC to carry out securities registration and exercise rights as prescribed or when VSDC requests in writing to clarify information or the above documents; be held liable for the information and documents provided to VSDC.
4. Be liable for damage caused to VSDC and securities owners when failing to comply with the provisions of law and VSDC's regulations, except for force majeure cases.
5. Pay service fees to VSDC according to regulations of the Ministry of Finance.
6. Other responsibilities as prescribed by law and VSDC's regulations.
Article 10. Service contract between VSDC and the issuer, public company
1. The service contract between VSDC and the issuer or public company shall at least contain:
a) Services that the issuer or public company authorizes VSDC to perform (services of information management on securities registered with VSDC, services of confirmation of transfer of securities ownership to securities owners, services to exercise the rights of securities owners, other services arising under the agreement of the two parties);
b) Rights and obligations of VSDC, issuer, public company;
c) Settlement of disputes;
d) Termination of the contract;
dd) Collecting service charges.
2. VSDC shall issue a sample of service contract between VSDC and issuer, public company.
DEPOSIT OF SECURITIES
Article 11. Registration of securities depository
1. Conditions, applications, procedures for registration of securities depository of securities companies, commercial banks, branches of foreign banks in Vietnam shall be carried out under the provisions of Articles 57, 58, 59 of the Securities Law. Application for securities depository and notes of facilities sufficiently good for securities depository shall be made using the forms in Appendices I and II hereof.
2. After SSC grants the Certificate of securities depository registration, the securities company or commercial bank may authorize its branches to perform securities depository. The securities company or commercial bank must ensure that their branches meet facilities requirements for securities depository.
3. The securities company or commercial bank must report to the SSC on the authorization of the branches to carry out securities depository, together with a note of facilities sufficiently good for securities depository at the branches according to the form specified in Appendix II issued with this Circular.
4. Within 07 working days after receiving such a report mentioned in clause 3 hereof, the SSC shall notify in writing the securities company or commercial bank of the receipt of such a report.
5. Within 03 months after receiving the notice of the SSC as prescribed in Clause 4 of this Article, the securities company or commercial bank must register the securities depository, conduct securities depository for the branches in accordance with VSDC's regulations. After this time limit, if the securities company or commercial bank fails to register securities depository and conducts securities depository for the branch, it must report to the SSC.
Article 12. Termination of securities depository of branches of securities companies, branches of commercial banks
1. VSDC shall terminate securities depository operation of a branch of a securities company or a branch of a commercial bank in the following cases:
a) The securities company, commercial bank has its certificate of registration of securities depository revoked.
b) Securities company, commercial bank voluntarily terminates securities depository at the branch;
c) The branch of securities company, branch of commercial bank ceases operation.
d) The branch's facilities are not sufficiently good to carry out securities depository as notified by the SSC.
2. The termination of securities depository of branches of securities companies, branches of commercial banks shall comply with VSDC's regulations.
Article 13. Principles of securities depository
1. Depository of clients’ securities at VSDC is done according to the principle: clients deposit their securities with DMs and the DMs re-deposit their clients’ securities with VSDC.
2. DMs receive clients’ securities for deposit in the capacity of persons authorized by clients to perform securities depository operations. To deposit securities, clients must sign a contract to open a securities depository account with a DM.
3. VSDC receives deposited securities from DMs and direct account holders. To deposit securities, DMs and direct account holders must open a securities depository account in the name of DMs or direct account holders at VSDC.
Article 14. Opening a securities depository account
1. A DM must open a securities depository account at VSDC in order to conduct transactions with its securities. Each DM may only open one securities depository account at VSDC and may not open a securities depository account at another DM, except for the following cases:
a) A DM opens a securities depository account at a fund founder to perform transactions related to the exchange-traded fund;
b) A DM being a securities company that has terminated its membership at the Vietnam Stock Exchange is allowed to open a securities depository account at other DMs to deal with the remaining securities on a proprietary trading account;
c) A DM who is not a CM opens a securities depository account at a CM to serve the purpose of managing cleared margin assets and making payment for securities transactions for the DM;
d) A DM being a securities company that issues covered warrants opens an additional securities depository account at VSDC to reduce future exposure for the covered warrants;
dd) A DM being a market maker opens an additional securities depository account at VSDC to carry out market-making activities.
2. Direct account holders are allowed to open securities depository accounts at VSDC.
3. Opening securities depository accounts for investors and foreign depository receipt issuers:
a) At each DM, an investor may only open one securities depository account;
b) Foreign investors open securities depository accounts in accordance with relevant laws;
c) Foreign depository receipt issuers may open a securities depository account after being granted a securities trading code.
4. Each securities investment fund and securities investment company may only open one securities depository account at solely one custodian bank in accordance with relevant laws.
5. The fund management company must open a separate securities depository account for the company and for each securities investment fund managed by the company. In case of investment portfolio management, at each custodian bank, the fund management company is allowed to open 02 securities depository accounts in the name of the fund management company on behalf of investors (01 securities depository account for domestic investors and 01 securities depository account for foreign investors).
6. Branches of foreign fund management companies in Vietnam may open 02 securities depository accounts at DMs, of which 01 securities depository account for themselves and 01 securities depository account for portfolio management for foreign investors.
7. Foreign securities companies are allowed to open 02 separate securities depository accounts at DMs, of which 01 securities depository account for themselves and 01 securities depository account for the company's clients.
8. An insurance enterprise may open 02 securities depository accounts to separately manage investments from equity and insurance premiums when making investments on the stock market. In case an insurance enterprise has a foreign investor holding more than 50% of its charter capital, the securities deposited in the securities depository account from the equity source shall be governed by the law on foreign ownership on securities market.
9. Foreign investment funds and foreign investment organizations are managed by multiple fund management companies, investment organizations belonging to foreign governments or investment and financial organizations belonging to international financial institutions of which Vietnam is a member may open more than one securities depository account on the principle that with each securities trading code issued, one can open one securities depository account at a custodian bank.
10. In case the custodian bank where the investor opens a securities depository account is not a CM, the investor must open a securities depository account at a CM to serve the purpose of managing cleared margin assets and making payment for securities transactions.
11. The opening of a securities depository account at VSDC shall comply with VSDC's regulations on securities depository.
Article 15. Securities depository accounts of DMs and direct account holders at VSDC
1. To meet the management requirements of VSDC, securities depository accounts of DMs and direct account holders at VSDC include:
a) Trading securities accounts;
b) Securities accounts temporarily suspended from trading;
c) Securities account used for secured transactions;
d) Frozen and temporarily held securities accounts;
dd) Securities accounts awaiting payment;
e) Securities accounts waiting to be transferred;
g) Securities accounts awaiting lending;
h) Securities account as collateral for securities loans at VSDC;
i) Clearing margin accounts in case a DM is also a CM of VSDC;
k) Other accounts according to VSDC's regulations.
2. Securities depository accounts of DMs mentioned in Clause 1 of this Article are classified as follows:
a) The DM's own account;
b) Accounts for domestic clients of DMs;
c) Accounts for foreign clients of DMs.
3. Securities depository accounts of DMs or direct account holders at VSDC include the following contents:
a) Securities depository account number;
b) Name and address of the DM or direct account holder;
c) Quantity, type and code of deposited securities;
d) The number of securities increased or decreased and the reasons for the increase or decrease;
d) Other necessary information.
Article 16. Management of securities depository accounts at VSDC
1. VSDC manages securities depository accounts according to the following principles:
a) Securities deposited with VSDC are assets owned by clients and managed separately from assets of VSDC;
b) VSDC may only use clients’ securities in the cases specified at Points h, i, k, l, m, Clause 1, Article 156 of Decree No. .../2020/ND-CP dated ... of the Government on elaboration of the Law on Securities.
2. VSDC only does accounting on the securities depository account when the accounting vouchers are complete, valid and are original documents.
3. The total balance of securities depository accounts of clients opened at DMs must always match the balances of securities depository accounts of DMs opened at VSDC. The detailed balance on each client's securities depository account at a DM must match that client's ownership data at VSDC.
4. When there is any change or error in securities depository account information, the DM, direct account holder is obliged to report and modify immediately with VSDC. The modification to securities depository account information shall comply with VSDC's regulations on depository activities.
5. When detecting errors in information in the securities depository account of a DM, direct account holder or a client of a DM, VSDC must immediately notify the DM or direct account holder for proper modification.
Article 17. Securities depository accounts of clients at DMs
1. To meet the management requirements of a DM, a client's securities depository account opened at a DM includes:
a) Trading securities accounts;
b) Securities accounts temporarily suspended from trading;
c) Securities account used for secured transactions;
d) Frozen and temporarily held securities accounts;
dd) Securities accounts awaiting payment;
e) Securities waiting to be transferred;
g) Securities accounts awaiting lending;
h) Securities account as collateral for securities loans at VSDC;
i) Clearing margin accounts in case a DM is also a CM of VSDC;
k) Other accounts according to VSDC's regulations.
2. A client's securities depository account opened at a DM includes the following contents:
a) Securities depository account number;
b) Name and contact address of the client being the account holder;
c) Number and date of issuance of the people's identity card or citizen identification card for individual clients being Vietnamese; number, date of issue of certificate of business registration, license of establishment and operation or equivalent document if the client is a domestic organization; number and date of issuance of the securities trading code registration certificate if the client is a foreign investor;
d) Quantity, type and code of deposited securities;
dd) The number of securities increased or decreased and the reasons for the increase or decrease;
e) Other necessary information.
3. For the investment portfolio management by the fund management company, the securities depository account at the custodian bank must contain sufficient information about the investors as prescribed at Points b and c, d, dd and e Clause 2 of this Article.
Article 18. Management of securities depository accounts at DMs
1. DMs must manage clients’ securities depository accounts according to the following principles:
a) DMs must open a detailed securities depository account for each client and separately manage assets for each client;
b) Securities deposited by clients at DMs are assets owned by clients and managed separately from assets of DMs;
c) DM may only use securities in a client's securities depository account in the following cases:
- DM is a securities company that deals with securities on a client's account in margin trading in accordance with law or deals with securities on a client's account in accordance with agreement between the client and DM or other organization or individual, or otherwise deals with securities on the client's account in accordance with the client's written order or authorization;
- A DM is a CM who processes securities in a client's clearing margin account to ensure the solvency of securities transactions, return used support sources and compensate for financial losses in case that client defaults on securities transactions.
d) DMs have the responsibility to promptly and fully notify arising benefits related to deposited securities to clients;
dd) The DM is responsible for updating daily information on opening and closing securities depository accounts of clients at DM to VSDC and comparing information on balance of securities depository account of each client at the DM with the client's securities ownership data at VSDC on the basis of the client's securities ownership data provided by VSDC to the DM. The updating of account information and balance reconciliation shall comply with VSDC's regulations on depository activities.
2. At the client's request, the DM must send each client a statement of the securities depository account within the time limit agreed with the client; in case there is no agreement on the time limit, the DM must send to the client a statement of the securities depository account after 01 working day from the date of the client's request.
3. The client is obliged to immediately notify the DM when there is any change or error in the client's securities depository account information at the DM.
Article 19. Effect of securities deposit
1. Securities deposit at VSDC takes effect from the time VSDC does accounting on the securities depository account of the DM or direct account holder opened at VSDC.
2. The accounting and transfer of book-entry securities between securities depository accounts of DMs, direct account holders or depository clients at VSDC have the same legal effect as for with the transfer of certificated securities and recognized by law.
Article 20. Deposit of securities
1. The deposit of securities except for government debt instruments, government-guaranteed bonds, and local government bonds of clients at VSDC shall be made according to the following principles:
a) The client deposits securities in VSDC through a DM where such client opens a securities depository account;
b) DMs are responsible for carrying out procedures for receiving client's deposited securities and re-depositing them in VSDC within 01 working day from the date of receipt of valid client's application;
c) VSDC is responsible for processing securities depository applications within 01 working day from the date of receipt of valid applications of DMs;
2. A DM, direct account holder, client that deposits invalid securities, counterfeit securities, stolen securities or does not have enough information as required shall be responsible for these securities and must make restitution to related parties for any damage caused by the deposit of such securities.
3. VSDC performs the request for securities deposit from shareholders of the issuer when there is a request from the issuer to represent the shareholders.
4. VSDC shall record securities into securities depository accounts of DMs, direct account holders or clients of related DMs in cases of depositing debt instruments of government, government-guaranteed bonds, local government bonds and deposit of shares, additional registered fund certificates arising from securities deposited with VSDC.
5. Securities deposit shall comply with VSDC's regulations on securities deposit.
Article 21. Withdrawal of securities
1. Withdrawal of securities at the request of clients:
a) Clients are only required to withdraw securities within the number of securities they own on securities depository accounts, except for securities which are being held in custody, frozen or placed for clearing margin;
b) The DM must forward to VSDC the application for securities withdrawal within 01 working day from the date of receipt of a valid application from the client;
c) VSDC is responsible for processing the application for securities withdrawal within 01 working day from the date of receipt of valid application of DM;
d) Information on ownership of securities of the investor who withdraws securities shall be recorded in the list of owners of undeposited securities;
dd) The issuer is responsible for re-issuing the certificate of securities ownership or the securities ownership certificate book to the securities owner who has withdrawn the securities in case the issuer has issued the certificate of securities ownership or securities ownership certificate book.
2. Withdrawal of securities due to expiry of their validity, withdrawal of securities due to voluntary de-registration of securities shall be carried out according to the principle that VSDC automatically records the decrease in the quantity of deposited securities on the securities depository account of DMs after the issuer completes application for deregistration of securities with VSDC.
3. The withdrawal of securities deposited with VSDC shall comply with VSDC's regulations on securities depository.
Article 22. Transfer of securities
1. The transfer of securities to pay for securities transactions performed through the securities trading system must comply with regulations on clearing and settlement of securities transactions.
2. VSDC makes a depositary securities transfer outside the securities trading system and not associated with the transfer of securities ownership in the following cases:
a) The client transfers securities from the client's securities depository account at one DM to the client's own securities depository account or clearing margin account at another DM;
b) Transferring valuable papers between securities depository accounts of the same investor serving transactions on the money market;
c) Transferring securities to carry out hedging activities for covered warrants of the securities company that issues the covered warrants; transferring securities to carry out market-making activities by the market maker;
d) Transferring securities due to transfer of investment portfolio between securities depository accounts of the same investor at the request of such investor;
dd) Transferring securities due to change in information on types of securities, correction of errors in the number of securities owned, change in the representative of state capital ownership; securities transfers due to a change in foreign ownership ratio or a change of nationality resulting in a change from a domestic investor to a foreign investor and vice versa;
e) Transferring securities when the DM where the client is opening an account has the certificate of registration of securities depository, the securities brokerage practice or the certificate of DM revoked by SSC; transferring securities when the CM has the certificate of eligibility to provide clearing and settlement services for securities transactions revoked by SSC;
g) When the direct account holder terminates the service contract with VSDC.
h) The direct account holder transfers securities from its own securities depository account at VSDC to the securities depository account or clearing margin account of the direct account holder at the DM and vice versa.
3. VSDC performs the transfer of deposited securities associated with the transfer of securities ownership outside the securities trading system for the cases specified in Clause 2, Article 6 of this Circular and other transfer cases with the consent of the SSC.
4. The DM must forward to VSDC the application for securities transfer within 01 working day from the date of receipt of a valid application from the client.
5. VSDC is responsible for processing securities transfer application within 01 working day for the transfer case specified at Points a, b, c, d, dd, h Clause 2 of this Article and up to 05 working days for the transfer case specified at Points e, g, Clause 2, Clause 3 of this Article from the date of receipt of a valid application.
6. The securities transfer at VSDC shall comply with VSDC's regulations on securities depository.
Article 23. Freezing and release of securities
1. VSDC shall freeze and release securities in the following cases:
a) Freezing and releasing securities at the request of competent regulatory agencies;
b) Freezing and releasing securities at the request of investors;
c) Freezing and releasing securities of investors to be used to secure the performance of obligations in security transactions.
2. For the case specified at Point a, Clause 1 of this Article, VSDC shall only freeze and release securities after receiving a written request from a competent regulatory agency in accordance with law.
After freezing and releasing securities on securities depository accounts, VSDC is responsible for notifying DMs and direct account holders to freeze and release corresponding securities and notify the related clients of DMs.
3. For the case specified at Point b, Clause 1 of this Article, VSDC shall freeze and release the investor' securities at the investor's request and send it to VSDC through a DM where the investor has the depository securities frozen and released.
Frozen securities are freely transferable securities that are not frozen, held, or deposited. VSDC is responsible for processing the application for freezing or release of securities within 01 working day from the date of receipt of valid application. The freezing and release of securities at the request of investors shall comply with VSDC's regulations on securities depository.
4. For the case specified at Point c, Clause 1 of this Article, VSDC shall comply with regulations on registration of security interests for securities that have been centrally registered with VSDC.
CLEARING AND SETTLEMENT OF SECURITIES TRANSACTIONS UNDER CENTRAL COUNTERPARTY CLEARING HOUSE
Article 24. Principles of clearing and settlement of securities transactions
1. VSDC performs multilateral netting to determine the obligation to settle securities transactions according to the following principles:
a) The clearing of securities is done for each securities and separately according to the type of brokerage account for domestic clients, brokerage account for foreign clients and proprietary trading account of CMs;
b) The clearing is done for each CM on the basis of general clearing between the amounts receivable and the amounts payable for transactions with the same time and payment method on the securities trading system and segregated by type of brokerage account for domestic clients, brokerage account for foreign clients and proprietary trading accounts of CMs.
2. The payment for securities transfer at VSDC and money payment at the settlement bank are done on the basis of the obligation to pay securities and money determined by VSDC.
3. The CM is responsible for fulfilling all obligations of clients towards VSDC as the authorized representative of the clients, including transactions of non-clearing members (NCMs), clients of NCMs.
4. Within 12 months from the date of official implementation of clearing and settlement for securities transactions under the central counterparty clearing house, DMs are allowed to participate in clearing and settlement of securities as direct CMs, exercise the rights and obligations of CMs with respect to the provision of clearing and settlement services for securities transactions under the central counterparty clearing house in accordance with law and regulations of VSDC.
5. VSDC secures settlement of securities transactions through the secured settlement mechanism specified in Article 35 of this Circular.
6. VSDC promulgates regulations on clearing and settlement of securities transactions.
Article 25. Clearing margin accounts of investors
1. A CM opens a clearing margin account for an investor to manage clearing margin asset and fulfill the investor's obligation to pay for securities transactions according to the principle that each clearing margin account of investors may open 01 clearing margin account. The securities company other than a CM and its clients must open a clearing margin account to manage clearing margin asset and fulfill payment obligations at a general CM on the basis of the clearing and settlement trust contract between the securities company and the general CM.
In case an investor has a securities depository account at a custodian bank that is not a CM, the investor opens a securities trading account and a clearing margin account at the same securities company being CM to manage clearing margin asset and fulfill obligations to settle securities transactions.
2. In case the clearing margin asset is money, the CM must open a deposit account in the CM's name at a bank to post clearing margin and separately manage the deposit to post a clearing margin for the investor. In case the clearing margin asset is securities, the CM shall manage the securities right on the investor's securities depository account at VSDC.
3. An investor's clearing margin account can only be used for the following activities:
a) Receiving and returning clearing margin asset to the investor;
b) Receiving or settling securities transactions of the investor, receiving the interest on bank deposit at the interest rate agreed between the CM and the account managing bank;
c) Receiving or transferring securities on the date of settlement, receiving rights and benefits arising for securities on the clearing margin account as guided in VSDC's regulations.
Article 26. Clearing margin of investors
1. Before performing securities transactions, the investor must have sufficient clearing margin asset at the request of the CM and regulations of law on securities trading, clearing, and settlement of securities transactions for securities transactions expected to be performed. The investor's clearing margin is made with the investor's own money and securities. Clearing margin securities must be securities that satisfy the conditions specified in Clause 3, Article 29 of this Circular and are accepted by the CM.
2. The investor must maintain clearing margin for transactions that have not yet been settled and must add clearing margin asset in case the value of clearing margin asset is lower than the value of clearing maintenance margin or clearing margin deposit balance does not guarantee the minimum clearing margin ratio in cash required by the CM. Depending on market conditions, the CM may make a margin call to request the investor to deposit more clearing margin within the trading session. The amount of additional clearing margin and the time limit for adding clearing margin shall comply with the instructions of the CM.
3. When an investor posts a clearing initial margin or additional clearing margin, the CM may request the investor to post a clearing margin in cash or allow the investor to post a partial clearing margin with securities accepted by the CM but guaranteed not to exceed 40% of the value of the clearing margin asset. The investor may withdraw the clearing margin asset if the value of clearing margin asset exceeds the value of clearing maintenance margin determined by the CM.
4. Money and securities on an investor's clearing margin account are owned by the investor, not by the CM. The CM may only use money and securities on the investor's clearing margin account as prescribed in Clause 5, Article 30 of this Circular.
Article 27. Clearing margin accounts of CMs
1. VSDC is responsible for opening clearing margin deposit accounts in VSDC's name at the settlement bank and clearing margin securities accounts in VSDC's name at VSDC to manage clearing margin assets for securities transactions of CMs and clients of CMs specified in Clause 3, Article 24 of this Circular.
2. At the settlement bank, VSDC opens for each CM 03 clearing deposit accounts and 03 checking accounts in VSDC's name for separate management of clearing margin assets and do settlement for proprietary transactions, transactions of domestic brokerage clients, transactions of foreign brokerage clients.
3. Clearing margin accounts of CMs are only used for activities of receiving and returning clearing margin assets. The asset on this account include the client's asset that the CM uses to post a margin for clearing the client's own securities transactions and the received bank deposit interest. Money and securities arising from exercising rights as to clearing margin securities on clearing margin securities account are allocated according to VSDC's regulations.
4. The CM's clearing margin account must be established by VSDC, provided that the CM's asset is separately managed from VSDC's asset; each CM’s assets and payments is separately managed from the clearing margin assets of the derivatives market.
5. VSDC is responsible for establishing a system to fully manage information on settlement obligations, settlement value, required clearing margin, value and list of clearing margin assets for each CM.
6. VSDC has the right to request CMs to provide detailed information about trading accounts (if CMs are trading members of the Vietnam Stock Exchange), clearing margin accounts, value and portfolio of clearing margin assets of each investor.
Article 28. Clearing margin of CMs
1. The CM will post a clearing margin to VSDC as follows:
a) The CM must promptly post clearing margins in full to VSDC for all securities transactions that have not yet been settled in the CM's name, including the CM's own transactions and transactions of the CM’s clients;
b) The CM must deposit more clearing margin asset when the value of clearing margin asset does not meet the value of clearing maintenance margin or the clearing margin deposit balance does not guarantee the minimum clearing margin ratio in cash calculated by VSDC for all unfinished securities settlement in the name of the CM and the clearing margin asset may be withdrawn if the value of the clearing margin asset is in excess of the value of clearing maintenance margin;
c) Clearing margin assets of CMs include money and securities accepted by VSDC. The ratio of clearing margin in cash complies with VSDC's regulations, ensuring that it is not lower than 90% of the value of the clearing margin asset. The value of clearing maintenance margin for unsettled securities in the CM's name is calculated by VSDC for the CM on a daily basis based on the risk margin value, variation margin value, market risk premium.
2. VSDC determines the required clearing margin for securities transactions that have not yet been settled by CM, type of securities and separately for each proprietary trading, domestic brokerage, and foreign brokerage activity. In case a CM fails to promptly post clearing margins in full as required, VSDC may apply the following measures:
a) Request the Vietnam Stock Exchange to suspend trading for CMs who are violating members and violating NCMs who have trust contracts for clearing and settlement with other CMs;
b) Reject novation for transactions of a CM and NCMs that entrust clearing and settlement through the CM after VSDC has requested the Vietnam Stock Exchange to suspend this CM’s trading activities;
c) Take actions against CMs violating the VSDC's regulations.
3. VSDC does not make a term deposit for clearing margin deposits of CMs. Interest on demand deposits will be returned to CMs at the interest rate quoted by the settlement bank.
4. Determination of types of clearing margin, method of calculating clearing margin, calculation parameters, types of assets approved for clearing margin, procedures for depositing and withdrawing clearing margin, clearing margin ratio, minimum clearing margin ratio in cash, exercising of rights related to clearing margin securities and other related matters shall comply with VSDC's regulations.
Article 29. Clearing margin assets
1. Investors and CMs may use money and securities meeting the conditions in Clauses 2 and 3 of this Article to post clearing margins.
2. Securities accepted by VSDC as clearing margin assets for securities transactions must satisfy the following conditions:
a) Not in the category of being warned, controlled or suspended from trading on the Stock Exchange or the securities of the issuers in the state of dissolution, bankruptcy, consolidation or merger;
b) Not being collateral in transactions in accordance with the civil law on collateral transactions, including collateral in margin transactions at securities companies; are not assets being frozen by regulatory agencies in accordance with relevant laws;
c) Not being frozen or held in custody at VSDC;
d) It is freely transferable and has been deposited on a securities trading account at VSDC; is an asset owned by the clearing margin party being an investor or a CM;
dd) Other conditions according to VSDC's regulations.
3. Securities selected by a CM to allow investors to post clearing margins must ensure:
a) Satisfy the conditions specified at Points a, b, c, d, Clause 2 of this Article;
b) Satisfy other conditions of the CM.
4. VSDC, CMs are responsible for publishing the list of securities approved for clearing margin and the discount rate of each type of securities on their website. In case of change of securities that are already approved as clearing margin assets, the investor or CM is responsible for replacing them with cash or other securities to be approved by VSDC or the CM.
5. During the clearing margin period, investors and CMs are still entitled to receive rights and interests accrued related to clearing margin securities in accordance with the enterprise law, the securities law, and VSDC’s regulations.
6. During the clearing margin period, investors and CMs may not transfer, donate, mortgage, deposit, register the clearing margin assets as collateral or use clearing margin assets for the other purpose.
Article 30. Management of clearing margin accounts and clearing margin assets of investors and CMs
1. CMs must separately manage clearing margin accounts and assets of each investor; separately manage them from its own clearing margin account and assets; separately manage clearing margin accounts and assets from the derivatives market.
2. The CM may only use clearing margin assets on the investor's clearing margin account to secure payment obligations or make payments for such investor' own securities transactions, may not use those assets to secure payment obligations or make payments for the transactions of the CM and other investors, and may not use those assets as collateral or to pay for other purposes, and may not use those assets as collateral for its own loan or used for investment except as provided for in Clause 5 of this Article. Deposit interest is returned to the investor at the demand interest rate quoted by the settlement bank.
3. The investor's clearing margin assets must be managed separately, not be and shall not be considered as the assets of the CM, even if they are already posted as clearing margin on the clearing margin account of the CM.
4. In case a CM is dissolved or goes bankrupt, the investor's clearing margin asset is not the asset of the CM and cannot be used for realization in accordance with the law on dissolution or bankruptcy, may not be distributed to the creditors of the CM or distributed to the shareholders or capital contributors of the CM in any form. The CM is responsible for immediately returning to the investor the remaining clearing margin asset after fulfilling the investor's payment obligation.
5. On a daily basis and in trading sessions with high volatility of securities prices, the CM shall calculate the required clearing margin amount, re-evaluate the value of clearing margin assets, ensuring investors always maintain clearing margin as agreed in the contract and in accordance with the law. In case an investor defaults on a securities transaction, the CM may use, sell or transfer the clearing margin asset without the investor's approval. Within 01 working day after realizing the clearing margin asset, the CM must notify the investor using the method agreed with the investor of the realization of the clearing margin asset. The notice must clearly state the reason, the type of asset realized, method, time, and value of realization.
6. VSDC has the right to use clearing margin assets of investors and CMs already posted to VSDC to fulfill obligations of investors and CMs as prescribed at Point m, Clause 1 of Article 1 of this Article. 156 Decree No..../2020/ND-CP dated of the Government on elaboration of the Law on Securities. Within 01 working day after realizing the clearing margin asset, VSDC must notify the CM in writing of the realization of the clearing margin asset. The notice must clearly state the reason, the type of asset realized, method, time, and value of realization.
Article 31. Clearing margin and settlement of securities transactions of direct account holders and clients of custodian banks
1. Direct account holders, clients of custodian banks, upon trading securities, must satisfy requirements on securities trading and post clearing margins before trading in accordance with the provisions of law on securities trading, clearing and settlement of securities transactions.
2. In case there is an agreement with the CM, the direct account holder may manage the clearing margin assets on its own depository account; a custodian bank that is not a CM may manage clearing margin assets that are money and securities of the client on the client's depository account at the custodian bank, but the clearing and settlement of securities transactions of the direct account holder and clients of the custodian bank must be performed on clearing margin accounts opened at the CM.
3. The CM is responsible for all obligations of clearing margin and settlement of securities transactions of direct account holders or clients of custodian banks other than CMs with VSDC, even if there is an agreement on management of clearing margin and settlement of securities transactions with the direct account holders or custodian banks.
4. The custodian bank that is a CM shall fully perform the responsibilities of a CM as prescribed in Clause 3, Article 24 of this Circular and may only refuse to confirm settlement of a securities transaction by the investor in case the securities company placing trading order is a CM that places an incorrect order on behalf of the investor or places an order without confirmation or guarantee from the custodian bank. In this case, the securities company that is a CM is responsible for correcting the error for the investor's transaction as prescribed in Article 33 of this Circular.
Article 32. Novation, transaction reconciliation and confirmation
1. After receiving trading results from Stock Exchanges, VSDC checks the validity of transactions before executing the novation. VSDC has the right to refuse novation and remove settlement for invalid transactions as prescribed in Clause 1, Article 37 of this Circular.
2. VSDC is responsible for notifying the list of valid transactions to CMs for reconciliation and confirmation.
3. CMs are responsible for reconciling transaction details with the valid list of transactions sent by VSDC and reconfirming with VSDC according to VSDC's regulations.
Article 33. Post-transaction error correction
1. VSDC performs post-transaction error correction in the following cases:
a) CM is a securities company that places erroneous orders on behalf of clients such as: wrong client account number, wrong ticker symbol, wrong price, over order, placing buy order instead of sell order and vice versa, the wrong quantity of stock;
b) CMs do not control the balance of clients' securities and money according to regulations, leading to lack of securities or money to pay for securities transactions;
c) The difference in the number of sold securities or the difference in the number of purchased securities because the total number of sold securities is not equal to the total number of purchased securities on the investor's executed day trading orders;
d) The securities company being a CM places trading orders for the clients of the CM being the custodian bank when there is no confirmation or orders are placed wrongly compared with the confirmation of the custodian bank;
dd) The client's account is short of securities by the specified time without sending notice or confirmation to VSDC;
e) Transactions that lack client account information.
2. Post-transaction error correction is done by VSDC according to the following principles:
a) VSDC shall correct errors on proprietary trading accounts at the request of CMs for the cases specified at Points a, b and c, Clause 1 of this Article;
b) For the case specified at Point d, Clause 1 of this Article, VSDC shall correct errors in the securities company's proprietary trading account after the custodian bank refuses to confirm settlement for securities transactions of the client;
c) For the case specified at Point dd, Clause 1 of this Article, VSDC shall correct errors in the CM's proprietary trading account without the CM's opinion;
d) For the case specified at Point e, Clause 1 of this Article, VSDC corrects the error regarding the client's account that has been updated within the specified time. After this time, for a transaction that lacks investor account information, VSDC shall correct the error on the CM's proprietary trading account.
3. If the above-mention CM does not have a proprietary trading account, VSDC will open a proprietary trading account for the CM to temporarily record the number of securities that the CM may receive or has to pay due to the error correction. The mechanism is as follows:
a) When receiving securities from error correction, the CM is obliged to immediately sell the securities received from error correction in the nearest trading session so that VSDC can close the account;
b) When the CM has to repay securities borrowed from the lender, the CM is allowed to maintain a proprietary trading account until the obligations towards the securities lender are fulfilled.
4. In case the error correction leads to the excess of the maximum foreign ownership ratio as prescribed, the CM is responsible for selling part or all of the securities received from the error correction on the nearest trading session to reduce the foreign ownership ratio to a required level.
5. As for errors other than those mentioned in Clause 1 of this Article, VSDC may consider taking actions after obtaining approval from the SSC.
6. A CM who, due to post-transaction error correction, is considered default on securities transactions, may apply settlement support mechanisms as prescribed in Article 35 of this Circular.
7. VSDC is responsible for notifying the Stock Exchange of post-transaction error correction.
8. Post-transaction error correction is carried out according to the instructions in VSDC's regulations.
Article 34. Proprietary trading error correction
1. In case a CM being a securities company enters the wrong proprietary trading account number or places wrong proprietary trading order into the securities trading system, VSDC will make corresponding adjustments to the correct proprietary trading account number, proprietary trading orders of the securities company or custodian bank for clearing and settlement of securities transactions.
2. In case a CM being a securities company enters an incorrect order leading to a shortage of securities for settlement, or a member who establishes a exchange-traded fund lacks securities or exchange-traded fund certificates for settlement due to unsuccessful traded exchange in accordance with regulations on management of the exchange-traded fund, the settlement support mechanisms specified in Article 35 of this Circular shall be applied.
3. VSDC is responsible for notifying the Stock Exchange of post-transaction error correction.
Article 35. Actions against cases of defaults on securities transactions
1. A CM or CM's client defaults on securities transactions in one of the following cases:
a) Failure to promptly perform or incompletely perform the obligations of margin clearing and settlement for securities transactions in accordance with VSDC's regulations;
b) Being bankrupt or declared bankrupt in accordance with the law on enterprise bankruptcy;
c) Other cases according to VSDC's regulations.
2. In case of cash shortage, VSDC is entitled to use support sources to ensure settlement of securities transactions when the CM or CM's client defaults on securities transactions in the following order:
a) Use clearing margin of the CM which defaults on securities transactions according to the order specified in VSDC's regulations;
b) Use the clearing fund's contribution in cash of the CM who defaults on securities transactions in case the CM's clearing margin is not enough to cover the settlement obligation;
c) Use, sell and transfer clearing margin assets of the CM or investor who defaults on securities transactions, assets contributed to clearing fund by securities of such CM in accordance with VSDC's regulations;
d) Use the contribution of other CMs to the clearing fund according to the ratio decided by VSDC. In this case, VSDC informs the CMs of the use of the clearing fund to ensure settlement within the day of use. The CM who defaults on securities transactions is responsible for returning all used clearing fund assets and paying interest to other CMs at the interest rates prescribed by VSDC;
dd) Use the practice risk prevention fund and other lawful capital sources of VSDC after obtaining the approval of the Ministry of Finance.
3. In case of shortage of securities due to error correction after trading or handling of proprietary trading errors, the CM shall apply support measures in the following order:
a) Using borrowed securities through the securities lending and borrowing system (SBL) managed by VSDC;
b) If the CM still does not have enough securities when the settlement time is due, VSDC will delay the settlement due date as to the securities in shortage of the CM to continue applying the support mechanism due to lack of securities specified at point a or c of this clause. The delay of settlement shall comply with the provisions of Article 36 of this Circular.
c) Buy-in through the securities trading system. Buy-in transactions shall be settled within the same day and cleared together with the transaction with the same settlement date through VSDC's system;
4. VSDC may make payment in cash for transactions in shortage of securities in the following cases:
a) The settlement date is the last registration date to exercise the right to generate material benefits but the CM fails to complete the loan or buy-in of securities within the stipulated time;
b) Securities in deficit but it is not allowed to borrow securities and do buy-in according to regulations of VSDC and Vietnam Stock Exchange;
c) The CM has applied the support measures specified in Clause 3 of this Article but still does not have enough securities to settle.
5. The CM who defaults on securities transactions or the client of CM who defaults on securities transactions must return the used sources of support specified in Clause 2 of this Article in accordance with regulations following the order below:
a) Lawful capital sources of VSDC;
b) VSDC's practice risk prevention fund;
c) Contributions of other CMs in the clearing fund;
d) Contributions of the CM who defaults on securities transactions in the clearing fund.
6. VSDC may use, sell and transfer existing securities and securities pending transfer from previous purchases on proprietary trading and market-making accounts of CMs who are in default; securities pending transfer from previous buy transactions with insufficient money on the account of the investor in default in order to repay used sources of support and cover related expenses.
In the event that it is not possible to sell, use, or transfer existing or pending securities as mentioned above, or the proceeds from the sale, use, or transfer are not enough to repay the sources of support and cover the related expenses, VSDC is entitled to use the proceeds from sale of other securities, the rights and benefits obtained from the securities of the CM or investor who is in default to repay the support sources and cover costs and losses incurred.
7. The use of settlement support sources, realization of collateral, loan repayment, the determination of settlement price, time and order of settlement in cash shall comply with VSDC's regulations.
8. In addition to the measures to secure the settlement as prescribed in Clauses 2, 3, 4 of this Article, VSDC may take the following measures:
a) Request the CM to explain reasons, provide all information related to the default on securities transactions, provide list of clients, client identification information and information on clearing margin accounts of clients and the CM;
b) Coordinate with the Vietnam Stock Exchange to suspend transactions for CMs who are trading members or non-clearing trading members who have trust contracts for clearing and settlement with the CM in default on securities transactions, except for transactions at the request of VSDC (if any) to reduce obligations of settlement or clearing margin of the investor or CM in question;
c) Adjust the clearing maintenance margin and clearing fund contribution for the CM in default on securities transactions.
9. In case an investor defaults on securities transactions, the CM is responsible for immediately reporting to VSDC information on securities transactions and the investor's list of clearing margin assets and take appropriate remedial measures, including:
a) Require the investor or CM to perform mandatory reciprocal transactions in proportion to the transactions executed on the same trading day to minimize the settlement obligation;
b) Suspend the receipt of new securities trading orders from the relevant investor and at the same time cancel the unexecuted trading orders of that investor;
c) Use, sell or transfer the clearing margin asset of the investor to buy or put up as collateral for the loan to fulfill the settlement obligation for securities transactions of the investor. In case it is insufficient, the CM must use its own asset to make settlement on behalf of the investor.
10. The application of securities lending and borrowing mechanism to support settlement shall comply with the guidance in VSDC's regulations.
11. In case the CM must do buy-in through the securities trading system, the CM shall comply with regulations of the Stock Exchange.
Article 36. Delay of settlement period
1. The delay of settlement period shall be effected according to the following principles:
a) VSDC will separate the securities in shortage to delay the settlement date;
b) The maximum delay of settlement is 03 working days from the date of settlement of the amount of securities in shortage. The value of the amount of securities deferred for settlement shall be determined based on the closing price of the securities deferred for settlement on the trading day preceding the settlement date;
c) The settlement of delayed securities shall be made by the general clearing method with other transactions that have the next settlement date;
d) The CM having the transaction with delayed settlement must compensate the organization and individuals for related reciprocal transactions at the rate of 5% of the value of securities per one day of delayed settlement.
2. The method of determining the quantity and value of securities in shortage subject to settlement delay and the order of settlement delay shall comply with the guidance in VSDC's regulations.
Article 37. Rejecting novation of CMs and cancelling settlement of securities transactions
1. VSDC has the right to refuse novation and cancel settlement of securities transactions in the following cases:
a) CMs and clients of CMs sell securities without having their possession in accordance with the guidance of the Ministry of Finance;
b) Transactions of CMs or clients of CMs are executed after VSDC notifies the Vietnam Stock Exchange of the suspension of transactions for such CMs;
c) Transactions executed for ticker symbols that have not been accepted for clearing and settlement on VSDC's system;
d) The transaction has an invalid account number because the CM registration number or the character of the trading account type does not exist;
dd) The transaction contains invalid information, including: no session code; the trading date does not fall under the current date; there is no order number of the buyer or the seller; price, trading volume is less than or equal to zero; no order confirmation;
e) The transaction has a combination of four information: market code, trading board code, ticket symbol, and order confirmation number which are identical with those of the previously received transaction;
g) Other cases with the approval of the SSC.
2. The CM having the transaction with novation rejected and transaction settlement cancelled as prescribed Points a and b, Clause 1 of this Article must compensate the organization, individual with related reciprocal transaction an amount equivalent to 20% of the value of the transaction with novation rejected and transaction settlement cancelled. If the CM commits any violation of law, actions shall be taken against it in accordance with the law on penalties for violations against securities and securities market.
3. VSDC shall notify the Stock Exchange of transactions with novation rejected and transaction settlement cancelled.
Article 38. Management and use of the clearing fund
1. The clearing fund is formed from contributions in cash or securities accepted by VSDC for the purpose of making restitution and completing securities transactions, fulfilling settlement obligations in the name of CMs in case any investor or CM defaults on securities transactions. The proportion of value of securities contributed to the clearing fund shall comply with VSDC's regulations.
2. VSDC determines the clearing fund contribution proportion based on the risk of default on securities transactions of CMs separately by each market area. The value of the contribution to the clearing fund for a given market area shall be only used to support settlement and make restitution for damage in connection with securities transactions of that market area.
3. CMs are obliged to contribute to the clearing fund according to the initial minimum level, to make periodic contributions due to re-evaluation and to make ad-hoc additional contributions at the request of VSDC. Contributions to the clearing fund by CMs comply with the Ministry of Finance's regulations on funds managed by VSDC.
4. VSDC shall periodically re-evaluate the clearing fund's size and determine each CM's obligation to contribute to the clearing fund based on the settlement value, market volatility, and risk level and other criteria:
a) In case the balance of contribution to the clearing fund is greater than the contribution obligation, the CM may withdraw the difference;
b) In case the balance of contribution to the clearing fund is less than the contribution obligation, the CM must make additional contribution to the difference.
5. The CM is responsible for making ad-hoc additional contributions to the clearing fund according to VSDC's regulations in the following cases:
a) After using up all assets contributed to the clearing fund according to the order specified at Point d, Clause 2, Article 35 of this Circular, but there is still not enough money to settle the securities transaction. The additional contribution level is decided by VSDC following the approval of the SSC;
b) The CM is put into warning status in accordance with the securities law on financial safety, the banking law on capital adequacy;
c) The asset contributed to the clearing fund of the CM is frozen or confiscated according to regulations of the competent regulatory agency or under a court order;
d) Other cases reported by VSDC and approved by the SSC.
6. Management and use of the clearing fund:
a) Contributions to the clearing fund are owned by CMs and managed by VSDC separately from VSDC's assets and from the clearing fund of the derivatives market. VSDC is entitled to use, transfer, and even sell assets contributed to the clearing fund to fulfill settlement obligations and make up damages arising from securities transactions in the name of CMs;
b) For contributions in cash, VSDC opens a deposit account at a settlement bank to manage the money of CMs contributing to the clearing fund;
c) For contributions in securities, VSDC opens a securities depository account at VSDC to manage securities contributed to the clearing fund by CMs. Dividends, bonds, interests accrued and other interests on contributed securities must be returned to CMs after fulfilling relevant financial obligations;
d) Deposit interests accrued on the contributions to the clearing fund in cash are allocated to CMs in accordance with the amount and time of contribution of each CM less the administration expenses to be paid to VSDC and other related expenses (if any);
dd) Depending on the actual value of the clearing fund and the frequency that CMs use the clearing fund, VSDC may place a cap on each case of settlement support. The interest rate of a loan from the clearing fund shall be determined by VSDC after reaching a consensus with the CMs and with the approval of the SSC.
7. Refund from the clearing fund:
a) A CM shall only be refunded the amount of its contribution to the clearing fund when its CM's certificate is revoked. Refund is made only after VSDC has deducted all payables (debt obligations), including compensation for financial losses to VSDC and payables for securities transactions, unfinished liabilities of CMs and clients of such CMs as prescribed in Clause 3, Article 24 of this Circular.
b) Whilst a CM is in the process to revoke the certificate of CM, the value of the CM's contribution to the clearing fund is managed separately from the clearing fund and is the foundation for the competent authority to issue a decision to withdraw the certificate (if any) after deducting the amount payable to VSDC.
8. The method of determining the contribution size and obligation; the rate of contribution to the clearing fund in cash; the procedures for deposit, withdrawal and refund; the method of receiving and distributing interest shall comply with VSDC's regulations.
Article 39. Management and use of the settlement supporting fund from the date of official launch of central counterparty clearing house
1. Management and use of the settlement supporting fund within 12 months from the date of official launch of central counterparty clearing house:
a) VSDC continues to manage and use the settlement supporting fund for the purpose of compensating for financial losses and completing securities transactions and settlement obligations of DMs, CMs, investors in case the DMs, CMs or investors default on securities transactions. During this time, VSDC is entitled to use the settlement supporting fund as a clearing fund to secure settlement according to this clause and points b and d, clause 2, Article 35 of this Circular.
b) DMs are responsible for contributing to the settlement supporting fund in cash with the initial fixed contribution rate, the annual contribution rate and the maximum contribution level as prescribed by the Ministry of Finance on funds managed by VSDC.
c) Contributions to the settlement supporting fund are owned by DMs and managed by VSDC separately from VSDC's assets. A DM is entitled to a refund of the settlement supporting fund contribution in the following cases:
- The DM has its certificate of DM revoked in accordance with law;
- The DM is not granted a CM certificate after 12 months from the date of official launch of central counterparty clearing house.
d) The refund mentioned in point c hereof is made only after VSDC issues a decision to revoke the certificate of DM and has deducted all payables (debt obligations), including compensation for financial losses to VSDC and payables for securities transactions, unfinished liabilities of the DM and clients of such DM.
dd) Whilst a DM is in the process to revoke the certificate of DM, the value of the DM's contribution to the clearing fund is managed separately from the clearing fund and is the foundation for the competent authority to issue a decision to withdraw the certificate (if any) after deducting the amount payable to VSDC.
e) The interest on the contribution to the settlement supporting fund is allocated to the DM in proportion to the amount and time of each DM's contribution less the administration expenses to be paid to VSDC (if any).
g) The method of determining the contribution size and obligation; the procedures for deposit, withdrawal and refund; the method of receiving and distributing interest shall comply with VSDC's regulations.
2. After 12 months from the date of official launch of the central counterparty house, VSDC establishes, manages and uses the clearing fund as prescribed in Article 38 of this Circular as a substitute for the settlement supporting fund and handle DMs' settlement supporting fund contributions as follows:
a) The value of contribution to the settlement supporting fund of a DM who is granted a CM certificate shall be converted into a contribution to the clearing fund. The CM shall make an additional contribution or be refunded its contribution (if any) as notified by VSDC.
b) VSDC shall refund the contribution of the settlement supporting fund to the DM who is not granted a CM certificate after deducting the amount that the DM still has to pay to VSDC including: payables (debt obligations), compensation for financial losses to VSDC and payables for securities transactions, unfulfilled settlement obligations for which the DM is liable under laws.
Article 40. Management of securities lending and borrowing system
1. VSDC plays the role of an intermediary, manages and operates the securities lending and borrowing system for the purpose of connecting securities lenders and borrowers to execute transactions in accordance with regulations of law.
2. The securities lending and borrowing system is operated on the following principles:
a) Securities lending and borrowing under the mechanism of agreement or order matching between the borrower and the lender must be carried out on the principle that the borrower must put up collateral. The order matching mechanism must ensure the priority principle of interest rate, number of securities and time;
b) Collateral can be money or qualified securities. VSDC stipulates securities that are qualified for put up as collateral and the discount rate of collateral following the approval of the SSC;
c) The value of collateral must be at least 110% of the loan value. VSDC stipulates the ratio of collateral value to loan value following the approval of the SSC;
d) Loan interest rates are agreed on the principle of compliance with relevant laws;
dd) The loan must be repaid with borrowed securities or refunded in cash with the consent of the lender. dd) The loan must be repaid with borrowed securities or refunded in cash with the consent of the lender. In case the lender receives the loan repayment by securities leading to an excess of the statutory maximum foreign ownership rate, the excess must be repaid in cash;
e) In case the lender receives the transfer of collateral in form of securities when the borrower defaults on the securities transaction, leading to an excess of statutory maximum foreign ownership rate as prescribed, the lender shall sell the securities in excess on the trading day following the date of transfer.
3. VSDC is responsible for organizing, managing and operating the securities borrowing and lending system at VSDC.
4. Securities borrowing and lending activities are carried out under the guidance of VSDC's regulations.
REPORTING
1. On a monthly basis, DMs and direct account holders must send reports on securities deposit, and CMs must send written or electronic reports on clearing and settlement activities to VSDC with the contents specified in the regulations on practices of VSDC.
2. On an annual basis, the settlement bank must send a written or electronic report to the SSC on its eligibility for a settlement bank using the form specified in Appendix III of this Circular.
3. On a bi-annual basis, DMs and CMs being commercial banks or foreign bank branches must send written or electronic reports to the SSC on their eligibility for registration of securities deposit and clearing and settlement services for securities transactions using the form specified in Annexes IV and V issued together with this Circular.
4. On a monthly, quarterly or annual basis, the settlement bank must send a written or electronic report to the SSC on its settlement of securities transaction using the form specified in Appendix VI of this Circular.
5. The reporting time limits are prescribed as follows:
a) A monthly report shall be sent to the SSC within the first 10 days of the following month;
b) A quarterly report shall be sent to the SSC within the first 20 days of the first month of the following quarter;
c) A bi-annual report shall be sent to the SSC within the 45 days of the last date of the first 6 months;
d) An annual report shall be sent to the SSC within the first 90 days of the following year.
6. Time to close report data for a routine report is as follows:
a) The annual reporting period is 12 months from the beginning of January 1 to the end of December 31 of the calendar year;
b) The 6-month reporting period is from the beginning of January 1 to the end of June 30 of the calendar year;
c) The quarterly reporting period is 03 months, from the beginning of the first day of the first month of the quarter to the end of the last day of the last month of the quarter;
d) The monthly reporting period is 01 month, from the beginning of the 1st to the end of the last day of the month.
1. VSDC must report in writing or electronically to the SSC within 24 hours from the date of occurrence of the following events;
a) Suspension of securities deposit, suspension of members' clearing and settlement of securities transactions;
b) Withdrawal of certificates of DMs and certificates of CMs; termination of securities deposit of branches of securities companies, branches of commercial banks;
c) Provision of confidential information to competent regulatory agencies;
d) Securities trading registration, depository, clearing and settlement activities are partially or completely paralyzed.
2. The settlement bank must report in writing or electronically to the SSC and VSDC immediately when the settlement of securities transactions is partially or completely paralyzed.
3. The settlement bank, DM and CM being a commercial bank or foreign bank branch must report in writing or electronically to the SSC within 24 hours since the failure to meet the eligibility as a settlement bank, the eligibility for securities deposit and clearing and settlement services for securities transactions.
4. The CM must report in writing or electronically to the SSC within 24 hours from the date of occurrence of the following events:
a) The charter capital or equity is reduced by more than 10% compared to the charter capital or equity in the latest annual or quarterly financial statement;
b) Debt-to-equity ratio exceeds 5 times.
Article 43. Reports at request
1. In addition to the routine and ad-hoc reports specified in Articles 41 and 42 of this Circular, in necessary cases, in order to protect the common interests and interests of investors, the SSC may require VSDC, DMs, direct account holders, CMs, settlement banks to report in writing or electronically on registration, depository and clearing activities, and settlement of securities transactions.
2. VSDC, DMs, direct account holders, CMs and settlement banks must report to the SSC in writing or electronically within the time limit required by the SSC as prescribed in Clause 1 of this Article.
3. In exceptional circumstances, in order to ensure the safety of the securities transaction payment system, VSDC may request CMs or settlement banks to report in writing or electronically on clearing margin and clearing, settlement of securities transactions. CMs and settlement banks are responsible for reporting to VSDC within 24 hours after receiving requests for report.
IMPLEMENTATION
1. This Circular comes into force as of February 15, 2021.
2. Circular No. 05/2015/TT-BTC dated January 15, 2015 of the Minister of Finance on guidelines for registration, depository, clearing and settlement of securities transactions ceases to be effective from the effective date of this Circular, except for the provisions in Clause 3, Article 45 of this Circular.
Article 45. Grandfather clause
1. Before VSDC officially operates under Law on Securities No. 54/2019/QH14, the activities of registration, depository, clearing and settlement of securities transactions shall be conducted by the Vietnam Securities Depository (VSD) in accordance with the Law on Securities No. 54/2019/QH14, Decree No. 155/2020/ND-CP dated December 31, 2020 of the Government on elaboration of the Law on Securities and this Circular.
2. Branches of securities companies, branches of commercial banks that have been granted the decision on approval for securities depository by the SSC or have been granted the certificate of securities depository of branch by the VSD before the effective date of this Circular may continue to operate securities depository.
The SSC revokes the decision on approval for securities depository for branches of securities companies, branches of commercial banks after VSDC terminates securities depository of securities company branches, commercial bank branches as prescribed in Article 12 of this Circular.
3. Before the date of official launch of the central counterparty clearing house, VSDC is allowed to continue clearing and settling securities transactions, and managing and using the settlement supporting fund under Circular 05/2015/TT-BTC dated January 15, 2015 of the Minister of Finance on guidelines for registration, depository, clearing and settlement of securities transactions.
1. On the basis of this Circular, VSDC shall promulgate regulations on practices and membership regulations following the approval of the SSC.
2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Finance for consideration./.
|
PP. MINISTER |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực