Chương III: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2016/BCT Tháp giếng đứng, cốt giếng
Số hiệu: | QCVN02:2016/BCT | Loại văn bản: | Quy chuẩn Việt Nam |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương | Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | Năm 2016 | Ngày hiệu lực: | *** |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
ICS: | *** |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Việc lựa chọn vật liệu cho kết cấu tháp giếng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Các cấu kiện chính sử dụng thép kết cấu carbon chiều dày ≤ 16 mm, có cường độ tiêu chuẩn của thép theo sức bền kéo đứt fu ≥ 510 MPa và có cường độ tiêu chuẩn lấy theo giới hạn chảy của thép fy ≥ 345 MPa. Đối với thép kết cấu có chiều dày > 16 mm tra theo Phụ lục A2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5575: 2012 - Kết cấu thép - Tiêu chuẩn thiết kế.
b) Các cấu kiện thứ yếu, có thể dùng thép kết cấu carbon chiều dày ≤ 16 mm, cường độ tiêu chuẩn của thép theo sức bền kéo đứt fu ≥ 370 MPa có cường độ tiêu chuẩn lấy theo giới hạn chảy của thép fy ≥ 235 MPa. Đối với thép kết cấu có chiều dày > 16 mm tra theo Phụ lục A2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5575: 2012 - Kết cấu thép - Tiêu chuẩn thiết kế.
2. Quy cách vật liệu các cấu kiện tháp giếng, phải phù hợp các quy định sau:
a) Kết cấu chống đỡ pu ly, xà đỡ thùng, xà chống va chạm, cột dàn chống đứng, cột dàn chống nghiêng chiều dày tối thiểu thép không nhỏ hơn 8 mm; độ dày tấm thép gân tăng cường không nhỏ hơn 6 mm.
b) Độ dày tấm thép khung chống đỡ dàn chống đứng, không được nhỏ hơn 12 mm.
c) Mặt cắt tối thiểu các thanh thép hình: Thép góc là L 63 x 6, thép chữ I là I14, thép chữ C là C12,6.
d) Lan can có thể dùng thép L 50 x 5 hoặc thép ống DN 50 x 2,5.
e) Độ dầy tấm mã, không nhỏ hơn 8 mm.
3. Sơn chống gỉ kết cấu thép tháp giếng:
a) Việc làm sạch bề mặt thép, chống ăn mòn và các yêu cầu khác phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8790: 2011 “Sơn bảo vệ kết cấu thép - quy trình thi công và nghiệm thu".
b) Tài liệu thiết kế phải nêu rõ loại thép, sơn chống gỉ và chiều dày lớp sơn phủ.
c) Thép trong kết cấu tháp giếng, sơn cần phải được kiểm tra, xuất xứ phải rõ ràng.
d) Đơn vị sử dụng tháp giếng cần phải kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng kết cấu thép, sơn phủ bổ sung theo tài liệu kỹ thuật.
1. Khi lựa chọn vật liệu để chế tạo cốt giếng phải đảm bảo:
a) Độ cứng, độ bền cần thiết và tuổi thọ của các kết cấu khung cốt giếng, tháp giếng phải đảm bảo yêu cầu tại Điều 13 Quy chuẩn này.
b) Công nghệ chế tạo, hàn cắt không làm giảm tính cơ lý của vật liệu.
c) Khả năng chống ăn mòn trong môi trường xâm thực.
2. Khi chế tạo các kết cấu cốt giếng cần phải sử dụng các vật liệu:
a) Bằng thép (đối với thanh dẫn hướng và xà ngang), bằng gỗ (chủ yếu với thanh dẫn hướng).
b) Bê tông cốt thép và bê tông ống (đối với xà ngang dạng thuôn).
c) Vật liệu bằng thép nên áp dụng ở dạng thành mỏng (dầm thép hình I, U, thép góc kín - hình hộp và hình elip) chế tạo bằng cán, định hình hoặc hàn.
3. Thép áp dụng đối với kết cấu cốt giếng cần đảm bảo giới hạn độ cứng và độ chảy, độ giãn dài tương đối, phù hợp với tiêu chuẩn thép và điều kiện kỹ thuật.
3.1. Phải có các yêu cầu kỹ thuật an toàn cụ thể đối với các kết cấu hàn.
3.2. Xà ngang, thanh dẫn hướng và các phần tử chịu tải khác của cốt giếng chọn như sau:
a) Khi không có môi trường xâm thực, sử dụng thép cacbon thấp hoặc thép cacbon thông thường mác CT35 Mn theo TCVN 1765:1975 Thép các bon kết cấu thông thường - Mác thép và yêu cầu kỹ thuật hoặc tương đương.
b) Khi ở môi trường có xâm thực, sử dụng thép hợp kim có ứng suất giới hạn fy ≥ 345 MPa và fu ≥ 390 MPa và tương đương có nâng cao cơ tính và chống ăn mòn.
4. Kết cấu cốt giếng bằng gỗ cần phải được chế tạo từ loại gỗ rắn, đặc. Phải tính toán, xử lý để bảo vệ gỗ không bị hỏng do ẩm, gẫy hỏng, phù hợp với thiết kế và hướng dẫn bảo vệ kết cấu xây dựng; quy định về phòng chống cháy nổ khi thiết kế.
5. Thép hình và kích thước mặt cắt phần tử cốt giếng theo kết quả tính toán:
a) Đối với xà ngang và dẫn hướng sử dụng thép hộp, chế tạo từ thép định hình và hàn. Khi vận tốc của thùng trục thấp và tải không lớn thích hợp đối với thanh dầm I24 M, còn dẫn hướng dùng thép ray P43, P50 và P65 phù hợp với cấu tạo dẫn hướng thùng skip trượt trên thép ray.
b) Chiều dày của bụng thép hình cán dùng làm xà không nhỏ hơn 8 mm.
c) Dẫn hướng thép hình hộp có thể dùng hình hộp kết cấu hàn hoặc thép hộp cán không mối hàn, các đầu thanh dẫn hướng phải hàn kín để không lọt nước vào trong. Cho phép áp dụng đối với cốt giếng thanh dẫn hướng hàn từ thép hình đặc biệt.
d) Đối với thanh dẫn hướng, làm việc chủ yếu trong trạng thái kéo - nén với độ lệch tâm nhỏ có thể sử dụng ống thép dày 4 ÷ 9 mm nhồi đầy bê tông.
6. Thép làm xà ngang là thép hình vuông kích thước tương quan giữa chiều cao với chiều rộng từ 2,2 ÷ 3,0. Để giảm lực cản luồng thông gió, cho phép áp dụng thép hình đặc biệt hoặc lắp đặt các chụp có hệ số cản khí động học thấp.
1. Lắp các xà ngang với vỏ giếng phụ thuộc vào sơ đồ, kết cấu tầng và dạng kết cấu vỏ giếng:
a) Khi vỏ giếng bằng bê tông: Chôn hai đầu xà vào lỗ đục trên vỏ giếng, chiều sâu lỗ xác định bằng tính toán; liên kết bằng vít neo đặc biệt; kết hợp - một đầu chôn vào vỏ giếng, một đầu dùng vít neo.
b) Khi vỏ giếng bằng kim loại: Liên kết bằng bu lông.
2. Khi lắp dùng vít neo phải tính toán trước các phương pháp lắp xà ngang với vỏ bê tông giếng đứng:
a) Lắp gián tiếp qua các giá đỡ liên kết kết cấu hàn hoặc đúc được bắt giữ với vỏ bê tông giếng đứng bằng các vít neo.
b) Lắp trực tiếp vào thành bê tông bằng cách ép chặt bản gối của xà lên vách giếng đứng hoặc tựa chúng lên đầu cuối vít neo.
c) Cho phép lắp trực tiếp thanh dẫn hướng với vỏ giếng bằng vít neo dạng vít được đặt vào thành bê tông trong quá trình xây dựng, đảm bảo điều chỉnh được vị trí lắp khi lắp đặt và trong thời kỳ khai thác.
d) Các vít neo có thể được sử dụng là dạng vít được gắn chặt vào thân giếng theo thiết kế và dùng vữa vô cơ lèn chặt.
e) Điểm lắp vít neo cần phải có kết cấu và độ bền đều, bắt giữ chặt với các phần tử cốt giếng.
3. Liên kết neo và bu lông xà ngang với thân giếng, liên kết giáp nối xà ngang trong phạm vi tầng, liên kết thanh dẫn hướng với xà ngang và liên kết nối thanh dẫn lên các tầng được tính toán theo mô men uốn, lực ngang và lực dọc, tác động lên các liên kết này.
4. Khi lắp xà ngang với neo vào thân giếng, cần tập kết đầy đủ các bộ phận lên sàn thao tác lắp đặt, treo lên tầng trên.
5. Phải sử dụng thiết bị định tâm để định tâm các lỗ bắt bu lông liên kết đảm bảo độ chính xác theo thiết kế khi bắt giữ các xà ngang, dầm công sơn lên vít neo.
6. Vít neo phải chịu được tải trọng đứt gãy tối thiểu 10 tấn và tải trọng làm việc tối thiểu 5 tấn. Trước khi sử dụng phải tiến hành thử nghiệm để kiểm tra thông số kỹ thuật trên.
7. Trước khi lắp đặt các vít neo phải làm sạch lỗ khoan.
8. Xiết chặt các đai ốc neo, với lực dọc trục được xác định theo thiết kế.
1. Khi thiết kế cốt giếng cần tuân thủ đúng phương pháp tính toán chuyên ngành, các kết cấu thép phải chống được tính ăn mòn, chống gỉ theo tuổi đời của mỏ trong điều kiện cụ thể.
2. Các thông số sử dụng cốt giếng:
a) Tính toán cường độ ăn mòn do gỉ sét của các phần tử cốt giếng chịu tải chính, r, m/năm.
b) Tính toán cường độ ăn mòn cơ học của các thanh dẫn hướng, z, m/năm.
c) Tính toán thời hạn sử dụng T, năm.
3. Cần phải tính toán kiểm tra tuổi thọ của các phần tử cốt giếng bị ăn mòn hóa học và ăn mòn cơ học để thiết lập thời hạn sử dụng T theo điều kiện trạng thái giới hạn.
4. Khi vận tốc ăn mòn lớn hơn 0,1 mm/năm, phải có lớp phủ bảo vệ.
5. Vật liệu che phủ chống ăn mòn cốt giếng đứng, kể cả các chi tiết kẹp chặt:
a) Vật liệu tổng hợp, nhựa epoxy hoặc composite.
b) Mạ nhúng nóng (kẽm, nhôm).
c) Sơn lót bảo vệ.
6. Tuổi thọ và chiều dày lớp phủ bề mặt kết cấu cốt giếng:
a) Bảo vệ cốt giếng mỏ tuổi thọ 25 năm và đường lò chống bằng khung kim loại, lớp phủ polime dày từ 130 ÷ 150 mm.
b) Bảo vệ cốt giếng mỏ tuổi thọ 25 ÷ 30 năm, lớp sơn phủ lót dày từ 200 ÷ 250 mm.
c) Trên 30 năm, lớp phủ mạ nhúng nóng 400 ÷ 500 mm.
7. Đo, kiểm tra kích thước hình học của các thanh dầm được thực hiện: Kiểm tra không được muộn hơn 1 tháng sau khi lắp đặt cốt giếng trong giếng đứng; tiếp theo là trước khi đưa giếng đứng vào hoạt động. Tần số đo, kiểm tra và tốc độ ăn mòn được xác định theo Bảng 4.
Bảng 4. Tần số đo, kiểm tra và tốc độ ăn mòn
Mức độ ăn mòn của môi trường mỏ |
Tốc độ ăn mòn các thanh dầm trong giếng đứng, mm/năm |
Tần số đo, năm |
Yếu |
Nhỏ hơn 0,05 |
8 |
Trung bình |
0,05 ÷ 0,2 |
5 |
Nặng |
Lớn hơn 0,2 |
3 |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực