Luật thống kê số 89/2015/QH13
Số hiệu: | 89/2015/QH13 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 23/11/2015 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2016 |
Ngày công báo: | 28/12/2015 | Số công báo: | Từ số 1241 đến số 1242 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Luật thống kê 2015 với nhiều quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; trách nhiệm trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê NN; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê NN vừa được ban hành ngày 23/11/2015.
Luật thống kê năm 2015 gồm 9 Chương, 72 Điều (thay vì Luật Thống kê 2003 chỉ gồm 8 Chương, 42 Điều). Luật 89/2015/QH13 được bố cục theo các Chương sau:
- Những quy định chung
- Hệ thống thông tin thống kê nhà nước
- Thu thập thông tin thống kê nhà nước
- Phân tích và dự báo thống kê, công bố và phổ biến thông tin thống kê nhà nước
- Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước
- Sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê và thông tin thống kê nhà nước
- Tổ chức thống kê nhà nước
- Hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước
- Điều khoản thi hành
Luật thống kê 2015 có những điểm đáng chú ý sau:
- Điều 29 Luật thống kê quy định việc tổng điều tra thống kê quốc gia
Tổng điều tra thống kê quốc gia gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; nông thôn, nông nghiệp; kinh tế và tổng điều tra thống kê quốc gia khác.
- Quy định phổ biến thông tin thống kê nhà nước tại Điều 49 Luật thống kê năm 2015
+ Thông tin thống kê đã được công bố theo Luật số 89/2015/QH13 phải được phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai, minh bạch.
+ Các hình thức phổ biến thông tin gồm: Trang thông tin điện tử của cơ quan thuộc hệ thống thống kê nhà nước; trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; Họp báo, thông cáo báo chí; Phương tiện thông tin đại chúng; Xuất bản ấn phẩm, các hình thức lưu giữ thông tin điện tử.
+ Niên giám thống kê quốc gia hàng năm được phổ biến vào tháng 6 năm tiếp theo.
+ Lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước là biểu thời gian ấn định việc phổ biến thông tin thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê do người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê xây dựng và công khai.
- Hợp tác quốc tế về thống kê theo Luật số 89 về thống kê năm 2015
+ Hợp tác quốc tế về thống kê nhằm bảo đảm số liệu thống kê đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
+ Các hoạt động chủ yếu trong hợp tác quốc tế về thống kê gồm: Chia sẻ thông tin thống kê; Ứng dụng phương pháp thống kê; Đào tạo nhân lực; So sánh quốc tế; Thu hút nguồn lực; Ứng dụng khoa học và công nghệ.
- Sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do cơ quan thống kê trung ương quản lý được Điều 53 Luật thống kê năm 2015 quy định như sau:
+ Cơ quan thống kê trung ương quản lý cơ sở dữ liệu thống kê và đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Cơ sở dữ liệu thống kê do cơ quan thống kê trung ương quản lý gồm: Cơ sở dữ liệu thống kê về dân số; thống kê về cơ sở kinh tế; thống kê về nông thôn, nông nghiệp; thống kê chuyên ngành khác.
- Điều 67 Luật số 89 năm 2015 về phạm vi của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước
+ Thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác.
+ Thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.
Luật thống kê 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 89/2015/QH13 |
Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2015 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật thống kê.
Luật này quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Báo cáo thống kê là mẫu biểu và hướng dẫn ghi chép mẫu biểu để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được quy định trong chế độ báo cáo thống kê trong một thời kỳ nhất định.
2. Chế độ báo cáo thống kê là những quy định và hướng dẫn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về việc thực hiện một tập hợp những báo cáo thống kê có liên quan với nhau để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc một hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổng hợp thông tin thống kê khác phục vụ quản lý nhà nước.
3. Chỉ tiêu thống kê phản ánh đặc điểm về quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, trình độ phổ biến, quan hệ tỷ lệ của bộ phận hoặc toàn bộ hiện tượng kinh tế - xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Chỉ tiêu thống kê gồm tên chỉ tiêu và trị số của chỉ tiêu.
4. Chương trình thống kê là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt gồm hệ thống chỉ tiêu thống kê, chương trình điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê.
5. Cơ sở dữ liệu thống kê là tập hợp những dữ liệu, thông tin thống kê có liên quan với nhau được sắp xếp, tổ chức theo một cấu trúc nhất định để quản lý, cập nhật và khai thác phục vụ cho mục đích thống kê và mục đích khác theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu thống kê được hình thành chủ yếu từ dữ liệu, thông tin thống kê của điều tra thống kê, hồ sơ hành chính, báo cáo thống kê và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, cơ sở dữ liệu của địa phương.
6. Dữ liệu hành chính là dữ liệu của cơ quan nhà nước được ghi chép, lưu giữ, cập nhật trong các hồ sơ hành chính dạng giấy hoặc dạng điện tử.
7. Dữ liệu thống kê gồm dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính để hình thành thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu.
8. Điều tra thống kê là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được xác định trong phương án điều tra thống kê cho mỗi lần điều tra.
9. Điều tra viên thống kê là người được cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra thống kê trưng tập, huy động để thực hiện việc thu thập thông tin của cuộc điều tra thống kê.
10. Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hiện tượng kinh tế - xã hội.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê. Danh mục chỉ tiêu thống kê gồm mã số, nhóm, tên chỉ tiêu. Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
11. Hoạt động thống kê là hoạt động xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể.
12. Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước là hoạt động thống kê do tổ chức, cá nhân thực hiện ngoài chương trình thống kê.
13. Hoạt động thống kê nhà nước là hoạt động thống kê trong chương trình thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoặc ủy thác cho tổ chức khác thực hiện.
14. Phân loại thống kê là sự phân chia hiện tượng nghiên cứu thành các bộ phận và xếp các yếu tố của hiện tượng vào từng bộ phận riêng biệt, không trùng lặp, căn cứ vào một hoặc một số đặc điểm của yếu tố thuộc hiện tượng nghiên cứu. Phân loại thống kê gồm danh mục và nội dung phân loại thống kê. Danh mục phân loại thống kê gồm mã số và tên từng bộ phận. Nội dung phân loại thống kê gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận.
15. Số liệu thống kê chính thức là số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả của hiện tượng kinh tế - xã hội đã diễn ra trong khoảng thời gian và không gian cụ thể đã được xử lý, tổng hợp, thẩm định và khẳng định.
16. Số liệu thống kê sơ bộ là số liệu thống kê phản ánh đầy đủ kết quả của hiện tượng kinh tế - xã hội đã diễn ra trong khoảng thời gian và không gian cụ thể nhưng chưa được khẳng định, còn phải được thẩm định, rà soát thêm.
17. Số liệu thống kê ước tính là số liệu thống kê dự tính trước toàn bộ kết quả của hiện tượng kinh tế - xã hội còn đang tiếp diễn, được tổng hợp từ số liệu của kỳ đã diễn ra, cập nhật theo thực tế và số liệu của kỳ sẽ diễn ra, sử dụng phương pháp chuyên môn để dự tính.
18. Thông tin thống kê là dữ liệu thống kê được xử lý, tổng hợp và phân tích theo phương pháp, quy trình, chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để phản ánh đặc trưng, thuộc tính của hiện tượng nghiên cứu. Thông tin thống kê gồm số liệu thống kê và bản phân tích số liệu đó.
19. Thông tin thống kê nhà nước là thông tin thống kê do hoạt động thống kê nhà nước tạo ra, có giá trị pháp lý, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
20. Tổng điều tra thống kê là điều tra thống kê toàn bộ để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê của các đối tượng điều tra trên phạm vi cả nước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
1. Hoạt động thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ các mục đích sau đây:
a) Đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội;
b) Đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội;
c) Đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng khác.
1. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời;
b) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê;
c) Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo;
d) Công khai, minh bạch;
đ) Có tính so sánh.
2. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:
a) Các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm;
c) Không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê gồm:
a) Trích dẫn nguồn dữ liệu, thông tin thống kê khi sử dụng;
b) Bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được công bố;
c) Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê theo quy định của pháp luật.
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động thống kê.
2. Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thống kê.
3. Phổ biến, giáo dục pháp luật về thống kê.
4. Xây dựng tổ chức thống kê nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê.
5. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến và công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê.
6. Hợp tác quốc tế về thống kê.
7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về thống kê.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thống kê.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thống kê.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về thống kê.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về thống kê trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương.
1. Thanh tra chuyên ngành thống kê là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về thống kê, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực thống kê.
Cơ quan thống kê trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành thống kê trong phạm vi cả nước.
Cơ quan thống kê tập trung tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thống kê cấp tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành thống kê tại địa phương.
2. Thanh tra chuyên ngành thống kê có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về thống kê và các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thống kê.
3. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thống kê, quyền và nghĩa vụ của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thống kê thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
4. Chính phủ quy định chi tiết về thanh tra chuyên ngành thống kê.
1. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thống kê nhà nước. Việc quản lý, cấp và sử dụng kinh phí cho hoạt động thống kê nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí cho hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước do tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thống kê tự bảo đảm.
1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;
b) Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;
c) Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;
d) Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;
đ) Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;
e) Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
g) Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:
a) Các hành vi quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều này;
b) Thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Hệ thống thông tin thống kê quốc gia.
2. Hệ thống thông tin thống kê bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi chung là bộ, ngành).
3. Hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh.
4. Hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.
1. Hệ thống thông tin thống kê quốc gia phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của cả nước.
2. Thông tin thống kê trong hệ thống thông tin thống kê quốc gia gồm:
a) Thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê tập trung thực hiện;
b) Thông tin thống kê do bộ, ngành thực hiện, cung cấp cho cơ quan thống kê trung ương tổng hợp.
3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, thống nhất quản lý hệ thống thông tin thống kê quốc gia, hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức, điều phối việc kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước.
1. Hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành, lĩnh vực.
2. Thông tin thống kê trong hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành gồm:
a) Thông tin thống kê do bộ, ngành thực hiện;
b) Thông tin thống kê do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện, cung cấp cho bộ, ngành tổng hợp.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì xây dựng và quản lý hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành.
1. Hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh gồm:
a) Thông tin thống kê do cơ quan thống kê cấp tỉnh thực hiện;
b) Thông tin thống kê do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện, cung cấp cho cơ quan thống kê cấp tỉnh tổng hợp.
3. Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh.
Người đứng đầu cơ quan quy định tại điểm b khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm quản lý thông tin thống kê trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
1. Hệ thống thông tin thống kê cấp huyện gồm:
a) Thông tin thống kê do cơ quan thống kê tập trung tại đơn vị hành chính cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ quan thống kê cấp huyện) thực hiện;
b) Thông tin thống kê do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, cung cấp cho cơ quan thống kê cấp huyện tổng hợp.
2. Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.
Người đứng đầu cơ quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm quản lý thông tin thống kê trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là tập hợp các chỉ tiêu thống kê chủ yếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm thu thập thông tin thống kê hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia.
2. Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia;
b) Phù hợp với thực tiễn Việt Nam;
c) Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm:
a) Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do hệ thống tổ chức thống kê tập trung thực hiện;
b) Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do bộ, ngành được phân công thực hiện.
4. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Luật này.
5. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia là cơ sở phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê, chế độ báo cáo thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê.
6. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn.
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành là tập hợp các chỉ tiêu thống kê do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành để thu thập thông tin thống kê hình thành hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành.
2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành gồm:
a) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành đó thực hiện;
b) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có liên quan được phân công thực hiện theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực;
c) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện cung cấp cho bộ, ngành tổng hợp.
3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành được xây dựng phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông lệ quốc tế. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành là cơ sở phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
5. Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ban hành các chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định;
b) Bản dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê;
c) Bản dự thảo nội dung chỉ tiêu thống kê.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích; nhóm, tên chỉ tiêu; khái niệm; phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
5. Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về hệ thống chỉ tiêu thống kê do mình ban hành.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành phù hợp với sự điều chỉnh, bổ sung của chỉ tiêu thống kê có liên quan trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đáp ứng yêu cầu quản lý của bộ, ngành.
2. Chỉ tiêu thống kê bộ, ngành được điều chỉnh, bổ sung phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
Việc thẩm định được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là tập hợp các chỉ tiêu thống kê để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia và hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện là tập hợp các chỉ tiêu thống kê để hình thành hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh và hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã là tập hợp các chỉ tiêu thống kê để hình thành hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.
2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là cơ sở phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động thống kê ở từng cấp và trong việc xây dựng chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xây dựng phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
1. Phân loại thống kê được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước, làm căn cứ để thống nhất sử dụng trong quản lý nhà nước.
2. Phân loại thống kê gồm:
a) Phân loại thống kê quốc gia;
b) Phân loại thống kê ngành, lĩnh vực.
1. Phân loại thống kê quốc gia là phân loại thống kê áp dụng chung cho nhiều ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
2. Phân loại thống kê quốc gia gồm:
a) Hệ thống ngành kinh tế;
b) Hệ thống ngành sản phẩm;
c) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;
đ) Danh mục đơn vị hành chính;
e) Danh mục vùng;
g) Danh mục nghề nghiệp;
h) Danh mục giáo dục, đào tạo;
i) Danh mục các dân tộc Việt Nam;
k) Danh mục các tôn giáo tại Việt Nam;
l) Các phân loại thống kê quốc gia khác.
3. Phân loại thống kê quốc gia được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước, trong xây dựng hệ thống đăng ký hành chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, cơ sở dữ liệu địa phương và các hoạt động quản lý nhà nước khác có liên quan.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và nội dung phân loại thống kê quốc gia.
1. Phân loại thống kê ngành, lĩnh vực là phân loại thống kê áp dụng cho ngành, lĩnh vực và thống nhất với phân loại thống kê quốc gia tương ứng.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực phụ trách không thuộc phân loại thống kê quốc gia.
3. Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
1. Phân loại thống kê ngành, lĩnh vực phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định và bản dự thảo phân loại thống kê.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, căn cứ, phạm vi và đơn vị phân loại thống kê.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
5. Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành phân loại thống kê ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về phân loại thống kê ngành, lĩnh vực do mình ban hành.
1. Tổng điều tra thống kê quốc gia và điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.
2. Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.
1. Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chương trình điều tra thống kê quốc gia;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện chương trình điều tra thống kê quốc gia.
3. Thẩm quyền quyết định tiến hành điều tra trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được quy định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành tổng điều tra thống kê quốc gia;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.
1. Tổng điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Tổng điều tra dân số và nhà ở;
b) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;
c) Tổng điều tra kinh tế;
d) Tổng điều tra thống kê quốc gia khác.
2. Cơ quan thực hiện tổng điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Cơ quan thống kê trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng điều tra quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan thực hiện tổng điều tra quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung tổng điều tra thống kê quốc gia.
1. Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Điều tra thống kê đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp đột xuất khác;
b) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành thuộc lĩnh vực phụ trách, nhưng không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
c) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
1. Mỗi cuộc điều tra thống kê phải có phương án điều tra thống kê được ban hành kèm theo quyết định điều tra thống kê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phương án điều tra thống kê gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích, yêu cầu điều tra;
b) Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra;
c) Loại điều tra;
d) Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra;
đ) Nội dung, phiếu điều tra;
e) Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;
g) Quy trình xử lý và biểu đầu ra của điều tra;
h) Kế hoạch tiến hành điều tra;
i) Tổ chức điều tra;
k) Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra.
1. Phương án điều tra thống kê đối với điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia do bộ, ngành thực hiện và điều tra thống kê quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định và bản dự thảo phương án điều tra thống kê.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra; loại điều tra; thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra; nội dung, phiếu điều tra và phân loại thống kê sử dụng trong điều tra.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Trường hợp thẩm định phương án điều tra thống kê quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 của Luật này thì thời hạn thẩm định là 05 ngày làm việc.
5. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành phương án điều tra thống kê. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về phương án điều tra thống kê do mình ban hành.
1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây:
a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;
b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 của Luật này;
c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;
c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.
1. Điều tra viên thống kê có các quyền sau đây:
a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê, được trang bị phương tiện phục vụ công việc thu thập thông tin và được trả công;
c) Yêu cầu đối tượng điều tra thống kê cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.
2. Điều tra viên thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện thu thập thông tin theo đúng phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê;
c) Giao nộp tài liệu, phiếu điều tra theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.
1. Xây dựng phương án điều tra thống kê.
2. Chỉ đạo, tổ chức, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phương án điều tra thống kê.
3. Kiểm tra việc cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.
4. Tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra thống kê.
5. Giữ bí mật thông tin thống kê thu thập được.
6. Việc báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung được thực hiện như sau:
a) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 30 của Luật này có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê trung ương;
b) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật này có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê cấp tỉnh.
1. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể từ dữ liệu hành chính. Dữ liệu hành chính sử dụng cho hoạt động thống kê nhà nước là dữ liệu thống kê.
2. Nội dung sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Tổng hợp số liệu thống kê, biên soạn các chỉ tiêu thống kê và lập báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê;
b) Lập hoặc cập nhật dàn mẫu cho điều tra thống kê;
c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê.
3. Cơ sở dữ liệu hành chính được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về con người;
b) Cơ sở dữ liệu về đất đai;
c) Cơ sở dữ liệu về cơ sở kinh tế;
d) Cơ sở dữ liệu về thuế;
đ) Cơ sở dữ liệu về hải quan;
e) Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm;
g) Cơ sở dữ liệu hành chính khác.
4. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý và hoạt động thống kê nhà nước.
1. Nội dung dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này được cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Danh mục các trường dữ liệu có liên quan và dữ liệu;
b) Định dạng dữ liệu, định nghĩa và các thuộc tính có liên quan của trường dữ liệu;
c) Phương thức, tần suất và thời gian cung cấp dữ liệu.
2. Các điều kiện bảo đảm cho việc cung cấp, tiếp nhận dữ liệu gồm cơ sở hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực và tài chính.
3. Cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hành chính xác định cụ thể các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực và hoạt động thống kê nhà nước.
2. Cung cấp dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu đang quản lý cho cơ quan thống kê trung ương theo quy định của Luật này.
3. Từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu đang quản lý nếu trái với quy định của pháp luật.
1. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính do các cơ quan quản lý dữ liệu cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước.
2. Bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
3. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính được cung cấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu đó.
1. Chế độ báo cáo thống kê gồm:
a) Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
b) Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
2. Nội dung chế độ báo cáo thống kê gồm mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và các biểu mẫu kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê cụ thể.
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm:
a) Bộ, ngành; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và tổng hợp các thông tin thống kê khác phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành gồm:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đặt tại địa phương;
b) Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành;
b) Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo văn bản ban hành, biểu mẫu và giải thích biểu mẫu báo cáo.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, đối tượng áp dụng, phạm vi thu thập, tổng hợp, biểu mẫu và giải thích biểu mẫu báo cáo.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
5. Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành do mình ban hành.
1. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các quyền sau đây:
a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin;
b) Được hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
c) Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê;
d) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm quy định về chế độ báo cáo thống kê.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thu thập, tổng hợp, lập và nộp báo cáo theo quy định của chế độ báo cáo thống kê và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thống kê;
b) Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
c) Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
d) Chịu sự kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan nhận báo cáo;
đ) Chịu sự kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của thanh tra chuyên ngành thống kê.
1. Phân tích và dự báo thống kê phục vụ việc xây dựng, đánh giá thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
2. Phân tích thống kê nhằm làm rõ các đặc trưng của hiện tượng kinh tế - xã hội; sự thay đổi và các yếu tố ảnh hưởng, vai trò và tác động qua lại của từng yếu tố đối với hiện tượng theo thời gian và không gian. Dự báo thống kê nhằm đưa ra xu hướng phát triển của hiện tượng kinh tế - xã hội.
3. Phân tích và dự báo thống kê phải trung thực, khách quan, toàn diện trên cơ sở thông tin thống kê đã thu thập, tổng hợp, lưu trữ, hệ thống hóa và diễn biến của tình hình thực tế.
4. Cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước có trách nhiệm phân tích và dự báo thống kê theo chương trình thống kê.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về số liệu thống kê được phân công thu thập, tổng hợp trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
2. Bộ, ngành có trách nhiệm thu thập, tổng hợp số liệu thống kê được phân công trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và gửi hồ sơ thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này cho cơ quan thống kê trung ương thẩm định, công bố.
1. Hồ sơ thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo số liệu thống kê, giải trình phạm vi, phương pháp tính và nguồn số liệu thu thập, tổng hợp.
2. Nội dung thẩm định gồm phạm vi, phương pháp tính và nguồn số liệu của chỉ tiêu.
3. Thời hạn thẩm định kể từ ngày cơ quan thống kê trung ương nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định được quy định như sau:
a) 03 ngày làm việc đối với số liệu thống kê ước tính;
b) 07 ngày làm việc đối với số liệu thống kê sơ bộ;
c) 20 ngày đối với số liệu thống kê chính thức.
4. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương, bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và chỉnh lý số liệu thống kê do bộ, ngành thu thập, tổng hợp. Trường hợp bộ, ngành không tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương thì cơ quan thống kê trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm.
1. Các mức độ của số liệu thống kê được công bố gồm:
a) Số liệu thống kê ước tính;
b) Số liệu thống kê sơ bộ;
c) Số liệu thống kê chính thức.
2. Thẩm quyền công bố thông tin thống kê được quy định như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước công bố thông tin thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, trừ các thông tin thống kê quy định tại điểm a khoản này;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thông tin thống kê từ kết quả điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật này;
d) Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
3. Người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê chịu trách nhiệm về thông tin đã công bố.
1. Thông tin thống kê đã được công bố theo quy định của Luật này phải được phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai, minh bạch.
2. Các hình thức phổ biến thông tin gồm:
a) Trang thông tin điện tử của cơ quan thuộc hệ thống thống kê nhà nước; trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước;
b) Họp báo, thông cáo báo chí;
c) Phương tiện thông tin đại chúng;
d) Xuất bản ấn phẩm, các hình thức lưu giữ thông tin điện tử.
3. Niên giám thống kê quốc gia hàng năm được phổ biến vào tháng 6 năm tiếp theo.
4. Lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước là biểu thời gian ấn định việc phổ biến thông tin thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê do người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê xây dựng và công khai.
5. Chính phủ quy định chi tiết về việc phổ biến thông tin thống kê nhà nước.
1. Nhà nước ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến trong hoạt động thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của đất nước.
2. Các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến gồm:
a) Nghiên cứu phương pháp đo lường hiện tượng kinh tế - xã hội mới để phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước;
b) Nghiên cứu, áp dụng các phân loại thống kê theo chuẩn mực quốc tế;
c) Biên soạn, biên dịch và phổ biến các tài liệu hướng dẫn phương pháp thống kê tiên tiến.
3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều phối hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến trong hoạt động thống kê nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp thống kê tiên tiến đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
1. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến trong hoạt động thống kê nhà nước bao gồm:
a) Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin của hệ thống tổ chức thống kê nhà nước;
b) Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất do cơ quan thống kê trung ương quản lý, gồm các cơ sở dữ liệu thống kê của hệ thống thống kê tập trung và các cơ sở dữ liệu thống kê được hình thành từ nguồn dữ liệu hành chính quy định tại Luật này; kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu bộ, ngành để cung cấp, cập nhật thông tin;
c) Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê của bộ, ngành và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia;
d) Phần mềm ứng dụng;
đ) Các phương tiện, phương pháp thu thập và phổ biến thông tin tiên tiến gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, phiếu điện tử, phiếu thu thập thông tin trực tuyến, công nghệ ảnh vệ tinh, hệ thống thông tin địa lý và các phương tiện, phương pháp thu thập, phổ biến thông tin thống kê tiên tiến khác.
2. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động thống kê.
3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều phối hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông thống nhất, bảo đảm đồng bộ hóa, tin học hóa, quy trình hóa trong hoạt động thống kê nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động thống kê của bộ, ngành, địa phương.
1. Hợp tác quốc tế về thống kê nhằm bảo đảm số liệu thống kê đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
2. Các hoạt động chủ yếu trong hợp tác quốc tế về thống kê gồm:
a) Chia sẻ thông tin thống kê;
b) Ứng dụng phương pháp thống kê;
c) Đào tạo nhân lực;
d) So sánh quốc tế;
đ) Thu hút nguồn lực;
e) Ứng dụng khoa học và công nghệ.
3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều phối hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.
1. Cơ quan thống kê trung ương quản lý cơ sở dữ liệu thống kê và đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ sở dữ liệu thống kê do cơ quan thống kê trung ương quản lý (sau đây gọi là cơ sở dữ liệu thống kê) gồm:
a) Cơ sở dữ liệu thống kê về dân số;
b) Cơ sở dữ liệu thống kê về cơ sở kinh tế;
c) Cơ sở dữ liệu thống kê về nông thôn, nông nghiệp;
d) Các cơ sở dữ liệu thống kê chuyên ngành khác.
3. Dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu thống kê quy định tại khoản 2 Điều này chỉ được cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng sau khi thông tin thống kê có liên quan đã được cơ quan thống kê trung ương công bố theo quy định tại Điều 48 của Luật này.
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê theo quy định của Luật này.
2. Xác định mức độ truy cập và sử dụng dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê.
3. Cung cấp dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân trong quá trình cung cấp dữ liệu.
4. Từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu, thông tin nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật.
5. Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê.
1. Được sử dụng dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê.
2. Bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
3. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thống kê được cung cấp, trừ trường hợp được cơ quan thống kê trung ương cho phép.
1. Cơ quan nhà nước sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để phục vụ hoạt động của mình.
3. Tổ chức thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp thông tin thống kê nhà nước đã được công bố của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1. Các loại thông tin thống kê nhà nước phải được giữ bí mật gồm:
a) Thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác;
b) Thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố;
c) Thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước.
2. Việc bảo mật thông tin thống kê nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê đã được công bố.
2. Sử dụng thông tin thống kê đã được công bố.
3. Trích dẫn, sử dụng thông tin thống kê đã được công bố phải trung thực và ghi rõ nguồn thông tin.
4. Tham gia ý kiến với cơ quan thống kê về chất lượng số liệu thống kê.
5. Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê.
6. Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thống kê trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này.
1. Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 56 và bảo mật thông tin thống kê quy định tại Điều 57 của Luật này.
2. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố.
3. Nội dung kiểm tra gồm:
a) Tính chính xác, phù hợp của số liệu thống kê được sử dụng so với số liệu thống kê đã được công bố;
b) Việc trích dẫn nguồn thông tin.
4. Trường hợp phát hiện sai phạm trong việc sử dụng số liệu thống kê đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thống kê.
1. Tổ chức thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước có trách nhiệm tổ chức tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê nhà nước về chất lượng số liệu thống kê để nâng cao chất lượng thông tin thống kê và hoàn thiện công tác thống kê.
2. Các hình thức tham khảo ý kiến chủ yếu gồm điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê, hội nghị người sử dụng thông tin thống kê và thăm dò qua trang thông tin điện tử.
3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, điều phối hoạt động và báo cáo kết quả tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê trong hoạt động thống kê nhà nước.
1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung.
2. Tổ chức thống kê bộ, ngành.
1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.
2. Cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân.
4. Cơ quan thống kê địa phương gồm cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện.
5. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung.
1. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước theo nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thống kê trong bộ, ngành.
Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của cấp xã, thực hiện điều tra thống kê và chế độ báo cáo thống kê của nhà nước.
Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tổ chức công tác thống kê phục vụ yêu cầu quản lý và cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thực hiện điều tra thống kê và chế độ báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.
1. Người làm công tác thống kê gồm người làm công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, người làm thống kê ở cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và điều tra viên thống kê.
2. Người làm công tác thống kê phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.
3. Người làm công tác thống kê độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thống kê.
4. Người làm công tác thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thống kê, thực hiện và chịu trách nhiệm về công việc được phân công.
1. Thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác.
2. Thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.
1. Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp, thông tin thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước do mình tạo ra.
2. Thực hiện các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này.
3. Tiến hành thu thập thông tin trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Luật thống kê số 04/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 71 của Luật này.
Phân loại thống kê, chế độ báo cáo thống kê theo quy định của Luật thống kê số 04/2003/QH11 được tiếp tục thực hiện cho đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2018.
Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2015.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
DANH MỤC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Luật số 89/2015/QH13)
Số |
Mã số |
Nhóm, tên chỉ tiêu |
|
01. Đất đai, dân số |
|||
1 |
0101 |
Diện tích và cơ cấu đất |
|
2 |
0102 |
Dân số, mật độ dân số |
|
3 |
0103 |
Tỷ số giới tính khi sinh |
|
4 |
0104 |
Tỷ suất sinh thô |
|
5 |
0105 |
Tổng tỷ suất sinh |
|
6 |
0106 |
Tỷ suất chết thô |
|
7 |
0107 |
Tỷ lệ tăng dân số |
|
8 |
0108 |
Tỷ suất nhập cư, xuất cư, tỷ suất di cư thuần |
|
9 |
0109 |
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh |
|
10 |
0110 |
Tỷ lệ người khuyết tật |
|
11 |
0111 |
Số cuộc kết hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu |
|
12 |
0112 |
Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi đã được đăng ký khai sinh |
|
13 |
0113 |
Số trường hợp tử vong được đăng ký khai tử |
|
02. Lao động, việc làm và bình đẳng giới |
|||
14 |
0201 |
Lực lượng lao động |
|
15 |
0202 |
Số lao động có việc làm trong nền kinh tế |
|
16 |
0203 |
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo |
|
17 |
0204 |
Tỷ lệ thất nghiệp |
|
18 |
0205 |
Tỷ lệ thiếu việc làm |
|
19 |
0206 |
Năng suất lao động xã hội |
|
20 |
0207 |
Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc |
|
21 |
0208 |
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng |
|
22 |
0209 |
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội |
|
23 |
0210 |
Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân |
|
24 |
0211 |
Tỷ lệ nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền |
|
03. Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp |
|||
25 |
0301 |
Số cơ sở, lao động trong các cơ sở kinh tế, sự nghiệp |
|
26 |
0302 |
Số cơ sở, lao động trong các cơ sở hành chính |
|
27 |
0303 |
Số hộ, lao động kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản |
|
28 |
0304 |
Số doanh nghiệp, lao động, vốn, thu nhập, lợi nhuận của doanh nghiệp |
|
29 |
0305 |
Giá trị tăng thêm trên 01 đồng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp |
|
30 |
0306 |
Trang bị tài sản cố định bình quân một lao động của doanh nghiệp |
|
31 |
0307 |
Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp |
|
04. Đầu tư và xây dựng |
|||
32 |
0401 |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội |
|
|
|
|
|
33 |
0402 |
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với tổng sản phẩm trong nước |
|
34 |
0403 |
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) |
|
35 |
0404 |
Năng lực mới tăng của nền kinh tế |
|
36 |
0405 |
Diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành |
|
37 |
0406 |
Số lượng nhà ở, tổng diện tích nhà ở hiện có và sử dụng |
|
38 |
0407 |
Diện tích nhà ở bình quân đầu người |
|
05. Tài khoản quốc gia |
|||
39 |
0501 |
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) |
|
40 |
0502 |
Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước |
|
41 |
0503 |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước |
|
42 |
0504 |
Tổng sản phẩm trong nước xanh (GDP xanh) |
|
43 |
0505 |
Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người (tính bằng Đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD)) |
|
44 |
0506 |
Tích lũy tài sản |
|
45 |
0507 |
Tiêu dùng cuối cùng |
|
46 |
0508 |
Thu nhập quốc gia (GNI) |
|
47 |
0509 |
Tỷ lệ thu nhập quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước |
|
48 |
0510 |
Thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) |
|
49 |
0511 |
Tỷ lệ tiết kiệm so với tổng sản phẩm trong nước |
|
50 |
0512 |
Tỷ lệ tiết kiệm so với tích lũy tài sản |
|
51 |
0513 |
Mức tiêu hao và tăng/giảm mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với tổng sản phẩm trong nước |
|
52 |
0514 |
Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) |
|
53 |
0515 |
Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố vốn, lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng chung |
|
06. Tài chính công |
|||
54 |
0601 |
Thu và cơ cấu thu ngân sách nhà nước |
|
55 |
0602 |
Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với tổng sản phẩm trong nước |
|
56 |
0603 |
Tỷ lệ động viên thu ngân sách từ thuế, lệ phí so với tổng sản phẩm trong nước |
|
57 |
0604 |
Chi và cơ cấu chi ngân sách nhà nước |
|
58 |
0605 |
Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với tổng sản phẩm trong nước |
|
59 |
0606 |
Bội chi ngân sách nhà nước |
|
60 |
0607 |
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với tổng sản phẩm trong nước |
|
61 |
0608 |
Dư nợ của Chính phủ |
|
62 |
0609 |
Dư nợ nước ngoài của quốc gia |
|
63 |
0610 |
Dư nợ công |
|
07. Tiền tệ và bảo hiểm |
|||
64 |
0701 |
Tổng phương tiện thanh toán |
|
65 |
0702 |
Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán |
|
66 |
0703 |
Số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng |
|
67 |
0704 |
Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng |
|
68 |
0705 |
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng |
|
69 |
0706 |
Lãi suất |
|
70 |
0707 |
Cán cân thanh toán quốc tế |
|
71 |
0708 |
Tỷ lệ cán cân vãng lai so với tổng sản phẩm trong nước |
|
72 |
0709 |
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài |
|
73 |
0710 |
Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam (VND) với Đô la Mỹ (USD) |
|
74 |
0711 |
Tổng thu phí, chi trả bảo hiểm |
|
75 |
0712 |
Số người đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp |
|
76 |
0713 |
Số người được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp |
|
77 |
0714 |
Thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp |
|
08. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản |
|||
78 |
0801 |
Diện tích gieo trồng cây hàng năm |
|
79 |
0802 |
Diện tích cây lâu năm |
|
80 |
0803 |
Năng suất một số loại cây trồng chủ yếu |
|
81 |
0804 |
Sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu |
|
82 |
0805 |
Cân đối một số nông sản chủ yếu |
|
83 |
0806 |
Số lượng gia súc, gia cầm và vật nuôi khác |
|
84 |
0807 |
Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu |
|
85 |
0808 |
Diện tích rừng trồng mới tập trung |
|
86 |
0809 |
Sản lượng gỗ và lâm sản ngoài gỗ |
|
87 |
0810 |
Diện tích nuôi trồng thủy sản |
|
88 |
0811 |
Sản lượng thủy sản |
|
89 |
0812 |
Số lượng và công suất tàu thuyền có động cơ khai thác hải sản |
|
09. Công nghiệp |
|||
90 |
0901 |
Chỉ số sản xuất công nghiệp |
|
91 |
0902 |
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu |
|
92 |
0903 |
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao |
|
93 |
0904 |
Tỷ trọng công nghiệp chế biến trong tổng sản phẩm trong nước |
|
94 |
0905 |
Giá trị tăng thêm bình quân đầu người của công nghiệp chế biến theo sức mua tương đương |
|
95 |
0906 |
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo |
|
96 |
0907 |
Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo |
|
97 |
0908 |
Cân đối một số năng lượng chủ yếu |
|
98 |
0909 |
Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp |
|
10. Thương mại, dịch vụ |
|||
99 |
1001 |
Doanh thu bán lẻ hàng hoá |
|
100 |
1002 |
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống |
|
101 |
1003 |
Doanh thu dịch vụ khác |
|
102 |
1004 |
Số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại |
|
103 |
1005 |
Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá |
|
104 |
1006 |
Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu |
|
105 |
1007 |
Xuất siêu, nhập siêu hàng hoá |
|
106 |
1008 |
Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ |
|
107 |
1009 |
Xuất siêu, nhập siêu dịch vụ |
|
108 |
1010 |
Tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu đã qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá |
|
109 |
1011 |
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa |
|
110 |
1012 |
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu khoáng sản trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá |
|
111 |
1013 |
Tỷ trọng giá trị nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá |
|
|
|
|
|
11. Giá cả |
|||
112 |
1101 |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng, chỉ số giá Đô la Mỹ |
|
113 |
1102 |
Chỉ số lạm phát cơ bản |
|
114 |
1103 |
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian |
|
115 |
1104 |
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất |
|
116 |
1105 |
Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và dịch vụ |
|
117 |
1106 |
Chỉ số giá xây dựng |
|
118 |
1107 |
Chỉ số giá bất động sản |
|
119 |
1108 |
Chỉ số giá tiền lương |
|
120 |
1109 |
Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu |
|
121 |
1110 |
Tỷ giá thương mại |
|
12. Giao thông vận tải |
|||
122 |
1201 |
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải |
|
123 |
1202 |
Số lượt hành khách vận chuyển và luân chuyển |
|
124 |
1203 |
Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển |
|
125 |
1204 |
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng |
|
126 |
1205 |
Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng thủy nội địa |
|
127 |
1206 |
Số lượng, năng lực vận chuyển hiện có và mới tăng của cảng hàng không |
|
13. Công nghệ thông tin và truyền thông |
|||
128 |
1301 |
Doanh thu bưu chính, chuyển phát |
|
129 |
1302 |
Sản lượng bưu chính, chuyển phát |
|
130 |
1303 |
Doanh thu viễn thông |
|
131 |
1304 |
Số lượng thuê bao điện thoại |
|
132 |
1305 |
Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động |
|
133 |
1306 |
Tỷ lệ người sử dụng Internet |
|
134 |
1307 |
Số lượng thuê bao truy nhập Internet |
|
135 |
1308 |
Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet |
|
136 |
1309 |
Số đơn vị có giao dịch thương mại điện tử |
|
137 |
1310 |
Dung lượng kết nối Internet quốc tế bình quân một trăm dân |
|
138 |
1311 |
Doanh thu công nghệ thông tin |
|
14. Khoa học và công nghệ |
|||
139 |
1401 |
Số tổ chức khoa học và công nghệ |
|
140 |
1402 |
Số người trong các tổ chức khoa học và công nghệ |
|
141 |
1403 |
Số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ |
|
142 |
1404 |
Số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ |
|
143 |
1405 |
Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị |
|
144 |
1406 |
Tỷ lệ chi đổi mới công nghệ so với tổng vốn cố định của doanh nghiệp |
|
145 |
1407 |
Chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ |
|
15. Giáo dục |
|||
146 |
1501 |
Số học sinh phổ thông bình quân một giáo viên |
|
147 |
1502 |
Số học sinh phổ thông bình quân một lớp học |
|
148 |
1503 |
Tỷ lệ học sinh đi học phổ thông |
|
16. Y tế và chăm sóc sức khỏe |
|||
149 |
1601 |
Số bác sĩ, số giường bệnh trên mười nghìn dân |
|
150 |
1602 |
Tỷ số tử vong mẹ trên một trăm nghìn trẻ đẻ sống |
|
151 |
1603 |
Tỷ suất chết của trẻ em dưới một tuổi |
|
152 |
1604 |
Tỷ suất chết của trẻ em dưới năm tuổi |
|
153 |
1605 |
Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin |
|
154 |
1606 |
Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng |
|
155 |
1607 |
Số ca hiện nhiễm HIV được phát hiện trên một trăm nghìn dân |
|
156 |
1608 |
Số ca tử vong do HIV/AIDS được báo cáo hàng năm trên một trăm nghìn dân |
|
17. Văn hóa, thể thao và du lịch |
|||
157 |
1701 |
Số di sản văn hóa cấp quốc gia |
|
158 |
1702 |
Số huy chương trong các kỳ thi đấu quốc tế |
|
159 |
1703 |
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành |
|
160 |
1704 |
Số lượt người nước ngoài đến Việt Nam |
|
161 |
1705 |
Số lượt người Việt Nam ra nước ngoài |
|
162 |
1706 |
Số lượt khách du lịch nội địa |
|
163 |
1707 |
Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam |
|
164 |
1708 |
Chi tiêu của khách du lịch nội địa |
|
18. Mức sống dân cư |
|||
165 |
1801 |
Chỉ số phát triển con người (HDI) |
|
166 |
1802 |
Tỷ lệ nghèo |
|
167 |
1803 |
Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số Gini) |
|
168 |
1804 |
Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung |
|
169 |
1805 |
Tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh |
|
170 |
1806 |
Tỷ lệ dân số sử dụng hố xí hợp vệ sinh |
|
19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp |
|||
171 |
1901 |
Số vụ tai nạn giao thông; số người chết, bị thương do tai nạn giao thông |
|
172 |
1902 |
Số vụ cháy, nổ và mức độ thiệt hại |
|
173 |
1903 |
Số vụ án, số bị can đã khởi tố |
|
174 |
1904 |
Số vụ án, số bị can đã truy tố |
|
175 |
1905 |
Số vụ, số người phạm tội đã bị kết án |
|
176 |
1906 |
Tỷ lệ dân số từ mười lăm tuổi trở lên bị bạo lực |
|
177 |
1907 |
Số lượt người được trợ giúp pháp lý |
|
178 |
1908 |
Kết quả thi hành án dân sự |
|
20. Bảo vệ môi trường |
|||
179 |
2001 |
Diện tích rừng hiện có |
|
180 |
2002 |
Diện tích rừng được bảo vệ |
|
181 |
2003 |
Tỷ lệ che phủ rừng |
|
182 |
2004 |
Số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại |
|
183 |
2005 |
Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên |
|
184 |
2006 |
Diện tích đất bị thoái hoá |
|
185 |
2007 |
Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý |
|
186 |
2008 |
Lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người |
|
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No. 89/2015/QH13 |
Hanoi, November 23, 2015 |
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly has promulgated the Law on Statistics
This Law regulates statistical activities and use of state statistical information; rights and obligations and responsibility of agencies, organizations, and individuals in statistical activities and use of state statistical information; organization of state statistics and statistical activities, use of statistical information outside state statistics.
This Law applies to agencies, organizations, and individuals that provide information, perform statistical activities and use statistical information.
Article 3. Interpretation of terms
In this Law, some terms are construed as follows:
1. Statistical reports mean forms and instructions on collection and recording of data, statistical information on a particular study subject according to scientific and unified method as stipulated in the regulation on statistical reports for a certain period of time.
2. Regulation on statistical reports (hereinafter referred to as ‘statistical reporting regulation’) means provisions and instructions provided by competent state agencies on the implementation of a collection of interrelated statistical reports for compilation of statistical indicators in a statistical indicator system and compilation of other statistical information for serving state administration.
3. Statistical indicators reflects characteristics of scale, growth rate, structure, common level, proportional relationship of part or whole of a socio-economic phenomenon in specific space and time conditions. Statistical indicators include indicator name and indicator value.
4. Statistical program means documents approved by competent state agencies including statistical indicator system, statistical investigation program, statistical reporting regulation and other programs in connection with statistical activities.
5. Statistical database means a collection of interrelated statistical data and information arranged and organized in a certain structure for management, updating and exploitation for statistical purposes and other purposes according to laws. Statistical database is composed mainly of statistical data and information from statistical investigation, administrative records, statistical reports, national database, and database from ministries, departments and localities.
6. Administrative database means data from regulatory agencies recorded, stored and updated in administrative records in paper for electronic forms.
7. Statistical data includes qualitative and quantitative data forming statistical information on study phenomenon.
8. Statistical investigation means a form of collecting statistical data, information on a specific study subject according to scientific and unified method determined in the plan for statistical investigation for each time of investigation.
9. Statistical investigators mean persons mobilized by agencies, organizations conducting statistical investigation for collection of information.
10. Statistical indicator system means a collection of statistical indicators reflecting characteristics of socio-economic phenomenon.
Statistical indicator system includes the list and contents of statistical indicators. The list of statistical indicators includes codes, groups and names of indicators. Contents of statistical indicators include concepts, calculating methods, main groupings, periods of publication, sources of figures of statistical indicators and bodies responsible for collection and compilation.
11. Statistical activities mean activities of determining demands for collected information; preparations for collection; processing and compilation; analysis and forecasts, publication and storage of statistical information on study phenomenon in specific space and time conditions.
12. Statistical activities outside state statistics mean statistical activities performed by organizations and individuals outside statistical program.
13. State statistical activities mean statistical activities performed or authorized to other organizations by state statistical organization system, competent state agencies inside the statistical program.
14. Official statistical figures mean statistical figures reflecting results of socio-economic phenomenon adequately and accurately in a specific space and time that are processed, compiled, assessed and asserted.
15. Preliminary statistical figures mean statistical figures reflecting results of socio-economic phenomenon adequately in a specific space and time but not being asserted and requiring further assessment and checks.
17. Estimated statistical figures mean statistical figures anticipating socio-economic phenomena currently happening, compiled from figures of past periods, updated from realities and figures of future periods, using professional methods for estimation.
18. Statistical information means statistical data processed, compiled and analyzed according to statistical method, process and professional competence to reflect characteristics and attributes of study phenomenon. Statistical information includes statistical data and tabular analysis of such data.
19. State statistical information means statistical information produced by state statistics having legal value and published by competent state agencies.
20. General census means the whole statistical investigation aimed at collecting statistical data and information on subjects under investigation across the country in connection with branches, areas and levels.
Article 4. Purposes of statistics
1. State statistical activities aim at provision of statistical information for following purposes:
a) Meet demands for assessment, forecasting, strategic planning, establishment of plans, policy planning, and socio-economic development management;
b) Meet demands for inspection and supervision of implementation of plans and policies on socio-economic development;
c) Meet demands of agencies, organizations, and individuals for use of statistical information;
2. Statistical activities outside state statistics aim at providing statistical information to serve research, production and trading by organizations and individuals meeting legitimate demands.
Article 5. Basic principles of statistical activities and use of statistical data, information
1. Basic principles of state statistics comprise:
a) Honesty, objectivity, accuracy, adequacy and timeliness;
b) Independence in professional knowledge and competence in statistics;
c) Uniformity in professional knowledge and competence;
d) Public disclosure, transparency;
dd) Comparability
2. Basic principles of statistical activities outside state statistics comprise:
a) Principles as prescribed in Points a, b, and c, Clause 1, this Article;
b) Willingness and self-responsibility;
c) Not invading national interests, lawful rights and interests of agencies, organizations, and individuals;
3. Basic principles of using statistical data, information include:
a) Cite sources of statistical data, information being used;
b) Have equal access to state statistical data, information published;
c) Keep statistical data, information confidential according to laws;
Article 6. State administration on statistics
1. Establish and conduct the implementation of strategy, planning, plan and policies on development of statistical activities
2. Establish, promulgate and conduct implementation of legislative documents on statistics;
3. Popularize and education laws on statistics;
4. Establish and organize state statistics, training in professional knowledge and competence in statistics;
5. Organize scientific research; apply advanced statistical methods and information technology to statistical activities;
6. International cooperation in statistics;
7. Investigate and inspect compliance with laws on statistics and handle violations;
8. Settlement of complaints, denunciations in statistics;
Article 7. State administration agencies on statistics
1. The Government shall unify state administration on statistics.
2. The Ministry of Planning and Investment shall be responsible to the Government for unifying state management on statistics.
3. Ministries, ministerial-level agencies within duties and authority shall be responsible for state administration on statistics in the areas tasked.
4. People’s committees at all levels shall be responsible for state administration on statistics in localities within duties and authority;
Article 8. Specialized Statistical Inspectorate
1. Specialized statistical inspectorate is activities of inspection by competent state agencies on compliance with laws on statistics, regulations on professional knowledge and competence in statistics by organizations and individuals.
Central statistics agencies shall be responsible for directing and organizing the implementation of specialized statistical inspection across the country.
Statistics agencies of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial-level statistics agencies) shall be responsible for performing specialized inspection in localities.
2. The specialized statistical inspectorate shall have following duties and authorities:
a) Inspect compliance with laws on statistics and regulations on professional knowledge and competence in statistics by agencies, organizations, and individuals;
b) Detect, prevent and handle within competence or make requests to competent state agencies for handling violations of the laws on statistics;
3. Activities of specialized statistical inspection, rights and obligations of heads of the inspectorate, inspectors or officials tasked with performing specialized statistical inspection are prescribed in the laws on inspection.
4. The Government shall provide detailed regulations on specialized statistical inspection.
Article 9. Expenses for statistical activities
1. The state shall guarantee expenditures for state statistical activities Management, issuance and use of expenditures for state statistical activities are instructed in the laws on state budget.
2. Expenditures for statistical activities outside state statistics shall be provided by organizations and individuals performing statistical activities.
Article 10. Prohibited acts in statistical activities and use of statistical information
1. Prohibited acts in state statistical activities and use of statistical information:
a) Fail to perform or perform supply of information in an inadequate manner causing obstructions to the supply of information according to statistical investigation plan, statistical reporting regulation and from administrative data decided by competent state agencies;
b) Falsify statistical information data;
c) Interfere in, force, bride, threaten or entice others to falsify statistical data, information and use of statistical information;
d) Wrongly execute regulations in statistical investigation plan, statistical reporting regulation and use of administrative data for statistical activities; modify information at one’s own initiative during the conduct of inspection, statistical reports and supply of information from administrative data;
dd) Report and publish statistical information inaccurately;
e) Disclose statistical information of state confidentiality; disclose unpublished statistical data, information; use data and information from agencies, organizations, and individuals outside statistical purposes without consent of such agencies, organizations, and individuals;
g) Decide statistical investigation and promulgate statistical reporting regulation in opposition with the laws on statistics;
2. Prohibited acts in state statistical activities and use of statistical information outside state statistics:
a) Acts as prescribed in Points b, c and e, Clause 1, this Article;
b) Collect and disseminate statistical information of state confidentiality, invade national interests and lawful rights and interests of organizations and individuals;
Article 11. Handling of violations
Any person who commits acts that violate the law on statistics shall be disciplined, penalized for administrative violations or liable to criminal prosecution depending on nature and severity of the violations.
STATE STATISTICAL INFORMATION SYSTEM
Article 12. State statistical information system
1. National statistical information system
2. Statistical information systems of the ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, State Audit (hereinafter referred to as ministerial, department-level statistical information system).
3. Provincial-level statistical information system
4. District-level statistical information system
Article 13. National statistical information system
1. National statistical information system reflects socio-economic situations throughout the country.
2. Statistical information in the national statistical information system includes:
a) Statistical information performed by concentrated system of statistical organizations;
b) Statistical information performed by ministries, departments supplied to central statistics agencies for compilation;
3. The Minister of Planning and Investment shall preside over and unify management of national statistical information system, provincial and commune -level statistical information system; organize and coordinate connection and supply of data, information among state statistical information systems
Article 14. Ministerial, department–level statistical information system
1. Ministerial, department-level statistical information system reflects socio-economic situations at ministerial and department level.
2. Statistical information in ministerial, department-level statistical information system includes:
a) Statistical information performed by ministries, departments;
b) Statistical information performed by professional bodies affiliated to People’s committees of provinces, high-level People’s Court, provincial-level People’s Court, high-level People’s Procuracy, provincial-level People’s Procuracy supplied to ministries, departments for compilation;
3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall preside over the establishment and management of ministerial, department-level statistical information.
Article 15. Provincial-level statistical information system
1. Provincial-level statistical information system reflects socio-economic situations in provincial-level administrative divisions.
2. Provincial-level statistical information system includes:
a) Statistical information performed by provincial-level statistics agencies;
b) Statistical information performed by professional bodies affiliated to People’s committees of provinces, provincial-level People’s Court, provincial-level People’s Procuracy, by professional bodies affiliated to ministries, ministerial-level agencies in provincial-level administrative divisions, supplied to provincial-level statistics agencies for compilation;
3. Heads of provincial-level statistics agencies shall be responsible for management of provincial-level statistical information system.
Heads of agencies as prescribed in Point b, Clause 2, this Article shall be responsible for management of statistical information within the areas assigned.
Article 16. District-level statistical information system
1. District-level statistical information system includes:
a) Statistical information performed by statistics agencies in district-level administrative divisions (hereinafter referred to as district-level statistics agencies)
b) Statistical information performed by professional bodies affiliated to People’s committees of provinces, district-level People’s Court, district-level People’s Procuracy, by professional bodies affiliated to ministries, ministerial-level agencies in district-level administrative divisions, People’s Committees of communes, supplied to district-level statistics agencies for compilation;
2. Heads of district-level statistics agencies shall be responsible for management of district-level statistical information system.
Heads of agencies as prescribed in Point b, Clause 1, this Article shall be responsible for management of statistical information within the areas assigned.
Article 17. National statistical indicator system
1. National statistical indicator system is a collection of main statistical indicators promulgated by competent state agencies with the aim of collecting statistical information forming national statistical information system.
2. Establishment of national statistical indicator system should meet following requirements:
a) Must be able to reflect socio-economic situations of the country;
b) Must be in line with reality of Vietnam;
c) Must be in line with international standards;
3. National statistical indicator system includes:
a) National statistical indicators performed by concentrated system of statistical organizations;
b) National statistical indicators performed by ministries, departments as assigned;
4. Lists of national statistical indicators are prescribed in Annexes enclosed herewith.
5. National statistical indicator system is the foundation for assignment and cooperation among ministries and departments in the establishment of the program for national statistical investigation and use of administrative data for statistical activities, statistical reporting regulation and other programs in connection with statistics.
6. The Minister of Planning and Investment shall preside over and cooperate with ministries, departments in establishing and making submission to the Government for issuance of contents of statistical indicators belonging to national statistical indicators; instruct, inspect and make reports on performance of national statistical indicator system.
Article 18. Adjustments and supplements to lists of national statistical indicators
Based on socio-economic development targets, requirements for state administration and international integration over periods, the Government shall check and submit to the National Assembly amendments and supplements to the list of national statistical indicators according to summary procedure.
Article 19. Ministerial, department-level statistical indicator system
1. Ministerial, department-level statistical indicator system is a collection of statistical indicators promulgated by ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General for collection of statistical information forming ministerial, department-level statistical information system.
2. Ministerial, department-level statistical indicator system:
a) Ministerial, department-level statistical indicators performed by corresponding ministries, departments;
b) Ministerial, department-level statistical indicators performed by relevant ministries, departments, Governmental agencies, high-level People’s Court, high-level People’s Procuracy as assigned;
c) Ministerial, department-level statistical indicators performed by professional bodies affiliated to People’s committees of provinces, provincial-level People’s Court, provincial-level People’s Procuracy, by professional bodies affiliated to ministries, ministerial-level agencies in provincial-level administrative divisions, supplied to ministries, departments for compilation;
3. Ministerial, department-level statistical indicator system is established in line with national statistical indicator system and international practice. Ministerial, department-level statistical indicator system is the foundation for assignment and cooperation among regulatory agencies in the establishment of the program for statistical investigation and use of administrative data for statistical activities and statistical reporting regulation at ministerial, department level.
4. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall promulgate ministerial, department-level statistical indicator system in the areas assigned.
5. Governmental agencies shall be responsible for establishing and making submission to the ministers, heads of ministerial-level agencies performing state administration for promulgation of statistical indicators in the areas assigned.
Article 20. Assessment of ministerial, department-level statistical indicator system
1. Ministerial, department-level statistical indicator system should be assessed in terms of professional knowledge and competence by central statistics agencies before promulgation.
2. Submissions for assessment comprise:
a) Written request for assessment;
b) Draft list of statistical indicators;
c) Draft contents of statistical indicators;
3. The assessment comprises purposes; groups and names of indicators; concepts; calculating methods; main groupings; periods of publication; data sources.
4. Assessment duration is 20 days since the Assessing Agency receives adequate submissions.
5. Ministries, departments shall be responsible for studying and delivering written explanations to central statistics agencies for adjustments and issuance of ministerial, department statistical indicator system. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall be responsible for the statistical indicator system issued by themselves.
Article 21. Adjustments and supplements to ministerial, department-level statistical indicator system
1. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall make adjustments and supplements to ministerial, department-level statistical indicator system in accordance with adjustments and supplements to relevant statistical indicators in national statistical indicator system meeting management requirements of ministries and departments.
2. Ministerial, department-level statistical indicators should be assessed in terms of professional knowledge and competence by central statistics agencies before promulgation.
Assessment is instructed in Article 20 hereof.
Article 22. Provincial, district, commune-level statistical indicator system
1. Provincial-level statistical indicator system is a collection of statistical indicators forming national statistical information system and provincial-level statistical information system.
District-level statistical indicator system is a collection of statistical indicators forming provincial-level statistical information system and district-level statistical information system.
Commune-level statistical indicator system is a collection of statistical indicators forming district-level statistical information system.
2. Provincial, district, commune-level statistical indicator system is the foundation for assignment and cooperation among regulatory agencies in statistical activities at individual levels and in the establishment of statistical reporting regulation at ministerial, department levels.
3. Provincial, district, commune-level statistical indicator system shall be established in line with national statistical indicator system and meet local management requirements.
4. The Ministry of Planning and Investment shall take following responsibilities:
a) Establish and make submission to the Prime Minister for issuance or making adjustments, supplements to provincial, district, commune-level statistical indicator system;
b) Instruct, inspect and make reports on the implementation of provincial, district, commune-level statistical indicator system;
Article 23. Statistical classifications
1. Statistical classifications shall be used with uniformity in state statistical activities, as foundations for unifying use in state administration.
2. Statistical classifications comprise:
a) National statistical classifications;
b) Statistical classifications of areas, sectors;
Article 24. National statistical classifications
1. National statistical classifications are the statistical classifications that commonly apply to multiple areas, sectors across the country.
2. National statistical classifications comprise:
a) Economic sector system;
b) Product sector system;
c) Lists of imported, exported goods;
d) Lists of imported, exported services;
dd) Lists of administrative units;
e) Lists of regions;
g) Lists of occupations;
h) Lists of education, training;
i) Lists of Vietnamese ethnic groups;
k) Lists of religions in Vietnam;
l) Other national statistical classifications;
3. National statistical classifications is established in line with international practice and reality of Vietnam, used in state statistical activities, in the establishment of administrative registration, national database, ministerial, department-level database, local database and other relevant state administration activities.
4. The Ministry of Planning and Investment shall preside over and cooperate with ministries, departments in establishing and making submission to the Prime Minister for issuance of lists and contents of national statistical classifications.
Article 25. Statistical classifications of areas, sectors
1. Statistical classifications of areas, sectors are statistical classifications applied to areas, sectors and in conformity with corresponding national statistical classifications;
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall promulgate statistical classifications of areas, sectors as assigned outside national statistical classifications.
3. Governmental agencies shall be responsible for establishing and making submission to the ministers, heads of ministerial-level agencies performing state administration for promulgation of statistical classifications of areas, sectors as assigned.
Article 26. Assessment of statistical classifications of areas, sectors
1. Statistical classifications of areas, sectors should be assessed in terms of professional knowledge and competence by central statistics agencies before promulgation.
2. Submissions for assessment comprise a written request for assessment and a draft document about statistical classifications.
3. The assessment comprises purposes, foundations, scope and units of statistical classifications.
4. Assessment duration is 20 days since the Assessing Agency receives adequate submissions.
5. Ministries, departments shall be responsible for studying and delivering written explanations to central statistics agencies for adjustments and issuance of statistical classifications of areas, sectors. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall be responsible for statistical classifications of areas, sectors issued by themselves.
COLLECTION OF STATE STATISTICAL INFORMATION
Section 1. STATISTICAL INVESTIGATIONS
Article 27. Types of statistical investigations
1. General national census and statistical investigations in the national statistical investigation program;
2. Statistical investigations outside the national statistical investigation program;
Article 28. National statistical investigation program
1. National statistical investigation program shall be decided by the Prime Minister and carried out periodically to collect main information for the compilation of statistical indicators belonging to national statistical indicator system.
The national statistical investigation program comprises name of the investigation, purpose, subject, units, type and time of investigation and presiding and coordinating agencies.
2. The Ministry of Planning and Investment shall preside over and cooperate with ministries, department in performing following duties:
a) Establish and make submission to the Prime Minister for issuance or making amendments, supplements to the national statistical investigation program;
b) Instruct, inspect and make reports on performance of the national statistical investigation program;
3. Authorities to make decisions on investigation in the national statistical investigation program are prescribed as follows:
a) The Prime Minister shall make decision on implementation of general national statistical investigation;
b) Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall implement statistical investigation as assigned in the national statistical investigation program.
Article 29. General national census
1. General national census comprises:
a) General censuses of population and housing;
b) General census of agriculture and rural development;
c) General censuses of economy;
d) General censuses of other countries;
2. Bodies performing general national censuses comprise:
a) Central statistics agencies shall preside over and cooperate with Ministries, sectors and localities in performing general censuses as prescribed in Points a, b, and c, Clause, this Article;
b) The Prime Minister shall assign agencies to perform general censuses as prescribed in Point d, Clause 1, this Article.
3. The Ministry of Planning and Investment shall preside over and cooperate with ministries, departments in establishing and making submission to the Prime Minister for making adjustments and supplements to general national censuses;
Article 30. Statistical investigations outside national statistical investigation program
1. Statistical investigations outside national statistical investigation program comprise:
a) Ad hoc statistical investigations in case of natural disasters, epidemic diseases or other unexpected cases;
b) Statistical investigations for collection of information about statistical indicators meeting management requirements of relevant ministries, departments but being outside national statistical indicator system;
c) Statistical investigations for collection of information of special nature meeting management requirements of People’s committees of provinces;
2. Authorities to make decisions on statistical investigation outside the national statistical investigation program are prescribed as follows:
b) Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall decide the program and organize the implementation of statistical investigations as prescribed in Points a, b, Clause 1, this Article.
b) Presidents of the provincial People’s Committees shall decide the program and organize statistical investigations as prescribed in Point c, Clause 1, this Article.
Article 31. Statistical investigation plan
1. Every statistical investigation should be accompanied by a statistical investigation plan enclosed with the decision on statistical investigation issued by competent state agencies.
2. Statistical investigation plan comprises following information:
a) Purposes and requirements for investigations;
b) Scope, subjects and investigating units;
c) Types of investigation;
d) Time and methods of investigation;
dd) Contents, investigation sheets;
e) Statistical classifications used for investigations;
g) Treatment process;
h) Investigation plan
i) Organization of investigation;
k) Expenditures and material conditions for investigations;
Article 32. Assessment of statistical investigation plan
1. Statistical investigation plan for statistical investigations in the national statistical investigation program carried out by ministries, departments and statistical investigations as prescribed in Clause 1, Article hereof should be assessed by central statistics agencies in terms of professional knowledge and competence before promulgation.
2. Submissions for assessment comprise a written request for assessment and a draft document about statistical classification plan.
3. The assessment comprises purposes, scope, subjects, investigating units; types of investigation; time and methods of investigation; contents, investigation sheets and statistical classifications used in investigation.
4. Assessment duration is 20 days since the Assessing Agency receives adequate submissions or five working days for the assessment of statistical investigation plan as prescribed in Point a, Clause 1, Article 30 hereof.
5. Relevant ministries, departments and People’s committees of provinces shall be responsible for studying and delivering written explanations to central statistics agencies for adjustments and issuance of statistical investigation plan. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General, Presidents of the provincial People’s Committees shall be responsible for the statistical investigation plan issued.
Article 33. Rights and obligations of organizations and individuals chosen for statistical investigations
1. Rights of organizations and individuals chosen for statistical investigations:
a) Be provided with notices about decisions, purposes, requirements, scope, contents and duration of the investigation;
b) Be guaranteed that information provided to statistical investigators as prescribed in Article 57 hereof is kept confidential;
c) Lodge complaints, denunciations for violations of the laws on statistical investigations;
2. Obligations of organizations and individuals chosen for statistical investigations:
a) Provide information in an honest, accurate, adequate and timely manner at the request of statistical investigators or bodies conducting statistical investigations;
b) Do not refuse or obstruct provision of statistical information;
c) Be placed under inspection of bodies conducting statistical investigation and Specialized Statistical Inspectorate for the information provided;
Article 34. Rights and obligations of statistical investigators
1. Rights of statistical investigators:
a) Be independent in professional knowledge and competence during the process of collecting information according to statistical investigation plan and instructions by bodies conducting statistical investigations;
b) Be entitled to training in professional knowledge and competence in statistical investigations and equipment serving the collection of information and get paid;
c) Request subjects under investigation to provide information according to statistical investigation plan and instructions by bodies conducting statistical investigations;
2. Obligations of statistical investigators:
a) Perform collection of information according to statistical investigation plan and instructions by bodies conducting statistical investigations;
b) Keep confidential for information collected from organizations and individuals chosen for statistical investigations;
c) Submit materials, investigation sheets as instructed by bodies conducting statistical investigations;
Article 35. Responsibility of bodies conducting statistical investigations
1. Construct statistical investigation plan;
2. Direct, organize, supervise and inspect the implementation of statistical investigation plan;
3. Inspect the provision of information by organizations and individuals chosen for statistical investigations;
4. Compile, analyze and publish results of statistical investigations;
5. Keep confidential for information collected;
6. Reports on results of statistical investigations to agencies of concentrated system of statistical organizations shall be made as follows:
a) Bodies conducting statistical investigations as prescribed in Points a and b, Clause 1, Article 30 hereof shall be responsible for making reports on statistical investigations to central statistics agencies;
b) Bodies conducting statistical investigations as prescribed in Point c, Clause 1, Article 30 hereof shall be responsible for making reports on statistical investigations to provincial-level statistics agencies;
Section 2. USE OF ADMINISTRATIVE DATA FOR STATE STATISTICAL ACTIVITIES
Section 36. Use of administrative data for state statistical activities
1. Use of administrative data for state statistical activities is a form of collecting statistical data, information about a particular study subject from administrative data. Administrative data used for state statistical activities is statistical data.
2. Use of administrative data for state statistical activities comprises:
a) Compile statistical figures, statistical indicators and make reports according to statistical reporting regulation;
b) Establish or update samples for statistical investigations;
c) Construct and update statistical database;
3. Administrative data used for state statistical activities comprises:
a) Database about population;
b) Database about lands;
c) Database about economic entities;
d) Database about taxes;
dd) Database about customs;
e) Database about insurance;
g) Other administrative database;
4. The state shall prioritize investment to administrative database serving management requirements and state statistical activities.
Article 37. Supply of data from database for state statistical activities
1. Data from the database as prescribed in Clause 3, Article 36 hereof supplied for state statistical activities comprise:
a) Lists of related data fields and data;
b) Data format, definitions and attributes of data fields;
c) Methods, frequency and time of data supply;
2. Conditions for guaranteeing supply and receipt of data include information infrastructure, human resources and finance
3. Central statistics agencies shall cooperate with administrative database management agencies in determining contents of the data as prescribed in Clause 1 of this Article.
Article 38. Duties and authority of administrative database management agencies
1. Construct administrative database serving management requirements of areas, sectors and state statistical activities;
2. Provide data, information from the database under management to central statistics agencies as prescribed hereof;
3. Refuse supply of data, information from the database if requests are found going against the laws;
Article 39. Duties and authority of central statistics agencies for management and use of administrative database
1. Receive, manage and use data, information from administrative database supplied to state statistical activities by data management agencies;
2. Keep information confidential as prescribed in Article 57 hereof;
3. Do not supply to a third party any data, information from administrative database unless otherwise as agreed by the database management agencies;
Section 3. STATISTICAL REPORTING REGULATION
Article 40. Statistical reporting regulation
1. Statistical reporting regulation comprises:
a) National-level statistical reporting regulation;
b) Ministerial, department-level statistical reporting regulation;
2. Content of statistical reporting regulation comprises purposes and scope of statistics, subjects of application, reporting units, reported units, symbols, reporting periods, time limit for receiving reports, methods of sending reports and other accompanying forms.
Article 41. National-level statistical reporting regulation
1. National-level statistical reporting regulation shall be applied for collection of statistical information belonging to national statistical indicator system.
2. Agencies, organizations performing national-level statistical reporting regulation:
a) Ministries, departments; central agencies of political organizations, socio-political organizations;
b) Other agencies, organizations as prescribed;
3. The Government shall provide detailed regulations on contents of national-level statistical reporting regulation.
Article 42. Ministerial, department-level statistical reporting regulation
1. Ministerial, department-level statistical reporting regulation shall be applied for collection of statistical information belonging to national statistical indicator system, ministerial, department-level statistical indicator system, provincial, district-level statistical indicator system and for compilation of other statistical information serving management requirements of areas, sectors.
2. Agencies, organizations performing ministerial, department-level statistical reporting regulation:
a) Professional agencies affiliated to provincial, district-level People’s committees; People’s Court, provincial, district-level People’s Procuracy; professional agencies affiliated to ministries, ministerial-level agencies in localities;
b) Other agencies, organizations as prescribed;
3. Authorities to issue ministerial, department-level statistical reporting regulation as follows:
a) Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall promulgate ministerial, department-level statistical reporting regulation;
b) Governmental agencies shall be responsible for establishing and making submission to ministers, heads of ministerial-level agencies for promulgating ministerial, department-level statistical reporting regulation that applies to the areas assigned.
Article 43. Assessment of ministerial, department-level statistical reporting regulation
1. Ministerial, department-level statistical reporting regulation shall be assessed in terms of professional knowledge, competence by central statistics agencies before promulgation.
2. Submissions for assessment comprise a written request for assessment, draft document for promulgation, forms and explanations of forms.
3. The assessment comprises purposes, subjects of application, scope of collection, forms and explanations of report forms;
4. Assessment duration is 20 days since the Assessing Agency receives adequate submissions.
5. Relevant ministries, departments shall be responsible for studying and delivering written explanations to central statistics agencies for adjustments and issuance of ministerial, department-level regulation. Ministers, heads of ministerial-level agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall be responsible for ministerial, department-level statistical reporting regulation issued by themselves.
Article 44. Rights and obligations of agencies, organizations performing statistical reporting regulation
1. Rights of agencies, organizations performing statistical reporting regulation:
a) Be independent in professional knowledge and competence during collection and compilation of information;
b) Be entitled to instructions on professional competence in statistical reporting regulation;
c) Be eligible for provision and use of data from administrative database under management of relevant regulatory agencies for compilation of statistical figures;
d) Lodge complaints about administrative decisions, administrative upon finding that such decisions and acts violate the statistical reporting regulation;
2. Obligations of agencies, organizations performing statistical reporting regulation:
a) Collect, compile, establish and submit reports according to statistical reporting regulation and instructions by competent state agencies; take responsibility for accuracy of statistical information;
b) Ensure confidentiality of information in connection with agencies, organizations, and individuals during the implementation of statistical reporting regulation;
c) Do not refuse or obstruct the implementation of statistical reporting regulation;
d) Be placed under inspection of the bodies receiving reports;
dd) Be placed under inspection and investigation by specialized statistical inspectorate;
STATISTICAL ANALYSIS AND FORECASTS; ANNOUNCEMENT AND PUBLICATION OF STATE STATISTICAL INFORMATION
Article 45. Statistical analysis and forecasts
1. Statistical analysis and forecasts help serve construction and assessment of the implementation of strategy, policies and plan for socio-economic development;
2. Statistical analysis helps clarify characters of socio-economic phenomena; changes and influential factors, roles and interaction of each factor for the phenomenon over time and space; Statistical forecasts help give insights into development trends of socio-economic phenomena;
3. Statistical analysis and forecasts should be honest, objective and comprehensive.
4. Agencies of state statistical organization system shall be responsible for making statistical analysis and forecasts according to statistical program.
Article 46. Responsibility of ministries, departments for statistical indicators belonging to national statistical indicator system
1. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall be responsible for statistical figures collected and compiled in the national statistical indicator system.
2. Ministries and departments shall be responsible for collecting and compiling statistical figures as assigned in the national statistical indicator system and sending submissions as prescribed in Clause 1, Article 47 hereof to central statistics agencies for assessment and public announcement.
Article 47. Assessment of statistical figures of ministries and departments in the national statistical indicator system
1. Submissions for assessment comprise a written request, draft of statistical figures, scope, calculating methods, sources of collected figures.
2. Content of assessment comprises scope, calculating methods and sources of figures;
3. Assessment duration since the Assessing Agency receives adequate submissions is prescribed as follows:
a) Three working days for estimated statistical figures;
b) Seven working days for preliminary statistical figures;
c) 20 days for official statistical figures;
4. Based on assessing opinions by central statistics agencies, the ministries and departments shall be responsible for studying and making adjustments to the collected and compiled figures. In case the ministries and departments are not open to the opinions given by the central statistics agencies, the central statistics agencies shall make their own decisions and take the responsibility.
Article 48. Publication of state statistical information
1. Levels of statistical figures to be published comprise:
a) Estimated statistical figures;
b) Preliminary statistical figures;
c) Official statistical figures;
2. Authorities to make public announcement of statistical information are prescribed as follows:
a) Heads of central statistics agencies shall make public announcement of statistical information belonging to national statistical indicator system.
b) Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall make public announcement of statistical information within areas, sectors assigned except statistical information as prescribed in Point a, this Clause;
c) Presidents of the provincial People’s Committees shall make public announcement of statistical information from results of statistical investigation as prescribed in Point c, Clause 1, Article 30 hereof;
d) Heads of provincial-level statistics agencies shall make public announcement of statistical information belonging to provincial, district and commune-level statistical indicator systems.
3. Competent persons publishing statistical information shall be responsible for the information published
Article 49. Publication of state statistical information
1. Statistical information to be published according to this Law should be made public in a timely, adequate and transparent way.
2. Forms of publication of information:
a) Portals of agencies of state statistical system; portals of regulatory agencies;
b) Press conferences, press release;
c) Mass media;
d) Publications and forms of storage of electronic information;
3. National Statistical Yearbook to be published in June of the following year.
4. Schedule for publication of state statistical information is the time-table for publication of statistical information belonging to statistical indicator system constructed and made public by persons who have authority to make public announcement of statistical information.
5. The Government shall detail publication of state statistical information.
RESEARCH AND APPLICATION OF STATISTICAL METHOD, INFORMATION TECHNOLOGY – COMMUNICATION AND INTERNATIONAL COOPERATION IN STATE STATISTICAL ACTIVITIES
Article 50. Research and application of advanced statistical methods
1. The State shall study and apply advanced statistical methods in statistical activities in accordance with international standards and practices and socio-economic development over periods.
2. Areas given with high priority to research and application of advanced statistical methods:
a) Research on methods of measuring new socio-economic phenomena to reflect in an adequate, accurate and timely manner the development and international integration of the country;
b) Research and application of statistical classifications according to international standards;
c) Compile, translate and publish written instructions on advanced statistical methods;
3. The Minister of Planning and Investment shall organize and coordinate research and application of advanced statistical methods in state statistical activities. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General, Presidents of the provincial, district-level People’s Committees shall carry out research and application of advanced statistical methods in the areas, sectors and administrative divisions under management.
Article 51. Development and application of information & communications technology
1. The State shall assign priority to investment and development of advanced information & communications technology in state statistical activities including:
a) Information infrastructure of state statistical organization system;
b) Central and unified national statistical database system under management of central statistics agencies (including statistical database of the central statistical system and statistical database formed from administrative data as prescribed hereof; connection of national statistical database system with other national statistical databases, ministerial, department-level database for provision and updating of information;
c) Ministerial, department-level statistical database system connected with national statistical database system;
d) Software applications:
dd) Advanced means and methods of collecting and publication of information include tablets, smart phones, laptops, electronic slips, electronic sheets, online information collection sheets, satellite imaging technology, geographical information system and others;
2. The State shall encourage enterprises operating in the areas of information & communications technology to provide products and services for development and application of information & communications technology in statistics.
3. The Minister of Planning and Investment shall organize and coordinate activities of developing and applying information & communications technology, ensuring synchronization, computerization and process-based operations. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General, Presidents of the provincial, district-level People’s Committees shall organize the implementation of development and application of information & communications technology in statistical activities within ministries, sectors and localities.
Article 52. International cooperation in statistics
1. International cooperation in statistics helps ensure statistical figures meet requirements for international cooperation, enhance Vietnam’s statistical position in the region and the world.
2. Main activities of international cooperation in statistics:
a) Statistical information sharing;
b) Application of statistical methods;
c) Human resource training;
d) International comparison;
dd) Attraction of workforce;
e) Application of science and technology;
3. The Minister of Planning and Investment shall organize and coordinate international cooperation activities in state statistical activities. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General, Presidents of the provincial, district-level People’s Committees shall organize the implementation of international cooperation in statistics for areas, sectors and administrative divisions under management.
USE OF STATISTICAL DATABASE AND STATE STATISTICAL INFORMATION
Article 53. Use of statistical database under management of central statistics agencies
1. Central statistics agencies shall manage statistical database and meet demands of agencies, organizations, and individuals.
2. Statistical database managed by central statistics agencies comprises:
a) Statistical database about population;
b) Statistical database about economic entities;
c) Statistical database about agriculture and rural development;
d) Other statistical databases;
3. Data, information from statistical database as prescribed in Clause 2, this Article shall be provided to agencies, organizations, and individuals only after related statistical information is publicly announced by central statistics agencies as prescribed in Article 48 hereof.
Article 54. Duties and authority of central statistics agencies for management and use of statistical database
1. Construct statistical database as prescribed hereof;
2. Determine level of access and use of data, information in connection with statistical information announced in the statistical database;
3. Provide data, information in connection with statistical information announced in the statistical database to agencies, organizations, and individuals; guarantee confidentiality of information of organizations, individuals during data provision;
4. Refuse supply of data, information if requests are found going against the laws;
5. Inspect and handle violations in the use of statistical database;
Article 55. Rights and obligations of agencies, organizations, and individuals for use of statistical database
1. Be entitled to data, information in connection with statistical information announced in the statistical database;
2. Have information kept confidential as prescribed in Article 57 hereof;
3. Do not supply information to a third party from the statistical database unless otherwise as agreed by central statistics agencies;
Article 56. Use of state statistical information
1. Regulatory agencies shall use state statistical information announced for carrying out assessments and forecasts about situations, planning of strategy, construction of plans, policies, management of socio-economic development, investigation, inspection and supervision.
2. Agencies, organizations, and individuals shall use statistical information announced for serving their own activities.
3. Statistical organizations of state statistical organization system within functions and duties shall be responsible for meeting demands of agencies, organizations, and individuals for using statistical information announced.
Article 57. Confidentiality of state statistical information
1. Types of state statistical information to be kept confidential:
a) Information associated with particular name or address of organizations and individuals unless otherwise as agreed by such organizations or individuals or regulated by other laws;
b) Statistical information unannounced by competent persons;
c) Statistical information of state secrets;
2. Confidentiality of state statistical information shall be instructed by law provisions.
Article 58. Rights and obligations of agencies, organizations, and individuals for use of state statistical figures, information
1. Have equal access to announced statistical information;
2. Have the use of announced statistical information;
3. Statistical information extracted or used should be honest and noted with information sources;
4. Discuss with statistics agencies on quality of statistical figures;
5. Lodge complaints, denunciations about violations in the use of statistical figures and information;
6. Cooperate with central statistics agencies in the implementation of duties as prescribed in Clause 2, Article 59 hereof;
Article 59. Duties and authority of central statistics agencies for use of state statistical information
1. Execute provisions set out in Clause 3, Article 56 and keep confidential statistical information as prescribed in Article 57 hereof;
2. Conduct regular or irregular inspection of the use of statistical figures, information of national statistical indicators, provincial, district and commune-level statistical indicators as announced by competent authorities;
3. Contents of inspection:
a) Accuracy and conformity of statistical figures used versus statistical figures announced;
b) Information sources to be extracted from;
4. Upon finding any violation in the use of announced statistical figures, handle it within competence or make requests to competent state agencies for handling according to laws on statistics;
Article 60. Seeking consultation with persons using state statistical information
1. Statistical organizations of state statistical organization system shall be responsible for organizing seeking consultation with persons using state statistical information on quality of statistical figures to improve quality of statistical information and statistical tasks.
2. Forms of seeking consultation comprise survey of demands and level of satisfaction of persons using statistical information, conferences of persons using statistical information and surveys through electronic information pages.
3. The Minister of Planning and Investment shall organize and coordinate activities and make reports on results of consultation with persons using statistical information in state statistical activities.
STATE STATISTICAL ORGANIZATIONS
Article 61. State statistical organization system
1. Concentrated system of statistical organizations
2. Ministerial, department-level statistical organizations;
Article 62. Concentrated system of statistical organizations
1. Concentrated system of statistical organizations comprises central statistics agencies and local statistics agencies.
2. Central statistics agencies are affiliated to the Ministry of Planning and Investment.
3. Central statistics agencies are national statistics agencies acting as advisor for the Minister of Planning and Investment in state administration on statistics, organizing and coordinating statistical activities and supplying socio-economic statistical information for organizations and individuals.
4. Local statistics agencies comprise provincial-level statistics agencies and district-level statistics agencies.
5. The Government shall define the functions, tasks, entitlements and organizational structure of concentrated system of statistical organizations.
Article 63. Ministerial, department - level statistics
1. The Government shall define functions, duties and statistical organization structure of ministries, ministerial-level agencies.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, president of the Supreme People’s Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General shall be responsible for conducting and implementing statistical activities in the ministries, departments within duties and authority.
Article 64. Statistical activities in commune-level administrative units
People’s Committees of communes shall be responsible for organizing the implementation of statistical tasks serving management requirements of communes, performing statistical investigations and statistical reporting regulation of the State.
Article 65. Statistical activities in regulatory agencies, public service providers
Regulatory agencies, public service providers within duties and authority shall be responsible for organizing statistical tasks serving management requirements and providing information to statistics agencies of concentrated system of statistical organizations, performing statistical investigation and statistical reporting regulation according to laws.
Article 66. Persons performing statistical work
1. Persons performing statistical work include persons performing statistical work in state statistical organization system, persons performing statistical work at commune level, regulatory agencies, public service providers and statistical investigators.
2. Persons who perform statistical work should have following requirements:
a) Have good virtuous character, honesty, objectivity and awareness of compliance with laws;
b) Obtain degrees in professional competence in statistics;
3. Persons performing statistical work shall be independent in professional knowledge, competence in statistical activities.
4. Persons performing statistical work should comply with laws on statistics, performing and taking responsibility for the assignments.
STATISTICAL ACTIVITIES, USE OF STATISTICAL INFORMATION OUTSIDE STATE STATISTICS
Article 67. Scope of statistical activities outside state statistics
1. Collect, handle, compile, analyze and forecast statistical information serving research, production, business and legitimate demands of organizations, individuals;
2. Perform statistical services;
Article 68. Requirements for statistical activities outside state statistics
1. Comply with laws and take responsibility to the law for professional activities, statistical information, using statistical information outside state statistics;
2. Comply with fundamental principles of statistical activities outside state statistical activities as prescribed in Clause 2, Article 5 hereof;
3. Carry out collection of information on a voluntary basis and agree to supply information to organizations and individuals chosen for statistical investigations;
Article 69. Value of statistical information outside state statistics
Statistical information outside state statistics shall not be used in lieu of state statistical information as prescribed in Clause 1, Article 56 hereof.
1. This Law takes effect since July 01, 2016.
2. The Law on Statistics No. 04/2003/QH11 shall become invalid since this Law takes effect unless otherwise as regulated in Article 71 hereof.
Article 71. Transitional provisions
Statistical classifications, statistical reporting regulation as prescribed in the Law on Statistics No. 04/2003/QH11 shall continue to be executed to the end of June 30, 2018.
Article 72. Detailed regulations
The Government, competent agencies shall detail articles, provisions as prescribed in the Law.
This Law has been ratified in the 10th meeting session, 13th National Assembly dated November 23, 2015.
|
CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực