Luật khí tượng thủy văn 2015 số 90/2015/QH13
Số hiệu: | 90/2015/QH13 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 23/11/2015 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2016 |
Ngày công báo: | 29/12/2015 | Số công báo: | Từ số 1247 đến số 1248 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khí tượng thủy văn là cụm từ chỉ chung khí tượng, thủy văn và hải văn.
2. Khí tượng là trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển.
3. Thủy văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ.
4. Hải văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển.
5. Quan trắc khí tượng thủy văn là việc quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến của khí quyển, nước sông, suối, kênh, rạch, hồ và nước biển.
6. Thời tiết là trạng thái của khí quyển tại một thời điểm và khu vực cụ thể được xác định bằng các yếu tố và hiện tượng khí tượng.
7. Dự báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định.
8. Cảnh báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
9. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo, thể hiện thông tin, dữ liệu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dưới dạng văn bản, bảng số liệu, bản đồ, biểu đồ, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh.
10. Thiên tai khí tượng thủy văn là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
11. Khí hậu là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một khu vực nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại khu vực đó.
12. Dự báo khí hậu là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái và xu thế của khí hậu trong tương lai, mức độ dao động của yếu tố khí hậu theo tháng, mùa, năm so với giá trị trung bình nhiều năm.
13. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.
14. Giám sát biến đổi khí hậu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá, theo dõi diễn biến của khí hậu trong khoảng thời gian dài để xác định các biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
15. Kịch bản biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và có tính tin cậy về xu hướng trong tương lai của khí hậu dựa trên mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế - xã hội, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
16. Công trình khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành để lắp đặt phương tiện đo, thiết bị thông tin khí tượng thủy văn.
17. Trạm khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để đặt một hoặc nhiều công trình khí tượng thủy văn, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khác.
18. Trạm giám sát biến đổi khí hậu là trạm được lựa chọn trong số các trạm khí tượng thủy văn hoặc được xây dựng riêng theo yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để thực hiện quan trắc khí hậu, thành phần hóa khí quyển, mực nước biển.
19. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dữ liệu khí tượng thủy văn thu được phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm độ chính xác theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
20. Tác động vào thời tiết là tác động của con người lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi trong một khu vực cụ thể, trong khoảng thời gian xác định để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
21. Chuẩn khí hậu là giá trị trung bình của các yếu tố khí tượng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 30 năm; làm căn cứ để đánh giá sự khác biệt khí hậu giữa nơi này với nơi khác, giữa thời kỳ này với thời kỳ khác.
22. Hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường về mức độ, thời gian xuất hiện, khu vực xảy ra, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
23. Nước biển dâng là sự dâng lên của mực nước đại dương trung bình do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó không bao gồm triều cường, nước dâng do bão và các tác động tự nhiên khác.
1. Hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Hoạt động khí tượng thủy văn được quản lý tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước.
3. Quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất, kết quả quan trắc liên kết được trong phạm vi quốc gia và với quốc tế.
4. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ.
5. Hệ thống thu nhận, truyền phát thông tin khí tượng thủy văn phải được bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, có tốc độ cao, diện bao phủ rộng.
1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.
2. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khí tượng thủy văn; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
3. Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phù hợp với quy định của pháp luật về viễn thông và sử dụng các mạng viễn thông quốc gia cho hoạt động thu nhận, truyền phát thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong sản xuất, đời sống và phòng, chống thiên tai cho cộng đồng; bảo đảm bình đẳng giới; chú ý đến đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng đặc thù khác để có hình thức, phương tiện, tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
5. Bảo đảm nhu cầu về đất đai để các công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành.
6. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực làm công tác khí tượng thủy văn; có cơ chế thu hút, đãi ngộ người làm công tác khí tượng thủy văn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
7. Phát triển khoa học và công nghệ về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; ưu tiên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động khí tượng thủy văn.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện nghĩa vụ thành viên tại các tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, chú trọng đối với đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng, tổ chức thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và chỉ đạo cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
1. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí có trách nhiệm:
a) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí;
b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.
2. Đài phát thanh, truyền hình địa phương có trách nhiệm:
a) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành và thông tin về biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức về khí tượng thủy văn ở địa phương, các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.
1. Lợi dụng hoạt động khí tượng thủy văn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Lấn, chiếm khoảng không, diện tích mặt đất, dưới đất, mặt nước, dưới nước của công trình khí tượng thủy văn.
3. Vi phạm quy định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.
4. Làm ảnh hưởng đến công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.
5. Xâm hại công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn, thiết bị thông tin, các thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn; va đập vào công trình; đập phá, dịch chuyển các mốc độ cao.
6. Cản trở việc quản lý, khai thác công trình khí tượng thủy văn.
7. Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không có giấy phép hoặc trái với giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
8. Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trái quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
9. Cố ý vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động khí tượng thủy văn.
10. Tác động vào thời tiết khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết hoặc trái với kế hoạch được phê duyệt.
11. Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.
12. Làm trái quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
13. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn của người có thẩm quyền để làm trái quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.
14. Lợi dụng hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.
2. Quan trắc khí tượng thủy văn.
3. Điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn.
4. Quản lý, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
5. Quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn.
1. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn gồm mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
2. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia gồm các trạm khí tượng thủy văn và trạm giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu có hệ thống, liên tục, ổn định, lâu dài do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý và khai thác.
3. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật.
1. Nguyên tắc lập quy hoạch:
a) Bảo đảm việc quan trắc trên mạng lưới phản ánh được diễn biến theo không gian, thời gian của yếu tố khí tượng thủy văn cần quan trắc và đáp ứng mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;
b) Bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, có kế thừa, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia;
c) Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia phải thống nhất, lồng ghép với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, đáp ứng yêu cầu chia sẻ dữ liệu giữa các mạng lưới quan trắc bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ lập quy hoạch:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; chiến lược quốc gia về tài nguyên nước; chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan;
b) Kết quả thực hiện chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia kỳ trước;
c) Tiến bộ khoa học và công nghệ về quan trắc, đo đạc, truyền tin, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
3. Kỳ quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm.
4. Nội dung chủ yếu của quy hoạch:
a) Phân tích, đánh giá tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường, hiện trạng hoạt động khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu; xác định nhu cầu thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;
b) Đánh giá việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia kỳ trước; hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành khí tượng thủy văn;
c) Đánh giá biến động theo không gian, thời gian của yếu tố khí tượng thủy văn cần quan trắc;
d) Xác định mật độ, số lượng, vị trí, bản đồ quy hoạch, danh sách trạm, nội dung quan trắc của từng loại trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
đ) Xác định nguồn lực, lộ trình, giải pháp thực hiện quy hoạch.
5. Trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch:
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Điều chỉnh quy hoạch:
a) Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia được rà soát, điều chỉnh định kỳ 5 năm hoặc khi có yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc khi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thay đổi có tác động lớn tới nội dung quy hoạch;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch theo các nội dung quy định tại điểm a khoản này.
7. Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia và điều chỉnh quy hoạch phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước khi phê duyệt.
1. Bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khi có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo mục đích riêng.
2. Nguyên tắc lập kế hoạch:
a) Đáp ứng mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của bộ, ngành, địa phương;
b) Bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, có kế thừa, phù hợp với mục tiêu phát triển của bộ, ngành, địa phương;
c) Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng không trùng lắp, chồng chéo với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
3. Căn cứ lập kế hoạch:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 của Luật này và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan của bộ, ngành, địa phương;
b) Quy hoạch và kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đến thời điểm lập kế hoạch;
c) Nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo mục đích riêng.
4. Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được lập đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương và định kỳ hàng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
5. Nội dung chủ yếu của kế hoạch:
a) Xác định nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của bộ, ngành, địa phương;
b) Đánh giá khả năng đáp ứng thực tế về thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đối với yêu cầu, mục đích riêng;
c) Xác định số lượng, vị trí, danh sách trạm; thời gian hoạt động, nội dung quan trắc của từng trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng;
d) Xác định nguồn lực, giải pháp thực hiện kế hoạch.
6. Trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo thẩm quyền sau khi thống nhất ý kiến bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Yêu cầu đối với quan trắc khí tượng thủy văn:
a) Quan trắc phải chính xác, liên tục, thống nhất theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn;
b) Kết quả quan trắc phải bảo đảm tính đại diện, phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên, hiện trạng các hiện tượng khí tượng thủy văn của khu vực đặt trạm;
c) Thông tin, dữ liệu quan trắc phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng.
2. Nội dung quan trắc khí tượng thủy văn:
a) Nội dung quan trắc được xác định cụ thể cho từng loại trạm khí tượng thủy văn;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chi tiết nội dung quan trắc đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
c) Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xác định nội dung quan trắc đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý;
d) Trạm khí tượng có phát báo quốc tế, trạm khí tượng thủy văn có trao đổi thông tin, dữ liệu với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc có thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương thực hiện các quan trắc khác theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Quan trắc khí tượng thủy văn của các chủ công trình:
Các công trình khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định tại khoản 5 Điều này.
4. Quan trắc khí tượng thủy văn trên tàu bay, tàu biển:
Khuyến khích chủ tàu bay, tàu biển hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn và phát báo kết quả quan trắc cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia theo mã luật của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
5. Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn phải được cung cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
1. Thành lập trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia:
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng, chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trạm chưa có trong quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
2. Thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của bộ, ngành, địa phương;
b) Tổ chức, cá nhân tự quyết định thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu riêng;
c) Người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm b khoản này có trách nhiệm thông báo việc thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
3. Di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia:
a) Chỉ di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trong trường hợp: bị thiệt hại do thiên tai mà không khắc phục được; lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trạm thuộc phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng; hành lang kỹ thuật bị vi phạm nghiêm trọng hoặc do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên dẫn đến không đủ điều kiện kỹ thuật để quan trắc hoặc thông tin, dữ liệu quan trắc không còn tính đại diện, không phản ánh đúng quy luật tự nhiên và điều kiện khí tượng thủy văn tại khu vực đặt trạm.
Vị trí mới của trạm phải đáp ứng yêu cầu quan trắc và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan;
b) Phải tổ chức quan trắc song song giữa trạm cũ và trạm mới để bảo đảm tính liên tục của chuỗi số liệu và không gián đoạn việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trao đổi quốc tế;
c) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc di chuyển trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
4. Di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:
Việc di chuyển trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thành lập trạm quyết định; sau khi di chuyển phải thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
5. Giải thể trạm khí tượng thủy văn:
a) Giải thể trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trong trường hợp: trạm không còn trong quy hoạch; không bảo đảm điều kiện kỹ thuật để quan trắc mà không thể di chuyển được.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giải thể trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
b) Giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trong trường hợp: trạm không còn trong kế hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương và không đủ điều kiện để chuyển sang mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; không bảo đảm điều kiện kỹ thuật để quan trắc mà không thể di chuyển được; mục đích hoạt động của trạm đã hoàn thành.
Người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quyết định giải thể trạm khí tượng thủy văn thuộc quyền quản lý; sau khi giải thể phải thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm.
1. Công trình khí tượng thủy văn được bảo đảm hành lang kỹ thuật theo quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khí tượng thủy văn.
2. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn được quy định chi tiết đối với từng loại công trình khí tượng thủy văn.
3. Trong phạm vi hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn không được xây dựng công trình, nhà cao tầng, trồng cây lâu năm che chắn công trình, đắp đập, đào bới lòng sông hoặc hai bên bờ, lấy nước, xả nước, neo đậu các phương tiện vận tải hoặc thực hiện các hoạt động khác làm thay đổi tính đại diện của nơi quan trắc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Nội dung bảo vệ công trình khí tượng thủy văn:
a) Xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình;
b) Bảo vệ hành lang kỹ thuật; ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 của Luật này;
c) Thực hiện các biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và các trường hợp rủi ro khác gây ra;
d) Bảo dưỡng, tu bổ, sửa chữa công trình theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn.
2. Trách nhiệm bảo vệ công trình khí tượng thủy văn:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức bảo vệ công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân tổ chức bảo vệ công trình khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
1. Yêu cầu đối với điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
a) Điều tra, khảo sát sử dụng ngân sách nhà nước phải theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kết quả điều tra, khảo sát phải được đánh giá chất lượng;
b) Quan trắc, đo đạc trong điều tra, khảo sát phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn.
2. Nội dung điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
a) Xác định vị trí điểm, trạm, khu vực điều tra, khảo sát trên đất liền hoặc tọa độ lưới điểm, trạm điều tra, khảo sát trên biển;
b) Xây dựng công trình khí tượng thủy văn tạm thời phục vụ mục đích điều tra, khảo sát (nếu có);
c) Quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn, các yếu tố khác có liên quan và địa hình khu vực khảo sát;
d) Tính toán phục hồi các đặc trưng, diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn đã xảy ra trên khu vực khảo sát.
3. Trách nhiệm thực hiện điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra, khảo sát để bổ sung thông tin, dữ liệu cho mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoặc điều tra, khảo sát đột xuất trong, sau khi có thiên tai xảy ra;
b) Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, khảo sát phục vụ mục đích riêng của mình.
1. Nội dung quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn:
a) Ban hành danh mục phương tiện đo khí tượng thủy văn phải kiểm định, hiệu chuẩn;
b) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn.
2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục phương tiện đo khí tượng thủy văn phải kiểm định, hiệu chuẩn trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thuộc danh mục phải kiểm định, hiệu chuẩn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường.
2. Phương tiện đo khí tượng thủy văn không thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn phải có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn do cơ sở kiểm định, hiệu chuẩn có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường.
1. Thu thập, xử lý, phân tích, lưu giữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu và các thông tin, dữ liệu có liên quan trên phạm vi quốc gia, khu vực, thế giới.
2. Xây dựng, ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
3. Cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
4. Hướng dẫn khai thác thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
5. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
1. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành.
3. Thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn, dễ hiểu, dễ sử dụng, được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt.
1. Các loại bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn:
a) Bản tin dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn;
b) Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn;
c) Bản tin dự báo khí hậu, nguồn nước;
d) Bản tin dự báo chuyên đề theo yêu cầu của người sử dụng;
đ) Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn:
a) Thời hạn cực ngắn;
b) Thời hạn ngắn;
c) Thời hạn vừa;
d) Thời hạn dài;
đ) Thời hạn khác.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nội dung bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn gồm thông tin về hiện trạng, diễn biến trong tương lai của đối tượng dự báo, cảnh báo phù hợp với loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quy định tại Điều 22 của Luật này.
2. Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn gồm thông tin về loại thiên tai, cường độ, cấp độ rủi ro thiên tai, vị trí, tọa độ hiện tại và dự báo diễn biến của thiên tai.
1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia gồm các tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn các cấp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
2. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia:
a) Tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp dưới phải chịu sự quản lý về chuyên môn của tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp trên;
b) Tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp dưới chi tiết hóa bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp trên, ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên địa bàn quản lý;
c) Các tổ chức sự nghiệp công lập về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, dữ liệu để bảo đảm thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thống nhất, đầy đủ, kịp thời.
3. Trách nhiệm của hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia:
a) Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong phạm vi toàn quốc;
b) Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên biển theo trách nhiệm thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO);
c) Tham gia hoạt động dự báo, cảnh báo, trao đổi thông tin, sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn với cơ quan, tổ chức dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của các nước, khu vực và thế giới theo quy định của pháp luật;
d) Thu nhận thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong nước và nước ngoài, của tổ chức quốc tế; chuyển phát thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn của Việt Nam ra quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Cung cấp, hướng dẫn khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
e) Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền tin để truyền tải chính xác, phổ biến kịp thời, đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đến cộng đồng theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí;
g) Tuân thủ, thường xuyên cập nhật quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
h) Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
i) Lưu trữ thông tin, dữ liệu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải có đủ điều kiện và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 40 của Luật này.
3. Điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân:
a) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp;
b) Tổ chức phải có tư cách pháp nhân và nhân lực phù hợp;
c) Cá nhân phải có trình độ chuyên môn về chuyên ngành phù hợp và kinh nghiệm hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
4. Điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:
a) Có các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Đang hoạt động, cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
c) Có nhân lực thông thạo tiếng Việt hoặc có phiên dịch phù hợp.
5. Thẩm quyền cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn:
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính của tổ chức, nơi cư trú của cá nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi địa phương.
6. Giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có thời hạn không quá 5 năm.
Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có hành vi vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hoặc không còn đủ điều kiện hoạt động quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Việc truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
2. Trong trường hợp cần thiết, khi truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ quan, tổ chức truyền, phát tin phải chuyển tải sang ngôn ngữ dân tộc phù hợp.
1. Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai phải sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn mới nhất do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành.
1. Nội dung quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn:
a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
b) Kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
c) Nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
d) Cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với các nước, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
2. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Thông tin, dữ liệu quan trắc, điều tra, khảo sát về khí tượng thủy văn, môi trường không khí và nước.
2. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thu được từ nước ngoài, cơ quan, tổ chức quốc tế.
3. Biểu đồ, bản đồ, ảnh thu từ vệ tinh; phim, ảnh về đối tượng nghiên cứu khí tượng thủy văn.
4. Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông báo tình hình khí tượng thủy văn.
5. Hồ sơ kỹ thuật của các trạm, công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn.
6. Hồ sơ cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
7. Kết quả nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án về khí tượng thủy văn; kế hoạch và kết quả thực hiện tác động vào thời tiết.
8. Văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về khí tượng thủy văn.
1. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được bảo quản và lưu trữ lâu dài.
2. Lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn là lưu trữ chuyên ngành, được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
3. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 29 của Luật này phải được cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn kiểm tra, phân loại, đánh giá chất lượng trước khi lưu trữ.
4. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi bí mật nhà nước được bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lưu trữ và bảo quản thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
1. Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia là tập hợp, thống nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu quy định tại Điều 29 và khoản 2 Điều 34 của Luật này trong phạm vi cả nước, được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin.
2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn sử dụng trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 39 của Luật này cung cấp và xác nhận hoặc được cung cấp từ cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định, thẩm tra, đánh giá đối với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra nguồn gốc thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải trả phí theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Cơ quan nhà nước khai thác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn vì các mục đích sau đây thì không phải trả phí:
a) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng không vì mục đích lợi nhuận;
b) Phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;
c) Trao đổi thông tin với nước ngoài, tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Mục đích khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Xây dựng, quản lý, khai thác trạm giám sát biến đổi khí hậu và cơ sở dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu.
2. Thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc tại mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng và các thông tin, dữ liệu có liên quan.
3. Xây dựng bộ chuẩn khí hậu quốc gia.
4. Phân tích, đánh giá, theo dõi những biểu hiện của biến đổi khí hậu.
5. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực; đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội.
6. Đánh giá khí hậu quốc gia.
7. Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu.
8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết khoản 5 và khoản 6 Điều này.
1. Cơ sở dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu là tập hợp, thống nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu và là thành phần thuộc cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
2. Nội dung thông tin, dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu:
a) Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong quá khứ và hiện tại quan trắc được từ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng;
b) Thông tin, dữ liệu về tác động của thiên tai khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội;
c) Thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính và các hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính;
d) Thông tin, dữ liệu quan trắc về ô-dôn, bảo vệ tầng ô-dôn và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn;
đ) Bộ chuẩn khí hậu quốc gia;
e) Kết quả đánh giá khí hậu quốc gia;
g) Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ;
h) Hồ sơ kỹ thuật của các trạm giám sát biến đổi khí hậu;
i) Kết quả nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án về giám sát biến đổi khí hậu;
k) Văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về giám sát biến đổi khí hậu.
3. Thông tin, dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu được lưu trữ, khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Luật này.
1. Nội dung đánh giá khí hậu quốc gia:
a) Hiện trạng khí hậu Việt Nam đến năm cuối của kỳ đánh giá;
b) Dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam so với lịch sử, kỳ đánh giá trước đó và so với bộ chuẩn khí hậu quốc gia và quốc tế;
c) Tác động của khí hậu và biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội;
d) Kết quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu;
đ) Mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu, việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu;
e) Các nội dung khác có liên quan.
2. Kỳ đánh giá khí hậu quốc gia là 10 năm và có thể được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.
1. Nội dung cơ bản của kịch bản biến đổi khí hậu:
a) Công bố của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và đánh giá của Việt Nam về biểu hiện của biến đổi khí hậu trong khu vực, trên thế giới;
b) Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam;
c) Kết quả đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu kỳ trước;
d) Thay đổi về nhiệt độ, mưa, độ ẩm, nước biển dâng và các yếu tố khí tượng thủy văn khác tại Việt Nam trong tương lai theo các giả định;
đ) Các nội dung khác có liên quan.
2. Kỳ xây dựng, công bố kịch bản biến đổi khí hậu là 5 năm và có thể được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.
1. Nội dung lồng ghép:
a) Sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong việc đánh giá điều kiện tự nhiên, môi trường của khu vực lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
b) Sử dụng kết quả phân tích, đánh giá những biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm xác định các mục tiêu lâu dài của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
c) Sử dụng kết quả phân tích, đánh giá các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong việc xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu đồng thời với việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Việc thẩm định lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được thực hiện đồng thời trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
1. Phục vụ khí tượng thủy văn là dịch vụ công không vì mục đích lợi nhuận, gồm:
a) Cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, tổ chức của Nhà nước phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;
b) Cung cấp tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn;
c) Cung cấp tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan truyền thông phục vụ cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận;
d) Cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho nước ngoài, tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Các hoạt động khí tượng thủy văn khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Dịch vụ khí tượng thủy văn là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, gồm:
a) Cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo yêu cầu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Xây dựng, cung cấp các sản phẩm thông tin, truyền thông về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu;
c) Hướng dẫn sử dụng thông tin, dữ liệu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu;
d) Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ không sử dụng kinh phí nhà nước về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu;
đ) Xây dựng, lắp đặt, hướng dẫn khai thác công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn;
e) Xây dựng, cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật về dự báo, cảnh báo, truyền tin khí tượng thủy văn;
g) Kiểm định, hiệu chuẩn, lắp đặt, sửa chữa phương tiện đo khí tượng thủy văn;
h) Hoạt động tư vấn về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu;
i) Đào tạo nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu;
k) Các hoạt động khác liên quan đến khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1. Cơ quan, tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn thực hiện các hoạt động phục vụ khí tượng thủy văn quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này.
2. Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn theo chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; được tổ chức thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, khai thác các sản phẩm, dịch vụ khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân khác trên cơ sở đặt hàng hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn, tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn có quyền sau đây:
a) Được pháp luật bảo đảm quyền cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn;
b) Khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia;
c) Ký hợp đồng, liên danh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài để cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn;
d) Tham gia đấu thầu, thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về khí tượng thủy văn sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước;
đ) Tổ chức, cá nhân được định giá hàng hóa, dịch vụ khí tượng thủy văn do mình sản xuất, kinh doanh và các chi phí khác theo quy định của pháp luật;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn, tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn có nghĩa vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về chất lượng dịch vụ khí tượng thủy văn do mình cung cấp;
b) Chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và các lĩnh vực liên quan;
c) Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
1. Tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện tại khu vực cụ thể có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng phù hợp, trong khoảng thời gian xác định.
2. Tác động vào thời tiết không được làm cản trở hoặc gây tác động có hại đối với hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
3. Cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết phải có giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.
4. Tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; phải thông báo công khai cho cộng đồng dân cư trong khu vực biết.
1. Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn.
2. Tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam có đủ năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp với hoạt động tác động vào thời tiết.
3. Cơ quan, tổ chức nước ngoài liên danh, liên kết với tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
1. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu tác động vào thời tiết xây dựng kế hoạch gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Kế hoạch tác động vào thời tiết phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Mục đích tác động vào thời tiết quy định tại Điều 42 của Luật này;
b) Khu vực dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
c) Thời gian dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
d) Giải pháp thực hiện tác động vào thời tiết;
đ) Cơ quan, tổ chức dự kiến thực hiện tác động vào thời tiết;
e) Phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.
3. Cơ quan, tổ chức đề nghị tác động vào thời tiết có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp về kế hoạch tác động vào thời tiết.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết.
5. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 42 của Luật này.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 42 của Luật này.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan giám sát việc thực hiện tác động vào thời tiết.
8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
1. Tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm lợi ích quốc gia.
2. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Tăng cường hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
1. Trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Tham gia các hoạt động quan trắc, dự báo, điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong các chương trình, dự án hợp tác đa phương, song phương, khu vực và toàn cầu.
3. Hợp tác, trao đổi chuyên gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ tại nước ngoài, tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
4. Tổ chức, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế khác về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn.
1. Việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
2. Quản lý mạng lưới trạm, các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; truyền, phát tin dự báo, cảnh báo; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; tác động vào thời tiết, giám sát biến đổi khí hậu.
3. Tổ chức phổ biến pháp luật, thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
4. Hướng dẫn việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
5. Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
6. Hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn.
7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước.
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước.
2. Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án quốc gia về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
3. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
4. Quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; tổ chức bảo vệ công trình, hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
5. Quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát; dự báo, cảnh báo; truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.
6. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về hoạt động khí tượng thủy văn.
7. Quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn.
8. Tổ chức phổ biến pháp luật, thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
9. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
10. Quản lý, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
11. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá khí hậu quốc gia; xây dựng, hướng dẫn thực hiện kịch bản biến đổi khí hậu.
12. Tổ chức thẩm định, phê duyệt, giám sát thực hiện kế hoạch tác động vào thời tiết theo thẩm quyền.
13. Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
14. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; chủ trì các hoạt động hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn.
15. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật này và phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện Luật khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý; hàng năm gửi báo cáo về hoạt động khí tượng thủy văn thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
2. Trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong phòng, chống thiên tai, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quản lý, khai thác công trình phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu;
b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn giữa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; phối hợp quản lý, giám sát hoạt động tác động vào thời tiết;
c) Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn giữa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ an ninh quốc gia với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; phối hợp quản lý, giám sát hoạt động tác động vào thời tiết;
d) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch, ưu tiên phân bổ tần số phục vụ công tác khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về tần số vô tuyến điện; xây dựng các chiến lược phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và quy hoạch tài nguyên viễn thông phù hợp phục vụ hoạt động khí tượng thủy văn; chỉ đạo đăng tải thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí;
đ) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu; ban hành quy định về sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng trong nước và quốc tế phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ đảm bảo hoạt động bay hàng không dân dụng; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không theo quy định của Luật này và pháp luật về hàng không dân dụng;
e) Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công thương khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy điện và các công trình khác thuộc phạm vi quản lý;
g) Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong quy hoạch, xây dựng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng phù hợp với điều kiện khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu;
h) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; phối hợp quản lý, giám sát các hoạt động tác động vào thời tiết;
i) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, triển khai các chương trình, tài liệu giáo dục, đào tạo về vai trò, hoạt động khí tượng thủy văn;
k) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu, kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu;
b) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phương án phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của địa phương;
c) Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
d) Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn tại địa phương;
đ) Theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn;
e) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hoạt động thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
g) Tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực thuộc phạm vi quản lý;
h) Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý;
i) Quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý;
k) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn;
l) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn theo thẩm quyền;
m) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền;
n) Xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn và các hành vi vi phạm pháp luật khác về khí tượng thủy văn trên địa bàn;
o) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Theo dõi việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn;
b) Theo dõi, đánh giá, khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn;
c) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền;
d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn;
đ) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn;
e) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp hoặc ủy quyền của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn;
b) Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền;
c) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiệt hại do thiên tai khí tượng thủy văn gây ra trên địa bàn;
d) Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn theo phân cấp hoặc ủy quyền của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
1. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về hoạt động khí tượng thủy văn trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Không thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động đối với công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn kể từ ngày Luật này được công bố.
3. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, khai thác trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng có trách nhiệm báo cáo về hiện trạng các trạm thuộc quyền quản lý như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trạm để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật./.
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 90/2015/QH13 |
Hanoi, November 23, 2015 |
LAW
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates the Law on hydrometeorology;
GENERAL PROVISIONS
This Law stipulates hydrometeorological activities including: Management and operation of station networks; forecasts, warnings; information, data; hydrometeorological services; climate change monitoring; impacts on weather and state administration; rights, responsibility and obligations of agencies, organizations, and individuals involved in hydrometeorological activities;
This Law applies to Vietnamese agencies, organizations, and individuals; foreign organizations and individuals; international organizations participating in hydrometeorological activities in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.
Article 3. Interpretation of terms
In this Law, some terms are construed as follows:
1. Hydrometeorology is a phrase that commonly refers to meteorology, hydrology, and oceanography.
2. Meteorology refers to the state of the atmosphere, developments of natural phenomena in the atmosphere.
3. Hydrography refers to the state, developments and movement of water on earth.
4. Oceanography refers to the state, developments and movement of the ocean.
5. Hydrometeorological monitoring includes observations and systematical measurements of indicators of conditions, phenomena, developments of the atmosphere and water on earth.
6. Weather refers to the state of the atmosphere at a certain point of time determined by meteorological elements and phenomena.
7. Hydrometeorological forecasts mean the provision of information and data about conditions, developments and phenomena of hydrometeorology in the future at a certain area in a specified period of time.
8. Hydrometeorological warnings mean the provision of information and data about possible hydrometeorological hazards that may affect or cause damage to people, properties and environment.
9. Hydrometeorological bulletin means products of organizations and individuals operating in the areas of forecasting, warning, presenting hydrometeorological forecasts and warnings in the form of written formats, data tables, maps, charts, symbols, images and sound.
10. Hydrometeorological natural disasters refer to changeable hydrometeorological phenomena that may cause damage to people, properties, environment, living conditions and socio-economic activities.
11. Climate means compilation of weather conditions in a certain area characterized by long-term statistical quantity of meteorological elements in such area.
12. Climate forecasting refers to the provision of information and data about the state and trends of climate in the future, changes of climatic elements by month, season, year in comparison with average value over years.
13. Climate change refers to a change in climate conditions for a long time by the impacts of natural conditions and human activities, often referred to as global warming, rising sea and an increase in extreme hydrometeorological phenomena.
14. Climate change monitoring refers to a process of collecting information, data; analyzing, assessing and monitoring developments of the climate in a long period of time to determine signs of climate change and its impacts on natural resources, environment, ecosystem, living conditions and socio-economic activities.
15. Climate change scenario refers to scientifically-based and reliable presumptions about climatic trends in the future based on relations between socio-economic activities, greenhouse gas emissions, climate change and rising sea.
16. Hydrometeorological works refer to facilities that meet technical requirements for installation of measurement instruments, hydrometeorological communication equipment.
17. Hydrometeorological station means a place chosen based on technical requirements for placement of one or more hydrometeorological works, including: Surface hydrometeorological stations, aerial hydrometeorological stations, weather radar stations, agricultural hydrometeorological stations, hydrological stations, oceanographical stations, rain measuring stations, lightning positioning stations and other stations.
18. Climate change monitoring station means the station chosen among hydrometeorological stations, or separately constructed according to technical standards, national, international standards for observations of climate, atmospheric chemistry composition, sea level.
19. Technical corridor of hydrometeorological works refers to a space on the ground, underground, on water surface, under water required to ensure hydrometeorological works operate in accordance with technical standards, collected hydrometeorological data give objective insights into natural features in the area and are accurate according to national, international standards.
20. Impacts on weather refer to human impacts on physical and chemical processes of the atmosphere through scientific and technological solutions with the aim of preventing and reducing natural disasters or creating a kind of favorable weather in a certain area for a specified period of time to serve socio-economic development, national security and defense activities.
21. Standard climate refers to mean value of hydrometeorological elements over a given period of time, normally 30 years, serving as foundations for assessment of climatic differences between this place and other place, this period to other period.
22. Extreme hydrometeorological phenomena refer to changeable hydrometeorological phenomena in terms of level, time and area of occurrence that may cause damage to people, properties, environment, living conditions and socio-economic activities.
23. Rising sea refers to average rising level of the ocean by impacts of climate change excluding flood-tides, rising water caused by storms and other natural impacts.
Article 4. Principles of hydrometeorological operation
1. Hydrometeorological operation generally supports socio-economic development, national security and defense, natural disaster prevention and combat guaranteed by the state budget.
2. Hydrometeorological activities are managed with uniformity across the country.
3. Hydrometeorological monitoring must ensure accuracy, continuity, and uniformity of monitoring results within the country and the world.
4. Hydrometeorological forecasts and warnings should ensure adequate reliability and be communicated, transmitted in a timely, accurate and adequate manner.
5. The system receiving and transmitting hydrometeorological information (hereinafter referred to as ‘the receiving and transmitting system') should be guaranteed to operate constantly, with high speed and large coverage.
Article 5. State policies on hydrometeorological activities
1. The State shall guarantee resources for the construction, management and operation of national hydrometeorological station networks; hydrometeorological forecasts, warnings; climate change monitoring to serve socio-economic development, national security and defense, natural disaster prevention and combat.
2. Diversify capital investment sources for hydrometeorological activities; encourage organizations, individuals to take part in activities of monitoring, forecasting, warning, scientific research, technology transfers, exploiting and using hydrometeorological information and data;
3. Prioritize investment and construction of private telecommunications networks in accordance with the law on telecommunications and use of national telecommunications networks for receiving and transmitting information and data serving hydrometeorological forecasting and warning, natural disaster prevention and combat;
4. Reinforce propaganda and dissemination of hydrometeorology and climate change; effectively exploit hydrometeorological information, data for production and living activities, and for prevention and combat against natural disasters among communities; ensure gender equality; pay special attention to people living in mountainous, sea, island and socio-economically disadvantaged areas, ethnic minority people and other special subjects to come up with an appropriate way of propaganda;
5. Guarantee satisfaction of demands for lands to facilitate operation of hydrometeorological works in accordance with technical requirements;
6. Reinforce training to human resources working in the area of hydrometeorology; provide policies on attracting or preferential treatment to people performing hydrometeorological duties in mountainous, sea, island, ethnic minority and socio-economically disadvantaged areas according to laws;
7. Develop science and technology in hydrometeorology, climate change monitoring; prioritize scientific research, transfer of technology, state-of-the-art equipment, application of high technology to hydrometeorological activities;
8. Reinforce international cooperation in hydrometeorology, climate change monitoring; perform duties as members of international organizations in hydrometeorology and climate change monitoring;
Article 6. Dissemination and education about laws, propaganda and enhancement of awareness about hydrometeorological activities
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for regularly organizing dissemination and education about laws, propaganda and enhancement of awareness about hydrometeorology and climate change with much importance attached to people living in mountainous, sea, island, ethnic minority and socio-economically disadvantaged areas; construct and organize the implementation of the project on dissemination and education about laws, propaganda and enhancement of awareness about hydrometeorology and climate change.
2. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees at all levels within duties, authority shall be responsible for cooperating with media agencies and directing educational and training institutions under management to organize dissemination and education about laws, propaganda and enhancement of awareness about hydrometeorology, climate change.
3. Vietnamese Fatherland Front Committee and its members organizations, enterprise associations and other social organizations within duties and authority shall be responsible for cooperating with state administration agencies on hydrometeorology in carrying out propaganda, mobilization and instruction to people on participation in the protection of hydrometeorological works, reception, operation and use of hydrometeorological information, data; compliance with the law on hydrometeorology and climate change.
Article 7. Communications about hydrometeorological activities
1. Vietnam News Agency, Voice of Vietnam, Vietnam Television and media agencies shall be responsible to:
a) Organize communications about hydrometeorological forecasts, warnings, information about climate change according to this Law and the Law on Journalism;
b) Cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, Ministries, sectors and localities in constructing and spreading radio and television programs, news with the aim of enhancing awareness of the people about hydrometeorology, and effectively exploiting information about hydrometeorological forecasts and warnings, and climate change;
2. Local radio and television stations shall be responsible to:
a) Organize spreading hydrometeorological forecasts, warnings released by national hydrometeorological forecasting and warning system and information about climate change to support natural disaster prevention and combat in localities;
b) Cooperate with local hydrometeorology agencies, organizations, relevant units in constructing and spreading radio and television programs, news with the aim of enhancing awareness of the people about hydrometeorology, and effectively exploiting information about hydrometeorological forecasts and warnings, and climate change;
1. Take advantage of hydrometeorological activities to cause damage to state interests, lawful rights and interests of organizations, individuals;
2. Transgress space of hydrometeorological works on the ground, underground, on water surface or under water;
3. Violate regulations on technical corridors of hydrometeorological works;
4. Make negative impacts on hydrometeorological works, measurement instruments;
5. Invade hydrometeorological works, measurement instruments, communication equipment, other technical equipment of hydrometeorological works; slam into the works; break and displace benchmarks;
6. Obstruct management and operation of hydrometeorological works;
7. Perform hydrometeorological forecasting and warning activities unlicensed or in opposition to the license issued by competent state agencies;
8. Exploit and use hydrometeorological information, data in opposition to this Law and relevant law provisions;
9. Deliberately violate technical regulations and professional procedures on hydrometeorological activities;
10. Have impacts on the weather without approval by competent state agencies or in opposition to the approved plan;
11. Conceal, fail to supply or deliberately falsify information about hydrometeorology;
12. Act in opposition to regulations on spreading information about hydrometeorological forecasts, warnings;
13. Take advantage of positions, authority of competent persons to act in opposition to the law on hydrometeorology;
14. Take advantage of international cooperation in hydrometeorology and climate change monitoring to commit violations;
MANAGEMENT, OPERATION OF HYDROMETEOROLOGICAL STATION NETWORK
Article 9. Subject matters of management, operation of hydrometeorological station network
1. Construction of planning and plan for development of hydrometeorological station network;
2. Hydrometeorological monitoring
3. Hydrometeorological investigation and survey;
4. Management and protection of hydrometeorological works;
5. Management of quality of hydrometeorological measurement instruments;
Article 10. Hydrometeorological station network
1. The hydrometeorological station network comprises national hydrometeorological station network and special-purpose hydrometeorological station network.
2. The national hydrometeorological station network comprises hydrometeorological stations and climate change monitoring stations that perform hydrometeorological observation, climate change monitoring in a constant, stable and long-run manner, constructed, managed and operated by the Ministry of Natural Resources and Environment.
3. Special-purpose hydrometeorological station network shall perform hydrometeorological observation for a private purpose organized by Ministries, sectors and localities, established, managed and operated by individuals according to laws.
Article 11. National hydrometeorological station network planning
1. Principles of planning:
a) Ensure observations reflect happenings in space and time of hydrometeorological elements requiring observations and meeting purposes of operation and use of hydrometeorological information, data;
b) Ensure uniformity, advancement, inheritance and conformity with socio-economic development targets and requirements of national security and defense;
c) Planning for national hydrometeorological station network should be unified, incorporated to the planning for national natural resources and environment monitoring network, meeting requirements for sharing data among stations, ensuring effective use of the state budget.
2. Foundations for planning:
a) Strategy, planning, plan for socio-economic development of the country; strategy for development of meteorology and hydrology branch; national strategy for climate change; national strategy for natural disaster prevention and combat; national strategy for water resources; national strategy for development of information technology and communications; planning for land use at national level; planning for national telecommunications development and other relevant strategies, planning, plans;
b) Results of the implementation of strategy for development of meteorology and hydrology branch, national strategy for climate change, planning for national hydrometeorological station network of previous period;
c) Scientific and technological advances in observations, measurements and communications about forecasts, warnings, climate change monitoring;
3. Planning period for national hydrometeorological station network is 10 years with a vision to 20 years.
4. Main information of the planning:
a) General analysis and assessment of natural conditions, socio-economic and environmental conditions, actual state of hydrometeorological activities, response to climate change; determination of demands for hydrometeorological information, data for socio-economic development, national security and defense, natural disaster prevention and fighting, response to climate change;
b) Assessment of performance of the planning for national hydrometeorological station network of previous period; activities of hydrometeorological observation and climate change monitoring; results of the implementation of strategy, planning and plans for development of meteorology and hydrology branch;
c) Assessment of changes in space and time to hydrometeorological elements that need observing;
d) Determination of density, quantity, position, planning map, list of stations, subject matters of observation of each station belonging to national hydrometeorological station network;
dd) Determination of resources, timeframe and measures for implementation of the planning;
5. Responsibility for establishment and approval for the planning:
The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible for establishing and submitting the planning for national hydrometeorological station network to the Prime Minister for approval.
6. Adjustments to the planning:
a) The planning for national hydrometeorological station network shall be checked and adjusted every five year or upon pressing requests for socio-economic development, assurance of national security and defense, or when changes to the strategies, planning, plans as prescribed in Point a, Clause 2, this Article have major impacts on content of the planning;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall make submission of the planning to the Prime Minister for adjustments according to Point a, this Clause.
7. The planning for national hydrometeorological station network and adjustments thereto should be assessed prior to approval according to the law on planning;
Article 12. Plan for development of special-purpose hydrometeorological station network of ministries, sectors and localities
1. Ministries, sectors and localities shall establish the plan for development of special-purpose hydrometeorological station network if having demands for exploitation and use of hydrometeorological information, data for private purposes.
2. Principles of planning:
a) Meet purposes for exploitation and use of hydrometeorological information, data by ministries, sectors and localities;
b) Ensure uniformity, advancement, inheritance and compliance with development goals set by ministries, sectors and localities;
c) Special-purpose hydrometeorological station network should not duplicate or overlap with national hydrometeorological station network;
3. Foundations for planning:
a) Strategies, planning and plans as prescribed in Point a, Clause 2, Article 11 hereof and relevant strategies, planning and plans of ministries, sectors and localities;
b) Results of the implementation of national hydrometeorological station network to the time of establishment of the planning;
c) Demands for exploitation and use of hydrometeorological information, data for private purposes;
4. The plan for development of special-purpose hydrometeorological station network shall be established at the same time with the construction of the planning, plan for socio-economic development by ministries, sectors and localities, and annually be adjusted, supplemented to meet actual demands;
5. Main information of the planning:
a) Determination of demands of ministries, sectors and localities for exploitation and use of hydrometeorological information, data;
b) Assessment of capacity of national hydrometeorological station network to meet actual demands for hydrometeorological information, data for private purposes;
c) Determination of quantity, position, list of stations; operation time of each station belonging to special-purpose hydrometeorological station network;
d) Determination of resources and measures for implementation of the plan;
6. Responsibility for establishment and approval for the plan:
a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of provinces shall organize the establishment of the plan for development of special-purpose hydrometeorological station network within management;
b) Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, Presidents of the provincial People’s Committees shall grant approval for special-purpose hydrometeorological station network within competence after a written agreement with the Minister of Natural Resources and Environment has been reached.
Article 13. Hydrometeorological monitoring
1. Requirements for hydrometeorological monitoring:
a) Monitoring should be carried out with accuracy, continuity and uniformity according to technical regulations and professional processes;
b) Result of monitoring should ensure representation, objective reflection of natural conditions, current conditions of hydrometeorological phenomena in the areas where the station is located;
c) Monitoring information, data must be examined and assessed for quality.
2. Subject matters of hydrometeorological monitoring:
a) Subject matters of hydrometeorological monitoring shall be specifically determined for each hydrometeorological station;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall define details of monitoring for stations belonging to national hydrometeorological station network.
c) Ministries, sectors and localities, organizations and individuals shall define subject matters of monitoring for special-purpose hydrometeorological stations within management;
d) Hydrometeorological stations broadcasting international news, exchanging information and data with foreign or international organizations or having bilateral or multilateral cooperation agreements shall perform other monitoring tasks under international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
3. Hydrometeorological monitoring by project owners:
Any project being affected by or affecting hydrometeorological conditions during the construction, operation which may affect safety, life and properties of communities, the project owner should organize monitoring and supplying information, data as prescribed in Clause 5, this Article.
4. Hydrometeorological monitoring on planes, ships:
Encourage owners of planes, ships operating in the territory of the Socialist Republic of Vietnam to carry out hydrometeorological monitoring and report monitoring result to national hydrometeorological forecasting and warning system according to meteorological codes of World meteorological organization (WMO) and International civil aviation organization (ICAO);
5. Hydrometeorological monitoring information, data should be provided to national hydrometeorological forecasting and warning system and national hydrometeorological database.
6. The Government shall detail Clauses 3 and 5, this Article.
Article 14. Establishment, movement and dissolution of hydrometeorological stations
1. Establishment of stations belonging to national hydrometeorological station network:
a) The Minister of Natural Resources and Environment shall decide the establishment of stations belonging to national hydrometeorological station network according to the planning for national hydrometeorological station network approved by the Prime Minister.
b) In special cases, in order to meet requirements of national security and defense, natural disaster prevention and combat, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries, sectors in making report to the Prime Minister for decisions on the establishment of stations outside the planning for national hydrometeorological station network.
2. Establishment of special-purpose hydrometeorological stations:
a) Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, Presidents of the provincial People’s Committees shall make decisions on the establishment of special-purpose hydrometeorological stations according to the plan for development of special-purpose hydrometeorological station network by Ministries, sectors and localities;
b) Organizations, individuals may decide the establishment of hydrometeorological stations for their own purposes;
c) Competent persons, organizations and individuals as prescribed in Points a, b, this Clause shall be responsible for making notice about the establishment of special-purpose hydrometeorological stations to the Ministry of Natural Resources and Environment and provincial-level state administration agencies where the stations are located.
3. Movement of stations belonging to national hydrometeorological station network:
a) Stations belonging to national hydrometeorological station network shall be moved in following cases: Suffer losses caused by natural disasters; matters related to national security and defense; stations within important socio-economic development project; technical corridors seriously invaded or impacts of natural conditions resulting in inadequate technical conditions; monitoring information, data not reflecting natural law and hydrometeorological conditions in the areas where stations are located;
New position of stations should meet requirements for monitoring and relevant law provisions.
b) Monitoring should be carried out simultaneously at old and new stations to ensure continuity of data chain and uninterrupted provision of information, data to hydrometeorological forecasting and warning tasks, international exchange;
c) The Minister of Natural Resources and Environment shall make decision on movement of stations within national hydrometeorological station network.
4. Movement of special-purpose hydrometeorological stations:
Movement of special-purpose hydrometeorological stations shall be decided by establishing competent persons, organizations and individuals; a written notice should be delivered to the Ministry of Natural Resources and Environment and relevant provincial-level regulatory agencies after movement.
5. Dissolution of hydrometeorological stations:
a) Stations belonging to national hydrometeorological station network shall be dissolved in following cases: The stations are no longer in the planning and fail to guarantee technical conditions for monitoring.
The Minister of Natural Resources and Environment shall make decision on dissolution of stations within national hydrometeorological station network.
b) Special-purpose hydrometeorological stations shall be dissolved in following cases: The stations are no longer in the development plan by ministries, sectors and localities, fail to ensure conditions for conversion into national hydrometeorological, fail to guarantee technical conditions for monitoring; the stations’ goal has been achieved.
Competent persons, organizations and individuals that establish hydrometeorological stations may make decision on the dissolution of hydrometeorological stations. A written notice should be issued to the Ministry of Natural Resources and Environment and relevant provincial-level regulatory agencies after dissolution.
Article 15. Technical corridors of hydrometeorological works
1. Technical corridors of hydrometeorological works shall be guaranteed in quality according to technical regulations on hydrometeorology.
2. Technical corridors of hydrometeorological works shall be specifically regulated for each type of hydrometeorological work.
3. No activities of construction of high-rise buildings, development of perennial plants, construction of dykes, excavation of river bed or river sides, discharging water ... should be carried out within technical corridors of hydrometeorological work.
4. The Government shall detail this Article.
Article 16. Protection of hydrometeorological works
1. Subject matters of protection of hydrometeorological works:
a) Establishment of records, landmarks, scope of technical corridors and issuance of notifications to People’s Committees of communes where the stations are located;
b) Protection of technical corridors; prevention of prohibited acts as prescribed in Clauses 2, 3, 4, 5 and 6, Article 8 hereof;
c) Execution of measures to prevent, combat and reduce losses caused by natural disasters and other risks;
d) Maintenance and repair of the works according to technical regulations and professional processes;
2. Responsibility for protection of hydrometeorological works:
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize protecting hydrometeorological works within national hydrometeorological station network;
b) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees at all levels, organizations and individuals shall organize organizing hydrometeorological works within management according to this Law and other law provisions;
Article 17. Hydrometeorological investigation and survey
1. Requirements for hydrometeorological investigation and survey:
a) Investigation and survey of the use of state budget should accord with programs, plans approved by competent authorities; result of investigation and survey should be assessed for quality;
b) Monitoring, measurement in investigation and survey should accord with technical regulations and professional processes.
2. Subject matters of hydrometeorological investigation and survey:
a) Determination of positions of stations and areas for investigation and survey on mainland or coordinates of stations and areas for investigation and survey on sea;
b) Construction of temporary hydrometeorological works serving investigation and survey (if any);
c) Observation and measurement of hydrometeorological elements, other relevant elements and topography of survey areas;
d) Calculation and restoration of characters and happenings of natural disasters in survey areas;
3. Responsibility for hydrometeorological investigation and survey:
a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall carry out investigation and survey to supply additional information and data to national hydrometeorological station network or conduct unexpected investigation, survey during or in the aftermath of natural disaster.
b) Ministries, sectors, localities, organizations and individuals may carry out investigation and survey for their own purposes.
Article 18. Management of quality of hydrometeorological measurement instruments
1. Subject matters of management of quality of hydrometeorological measurement instruments:
a) Promulgation of the list of hydrometeorological measurement instruments subject to inspection, calibration;
b) Organization of inspection and calibration of hydrometeorological measurement instruments;
2. The Minister of Science and Technology shall promulgate the list of hydrometeorological measurement instruments subject to inspection and calibration as proposed by the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 19. Inspection and calibration of hydrometeorological measurement instruments
1. Inspection and calibration of hydrometeorological measurement instruments subject to inspection and calibration should be carried out in accordance with the law on measurements.
2. Hydrometeorological measurement instruments outside the list of measurement instruments subject to inspection, calibration should have documents of origins, technical characteristics in accordance with technical regulations issued by competent state agencies.
3. Inspection and calibration of hydrometeorological measuring instruments shall be carried out by a qualified entity according to the law on measurement.
HYDROMETEOROLOGICAL FORECASTS, WARNINGS
Article 20. Hydrometeorological forecasting and warning activities
1. Collect, process, analyze and store data and information about hydrometeorology, climate change monitoring and relevant information at national, regional and global level;
2. Establish and release hydrometeorological bulletins;
3. Provide hydrometeorological forecasting and warning information;
4. Provide instruction on exploitation of hydrometeorological forecasting and warning information;
5. Assess quality of hydrometeorological forecasts, warnings;
Article 21. Requirements for hydrometeorological forecasting and warning
1. Hydrometeorological forecasting and warning should be in compliance with technical regulations, professional processes;
2. Organizations and individuals operating in hydrometeorological forecasting and warning activities shall be responsible for content of hydrometeorological bulletins released.
3. Hydrometeorological forecasts and warnings should be regularly and punctually updated on developments of hydrometeorological phenomena, easily understandable, usable and communicated in Vietnamese language.
Article 22. Type and duration of hydrometeorological bulletin
1. Types of hydrometeorological bulletin:
a) Weather, hydrographical, oceanographical forecasting bulletins;
b) Hydrometeorological bulletins for natural disasters;
c) Forecasting bulletins for climate, water sources;
d) Forecasting bulletins on special subject on request;
dd) Hydrometeorological bulletins according to the international agreements to which Vietnam is a signatory;
2. Duration of hydrometeorological forecasting, warning:
a) Extremely short duration;
b) Short duration;
c) Medium duration;
d) Long duration;
dd) Other durations;
3. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail this Article.
Article 23. Subject matters of hydrometeorological forecasting and warning bulletins
1. Unless otherwise as regulated in Clause 2, this Article, subject matters of a hydrometeorological forecasting and warning bulletin shall include actual state and future developments of the subject in accordance with type and duration of forecasting and warning bulletin as prescribed in Article hereof.
2. Subject matters of a hydrometeorological forecasting and warning bulletin for a natural disaster includes type of the natural disaster, its strength, devastation level, coordinates and forecasts about its developments.
Article 24. National hydrometeorological forecasting and warning system
1. National hydrometeorological forecasting and warning system is composed of public service providers for hydrometeorological forecasting and warning (hereinafter referred to as ‘public service providers’) at all levels under the management of the Ministry of Natural Resources and Environment.
2. Operating principles of national hydrometeorological forecasting and warning system:
a) Subordinate public service providers shall be placed under the management of superior public service providers;
b) Subordinate public service providers shall elaborate hydrometeorological bulletins supplied by superior public service providers, releasing hydrometeorological bulletins in the administrative divisions under management;
c) Public service providers shall regularly exchange and update information and data to ensure uniformity, adequacy and timeliness of hydrometeorological forecasts and warnings;
3. Responsibility of national hydrometeorological forecasting and warning system:
a) Release hydrometeorological bulletins; make forecasts and warnings about hydrometeorological natural disasters across the country;
b) Release marine hydrometeorological bulletins as member of World Meteorological Organization;
c) Take part in activities of forecasting, warning, and exchanging hydrometeorological forecasts, warnings with forecasting, warning agencies, organizations from other countries in the world according to laws;
d) Receive domestic and overseas hydrometeorological information, data from international organizations; transmit overseas hydrometeorological information, data in Vietnam according to the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;
dd) Supply and provide instruction on the use of hydrometeorological forecasting, warning information, data and products to agencies, organizations as prescribed in Clause 1, Article 27 hereof;
e) Construct radio and TV programs to deliver hydrometeorological forecasting and warning information to communities in a timely and adequate manner according to this Law and the law on journalism;
g) Comply and regularly update technical regulations, professional processes, regulations on hydrometeorological forecasting and warning;
h) Assess quality of hydrometeorological forecasts, warnings;
i) Store hydrometeorological forecasts and warnings in the form of information and data;
Article 25. Hydrometeorological forecasts and warnings provided by organizations or individuals outside national hydrometeorological forecasting and warning system
1. Organizations and individuals performing hydrometeorological forecasting and warning should meet the requirements and obtain the license granted by competent state management agencies.
2. Organizations or individuals performing hydrometeorological forecasting and warning shall have rights and obligations as prescribed in Article 40 hereof.
3. Requirements for organizations and individuals to perform hydrometeorological forecasting and warning:
a) Have appropriate material and technical bases;
b) Have appropriate legal capacity and human resources (in case of organizations)
c) Have appropriate professional qualifications and experience in the area (in case of individuals);
4. Requirements for foreign organizations and individuals to perform hydrometeorological forecasting and warning in Vietnam:
a) Meet requirements as prescribed in Clause 3, this Article;
b) Currently work and legally reside in Vietnam;
c) Have Vietnamese-speaking personnel or appropriate interpreters;
5. Authority to issue, extend, suspend and revoke license for hydrometeorological forecasting and warning operation (hereinafter referred to as ‘license’):
a) The Minister of Natural Resources and Environment shall implement issuance, extension, suspension or revocation of licenses for organizations or individuals that perform hydrometeorological forecasting and warning in the area covering at least two central-affiliated cities and provinces or in other central-affiliated cities and provinces where organizations are headquartered or individuals reside; foreign organizations, individuals performing hydrometeorological forecasting and warning in Vietnam;
b) Presidents of the provincial People’s Committees shall implement issuance, extension, suspension or revocation of licenses for organizations or individuals that perform hydrometeorological forecasting and warning within locality.
6. Validity period of the license is five years to the maximum.
Organizations or individuals performing hydrometeorological forecasting and warning that violates the law on hydrometeorology or fails to meet requirements as prescribed in Clauses 3 or 4, this Article, depending on nature and severity of the violations, may be temporarily suspended or stripped of the license.
7. The Government shall detail this Article.
Article 26. Communication of hydrometeorological forecasting and warning bulletins
1. Communication of hydrometeorological forecasting and warning information is instructed in the law on natural disaster prevention and combat.
2. In case communication of hydrometeorological forecasting and warning information is aimed at ethnic minorities, the language of communication should be appropriately adapted.
Article 27. Use of hydrometeorological forecasting and warning bulletins
1. Steering agencies for natural disaster prevention and combat, search and rescue, Vietnam News Agency, Voice of Vietnam, Vietnam Television, agencies tasked with implementing the International Agreement on hydrometeorology, climate change of which Vietnam is a signatory should use hydrometeorological forecasting and warning information issued by national hydrometeorological forecasting and warning system.
2. Agencies, organizations, and individuals performing natural disaster prevention and combat should use latest natural disaster forecasting and warning bulletins released by national hydrometeorological forecasting and warning system.
Article 28. Management of hydrometeorological forecasting and warning activities
1. Subject matters of management of hydrometeorological forecasting and warning activities:
a) Establish and promulgate technical regulations, professional processes and regulations on hydrometeorological forecasting and warning within competence or make the submission to competent authorities for promulgation;
b) Inspect, supervise and assess quality of hydrometeorological forecasts, warnings;
c) Conduct scientific and technological research, apply technical advances to hydrometeorological forecasting and warning activities;
d) Supply and exchange hydrometeorological information, data with other countries, international organizations according to laws;
2. National hydrometeorological forecasting and warning system, organizations and individuals performing hydrometeorological forecasting and warning activities shall be responsible for complying with regulations as prescribed in Clause 1, this Article.
HYDROMETEOROLOGICAL INFORMATION AND DATA
Article 29. Hydrometeorological information and data
1. Data and information from observations, investigations and surveys of hydrometeorology, air and water environment;
2. Hydrometeorological information, data collected from other countries, international organizations;
3. Charts, maps, satellite images; films, pictures;
4. Hydrometeorological forecasting and warning bulletins; announcements of hydrometeorological situations;
5. Technical documents of hydrometeorological stations, works and measuring instruments;
6. Applications for issuance, extension, suspension and revocation of licenses;
7. Findings of scientific research, programs and projects on hydrometeorology; plans and results of implementation of impacts on weather;
8. Legislative documents, technical instructions on hydrometeorology;
Article 30. Storage of hydrometeorological information and data
1. Hydrometeorological information and data should be stored and protected for a long time.
2. Storage of hydrometeorological information, data is instructed in the law on archives.
3. Hydrometeorological information, data as prescribed in Clauses 1, 2 and 3, Article 29 hereof should be inspected, classified and assessed for quality before storage.
4. Hydrometeorological information, data of state secrets should be protected according to the law on protection of state secrets.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize storage and protection of hydrometeorological information, data according to laws.
Article 31. National hydrometeorological database
1. National hydrometeorological database is a uniform collection of all information, data as prescribed in Article 29, Clause 2, Article 34 hereof across the country, being standardized according to national standards, digitalized for updating, management and exploitation via information technology system.
2. The Minister of Natural Resources and Environment shall stipulate dataset, data standards; organize construction and management of national hydrometeorological database;
Article 32. Use of hydrometeorological information and data
1. Agencies, organizations, and individuals may use national hydrometeorological database according to this law and relevant law provisions.
2. Hydrometeorological information, data used in programs, planning, plans and socio-economic development projects should have clear origins, supplied and confirmed by agencies, organizations, and individuals as prescribed in Article 39 hereof, or supplied by national hydrometeorological database.
3. Regulatory agencies shall be responsible for investigating and examining origins of hydrometeorological information, data as prescribed in Clause 2, this Article when implementing inspection and assessment of programs, planning, plans and socio-economic development projects using hydrometeorological information, data.
4. Agencies, organizations, and individuals who need to exploit hydrometeorological information, data should pay fees according to laws except for cases as prescribed in Clause 5, this Article.
5. Regulatory agencies that exploit hydrometeorological information, data for following purposes shall not pay fees:
a) Making public announcements on mass media not for profits;
b) Serving natural disaster prevention and combat, ensuring protection of national security and defense;
c) Exchanging information with other countries, international organizations according to the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;
d) Other purposes at the request of competent state agencies;
6. The Government shall detail this Article.
CLIMATE CHANGE MONITORING
Article 33. Subject matters of climate change monitoring
1. Establish, manage and exploit climate change monitoring stations and database;
2. Collect hydrometeorological information, data monitored at national hydrometeorological station network, special-purpose hydrometeorological station network and relevant information, data;
3. Establish national climate standards;
4. Analyze, assess and follow up signs of climate change;
5. Assess impacts of climate change on natural disasters, natural resources, environment, ecosystem, living conditions, socio-economic activities; assess measures to adapt to and ease climate change on socio-economic development;
6. Assess national climate;
7. Establish climate change scenario;
8. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail Clauses 5 and 6, this Article.
Article 34. Climate change monitoring database
1. Climate change monitoring database is a uniform collection of information, data concerning climate change monitoring and a component of national hydrometeorological database.
2. Climate change monitoring information, data:
a) Past and present hydrometeorological information, data monitored at national hydrometeorological station network, special-purpose hydrometeorological station network;
b) Information and data about impacts of natural disasters and climate change on natural resources, environment, ecosystem, living conditions and socio-economic activities;
c) Information and data about greenhouse gas emission and related socio-economic activities;
d) Information and data about ozone layers, protection of ozone layers and management of ozone-depleting substance;
dd) Establish national climate standards;
c) Results of national climate assessment;
g) Climate change scenario over periods;
h) Technical documents of climate change monitoring stations;
i) Findings of scientific research; programs and projects on climate change monitoring;
k) Legislative documents, technical instructions on climate change monitoring;
3. Information, data about climate change monitoring are stored, exploited and used according to Articles 30, 32 hereof;
Article 35. National climate assessment
1. Subject matters of national climate assessment:
a) Actual state of climate in Vietnam to the end of assessment period;
b) Climate fluctuations and climate change in Vietnam compared with history, previous assessment period and national and global climate standards;
c) Impacts of climate and climate change on natural resources, environment, ecosystem, living conditions and socio-economic activities;
d) Results of responding to climate change;
dd) Level of suitability of climate change scenarios, use of climate change scenarios in activities of responding to climate change;
e) Other relevant matters;
2. National climate assessment period is 10 years and may be adjusted or supplemented if need be.
Article 36. Climate change scenario
1. Subject matters of climate change scenarios:
a) Announcements made by Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) and Vietnam’s assessment reports about signs of climate change in the region and the world;
b) Signs of climate change in Vietnam;
c) Results of assessment of climate change scenarios of previous periods;
d) Changes of temperature, rainfall, humidity, rising sea and other hydrometeorological elements in Vietnam in the future according to presumptions;
e) Other relevant matters;
2. The period of establishing and announcing climate change is five years and may be updated, adjusted or supplemented if necessary.
Article 37. Integration of results of climate change monitoring into strategy, planning, plan
1. Subject matters:
a) Using hydrometeorological, climate change monitoring information, data to assess natural conditions, environment in the area for which the strategy, planning, plan is made;
b) Using results of analysis and assessment of signs of climate change and its impacts on natural disasters, natural resources, environment, ecosystem, living conditions, socio-economic activities and interdisciplinary, interregional matters to determine long-term goals of the strategy, planning and plan;
c) Using results of analysis and assessment of measures of responding to climate change to determine socio-economic targets of the strategy, planning and plan;
2. The strategy, planning and plan belonging to the list subject to strategic environment assessment should integrate with results of climate change monitoring and responding to climate change as prescribed hereof and the law on environmental protection.
3. Assessment of integration:
The assessment of integration of results of climate change monitoring into the strategy, planning and plan should be carried out simultaneously with the assessment of strategic environment assessment report according to the law on environmental protection.
HYDROMETEOROLOGICAL SERVICES
Article 38. Subject matters of hydrometeorological services
1. Hydrometeorological services are public services not for profits, including:
a) Supplying hydrometeorological information, data, climate change monitoring, climate change scenarios, hydrometeorological forecasting and warning bulletins to state agencies and organizations serving the establishment of the strategy, planning and plan for socio-economic development, guaranteeing national security and defense;
b) Supplying hydrometeorological forecasting and warning information serving natural disaster prevention and combat, search and rescue operation;
c) Supplying hydrometeorological forecasting and warning bulletins to media agencies serving the communities not for profits;
d) Supplying hydrometeorological information, data, forecasting and warning bulletins to other countries, international organizations according to the international agreements to which Vietnam is a signatory;
dd) Other hydrometeorological activities at the request of competent state agencies;
2. Hydrometeorological services are paid activities on the basis of an agreement between the service supplier and service user, including:
a) Supplying hydrometeorological, climate change monitoring information, data, hydrometeorological bulletins on request outside the cases as prescribed in Clause 1, this Article;
b) Construct and supply products of information and communications about hydrometeorology and climate change;
c) Providing instructions on use of information and data, and application of findings of scientific and technological research about hydrometeorological and climate change monitoring;
d) Transferring findings of scientific and technological research (not using state budget) about hydrometeorological, climate change monitoring;
dd) Construct, install and instruct operation of hydrometeorological works, measuring instruments;
e) Construct and supply technical infrastructure system about hydrometeorological forecasting, warning, communications;
g) Inspect, calibrate, install and repair hydrometeorological measuring instruments;
h) Consulting services on hydrometeorological, climate change monitoring;
i) Train human resources for hydrometeorological and climate change monitoring;
k) Other activities related to hydrometeorological and climate change monitoring at the request of agencies, organizations, and individuals;
Article 39. Agencies, organizations, and individuals performing hydrometeorological services
1. Public hydrometeorological service providers, agencies shall perform hydrometeorological activities as prescribed in Clause 1, Article 38 hereof.
2. Public hydrometeorological service providers shall provide hydrometeorological services within functions and duties stipulated by competent state agencies in accordance with this Law and other relevant law provisions; eligible for implementing investment projects in the form of public-private partnership in the area of hydrometeorology, exploiting hydrometeorological products or services provided by other organizations, individuals on the basis of order placement or agreement according to laws.
Other organizations and individuals may provide hydrometeorological services according to this Law and relevant law provisions.
Article 40. Rights and obligations of public hydrometeorological service providers, other organizations or individuals providing hydrometeorological services
1. Public hydrometeorological service providers, other organizations or individuals providing hydrometeorological services shall have following rights:
a) Be eligible for provision of hydrometeorological services;
b) Exploit information and data from national hydrometeorological database;
c) Contract, partner or associate with organizations, individuals at home or abroad for the provision of hydrometeorological services;
d) Take part in bidding for the implementation of scientific research project on hydrometeorology using state budget capital;
dd) Organizations and individuals may fix prices for hydrometeorological products and services produced by themselves and other expenses according to laws;
e) Other rights;
2. Public hydrometeorological service providers, other organizations or individuals providing hydrometeorological services shall have following obligations:
a) Responsible for quality of hydrometeorological services provided;
b) Be subject to management by relevant regulatory agencies;
c) Liable for taxes, fees and charges according to laws;
d) Implement requirements of competent state agencies for reporting, inspecting, investigating and handling violations in activities of providing hydrometeorological services according to laws;
IMPACTS ON WEATHER
Article 41. Principles of creating impacts on weather
1. Human impacts on weather are made only in an area with appropriate natural conditions and infrastructure in a specified period of time.
2. Human impacts on weather should not hinder or impose adverse effects on socio-economic activities, national security and defense;
3. Agencies or organizations making impacts on weather should have measures to ensure safety and minimize negative impacts from activities of making impacts on weather.
4. Activities of making impacts shall be implemented under the approved plan and should be publicly notified to residential community in the area.
Article 42. Eligibility for making impacts on weather
1. Impacts to cause rain or increase rainfall;
2. Impacts to reduce rainfall or not to let rain happen;
3. Impacts to break or reduce strength of hails;
4. Impacts to break or reduce strength of fogs;
Article 43. Agencies, organizations making impacts on weather
1. Public hydrometeorological service providers;
2. Highly qualified scientific and technological organizations, economic organizations (Vietnam);
3. Foreign agencies, organizations in partnership, association with organizations as prescribed in Clauses 1, 2, this Article;
Article 44. Establishment and approval for plan for making impacts on weather and supervision of implementation
1. Any agency or organization that needs to make impacts on weather should establish and submit the plan for making impacts on weather to the Ministry of Natural Resources and Environment for assessment and approval within competence or to the Prime Minister for approval.
2. The plan for making impacts on weather should comprise following information:
a) Purposes of making impacts on weather as prescribed in Article 42 hereof;
b) Areas expected to make impacts on;
c) Time expected to make impacts on weather;
d) Measures;
dd) Agencies, organizations expected to make impacts on weather;
e) Measures to ensure safety and minimize negative impacts from human impacts on weather;
3. Agencies, organizations submitting proposals for making impacts on weather shall be responsible for collecting suggestions from residential community in the areas under direct impacts of the plan for impacts on weather;
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Science and Technology in implementing assessment of the plan for making impacts on weather.
5. The Prime Minister shall grant approval for the plan for making impacts on weather in cases as prescribed in Clauses 1, 2, and 3, Article 42 hereof.
6. The Prime Minister shall grant approval for the plan for making impacts on weather in cases as prescribed in Clauses 1, 2, and 3, Article 42 hereof.
7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Science and Technology and relevant agencies in monitoring the plan for making impacts on weather.
8. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail Clauses 1, 2 and 3, this Article.
INTERNATIONAL COOPERATION IN HYDROMETEOROLOGICAL ACTIVITIES
Article 45. Principles of international cooperation in hydrometeorological operation
1. Respect independence, sovereignty, territorial integrity and national interests;
2. Guarantee legitimate rights and interests of the country according to International Agreement of which Vietnam is a signatory;
3. Strengthen integration and enhancement of Vietnam’s position in international organizations in hydrometeorology and climate change;
Article 46. Subject matters of international cooperation in hydrometeorological operation
1. Exchange data, information about hydrometeorological and climate change monitoring with international organizations, foreign organizations and individuals;
2. Take part in activities of monitoring, forecasting, investigating, studying, scientific and technological study in hydrometeorological and climate change monitoring in multi-lateral, bilateral, regional and global cooperation programs and projects;
3. Cooperate and exchange experts; train and develop high-quality human resources; send officials abroad for training, international organizations in hydrometeorology and climate change;
4. Organize and implement other international cooperation activities in hydrometeorology and climate change;
Article 47. Central agency for international cooperation in hydrometeorological activities
The Ministry of Natural Resources and Environment is the central agency for international cooperation in hydrometeorological activities.
Article 48. Exchange of data, information about hydrometeorological and climate change monitoring with international organizations, foreign organizations and individuals
1. Exchange and supply of data, information about hydrometeorological and climate change monitoring with international organizations, foreign organizations are instructed in the International Agreement of which Vietnam is a signatory.
2. Exchange and supply of data, information about hydrometeorological and climate change monitoring with international organizations, foreign organizations are instructed in the International Agreement of which Vietnam is a signatory.
3. The Government shall detail Clause 2, this Article.
STATE ADMINISTRATION ON HYDROMETEOROLOGICAL ACTIVITIES
Article 49. Subject matters of state administration on hydrometeorological activities
1. Establish, promulgate and organize the implementation of legislative documents, policies, strategy, planning, plans, technical regulations, professional processes, economic and technical norms on hydrometeorological and climate change monitoring;
2. Manage station networks, activities of monitoring, forecasting, warning; spread forecasting and warning bulletins; exploit and use information, data;
3. Organize dissemination and education about laws to enhance awareness among communities; make investment in scientific and technological research; train and develop human resource in hydrometeorology and climate change;
4. Instruct use of information, data about hydrometeorological and climate change monitoring in strategies, planning, plans, socio-economic development programs and projects; integrate results of climate change monitoring into strategies, planning and plans;
5. Issue, extend, suspend and revoke licenses;
6. International cooperation in hydrometeorological activities
7. Investigate, inspect and handle violations about hydrometeorology; handle complaints, denunciations about hydrometeorology;
Article 50. Responsibility of the Government
The government shall unify state administration on hydrometeorological activities across the country.
Article 51. Responsibility of the Minister of Natural Resources and Environment
1. Responsible to the government for implementing state administration on hydrometeorological activities across the country;
2. Preside over construction and submission of legislative documents, strategies, planning, plans, programs, projects, national projects on hydrometeorological and climate change monitoring to competent state agencies for promulgation;
3. Establish, promulgate within competence and organize the implementation of legislative documents, technical regulations, professional processes, economic and technical norms on hydrometeorological and climate change monitoring;
4. Manage and deploy the implementation of national hydrometeorological station network planning; organize protection of technical corridors of hydrometeorological works within national hydrometeorological station networks;
5. Manage and organize the implementation of activities of monitoring, investigation and surveying; forecasting and warnings; spread hydrometeorological forecasting and warning bulletins; store, exploit and use data, information about hydrometeorological and climate change monitoring;
6. Construct and submit mechanism and policies on hydrometeorological activities to competent authorities for promulgation and organize the implementation;
7. Manage, instruct and organize the implementation of hydrometeorological services;
8. Organize dissemination and education about laws to enhance awareness of communities about hydrometeorology; make investment in scientific and technological research; train and develop human resources in hydrometeorology and climate change;
9. Construct and manage national hydrometeorological database;
10. Manage and instruct exploitation and use of data, information about hydrometeorological and climate change monitoring for the establishment and implementation of strategies, planning, plans, socio-economic development programs and projects; integration of results of climate change monitoring into strategies, planning and plans;
11. Preside over and cooperate with ministries, sectors and localities in performing assessment of national climate; construct and instruct the implementation of climate change scenarios;
12. Organize assessment, approval and supervision of the implementation of the plan for making impacts on weather within competence;
13. Issue, extend, suspend and revoke licenses; conduct quality management for hydrometeorological measuring instruments as prescribed;
14. Make reports to the Government, the Prime Minister on participation in international organizations, joining the International Agreement on hydrometeorology and climate change; preside over international cooperation in hydrometeorological activities
15. Investigate, inspect and handle violations about hydrometeorology; handle complaints, denunciations about hydrometeorology within competence;
Article 52. Responsibility of ministers, heads of ministerial-level agencies
1. Ministers, heads of ministerial-level agencies shall be responsible for implementing the duties as prescribed hereof and cooperating with the Minister of Natural Resources and Environment in organizing the implementation of the law on hydrometeorology within management; make annual reports on hydrometeorological activities within management to the Minister of Natural Resources and Environment for compilation and submission to the Government.
2. Responsibility of ministers, heads of ministerial-level agencies:
a) The Minister of Agriculture and Rural Development shall preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in providing instructions to agencies, organizations, and individuals operating in the areas of agriculture and rural development on exploitation and supply of data and information about hydrometeorology, climate change scenarios for natural disaster prevention and combat, construction and development of agriculture and rural areas; establishment and promulgation of technical regulations on construction, management and operation of natural disaster prevention and combating works in climate change conditions;
b) The Minister of National Defense shall preside over and cooperate with Minister of Natural Resources and Environment in promulgating regulations on exchange of hydrometeorological information, data between special-purpose hydrometeorological station networks serving national defense and national hydrometeorological station networks; coordinate management and supervision of activities of making impacts on weather;
b) The Minister of Public Security shall preside over and cooperate with Minister of Natural Resources and Environment in promulgating regulations on exchange of hydrometeorological information, data between special-purpose hydrometeorological station networks serving national defense and national hydrometeorological station networks; coordinate management and supervision of activities of making impacts on weather;
d) The Minister of Information and Communications shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in establishing the master plan, prioritizing allocation of frequency serving activities of hydrometeorological and climate change monitoring as prescribed hereof and in the law on radio frequencies; construct strategies for comprehensive development of telecommunications, information technology infrastructures and master plans for appropriate telecommunications resources serving hydrometeorological activities; direct communication of data, information about hydrometeorological and climate change monitoring on mass media as prescribed hereof and in the law on journalism;
dd) The Minister of Transport shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in providing instructions to agencies, organizations, and individuals operating in the areas of transportation on exploitation and supply of hydrometeorological information, data, forecasting and warning bulletins, climate change scenarios; promulgate regulations on use and exchange of hydrometeorological information, data in the country and overseas serving hydrometeorological forecasting and warning activities meeting requirements for safety for flights in civil aviation; promulgate technical regulations on supply of aviation hydrometeorological services as prescribed hereof and in the law on civil aviation;
e) The Minister of Industry and Trade shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in providing instructions to agencies, organizations, and individuals operating in the areas of industry and trade on exploitation and supply of hydrometeorological information, data, forecasting and warning bulletins, climate change scenarios in construction, management and operation of power plants and other works within management;
g) The Minister of Construction shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in providing instructions to agencies, organizations, and individuals operating in the areas of construction on exploitation and use of hydrometeorological information, data, forecasting and warning bulletins, climate change scenarios in the master plan for construction of urban areas, industrial zones, centralized residential areas; promulgate technical regulations on construction in accordance with hydrometeorological, climate change conditions;
h) The Minister of Science and Technology shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in assessing and publishing national standards on hydrometeorology and climate change; coordinate management and supervision of activities of making impacts on weather;
i) The Minister of Education and Training shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in directing and instructing training and educational establishments in constructing and developing training and educational programs, materials on hydrometeorological activities;
k) Other ministers, heads of ministerial-level agencies shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in organizing instruction, inspection and expedition of agencies, organizations, and individuals within management to implement regulations on exploitation, use of hydrometeorological information, data, forecasting and warning bulletins, climate change scenarios, results of climate change monitoring in the construction and implementation of strategies, planning and plans for development of branches, areas within management.
Article 53. Responsibility of People’s committees at all levels
1. People’s committees of provinces:
a) Establish, promulgate within competence and organize the implementation of legislative documents on hydrometeorological and climate change monitoring;
b) Submit the plan for allocation of cost estimates, management and use of budget according to the law for the implementation of hydrometeorological activities serving demands for socio-economic development, natural disaster prevention and combat in localities;
c) Issue, extend, suspend and revoke licenses as prescribed;
d) Manage activities of monitoring, forecasting, warning, providing hydrometeorological services in localities;
dd) Monitor and assess exploitation and use of hydrometeorological forecasting and warning bulletins serving socio-economic development, natural disaster prevention and combat in the administrative division;
e) Organize and direct the verification and assessment of exploitation and use of hydrometeorological information, data in strategies, planning, plans, socio-economic development programs, projects; integration of results of climate change monitoring into strategies, planning and plans in the administrative division within management;
g) Organize assessment of climate change impacts, establish measures to respond to climate change in branches, areas within management;
h) Organize spreading hydrometeorological forecasting and warning bulletins within management;
i) Manage and store information, data; construct hydrometeorological database within management;
k) Carry out dissemination and education about laws, propagate hydrometeorology and climate change; implement measures to develop activities of providing hydrometeorological services in the administrative division;
l) Implement international cooperation in hydrometeorological activities within competence;
m) Investigate, inspect and handle complaints, denunciations about hydrometeorology within competence;
n) Handle within competence acts of violating technical corridors of hydrometeorological works and other violations in the administrative division;
o) Make the report to the Ministry of Natural Resources and Environment on state administration on hydrometeorological activities in the administrative division;
2. People’s committees of communes, districts, district-level towns, provincial-affiliated cities, cities affiliated to central-affiliated cities:
a) Monitor compliance with the law on hydrometeorology by agencies, organizations, and individuals in the administrative division;
b) Monitor and assess exploitation and use of hydrometeorological forecasting and warning bulletins serving socio-economic development, natural disaster prevention and combat in the administrative division;
c) Carry out dissemination and education about laws; propagate hydrometeorology; participate in the settlement of hydrometeorology-related violations within competence;
d) Compile and make the report to People’s committees of immediate upper level on hydrometeorological activities, losses caused by natural disaster in the administrative division;
dd) Participate in the settlement of complaints, denunciations about operation and protection of hydrometeorological works in the administrative division;
e) Perform state administration on hydrometeorological activities as assigned or authorized by upper state administration agencies;
3. People’s committees of communes:
a) Participate in the protection of hydrometeorological works in the administrative division;
b) Carry out dissemination and education about laws; propagate hydrometeorology; participate in the settlement of hydrometeorology-related violations within competence;
c) Compile and make the report to People’s committees of immediate upper level on hydrometeorological activities, losses caused by natural disaster in the administrative division;
d) Participate in the settlement of complaints, denunciations about operation and protection of hydrometeorological works in the administrative division;
dd) Perform state administration on hydrometeorological activities as assigned or authorized by upper state administration agencies;
IMPLEMENTARY PROVISIONS
Article 54. Supplements to list of conditional business lines as prescribed in the Law on investment
Supplements to Annex 4 ‘List of conditional business lines’ as prescribed in the Law on Investment No. 67/2014/QH13 as follows:
‘268. Hydrometeorological forecasting and warning”
Article 55. Transitional provisions
1. Any application received and handled by competent state agencies according to administrative procedures on hydrometeorological activities before the effective date of this Law shall be considered and handled according to law provisions at the time of reception unless otherwise as regulated in Clause 2, this Article.
2. Do not grant licenses to special-purpose hydrometeorological works as prescribed in the Ordinance on utilization and protection of hydrometeorological works since this Law is published;
3. Within 12 months since this Law takes effect, agencies, organizations, and individuals currently managing and utilizing special-purpose stations shall be responsible for reporting current conditions of the stations within management as follows:
a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of provinces shall report to the Ministry of Natural Resources and Environment;
b) Organizations, individuals shall report to People’s committees of provinces where stations are located for compilation and submission to the Ministry of Natural Resources and Environment;
1. This Law takes effect since July 01, 2016.
2. The Ordinance on utilization and protection of hydrometeorological works in 1994 shall become invalid since this Law takes effect.
Article 57. Detailed regulations
The Government, competent agencies shall detail articles, clauses prescribed in the Law./.
This Law has been ratified by the 13th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam (10th meeting session) in November 23, 2015./.
|
CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY |