Tiếng việt lớp 2 trang 92, 93 Nói và nghe: Cậu bé đứng ngoài lớp học – Cánh diều

Lời giải bài tập Nói và nghe: Cậu bé đứng ngoài lớp học trang 92 - 93 Tiếng Việt lớp 2 Cánh diều hay, chi tiết sẽ giúp học sinh học tốt Tiếng Việt lớp 2.

1 2311 lượt xem


Nói và nghe: Cậu bé đứng ngoài lớp học trang 92 - 93 - Tiếng Việt lớp 2

Kể chuyện – Trao đổi

Tiếng việt lớp 2 trang 92 Câu 1: Nghe và kể lại mẩu chuyện sau:

“Cậu bé đứng ngoài lớp học”

Mai Hồng.

a) Vì sao Vũ Duệ không được đến trường?

b) Cậu bé ham học như thế nào?

c) Thầy giáo hỏi bài cậu bé, kết quả ra sao?

d) Thầy giáo đến nhà khuyên cha mẹ Vũ Duệ như thế nào?

e) Sau này Vũ Duệ đã thành đạt như thế nào?

Trả lời:

CẬU BÉ ĐỨNG NGOÀI LỚP HỌC

1. Vũ Duệ người làng Trình Xuyên, huyện Sơn Vi, Sơn Tây (nay là huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ông vốn con nhà nghèo, bố mẹ không có tiền cho ăn học. Hằng ngày, cậu bé Duệ phải trông em cho bố mẹ đi làm đồng. Không được đến trường nhưng rất ham học, lại sáng dạ, ngày ngày, cậu bé cõng em đứng ngoài lớp học của thầy đồ trong làng để nghe lỏm lời thầy giảng.

Như đã thành lệ, mỗi buổi sáng khi ngồi vào bục giảng, thầy đồ nhẩm đếm chừng 20 học trò trong lớp, không quên đưa mắt ra hè điểm danh cả cậu bé cõng em đứng ngoài hiên. Quá nửa đám học trò trong lớp không muốn cho đứa trẻ cõng em đến nghe lỏm bài nhưng chúng không dám nói gì vì hiểu ý thầy muốn để cho cậu bé được nghe giảng. Nhưng từ khi ông đồ ngồi dạy ở lớp học này cũng đã quá nửa năm, thế mà cậu bé kia vẫn chuyên cần tới lớp, không vắng mặt buổi nào.

2. Một hôm, thầy đồ nghĩ ra một cách để thử cậu học trò học lỏm. Thầy sẽ nêu một câu hỏi hóc búa rồi bất chợt kiểm tra cậu. Nếu cậu không trả lời được thì sẽ thẹn mà tự rút lui. Còn nếu quả là cậu thông minh, giỏi giang thì thầy sẽ tìm cách cưu mang.

Trước khi kiểm tra cậu học trò học lỏm, thầy đồ lần lượt gọi từng học trò trong lớp. Đã hỏi gần hết lớp mà chẳng trò nào trả lời được, bấy giờ, thầy đồ mới hướng mục kỉnh ra ngoài hiên, nơi có cậu bé đang cõng em. Cậu bé chăm chắm nhìn về phía thầy, ý chừng muốn trả lời câu hỏi cho các bạn. Thầy đồ thấy vậy, ôn tồn hỏi:

– Cậu bé kia ! Liệu con có trả lời được câu hỏi của ta không ?

– Dạ, thưa thầy được ạ ! – Cậu bé háo hức đáp.

Thầy đồ gật đầu, bảo :

– Vậy con hãy nói đi.

Cậu bé trả lời rất trôi chảy và mạch lạc. Thầy đồ gật đầu tán thưởng, còn đám trò nhỏ trong lớp thì trố mắt ngạc nhiên, thán phục. Bấy giờ thầy đồ mới biết tên cậu bé là Nghĩa Chi. Thầy vui vẻ bảo :

– Cái tên Nghĩa Chi tuy đã hay nhưng chưa xứng với tài năng của con. Nay thầy đổi tên cho con là Duệ, liệu có vừa ý con không ?

Nghĩa Chi vái tạ thầy rồi ra về. Ngay sau buổi học hôm ấy, thầy đồ đến tận nhà khuyên cha mẹ Vũ Duệ cho cậu đi học. Đến lớp học chính thức chỉ vài tháng, Duệ đã đứng đầu lóp, được thầy yêu, bạn mến.

3. Không chỉ học giỏi, Vũ Duệ đối đáp, biện bạch cũng rất tài.

Một hôm, có một chủ nợ đến đòi tiền cha mẹ Duệ. Gặp Duệ, chủ nợ hỏi:

– Cha mẹ cháu đi đâu ?

Duệ trả lời:

– Dạ, cha cháu đi giết người. Mẹ cháu đi sinh người.

Khách lạ sửng sốt:

– Cháu nói gì mà lạ vậy ?

Duệ cười, nói:

– Cháu sẽ giải thích cho bác rõ nhưng bác phải hứa sẽ thưởng cái gì cho cháu.

Chủ nợ hứa cho qua chuyện :

– Cứ nói cho rõ, ta sẽ xoá nợ cho cha mẹ cháu.

Cậu bé bèn nói:

– Cha cháu đi giết người tức là đi nhổ mạ. Mẹ cháu đi sinh người nghĩa là đi cấy mạ.

Hôm sau chủ nợ lại đến đòi tiền, cậu bé nhắc lại lời hứa, chủ nợ đành phải xoá nợ cho cha mẹ Duệ.

Nhờ học giỏi và làm thơ hay, lớn lên Vũ Duệ đi thi đỗ Trạng nguyên, làm quan thời nhà Lê, nổi tiếng vì tài năng và lòng trung nghĩa.

Theo MAI HỒNG

(Các Trạng nguyên nước ta)

a) Vũ Duệ không được đến trường vì: nhà nghèo.

b) Cậu bé ham học: Không được đến trường nhưng ham học, ngày ngày, Duệ cõng em đứng ngoài lớp học nghe lỏm.

c) Thầy giáo hỏi bài cậu bé, kết quả: Duệ trả lời rất trôi chảy.

d) Thầy giáo đến nhà khuyên cha mẹ Vũ Duệ: cho Duệ đi học.

e) Sau này Vũ Duệ đã thành đạt: Vũ Duệ đỗ Trạng nguyên, làm quan thời Lê, nổi tiếng là vị quan tài năng, trung nghĩa.

Tiếng Việt lớp 2 trang 92 Câu 2: Theo em, trong câu chuyện trên:

a) - Thầy giáo sẽ khen Vũ Duệ thế nào khi cậu trả lời được câu hỏi khó?

- Vũ Duệ sẽ đáp lại lời khen của thầy giáo như thế nào?

b) - Thầy giáo sẽ nói thế nào để khuyên bố mẹ cho Duệ đi học?

- Bố mẹ sẽ đáp lại lời khuyên của thầy giáo như thế nào?

Trả lời:

Theo em, trong câu chuyện trên:

a) - Thầy giáo sẽ khen Vũ Duệ thế nào khi cậu trả lời được câu hỏi khó: Cậu bé này thật thông minh.

- Vũ Duệ sẽ đáp lại lời khen của thầy giáo: Em cảm ơn thầy ạ.

b) - Thầy giáo sẽ nói để khuyên bố mẹ cho Duệ đi học: Tôi thấy cậu bé rất thông minh, anh chị nên cố gắng cho cháu đi học, sau này sẽ thành tài.

- Bố mẹ sẽ đáp lại lời khuyên của thầy giáo: Gia cảnh nhà tôi khó khăn quá, nhưng thôi nghe lời thầy chúng tôi cũng cố gắng.

Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 2 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Viết trang 89 - 90 Tiếng Việt lớp 2: Nghe-viết ...

Đọc: Ươm mầm trang 90 - 91 - 92 Tiếng Việt lớp 2: Ươm mầm ...

Viết trang 93 Tiếng Việt lớp 2: Tả cho bạn nghe một đồ vật em yêu thích ... 

Góc sáng tạo trang 93 - 94 Tiếng Việt lớp 2: Thi đố vui: Cùng bạn đố và giải các câu đố đã học ....

Tự đánh giá trang 94 Tiếng Việt lớp 2: Sau bài 10 và bài 11, em biết thêm những gì ....

1 2311 lượt xem