Lý thuyết Sinh học 10 Bài 8 (Chân trời sáng tạo): Tế bào nhân sơ

Tóm tắt lý thuyết Sinh học lớp 10 Bài 8: Tế bào nhân sơ ngắn gọn, chi tiết sách Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Sinh học 10.

1 2,058 07/01/2023


Lý thuyết Sinh học 10 Bài 8: Tế bào nhân sơ

A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 8: Tế bào nhân sơ

I. Đặc điểm chung của tế bào nhân sơ

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 8: Tế bào nhân sơ

 
 
 
 
 
 
 

 

Kích thước của một số loại tế bào

- Tế bào nhân sơ có những đặc điểm chung sau:

+ Có kích thước nhỏ khoảng 1 – 5 µm.

+ Chưa có nhân hoàn chỉnh (chưa có màng nhân), không có các bào quan có màng bao bọc.

+ Do có tỉ lệ S/V (diện tích bề mặt/thể tích) lớn và cấu tạo đơn giản, tế bào nhân sơ có khả năng trao đổi chất với môi trường nhanh, các phản ứng sinh hóa đơn giản, sinh trưởng và sinh sản nhanh.

- Sinh vật có cấu tạo từ tế bào nhân sơ được gọi là sinh vật nhân sơ:

+ Đại diện sinh vật nhân sơ: vi khuẩn, vi khuẩn cổ.

+ Hình dạng sinh vật nhân sơ: hình cầu (cầu khuẩn), hình xoắn (xoắn khuẩn), hình dấu phẩy (phẩy khuẩn), hình que (trực khuẩn),...

+ Một số loài sinh vật nhân sơ có thể liên kết với nhua tạo thành chuỗi, từng đôi hoặc nhóm nhỏ.

II. Cấu tạo tế bào nhân sơ

- Tế bào nhân sơ có cấu tạo đơn giản, gồm 3 thành phần chính:

+ Màng tế bào

+ Tế bào chất

+ Vùng nhân

- Ngoài ra, một số tế bào nhân sơ còn có một số thành phần khác như roi, lông, thành tế bào, vỏ nhầy,…

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 8: Tế bào nhân sơ

Cấu tạo điển hình của một trực khuẩn

1. Thành tế bào và màng sinh chất

a. Thành tế bào

- Cấu tạo: Được cấu tạo bởi peptidoglycan.

- Dựa vào cấu trúc và thành phần hóa học của peptidoglycan, vi khuẩn được chia làm 2 loại gồm vi khuẩn Gram dương (Gr+) và vi khuẩn Gram âm (Gr-). Việc phân loại Gram dương và Gram âm giúp có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh đặc hiệu để tiêu diệt từng loại vi khuẩn gây bệnh.

 

* So sánh cấu tạo thành tế bào của vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm:

Gram dương

Gram âm

- Không có lớp màng ngoài.

- Có lớp màng ngoài chứa kháng nguyên có bản chất là lipopolysaccharide.

- Lớp peptidoglycan dày.

- Lớp peptidoglycan mỏng.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 8: Tế bào nhân sơ

Thành tế bào của vi khuẩn

- Chức năng: Thành tế bào có tác dụng quy định hình dạng và bảo vệ tế bào, chống lại áp lực của nước đi vào tế bào.

b. Màng sinh chất

- Vị trí: Nằm ngay bên dưới thành tế bào.

- Cấu tạo: Được cấu tạo từ lớp kép phospholipid và protein.

- Chức năng:

+ Kiểm soát quá trình vận chuyển các chất ra và vào tế bào.

+ Là nơi diễn ra một số quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng của tế bào.

c. Một số thành phần khác

- Vỏ nhầy: Cấu tạo từ polysaccharide có chức năng bảo vệ tế bào.

- Lông (nhung mao): Giúp vi khuẩn bám trên bề mặt tế bào hoặc các bề mặt khác.

- Roi (tiên mao): Được cấu tạo từ protein giúp vi khuẩn di chuyển.

2. Tế bào chất

- Cấu tạo:

+ Chứa 65 – 90% nước cùng các chất vô cơ và hữu cơ khác nhau.

+ Không có chứa bào quan có màng bao bọc, chỉ chứa ribosome 70 S – đây là bào quan duy nhất ở tế bào nhân sơ.

+ Trong tế bào chất của vi khuẩn, còn có các hạt và thể vùi có chức năng dự trữ các chất; ngoài ra, một số vi khuẩn còn có thêm plasmid (các DNA dạng vòng nhỏ) – đây là các phân tử DNA dạng vòng nhỏ quy định một số đặc tính của vi khuẩn như tính kháng thuốc.

- Chức năng:

+ Là nơi diễn ra các phản ứng sinh hóa, đảm bảo duy trì hoạt động sống của tế bào.

+ Các hạt và thể vùi có chức năng dự trữ các chất.

+ Các DNA dạng vòng nhỏ quy định một số đặc tính của vi khuẩn.

3. Vùng nhân

- Vị trí: Nằm khu trú ở một vùng tế bào chất.

- Cấu tạo:

+ Gồm một phân tử DNA xoắn kép, dạng vòng liên kết với nhiều loại protein khác nhau.

+ Không có màng nhân bao bọc.

- Chức năng: Chứa DNA mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của tế bào.

Lý thuyết Sinh 10 Chân trời sáng tạo Bài 8: Tế bào nhân sơ

Vùng nhân của tế bào nhân sơ

B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 8: Tế bào nhân sơ

Câu 1: Dựa vào tính kháng nguyên ở bề mặt tế bào, bệnh do vi khuẩn Gram âm gây ra sẽ nguy hiểm hơn bệnh do vi khuẩn Gram dương gây ra vì

A. vi khuẩn Gram âm có lớp màng ngoài chứa kháng nguyên gây độc.

B. vi khuẩn Gram âm có thành tế bào chứa kháng nguyên gây độc.

C. vi khuẩn Gram âm có tế bào chất chứa kháng nguyên gây độc.

D. vi khuẩn Gram âm có màng sinh chất chứa kháng nguyên gây độc.

Đáp án đúng là: A

Dựa vào tính kháng nguyên ở bề mặt tế bào, bệnh do vi khuẩn Gram âm gây ra sẽ nguy hiểm hơn bệnh do vi khuẩn Gram dương gây ra vì vi khuẩn Gram âm có lớp màng ngoài chứa kháng nguyên gây độc.

Câu 2: Cho các đặc điểm sau đây:

(1) Nằm ngay dưới thành tế bào.

(2) Được cấu tạo từ lớp kép phospholipid và protein.

(3) Có chức năng quy định hình dạng và bảo vệ tế bào.

(4) Là nơi diễn ra một số quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng của tế bào.

Số đặc điểm đúng với đặc điểm của màng sinh chất ở vi khuẩn là

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Đáp án đúng là: C

Có 3 đặc điểm đúng với màng sinh chất ở vi khuẩn là: (1), (2), (4).

Câu 3: Ở tế bào nhân sơ, lông (nhung mao) có chức năng

A. giúp vi khuẩn bám trên bề mặt tế bào.

B. giúp vi khuẩn di chuyển.

C. giúp bảo vệ tế bào.

D. giúp kiểm soát các chất ra vào tế bào.

Đáp án đúng là: A

Lông (nhung mao) có chức năng giúp vi khuẩn bám trên bề mặt tế bào hoặc các bề mặt khác.

Câu 4: Tế bào chất là nơi diễn ra quá trình tổng hợp nhiều loại protein của tế bào vì

A. tế bào chất có chứa nhiều ribosome.

B. tế bào chất có chứa nhiều chất vô cơ.

C. tế bào chất có chứa nhiều chất hữu cơ.

D. tế bào chất có chứa nhiều nước.

Đáp án đúng là: A

Ribosome là nơi tổng hợp protein cho tế bào. Mà ribosome nằm trong tế bào chất. Do đó, tế bào chất là nơi diễn ra quá trình tổng hợp nhiều loại protein của tế bào.

Câu 5: Đặc điểm nào sau đây đúng với vùng nhân của tế bào nhân sơ?

A. Gồm 2 phân tử DNA xoắn kép.

B. Mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của tế bào.

C. Có cấu trúc nhiễm sắc thể.

D. Có màng nhân bao boc.

Đáp án đúng là: B.

Vùng nhân của tế bào nhân sơ mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của tế bào.

A sai vì vùng nhân của tế bào nhân sơ chỉ chứa 1 phân tử DNA xoắn kép.

C. sai vì ở tế bào nhân sơ chưa có cấu trúc NST.

D. sai vì vùng nhân ở tế bào nhân sơ chưa có màng bao bọc.

Câu 6: Sinh vật nào sau đây được cấu tạo từ các tế bào nhân sơ?

A. Trùng giày.

B. Tảo lục.

C. Nấm men.

D. Vi khuẩn E.coli.

Đáp án đúng là: D

Vi khuẩn E.coli là sinh vật nhân sơ.

Trùng giày, tảo lục, nấm men là sinh vật nhân thực.

Câu 7Đặc điểm nào sau đây không đúng với tế bào nhân sơ?

A. Có tỉ lệ S/V lớn.

B. Có màng bao bọc vật chất di truyền.

C. Không có các bào quan có màng bao bọc.

D. Không có hệ thống nội màng trong tế bào chất.

Đáp án đúng là:B

Tế bào nhân sơ chưa có nhân hoàn chỉnh (chưa có màng nhân bao bọc vật chất di truyền).

Câu 8: Các thành phần chính của tế bào nhân sơ gồm

A. màng ngoài, vỏ nhầy, tế bào chất và vùng nhân.

B. màng ngoài, màng tế bào, tế bào chất và vùng nhân.

C. thành tế bào, màng tế bào, tế bào chất và vùng nhân.

D. thành tế bào, vỏ nhầy, tế bào chất và vùng nhân.

Đáp án đúng là: C

Các thành phần chính của tế bào nhân sơ gồm thành tế bào, màng tế bào, tế bào chất và vùng nhân.

Câu 9: Thành phần nào sau đây không có ở tế bào nhân sơ?

A. Màng tế bào.

B. Ribosome.

C. Lưới nội chất.

D. Tế bào chất.

Đáp án đúng là: C

Tế bào nhân sơ không có các bào quan có màng bao bọc → Tế bào nhân sơ không chứa lưới nội chất.

Câu 10: Thành tế bào vi khuẩn được cấu tạo từ

A. peptidoglycan.

B. cellulose.

C. protein.

D. phospholipid.

Đáp án đúng là: A

Thành tế bào vi khuẩn được cấu tạo từ peptidoglycan.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 9: Tế bào nhân thực

Lý thuyết Bài 11: Vận chuyển các chất qua màng sinh chất

Lý thuyết Bài 13: Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào

Lý thuyết Bài 15: Tổng hợp các chất và tích lũy năng lượng

Lý thuyết Bài 16: Phân giải các chất và giải phóng năng lượng

1 2,058 07/01/2023


Xem thêm các chương trình khác: