Lý thuyết Sinh học 10 Bài 21 (Chân trời sáng tạo): Công nghệ tế bào
Tóm tắt lý thuyết Sinh học lớp 10 Bài 21: Công nghệ tế bào ngắn gọn, chi tiết sách Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Sinh học 10.
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 21: Công nghệ tế bào
A. Lý thuyết Sinh học 10 Bài 21: Công nghệ tế bào
I. Công nghệ tế bào là gì?
1. Khái niệm công nghệ tế bào
- Công nghệ tế bào là quy trình kĩ thuật ứng dụng phương pháp nuôi cấy tế bào hoặc nuôi cấy mô trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo để tạo ra cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
Các bước cơ bản trong công nghệ tế bào thực vật
2. Nguyên lí của công nghệ tế bào
- Cơ sở khoa học của công nghệ tế bào: dựa trên tính toàn năng, khả năng biệt hóa và phản biệt hóa, khả năng phân chia và điều khiển sự biệt hóa bằng thành phần môi trường trong đó quan trọng nhất là hormone sinh trưởng.
- Nguyên lí của công nghệ tế bào: mỗi tế bào chứa hệ gene của tế bào quy định tất cả các đặc tính và tính trạng của cơ thể sinh vật. Các tế bào toàn năng có khả năng biệt hóa và phản biệt hóa thành những loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện môi trường nuôi cấy mà tế bào có thể tạo ra các sản phẩm công nghệ khác nhau.
Các bước cơ bản nuôi cấy mô ở cà rốt
- Tính toàn năng của tế bào:
+ Tính toàn năng của tế bào là khả năng biệt hóa và phản biệt hóa của tế bào thành những loại tế bào khác nhau trong cơ thể.
+ Tính toàn năng của tế bào động vật và thực vật khác nhau: Tế bào thực vật trưởng thành có thể phân chia và biệt hóa để hình thành cây hoàn chỉnh, tế bào động vật trưởng thành thường chỉ có thể hình thành những loại tế bào nhất định.
Khả năng biệt hóa và tự làm mới của tế bào gốc động vật
II. Công nghệ tế bào thực vật
1. Công nghệ tế bào thực vật
- Công nghệ tế bào thực vật được thực hiện dựa trên tính toàn năng của tế bào để tạo ra các mô tế bào, các cơ quan hay các cơ thể mới.
- Quy trình nhân giống bằng công nghệ tế bào thực vật:
+ Bước 1: Tách các mẫu mô từ cơ quan của cơ thể thực vật.
+ Bước 2: Cho các mẫu mô nuôi cấy trong môi trường thích hợp để tạo mô sẹo.
+ Bước 3: Bổ sung hormone kích thích sinh trưởng để kích thích mô sẹo phát triển thành cây con.
+ Bước 4: Đem cây con chuyển sang trồng trong vườn ươm cho phát triển thành cây trưởng thành.
+ Bước 5: Đem cây trưởng thành từ vườn ươm chuyển sang trồng trong môi trường thực địa.
Nhân nhanh giống cây trồng từ mảnh mô lá
- Mục đích nhân giống bằng công nghệ tế bào thực vật:
+ Cung cấp đủ số lượng cây trồng trong một thời gian ngắn và đồng nhất về đặc tính di truyền nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
+ Bảo tồn được một số nguồn gene thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
2. Một số thành tựu của công nghệ tế bào thực vật
- Công nghệ tế bào thực vật được ứng dụng khá rộng rãi trong nhân giống in vitro ở cây trồng và trong tạo giống cây trồng mới.
- Một số thành tựu:
+ Nhân nhanh các giống cây ăn quả bao gồm chuối già Nam Mỹ, chuối sứ, dâu tây chịu nhiệt, dừa, dứa,...
+ Nhân nhanh các giống cây cảnh có giá trị cao như lan hồ điệp, lan rừng đột biến,… và cây cảnh ngắn ngày như hoa hồng, thược dược, cúc, đồng tiền,...
+ Nhân nhanh các giống cây dược liệu như đinh lăng, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh,...
+ Nhân nhanh các giống cây lấy gỗ như bạch đàn, keo lai, cầm lai,...
Một số thành tựu nuôi cấy mô tế bào thực vật ở Việt Nam
III. Công nghệ tế bào động vật
1. Công nghệ tế bào động vật
- Công nghệ tế bào động vật được thực hiện dựa trên tính toàn năng và khả năng biệt hóa của tế bào gốc. Tùy theo sự thay đổi về điều kiện và thành phần môi trường nuôi cấy tế bào gốc, nhất là thành phần hormone sinh trưởng, và nhờ quá trình phân bào đã tạo ra các mô, cơ quan hay cơ thể mới.
- Công nghệ tế bào động vật gồm hai kĩ thuật chính là: nhân bản vô tính và cấy truyền phôi.
- Quy trình nhân bản vô tính cừu Dolly:
+ Bước 1: Tách tế bào tuyến vú của con (A) và nuôi trong phòng thí nghiệm.
+ Bước 2: Tách tế bào trứng của con (B), sau đó loại bỏ nhân của tế bào trứng này.
+ Bước 3: Chuyển nhân của tế bào tuyến vú vào tế bào trứng đã loại bỏ nhân tạo nên tế bào lai.
+ Bước 4: Nuôi cấy tế bào lai trên môi trường nhân tạo cho phát triển thành phôi.
+ Bước 5: Cấy phôi vào tử cung của con cừu cái C để “mang thai hộ”.
+ Bước 6: Phôi phát triển thành cơ thể mới tạo ra cừu Dolly có đặc điểm di truyền hầu như giống con cừu A.
Quy trình nhân bản vô tính cừu Dolly
- Quy trình cấy truyền phôi động vật:
+ Bước 1: Tách lấy phôi từ động vật cho phôi.
+ Bước 2: Sử dụng các biện pháp để tác động vào phôi đó trước khi chuyển vào cơ thể nhận.
+ Bước 3: Cấy phôi đã chịu tác động ở bước 2 vào tử cung của các động vật nhận phôi để các động vật này mang thai và sinh con.
Quy trình cấy truyền phôi
→ Cấy truyền phôi ở động vật là kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào tử cung của các con cái khác nhau để tạo ra được nhiều con vật có kiểu gene giống nhau.
2. Một số thành tựu của công nghệ tế bào động vật
- Sử dụng tế bào gốc và công nghệ tế bào gốc để ứng dụng chăm sóc da và hỗ trợ điều trị một số bệnh lí về da.
- Thành lập ngân hàng tế bào gốc MekoStem để thu thập, phân lập, bảo quản, biệt hóa và cung cấp các tế bào gốc từ màng dây rốn nhằm ứng dụng điều trị các tổn thương da và các vết thương mãn tính lâu liền.
- Sử dụng liệu pháp tế bào gốc nuôi niêm mạc miệng của bệnh nhân thành kết mạc để chữa mắt.
- Thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ tế bào gốc điều trị tổn thương vùng cơ tim gây suy tim.
- Thành công nuôi cấy tế bào mầm tinh trùng của chuột thành tinh trùng, mở ra triển vọng trong điều trị vô sinh ở nam giới.
- Chuyển gene thành công tạo ra những con cá phát sáng mở ra cách bảo tồn hoặc chữa bệnh mới.
- Ứng dụng hiểu biết về nhân tố kiểm soát sự tăng trưởng và chuyên biệt hóa của tế bào gốc để kiểm soát cách thức tế bào tạo ra nhiều tế bào giúp hoàn thiện liệu pháp chống ung thư.
Sự biệt hóa tạo các loại tế bào khác nhau của mô phôi từ tế bào gốc
B. Bài tập trắc nghiệm Sinh học 10 Bài 21: Công nghệ tế bào
Câu 1: Cho các thành tựu sau đây:
(1) Nhân nhanh nhiều giống cây trồng
(2) Tạo ra nhiều giống cây trồng biến đổi gene
(3) Tạo ra cây mang đặc điểm của cả 2 loài khác nhau khác nhau
(4) Bảo tồn nhiều loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng
Trong các thành tựu trên, số thành tựu của công nghệ tế bào là
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 1.
Đáp án đúng là: C
Có 3 thành tựu của công nghệ tế bào là: (1), (3), (4).
(2) là thành tựu của công nghệ gene.
Câu 2: Công nghệ tế bào động vật gồm những kĩ thuật chính nào sau đây?
A. Nuôi cấy mô và cấy truyền phôi.
B. Nhân bản vô tính và cấy truyền phôi.
C. Dung hợp tế bào trần và cấy truyền phôi.
D. Nhân bản vô tính và dung hợp tế bào trần.
Đáp án đúng là: B
Công nghệ tế bào động vật gồm 2 kĩ thuật chính là: nhân bản vô tính và cấy truyền phôi.
Câu 3: Cừu Dolly được tạo ra bằng phương pháp nhân giống vô tính không có đặc điểm nào sau đây?
A. Có tuổi thọ ngắn hơn các cá thể cùng loài được sinh ra bằng phương pháp tự nhiên.
B. Được sinh ra từ tế bào soma, không cần có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái.
C. Mang các đặc điểm di truyền giống hệt cá thể cừu mẹ đã mang thai và sinh ra nó.
D. Có giai đoạn phôi thai diễn ra trong tử cung của con cừu cái như các cá thể cùng loài.
Đáp án đúng là: C
Cừu Dolly có đặc điểm di truyền giống cừu cho nhân (đối với đặc điểm di truyền được quy định bởi gene nhân) và cừu cho trứng (đối với đặc điểm di truyền được quy định bởi gene tế bào chất).
Câu 4: Nhân bản vô tính ở động vật không đem đến triển vọng nào sau đây?
A. Nhân nhanh nguồn gene động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
B. Tạo nguồn cơ quan, nội tạng thay thế dùng trong chữa trị bệnh ở người.
C. Tạo ra các loài động vật biến đổi gene để sản xuất thuốc chữa bệnh.
D. Tạo ra những cá thể mới có bộ gene của cá thể gốc được chọn lựa.
Đáp án đúng là: C
Nhân bản vô tính tạo ra những cá thể có kiểu gene giống với cá thể gốc → Nhân bản vô tính không được ứng dụng để tạo ra các loài động vật biến đổi gene để sản xuất thuốc chữa bệnh.
Câu 5: Cấy truyền phôi ở động vật là
A. kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào cùng một loại môi trường nhân tạo để tạo ra nhiều cá thể có kiểu gene giống nhau.
B. kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào tử cung của các con cái khác nhau để tạo ra nhiều cá thể có kiểu gene giống nhau.
C. kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào các loại môi trường nhân tạo khác nhau để tạo ra nhiều cá thể có kiểu gene khác nhau.
D. kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào tử cung của các con cái khác nhau để tạo ra nhiều cá thể có kiểu gene khác nhau.
Đáp án đúng là: B
Cấy truyền phôi ở động vật là kĩ thuật chia cắt phôi động vật thành nhiều phôi rồi cấy các phôi này vào tử cung của các con cái khác nhau để tạo ra nhiều cá thể có kiểu gene giống nhau.
Câu 6: Cho các đặc điểm sau:
(1) Có kiểu gene đồng nhất
(2) Có kiểu hình hoàn toàn giống nhau
(3) Không thể giao phối với nhau
(4) Có kiểu gene thuần chủng
Các cá thể động vật được tạo ra bằng công nghệ cấy truyền phôi có các đặc điểm là
A. (1), (3).
B. (2), (3), (4).
C. (2), (4).
D. (1), (2), (3).
Đáp án đúng là: A
Trong cấy truyền phôi, các cá thể động vật được tạo ra từ một phôi gốc (mang kiểu gene nhất định). Do đó, những cá thể động vật này có kiểu gene đồng nhất và không thể giao phối với nhau (có giới tính như nhau).
(2) Sai. Kiểu hình còn chịu tác động của môi trường nên những cá thể này có thể có kiểu hình khác nhau tùy thuộc vào môi trường.
(4) Sai. Những cá thể này có thể có kiểu gene thuần chủng hoặc không phụ thuộc vào phôi gốc.
Câu 7: Công nghệ tế bào là
A. quy trình kĩ thuật ứng dụng phương pháp nuôi cấy tế bào hoặc nuôi cấy mô trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo để tạo ra cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
B. quy trình chuyển gen từ tế bào của loài này sang tế bào của loài khác nhằm tạo ra giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt.
C. quy trình tạo ra giống mới đáp ứng yêu cầu của sản xuất bằng cách gây đột biến các giống sẵn có.
D. quy trình tạo ra thế hệ con có năng suất, phẩm chất, sức chống chịu vượt trội hơn hẳn thế hệ bố mẹ.
Đáp án đúng là: A
Công nghệ tế bào là quy trình kĩ thuật ứng dụng phương pháp nuôi cấy tế bào hoặc nuôi cấy mô trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo để tạo ra cơ quan hoặc cơ thể hoàn chỉnh.
Câu 8: Cơ sở khoa học của công nghệ tế bào dựa trên đặc tính nào sau đây?
A. Tính đặc thù của các tế bào.
B. Tính đa dạng của các tế bào giao tử.
C. Tính ưu việt của các tế bào nhân thực.
D. Tính toàn năng của các tế bào.
Đáp án đúng là: D
Cơ sở khoa học của công nghệ tế bào là tính toàn năng, nguyên lí phân chia và biệt hóa của tế bào.
Câu 9: Các tế bào toàn năng có khả năng nào sau đây?
A. Biệt hóa và phản biệt hóa.
B. Nguyên phân liên tục.
C. Duy trì sự sống vĩnh viễn.
D. Giảm phân liên tục.
Đáp án đúng là: A
Các tế bào toàn năng có khả năng biệt hóa và phản biệt hóa thành những loại tế bào khác nhau trong cơ thể.
Câu 10: Nhân tố nào sau đây có vai trò quan trọng nhất trong điều khiển sự biệt hóa bằng thành phần môi trường?
A. Hàm lượng nitrogen.
B. Hormone sinh trưởng.
C. Enzyme chuyển hóa.
D. Hàm lượng carbohydrate.
Đáp án đúng là: B
Hormone sinh trưởng có vai trò quan trọng nhất trong điều khiển sự biệt hóa bằng thành phần môi trường.
Xem thêm tóm tắt lý thuyết Sinh học 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 22: Khái quát về vi sinh vật
Lý thuyết Bài 24: Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật
Lý thuyết Bài 25: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật
Xem thêm các chương trình khác:
- Soạn văn lớp 10 (hay nhất) – Chân trời sáng tạo
- Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Soạn văn lớp 10 (ngắn nhất) – Chân trời sáng tạo
- Tóm tắt tác phẩm Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Bố cục tác phẩm Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Nội dung chính tác phẩm Ngữ văn lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Văn mẫu lớp 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Toán 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Toán 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Toán 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Toán 10 – Chân trời sáng tạo
- Chuyên đề dạy thêm Toán 10 Chân trời sáng tạo (2024 có đáp án)
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Friends Global – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Tiếng Anh 10 Friends Global – Chân trời sáng tạo
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 10 Friends Global đầy đủ nhất
- Ngữ pháp Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Vật lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Vật lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Vật lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Vật lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Hóa học 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Hóa học 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Hóa học 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Hóa học 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Lịch sử 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Lịch sử 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Địa Lí 10 - Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Địa lí 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải Chuyên đề Kinh tế và pháp luật 10 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết KTPL 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Hoạt động trải nghiệm 10 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Giáo dục thể chất 10 – Chân trời sáng tạo