Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 13 (Kết nối tri thức): Việt Nam và Biển Đông

Tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 11 Bài 13: Việt Nam và Biển Đông  hay, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Lịch sử 11.

1 2,232 28/07/2023


Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

A. Lý thuyết  Việt Nam và Biển Đông

1. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam

- Việt Nam giáp với Biển Đông ở ba phía (đông, nam và tây nam) và có đường bờ biển dài 3260 km từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang.

- Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

a) Về quốc phòng, an ninh

- Biển Đông là tuyến phòng thủ phía đông của đất nước. Hệ thống các đảo và quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông hợp thành tuyến phòng thủ bảo vệ vùng trời, vùng biển và đất liền.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

Một góc Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) - “vọng gác tiền tiêu” trên Biển Đông ở cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ

b) Về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

- Vị trí địa lí và tài nguyên của Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đa dạng với các ngành mũi nhọn như: thương mại biển, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, khai thác khoáng sản, giao thông hàng hải, sửa chữa và đóng tàu, du lịch...

+ Trữ lượng cá ở vùng biển Việt Nam có khả năng khai thác hàng năm đạt khoảng 2,3 triệu tấn.

+ Trữ lượng dầu mỏ và khí được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỉ m3 khí. Vùng ven biển Việt Nam có tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như: ti-tan, thiếc, vàng sắt, man-gan, đất hiếm,.. trong đó, cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

+ Đường bờ biển dài có nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch.

+ Dọc bờ biển có thể xây dựng các cảng biển nước sâu và điểm cảng trung bình.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

- Biển Đông còn là cửa ngõ để Việt Nam giao lưu kinh tế, hợp tác và hội nhập với các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Toàn bộ hàng hóa xuất - nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển đều đi qua Biển Đông.

2. Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

a) Quá trình Việt Nam xác lập chủ quyền và quản lí đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

- Nhiều bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh rằng ngay từ đầu Công nguyên, người Việt đã tích cực, chủ động và sớm có hoạt động kinh tế và văn hoá ở Biển Đông.

- Cùng với những nguồn sử liệu tin cậy, có giá trị pháp lí cao của Việt Nam và nước ngoài (văn bản hành chính, tư liệu lịch sử,...) qua các thời kì đã khẳng định Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và thực hiện quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

* Trước năm 1884

- Các tập bản đồ của các triều đại quân chủ Việt Nam như Hồng Đức bản đồ, Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Giáp Ngọ bình Nam đồ (1774), Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) và của người phương Tây như: An Nam đại quốc họa đồ (1838), Bộ Át lát thế giới (1827) đã thể hiện quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Một số công trình sử học và địa lí của Việt Nam thời quân chủ cũng ghi chép tường tận về cương vực, lãnh thổ, hình thế đất nước và những hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền của các chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Tây Sơn và triều Nguyễn ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa như: Đại Việt sử kí tục biên, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí…

- Hoạt động xác lập chủ quyền, quản lý liên tục mang tính nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được khẳng định thông qua việc thành lập và hoạt động của các đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải.

+ Đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động trong suốt thời gian từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX, vừa làm nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các đảo thuộc hai quần đảo này.

+ Dưới triều Nguyễn, hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải còn phối hợp cùng thuỷ quân đi khảo sát, đo đạc để vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, xây dựng miếu thờ, đào giếng, trồng cây... trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa.

- Việc tổ chức đơn vị hành chính Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước lúc bấy giờ cũng được thực hiện.

+ Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi).

+ Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

Từ năm 1884 đến năm 1975

- Cuối thế kỉ XIX, chính quyền thực dân Pháp (khi đó là đại diện ngoại giao của triều Nguyễn) tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam, quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng thông lệ pháp lí quốc tế.

- Năm 1909, người Pháp đã nêu rõ các cuộc khảo sát của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là trái phép.

- Đầu thế kỉ XX, qdta được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

- Từ những năm 30 của thế kỉ XX, người Pháp đã tiến hành xây dựng cột mốc chủ quyền, đèn biển, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện và thực hiện nhiều khảo sát khoa học.... ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

- Đến tháng 9/1951, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tiếp tục được tuyên bố và công nhận tại Hội nghị Hoà bình Xan Phran-xi-xcô mà không bị các quốc gia tham dự hội nghị phản đối.

- Từ năm 1954 đến năm 1975, hai quần đảo được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Sài Gòn.

+ Chính quyền Sài Gòn đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thông qua việc ban hành các văn bản hành chính nhà nước, cử quân đồn trú, dựng bia chủ quyền, treo cờ trên các đảo chính.

+ Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa - vũng Tàu ngày nay).

- Từ ngày 13 đến ngày 28/4/1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo và triển khai lực lượng thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

* Từ sau năm 1975 đến nay

- Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Các đơn vị hành chính tại hai quần đảo này đã được thành lập.

+ Năm 1982, huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (từ năm 1997 thuộc thành phố Đà Nẵng) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa được thành lập.

+ Trong huyện Trường Sa có các đơn vị hành chính nhỏ hơn như thị trấn Trường Sa (bao gồm đảo Trường Sa Lớn và phụ cận); xã Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây và phụ cận); xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận)...

b) Cuộc đấu tranh bảo vệ, thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

- Nhà nước Việt Nam qua các thời kì lịch sử có những hoạt động đấu tranh kiên quyết nhằm bảo vệ, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

♦ Trước năm 1884:

+ Từ thời chúa Nguyễn, Vương triều Tây Sơn, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải có nhiệm vụ tuần tiễu giữ gìn vùng biển, ứng chiến với nạn cướp biển và những xâm phạm tại quần đảo Hoàng Sa,..

+ Dưới triều Nguyễn, các đội thuỷ quân chuyên trách công việc bảo vệ, thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được tổ chức.

♦ Từ năm 1884 đến năm 1954:

+ Năm 1939, chính quyền thực dân Pháp gửi công hàm phản đối việc Nhật Bản kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

+ Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp cho hải quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa và yêu cầu quân đội Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo đã chiếm đóng trái phép.

♦ Từ năm 1954 đến năm 1975:

+ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

+ Tháng 1/1974, quân đội Sài Gòn thất bại trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

♦ Từ năm 1975 đến nay:

+ Tháng 3 - 1988, nhiều chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hi sinh anh dũng khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

+ Từ tháng 3/1988 đến nay, nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên trì đấu tranh ngoại giao và pháp lí để khẳng định, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và môi trường hoà bình, hợp tác trên Biển Đông.

3. Chủ trương của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

- Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ quyền, chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

- Đối với các tranh chấp chủ quyền, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tiêu biểu là:

♦ Ban hành văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền.

+ Tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam (tháng 5/1977);

+ Sách Trắng: “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” (tháng 9/1979);

+ Sách Trắng: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” (tháng 12/1981)….

♦ Tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Theo Công ước Luật Biển UNCLOS, Việt Nam là quốc gia ven biển có các vùng biển và thềm lục địa để thăm dò và khai thác với diện tích khoảng gần một triệu ki-lô-mét vuông, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

♦ Thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012.

 Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

- Để tăng cường tiềm lực quốc gia phục vụ hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

B. Bài tậpViệt Nam và Biển Đông

Câu 1. Quốc gia đầu tiên khai phá, xác lập chủ quyền và quản lí liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là

A. Việt Nam.

B. Lào.

C. Campuchia.

D. Thái Lan.

Đáp án đúng là: A

Nhiều bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh rằng ngay từ đầu Công nguyên, người Việt đã tích cực, chủ động và sớm có hoạt động kinh tế và văn hoá ở Biển Đông. Cùng với những nguồn sử liệu tin cậy, có giá trị pháp lí cao của Việt Nam và nước ngoài (văn bản hành chính, tư liệu lịch sử,...) qua các thời kì đã khẳng định Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và thực hiện quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Câu 2. Năm 1816, vua Gia Long lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để

A. khai thác sản vật (tôm, cá,…).

B. cứu hộ tàu thuyền gặp nạn.

C. xem xét, đo đạc thủy trình.

D. dựng miếu thờ và vẽ bản đồ.

Đáp án đúng là: C

Năm 1816, vua Gia Long lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để để xem xét, đo đạc thuỷ trình, tái xác nhận chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Câu 3. Trong các bộ chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam, tên gọi nào dưới đây không được dùng để chỉ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa?

A. Bãi Cát Vàng.

B. Vạn Lý Hoàng Sa.

C. Vạn Lý Trường Sa.

D. Bạch Long Vĩ.

Đáp án đúng là: D

- Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải những hòn đảo được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong các bộ chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam như: Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Vạn Lý Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa,...

- Bạch Long Vĩ là một hòn đảo nằm ở Vịnh Bắc Bộ, trực thuộc Hải Phòng hiện nay.

Câu 4. Theo ghi chú bản đồ trong bộ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư biên soạn vào thế kỉ XVII, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc phủ nào?

A. Tư Nghĩa.

B. Gia Định.

C. Phú Yên.

D. Thuận Hóa.

Đáp án đúng là: A

Theo ghi chú bản đồ trong bộ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư biên soạn vào thế kỉ XVII, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Câu 5. Đoạn tư liệu dưới đây đề cập đến nhiệm vụ nào của hải đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn?

Tư liệu: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (…) Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa sa Vinh, mỗi lần có gió Tây - Nam thì thương thuyền của các nước ở phía trong trôi dạt về đấy; gió Đông - Bắc thì thương thuyền phía ngoài đều trôi dạt về đấy, đều cùng chết đói cả. Hàng hóa đều ở nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm, vào tháng cuối mùa đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hóa vật, phần nhiều là vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn,…”

A. Khai thác các sản vật quý (ốc, hải sâm,...).

B. Canh giữ, bảo vệ các đảo ở Biển Đông.

C. Cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

D. Thu gom hàng hóa của tàu nước ngoài bị đắm.

Đáp án đúng là: D

Đoạn tư liệu trên có chi tiết đề cập đến nhiệm vụ: thu gom hàng hóa của tàu thuyền bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (“Họ Nguyễn mỗi năm, vào tháng cuối mùa đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hóa vật, phần nhiều là vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn,…”)

Câu 6. Việc người Việt thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời các chúa Nguyễn có ý nghĩa như thế nào?

A. Tạo cơ sở lịch sử cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

B. Khẳng định và bảo vệ chủ quyền của các đảo, quần đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ.

C. Đảm bảo cho hoạt động khai thác lâu dài của người Việt ở Vịnh Bắc Bộ.

D. Khẳng định chủ quyền và hoạt động khai thác lâu dài tại vùng vịnh Thái Lan.

Đáp án đúng là: A

- Việc người Việt thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời các chúa Nguyễn có ý nghĩa tạo cơ sở lịch sử cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay (Chú ý: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không thuộc Vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan)

Câu 7. Để thực thi chủ quyền của nhà nước Đại Việt đối với Hoàng Sa - Trường Sa, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho thành lập những hải đội nào?

A. Hải đội Hoàng Sa và Trường Sa.

B. Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải.

C. Hải đội Tư Nghĩa và Bắc Hải.

D. Hải đội Trường Sa và Côn Lôn.

Đáp án đúng là: B

Để thực thi chủ quyền của nhà nước Đại Việt đối với Hoàng Sa - Trường Sa, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) đã thành lập hải đội Hoàng Sa, sau đó lập thêm đội Bắc Hải, "sai đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Câu 8. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng nhiệm vụ của hải đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn?

A. Khai thác các sản vật quý ở Biển Đông.

B. Canh giữ, bảo vệ các đảo ở Biển Đông.

C. Cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

D. Thu gom hàng hóa của tàu nước ngoài bị đắm.

Đáp án đúng là: C

Dưới thời các chúa Nguyễn, hải đội Hoàng Sa có nhiệm vụ:

+ Khai thác, canh giữ và bảo vệ các đảo ở Biển Đông, chạy dài ngoài khơi, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống vùng đảo Trường Sa, tới tận vùng đảo Côn Lôn ngày nay.

+ Thu gom những hàng hóa của các tàu nước ngoài bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa về nộp cho triều đình.

Câu 9. Vị vua nào của nhà Nguyễn đã cho khắc những vùng biển, cửa biển quan trọng của Việt Nam lên Cửu Đỉnh?

A. Gia Long.

B. Minh Mệnh.

C. Thành Thái.

D. Duy Tân.

Đáp án đúng là: B

- Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng đặt trước sân Thế Miếu. Cửu Đỉnh được đúc vào năm 1837, dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh.

- Vua Minh Mệnh đã cho khắc những vùng biển, cửa biển quan trọng của Việt Nam lên Cửu Đỉnh.

Câu 10. Dưới thời vua Gia Long, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh nào?

A. Quảng Ngãi.

B. Bình Định.

C. Khánh Hòa.

D. Thừa Thiên Huế.

Đáp án đúng là: A

Dưới thời vua Gia Long, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Câu 11. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng nhiệm vụ của hải đội Hoàng Sa dưới triều Nguyễn?

A. Thống kê các đảo, bão cát, bãi đá ngầm.

B. Vẽ hình thể, đo đạc, vẽ thành bản đồ.

C. Tập trận, biểu dương lực lượng quân đội.

D. Xác định phương hướng, khoảng cách.

Đáp án đúng là: C

- Một số nhiệm vụ của hải đội Hoàng Sa (dựa theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, quyển 4, trang 867):

+ Thống kê tất cả các đảo, bãi cát, bãi đá ngầm.

+ Đo đạc chiều rộng, chiều cao, chiều dài, chu vi, nước biển bốn mặt nông sâu.

+ Vẽ hình thể, đo đạc, vẽ thành bản đồ.

+ Ước lượng khoảng cách từ biển khởi hành đến quần đảo.

+ Xác định phương hướng từ đảo vào đất liền và ngược lại.

Câu 12. Đầu thế kỉ XX, quần đảo Hoàng Sa được sáp nhập vào tỉnh nào?

A. Bà Rịa.

B. Thừa Thiên Huế.

C. Quảng Ngãi.

D. Bình Định.

Đáp án đúng là: B

Đầu thế kỉ XX, quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Câu 13. Đầu thế kỉ XX, quần đảo Hoàng Sa được sáp nhập vào tỉnh nào?

A. Bà Rịa.

B. Thừa Thiên Huế.

C. Quảng Ngãi.

D. Bình Định.

Đáp án đúng là: A

Đầu thế kỉ XX, quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Câu 14. Từ năm 1884 đến năm 1945, thông qua nhiều hoạt động, chính quyền thuộc địa Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ngoại trừ việc

A. dựng cột mốc chủ quyền.

B. công bố sách trắng quốc phòng.

C. xây dựng hải đăng, trạm khí tượng…

D. thực hiện các cuộc khảo sát khoa học.

Đáp án đúng là: B

Từ năm 1884 đến năm 1945, chính quyền thuộc địa Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, thông qua một số hoạt động như: dựng cột mốc chủ quyền, xây dựng hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện và thực hiện nhiều cuộc khảo sát khoa học,…

Câu 15. Trong những năm 1945 - 1975, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được đặt dưới sự quản lí của chính quyền

A. Việt Nam Cộng hòa.

B. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

C. Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

D. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đáp án đúng là: A

- Từ năm 1954 đến năm 1975, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được đặt dưới sự quản lí của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Câu 16. Trong những năm 1954 - 1975, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ngoại trừ việc

A. cử quân đồn trú, dựng bia chủ quyền, treo cờ trên các đảo chính.

B. công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

C. phản đối các hành động chiếm đóng trái phép đảo Ba Đình của Đài Loan.

D.sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Tuy Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay).

Đáp án đúng là: D

- Trong những năm 1954 - 1975, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, như:

+ Năm 1956, lợi dụng việc chuyển giao giữa Pháp và Việt Nam Cộng hoà, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và Đài Loan chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam Cộng hoà đã lên tiếng phản đối những hành động này, khẳng định quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa luôn luôn là một phần của Việt Nam.

+ Cử quân đồn trú, dựng bia chủ quyền, treo cờ trên các đảo chính.

+ Ngày 14/2 /1975, Việt Nam Cộng hoà công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Câu 17. Trong những năm 1975 đến nay, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được đặt dưới sự quản lí của chính quyền

A. Việt Nam Cộng hòa.

B. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

C. Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

D. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đáp án đúng là: D

Trong những năm 1975 đến nay, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được đặt dưới sự quản lí của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Câu 18. Từ năm 1982, quần đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố nào?

A. Đà Nẵng.

B. Cần Thơ.

C. Hải Phòng.

D. Đà Lạt.

Đáp án đúng là: A

Từ năm 1982, quần đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Câu 19. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng cuộc đấu tranh bảo vệ, thực thi chủ quyền, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Biển Đông?

A. Từ chối tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

B. Tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc.

C. Đàm phán và kí với các nước láng giềng một số văn kiện ngoại giao quốc tế về biển.

D. Phối hợp hành động với các nước vì mục đích phát triển bền vững, hợp tác cùng phát triển.

Đáp án đúng là: A

- Là quốc gia có chủ quyền đầy đủ đối với các vùng biển trên Biển Đông, Việt Nam luôn thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Một số hoạt động tiêu biểu của Việt Nam trong quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông là:

+ Đàm phán và kí với các nước láng giềng một số văn kiện ngoại giao quốc tế về biển.

+ Xây dựng và đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) các báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa.

+ Kiên trì yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), coi đây là cơ sở cho việc giải quyết bất đồng giữa các bên.

+ Đấu tranh bằng các biện pháp hoà bình phù hợp luật pháp quốc tế.

+ Các lực lượng chức năng của Việt Nam thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

+ Phối hợp hành động với các nước vì mục đích phát triển bền vững; duy trì các cơ chế về hợp tác cùng phát triển với các nước ven Biển Đông.

Câu 20. Hiện nay, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp nào sau đây?

A. Hòa bình.

B. Không can thiệp.

C. Sử dụng sức mạnh quân sự.

D. Ngoại giao pháo hạm.

Đáp án đúng là: A

Hiện nay, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Câu 21. Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua

A. Luật An ninh quốc gia.

B. Luật Biên giới quốc gia.

C. Sách trắng quốc phòng.

D. Luật Biển Việt Nam.

Đáp án đúng là: D

Ngày 21/6/2012, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam.

Câu 22. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tầm quan trọng về quốc phòng, an ninh của Biển Đông đối với Việt Nam?

A. Biển Đông là tuyến phòng thủ phía đông của đất nước.

B. Góp phần bảo vệ an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ,

C. Là cửa ngõ, tuyến phòng thủ bảo vệ đất liền từ xa.

D. Là địa bàn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Đáp án đúng là: D

- Tầm quan trọng về quốc phòng, an ninh của Biển Đông đối với Việt Nam:

+ Biển Đông là tuyến phòng thủ phía đông của đất nước.

+ Hệ thống các đảo và quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông hợp thành tuyến phòng thủ bảo vệ vùng trời, vùng biển và đất liền.

+ Bên cạnh đó, nằm trên tuyến giao thông biển huyết mạch và là địa bàn chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông giữ vai trò bảo vệ an ninh hàng hải, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Câu 23. Vị trí địa lí và tài nguyên của Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển nhiều ngành kinh tế, ngoại trừ ngành

A. công nghiệp khai khoáng.

B. đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

C. giao thông hàng hải.

D. giao thông đường hàng không.

Đáp án đúng là: D

Vị trí địa lí và tài nguyên của Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển nhiều ngành kinh tế, ngoại trừ ngành giao thông đường hàng không.

Câu 24. Việt Nam có thể dựa vào điều kiện tự nhiên nào của Biển Đông để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng?

A. Đường bờ biển dài, ven biển có nhiều vũng vịnh nước sâu và kín gió.

B. Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản (titan, thiếc,…), đặc biệt là dầu khí.

C. Cảnh quan ở Biển Đông đa dạng với nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động....

D. Nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông phong phú và đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Đáp án đúng là: B

Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản (titan, thiếc,…), đặc biệt là dầu khí, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

Câu 25. Việt Nam có thể dựa vào điều kiện tự nhiên nào của Biển Đông để phát triển ngành du lịch?

A. Đường bờ biển dài, ven biển có nhiều vũng vịnh nước sâu và kín gió.

B. Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản (titan, thiếc,…), đặc biệt là dầu khí.

C. Cảnh quan ở Biển Đông đa dạng với nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động....

D. Nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông phong phú và đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Đáp án đúng là: C

Cảnh quan ở Biển Đông đa dạng với nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động.... tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành du lịch.

Câu 26. Nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng của Biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam có thể phát triển ngành kinh tế nào?

A. Khai thác tài nguyên sinh vật biển.

B. Công nghiệp khai khoáng.

C. Sửa chữa và đóng tàu.

D. Giao thông hàng hải.

Đáp án đúng là: A

Nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng của Biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam có thể phát triển ngành khai thác tài nguyên sinh vật biển.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Lịch sử 11 sách Kết nối tri thức, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

Lý thuyết Bài 9: Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly và Triều Hồ (đầu thế kỉ XV)

Lý thuyết Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)

Lý thuyết Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)

Lý thuyết Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông

1 2,232 28/07/2023


Xem thêm các chương trình khác: