Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 8 (Kết nối tri thức): Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

Tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 11 Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam hay, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Lịch sử 11.

1 3,690 28/07/2023


Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

A. Lý thuyết Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

1. Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc

a) Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu:

* Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng

- Thời gian: 40 - 43

- Người lãnh đạo: Hai Bà Trưng

- Chống chính quyền cai trị: Nhà Hán

- Diễn biến chính và kết quả:

Năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội). Nghĩa quân đánh chiếm Mê Linh, Cổ Loa (Hà Nội) và Luy Lâu (Bắc Ninh). Thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Trưng Trắc lên làm vua.

+ Năm 43, Mã Viện đem quân tấn công. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (tranh dân gian Đông Hồ)

* Khởi nghĩa của Bà Triệu

- Thời gian: 248

- Người lãnh đạo: Bà Triệu

- Chống chính quyền cai trị: nhà Ngô

- Diễn biến chính và kết quả:

Bà Triệu lãnh đạo nhân dân vùng Cửu Chân nổi dậy ở căn cứ núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hoá). Khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra Giao Chỉ, làm rung chuyển chính quyền đô hộ.

+ Quân Ngô do Lục Dận chỉ huy kéo sang đàn áp. Khởi nghĩa thất bại.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

* Khởi nghĩa của Lý Bí

- Thời gian: 542 - 602

- Người lãnh đạo: Lý Bí, Triệu Quang Phục

- Chống chính quyền cai trị: nhà Lương và nhà Tùy

- Diễn biến chính và kết quả:

+ Năm 542, khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ, lật đổ chính quyền đô hộ. Sau đó, Lý Bí lập ra Nhà nước Vạn Xuân.

+ Năm 545, quân Lương tiếp tục sang xâm lược, Triệu Quang Phục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu và giành thắng lợi.

+ Đến năm 602, nhà Tùy đem quân sang đàn áp, cuộc khởi nghĩa thất bại.

* Khởi nghĩa của Mai Thúc Loan

- Thời gian: 713 - 722

- Người lãnh đạo: Mai Thúc Loan

Chống chính quyền cai trị: nhà Đường

- Diễn biến chính và kết quả:

+ Mai Thúc Loan kêu gọi nhân dân vùng Nam Đàn (Nghệ An) nổi dậy khởi nghĩa và nhanh chóng làm chủ vùng đất Hoan Châu. Sau đó, nghĩa quân tiến ra Bắc, đánh đuổi chính quyền đô hộ, làm chủ thành Tống Bình.

+ Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa bị nhà Đường đàn áp.

* Khởi nghĩa của Phùng Hưng

- Thời gian: khoảng năm 776

- Người lãnh đạo: Phùng Hưng

Chống chính quyền cai trị: nhà Đường

- Diễn biến chính và kết quả:

+ Khoảng năm 776, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giành quyền tự chủ trong một thời gian.

+ Năm 791, nhà Đường đem quân sang đàn áp và chiếm lại.

* Khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ

- Thời gian: 905

- Người lãnh đạo: Khúc Thừa Dụ

- Chống chính quyền cai trị: nhà Đường

- Diễn biến chính và kết quả: Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân tấn công thành Đại La, lật đổ chính quyền đô hộ, tự xưng là Tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ.

b) Nhận xét chung

- Các cuộc khởi nghĩa trong thời kì Bắc thuộc thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí tự chủ và tinh thần dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc để giành độc lập dân tộc.

2. Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427)

a) Bối cảnh lịch sử

- Năm 1407, cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại, nước Đại Ngu bước vào thời kì bị nhà Minh đô hộ (1407 - 1427). Nhà Minh đã thi hành chính sách cai trị, bóc lột nặng nề đối với nhân dân Việt Nam.

+ Về hành chính, đặt Đại Ngu thành quận Giao Chỉ, chia thành các phủ, huyện để cai trị.

+ Về kinh tế - xã hội, đặt ra nhiều thứ thuế nặng nề, lùng bắt những người tài đem về nước phục dịch.

+ Về văn hoá, bắt dân ta phải theo phong tục của Trung Hoa, dùng nhiều thủ đoạn để thủ tiêu nền văn hoá Việt như ra lệnh đục bia, đốt sách,...

- Dưới ách thống trị của nhà Minh, nhân dân ta đã nổi dậy ở nhiều nơi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (1407 - 1409), Trần Quý Khoáng (1409 - 1414),... song đều bị đàn áp.

- Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, Lê Lợi - một hào trưởng có uy tín lớn ở vùng Lam Sơn (Thanh Hoá) đã dốc hết tài sản để triệu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt, xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa.

b) Diễn biến chính

- Năm 1416, Lê Lợi cùng các hào kiệt tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai (Thanh Hóa), quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

- Đầu năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng núi rừng Lam Sơn (Thanh Hoá). Cuộc khởi nghĩa trải qua bốn giai đoạn chính và giành thắng lợi vào năm 1427.

♦ Từ 1418 - 1423: trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân gặp nhiều khó khăn, phải 3 lần phải rút lên núi Chí Linh (Thanh Hóa).

♦ Từ 1423 - 1424: nghĩa quân tạm thời hòa hoãn với quân Minh để củng cố lực lượng và tìm phương hướng mới.

♦ Từ 1424 - 1425: đây là giai đoạn quân Lam Sơn mở rộng hoạt động và giành những thắng lợi đầu tiên. Cuối năm 1424, nghĩa quân giải phóng Nghệ An, sau đó giải phóng vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến Đèo Hải Vân.

♦ Từ 1426 - 1428: đây là giai đoạn quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, giành thắng lợi trên quy mô cả nước.

+ Tháng 11/1426, nghĩa quân giành thắng lợi ở Tốt Động - Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Nội), quân Minh thất bại nặng nề. Nghĩa quân siết chặt vây hãm thành Đông Quan.

+ Tháng 10/1427, nghĩa quân liên tiếp giành thắng lợi tại Chi Lăng (Lạng Sơn), Cần Trạm, Phố Cát và Xương Giang (Bắc Giang).

+ Ngày 10/12/1427, Lê Lợi và Vương Thông dẫn đầu hai phái đoàn tham gia Hội thề Đông Quan. Chiến tranh chấm dứt.

+ Tháng 1/1428, quân Minh rút hết về nước, đất nước hoàn toàn giải phóng.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

Hội thề Đông Quan giữa đại diện nghĩa quân Lam Sơn với quân Minh (1427)

c) Ý nghĩa lịch sử

- Khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, có tính chất nhân dân rộng rãi.

- Cuộc khởi nghĩa đã chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của nhà Minh, khôi phục nền độc lập, đập tan âm mưu thủ tiêu nền văn hóa Đại Việt, mở ra thời kì phát triển mới của đất nước.

3. Phong trào Tây Sơn (1771 - 1789)

a) Bối cảnh lịch sử

- Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu dần.

+ Về chính trị: Chúa Nguyễn Phúc Thuần nối ngôi lúc 12 tuổi, chỉ thích chơi bời múa hát, quyền hành tập trung vào tay quyền thần Trương Phúc Loan. Nhiều quan lại trong triều cũng ăn chơi sa đoạ.

+ Về kinh tế: chế độ tô thuế, lao dịch, binh dịch nặng nề làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

+ Về xã hội: nỗi bất bình, oán giận của các tầng lớp xã hội đối với chính quyền chúa Nguyễn ngày càng dâng cao. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra, tiêu biểu như: cuộc nổi dậy của Lý Văn Quang (Biên Hòa); cuộc khởi nghĩa của chàng Lía ở Truông Mây (Bình Định),… Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh này đều bị dập tắt.

b) Diễn biến chính

- Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn thượng đạo (An Khê, Gia Lai) chống lại chính quyền họ Nguyễn.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Kết nối tri thức Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

- Từ năm 1771 - 1789, quân Tây Sơn đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, tiêu biểu như:

+ Tháng 9/1773, nghĩa quân chiếm được phủ thành Quy Nhơn.

+ Giữa năm 1774, nghĩa quân kiểm soát được vùng đất rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

+ Năm 1777, quân Tây Sơn lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

+ Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở thành Đồ Bàn (Quy Nhơn, Bình Định).

+ Tháng 1/1785, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đánh tan 5 vạn quân Xiêm sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

+ Năm 1786, quân Tây Sơn hạ thành Phú Xuân, giải phóng toàn bộ vùng đất Đàng Trong; sau đó tiến quân ra Bắc, lật đổ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, rồi giao lại chính quyền cho vua Lê. Tuy nhiên, sau khi quân Tây Sơn rút về Nam, tình hình Đàng Ngoài lại trở nên rối loạn.

+ Năm 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lần thứ hai. Vua Lê Chiêu Thống bỏ trốn, chính quyền phong kiến nhà Lê hoàn toàn sụp đổ.

+ Nhân cơ hội vua Lê Chiêu Thống cầu cứu, cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân tiến vào xâm lược nước ta. Trước vận nước lâm nguy, tháng 12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, chỉ huy 5 đạo quân Tây Sơn tiến quân ra Thăng Long.

+ Năm 1789, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Hà Nội) của quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

c) Ý nghĩa lịch sử

- Phong trào Tây Sơn từ một cuộc khởi nghĩa địa phương đã phát triển thành phong trào dân tộc rộng lớn, lập nên những chiến công hiển hách.

- Phong trào đã lật đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn - Trịnh, xoá bỏ tình trạng chia cắt đất nước.

- Đồng thời, phong trào còn đánh tan các thế lực ngoại xâm hùng mạnh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

4. Những bài học lịch sử chính

- Các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử dân tộc dù thắng lợi hay thất bại đều để lại những bài học lịch sử sâu sắc, còn nguyên giá trị đến ngày nay:

Thứ nhất, bài học về xây dựng lực lượng. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc.

+ Thứ hai, bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đoàn kết là sức mạnh giúp nhân dân ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

+ Thứ ba, bài học về nghệ thuật quân sự với những kinh nghiệm đánh giặc dũng cảm và mưu trí, phong phú và độc đáo của cha ông ta.

B. Bài tậpMột số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam 

Câu 1. Nhân vật lịch sử nào được đề cập đến trong câu đố dân gian dưới đây?

“Lấy Dạ Trạch làm nơi kháng chiến,

Mơ ngày về đánh chiếm Long Biên

Nhiều năm kham khổ liên miên

Hỏi ai ngang dọc khắp miền sậy lau?”

A. Mai Thúc Loan.

B. Triệu Thị Trinh.

C. Triệu Quang Phục.

D. Dương Đình Nghệ.

Đáp án đúng là: C

Câu đố trên đề cập đến Triệu Quang Phục

Câu 2. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) và khởi nghĩa Lý Bí (542 - 603) đều

A. giành và giữ được chính quyền độc lập trong gần 60 năm.

B. diễn ra qua hai giai đoạn: khởi nghĩa và kháng chiến.

C. giành thắng lợi, khôi phục được nền độc lập của người Việt.

D. chống lại ách cai trị hà khắc, tàn bạo của nhà Lương.

Đáp án đúng là: B

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) và khởi nghĩa Lý Bí (542 - 603) đều diễn ra qua hai giai đoạn: khởi nghĩa và kháng chiến.

Câu 3. Dấu tích thành Vạn An trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan hiện nay nằm ở đâu?

A. Huyện Đông Anh, Hà Nội.

B. Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

C. Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

D. Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đáp án đúng là: C

Dấu tích thành Vạn An trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan hiện nay nằm ở  huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Câu 4. Năm 776, Phùng Hưng đã lãnh đạo người Việt nổi dật đấu tranh chống lại ách cai trị của

A. nhà Hán.

B. nhà Ngô.

C. nhà Tùy.

D. nhà Đường.

Đáp án đúng là: D

Năm 776, Phùng Hưng đã lãnh đạo người Việt nổi dật đấu tranh chống lại ách cai trị của nhà Đường.

Câu 5. Khúc Thừa Dụ đã tận dụng cơ hội nào dưới đây để dấy binh khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ cho người Việt (vào năm 905)?

A. Nhà Đường không bố trí quân đồn trú tại thành Đại La.

B. Nhà Đường suy yếu nên khó kiểm soát tình hình An Nam.

C. Nhà Ngô chưa thiết lập được chính quyền đô hộ ở Việt Nam.

D. Chính quyền đô hộ của nhà Đường mới được thiết lập, còn lỏng lẻo.

Đáp án đúng là: B

Năm 905, nhân cơ hội nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ đã dấy binh khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ cho người Việt.

Câu 6. Nhận xét nào sau đây không đúng về các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam trong thời kì Bắc thuộc?

A. Thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí tự chủ và tinh thần dân tộc của người Việt.

B. Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.

C. Minh chứng cho tinh thần bất khuất không cam chịu làm nô lệ của người Việt.

D. Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ là nguyên nhân bùng nổ các cuộc đấu tranh.

Đáp án đúng là: D

 Các cuộc khởi nghĩa chống các triều đại phong kiến phương Bắc là minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, quật khởi, khẳng định sức sống mãnh liệt của ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ của nhân dân Việt.

- Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kì Bắc thuộc để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Câu 7. Người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) là

A. Lê Lợi.

B. Lê Hoàn.

C. Nguyễn Huệ.

D. Nguyễn Nhạc.

Đáp án đúng là: A

Người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) là Lê Lợi.

Câu 8. Điểm tương đồng trong đường lối chỉ đạo chiến đấu giữa cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và khởi nghĩa Lam Sơn là gì?

A. Phòng ngự tích cực thông qua chiến thuật “vườn không nhà trống”.

B. Triệt để thực hiện kế sách đánh nhanh thắng nhanh, tấn công thần tốc.

C. Chủ động giảng hòa để kết thúc chiến tranh, tránh thiệt hại cho cả hai bên.

D. Chủ động tiến công để chặn trước thế mạnh của địch (“tiên phát chế nhân”).

Đáp án đúng là: A

- Điểm tương đồng trong đường lối chỉ đạo chiến đấu giữa cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và khởi nghĩa Lam Sơn là: chủ động giảng hòa để kết thúc chiến tranh, tránh thiệt hại cho cả hai bên.

+ Sau chiến thắng trong trận chiến trên sông Như Nguyệt, Thái úy Lý Thường Kiệt đã chủ động giảng hoàn với nhà Tống để: khỏi nhọc tướng tá, đỡ thiệt hại cho nhân dân cả hai bên; thể hiện thiện chí hòa bình của nhân dân Đại Việt và đảm bảo mối quan hệ giao hảo giữa nhà Minh và Đại Việt.

+ Sau thắng lợi trong trận Chi Lăng - Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn và đại diện quân Minh tổ chức hội thề Đông Quan, Lê Lợi còn cấp ngựa, thuyền cho quân Minh về nước.

Câu 9. Tháng 10/1427, khi Liễu Thăng dẫn quân Minh ồ ạt tiến vào Việt Nam, chúng đã bị nghĩa quân Lam Sơn phục kích và giết ở đâu?

A. Nam Quan.          

B. Đông Quan.         

C. Chi Lăng.             

D. Vân Nam.

Đáp án đúng là: C

Tháng 10/1427, Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy 15 vạn viện binh theo hai đường Quảng Tây và Vân Nam tiến vào Việt Nam. Nghĩa quân lam sơn tổ chức phục kích quân Minh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), Liễu Thăng bị giết tại trận.

Câu 10. Năm 1424, Nguyễn Chích đề nghị nghĩa quân Lam Sơn tạm rời núi rừng Thanh Hóa, chuyển quân

A. ra Đông Đô.                 

B. vào Nghệ An.      

C. vào Hà Tĩnh.

D. lên núi Chí Linh.

Đáp án đúng là: B

Năm 1424, Nguyễn Chích đề nghị nghĩa quân Lam Sơn tạm rời núi rừng Thanh Hóa, chuyển quân vào Nghệ An.

Câu 11. Trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa (1418 -1423), nghĩa quân Lam Sơn ở trong tình trạng thế nào?

A. Lực lượng nghĩa quân đông đảo và hùng mạnh.

B. Lực lượng nghĩa quân còn yếu, gặp nhiều khó khăn.

C. Liên tiếp giành thắng lợi, buộc địch phải rút quân.

D. Giành nhiều thắng lợi, địa bàn hoạt động được mở rộng.

Đáp án đúng là: B

Trong những ngày đầu khởi nghĩa, căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần bị quân Minh bao vây, gặp rất nhiều khó khăn.

Câu 12. Cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã giành chiến thắng ở

A. Chi Lăng - Xương Giang.

B. Ngọc Hồi - Đống Đa.

C. Tốt Động - Chúc Động.

D. Rạch Gầm - Xoài Mút.

Đáp án đúng là: C

- Tháng 11/1426, Vương Thông chỉ huy viện binh tiến đánh vào thành Đông Quan và mở cuộc tấn công vào Cao Bộ, nơi quân chủ lực Lam Sơn đang đóng giữ.

- Nghĩa quân Lam Sơn bố trí mai phục ở Chốt động - Chúc động.

=> Quân Minh rơi vào trận địa, bị phục kích, tổn thất nặng nề. 

Câu 13. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi có ý nghĩa như thế nào?

A. Khôi phục nền độc lập, mở ra thời kì phát triển mới của đất nước.

B. Lật đổ ách thống trị của nhà Minh, bảo vệ vững chắc nền độc lập.

C. Mở ra thời kì phát triển mới của quốc gia Đại Việt - thời Tiền Lê.

D. Buộc nhà Minh phải lệ thuộc và thực hiện triều cống với Đại Việt.

Đáp án đúng là: A

Khởi nghĩa thắng lợi đã lật đổ được ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, khôi phục nền độc lập; mở ra thời kì phát triển mới của quốc gia Đại Việt - thời Lê sơ

Câu 14. Đoạn tư liệu dưới đây phản ánh vấn đề nào trong xã hội ở Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII?

Tư liệu. “Việc buôn bán gặp khó khăn vì “muốn công việc được dễ dàng, trôi chảy thì phải có lễ vật đút lót, hối lộ cho bọn quan lại, hào trưởng; nếu không thì bị trộm cắp, bị gặp mọi điều trở ngại, phiền phức”. (C. Mi-bơn, Lịch sử An Nam hiện đại, Pa-ri, 1919, trang 163)

A. Sự phát triển của kinh tế Đàng Trong.

B. Đời sống thanh bình, thịnh trị, ấm no.

C. Quan lại tham nhũng, hà hiếp dân chúng.

D. Sự ổn định của chính quyền chúa Nguyễn.

Đáp án đúng là: C

Đoạn tư liệu trên phản ánh về vấn đề: quan lại tham nhũng, hà hiếp dân chúng (thể hiện qua các chi tiết “muốn công việc được dễ dàng, trôi chảy thì phải có lễ vật đút lót, hối lộ cho bọn quan lại, hào trưởng; nếu không thì bị trộm cắp, bị gặp mọi điều trở ngại, phiền phức”).

Câu 15. Sự suy yếu, khủng hoảng của chính quyền phong kiến chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào giữa thế kỉ XVIII đã dẫn đến hậu quả gì?

A. Nông dân Đàng Trong vùng lên khởi nghĩa chống lại chính quyền.

B. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà Minh xâm lược lãnh thổ Đại Việt.

C. Bùng nổ cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở vùng Điện Biên.

D. Tạo điều kiện cho thực dân Pháp mở rộng xâm lược Việt Nam.

Đáp án đúng là: A

Sự suy yếu, khủng hoảng của chính quyền phong kiến chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào giữa thế kỉ XVIII đã dẫn đến hậu quả: nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra, mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn (cuối thế kỉ XVIII).

Câu 16. Đến giữa năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ được một vùng rộng lớn từ

A. Quảng Nam đến Bình Thuận.

B. Bình Thuận đến Gia Định.

C. Quảng Nam đến Gia Định.

D. Phú Xuân đến Gia Định.

Đáp án đúng là: A

Đến giữa năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ được một vùng rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

Câu 17. Trận đánh nào có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Xiêm của nghĩa quân Tây Sơn (1785)?

A. Tốt Động - Chúc Động.

B. Rạch Gầm - Xoài Mút.

C. Chi Lăng - Xương Giang.

D. Ngọc Hồi - Đống Đa.

Đáp án đúng là: B

Trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Xiêm của nghĩa quân Tây Sơn (1785).

Câu 18. Thắng lợi của quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mãn Thanh (1789) có ý nghĩa như thế nào?

A. Giành lại chính quyền tự chủ từ tay quân Thanh.

B. Hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

C. Tạo điều kiện cho sự thống nhất quốc gia.

D. Bảo vệ được nền độc lập của đất nước.

Đáp án đúng là: D

Thắng lợi của quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đã bảo vệ được nền độc lập của đất nước.

Câu 19. Với việc đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, Nguyễn, phong trào Tây Sơn đã có đóng góp gì cho lịch sử dân tộc?

A. Hoàn thành việc thống nhất đất nước sau nhiều thế kỉ bị chia cắt.

B. Xóa bỏ sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, bước đầu thống nhất đất nước.

C. Hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

D. Thiết lập vương triều mới (Tây Sơn) tiến bộ hơn chính quyền Lê - Trịnh, Nguyễn.

Đáp án đúng là: B

Với việc đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, Nguyễn, phong trào Tây Sơn đã: xóa bỏ sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, bước đầu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Câu 20. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng bài học lịch sử rút ra từ các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử dân tộc Việt Nam?

A. Luôn nhân nhượng kẻ thù xâm lược để giữ môi trường hòa bình.

B. Chú trọng việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

C. Tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện “toàn dân đánh giặc”.

D. Phát động khẩu hiệu đấu tranh phù hợp để tập hợp lực lượng.

Đáp án đúng là: A

- Một số bài học lịch sử rút ra từ các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử dân tộc Việt Nam:

+ Nêu cao tinh thần dân tộc và tính chính nghĩa; đồng thời phát động khẩu hiệu phù hợp để phân hoá kẻ thù và tập hợp sức mạnh quần chúng.

+ Chú trọng việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

+ Tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện “toàn dân đánh giặc”.

+ ….

Câu 21. Cuộc khởi nghĩa nào dưới đây đã mở ra thời kì đấu tranh giành độc lập, tự chủ của người Việt dưới thời Bắc thuộc?

A. Khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

B. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

C. Khởi nghĩa Phùng Hưng.           

D. Khởi nghĩa Bà Triệu.

Đáp án đúng là: B

Cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã mở ra thời kì đấu tranh giành độc lập, tự chủ của người Việt dưới thời Bắc thuộc.

Câu 22. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã

A. giành và giữ được chính quyền độc lập trong khoảng 60 năm.

B. thắng lợi, lật đổ ách cai trị của nhà Ngô, giành độc lập dân tộc.

C. chấm dứt thời kì Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài.

D. thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí anh hùng của phụ nữ Việt Nam.

Đáp án đúng là: D

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí anh hùng của phụ nữ Việt Nam.

Câu 23. Ai là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở bể Đông, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”?

A. Lê Chân.

B. Bùi Thị Xuân.

C. Triệu Thị Trinh.

D. Nguyễn Thị Định.

Đáp án đúng là: C

Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở bể Đông, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”

Câu 24. Việc những người phụ nữ như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh,.. lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa lớn nhằm giành lại nền độc lập, tự chủ đã cho thấy

A. vai trò, vị trí quan trọng và nổi bật của phụ nữ trong xã hội đương thời.

B. sự áp đảo và thắng lợi của chế độ mẫu quyền trước chế độ phụ quyền.

C. nam giới không có vai trò, vị trí gì trong đời sống chính trị đương thời.

D. vai trò quyết định của người phụ nữ trong đời sống chính trị đương thời.

Đáp án đúng là: A

Việc những người phụ nữ như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh,.. lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa lớn nhằm giành lại nền độc lập, tự chủ đã cho thấy vai trò, vị trí quan trọng và nổi bật của phụ nữ trong xã hội đương thời.

Câu 25. Năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lập ra nhà nước

A. Vạn An.

B. Đại Nam.

C. Đại Việt.

D. Vạn Xuân.

Đáp án đúng là: D

Năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lập ra nhà nước Vạn Xuân.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Lịch sử 11 sách Kết nối tri thức, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 9: Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly và Triều Hồ (đầu thế kỉ XV)

Lý thuyết Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV)

Lý thuyết Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng (nửa đầu thế kỉ XIX)

Lý thuyết Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông

Lý thuyết Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

1 3,690 28/07/2023


Xem thêm các chương trình khác: