Lý thuyết KTPL 11 Bài 9 (Cánh diều): Văn hóa tiêu dùng

Tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 11 Bài 9: Văn hóa tiêu dùng đầy đủ, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KTPL 11.

1 1,273 05/08/2023


Lý thuyết KTPL 11 Bài 9: Văn hóa tiêu dùng

A. Lý thuyết Văn hóa tiêu dùng

1. Vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế

- Vai trò của tiêu dùng:

+ Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

+ Tiêu dùng góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và đảm bảo chất lượng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 9: Văn hóa tiêu dùng

Xây dựng văn hóa người Việt dùng hàng Việt

2. Văn hoá tiêu dùng và vai trò của văn hoá tiêu dùng

- Văn hoá tiêu dùng là nét đẹp trong thói quen, tập quán tiêu dùng của cá nhân, nhóm, cộng đồng hình thành, phát triển theo thời gian và biểu hiện qua hành vi tiêu dùng.

- Văn hoá tiêu dùng có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:

+ Đối với lĩnh vực văn hoá - xã hội: Văn hoá tiêu dùng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực, tập quán tiêu dùng tốt đẹp, bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.

+ Đối với lĩnh vực kinh tế: Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm (tìm hiểu thị hiếu, tâm lí, thói quen của người tiêu dùng), về giá cả (tâm lí tiêu dùng, đối tượng khách hàng của mỗi thị trường khác nhau sẽ cho cách định giá khác nhau ở mỗi sản phẩm), về phân phối (đúng hàng, đúng nơi, đúng thời gian, đảm bảo chi phí tối thiểu) và hỗ trợ thương mại (thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh).

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 9: Văn hóa tiêu dùng

3. Một số đặc điểm trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam và các biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng

a. Đặc điểm văn hoá tiêu dùng Việt Nam

- Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam là những giá trị xã hội tốt đẹp trong tiêu dùng, được tích luỹ theo thời gian, hình thành nên nhận thức và niềm tin, được phản ánh một phần qua hành vi và quyết định tiêu dùng, là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn với bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

- Một số đặc điểm cơ bản văn hoá tiêu dùng Việt Nam:

+ Tính kế thừa: Văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự kế thừa truyền thống của dân tộc, mang bản sắc văn hoá Việt Nam,

+ Tính giá trị: Văn hoá tiêu dùng Việt Nam hướng tới giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ.

+ Tính thời đại: Thói quen, hình thức, cách thức thanh toán đa dạng, phù hợp với sự phát triển của văn hoá tiêu dùng Việt Nam.

+ Tính hợp lý: Người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 9: Văn hóa tiêu dùng

Người trẻ Việt gìn giữ bản sắc dân tộc

b. Các biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng

- Để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam, mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội cần phải:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước;

+ Học tập văn hoá tiêu dùng văn minh và tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

B. Bài tập Văn hóa tiêu dùng

Câu 1. Yếu tố nào sau đây là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước?

A. Kinh doanh.

B. Tiêu dùng.

C. Lưu thông.

D. Tiền tệ.

Đáp án đúng là: B

Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Câu 2. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế?

A. Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế đất nước.

B. Định hướng hoạt động sản xuất; thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng.

C. Thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.

D. Là yếu tố đầu vào của sản xuất, kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đáp án đúng là: D

- Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

- Tiêu dùng góp phần định hướng hoạt động sản xuất; thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và đảm bảo chất lượng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

- Tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.

Câu 3. Những nét đẹp trong tập quán, thói quen tiêu dùng của cộng đồng và cả dân tộc được hình thành và phát triển theo thời gian, thể hiện các giá trị văn hoá của con người trong tiêu dùng được gọi là

A. cơ hội đầu tư.

B. văn hóa tiêu dùng.

C. ý tưởng kinh doanh.

D. đạo đức kinh doanh.

Đáp án đúng là: B

Văn hoá tiêu dùng là một bộ phận của văn hoá dân tộc, là những nét đẹp trong tập quán, thói quen tiêu dùng của cộng đồng và cả dân tộc được hình thành và phát triển theo thời gian, thể hiện các giá trị văn hoá của con người trong tiêu dùng.

Câu 4. Văn hóa tiêu dùng có quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội, ngoại trừ việc

A. tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế.

B. góp phần gìn giữ và phát huy những tập quán tiêu dùng tốt đẹp của dân tộc.

C. xóa hoàn toàn bỏ các thói quen, tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc.

D. góp phần làm thay đổi phong cách tiêu dùng, tác phong lao động của con người.

Đáp án đúng là: C

Văn hoá tiêu dùng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội:

- Về kinh tế: văn hóa tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm, giúp cho các doanh nghiệp đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, tạo được ấn tượng, thiện cảm đối với người tiêu dùng….

- Về văn hóa: góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống về tiêu dùng và tiếp thu các giá trị hiện đại.

- Về xã hội:

+ Làm thay đổi phong cách tiêu dùng, tác phong lao động của con người;

+ Góp phần hình thành tư duy chiến lược trên phạm vi rộng lớn, gắn bó chặt chẽ giữa phát triển sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Câu 5. Đối với đời sống xã hội, văn hóa tiêu dùng có vai trò như thế nào?

A. Tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế.

B. Là cơ sở giúp cho các doanh nghiệp đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

C. Góp phần gìn giữ và phát huy những tập quán tiêu dùng tốt đẹp của dân tộc.

D. Góp phần làm thay đổi phong cách tiêu dùng, tác phong lao động của con người.

Đáp án đúng là: D

- Đối với xã hội: văn hóa tiêu dùng góp phần làm thay đổi phong cách tiêu dùng, tác phong lao động của con người; hình thành tư duy chiến lược trên phạm vi rộng lớn, gắn bó chặt chẽ giữa phát triển sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Câu 6. Một trong những đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam là

A. tính kế thừa.

B. tính thời cơ.

C. tính lãng phí.

D. tính sính ngoại.

Đáp án đúng là: A

Đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam bao gồm: tính kế thừa, tính giá trị, tính thời đại, tính hợp lí.

Câu 7. Nội dung nào sau đây không phải là đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng Việt Nam?

A. Tính hợp lí.

B. Tính kế thừa.

C. Tính thời đại.

D. Tính khôn vặt.

Đáp án đúng là: D

Đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam bao gồm: tính kế thừa, tính giá trị, tính thời đại, tính hợp lí.

Câu 8. Thói quen tiêu dùng của chị P trong trường hợp dưới đây phản ánh về đặc điểm nào trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam?

Trường hợp. Là người tiêu dùng thận trọng, chị P luôn cân nhắc trước khi mua hàng hoá. Với sự đa dạng về chủng loại, giá cả và mẫu mã sản phẩm trên thị trường, chị P đã biết lựa chọn hàng hoá một cách hợp lí. Để tránh lãng phí, trước khi quyết định mua hàng, chị thường tìm hiểu thông tin về hàng hoá, sản phẩm mình cần (giá cả, tính năng, chất lượng và phản hồi từ người tiêu dùng khác),...

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại.

D. Tính hợp lí.

Đáp án đúng là: D

Thói quen tiêu dùng của chị P trong trường hợp trên phản ánh đặc điểm: văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính hợp lí: người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu của bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Câu 9. Đặc điểm nào trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam được đề cập đến trong đoạn thông tin dưới đây?

Thông tin. Trước đây, sống trong môi trường rủi ro và tự cấp, tự túc, người Việt hình thành tính cách cần cù, chăm chỉ đi đôi với tiết kiệm. Dù nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển ở Việt Nam nhiều năm nhưng văn hoá tiết kiệm vẫn còn thể hiện khá rõ trong quá trình tiêu dùng của người dân, đặc biệt là cư dân ở nông thôn.

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại.

D. Tính hợp lí.

Đáp án đúng là: A

Đoạn thông tin trên phản ánh về đặc điểm: văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính kế thừa. Cụ thể là: dù kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển ở Việt Nam nhiều năm, nhưng người Việt (đặc biệt là cư dân ở vùng nông thôn) vẫn duy trì thói quen tiêu dùng tiết kiệm.

Câu 10. Tính giá trị trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam được hiểu là:

A. hướng tới các giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ.

B. có sự kế thừa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

C. có thói quen tiêu dùng phù hợp với sự phát triển của thời đại.

D. cân nhắc, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Đáp án đúng là: A

Tính giá trị trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam được hiểu là: người tiêu dùng ướng tới các giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ.

Câu 11. Người tiêu dùng Việt Nam biết cân nhắc, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội – đó là biểu hiện đặc điểm nào của văn hóa tiêu dùng?

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại.

D. Tính hợp lí.

Đáp án đúng là: D

Tính hợp lí trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam được hiểu là: người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Câu 12. Xác định đặc điểm văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam trong trường hợp sau:

Trường hợp. Gia đình chị A thường lựa chọn mua sắm hàng hóa ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo chị A, ưu điểm của kênh siêu thị so với các hình thức thương mại truyền thống trước tiên là giá cả hàng hóa được niêm yết, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhờ đó, tạo dựng sự tin tưởng và an tâm nhất định cho khách hàng. Tiếp đến là sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thương hiệu trong nước lẫn quốc tế, cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn luôn được cập nhật thường xuyên, công khai. Đây cũng chính là lí do khiến xu hướng tiêu dùng hiện đại đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các kênh siêu thị, trung tâm thương mại.

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại.

D. Tính hợp lí.

Đáp án đúng là: C

Trường hợp trên phản ánh: Văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính thời đại (thói quen, hình thức, cách thức tiêu dùng đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội).

Câu 13. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam?

A. Tuyên truyền nâng cao ý thức tôn vinh hàng Việt Nam.

B. Tạo kênh kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

C. Ban hành chính sách bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.

D. Cung ứng sản phẩm có chất lượng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Đáp án đúng là: D

- Trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam:

+ Ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng;

+ Tuyên truyền nâng cao ý thức tôn vinh hàng Việt Nam;

+ Tạo kênh kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Câu 14. Để xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần phải

A. thực hiện tốt các hành vi tiêu dùng có văn hóa.

B. ban hành các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

C. ban hành chính sách bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.

D. cung ứng sản phẩm có chất lượng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Đáp án đúng là: A

Để xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần phải tiêu dùng có trách nhiệm và thực hiện tốt các hành vi tiêu dùng có văn hoá.

Câu 15. Chủ thể nào dưới đây đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa?

A. Dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị T vẫn vay tiền để mua sắm hàng hiệu.

B. Nhằm tiết kiệm tiền, chị K đã mua mĩ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sử dụng.

C. Khi đi du lịch, anh B mua các đặc sản của địa phương đó về làm quà cho mọi người.

D. Anh M mua ô tô để khoe với bạn bè dù nhu cầu sử dụng của bản thân không nhiều.

Đáp án đúng là: C

Anh B đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: thông qua việc mua sản phẩm đặc sản của các địa phương về làm quà cho người thân, anh B đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền của Việt Nam tới mọi người xung quanh.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật 11 sách Cánh diều, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Lý thuyết Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Lý thuyết Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Lý thuyết Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Lý thuyết Bài 14: Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử

1 1,273 05/08/2023


Xem thêm các chương trình khác: