Lý thuyết KTPL 11 Bài 10 (Cánh diều): Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 11 Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật đầy đủ, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KTPL 11.

1 1,143 14/08/2023


Lý thuyết KTPL 11 Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

A. Lý thuyết Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

1. Công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

- Công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ:

+ Mọi công dân đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ trước Nhà nước và xã hội.

+ Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

- Công dân bình đẳng về quyền. Bất kì công dân nào nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được hưởng các quyền công dân như: quyền bầu cử, ứng cử; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin; quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh, quyền học tập, quyền được đảm bảo an sinh xã hội,...

- Công dân bình đẳng về nghĩa vụ như: tuân theo Hiến pháp và pháp luật; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế,...

- Quyền và nghĩa vụ của công dân không bị phân biệt, đối xử bởi lí do dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Pháp luật không thừa nhận đặc quyền, đặc lợi của bất kì đối tượng, tầng lớp nào.

- Trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, công dân được hưởng quyền và có nghĩa vụ như nhau, nhưng mức độ sử dụng các quyền và nghĩa vụ đó đến đâu lại tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân

2. Công dân bình đẳng về trách nhiệm pháp lí

- Bình đẳng về trách nhiệm pháp lí là bất kì công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và phải bị xử lí theo quy định của pháp luật, không phân biệt đó là người có chức, có quyền, có địa vị xã hội hay là một công dân bình thường, không phân biệt giới tính, tôn giáo,...

- Khi công dân vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ vi phạm như nhau, trong một hoàn cảnh như nhau thì từ người lãnh đạo cho đến người lao động bình thường đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau, không phân biệt đối xử.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

3. Ý nghĩa của quyền bình đẳng của công dân đối với đời sống con người và xã hội

- Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân được quy định trong Hiến pháp và luật, được thực hiện trong thực tế.

- Quyền bình đẳng trước pháp luật tạo điều kiện để công dân được sống một cuộc sống an toàn, lành mạnh, được phát triển đầy đủ và toàn diện, trên cơ sở đó có điều kiện và khả năng thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.

- Quyền bình đẳng trước pháp luật tạo ra sự công bằng giữa mọi công dân, không bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, là cơ sở đảm bảo cho xã hội an toàn, ổn định và phát triển.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Bình đẳng giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn

B. Bài tập Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Câu 1. Nội dung nào sau đây thể hiện quy định của pháp luật về sự bình đẳng của công dân về nghĩa vụ?

A. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

B. Lựa chọn loại hình bảo hiểm.

C. Từ bỏ quyền thừa kế tài sản.

D. Hỗ trợ người già neo đơn.

Đáp án đúng là: A

Công dân bình đẳng về nghĩa vụ pháp lí, như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ bảo mệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế,…

Câu 2. Theo quy định của pháp luật: mọi công dân đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ trước Nhà nước và xã hội. Quyền của công dân

A. luôn tách rời với nghĩa vụ công dân.

B. không liên quan đến nghĩa vụ công dân.

C. không tách rời với nghĩa vụ công dân.

D. không có mối liên hệ với nghĩa vụ công dân.

Đáp án đúng là: C

Theo quy định của pháp luật: mọi công dân đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ trước Nhà nước và xã hội. Quyền của công dân không tách rời với nghĩa vụ công dân.

Câu 3. Trong trường hợp dưới đây, các bạn học sinh lớp 12A1 đã được hưởng quyền gì?

Trường hợp. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khác nhau, sau khi có kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các bạn học sinh lớp 12A trường trung học phổ thông X đều đăng kí tham gia tuyển sinh đại học theo nguyện vọng của bản thân.

A. Quyền học tập.

B. Quyền sở hữu tài sản.

C. Quyền tự do ngôn luận.

D. Quyền bầu cử.

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp trên, các bạn học sinh lớp 12A đã được hưởng quyền bình đẳng về học tập, nghĩa là bình đẳng về quyền, vì đều được đăng kí tham gia tuyển sinh vào đại học theo nguyện vọng cá nhân.

Câu 4. Các chủ thể trong trường hợp dưới đây đã được hưởng quyền gì?

Trường hợp. Anh K và chị H cùng nộp hồ sơ đăng kí thành lập công ty tư nhân. Sau khi xem xét hồ sơ đăng kí kinh doanh, xét thấy hồ sơ của hai cá nhân này đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho anh Kiên và chị Hạnh trong thời hạn quy định.

A. Quyền bầu cử và ứng cử.

B. Quyền tự do ngôn luận.

C. Quyền tự do kinh doanh.

D. Quyền sở hữu tài sản.

Đáp án đúng là: C

Ở trường hợp trên, việc anh K và chị H cùng được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh là thể hiện bình đẳng trong việc hưởng quyền tự do kinh doanh của công dân.

Câu 5. Trong trường hợp dưới đây, việc cơ quan thuế tỉnh H từ chối đề nghị của bà V đã thể hiện điều gì?

Trường hợp. Ông N, bà M và bà V đều có cửa hàng bán quần áo may sẵn trên cùng một tuyến phố. Đến kì thu thuế, ông N và bà M đều thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ và đúng hạn. Riêng bà V luôn đề nghị cơ quan thuế ưu tiên cho chậm nộp thuế hằng tháng, vì bà là phụ nữ và kinh tế gia đình khó khăn hơn ông N và bà M. Đề nghị của bà V không được cơ quan thuế tỉnh H chấp thuận.

A. Đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của công dân.

B. Đảm bảo bình đẳng về trách nhiệm pháp lí của công dân.

C. Đảm bảo bình đẳng trong thực hiện các quyền của công dân.

D. Đảm bảo bình đẳng về quyền tự do kinh doanh của công dân.

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp trên, cơ quan thuế tỉnh H không chấp nhận đề nghị của bà V được chậm nộp thuế là để đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của công dân theo quy định của pháp luật.

Câu 6. Bạn học sinh nào trong tình huống dưới đây đã thực hiện đúng quy định công dân bình đẳng về nghĩa vụ trước pháp luật?

Tình huống. Năm nay M, N và K đều đủ 17 tuổi, đều thuộc diện đăng kí nghĩa vụ quân sự, theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. M và N đã thực hiện xong việc đăng kí, còn K thì không tới đăng kí cho rằng: bố của K là nhà kinh doanh thành đạt, đã nộp nhiều tiền thuế cho Nhà nước, nên K được miễn đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự.

A. Bạn M và K.

B. Bạn K và N.

C. Bạn M và N.

D. Cả 3 bạn M, N, K.

Đáp án đúng là: C

Trong trường hợp trên, bạn M và N đã thực hiện đúng quy định công dân bình đẳng về nghĩa vụ trước pháp luật. Vì: mọi công dân trong độ tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Bạn K đã vi phạm quy định ông dân bình đẳng về nghĩa vụ trước pháp luật. Vì: việc bố của K nộp thuế là thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người kinh doanh, còn K cũng như M và N đều phải thực hiện đăng kí nghĩa vụ quân sự, thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, không phân biệt.

Câu 7. Nội dung nào sau đây không đúng khi bàn về vấn đề: công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật?

A. Pháp luật thừa nhận đặc quyền, đặc lợi của những người giàu có trong xã hội.

B. Công dân bình đẳng về nghĩa vụ, như: nộp thuế, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường,…

C. Mọi công dân nếu có đủ điều kiện theo quy định đều được hưởng các quyền công dân.

D. Trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh, công dân được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau.

Đáp án đúng là: A

Pháp luật không thừa nhận đặc quyền, đặc lợi của của bất kì đối tượng, tầng lớp nào trong xã hội.

Câu 8. Bình đẳng về trách nhiệm pháp lí là bất kì công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm

A. từ bỏ sở hữu mọi tài sản.

B. phủ nhận lời khai nhân chứng.

C. về hành vi vi phạm của mình.

D. thay đổi hiện trường gây án.

Đáp án đúng là: C

Bình đẳng về trách nhiệm pháp lí là bất kì công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Câu 9. Mọi công dân khi vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ vi phạm như nhau, trong một hoàn cảnh như nhau thì

A. người có chức vụ cao hơn sẽ không bị xử lí.

B. đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau.

C. người có tài sản nhiều hơn sẽ không bị xử lí.

D. người có địa vị xã hội cao hơn sẽ không bị xử lí.

Đáp án đúng là: B

Khi công dân vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ vi phạm như nhau, trong một hoàn cảnh như nhau thì từ người lãnh đạo cho đến người lao động bình thường đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau, không phân biệt đối xử.

Câu 10. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Tại một ngã tư giao thông, ông A (nhân viên) và ông B (thủ trưởng) cùng làm tại một cơ quan, do mải nói chuyện, không chú ý nên cả hai ông đều điều khiển xe máy vượt đèn đỏ nhưng không gây tai nạn giao thông.

Câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, việc xử lí vi phạm của hai ông A và B sẽ diễn ra theo hướng nào?

A. Cả hai ông A và B đều bị xử phạt hành chính như nhau.

B. Ông B bị xử phạt hành chính nặng hơn do chức vụ cao hơn.

C. Ông A bị xử phạt hành chính nặng hơn do cấp bậc thấp hơn.

D. Ông B là thủ trưởng nên không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định của pháp luật: Khi công dân vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ vi phạm như nhau, trong một hoàn cảnh như nhau thì từ người lãnh đạo cho đến người lao động bình thường đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau, không phân biệt đối xử.

=> Cả hai ông A và B đều bị xử phạt hành chính như nhau. Vì: ông A và ông B cùng phạm một lỗi (vượt đèn đỏ); mức độ vi phạm ngang nhau và hành vi vi phạm xảy ra trong một hoàn cảnh như nhau.

Câu 11. Việc thực hiện tốt quy định công dân bình đẳng về trách nhiệm pháp lí được thể hiện trong trường hợp nào dưới đây?

Trường hợp 1. Anh B là con trai của chủ tịch tỉnh X, anh B  cùng với chị C có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Khi đưa ra xét xử thấy hành vi của anh B có tính chất dã man, còn chị C là đồng phạm. Vì vậy toà tuyên án anh B là 2 năm 4 tháng tù còn chị C bị tuyên mức án là 1 năm 7 tháng tù.

Trường hợp 2. Doanh nghiệp A có hành vi trốn thuế, sau khi điều tra và phát hiện doanh nghiệp A đã cấu kết với một cán bộ trong cơ quan thuế để thực hiện trót lọt các hành vi này. Cơ quan điều tra đã khởi tố những người liên quan trong doanh nghiệp thực hiện hành vi này và cả người cán bộ trong cơ quan thuế để xử lý một cách nghiêm minh, đúng pháp luật.

Trường hợp 3. Tại một ngã tư giao thông, ông M (nhân viên) và ông N (thủ trưởng) cùng làm tại một cơ quan, do mải nói chuyện, không chú ý nên cả hai ông đều điều khiển xe máy vượt đèn đỏ nhưng không gây tai nạn giao thông. Khi bị anh C (cảnh sát giao thông) lập biên bản, ông N đã lợi dụng chức vụ và những mối quan hệ của mình để tác động tới anh C. Kết quả là: ông N không bị xử phạt trong khi ông M phải nộp phạt 400.000 đồng.

A. Trường hợp 1 và 3.

B. Trường hợp 2 và 3.

C. Trường hợp 1 và 2.

D. Cả 3 trường hợp.

Đáp án đúng là: C

- Trong trường hợp 1, toà án căn cứ vào mức độ, tính chất và hành vi vi phạm để xác định hình phạt và mức án phạt. Cho dù anh B là con trai của chủ tịch tỉnh X thì cũng vẫn phải chịu mức án về hành vi của mình, không có sự thiên vị nào ở đây cả bởi anh B bình đẳng như mọi công dân Việt Nam khác về trách nhiệm pháp lý.

- Trong trường hợp 2, có thể thấy rằng pháp luật nghiêm minh xử lý đúng người đúng tội, cho dù có là cán bộ cơ quan nhà nước nhưng khi có sai phạm vẫn sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật.

Câu 12. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật đối với đời sống con người và xã hội?

A. Là cơ sở đảm bảo cho xã hội an toàn, ổn định và phát triển.

B. Giúp bảo vệ lợi ích của một nhóm thiểu số người trong xã hội.

C. Tạo điều kiện để công dân được sống một cuộc sống an toàn, lành mạnh.

D. Tạo sự công bằng giữa mọi công dân, không bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực.

Đáp án đúng là: B

- Ý nghĩa:

+ Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân được quy định trong Hiến pháp và luật, được thực hiện trong thực tế.

+ Quyền bình đẳng trước pháp luật tạo điều kiện để công dân được sống một cuộc sống an toàn, lành mạnh, được phát triển đầy đủ và toàn diện, trên cơ sở đó có điều kiện và khả năng thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.

+ Quyền bình đẳng trước pháp luật tạo ra sự công bằng giữa mọi công dân, không bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, là cơ sở đảm bảo cho xã hội an toàn, ổn định và phát triển.

Câu 13. Mọi công dân, không phân biệt nam, nữ thuộc các dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau đều không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật - đó là nội dung của quyền nào sau đây?

A. Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật.

B. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

C. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

D. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo.

Đáp án đúng là: A

Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật nghĩa là mọi công dân, không phân biệt nam, nữ thuộc các dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau đều không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

Câu 14. Theo quy định của pháp luật, bất kì công dân nào đủ điều kiện đều phải nộp thuế là thể hiện công dân bình đẳng về

A. danh dự cá nhân.

B. phân chia quyền lợi

C. địa vị chính trị.

D. nghĩa vụ pháp lí.

Đáp án đúng là: D

Công dân bình đẳng về nghĩa vụ pháp lí, như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ bảo mệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế,…

Câu 15. Theo quy định của pháp luật, công dân bình đẳng trước Nhà nước và xã hội khi thực hiện nghĩa vụ

A. thành lập doanh nghiệp tư nhân.

B. đóng góp quỹ bảo trợ xã hội.

C. xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

D. đầu tư các dự án kinh tế.

Đáp án đúng là: C

Theo quy định của pháp luật, công dân bình đẳng trước Nhà nước và xã hội khi thực hiện nghĩa vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Câu 16. Theo quy định của pháp luật, công dân bình đẳng trước pháp luật khi thực hiện nghĩa vụ

A. bảo vệ môi trường.

B. đầu tư các dự án kinh tế.

C. đóng góp quỹ bảo trợ xã hội.

D. thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Đáp án đúng là: A

Công dân bình đẳng về nghĩa vụ pháp lí, như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ bảo mệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế,…

Câu 17. Mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí là

A. bình đẳng trước pháp luật.

B. ngang bằng về lợi nhuận.

C. đáp ứng mọi sở thích.

D. thỏa mãn tất cả nhu cầu.

Đáp án đúng là: A

Mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí là bình đẳng trước pháp luật.

Câu 18. Hành vi nào dưới đây không vi phạm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật?

A. Công ty K buộc chị M thôi việc trong thời gian đang nuôi con tám tháng tuổi.

B. Cán bộ xã T không ghi tên vào anh B (18 tuổi) danh sách cử tri vì anh B không biết chữ.

C. Dù vượt đèn đỏ, nhưng anh S không bị xử phạt vì anh là con chủ chủ tịch tỉnh H.

D. Nhà nước ban hành một số chính sách ưu tiên đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số.

Đáp án đúng là: D

- Đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống tại những địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế; thông tin liên lạc và cơ sở vật chất cho giáo dục còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu hơn so với các khu vực khác trong cả nước; mặt khác, do kinh tế khó khăn và nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nên nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con, em => Vì vậy, việc nhà nước Việt Nam ban hành và thực hiện một số chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật. Những chính sách ưu tiên này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa,… có thể tiếp tục học tập, lĩnh hội tri thức như mọi công dân khác. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật 11 sách Cánh diều, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Lý thuyết Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Lý thuyết Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Lý thuyết Bài 14: Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử

Lý thuyết Bài 15: Quyền và nghĩa vụ công dân về khiếu nại, tố cáo

1 1,143 14/08/2023


Xem thêm các chương trình khác: