Giải Lịch sử 6 Bài 13 (Kết nối tri thức): Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X

Với giải bài tập Lịch sử lớp 6 Bài 13: Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X sách Kết nối tri thức với cuộc sống chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Lịch sử 6. 

1 1295 lượt xem


Mục lục Giải Lịch Sử 6 Bài 13: Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X

Video giải Lịch Sử 6 Bài 13: Giao lưu văn hóa ở Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X

A. CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu hỏi trang 58 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Đời sống tín ngưỡng - tôn giáo của các cư dân Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc như thế nào?

Trả lời:

- Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc tới đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của cư dân Đông Nam Á được thể hiện qua một số điểm sau đây:

+ Thứ nhất: các hệ tư tưởng – tôn giáo của Ấn Độ, Trung Quốc được du nhập vào Đông Nam Á và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân. Ví dụ:

§  Cư dân Đại Việt tiếp thu Nho giáo và Phật giáo Bắc tông từ Trung Quốc.

§  Cư dân: Chân Lạp, Chăm-pa… sùng mộ Ấn Độ giáo.

§  Cư dân Phù Nam, Sri Vi-giay-a là những trung tâm Phật giáo lớn của khu vực Đông Nam Á.

+ Thứ 2: các tôn giáo của Ấn Độ, Trung Quốc khi du nhập vào Đông Nam Á đã có sự dung hợp với tín ngưỡng của cư dân bản địa. Ví dụ:

§  Một số quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ có tín ngưỡng thờ Thần – Vua.

§  Trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, bên cạnh ban thờ Phật còn có ban thờ các vị thần/ thánh của người Việt, như: Đức Thánh Trần; Mẫu (Mẫu Thủy, Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thượng Thiên….).

+ Thứ 3, các tôn giáo của Ấn Độ và Trung Quốc khi du nhập vào Đông Nam Á đã có tác dụng nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc; quan niệm đạo đức – triết lí sống của cư dân Đông Nam Á. Ví dụ:

§  Về kiến trúc – điêu khắc: các quốc gia Đông Nam Á xây dựng nhiều công trình kiến trúc mang đậm ảnh hưởng của các Phật giáo, Ấn Độ giáo.

§  Về quan niệm đạo đức – triết lí sống: các tôn giáo Phật giáo, Ấn Độ giáo… đều hướng con người tới sự lương thiện.

Câu hỏi trang 59 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Những bằng chứng nào chứng tỏ chữ viết, văn học Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc?

Trả lời:

- Một số bằng chứng, chứng minh: chữ viết, văn học Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc:

+ Về chữ viết:

§  Trên cơ sở hệ thống chữ viết của người Ấn Độ, nhiều nhóm cư dân Đông Nam Á đã tạo ra chữ viết riêng của mình. Ví dụ như: Người Khơ-me sáng tạo ra chữ Khơ-me cổ dựa trên cơ sở chữ Phạn; Người Môn sáng tạo ra chữ Môn cổ trên cơ sở chữ Pa-li.

§  Người Việt kế thừa hệ thống chữ Hán của người Trung Quốc, trên cơ sở đó, tới khoảng thế kỉ XIII, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm.

+ Về văn học:

§  Người Đông Nam Á tiếp thu văn học Ấn Độ (tiêu biểu nhất là 2 bộ sử thi: Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-y-a-na) để sáng tạo ra những bộ sử thi của dân tộc mình, như: Phạ lắc – Phạ Lam (Lào); Ra-ma-kien (Thái Lan); Riêm Kê (Cam-pu-chia)….

§  Người Việt tiếp thu hệ thống văn chương (thể loại; chất liệu văn học…) của Trung Quốc.

Câu hỏi trang 60 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Kiến trúc và điêu khắc Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỉ X có điểm gì nổi bật?

Trả lời:

- Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Đông Nam Á từ đầu công nguyên đến thế kỉ X là: chịu ảnh hưởng đậm nét của các tôn giáo, như: Ấn Độ giáo, Phật giáo.

+ Về kiến trúc: kiến trúc Ấn Độ giáo tiêu biểu ở Đông Nam Á là kiến trúc đền – núi, như: đền Bô-rô-bu-đua; La-ra Giong-grang (In-đô-nê-xi-a); Thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam).

+ Nghệ thuật điêu khắc thể hiện qua các bức phù điêu, bức chạm nổi, tượng thần, Phật…

 

B. CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1 trang 60 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc đã ảnh hưởng đến văn hoá Đông Nam Á như thế nào trong những thế kỷ đầu Công nguyên?

Trả lời:

- Trong lịch sử, do vị trí địa lí đặc biệt của mình, Đông Nam Á đã sớm có sự tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ. Quá trình giao lưu – tiếp xúc đó đã có nhiều tác động quan trọng đến văn hóa Đông Nam Á. Điều này được thể hiện trên những phương diện sau:

+ Lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo:

§  Các hệ tư tưởng – tôn giáo của Ấn Độ, Trung Quốc được du nhập vào Đông Nam Á và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân.

§  Các tôn giáo của Ấn Độ, Trung Quốc khi du nhập vào Đông Nam Á đã có sự dung hợp với tín ngưỡng của cư dân bản địa.

§  Các tôn giáo của Ấn Độ và Trung Quốc khi du nhập vào Đông Nam Á đã có tác dụng nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc; quan niệm đạo đức – triết lí sống của cư dân Đông Nam Á.

+ Lĩnh vực chữ viết:

§  Trên cơ sở hệ thống chữ viết của người Ấn Độ, nhiều nhóm cư dân Đông Nam Á đã tạo ra chữ viết riêng của mình.

§  Người Việt kế thừa hệ thống chữ Hán của người Trung Quốc, trên cơ sở đó, tới khoảng thế kỉ XIII, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm.

+ Lĩnh vực văn học:

§  Người Đông Nam Á tiếp thu văn học Ấn Độ (tiêu biểu nhất là 2 bộ sử thi: Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-y-a-na) để sáng tạo ra những bộ sử thi của dân tộc mình.

§  Người Việt tiếp thu hệ thống văn chương (thể loại; chất liệu văn học…) của Trung Quốc.

+ Nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc của Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng đậm nét của các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo.

Câu 2 trang 60 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Tìm thêm thông tin và chia sẻ với bạn về một thành tựu văn hoá Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc.

Trả lời:

Giới thiệu đền Bô-rô-bua-đua – kì quan Phật giáo lớn nhất thế giới!

- Bô-rô-bua-đua là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII dưới thời kì cai trị của Vương quốc Syailendra. Bô-rô-bua-đua tọa lạc cách 42 km về phía Bắc thành phố Yogyakarta, trung tâm của đảo Java (In-đô-nê-xi-a); công trình này đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.

- “Bô-rô-bua-đua” trong tiếng In-đô-nê-xi-a có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao". Toàn bộ tòa tháp do 300 nghìn viên đá xếp thành, được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng khoảng 2500 m², theo mô hình của một Mạn-đà-la, tức là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa.

- Đền Bô-rô-bua-đua cao khoảng 42 m, bao gồm 9 tầng chồng lên nhau, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới.

+ Lớp chân đế (gồm 2 tầng dưới cùng) có bình đồ hình vuông, bốn cạnh hướng về bốn hướng. Đây là lớp phản ánh Dục Giới, bao gồm 160 mảng phù điêu mô tả hoạt cảnh của cuộc sống trần tục, những hoạt động trong đời sống hàng ngày, cũng như dục vọng tầm thường của chúng sinh trong tam giới.

+ Lớp thứ hai (gồm 4 tầng ở giữa) cũng có bình đồ hình vuông, với các hành lang thông nhau tứ phía. Dọc các hành lang ấy là 1,300 mảng điêu khắc nối tiếp nhau mô tả các tích truyện về cuộc sống của con người và tu sĩ, sự tích Đức Phật… Ngoài ra, bốn tầng giữa của  Bô-rô-bu-đua còn có 1212 mảng điêu khắc trang trí vô cùng tinh tế với các hoa văn mang dấu ấn bản địa, khiến du khách không khỏi mê mẩn và choáng ngợp khi dạo bước quanh những hành lang đá xám của ngôi đền đồ sộ này.

+ Lớp cuối gồm 3 tầng trên cùng - là lớp Vô Sắc Giới được thể hiện bằng 3 vòng tròn đồng tâm, mang ý nghĩa nơi đây không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Theo Phật Giáo, đây là cõi Niết Bàn, cảnh giới cao nhất của sự tu luyện. Ở mỗi tầng thuộc lớp Vô Sắc Giới có 92 tôn tượng Phật được đặt trong những bảo tháp và trong mỗi tôn tượng này đều có thủ ấn (Mudra) cho biết tôn tượng này thuộc về hướng nào (hướng đông với thủ ấn của trái đất kêu gọi làm chứng, phía nam với thủ ấn phước lành, phía tây với thủ ấn của thiền định, phía bắc với thủ ấn của sự can đảm).

- Sau khi vương triều Phật giáo Syailendra sụp đổ,  Bô-rô-bu-đua đã bị bỏ hoang và lãng quên trong suốt hơn 10 thế kỷ. Mãi đến sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc (năm 1945), Cộng hòa In-đô-nê-xi-a mới ý thức được tầm quan trọng của  Bô-rô-bu-đua liền mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu, đồng thời yêu cầu UNESCO giúp sức để trùng tu. Một chương trình cấp thời vào năm 1948 do Liên Hiệp Quốc đưa ra đã giúp cho  Bô-rô-bu-đua thoát khỏi cảnh hoang tàn và quên lãng. Tiếp theo là một chương trình trùng tu rộng lớn hơn kéo dài từ 1970 đến 1982 do UNESCO đảm trách với sự hợp tác của 27 quốc gia trên thế giới đã hồi phục cho  Bô-rô-bu-đua.

- Ngày nay,  Bô-rô-bu-đua là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch nhất tại In-đô-nê-xi-a.  Bô-rô-bu-đua không chỉ là một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của In-đô-nê-xi-a mà còn là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại của Phật giáo và của cả nhân loại.

Câu 3 trang 60 SGK Lịch sử 6 - KNTT: Em hiểu gì về biểu tượng trên lá cờ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày nay?

Trả lời:

- Ý nghĩa từ màu sắc, biểu tượng trên lá cờ ASEAN:

+ Bốn màu xanh da trời, đỏ, trắng và vàng trên biểu tượng thể hiện bốn màu chủ đạo trên quốc kỳ của các nước thành viên ASEAN. 

§  Màu xanh da trời biểu hiện cho hòa bình và ổn định.

§  Màu đỏ thể hiện dũng khí và sự năng động.

§  Màu trắng cho thấy sự thuần khiết.

§  Màu vàng là biểu trưng cho sự thịnh vượng. 

+ Biểu tượng bó lúa:

§  Lấy biểu tượng chính là hình bó lúa vì các nước ASEAN chủ yếu là các nước nông nghiệp.

§  10 thân cây lúa thể hiện cho ước mơ của các thành viên sáng lập ASEAN về một ASEAN bao gồm tất cả các nước ở Đông Nam Á quây quần trong tình hữu nghị và đoàn kết (tới năm 1999, khu vực Đông Nam Á gồm 10 nước).

§  Vòng tròn là biểu tượng cho sự thống nhất của ASEAN.

- Ý nghĩa chung: biểu tượng trên lá cờ ASEAN tượng trưng cho một cộng đồng ASEAN ổn định, hòa bình, thống nhất và năng động.

 

Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Bài 14: Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

Bài 15: Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc và sự chuyển biến của xã hội Âu Lạc

Bài 16: Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập trước thế kỉ X

Bài 17: Các cuộc đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Việt

Bài 18: Bước ngoạt Lịch sử đầu thế kỉ X

1 1295 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: