Giải KHTN 9 Bài 37 (Cánh diều): Đột biến nhiễm sắc thể

Với giải bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 37: Đột biến nhiễm sắc thể sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KHTN 9 Bài 37.

1 657 16/05/2024


Giải KHTN 9 Bài 37: Đột biến nhiễm sắc thể

Mở đầu trang 179 Bài 37 KHTN 9: Bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) của người gồm 46 nhiễm sắc thể. Một em bé mới sinh có số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào là 47, trong đó nhiễm sắc thể số 21 có 3 chiếc. Đây là hiện tượng gì?

Trả lời:

Hiện tượng trên là hiện tượng đột biến số lượng nhiễm sắc thể, dạng lệch bội thể ba (2n + 1) ở cặp nhiễm sắc thể số 21. Em bé mang đột biến này sẽ mắc hội chứng Down dẫn đến có nhiều điểm bất thường trên khuôn mặt (mũi tẹt, mắt chếch lên trên,…), tầm vóc thấp bé, dị tật tim, chậm phát triển và thường có tuổi thọ ngắn hơn người bình thường.

Câu hỏi 1 trang 179 KHTN 9: Quan sát hình 37.1, cho biết hình 37.1b và 37.1c có gì khác so với hình 37.1a về cấu trúc và số lượng.

Quan sát hình 37.1, cho biết hình 37.1b và 37.1c có gì khác so với hình 37.1a về cấu trúc và số lượng

Trả lời:

- Ở hình 37.1b, bộ nhiễm sắc thể có bất thường về số lượng: bộ nhiễm sắc thể có 47 chiếc, trong đó nhiễm sắc thể số 18 có 3 chiếc.

- Ở hình 37.1c, bộ nhiễm sắc thể có bất thường về cấu trúc: 1 chiếc của nhiễm sắc thể số 5 bị mất một đoạn khiến chiếc nhiễm sắc thể này ngắn hơn bình thường.

Câu hỏi 2 trang 180 KHTN 9: Quan sát hình 37.2, nhận xét sự sai khác của nhiễm sắc thể bị đột biến so với dạng ban đầu.

Quan sát hình 37.2, nhận xét sự sai khác của nhiễm sắc thể bị đột biến so với dạng ban đầu

Trả lời:

Nhận xét sự sai khác của nhiễm sắc thể bị đột biến so với dạng ban đầu:

- Trong trường hợp mất đoạn: Nhiễm sắc thể đột biến bị mất một đoạn C.

- Trong trường hợp lặp đoạn: Nhiễm sắc thể đột biến có thêm đoạn BC.

- Trong trường hợp đảo đoạn: Nhiễm sắc thể có đoạn BCD bị đảo ngược 180o.

- Trong trường hợp chuyển đoạn: Nhiễm sắc thể thứ nhất bị thay thế đoạn AB bằng đoạn KLM có nguồn gốc từ nhiễm sắc thể thứ hai, nhiễm sắc thể thứ hai bị thay thế đoạn KLM bằng đoạn AB có nguồn gốc từ nhiễm sắc thể thứ nhất.

Luyện tập 1 trang 180 KHTN 9: Lấy thêm ví dụ khác về đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể.

Trả lời:

Một số ví dụ khác về đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể:

- Đột biến chuyển đoạn nhiễm sắc thể (11, 19, 22,…) có khả năng gây ung thư.

- Đột biến lặp đoạn làm tăng hoạt tính của enzyme amylase ở đại mạch.

- Mất đoạn nhỏ ở đầu NST 21 gây ung thư máu ở người.

Luyện tập 2 trang 181 KHTN 9: Quan sát hình 37.3, 37.4, nêu tên loại đột biến được thể hiện ở mỗi trường hợp trong hình 37.4.

Quan sát hình 37.3, 37.4, nêu tên loại đột biến được thể hiện ở mỗi trường hợp trong hình 37.4

Trả lời:

- Trường hợp (a) có cặp nhiễm sắc thể thứ 4 chứa 3 chiếc → Dạng đột biến: đột biến thể ba (2n + 1).

- Trường hợp (b) có cặp nhiễm sắc thể thứ 4 chỉ chứa 1 chiếc → Dạng đột biến: đột biến thể một (2n – 1).

- Trường hợp (c) mỗi cặp nhiễm sắc thể đều chứa 3 chiếc → Dạng đột biến: đột biến tam bội (3n).

- Trường hợp (d) mỗi cặp nhiễm sắc thể đều chứa 4 chiếc → Dạng đột biến: đột biến tứ bội (4n).

Câu hỏi 3 trang 181 KHTN 9: Nêu thêm ví dụ về đột biến số lượng nhiễm sắc thể.

Trả lời:

Một số ví dụ về đột biến số lượng nhiễm sắc thể:

- Người có bộ nhiễm sắc thể chỉ có một nhiễm sắc thể giới tính X mắc hội chứng Turner.

- Người có bộ nhiễm sắc thể có ba nhiễm sắc thể giới tính X mắc hội chứng Siêu nữ.

- Người có bộ nhiễm sắc thể có ba nhiễm sắc thể giới tính XXY mắc hội chứng Klinefelter.

Câu hỏi 4 trang 182 KHTN 9: Hãy lấy thêm ví dụ về tác hại và ý nghĩa của đột biến số lượng nhiễm sắc thể.

Trả lời:

- Ví dụ về ý nghĩa của đột biến số lượng nhiễm sắc thể:

+ Dương liễu 5n lớn nhanh, cho gỗ tốt.

+ Dâu tây 10n sinh trưởng nhanh, kích thước quả lớn, lượng đường trong quả cao.

+ Tôm sú 3n sinh trưởng nhanh, kích thước cơ thể lớn, năng suất cao hơn tôm sú 2n.

- Ví dụ về tác hại của đột biến số lượng nhiễm sắc thể:

+ Người mắc hội chứng Patau, thừa một NST ở cặp NST số 13 (2n = 47): Hơn 80% trẻ sinh ra với hội chứng này tử vong trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn có trẻ có thể sống tới tuổi vị thành niên mặc dù rất hiếm.

+ Người bị hội chứng Jacob có NST giới tính kí hiệu XYY (hội chứng siêu nam): thường có rối loạn về hệ vận động (cơ, xương) và hệ thần kinh.

+ Người mắc hội chứng Down có bộ NST với 3 NST số 21: Có nhiều bất thường trên khuôn mặt (mũi tẹt, mắt chếch lên trên,…), tầm vóc thấp bé, dị tật tim, chậm phát triển và thường có tuổi thọ ngắn hơn người bình thường.

Vận dụng trang 182 KHTN 9: Tìm hiểu một số giống vật nuôi, cây trồng được tạo ra từ đột biến nhiễm sắc thể ở địa phương em.

Trả lời:

- Một số giống vật nuôi được tạo ra từ đột biến nhiễm sắc thể: hàu tam bội có tốc độ phát triển nhanh và kích thước lớn hơn hàu lưỡng bội, tôm sú tam bội sinh trưởng nhanh và kích thước cơ thể lớn,…

- Một số giống cây trồng được tạo ra từ đột biến nhiễm sắc thể: dưa hấu tam bội không hạt, nho tam bội không hạt, chuối tam bội không hạt, củ cải đường tam bội có kích thước lớn, lúa mì lục bội 6n có năng suất cao và sức chống chịu tốt,…

1 657 16/05/2024