GDCD 7 Bài 8 (Cánh diều): Bạo lực học đường

Với soạn, giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Bài 8: Bạo lực học đường sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập GDCD 7 Bài 8.

                                                            

1 10,142 07/12/2022
Tải về


Giải bài tập Giáo dục công dân 7  Bài 8: Bạo lực học đường

I. Mở đầu

Câu hỏi trang 40 GDCD 7: Em hãy quan sát những hình sau để đặt tên cho mỗi hình ảnh và giải thích ý nghĩa của tên gọi đó.

Trả lời:

- Hình trên: Những cái chỉ tay đáng sợ: Đây là hành vi cô lập, chỉ trích, nói xấu bạn bè trong lớp, trường khiến cho học sinh bị tổn thương.

- Hình dưới: Bàn tay ấm áp: Hành động thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc nhau giữa con người với con người.

II. Khám phá

1. Biểu hiện của bạo lực học đường

Câu hỏi trang 40 GDCD 7: Em hãy đọc các thông tin, trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi

a) Em hãy căn cứ vào thông tin để xác định những hành vi bạo lực học đường được thể hiện qua mỗi trường hợp và hình ảnh trên?

b) Ngoài những hành vi trên, em còn biết hoặc chứng kiến những hành vi bạo lực học đường nào khác?

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Trường hợp 1: Hành vi nói xấu và cô lập, lảng tránh T, lôi kéo bạn khác không chơi với T là hành vi bạo lực học đường.

- Trường hợp 2: Xúc phạm danh dự và làm tổn hại đến thể chất H là hành vi bạo lực học đường.

Yêu cầu b) Một số hành vi bạo lực học đường khác:

- Đánh bạn.

- Nói xấu, chê bai, chế giễu bạn.

- Tung tin đồn không chính xác về bạn.

- Hủy hoại, đập phá đồ đạc của bạn.

- Sử dụng hình ảnh cá nhân bạn để uy hiếp, ép buộc bạn làm theo lời.

2. Nguyên nhân và hậu quả của bạo lực học đường

Câu hỏi trang 42 GDCD 7: Em hãy đọc tình huống và trả lời câu hỏi

a) Theo em, những hành vi nào của các nhân vật trong từng tình huống trên là hành vi có tính chất bạo lực học đường?

b) Nguyên nhân và hậu quả của những hành vi đó là gì?

Trả lời:

Yêu cầu a)

Tình huống 1: Hành vi hay nổi nóng, gây gổ với bạn bè, cãi nhau và định đánh bạn.

Tình huống 2: Hành vi kéo bè phái đi dọa dẫm, bắt nạt các bạn khác.

Yêu cầu b)

Tình huống 1:

+ Nguyên nhân là do H bị ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh có nội dung bạo lực.

+ Hậu quả dẫn đến mối quan hệ giữa H và bạn bè không yên bình, H bị nhà trường cảnh cáo.

Tình huống 2:

+ Nguyên nhân là do không có nhận thức đúng đắn, luôn cho mình là mạnh nhất.

+ Hậu quả là V không có được sự yêu mến của các bạn bè xung quanh.

III. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 43 GDCD 7: Những hành vi nào dưới đây là bạo lực học đường? Vì sao?

A. Chụp trộm hình ảnh của một bạn khác và gửi cho nhóm bạn để bàn tán, chế giễu.

B. Lấy đồ ăn sáng của bạn khác.

C. Bịt tai mỗi khi một bạn học sinh phát biểu hoặc nói chuyện.

D. Nhại giọng, bắt chước một cách thiếu tôn trọng.

E. Gửi những tin nhắn, hình ảnh, video, bài viết nhằm gây tổn thương, tra tấn bạn khác.

G. Véo tai, giật tóc một bạn khi đang nô đùa.

H. Mượn đồ dùng học tập của bạn nhưng quên không trả lại.

Trả lời:

Những hành vi bạo lực học đường:

A. Vì hành vi này là xúc phạm danh dự của bạn bị chụp trộm.

B. Vì đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.

D. Vì đây là hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự của bạn.

E. Vì đây là hành vi bạo lực trực tuyến, bôi nhọ danh dự của bạn.

G. Vì đây là hành vi làm tổn hại đến thân thể của bạn.

Luyện tập 2 trang 43 GDCD 7: Trong một buổi hoạt động ngoại khoá về phòng, chống bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường chỉ gây tổn hại tới người bị bạo lực.

Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

- Không đồng ý.

- Vì hậu quả của bạo lực học đường gây tổn hại đến cả người gây bạo lực và người bị bạo lực.

+ Người gây ra bạo lực học đường cũng có thể bị tổn thương về thể chất, tinh thần; bị lệch lạc nhân cách; phải chịu các hình thức kỉ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Người bị bạo lực học đường có thể bị tổn thương thể chất, tinh thần, giảm sút kết quả học tập và rèn luyện.

Luyện tập 3 trang 43 GDCD 7: K và C đều là học sinh lớp 7A. Do xích mích với nhau trên mạng xã hội, K đã hẹn gặp C để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi gặp nhau, hai bạn đã xảy ra xô xát.

a) Theo em, ai là người bị bạo lực học đường trong tình huống trên?

b) Em hãy chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của bạo lực học đường trong tình huống đó.

Trả lời:

Yêu cầu a) Cả hai bạn đều là người gây ra bạo lực và là người bị bạo lực. Bởi vì cả hai đều bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Yêu cầu b) Nguyên nhân là do hai bạn xích mích với nhau trên mạng xã hội, có những lời lẽ không tốt đến nhau nên gây ra mâu thuẫn lớn. Hậu quả là hai bạn xô xát với nhau, cả hai đều bị tổn thương về thể chất và có thể sẽ phải chịu kỉ luật.

Luyện tập 4 trang 43 GDCD 7: Em hãy kể một trường hợp bạo lực học đường mà em biết; chỉ ra nguyên nhân, hậu quả của tình huống bạo lực học đường đó.

Trả lời:

- Trường hợp: Do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên A bị một số bạn cùng lớp cô lập, nói xấu, ghép ảnh chế giễu. Giờ ra chơi, một số bạn hẹn A ra nhà để xe rồi mắng và đánh đập A. A vô cùng sợ hãi và lo lắng.

- Nguyên nhân:

+ Nguyên nhân chủ quan: sự thiếu hụt kĩ năng sống, thích thể hiện bản thân, tính cách nông nổi.

+ Nguyên nhân khách quan: do tác động tiêu cực từ mạng xã hội.

- Hậu quả:

+ Các bạn gây ra bạo lực học đường bị lệch lạc nhân cách, phải chịu các hình thức kỉ luật.

+ Bạn A bị tổn thương thể chất, tinh thần.

IV. Vận dụng

Vận dụng 1 trang 43 GDCD 7: Em hãy thiết kế một sản phẩm tuyên truyền: tranh vẽ, video với thông điệp truyền thông về nguyên nhân và hậu quả của bạo lực học đường.

Trả lời:

(*) Sản phẩm tham khảo

Vận dụng 2 trang 43 GDCD 7: Em hãy cùng bạn xây dựng một tiết mục văn nghệ (tiểu phẩm, nhạc kịch,…) về chủ đề phòng, chống bạo lực học đường và trình bày trong tiết học sau.

Trả lời:

Câu chuyện: “QUÁ MÙ RA MƯA…”

(*) Giới thiệu các nhân vật:

- Quang Hòa: Học sinh bị kéo xe.

- Trung Hiếu: Học sinh kéo xe Hòa.

- Quang Huy: Học sinh cùng kéo xe Hòa.

- Đức Long: Anh họ của Hòa.

- Mai Hương: Cô giáo chủ nhiệm.

- Minh Huệ, Ánh Nguyệt: 2 bạn học sinh nữ.

- Bác bảo vệ của trường.

(*) Nội dung câu truyện:

Vừa tan lớp Hòa dắt chiếc xe đạp đi ra từ nhà xe, định đạp một mạch về nhà nhưng ra đến cổng thì có Hiếu và Huy cùng lớp bỗng ở đâu xông ra kéo xe Hòa lại kiến cho Hòa suýt nữa bị ngã.

- Hòa: Chúng mày kéo xe tao lại làm gì? Liệu hồn đấy!

Nói xong Hòa lại định đạp xe đi tiếp, nhưng rồi lại bị kéo lại.

- Hòa: Trong hai thằng mày, thằng nào vừa kéo xe tao, nhận đi. Hòa chỉ vào Huy và Hiếu, nói tiếp: Thằng này hay thằng này hả?

Vừa nói, Hòa vừa đẩy vào ngực Hiếu và Huy. Cả hai bên đều giằng co nhau, cuối cùng cả Hiếu và Huy đạp vào bụng Hòa. Sau đó, nghe chừng một mình không đánh nổi hai bạn kia, Hòa đành nói:

- Hòa: Được chúng mày liệu hồn, đã kéo xe tao bắt nạt rồi lại còn đánh tao, tao về mách anh Long của tao, để anh ấy sẽ cho chúng mày một trận.

- Hiếu: Được rồi, mày cứ về mách anh mày đi, một anh chứ kể cả mười anh Long nhà mày chúng tao cũng chấp.

- Hòa: Được ngày mai tại cổng trường, chúng mày cứ đợi đấy.

Nói rồi rồi Hòa hậm hực phóng xe về. Giờ tan học ngày hôm sau, trước cổng trường tại quán bi-a, Hòa gặp Hiếu và Huy.

- Hòa: (lớn tiếng) Hôm qua chúng mày trêu tao, bây giờ còn to mồm nữa không, tí nữa anh tao đến sẽ cho chúng mày một trận.

Vừa lúc ấy anh Long của Hòa xuất hiện từ xa.

- Hòa: (gọi to) Anh Long ơi, anh Long chúng nó đây này.

Long chạy đến không hỏi han gì liền túm ngay lấy Hiếu và Huy trợn mắt quát:

- Long: (quát to) Hôm qua đứa nào bắt nạt em tao hả?

Nói rồi Long đánh túi bụi vào Hiếu và Huy. Cũng cùng lúc ấy Huệ và Nguyệt cũng đeo cặp đi ngang qua.

- Huệ: Hình như ba bạn của lớp mình đang đánh nhau hay sao ấy?

- Nguyệt: Kệ các bạn ấy, mình sợ đánh nhau lắm, thôi chúng mình đi về đi.

- Huệ: Không, để các bạn ấy đánh nhau nếu xảy ra thương tích thì làm thế nào? Hay chúng mình đi báo cô giáo chủ nhiệm và bác bảo vệ đi.

Cả hai đi gọi cô giáo. Lát sau hai bạn cúng quay lại với cô giáo và bác bảo vệ

- Cô Hương: (Nói với Long) Anh là ai? Sao lại đánh học sinh của trường? (Nói với Hiếu và Huy) Có chuyện gì vậy hả các em?

- Bác bảo vệ: Bây giờ mời cô giáo và tất cả các em cùng về phòng bảo vệ để cùng giải quyết.

Tại phòng bảo vệ

- Cô Hương: Các em hãy viết bản tường trình về diễn biến sự việc để cô biết.

Cả ba học sinh lấy giấy bút ra để viết nhưng vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

- Hòa: Tại chúng mày! Tại chúng mày cả đấy. Ai bảo chúng mày cứ kéo xe của tao làm gì.

- Hiếu: Tại mày mách anh Long đến đánh chúng tao chứ! Đồ hèn, không làm gì được, chỉ biết về mách anh.

Thấy vậy, Cô Hương nhắc nhở:

- Cô Hương: Các em viết xong chưa?

- Cả ba học sinh: Thưa cô, bây giờ chúng em sẽ viết ạ.

- Bác bảo vệ: (nói với Long) Anh là ai? Tại sao lại đến đây đánh học sinh của trường.

- Long: Cháu là anh trai của em Hòa, hôm qua em Hòa có mách với cháu là bị các bạn trong lớp bắt nạt.

- Bác bảo vệ: Các em ấy bắt nạt em Hòa như thế nào?

- Long: Lúng túng gãi đầu. Thì các em ấy kéo xe, đánh em cháu làm em cháu sợ, không dám đi học nữa.

- Cô Hương: Sao gia đình không báo với tôi hay các thầy, cô giáo của trường, mà lại tự ý đến giải quyết như vậy?

- Bác bảo vệ: Cháu lớn hơn mà đến đánh các em như vậy, nếu chúng tôi không biết và can ngăn kịp thời, học sinh bị thương tích nặng thì cháu nghĩ sao?

- Cô Hương: Cậu có biết làm vậy là vi phạm pháp luật không?

Sau khi được cô và bác bảo vệ nhắc nhở, các bạn học sinh đã hiểu ra và làm hòa với nhau.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Bài 9: Ứng phó với bạo lực học đường

Bài 10: Tệ nạn xã hội

Bài 11: Thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội

Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Bài 1: Tự hào về truyền thống quê hương

Xem thêm tài liệu Giáo dục công dân lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Lý thuyết Bài 8: Bạo lực học đường

Trắc nghiệm Bài 8: Bạo lực học đường

1 10,142 07/12/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: