Chuyên đề Lịch sử 10 (Chân trời sáng tạo) Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 2: Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 10 CTST Phần 2.

1 2,225 09/02/2023
Tải về


Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 2: Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay

1. Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Câu 1 trang 52 Chuyên đề Lịch sử 10: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào trong giai đoạn 1945 - 1976? Vai trò của Nhà nước trong thực hiện những nhiệm vụ đó.

Trả lời:

Trong giai đoạn 1945 - 1976, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

* Trong kháng chiến chống ngoại xâm:

- Tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, cụ thể:

+ Giai đoạn 1945 - 1946: đề cao thế hợp pháp của chính quyền cách mạng. Phân hóa kẻ thù, tranh thủ thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

+ Giai đoạn 1946 - 1954: tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

+ Giai đoạn 1954 - 1975: tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

+ Từ năm 1975 - 1976: đưa cả nước bước vào thời kì xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền.

- Mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng dân chủ, tiến bộ và nhân dân thế giới, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, cụ thể:

+ Giai đoạn 1945 - 1946: vận dụng linh hoạt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và quan điểm đối ngoại hoà bình.

+ Giai đoạn 1946 - 1954: thiết lập quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ, mở hướng ra thế giới; kí Hiệp định Giơ-ne-vơ, các nước phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.

+ Giai đoạn 1954 - 1976: tăng cường đoàn kết ba nước Đông Dương. Hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam; kí Hiệp định Pa-ri, buộc Mỹ phải rút hết quân khỏi Việt Nam, chấm dứt chiến tranh; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

* Trong xây dựng đất nước: chăm lo phát triển đời sống nhân dân, xây dựng hậu phương kháng chiến và xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội, cụ thể:

- Giai đoạn 1945 - 1946: giải quyết “giặc đói”, “giặc dốt”, khó khăn về tài chính.

- Giai đoạn 1946 - 1954: ban hành các chính sách ruộng đất, giảm tô, giảm tức. Xây dựng nền kinh tế kháng chiến.

- Giai đoạn 1954 - 1976:

+ Hoàn thành cải cách ruộng đất, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

+ Miền Bắc làm nhiệm vụ hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

+ Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Câu 2 trang 52 Chuyên đề Lịch sử 10: Việc mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới của nhà nước Việt Nam có tác động như thế nào đến sự phát triển của công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam?

Trả lời:

Việc mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới của nhà nước Việt Nam có tác động to lớn đến sự phát triển của công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng phát triển đất nước, cụ thể:

- Đối với công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, việc mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đã:

+ Góp phần nâng cao tiềm lực vật chất và sức mạnh tinh thần để chống lại kẻ thù của dân tộc;

+ Tăng cường nguồn viện trợ (vũ khí, lương thực, thuốc men,...);

+ Đề cao tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

- Đối với công cuộc xây dựng phát triển đất nước, việc mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đã:

+ Góp phần tăng cường hội nhập sâu rộng

+ Tạo điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 đến nay

Câu hỏi trang 54 Chuyên đề Lịch sử 10Nêu những thành tựu nổi bật của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế dưới vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời:

Những thành tựu nổi bật của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế dưới vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Những thành tựu nổi bật của công cuộc Đổi mới về kinh tế:

+ Trong nông nghiệp, Nhà nước thực hiện giao khoán đất nông nghiệp để nông dân chủ động phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chủ động tham gia vào thị trường. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.

+ Các ngành công nghiệp then chốt đã phục hồi và dần tăng trưởng ổn định. Ngành khai thác dầu thô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra đời.

+ Kinh tế doanh nghiệp hình thành và phát triển đa dạng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

+ Kinh tế đối ngoại phát triển.

- Những thành tựu nổi bật trong hội nhập quốc tế:

+ Thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (1995).

+ Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, năm 1995).

+ Gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998.

+ Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006.

+ Kí nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên thế giới, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào năm 2019.

+ Đến năm 2020, thiết lập quan hệ với 189 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

I. Di sản văn hóa

II. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

III. Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam

I. Nhà nước và pháp luật Việt Nam trước năm 1858

III. Một số bản Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay

1 2,225 09/02/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: