Chuyên đề Lịch sử 10 (Chân trời sáng tạo) Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 3: Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 10 CTST Phần 3.

1 8690 lượt xem
Tải về


Giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 10 Phần 3: Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam

1. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu

Câu 1 trang 32 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới trên đây có giá trị gì nổi bật?

Trả lời:

- Những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới được nêu trên:

+ Là những di sản nổi bật và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

+ Những di sản đó vừa mang tính lịch sử, vừa mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Câu 2 trang 32 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hãy xác định trên Hình 2.22 vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học và rút ra những nhận xét.

Lời giải:

- Vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học:

+ Nhã nhạc cung đình Huế => Phân bố chủ yếu ở: Thừa Thiên Huế

+ Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên => Phân bố chủ yếu ở: các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

+ Ca trù => Phân bố chủ yếu ở một số tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, như: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

+ Đờn ca tài tử Nam Bộ => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

+ Nghi lễ và trò chơi Kéo co => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Bắc Bộ: Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh.

- Nhận xét:

+ Phân bố không đồng đều, các di sản thường phân bố ở những nơi có truyền thống văn hóa gắn liền với di sản.

+ Một số di sản văn hóa có tên gọi gắn liền với địa phương phân bố của di sản đó, ví dụ: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ.

2. Một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu

Câu 1 trang 36 Chuyên đề Lịch sử 10Chọn một trong các di sản văn hoá vật thể đã được giới thiệu, em hãy nói về bức tranh lịch sử của quá khứ được hàm chứa trong di sản văn hoá đó.

Trả lời:

(*) Lựa chọn: Bức tranh quá khứ hàm chứa trong di sản Quần thể di tích Cố đô Huế:

- Quần thể di tích Cố đô Huế gồm những di tích lịch sử - văn hoá nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Di sản này gắn liền với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam thời chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn và nhà Nguyễn (từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XX).

- Huế từng là thủ phủ của các đời chúa Nguyễn, là kinh đô của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng tổ hợp các công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá có giá trị tại kinh đô Huế như Đại nội Huế, Lăng các vua, các công trình thành quách phòng thủ, đàn tế, chùa chiền,... phục vụ cho sinh hoạt, phòng thủ, đời sống kinh tế, văn hóa,...

- Ngày nay, thông qua các di tích này, chúng ta có thể hiểu hơn về đời sống của vua chúa và nhân dân Việt Nam trong các thế kỉ XVI - XX.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 2 trang 36 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, việc bảo tồn các di sản văn hoá này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Ý nghĩa của việc bảo tồn các di sản văn hoá:

+ Góp phần lưu giữ, bảo vệ và lan tỏa giá trị của những di sản thời trước để lại, nhắc nhở con người nhớ về cội nguồn, hình thành ý thức trách nhiệm với tổ tiên, với cộng đồng xã hội đương đại và với các thế hệ mai sau.

+ Góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

3. Một số di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp tiêu biểu

Câu 1 trang 40 Chuyên đề Lịch sử 10Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Trả lời:

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam (về địa chất học, địa lí tự nhiên, sinh vật học,...).

Câu 2 trang 40 Chuyên đề Lịch sử 10Phân tích những “giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh.

Trả lời:

 “Giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh:

- Tiêu chí đánh giá: Chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ. Ví dụ: Vịnh Hạ Long là minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của Trái Đất, là một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên với hàng trăm, nghìn đảo đá “muôn hình vạn trạng”.

- Tiêu chí đánh giá: Là những ví dụ nổi bật, đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử hình thành Trái Đất, bao gồm cả việc phản ánh đời sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn. Ví dụ:

+ Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mĩ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa;

+ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có các kiến tạo đá vôi đặc biệt với hệ thống hang động phong phú như Hang Sơn Đoòng, Động Phong Nha,...;

+ Đỉnh núi của Khu di tích - danh thắng Yên Tử ngày nay vẫn còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ Trái Đất cách đây 10 triệu năm với bãi đá điệp trùng, rừng đại ngàn che phủ.

- Tiêu chí đánh giá: Chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học. Ví dụ: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Quần thể danh thắng Tràng An có chứa các loài động, thực vật đa dạng, độc đáo, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Câu 1 trang 41 Chuyên đề Lịch sử 10: Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Trả lời:

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam (về địa chất học, địa lí tự nhiên, sinh vật học,...).

Câu 2 trang 41 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu như thế nào về di sản phức hợp? Hãy lấy ví dụ minh hoạ.

Trả lời:

- Di sản phức hợp (hay còn gọi là di sản kép) là di sản có những giá trị nổi bật cả về văn hoá và thiên nhiên.

- Ví dụ: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một phức hợp các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

+ Nằm trên bờ phía nam của đồng bằng sông Hồng, Tràng An là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thung lũng, một số chìm trong nước, bao quanh bởi những vách đá dốc. Đây cũng là khu vực có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, vừa trên cạn, vừa dưới nước (có chừng hơn 300 loài thực vật quý hiếm như tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v.; các loài động vật quý hiếm đặc biệt như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng, vượn yếm trắng,...).

+ Bên cạnh những giá trị nổi bật về cảnh quan và địa chất, quần thể danh thắng Tràng An còn có giá trị về mặt văn hóa với những di chỉ khảo cổ học như hang Búi, hang Trống, núi hang Chợ…, minh chứng cho quá trình sinh tồn của người cổ đại tại mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nơi đây còn có sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý, kết nối với quần thể di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, trong đó nổi bật là đền thờ và lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ và lăng mộ vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, trung tâm văn hóa tâm linh chùa Bái Đính,...

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

B - CÂU HỎI CUỐI BÀI

Luyện tập 1 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Tại sao nói: “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”?

Trả lời:

- “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” vì: nó được kết tinh từ trái tim và khối óc của nhiều thế hệ, được truyền lại từ đời này qua đời khác.

-Đất nước Việt Nam sở hữu kho tàng di sản phong phú cả về vật thể và phi vật thể. Đó là tài sản vô giá của dân tộc, vì vậy trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thuộc về từng cá nhân, cộng đồng, của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Luyện tập 2 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Từ tiêu chí phân loại và xếp hạng di sản, em hãy lập bảng thống kê về một số di sản được giới thiệu trong bài học theo các gợi ý sau:

Chuyên đề Lịch sử 10 Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam  – Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Trả lời:

Học sinh chọn một số di sản tiêu biểu cho các loại hình di sản được giới thiệu trong bài học để lập danh sách.

TT

Tên di sản

Địa điểm

(tỉnh)

Loại hình di sản

Giá trị nổi bật

1

Nhã nhạc cung đình Huế

Thừa Thiên - Huế

Di sản văn hóa phi vật thể

- Là di sản âm nhạc cổ điển bác học của Việt Nam, loại hình âm nhạc chính thống được sử dụng trong các lễ nghi của triều đình Nguyễn.

- Được vinh danh là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

2

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

Di sản văn hóa phi vật thể

- Được vinh danh là kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (năm 2005) và Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008).

3

Ca trù

Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Di sản văn hóa phi vật thể

- Âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lí sống của người Việt.

- Là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

4

Đờn ca tài tử Nam Bộ

Một số tỉnh Nam Trung Bộ và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Di sản văn hóa phi vật thể

- Hình thành và phát triển trên cơ sở của nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian.

- Được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

5

Nghi lễ và trò chơi Kéo co

Các tỉnh Bắc Bộ

Di sản văn hóa phi vật thể

- Là một biểu hiện của nền văn minh lúa nước.

- Được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

6

Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội

Di sản văn hóa vật thể

- Là một “bộ lịch sử sống” gắn với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của dân tộc theo chiều dài lịch sử.

-Là Di sản văn hoá thế giới.

7

Trống đồng Đông Sơn

Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Di sản văn hóa vật thể

- Phản ánh trình độ cao về kĩ thuật chế tác đồng và những yếu tố văn hoá bản địa của người Việt.

- Được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

8

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hà Nội

Di sản văn hóa vật thể

- Quần thể di tích mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hoá của Việt Nam.

- 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình kí ức thế giới toàn cầu, được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

9

Thành nhà Hồ

Thanh Hóa

Di sản văn hóa vật thể

- Công trình kiến trúc quân sự hiếm có, thể hiện cho sự giao thoa giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Là Di sản văn hóa thế giới.

10

Quần thể di tích Cố đô Huế

Thừa Thiên - Huế

Di sản văn hóa vật thể

- Quần thể công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá gắn với lịch sử Việt Nam thời kì chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

- Là Di sản văn hóa thế giới.

11

Thánh địa Mỹ Sơn

Quảng Nam

Di sản văn hóa vật thể

- Là điển hình nổi bật về sự giao lưu và hội nhập văn hoá; phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá Chăm-pa.

- Là Di sản văn hóa thế giới.

12

Cao nguyên đá Đồng Văn

Hà Giang

Di sản thiên nhiên

- Chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mĩ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

- Là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

13

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh

Di sản thiên nhiên

- Chứa đựng nhiều dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Trái Đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, là một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên với hàng trăm, nghìn đảo đá “muôn hình vạn trạng”.

- Là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ, địa chất, địa mạo.

14

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Quảng Bình

Di sản thiên nhiên

- Có các kiến tạo đá vôi đặc biệt với hệ thống hang động phong phú, được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu. Có hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan kì bí, hùng vĩ.

- Là Di sản thiên nhiên thế giới.

15

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Thành phố Hồ Chí Minh

Di sản thiên nhiên

- Có quần thể các loài động, thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của rừng ngập mặn.

- Là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

16

Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình

Di sản hỗn hợp

- Là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thông lũng, một số chìm trong nước, bao quanh bởi những vách đá dốc.

- Là khu vực có hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

- Có nhiều di tích lịch sử từ thời nguyên thuỷ đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

- Là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

17

Khu di tích - danh thắng Yên Tử

Quảng Ninh

Di sản hỗn hợp

- Là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần.

- Lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể, phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mĩ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại.

- Là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Luyện tập 3 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Em hiểu mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá như thế nào?

Trả lời:

- Mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá được hiểu là bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ngày hôm nay và chuyển giao tài sản đó cho các thế hệ mai sau.

Luyện tập 4 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10: Theo em, nhà trường có vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá?

Trả lời:

- Vai trò của nhà trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá: hoạt động dạy học về di sản của nhà trường thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... sẽ góp phần hình thành ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.

Vận dụng 1 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10Chọn một di sản văn hoá vật thể hoặc phi vật thể đã được xếp hạng và thuyết minh những đặc điểm, giá trị của di sản ấy.

Trả lời:

(*) Bài tham khảo về: Hoàng thành Thăng Long

- Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) là quần thể di tích gắn liền với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ, thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và là thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Quần thể kiến trúc này được các triều đại phong kiến cho xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất ở Việt Nam. Năm 2010, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.

- Hoàng thành Thăng Long là một quần thể kiến trúc thành quách và các công trình được xây dựng làm nơi ở, làm việc của triều đình phong kiến. Những di tích trên mặt và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

- Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

- Những giá trị tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long:

+ Giá trị về khoa học, lịch sử, văn hoá: Hoàng thành Thăng Long là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt qua các thời kì tiền Thăng Long và thời kì phong kiến. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cũng là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa.

+ Giá trị về giáo dục: Hoàng thành Thăng Long phản chiếu trong đó trí tuệ và tâm hồn của người Việt qua các thời kì lịch sử, đồng thời là nơi chứng kiến nhiều biến động của lịch sử. Do đó, đây là nguồn tài nguyên tri thức vô tận để thực hiện mục tiêu giáo dục. Thông qua giáo dục sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về giá trị của di tích và thái độ giữ gìn, bảo tồn di tích, hiện vật còn lại đến ngày nay.

+ Giá trị về kinh tế: Mỗi năm, khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, mang lại nguồn lực để phát triển kinh tế và phục vụ cho công tác bảo tồn di tích.

+ Giá trị về gắn kết dân tộc: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng thu hút tình cảm của người dân khi sống xa Tổ quốc hướng về quê hương, bản xứ.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 42 Chuyên đề Lịch sử 10Thực hiện dự án trải nghiệm thực tế: lập kế hoạch bảo tồn một di sản văn hoá gắn với cộng đồng nơi em sống.

Trả lời:

Hướng dẫn: Học sinh chọn một di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể gắn với cộng đồng nơi mình sinh sống để lập kế hoạch bảo tồn theo dàn ý sau:

a) Đối với di sản văn hóa vật thể

- Xếp hạng di sản.

- Kế hoạch tu bổ, bảo quản di sản.

- Kế hoạch ngăn chặn và xử lí các hành động vi phạm di sản.

- Kế hoạch giới thiệu di sản tới du khách thông qua các kênh truyền thông, báo chí, internet,...

- Kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với không gian di sản.

b) Đối với di sản văn hóa phi vật thể

- Ghi danh di sản.

- Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong hoạt động duy trì và bảo tồn di sản.

- Quảng bá, giới thiệu di sản với nhân dân và khách du lịch thông qua các kênh truyền thông, báo chí, internet,...

- Kế hoạch đào tạo truyền nhân để lưu giữ di sản qua các thế hệ.

- Kế hoạch tổ chức lễ hội, hoạt động biểu diễn gắn liền với di sản.

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo với cuộc sống hay, chi tiết khác: 

I. Di sản văn hóa

II. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

I. Nhà nước và pháp luật Việt Nam trước năm 1858

II. Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay

III. Một số bản Hiến pháp Việt Nam từ 1946 đến nay

1 8690 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: