Bố cục Tôi đã học tập như thế nào? (Chân trời sáng tạo) chính xác nhất

Với Bố cục Tôi đã học tập như thế nào? Ngữ văn lớp 11 hay, chính xác nhất sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Tôi đã học tập như thế nào? từ đó học tốt môn Ngữ văn 11.

1 423 23/12/2023


Bố cục Tôi đã học tập như thế nào?

+ Phần 1: Từ đầu đến “ngồi yên” – Cuộc trò chuyện giữa Pê-xcốp và Đức Giám mục.

+ Phần 2: Còn lại – Cuộc đấu tranh giữa hai phần “thú” và “người” trong quan niệm của Pê - xcốp.

Bố cục Tôi đã học tập như thế nào? (Chân trời sáng tạo) chính xác nhất (ảnh 1)

Đọc tác phẩm Tôi đã học tập như thế nào?

(Lược dẫn: Được ông ngoại dạy đọc từ năm sáu tuổi, cậu bé Pê-xcốp A-lếch-xây (M. Go-rơ-ki lúc nhỏ) ban đầu học chữ rất nhanh. Nhưng ông của cậu, vì sự nóng vội, cáu kính và thiếu phương pháp, đã khiến cậu bé sinh ra chán học. Sau đó, cậu được gửi đến học tại một ngôi trường của nhà thờ.)

Tôi đến trường với đôi giày của mẹ, với chiếc áo bành tô nhỏ may lại bằng chiếc áo ngoài của bà, với chiếc áo sơ mi màu vàng và chiếc quần “buông chùng”. Tất cả những cái đó lập tức bị chế nhạo, vì chiếc sơ mi vàng mà tôi có biệt hiệu “thằng tù khổ sai”. Tôi dàn xếp với những thằng bé một cách nhanh chóng, nhưng thầy giáo và cha cố không ưa tôi.

(Lược một đoạn: Pê-xcốp đến lớp thường bị một số ông giáo khó tính không ưa và phân biệt đối xử. Tình trạng này kéo dài khiến cậu bé bị tổn thương nặng nề. Pê-xcốp đã bày ra nhiều trò nghịch ngợm để trả đũa các ông giáo này. Về sau, khi đã lớn khôn và hiểu biết, Pê-xcốp xem đó là những trò “man rợ”, đáng phải hối hận.)

Mặc dù tôi học khá, ít lâu sau, người ta bảo rằng tôi bị đuổi khỏi trường vì hạnh kiểm xấu. Tôi chán nản, điều đó sẽ gây cho tôi những chuyện rầy rà lớn. Nhưng cứu tinh chợt xuất hiện: Giám mục Cri-xan-pho (Crixanfo) đột nhiên tới trường.

Ông ta người nhỏ bé, mặc bộ áo đen rộng thùng thình, đến ngồi bên bàn, rút tay ra khỏi ống tay áo và nói:

“Nào, ta nói chuyện với nhau đi, các con!”. Không khí trong lớp lập tức trở nên ấm áp, vui vẻ, mọi người đều cảm thấy dễ chịu khác thường.

Ông gọi tôi đến gần bàn, sau khi đã gọi nhiều đứa khác và hỏi một cách nghiêm trang:

– Con lên mấy? Có thể thôi à? Sao dài người thế, chú bé? Hay bêu mưa lắm, phải không?

Ông đặt bàn tay khô gầy, với những móng tay to và nhọn lên bàn, nắm lấy chòm râu thưa, nhìn chằm chằm vào mặt tôi bằng đôi mắt hiền từ, và bảo tôi:

– Nào kể cho ta nghe một đoạn trong thánh sử, con thích đoạn nào? Khi tôi nói rằng tôi không có sách và tôi không học thánh sử, ông sửa lại chiếc mũ giáo sĩ và hỏi:

– Sao lại thế? Cái đó cần phải học chứ! Nhưng có thể con cũng biết đôi chút chăng, có nghe nói đến không? Có biết thánh thi không? Thế thì tốt! Cả những bài cầu nguyện nữa à? Đấy, thấy chưa! Lại còn sự tích các thánh nữa à? Bằng thơ à? Chú bé của ta biết nhiều đấy.

Giáo sĩ của chúng tôi tới, mặt đỏ, thở hổn hển. Giám mục ban phước cho ông ta, nhưng khi ông ta bắt đầu nói về tôi thì giám mục giơ tay nói:

– Xin cha một lát... Nào, kể về A-lếch-xây người của Chúa đi.

– Những vần thơ tuyệt diệu phải không, chú bé? Giám mục nói khi tôi dừng lại vì quên một câu thơ nào đó. Còn gì nữa không?... Về vua Đa-vit (David) hả? Ta chú ý nghe đây.

Tôi thấy rằng quả thực ông ta nghe và ông ta thích thơ. Ông ta hỏi tôi một lúc lâu, rồi bỗng ngăn tôi lại, các câu hỏi của Đức Giám hỏi nhanh:

– Con học theo thánh thi à? Ai dạy? Ông có hiền không? Ác à? Lẽ nào? Nhưng con nghịch lắm phải không?

Tôi ngập ngừng, nhưng rồi tôi đáp: Vâng. Thầy giáo và giáo sĩ nói rất nhiều để chứng tỏ rằng lời thú nhận của tôi là đúng. Giám mục nghe họ, nhìn xuống, rồi thở dài nói:

– Các thầy nói về con thế đấy, con nghe thấy chứ? Nào, lại gần đây! Giám mục đặt tay lên đầu tôi – bàn tay thoang thoảng mùi hương gỗ bách và hỏi tôi:

– Tại sao con nghịch ngợm?

– Con chán học lắm.

– Chán à? Không hẳn thế đâu, chú bé ạ. Con mà chán học thì con sẽ học kém, nhưng các thầy đều bảo con học khá. Như vậy là ở đây có nguyên nhân gì khác.

Ông ta rút ở trong ngực ra một cuốn vở con, viết:

– Pe-xcốp A-lếch-xây. Nhưng dù sao con cũng bớt nghịch đi nhé, đừng nghịch nhiều quá. Ít thôi thì được, còn nghịch quá thì mọi người bực mình! Ta nói đúng không các con?

Có tiếng lao xao, vui vẻ trả lời:

– Đúng ạ.

– Chính các con cũng nghịch ít ít thôi phải không?

Những thằng bé tủm tỉm cười, thốt lên:

– Không. Cũng nghịch nhiều ạ! Nghịch nhiều ạ!

Giám mục ngả người lên lưng ghế, ôm chặt tôi vào lòng, nói với vẻ ngạc nhiên, làm cho cả lớp – ngay cả thầy giáo và cha đạo – cũng phải bật cười:

Quả có thế, các con ạ, hồi bằng tuổi các con, ta cũng nghịch gớm lắm! Vì sao thế, các con nhỉ?

Những đứa trẻ cười, giám mục hỏi chúng, lôi cuốn cả lớp một cách khéo léo, khiến đứa nọ phản đối đứa kia, làm cho không khí mỗi lúc một vui thêm. Cuối cùng, ông đứng lên và nói:

– Ở đây với các con thú lắm, các chú bé nghịch ngợm ạ, nhưng đến lúc ta phải đi rồi!

Ông giơ một tay lên, tay áo tụt tới vai, khoá rộng tay làm dấu và ban phước:

– Nhân danh Cha và Con và Thánh thần, ta ban cho các con mọi sự tấn tới!

Tạm biệt.

Tất cả lớp đều thét lên:

– Tạm biệt Đức ông! Mong Đức ông lại tới.

Giám mục gật gật cái mũ cao, nói:

– Ta sẽ đến, thế nào ta cũng đến! Ta sẽ đem sách đến cho các con!

Và khi ra khỏi lớp, ông nói với thầy giáo:

– Cho các trò về đi!

Ông dắt tay tôi ra phòng ngoài và ở đấy, ông cúi xuống gần tôi, khẽ nói:

– Thế con bớt nghịch đi nhé, được không? Ta thì ta hiểu tại sao con nghịch ngợm!

Thôi, tạm biệt, chú bé.

Tôi rất xúc động, một tình cảm đặc biệt rộn rực trong ngực tôi, và ngay cả khi thầy giáo đã cho cả lớp về nhưng giữ tôi lại và nói rằng bây giờ tôi phải lặng hơn nước, thấp hơn cỏ thì tôi vui lòng, chăm chú nghe từ đầu đến cuối.

Giáo sĩ vừa mặc áo choàng vừa cất giọng ồm ồm, dịu dàng nói với tôi:

– Từ nay con phải học các giờ của ta! Đúng. Phải học. Nhưng phải ngồi yên.

Đúng. Ngồi yên.

[...]

Tôi biết đọc một cách có ý thức năm lên mười bốn tuổi. Trong những năm ấy, tôi đã không chỉ say mê tình tiết của sách – tức là sự phát triển ít nhiều lí thú của những biến cố được đưa ra – mà tôi đã bắt đầu hiểu được vẻ đẹp của những đoạn văn miêu tả, bắt đầu suy nghĩ về tính cách các nhân vật, lờ mờ đoán được mục đích của tác giả cuốn sách và lo ngại cảm thấy sự khác nhau giữa cái mà sách nói đến với cái mà cuộc sống khuyên bảo.

[...]

Phải thương hại con người thật là đau lòng, bao giờ tôi cũng muốn gửi gắm tình yêu sung sướng vào một người nào đó, nhưng chẳng có ai để mà yêu. Tôi càng yêu sách nồng nàn hơn.

Còn có nhiều cái bỉ ổi, tàn bạo, làm tôi chán ghét ghê gớm. Tôi sẽ không nói về điều đó, chính các bạn cũng biết cuộc sống địa ngục ấy, sự nhạo báng không ngót ấy của người đối với người, niềm say mê bệnh tật ấy, niềm say mê làm khổ nhau, thứ khoái lạc của những kẻ nô lệ. Và chính trong hoàn cảnh đáng nguyền rủa như thế, lần đầu tiên tôi bắt đầu đọc sách hay, nghiêm túc của văn học nước ngoài.

Có lẽ tôi sẽ không truyền đạt đủ rõ và đáng tin cậy để các bạn thấy sự ngạc nhiên của tôi lớn lao như thế nào khi tôi cảm thấy hầu như mỗi cuốn sách đều mở ra trước mắt tôi cánh cửa sổ nhìn vào một thế giới mới chưa từng biết, đều kể với tôi về những con người, những tình cảm, ý nghĩ và những quan hệ mà tôi chưa từng biết, chưa từng thấy. Thậm chí, tôi còn có cảm giác rằng cuộc đời xung quanh tôi, tất cả những khắc nghiệt, bẩn thỉu và tàn bạo hằng ngày diễn ra trước mắt tôi đều không phải là cái có thực, đều là thừa. Cái có thực và cần thiết chỉ ở trong sách, ở đó mọi cái đều hợp lí hơn, đẹp hơn, nhân đạo hơn. Trong các cuốn sách cũng có nói về sự thô bạo, về sự ngu xuẩn của người đời, về những nỗi đau khổ của họ, cũng miêu tả những kẻ độc ác và đê tiện, nhưng bên cạnh có những người khác, những người mà tôi chưa từng thấy, thậm chí chưa từng nghe nói đến: những người chính trực, cương nghị, chân thật, lập nên chiến công đẹp đẽ, dù có phải hi sinh tính mạng.

Thời gian đầu, say sưa vì cái mới và vì giá trị tinh thần lớn lao của cái thế giới mà sách đã mở ra trước mắt tôi, tôi bắt đầu coi sách tốt đẹp hơn, lí thú hơn, gần gũi hơn với mọi người, và dường như hơi bị quảng loà, tôi nhìn cuộc đời thực qua sách. Nhưng cuộc sống khôn ngoan, khắc nghiệt đã quan tâm chữa cho tôi cái bệnh mù dễ chịu ấy.

[...]

Tôi càng đọc nhiều thì sách càng làm cho tôi gắn bó với thế giới, cuộc đời cũng đối với tôi càng trở nên rực rỡ có ý nghĩa. Tôi thấy rằng có những người sống khổ cực hơn, khó khăn hơn tôi, điều đó an ủi tôi phần nào, tuy vẫn không làm tôi thoả hiệp với cái hiện thực ô nhục. Tôi cũng thấy rằng có những người không biết sống một cách vui thú và sung sướng mà không một người nào xung quanh tôi biết sống như thế. Và hầu như trong mỗi quyển sách đều có cái gì đáng lo ngại, như một tiếng chuông nhè nhẹ lôi cuốn tôi đi, đi tìm cái chưa biết, cái làm tôi xúc động tâm tình. Mọi người đều không bằng lòng với cuộc sống, đều tìm kiếm một cái gì tốt đẹp hơn, và họ trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu hơn. Sách làm cho khắp Trái Đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi buồn nhớ cái tốt đẹp hơn, và mỗi cuốn sách dường như đều là tâm hồn được ghi lại trên giấy bằng những dấu hiệu và những từ, những dấu hiệu và những từ ấy lập tức trở nên sống động, hễ mắt tôi, trí tuệ tôi tiếp xúc với chúng.

Nhiều lần tôi khóc khi đọc sách, sách kể chuyện hay biết bao về con người, họ trở nên đáng yêu và gần gũi biết bao. Là một thằng bé bị công việc ngu độn làm cho kiệt sức, luôn luôn phải hứng lấy những lời chửi mắng đần độn, tôi trịnh trọng hứa với mình là lớn lên, tôi sẽ giúp đỡ mọi người, hết lòng phục vụ họ.

Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về việc cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lòng tôi càng tràn đầy tinh thần lành mạnh và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lí hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống.

Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ đưa tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy. [...]

Bố cục Tôi đã học tập như thế nào? (Chân trời sáng tạo) chính xác nhất (ảnh 1)

Nội dung chính Tôi đã học tập như thế nào?

Văn bản nói về hành trình lớn lên và sự thay đổi để dần hoàn thiện hơn của cậu bé A-lếch-xây. Đồng thời, văn bản cho thấy ý nghĩa tuyệt vời của việc đọc sách.

Tóm tắt Tôi đã học tập như thế nào?

A-lếch-xây từ nhỏ đã ở với ông ngoại và ông chính là người đầu tiên dạy chữ cho cậu. Nhưng ông luôn nóng giận áp đặt lên cậu, còn ở trường thì bị bạn bè chế nhạo và thầy giáo thì luôn không ưa cậu. Dần dần cậu trở nên chán học và làm ra nhiều trò nghịch ngợm đáng trách. Nhưng có một giám mục đã xuất hiện, ông như vị cứu tinh đã cứu vớt cuộc đời cậu và khiến cậu ngày một tốt hơn. Chính cái sự ôn tồn và chân thành của ông mục đã khiến cậu bé như ngộ ra rất nhiều điều và cậu đã chăm chú nghe giảng hơn. Khi lớn dần hơn, cậu bé bắt đầu say mê đọc sách. những điều đó đã giúp cho A-lếch-xây thoát ra được những điều ích kỷ bon chen của cuộc sống, để hướng đến là một con người hoàn thiện hơn.

Ý nghĩa nhan đề Tôi đã học tập như thế nào?

Mỗi cuốn sách đều là bậc thang đưa cậu tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần những quan niệm về cuộc sống tốt đẹp và sự thèm khát cuộc sống ấy.

Giá trị nội dung Tôi đã học tập như thế nào?

Văn bản cho ta thấy được tầm quan trọng của việc tự học, việc đọc sách. Có thể thấy, tác giả nhận thức rõ ràng và sâu sắc về vai trò và giá trị của việc đọc sách đối với sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ mỗi người.

Giá trị nghệ thuật Tôi đã học tập như thế nào?

  • Lập luận chặt chẽ xác đáng, dẫn chứng thuyết phục.
  • Các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt làm nổi bật tâm trạng của nhân vật tôi khi đọc những quyển sách.

Xem thêm các bài Soạn Bố cục Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bố cục Ét-Va Mun-Chơ (Edvard Munch) và tiếng thét

Bố cục Gai

Bố cục Ngôi nhà tranh của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự

Bố cục Nhớ con sông quê hương

Bố cục Xà bông con vịt

1 423 23/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: