TOP 15 mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (2024) SIÊU HAY

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10 Kết nối tri thức gồm dàn ý và 15 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.

1 20,622 20/09/2024


Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 1)

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ "Mùa xuân chín" là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.

Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng" Mùa xuân chín", ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét "chín" của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.

"Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang"

Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió khẽ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng" sột soạt", tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hòa quyện lấy nhau:

"Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;"

Vạn vật mang sức xuân, làn mưa xuân tưới thêm cho cỏ cây sức sống mới đầy xanh tươi "gợn tới trời" như đang đùa giỡn với nắng, với gió với mây. Tiếng hát đón xuân của bao cô gái thôn quê đầy tình tứ, mùa xuân đến khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi, tâm hồn đầy trẻ trung, yêu đời. Giai điệu nhạc cất lên cùng lời ca:

" Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi."

Niềm vui xuân hoà cùng niềm vui của hạnh phúc lứa đôi, thế là ngày mai trong đám cô thôn nữ ấy, có người đi lấy chồng bỏ lại sau lưng những cuộc vui, có chút gì đó tiếc nuối đan xen trong niềm vui ấy. Mùa xuân điểm tô cho đời, kết nên quả ngọt cho tình yêu, mùa của niềm hạnh phúc tràn đầy.

"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây..."

Niềm yêu đời họa trong lời hát thơ ngây, trong sáng, tinh nghịch "tiếng ca vắt vẻo" trên lưng núi, hoà vào cảnh vật, âm vang mãi. Những âm thanh như đang chuyển động theo nhịp thời gian, "hổn hển" "thì thầm" với nhau đầy ý vị, thân thương. Tiếng thơ nghe sao khiến người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ kỳ.

"Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Nếu ở khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây tươi xanh thì đây chính là hình ảnh đối lập khi xuân chín, xuân đã không còn thơ mộng như khi vừa sang nữa, nó mang màu của nỗi tiếc nuối ngậm ngùi, mang màu của nắng gió thôn quê: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". m "ang" cuối bài làm cho câu thơ mang tâm trạng mênh mang khó tả, như nỗi lòng thì nhân đang băn khoăn, trĩu nặng xót xa về thân phận người con gái:

" Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Nếu ngày xưa khi đang tuổi xuân thì, nhịp xuân sang cùng lòng bao cô gái ngân nga lời ca, tiếng hát chào mừng thì giờ đây khi xuân chín, xa rời xuân xanh năm nào, "chị ấy" giờ trở thành một người phụ nữ với bao nỗi lo toan. Trách nhiệm cuộc sống và công việc của người mẹ, người vợ thêm nặng, song, dù vất vả, nhọc nhằn vẫn ánh lên nét đẹp rạng ngời.

Bài thơ thật nhẹ nhàng, ngôn ngữ dù giản dị nhưng được nhà thơ chọn lọc rất tinh tế. Mỗi tiếng thơ thốt lên là cả một bầu trời thương yêu vừa mang nỗi thương cảm vừa mang nỗi nhớ mênh mang chốn quê nhà vất vả, gian nan. Với ngôn ngữ kết tinh cùng tấm lòng hồn hậu của thi nhân, Hàn Mạc Tử đã viết nên một "mùa xuân chín" vẹn tròn, đầy đặn, thiết tha.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 2)

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc với những vần thơ phản ánh hiện thực và bày tỏ cảm xúc, thái độ, tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống của nhân dân trong chiến tranh, trong nạn đói chan chứa tình yêu nước và tinh thần nhân đạo. Trong những bài thơ đặc sắc có bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu dạt ở Quý Châu. Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) vừa là bức tranh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của nhà thơ trong cảnh loạn li; lo cho tình hình đất nước đang lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc; thương nhớ quê hương xa xôi và ngậm ngùi xót xa cho thân phận bất hạnh của mình nơi đất khách.

Phiên âm chữ Hán:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Trong bài thơ, bốn câu đầu là "câu đề" với mục đích miêu tả bức tranh thiên nhiên bao la nhưng mang nỗi buồn hiu hắt ở vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,

Người đọc có thể nhận thấy Đỗ Phủ đứng ở vị trí tương đối cao để ngắm nhìn toàn cảnh, vì thế mà tầm nhìn của ông khá xa, khá rộng. Mọi thứ được miêu tả không những theo chiều sâu và còn theo tầm mắt của tác giả, nhìn về phía xa xăm. Khả năng quan sát tinh tế của Đỗ Phủ được thể hiện ngay từ câu thơ đầu khi tả cảnh rừng phong với sương còn phủ trên lá cây; nó tạo ra một cảnh tượng buồn, đặc biệt hình ảnh rừng phong lại càng nhấn mạnh thêm sự li biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu đến. Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu bởi mỗi độ thu về, cả rừng phong chuyển sang màu đỏ úa, tượng trưng cho sự li biệt. Sương móc cũng tượng trưng cho mùa thu, cho sự lạnh lẽo. Sương móc sa dày đặc làm xơ xác cả rừng phong. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rất rõ qua chính cái nhìn đầy tâm trạng đau buồn của nhà thơ.

Câu thơ thứ hai có nhắc đến hình ảnh Vu sơn, Vu giáp, người đọc sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia – nơi toàn cảnh bị bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bài thơ, Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vu nổi tiếng bởi sự hiểm trở và hùng vĩ, được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút; vách núi thì dựng đứng vậy nên ánh mặt trời khó có thể lọt được xuống tới lòng sông. Chính vì vậy mà vào mùa thu, khung cảnh nơi đây luôn ảm đạm, lạnh lẽo và qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng u sầu của Đỗ Phủ nó lại hiện lên càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Hai câu thơ mở đầu, câu thứ nhất tả cảnh thu ở rừng phong, câu thứ hai tả cảnh thu ở núi non. Tuy cảnh vật khác nhau nhưng nhà thơ nhìn chúng với con mắt và tâm trạng giống nhau – tâm trạng trĩu nặng một nỗi buồn thương. Hai câu thơ tuy là đều là hình ảnh rừng núi nhưng lại chung một điểm, đó chính là nỗi buồn đang dần ngấm vào tác giả, nỗi buồn ấy chế ngự cả tâm trạng và cảm xúc của tác giả khi ông đặt bút ngâm thơ.

Cũng với tâm trạng như vậy, Đỗ Phủ đã viết nên những câu thơ tiếp theo mang nét tả thực đầy ám ảnh, như có ma lực cuốn hút hồn người:

Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Nếu như ở hai câu mở đầu là hình ảnh của rừng phong, là sự quan sát từ trên cao xuống thì hai câu tiếp theo lại miêu tả cảnh sắc vừa hoành tráng lại dữ dội. Hai câu đề là cảnh thu trên cao (rừng phong, dãy núi) thì đến hai câu thực là cảnh thu dưới thấp. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ. Chúng vẫn là những chi tiết được cảm nhận qua đôi mắt thi nhân và được miêu tả bằng ngọn bút kì tài mà thành những vần thơ trác tuyệt. Hình ảnh mặt đất mây đùn cửa ải xa tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Bốn câu thơ tuy tả cùng một cảnh nhưng ở mỗi câu là một nét chấm phá riêng, là sự nhìn nhận toàn cảnh chứ không tập trung vào một điểm cụ thể nào. Cảnh sắc trời mây non nước, rừng núi hiện ra vừa cụ thể lại vừa đặc trưng cho mùa thu. Nhưng chính hình ảnh này, lại khiến tác giả nhớ quê hương tới nao lòng.

Ở bốn câu thơ sau, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách. Câu năm và câu sáu có nghệ thuật đối rất chỉnh vừa là cảnh thu mà cũng là tình thu:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm.

Giống như hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu, hình ảnh hoa cúc cũng đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, tưởng như không có gì mới nhưng điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa, nhà thơ lại rơi lệ. Hai lần nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào. Hình ảnh chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một hình ảnh ẩn dụ đầy ý nghĩa, không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để chở ước vọng của nhà thơ về với quê hương trong tâm tưởng.

Đến hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đã đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy vẫn không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang, mong ngóng, chờ đợi ngày được trở về quê của tác giả.

Bốn câu cuối tập trung vào miêu tả cảm xúc cũng là những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là lòng mong ngóng quê nhà, nỗi khát khao được trở về quê hương, tình yêu và sự buồn bã khi phải sống tha phương. Bốn câu thơ diễn tả nỗi buồn của người xa quê, ngậm ngùi, mong ngóng ngày trở về quê hương.

Đặc điểm nghệ thuật của bài thơ là có kết cấu hết sức chặt chẽ, câu nào cũng bám chặt chủ đề, tức là các câu đều thể hiện được hai yếu tố “cảm xúc” và “mùa thu”, vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng. Cảnh có sương thu, rừng thu, sắc thu, khí thu, gió thu, sông thu, hoa thu, tiếng thu (tiếng chày đập vải). Tác giả đã thành công thâu tóm được tất cả thần thái của mùa thu trong bài thơ.

Cảm xúc mùa thu là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Qua bài thơ ta thấy được một tâm hồn thi sĩ vừa nhạy cảm lại rung động mãnh liệt với cảnh sắc. Trái tim Đỗ Phủ đã dành trọn cho quê hương, cũng qua bài thơ, cái tư tưởng "yêu nước thương đời" lại càng thể hiện rõ. Với Đỗ Phủ, mùa thu đồng nghĩa với nỗi buồn và niềm thương nhớ không nguôi, nhất là khi ông đang phải sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn nơi xứ lạ. Những vần thơ của ông có sức lay động mãnh liệt, đặc biệt những vần thơ như bật lên khỏi trang giấy, mở ra một khung cảnh rất rõ… Ông xứng đáng được người đời tôn vinh là bậc “Thi thánh” của thời Thịnh Đường mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (trang  61) | Hay nhất Kết nối tri thức

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 3)

Bài thơ “Rằm tháng giêng” được Bác Hồ viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ không chỉ miêu tả hình ảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng mà còn thể hiện được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm cũng như tấm lòng yêu nước sâu nặng của chủ tịch Hồ Chí Minh

Mở đầu bài thơ là hình ảnh ánh trăng trong đêm tại chiến khu Việt Bắc:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)

Hình ảnh ánh trăng vào đêm rằm tháng giêng được nhà thơ miêu tả là “nguyệt chính viên” (trăng đúng lúc tròn nhất). Ánh trăng lúc này dường như bao phủ khắp núi rừng Việt Bắc khiến cho cảnh vật trở nên ấm áp hơn. Đến câu thơ tiếp theo, hình ảnh thiên nhiên lại càng đẹp hơn:

“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”

(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)

Ba từ “xuân” nối tiếp nhau thể hiện sức sống và sắc xuân đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Như vậy hai câu thơ mở đầu bài thơ đã đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên trong đêm rằm tháng giêng tràn đầy sức sống.

Đến hai câu thơ tiếp theo, hình ảnh con người đã xuất hiện với một công việc thật cao cả:

“Yên ba thâm sứ đàm quân sự”

(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân)

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mọi hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo. Chính vì vậy, Bác Hồ cùng với các chiến sĩ mới lựa chọn thời điểm đêm khuya để bàn bạc việc quân, đó là những công việc quan trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia dân tộc. Và cuối cùng, bài thơ kết lại bằng một câu thơ:

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

(Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền)

Phải chăng vì quá say sưa bàn bạc việc quân việc nước, mà khi trở về thì đêm đã về khuya? Lúc này ánh trăng cũng sáng rõ hơn bao giờ hết. Hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” muốn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng. Qua đó, Bác Hồ muốn thể hiện khát vọng thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với hai câu thơ sau, người đọc như thấy được một phong thái ung dung, lạc quan và lòng tin bất diệt của Người vào sự nghiệp giải phóng dân tộc nhất định sẽ thắng lợi.

“Rằm tháng giêng” là bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mang đậm nét cổ điển. Thiên nhiên trong bài thơ được khắc họa bằng những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc trong thơ xưa như ánh trăng, sông nước, trời đất, con thuyền. Cùng với việc kết hợp biện pháp tu từ điệp ngữ đã giúp nhà thơ diễn tả được bức tranh đêm trăng ở chiến khu Việt Bắc thật sinh động.

Qua bài thơ trên, ta không chỉ thấy được một tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm mà còn là con người kiên cường và trung thành với cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 4)

Hàn Mặc Tử là một cây bút tiêu biểu cho "phong trào Thơ mới" Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét về ông là "Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng". Một số tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: tập thơ "Gái quê", "Thơ Điên", "Chơi giữa mùa trăng",... Đặc biệt, tác phẩm "Mùa xuân chín" đã đem lại cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, con người và nỗi khát khao giao cảm với đời.

Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả đã khiến chúng ta hình dung ra khung cảnh mùa xuân rực rỡ, căng tràn sức sống. Cách kết hợp động từ chỉ trạng thái "chín" với danh từ "mùa xuân" cho ta cảm nhận không gian tràn đầy sức sống. Nhan đề bài thơ khơi gợi về sự mềm mại, đằm thắm của mùa xuân. Mạch cảm xúc của tác phẩm đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Trước khung cảnh mùa xuân rực rỡ, nhà thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, nỗi nhớ quê hương da diết. Giọng điệu thơ có sự chuyển đổi theo tâm trạng của nhân vật trữ tình, khi thì tha thiết, vui tươi, khi thì ngưng đọng, suy tư.

Mở đầu văn bản là bức tranh làng quê thanh bình, yên tĩnh. Thiên nhiên được gợi lên dưới ngòi bút tài hoa của tác giả "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang". Hình ảnh "làn nắng ửng" khiến ta tưởng tượng đến màu vàng nhạt của nắng buổi bình minh. Còn hình ảnh "khói mơ tan" lại đem đến hai cách hiểu: khói bếp phát ra từ những căn nhà trong buổi sớm hoặc có thể đó chính là làn sương khói tinh mơ của ngày mới. "Làn nắng ửng" kết hợp với "khói mơ tan" tạo cảm giác sương khói đang dần tan biến khi mặt trời lên. Mùa xuân len lỏi qua mái nhà và giàn thiên lí. Câu thơ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" với biện pháp đảo ngữ và từ láy "sột soạt" góp phần diễn tả âm thanh và sự tình tứ, trêu đùa của gió với tà áo biếc nhẹ bay. Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà thơ sử dụng trong câu "Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang" khiến mùa xuân được hữu hình hóa. Câu thơ được ngăn cách bởi dấu chấm khiến nhịp thơ thay đổi từ 2/2/3 sang 4/3 nhằm nhấn mạnh dấu ấn của mùa xuân. Tác giả gieo vần chân một cách tinh tế "vàng", "sang", "trời", "chơi" khiến người đọc tưởng tượng ra một không gian rộng lớn. Mùa xuân sang khiến cỏ cây, đất trời và lòng người như hòa vào nhau:
"Sóng cỏ xanh gợn tới trời"

Câu thơ không chỉ diễn tả mật độ của cỏ mà còn gợi ra sự chuyển động của gió. Trên nền bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy là sự xuất hiện của con người:

"Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi".

Và:
"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc.
Nghe ra ý vị và thơ ngây"

Nổi bật trong khung cảnh thiên nhiên là con người đang trong độ "tuổi xuân". Hình ảnh "Bao cô thôn nữ hát trên đồi" thể hiện sự hòa quyện của con người trước thiên nhiên. Mùa xuân ấm áp, căng tràn sức sống khiến con người cảm thấy xuyến xao, hạnh phúc. Câu thơ "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi" giống như một lời nói trực tiếp. Ý thơ bộc lộ chút gì đó tiếc nuối của người chứng kiến khung cảnh "đám xuân xanh", hoặc cũng có thể là nuối tiếc của vị "khách xa". Tiếng ca của các cô gái được khắc họa qua từ láy "hổn hển", "thầm thĩ" khiến người đọc cảm nhận được sự trầm bổng trong tiếng hát, lúc thì thiết tha, khi thì gấp gáp, dồn dập. Tiếng hát như nhịp chuyển động của thời gian đầy ý vị.

"Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

Khác với ba khổ thơ đầu, khổ thơ cuối có sự chùng xuống trong tâm trạng nhân vật trữ tình. "Khách xa" có thể hiểu là khách từ phương xa đến thăm làng lúc "mùa xuân chín", hoặc "khách xa" ở đây có thể là nhân vật trữ tình. Điều này đúng với hoàn cảnh của Hàn Mặc Tử, ông cho rằng bản thân giờ chỉ là một người "khách xa" với quê hương. Người khách gặp đúng lúc mùa xuân chín mà lòng nhớ về quê nhà. Câu thơ " - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" với sự thay đổi trong cách ngắt nhịp, nhịp thơ từ 2/2/3/ sang 4/3 và dấu gạch ngang ở đầu khiến câu thơ trở thành lời bộc lộ cảm xúc trực tiếp của nhân vật trữ tình. Người khách xa tự hỏi lòng mình rằng liệu năm nay chị ấy còn gánh thóc bên bờ sông không. Câu thơ vừa diễn tả hành động gánh thóc, vừa gợi ra không gian mùa hè "nắng chang chang".

Cách gieo vần chân "làng" - "chang" khiến dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình như được kéo dài ra. Khổ thơ cuối đã thể hiện nỗi nhớ, khát khao giao cảm mãnh liệt với đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Cùng viết về đề tài mùa xuân, nhưng tác phẩm của Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử lại có những nét độc đáo riêng. Nếu Nguyễn Bính khắc họa bức tranh mùa xuân tươi tắn, hồn hậu để bày tỏ tình cảm với người con gái thì Hàn Mặc Tử lại diễn tả mùa xuân tươi đẹp nhưng tràn đầy sự nuối tiếc. Cả hai nhà thơ đều sử dụng hình ảnh thơ gắn liền với những vùng quê. Điều nổi bật của "Mùa xuân chín" là cách sử dụng ngôn từ sinh động khiến người đọc hình dung mùa xuân ở trạng thái tròn đầy nhất.

Bài thơ "Mùa xuân chín" đã khắc họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống. Bức tranh ấy được gợi lên với đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên và con người. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa cũng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. Bài thơ thể hiện nỗi khát khao giao cảm với đời của một con người xa quê và đang bị bệnh tật giày vò.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 5)

Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn từng nhận định: “Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thơ cất lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”. Quả đúng là như vậy đọc thơ Hàn Mặc Tử ta luôn thấy một tấm lòng khao khát yêu đời, khao khát sống. Một trong số đó là bài thơ “Mùa xuân chín”. Bài thơ được rút trong tập “Đau thương” (1938) – được coi là “tiếng thơ thuộc loại trong trẻo nhất của Hàn Mặc Tử”, trong trẻo song cũng đầy bí ẩn, đau thương.

“Mùa xuân chín” gây ấn tượng với bạn đọc bởi chính nhan đề của nó. Bởi lẽ, đọc thơ của Hàn Mặc Tử, ta luôn thấy một sự u huyền, mơ mộng, kì bí, đượm buồn và đau thương với những hình ảnh đặc trưng là “máu”, “trăng” và “rượu”. Thế nhưng, “mùa xuân chín” lại mang đến một cảm giác hoàn toàn mới lạ, một không gian tràn đầy sức sống của cảnh xuân và tình xuân. “Chín” vốn là tính từ để chỉ trạng thái của quả cây khi đã đến giai đoạn thu hoạch, ngọt ngào, căng mọng và thơm mát. Với ý nghĩa đó, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một “mùa xuân chín” – một mùa xuân tràn đầy sức sống, viên mãn và tròn đầy. Mùa xuân đang ở độ tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, căng tràn nhựa sống nhất.

Mạch thơ là dòng tâm tư bất định với những chuyển kênh bất chợt. Về thời gian, tác giả đang say đắm trong thời khắc hiện tại với cảnh xuân tươi đẹp phô bày trước mắt, bỗng sực nhớ về quá khứ xa căm với khung cảnh làng quê thân thương. Về cảnh sắc, bức tranh xuân đang từ ngoại cảnh (mái nhà tranh, giàn thiên lí, sóng cỏ xanh tươi,...) thoắt biến thành tâm cảnh ( người con gái dánh thóc dọc bờ sông trắng). Về cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ dòng tâm tư của bản thân với nhiều bước ngoặt: từ niềm say mê, rạo rực đến trạng thái bâng khuâng, xao xuyến rồi buồn thương da diết. Có thể thấy, mạch thơ không đi theo một chiều mà luôn vận động vô cùng linh hoạt, phong phú. Đó chính là phong cách thơ độc đáo của chàng thi sĩ họ Hàn.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên tươi mới, ngập tràn ánh sáng, ngập tràn sắc xuân:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.

Thiên nhiên mùa xuân hiện ra ngập tràn sắc vàng của nắng hoà trong làn sương khói mờ ảo, huyền bí. Cách kết hợp từ “khói mơ tan” khiến ta hình dung những làn khói sương như đang hoà tan trong nắng tạo nên một khung cảnh đẹp như mơ. Sắc vàng của nắng càng trở nên rực rỡ với hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy bỗng nhà thơ bắt gặp tiếng “sột soạt” của “gió trêu tà áo biếc”. Biện pháp đảo ngữ và nhân hoá đã được nhà thơ sử dụng thật tài tình. “Sột soạt” được đảo lên đầu câu nhằm nhấn mạnh của động của cảnh vật. Gió như đang trêu đùa cùng tà áo biếc đón xuân sang, khiến không khí mùa xuân trở nên sôi động, vui tươi, đầy hứng khởi. Từ mái nhà tranh, nhà thơ di chuyển điểm nhìn đến “giàn thiên lí”. Dấu chấm đặt giữa câu thơ như một sự ngập ngừng, ngắt quãng. Bởi đó là khoảnh khắc thi nhân giật mình nhận ra “bóng xuân sang”. Mùa xuân được hữu hình hoá, có thể quan sát bằng thị giác. Bóng của mùa xuân nhẹ nhàng bước tới như thể đang đứng trước mặt nhà thơ, khiến con người ngỡ ngàng mà chiêm ngưỡng cái sắc xuân tươi đẹp ấy.

Từ điểm nhìn cận cảnh, Hàn Mạc Tử đưa tầm mắt ra xa với cái nhìn viễn cảnh. Không gian mùa xuân được rộng mở với “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. “Sóng” được kết hợp với thảm có xanh mướt khiến bạn đọc hình dung từng lớp cỏ như nối tiếp nhau, trải dài bất tận, sức sống dường như đang căng tràn một cách mãnh liệt. Ý thơ làm ta nhớ đến một câu thơ trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Cùng diễn tả một không gian mùa xuân với thảm cỏ xanh mướt trải dài bất tận nhưng cái độc đáo của Hàn Mặc Tử là cách nói “sóng cỏ” gợi ra một sự uyển chuyển, nhẹ nhàng mà mượt mà của những lớp cỏ xuân. Phải chăng sức sống cuộn trào từ bên trong, tạo thành những đợt sóng và kết lại tạo nên một “mùa xuân chín”!

Từ cảnh thu, Hàn Mạc Tử bỗng chuyển sang tình thu, bức tranh ngoại cảnh trở về với bức tranh tâm cảnh. Phải chăng, nhà thơ dùng cảnh mở đầu là để nói tình, tả tình? Một cái tình nồng hậu, thiết tha với con người và cuộc đời. Hoà cùng với không khí tươi vui của mùa xuân, ta thấy được cái náo nức trong lòng người:

“Bao cô thôn nữ hát trên đồi

-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”

“Xuân xanh” là một ẩn dụ để chỉ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Tuổi xuân của họ tươi đẹp, rực rỡ như mùa xuân của đất trời. Chính vì vậy, niềm vui của những cô thôn nữ hoà trong không khí mùa xuân chính là tình xuân. Cái ửng của nắng phải chăng chính là đôi má ửng hồng của các cô gái khi “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Niềm vui của họ là tình yêu đôi lứa, là sự gắn kết trong hôn nhân đến bạc đầu. “Mùa xuân chín” không chỉ là tiết trời xuân mà còn là tình xuân. Cái “chín” trong tình yêu chính là kết quả nên vợ nên chồng. Niềm hạnh phúc của những cô gái được thể hiện trong “tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”. Hàn Mặc Tử đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật tài tình. “Tiếng ca” vốn được cảm nhận bằng thính giác, nay được hữu hình hoà trong trạng thái “vắt vẻo”, cảm nhận bằng thị giác. Tiếng hát ca say sưa của con người như có sức hút, cao vút đến lưng chừng núi thể hiện niềm thiết tha yêu đời mãnh liệt. Dư âm của tiếng hát dường như còn ngập ngừng mà “vắt vẻo lưng chừng núi” tạo nên một âm thanh vang vọng khắp không gian. Xuân tình từ thiên nhiên lây lan, giao ứng với xuân tình trong lòng người, cả hai nhập vào nhau trong cùng một tiếng hát. Là tiếng hát của những cô thôn nữ mà cũng là tiếng hát của nước mây. Thiên nhiên và con người đồng ca, đồng vọng hay tiếng hát trong lòng thiên nhiên đang cất lên qua lời hát của con người.

Từ âm thanh cao vút, hổn hển như lời của nước mây bỗng trở thành những lời thầm thì nhỏ bé:

“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây”

Câu thơ phảng phất tính tượng trưng, siêu thực trong thơ Hàn Mạc Tử. Đại từ “ai” xuất hiện như “bóng ai đậu bến sông trăng đó” (Đây thôn Vĩ Dạ) đầy bí ẩn. “Tiếng ca” vốn vang xa khắp núi rừng nay thu lại chỉ dành cho “ai”. Đó có thể là người thương, cũng có thể là với chính bản thân mình. Để rồi, khi tâm tình, sẻ chia, con người có thể lắng nghe được những “ý vị và thơ ngây” trong lòng mình. Tuy nhiên, câu thơ cũng mang theo nỗi buồn, niềm nuối tiếc của người thi sĩ trước “mùa xuân chín”. Bởi “xuân chín” rồi cũng là lúc “xuân tàn”, cái đẹp rồi cũng sẽ tàn phai. “Đám xuân xanh ấy” rồi cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Tuổi xuân tươi đẹp của người thiếu nữ rồi cũng có điểm kết. Ta thấy dâng lên trong lòng nhà thơ một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, muốn níu giữ cái hương sắc tươi đẹp của cuộc đời. Để rồi, kết thúc bài thơ, Hàn Mặc Tử hoá thân trong một người “khách xa”, bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình:

“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

-Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.

Trước “mùa xuân chín”, lòng “khách xa” bỗng trào dâng nỗi nhớ làng quê thân thương. Nhớ làn nắng ửng, nhớ đôi mái nhà tranh, nhớ tà áo biếc và nhớ cả giàn thiên lý. Đó là một không gian làng quê mộc mạc, giản dị, gần gũi mà chan chứa nghĩa tình. Và trong không gian ấy, hình ảnh người chị gánh thóc trở thành trung tâm của nỗi nhớ. “Chị ấy” là một cách nói phiếm chỉ. Đó có thể là một người dân lao động bình thường nơi thôn quê của tác giả, cũng có thể là một người thân quen gần gũi, hoặc cũng có thể là cô người yêu của thi nhân. Thế nhưng, dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy một niềm yêu quý và trân trọng của tác giả đối với “chị”. Người con gái xuất hiện trong nét đẹp lao động với tư thế gánh thóc, hoà cùng ánh nắng vàng bên bờ sông trắng. Một khung cảnh hiện lên thật thơ mộng, lãng mạn biết bao! Ta có thể thấy ánh nắng xuân lúc này càng trở nên long lanh, lấp lánh hơn trong dòng hồi tưởng của người khách xa quê.

Như vậy, bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử có sự hài hoà của sắc xuân, tình xuân. Không chỉ mùa xuân chín mà lòng người cũng “chín” với khát khao giao cảm với cuộc đời, “chín” với tình yêu và nỗi nhớ. Một nét đặc trưng tiêu biểu làm nên sự độc đáo của “Mùa xuân chín” cũng như ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử chính là sự kết hợp tài tình giữa cái cổ điển và cái hiện đại. Trước hết, ta bắt gặp thơ Hàn Mặc Tử có những điểm giao thoa với thể thơ Đường luật, tạo nên một nét thơ phảng phất phong vị cổ điển, trang trọng. “Mùa xuân chín” được sáng tác theo thể thơ bảy chữ, ngắt nhịp 4/3. Thất ngôn và ngắt nhịp 4/3 là đặc trưng tiêu biểu của thơ Đường luật. Ngoài ra, cách gieo vần cuối những câu thơ 1, 2, 4 cũng là một điểm giao thoa với thể thơ Đường luật. Đó là những yếu tố làm nên phong vị cổ điển trong thơ Hàn Mặc Tử. Về tính hiện đại, thi sĩ họ Hàn là người chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của thơ tượng trưng siêu thực đó là tạo nên những hình ảnh huyền ảo, kì bí, thậm chí là ma mị bằng những kết hợp từ mới mẻ, độc đáo thông qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Có thể thấy ngòi bút của Hàn Mạc Tử đã đạt đến trình độ điêu luyện trong việc sáng tạo nên những kết hợp từ ngữ mới: mùa xuân chín, bóng xuân sang, đám xuân xanh, tiếng ca vắt vẻo, nghe ra ý vị và thơ ngây. Tất cả những gì trừu tượng, không thể cảm nhận bằng mắt thường đã được nhà thơ hữu hình hoá một cách thật tài tình, độc đáo. Những nét thơ mới lạ tạo nên tính hiện đại rất riêng trong thơ Hàn Mặc Tử. Hoà cùng với dòng phát triển của Thơ mới trong thời bấy giờ, thơ Hàn Mặc Tử đã tạo ra một lối rẽ riêng - tinh tế, độc đáo và mới lạ.

Thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ một thế giới nội tâm mãnh liệt với những cung bậc cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Đọc “mùa xuân chín”, ta thấy Hàn Mặc Tử đã mượn bức tranh xuân tươi đẹp, rạo rực, tràn đầy sức sống để bày tỏ cái “xuân chín” trong lòng người. “Chín” trong tình thương, “chín” trong nỗi nhớ về con người, cuộc đời và quê hương. Nổi bật hơn hết là một tấm lòng khát khao giao cảm với cuộc đời, trân trọng cái đẹp và ý thức nâng niu, giữ gìn những gì tinh tuý, đẹp đẽ của cuộc đời. Khao khát ấy trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong những sáng tác của Hàn Mặc Tử, tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, để tư tưởng trong những dòng thơ còn âm vang mãi cho đến hiện tại.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 6)

Đỗ Phủ là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Trung Hoa và được người đời sau tôn làm "Thi Thánh". Ông xuất thân từ một gia đình truyền thống nho học và thơ ca lâu đời. Cuộc đời ông gắn với nhiều biến cố lịch sử dữ dội của thời đại với nhiều đau thương, mất mát. Ông phải chịu cảnh tha hương và sống cuộc sống khốn khó, bệnh tật tại Quý Châu. Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông là chùm tám bài thơ thu trong đó có "Thu hứng" (bài 1). Bài thơ bộc lộ nỗi nhớ quê hương sâu sắc của thi nhân khi ông nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt và khung cảnh đời sống rộn ràng, tươi vui của con người tại Quý Châu.

Nhan đề tác phẩm đã gợi cho người đọc tâm trạng của thi nhân trước cảnh thu. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ tâm trạng trước bức tranh thiên nhiên đến cảm nhận về cảnh sinh hoạt của con người.

Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ đã đã khắc họa bức tranh mùa thu hiu hắt, man mác buồn. Chỉ với vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm nổi bật lên không gian chiều thu ở Quý Châu:
"Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm"

Ta có thể nhận thấy vị trí quan sát của nhà thơ tương đối cao bởi tầm nhìn của ông khá xa và rộng. Sương trắng giăng đầy khắp núi gợi lên không gian tiêu điều, xác xơ của rừng phong. "Sương trắng" và "rừng phong" là những hình ảnh thường được sử dụng trong thơ ca cổ khi viết về mùa thu. Từ "trắng xóa" miêu tả độ dày đặc của màn sương mù, gợi lên sự hoang vu. Nhà thơ nhắc tới hai địa danh núi Vu và kẽm Vu thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là những địa danh có địa hình hiểm trở với những vách núi dựng đứng. Vào mùa thu, nơi đây mịt mù với "hơi thu" lạnh lẽo phủ khắp không gian. Hai câu thơ đầu tuy khung cảnh khác nhau nhưng nhà thơ lại nhìn chúng với tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn.

Tầm nhìn của nhà thơ đã chuyển hướng ở hai câu thơ tiếp theo. Sự vận hành của tứ thơ rất logic, từ xa đến gần, từ không gian bên ngoài đến những rung động trong nội tâm, mỗi câu thơ đều bộc lộ nỗi nhớ thương đau đáu. Nếu ở hai câu thơ đầu, nhà thơ phóng tầm mắt lên cao, nhìn đến rừng phong với sương mù mờ ảo thì ở hai câu thơ sau, nhà thơ đã hạ tầm nhìn xuống dòng sông "Giữa lòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời". Động từ "trùm" khiến người đọc hình dung ra một khung cảnh hùng vĩ của dòng sông. Đồng thời, hình ảnh "Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u" càng khiến cho không gian trở nên tối tăm, lạnh lẽo. Sự kết hợp giữa cảnh rừng phong tiêu điều, sương trắng âm u với vẻ hùng vĩ của sông nước, núi rừng khiến khung cảnh thiên nhiên thêm phần rợn ngợp. Nhịp thơ 2/2/3 kết hợp và cách gieo vần chân "lâm" - "sâm" - "âm" càng khắc họa nỗi buồn của nhân vật trữ tình trước không gian mênh mang của mùa thu.

Bốn câu thơ cuối, thi nhân đã diễn tả những rung động mãnh liệt, sâu sắc trước cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp và khung cảnh sinh hoạt của con người:
"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm."

Nỗi lòng nhà thơ bộc lộ rõ qua hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần", "con thuyền lẻ loi", "rộn ràng dao thước để may áo rét", "tiếng chày nện vải nghe càng dồn dập". Hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần" dùng để chỉ thời gian xa nhà của tác giả. Nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc mà "tuôn rơi nước mắt". Hình ảnh "Con thuyền lẻ loi" gợi ra sự cô đơn, nổi trôi vô định của Đỗ Phủ nơi đất khách.

Hai câu thơ cuối bài có sự xuất hiện của con người với âm thanh cuộc sống sinh động. Từ láy "rộn ràng", "dồn dập" gợi không khí tươi vui. Ta có thể nhận ra được sự chuyển biến tâm trạng nhân vật trữ tình khi đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người. Giờ đây, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương càng trào dâng trong lòng tác giả. Nằm trong chùm tám bài thơ cùng nhan đề, "Thu hứng" (bài 1) và "Thu hứng" (bài 2) lại có những nét hấp dẫn riêng. Nếu "Thu hứng" (bài 2) thể hiện tình yêu nước một cách thầm kín thì "Thu hứng" (bài 1) lại khiến cho người đọc cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách quê người.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Niêm, luật và cách gieo vần trong bài thơ được tuân thủ chặt chẽ. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn từ và những hình ảnh đặc sắc nhằm khắc họa khung cảnh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người. Bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng được thi nhân sử dụng nhằm bộc lộ tâm trạng buồn, xót xa của thi nhân khi nghĩ về quê hương.

"Thu hứng" (bài 1) thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách. Bài thơ mang đậm dấu ấn của một hồn thơ tinh tế. Qua bài thơ, người đọc cũng cảm nhận được tài năng và nhân cách cao đẹp của nhà thơ Đỗ Phủ. Đúng như nhà thơ Nguyên Chẩn đã viết: "Đỗ Tử Mỹ trên làm nhạt Phong Tao, dưới làm mờ Thẩm - Tống; lời vượt cả Tô, Lý; khí thơ nuốt cả Tào, Lư; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao, nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm..., có tất cả thể thế của tổ tiên, lại có được cái độc chuyên của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay chưa có ai được như Đỗ Tử Mỹ vậy".

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 7)

"Cánh đồng" là một trong số những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Thị Ngân Hoa, tác phẩm trong chùm thơ đạt giải B (không có giải A) cuộc thi Thơ trên báo Văn nghệ năm 1995. Bài thơ đã đem đến cho người đọc những rung động sâu sắc về vẻ đẹp cánh đồng mùa xuân tràn đầy sức sống và tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.

Nhan đề bài thơ gợi cho người đọc hình dung về một miền quê yên bình, dân dã, có cánh đồng rộng lớn và không gian bao la. Trong quá trình đọc tác phẩm, ta có thể cảm nhận được sự biến hóa của nhịp điệu, sự phóng khoáng trong cách xây dựng những hình ảnh thơ và sử dụng công trong cách tổ chức mạch thơ.

Bài thơ đã khắc họa nên khung cảnh cánh đồng mùa xuân ngập tràn hương sắc. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân qua hình ảnh "Những đóa cúc vừa hái về từ cánh đồng mùa xuân rộng lớn". Nhân vật trữ tình đã cảm nhận vẻ đẹp của khóm cúc bằng con mắt mộng mơ của tuổi trẻ. Chỉ một đóa cúc thôi mà nhân vật trong bài đã hình dung ra cả một cánh đồng mùa xuân tươi tắn ngay trước mắt. Vẻ đẹp của cánh đồng mùa xuân không chỉ được gợi ra từ màu sắc mà còn được tái hiện bởi âm thanh "Tỏa sáng trên chiếc bình gốm màu sẫm/ Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run, một làn sương ẩm ướt/ Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một vang rền trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ". Các câu thơ nối tiếp nhau như dòng chảy cảm xúc và suy tưởng của nhân vật trữ tình. Điều này được thể hiện qua độ dài, ngắn của các câu thơ và nhịp thơ biến đổi linh hoạt, lúc nhanh, lúc chậm tùy thuộc vào tâm trạng nhân vật. Biện pháp điệp cấu trúc "Chạm vào em...một...một,... một" kết hợp với các từ ngữ "già nua", "bé bỏng", "run run", "ẩm ướt", "lảnh lót", "trong veo", "vang rền", "trầm đục", "nức nở", "âm u", "lặng câm", "rực rỡ" đã nhấn mạnh vẻ đẹp của thiên nhiên. Khung cảnh mùa xuân được nhà thơ khắc họa tràn đầy sức sống, mọi sự vật, hiện tượng đều mang trong mình những điểm riêng biệt.

Từ bông cúc cắm trên bình gốm, nhân vật trữ tình thả hồn mình tìm tới cánh đồng mênh mông. Động từ "chạy về" thể hiện rõ khao khát của nhân vật "em" khi nghĩ về cánh đồng rộng lớn. Đây như là một nơi yên bình mà nhân vật "em" luôn hướng tới. Trở về với cánh đồng em có thể hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp "Chân ngập trong đất mềm tơi xốp". Biện pháp điệp cấu trúc lại tiếp tục được sử dụng trong hai câu thơ "Em gọi tên những loài hoa chưa kịp mọc/ Em gọi tên những trái cây chưa kịp ra đời" nhấn mạnh sự chờ đợi của nhân vật trữ tình. "Em" mong chờ những sự sống đang ấp ủ trong lòng đất. Biện pháp nhân hóa "Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt/ Đang ngủ trong đóa hoa nấp dưới đất cày" thể hiện sức sống tiềm tàng của sự vật trong mùa xuân. Trạng thái mầm cây đang ngủ thể hiện quy luật bốn mùa của tự nhiên. Mùa xuân đến vạn vật ấp ủ trong mình sự sống bất tận. Trong khổ thơ này, tác giả đã làm nổi bật sự trân quý thiên nhiên của nhân vật trữ tình.
Kết thúc tác phẩm, nhà thơ lại nhắc tới hình ảnh "chiếc bình gốm": "Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm/ Chưa kịp thành hình chờ đợi các loài hoa". Nếu như ở khổ thơ đầu, chiếc bình gốm làm nền cho những đóa cúc "tỏa sáng" thì ở khổ thơ cuối, chiếc bình gốm lại "chưa kịp" thành hình mà ẩn sâu dưới lớp đất cày chờ đón những loài hoa sắp nở. Câu thơ "Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm" gợi lên nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Câu thơ này có thể hiểu theo hai cách: cách thứ nhất là những chiếc bình gốm được lấp dưới "đất cày"; cách hiểu thứ hai là "lớp đất" chính là nguyên liệu để con người tạo ra chiếc bình gốm. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn cho thấy tình cảm yêu mến thiên nhiên của "em".

Bài thơ đã gợi ra không gian cánh đồng mùa xuân tràn đầy sức sống với những hình ảnh quen thuộc: đóa cúc, đất cày, trái cây,... Cánh đồng được nổi bật lên không chỉ qua hình ảnh mà còn qua âm thanh "lảnh lót trong veo", "một vang rền trầm đục", "một nức nở âm u", "một lặng câm rực rỡ". Bằng khả năng quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, cánh đồng mùa xuân được tái hiện một cách chân thực, sống động qua ngòi bút của tác giả. Tác phẩm có cách triển khai độc đáo, các câu thơ, khổ thơ có độ dài ngắn khác nhau như dòng chảy tâm trạng của nhân vật trữ tình. Sự biến hóa nhịp điệu linh hoạt khiến bài thơ như một trang tự sự. Qua tác phẩm, nhà thơ gửi gắm tình cảm yêu mến thiên nhiên thiết tha.

Nếu bài thơ "Mùa xuân chín" của nhà thơ Hàn Mặc Tử đem đến cho người đọc những cảm nhận xuyến xao về bức tranh thiên nhiên mùa xuân yên bình, khung cảnh sinh hoạt gần gũi từ đó thể hiện khát khao giao cảm với đời thì bài thơ "Cánh đồng" của Nguyễn Thị Ngân Hoa lại mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó quên về mùa xuân tươi đẹp trên cánh đồng. Điều khác biệt có thể nói tới chính là sự khác biệt trong việc xây dựng hình ảnh thơ và việc tổ chức mạch thơ (các câu thơ dài, ngắn khác nhau theo dòng cảm xúc của nhân vật).

Bài thơ "Cánh đồng" của Nguyễn Thị Ngân Hoa là một bài thơ đặc sắc cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Tác phẩm đem lại cho người đọc những ấn tượng khó quên về khung cảnh cánh đồng mùa xuân yên bình, nơi tràn đầy kỉ niệm và khát khao của nhân vật "em". Qua đó, nhà thơ cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên thiết tha.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 8)

"Cảnh khuya” nằm trong số những bài thơ trữ tình đặc sắc, bài thơ viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, Bác Hồ đã viết bài thơ “Cảnh khuya” trong hoàn cảnh đó.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

(1947 – Hồ Chí Minh)

Bài thơ miêu tả cảnh khuya núi rừng một đêm trăng, nói lên những suy tư lo lắng của Bác Hồ đối với vận mệnh của dân tộc. Hai câu đầu làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng, trăng ngàn Việt Bắc. Nhà thơ thao thức lắng nghe tiếng suối chảy rì rầm, êm nhẹ và trong trẻo từ rừng sâu vọng đến: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

Suối là vẻ đẹp chốn lâm quyền, vẻ đẹp rừng già Việt Bắc. Bác lấy tiếng suối so sánh với tiếng hát, là khúc nhạc rừng ví với tiếng hát xa, êm ái, ngọt ngào của con người, làm cho cảnh khuya chiến khu trở nên gần gũi, mang hơi ấm cuộc đời. Câu thơ làm ta liên tưởng đến tiếng suối trong bài “Côn Sơn ca” của Ức Trai hơn 600 năm về trước:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”

Hai hồn thơ trở nên gần gũi, thân thiết. Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn “quê cũ” để xa lánh bụi trần, danh lợi, lấy suối đá thông trúc làm bầu bạn. Bác Hồ cũng đến chốn lâm tuyền Việt Bắc, xây dựng chiến khu đánh Pháp. Suối trở thành bài ca câu hát nâng đỡ tâm hồn Bác trong những năm dài kháng chiến gian khổ.

Tả suối, nghệ thuật của Bác thật điêu luyện: Lấy cái động (tiếng suối chảy) để miêu tả cái tĩnh (Cảnh khuya) làm nổi bật sự thanh vắng, tĩnh lặng của chiến khu một đêm trăng. Càng về khuya, núi rừng như chìm trong vắng lặng mênh mông. Bác “chưa ngủ” nên mới nghe rõ âm thanh rì rầm suối chảy. Câu thứ hai tả trăng ngàn: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Hai vế tiểu đối gợi lên cảnh đẹp hài hòa của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa, rất thơ mộng “lồng” vào cổ thụ, bóng cổ thụ lại “lồng” vào hoa. Cảnh thiên nhiên trở nên hữu tình, huyền ảo. Chữ “lồng” được láy hai lần, chất thơ trữ tình mang hồn người, quyến rũ. Ánh trăng trải khắp núi rừng, dát vàng xuống rừng cây, “lồng” và trùm lên cổ thụ. Cảnh rừng có tầng cao, tầng thấp, có mảnh sáng, mảnh mờ. Nét vẽ tinh tế, gam màu nhẹ và tươi mát, sự phối sắc tài tình, mĩ cảm, hấp dẫn.

Nếu như ở hai câu thơ đầu Bác chỉ miêu tả về thiên nhiên thì đến hai câu thư cuối ta thấy được hình ảnh một vị lãnh tụ đang trằn trọc không ngủ. Hai câu thơ cho chúng ta hiểu rõ thêm được tâm hồn yêu thiên nhiên của Bác nhưng cũng chính thiên nhiên lại khiến cho tâm hồn ấy trằn trọc chẳng thể nào ngủ nổi vì thiên nhiên mà nỗi lo cho đất nước càng dâng cao khiến cho vị lãnh tụ không thể nào chợp mắt. Giữa vầng trăng sáng vằng vặc giữa cảnh khuya trong trẻo có một người đang thao thức không yên .Người hòa mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Chưa ngủ, thao thức, bồi hồi vì “lo nỗi nước nhà”. Nhà nước đang bị giặc Pháp xâm lăng, con thuyền kháng chiến đang băng qua ghềnh thác thì vị “thuyền trưởng” chưa thể ngủ ngon giấc được! Nguyễn Trãi đã từng thao thức vì đại nghĩa:

“Còn một tấc lòng âu việc nước

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”

(Quốc âm thi tập)

Bác Hồ cũng thao thức: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Cùng mang trong tâm hồn một tình yêu lớn đối với đất nước và nhân dân, thơ của bác chứa chan tình yêu nước. Có thể nói, câu thơ bình dị, sáng tỏ như một chân lý, để lại ấn tượng sâu sắc.

“Cảnh khuya” bài thơ tứ tuyệt làm đẹp nền thơ ca kháng chiến. Câu thơ giàu hình tượng và truyền cảm. Cảnh và tình hòa hợp, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tình yêu nước thiết tha, tình yêu thiên nhiên trong sáng là cốt cách vẻ đẹp của bài thơ.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 9)

Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ “Mộ” năm 1942, trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó là khi nhà thơ bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trong suốt thời gian bị đày ải bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch người lính khổ sai Nguyễn Tất Thành thường xuyên bị áp giải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó người bình thường chắc chỉ thấy tiếng kêu rên ai oán số phận, còn với Bác người lính cách mạng có tinh thần thép thì đó chỉ là cái cớ để tâm hồn thi sĩ vút cao lên thành những áng văn thơ trữ tình dạt dào cảm xúc. Chẳng thế mà toàn bài thơ chúng ta không thấy bất kỳ hình ảnh đau khổ của người tù mà chỉ thấy khung cảnh thiên nhiên, con người nơi miền sơn cước vô cùng bình dị, quen thuộc với cuộc sống lao động thường nhật.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên đặc trưng của buổi chiều tối

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Ánh mặt trời dần tắt hẳn, màn đêm chuẩn bị bao trùm lấy cảnh vật, đây là thời khắc con người, vạn vật sinh linh trên trái đất đều mệt mỏi và muốn tìm về với chốn bình yên để nghỉ ngơi. Đầu tiên là hình ảnh của chú chim đang mỏi cánh trên bầu trời, cánh chim ấy đã vất vả sau một ngày dài kiếm ăn khắp chốn, giờ là lúc nó tìm về với bóng cây, chốn yên bình để ngủ. Câu thơ thứ hai vẫn là nét chấm phá cảnh vật của thiên nhiên với hình ảnh của “cô vân”. Cô vân là chòm mây cô đơn, kết hợp với từ láy “mạn mạn” tức là trôi nhẹ, lơ lửng, vô định trên bầu trời. Chòm mây cô đơn lạc trôi trên bầu trời khá tương đồng với hoàn cảnh của người tù khổ sai, cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Trong lòng vẫn luôn đau đáu một ngày được trở về với đồng bào, quê hương.

Hai câu thơ sử dụng thủ pháp đối khá quen thuộc trong thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, đối giữa “cô vân” và “quyện điểu” để tạo nên một bức tranh thiên nhiên cân xứng, hài hòa. Một vài nét chấm phá đơn giản nhưng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật hữu tình, nên thơ.

Hai câu thơ sau là hình ảnh của con người, con người của cuộc sống lao động hiện ra thông qua những nét vẽ thật khỏe khoắn, rắn rỏi

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Hình ảnh cô gái xóm núi đang xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối xuất hiện trong bài thơ là một nét vẽ bất ngờ nhưng rất hợp lý. Nó được cảm nhận thông qua cái nhìn của người tù khổ sai, nó mang một sức sống thật mạnh mẽ, tiềm tàng. Động tác xay ngô của cô gái nhịp nhàng, khỏe khoắn, từng vòng quay của chiếc cối đều, dứt khoát, “ma bao túc” rồi lại” bao túc ma hoàn”; phép lặp từ trong hai câu thơ nhấn mạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động trong cuộc sống thường nhật, qua đó thể hiện cái nhìn trân trọng của thi sĩ dành cho con người nơi đây. Đặc biệt là hình ảnh “lô dĩ hồng” xuất hiện ở cuối bài thơ, đó là một nhãn tự có sức nặng cân cả bài thơ. Chữ hồng xuất hiện đã xua tan không khí lạnh giá nơi xóm núi hoang sơ, nó như tiếp thêm sức sống và sức mạnh cho người tù khổ sai trên con đường đi tìm lối thoát cho dân tộc. Chữ “hồng” cũng thể hiện chất thép vốn rất đặc trưng trong tập “Nhật ký trong tù”. Nó cũng khẳng định vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại trong thơ của Hồ Chủ Tịch

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Thông qua bài thơ “Mộ” chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của nghị lực phi thường, tinh thần mạnh mẽ không lên gân, không khoa trương mà giản dị, khiêm nhường trong thơ của Hồ Chí Minh.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 10)

Hàn Mặc Tử: là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn và cũng là người tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận định: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Thật vậy, trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng. Bài thơ “Mùa xuân chín” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho giọng thơ ấy.

Hàn Mặc Tử, với cuộc đời ngắn ngủi, tâm hổn đa cảm, mong manh đã để lại cho đời những bài thơ rất đặc sắc. “Mùa xuân chín” là một trong số đó. Trong không gian của buổi giao mùạ, một góc tâm tình của tác giả: Nhớ làng, nhớ quê… và một cái gì đó rất mơ hồ, gợi trong lòng ta biết bao suy nghĩ. “Mùa xuân chín” một khoảng trời riêng của cảm xúc đang “chín” trong lòng nhà thơ, trong lòng người đọc.

Đọc tựa bài, ta hầu như đã cảm nhận được cái “ngon lành”, cái đỉnh cao tận cùng của “Mùa xuân chín”. Nếu có “xuân chín” thì hẳn cũng có “xuân xanh” ; “xuân già”. Nằm giữa ranh giới của cái “non trẻ”, cái “già nua”, “Mùa xuân chín” trở nên giá trị nhưng cũng ngắn ngủi, mong manh vô cùng. Để lòng say đắm trong giây phút hoàn hảo nhất của vũ trụ ấy thì còn gì bằng!

Trong tan nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lẫm tấm vàng.

“Nắng ửng”. Từ “ửng” mang một ý nghĩa đặc biệt. Ta có thể liên tưởng đến ngay cái “chín ửng” của quả đào, quả hồng, cái “ưng ửng” hây hây của đôi má các cô gái trong tiết lạnh đầu xuân. Cũng như vậy, xuân đang “chín” lên trong cái “ửng” của nắng. Dấu hai chấm sau đó nhắc nhở ta cái gì sẽ hiện nhiên xẩy ra như quả chín thì chuyển từ xanh sang hồng. Những làn khói sương tan trong nắng, lượn lờ, bồng bềnh nâng tâm hồn thi sĩ lên khỏi mặt đất, khỏi thực tại, bước vào cõi “mơ”. “Đôi mùi nhả tranh lẫm tấm vàng”. Những “lấm tấm vàng” đó là hạt nắng hay chính là những ảo ảnh trong đôi mắt của người đang say Không phải cái say “quên trời, quên đất”, cái say của nhà thơ là những phút giây đắm chìm, mê mải, chăm chú, cả âm thanh, cả hình ảnh, màu sắc cũng hòa làm một: khói tan, mái nhà lấm tấm vàng, gió sột soạt tà áo, giàn thiên lí. Đó là “bóng xuân”. Chỉ là “bóng”, rất mơ hồ, huyền ảo, mùa xuân cô gái đẹp, đẹp như trong mơ, đẹp như quả chín, đẹp hoàn hảo lướt qua trong tâm hồn nhà thơ.

“Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Tiếng hát của những cô gái đánh thức Hàn Mặc Tử, đưa nhà thơ trở lại với thực tại. Toàn khổ thơ là tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi :

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bò cuộc chơi…”

Nhà thơ nghĩ đến ngày mai đây, cảnh vật, con người sẽ đỗi khác, những cô gái sẽ không còn những giây phút hồn nhiên, vô tư ca hát với mùa xuân, cũng như xuân rồi cũng sẻ qua, “xuân chín” rồi thì xuân sẽ tàn. Tâm hồn đa cảm ấy, không thể không rung lên xúc động. “Đám xuân xanh ấy” Mùa xuân tươi đẹp của đời người, cũng là mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên mà thi sĩ vẽ ra trước mắt người đọc làm ta không khỏi suy tư. Thế thì ta hãy tận hưởng cho hết những giờ khắc tuyệt vời ấy.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi ,

Hổn hển như lời của nước máy…

Thầm thi với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Trí tưởng tượng của tác giả đã lên đến tột độ, tiếng hát thánh thót như đang “vắt vẻo lưng chừng núi”, đang “hổn hển như lời của nước máy”. Những âm thanh không bay cao, bay xa mà vẫn “thầm thì với ai ngồi dưới trúc”. Từ “ai” rối rắm nghịch lý ấy cho ta thấy những cảm xúc vô cùng tinh tế trong tâm hồn thi sĩ. Tiếng hát bay khắp không gian, thi sĩ “thu”lại chỉ riêng cho “ai”. Chính là mình rồi tự thốt lên: “Nghe ra ý vị và thơ ngây”

Có mấy ai cảm nhận hết cả đất trời như vậy! Nghĩ đến đất trời, về những cuộc đổi thay, về mùa xuân, tác giả lại nghĩ về mình Khác xa gặp lúc mùa xuân chín

Thì ra mình chỉ là một người tha phương, lẻ loi, cô độc gặp “Mùa xuân chín” mới có được giây phút ấm lòng. Hàn Mặc Tử nhớ về làng xưa trí bâng khuâng sực nhớ làng”.

Cái “sực nhớ” bất ngờ, dồn dập, tên tác giả, cái têu mà cha mẹ anh em vẫn gọi đối với Hàn Mặc Tử thân thương biết mấy, gần gũi biết mấy. Ngẫu nhiên, đó cũng là một từ rất phú hợp với nỗi nhớ của tác giả. Nhớ về quê xưa, hình ảnh đầu tiên đến với cái “sực nhớ” của tác giả là hình ảnh của người con gái. “Chị ấy” là chị ruột, chị họ hàng hay chí là một người quen hay là…? Ta không thể biết được. Nhưng ta hiểu được rằng tác giả đã dành sẵn một tình cảm rất trân trọng, rất tha thiết cho người con gái ấy. Tại sao hình ảnh đầu tiên mà tác giả nhớ không phải là cha mẹ, anh em, mái nhà xưa? Bởi vì đây là cái “sực nhớ”, điều mà ý thức không kiêm soát được mà là của con tim đang dồn dập, nóng bỏng vì nỗi nhớ điều khiển. Những từ, tiếng vần liền “trắng, nắng”, “chang chang” tạo cho người đọc cảm giác rõ rệt về một bờ sông cát trắng, nắng chói rất thật rất rõ ràng tạo thành hình ảnh con người thật đẹp.

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang

Mùa xuân luôn là cảm hứng của bao nhiêu thi sĩ. Thế nhưng trong “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử vẫn rất đặc sắc vẫn rất sâu đậm, không những chỉ có “Mùa xuân chín” mà còn “chín” cả lòng người thi sỉ, “chín” cả nỗi nhớ làng, nhớ người xưa trong thơ Hàn Mặc Tử.

Bài thơ dạt dào cảm xúc khiến lòng người bâng khuâng. Với tâm hồn lãng mạn cùng những lời thơ trữ tình đặc sắc, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một bức tranh xuân, một hình ảnh xuân một nét xuân đầm thắm dịu dàng. Người thì đã đi xa nhưng tình người còn vương vấn mãi. Bài thơ ấy cùng với cái tôi Hàn Mặc Tử vẫn tồn tại muôn đời.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 11)

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại vừa là một nhà thơ xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho đời. Một trong những tác phẩm ấy phải kể đến bài thơ Rằm Tháng Giêng. Bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng mùa xuân, bên cạnh đó là hình ảnh người chiến sĩ ung dung, rạng ngời, một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”.

Bức tranh thiên nhiên với không gian và thời gian tràn ngập vẻ đẹp và sức xuân. "Rằm xuân" là lúc mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm, soi chiếu tỏ vạn vật trong đêm Rằm. Góc nhìn của tác giả mở rộng ra từ mặt sông mở ra lên trời và ánh trăng. Chỉ một nét chấm phá mở ra không gian bao la vô tận vừa có chiều cao của ánh trăng vừa có chiều rộng của sông nước tiếp giáp với bầu trời.

Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến là hai câu thơ giàu sức gợi hình ảnh:

“Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Trong khung cảnh nên thơ ấy, bao la ấy, Người vẫn không quên nhiệm vụ cao cả, không quên được việc quân đang chờ. Khuya rồi mà trăng vẫn ngân nga đầy thuyền. Trăng tràn ngập khắp nơi, tràn cả không gian rộng lớn, vẫn chờ, vẫn đợi cho dù Bác có bận đến đâu. Thuyền lờ lững xuôi dòng trong đêm có trăng đồng hành như một người bạn chung thủy sâu sắc. Ở đây ta thấy được sự giao cảm giữa thiên nhiên với con người. Điều đó làm cho bức tranh thơ trở nên có hơi thở, có linh hồn. Đặt trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn gian khổ, ta vẫn thấy được phong thái ung dung, một tinh thần lạc quan của vị lãnh tụ vĩ đại.

Bằng thể thơ lục bát, hình ảnh thơ cổ điển (trăng) nhưng cũng hết sức gần gũi, bình dị cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên Tây Bắc khoáng đạt, nên thơ và tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước cũng như phong thái ung dung, lạc quan của Bác. Qua đây chúng ta cũng hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 12)

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc dù đã ra đi nhưng những điều ý nghĩa, tuyệt vời nhất về hình ảnh của Người vẫn còn mãi với con dân đát nước Việt Nam. Trong đó chính là kho tàng thơ ca mà bác đã sáng tác trong suốt cuộc đời chiến đấu, hy sinh cho dân, cho nước. Bài thơ Cảnh Khuya được sáng tác vào năm 1974 là một tình yêu nước, lo lắng cho dân tộc hòa cùng tình yêu thiên nhiên của Người. Từ đó ta cũng cảm nhận được những đặc sắc nghệ thuật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

Mở đầu chính là cảnh bức tranh thiên nhiên ở núi rừng Việt Bắc. Chiến khu Việt Bắc – đó là đầu não của cuộc kháng chiến chống xâm lược, là nơi chỉ đạo đấu tranh của Cách mạng. Nhưng không phải vì vậy mà Việt Bắc chỉ trang nghiêm và bận rộn . Bức tranh Việt Bắc vào khuya đã được miêu tả hết sức đặc sắc

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa’’

Ở đây, Bác đã so sánh tiếng suối ‘’trong như’’ tiếng hát của người con gái. Cảnh khuya thanh vắng vang lên tiếng suối chảy như làm cảnh vật có thêm sức sống. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh như phá vỡ sự im lặng, làm nổi bật cảnh rừng khuya. Trong khung cảnh đó, ánh trăng trên cao chiếu xuống tạo nên những điểm nhấn chi mặt đất nơi núi rừng. Điệp từ “lồng” như nhấn mạnh sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya, sự giao hòa, quấn quýt giữa cảnh vật. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật như những bông hoa điểm xuyết, tạo nên sự hòa quyện của thiên nhiên Việt Bắc với mặt trăng đêm nay. Cảnh khuya Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp cổ điển, mộc mạc nhưng đầy sức sống qua tình yêu thiên nhiên, tân hồn hòa mình nơi núi rừng của Hồ Chí Minh

"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà’’

Câu thơ thứ ba như một câu chuyển với dấu phẩy ngắt giữa câu ba và câu bốn. Điều này như làm rõ tâm trạng lúc này của Bác lúc này ‘’chưa ngủ’’. Cụm từ ‘’ chưa ngủ’’ ở đây chính là nỗi thao thức, tâm trang đầy sự lo âu. Trái ngược với cảnh khuya êm ả, dịu nhẹ, Hồ Chí Minh lúc này trong lòng tràn đầy nỗi băn khoăn, lo âu về nhân dân, đất nước và độc lập của dân tộc. Qua đây, ta cũng thấy rõ được tấm lòng yêu nước, luôn lo nghĩ cho dân, cho nước của vị cha kính yêu của đất nước Việt Nam

Bài thơ có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ (lồng, chưa ngủ) nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.

“Cảnh khuya” đã cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng. Cùng với đó là tấm lòng luôn lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân tộc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại, tạo nên nét đặc sắc cho tác phẩm. Ở tác phẩm còn có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 13)

Thiên nhiên, bốn mùa xuân, hạ, thu đông từ lâu đã không còn là đề tài mới lạ trong thơ ca tự cổ chí kim. Thiên nhiên qua từng thời đại tuy được nhìn dưới những lăng kính khác nhau song đều là thiên nhiên của tâm trạng, là cảnh nhuốm màu cảm xúc. Cảnh hay được nhắc đến trong thơ là trăng, hoa, tuyết, vân…mùa thì có xuân, đông, hạ và đặc biệt là mùa thu. Viết về mùa thu, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc Đỗ Phủ có bài “ Cảm xúc mùa thu”.

Đỗ Phủ (712 – 770) xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học và thơ ca, suốt đời sống trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Ông sáng tác rất nhiều và để lại cho đời hàng ngàn bài thơ có nội dung phong phú, sâu sắc, phản ánh sinh động những sự kiện lịch sử thời ông đang sống và chan chứa lòng yêu nước thương đời. Với những đóng góp to lớn cho nền thi ca Trung Quốc nói riêng và nền văn hóa nhân loại nói chung, Đỗ Phủ đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

Bài thơ “ Cảm xúc mùa thu” thuộc chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu bạt ở Quý Châu.. Tứ Xuyên là vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Sau mười một năm kể từ khi bùng nổ loạn An Lộc Sơn, tuy loan đã dẹp xong nhưng đất nước kiệt quệ vì chiến tranh và nhà thơ vẫn phải lưu lạc ở quê người. Hoàn cảnh ấy đã khơi gợi cảm xúc bi thương là cảm xúc chủ đạo của “ Cảm xúc mùa thu” vừa là bức tranh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của nhà thơ trong cảnh đất nước loạn lạc, rối ren.

Mở đầu bài thơ, tác giả vẽ nên bức tranh cảnh vật rừng núi mùa thu đẹp nhưng tiêu điều, xơ xác:

“ Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba làng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

( Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Chỉ với vài nét chấm phá, Đỗ Phủ đã thể hiện được cái thần của một chiều thu ở Quý Châu trong vị trí tương đối cao để hướng tầm mắt bao quát toàn cảnh. Cảnh có xa, có rộng đều được thu lại nơi con mắt tinh tế của thi nhân:

“ Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm”
(Lác đác rừng phong hạt móc sa).

Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu gợi lên một cảnh rừng chuyển lá đỏ là tượng trưng cho sự li biệt. Cùng với rừng phong lá đỏ, hình ảnh hạt móc sa là những giọt sương trắng cũng tượng trưng cho mùa thu, gợi sự lạnh lẽo giăng mắc dày đặc càng làm xơ xác thêm rừng phong.

Tầm mắt từ ngắm nhìn cảnh thu ở rừng phong, tác giả chuyển sang cảnh thu ở vùng núi non:

“ Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm”

Nhắc đến Vu sơn, Vu giáp là người đọc nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia, toàn cảnh bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vũ nổi tiếng hiểm trở và hùng vĩ của được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Suốt cả chiều dài bảy trăm dặm, núi tiếp núi dọc đôi bờ sông, quanh năm mây mù bao phủ. Vách núi dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt được xuống tới lòng sông. Vào mùa thu, khung cảnh nơi đây vốn ảm đạm, lạnh lẽo, qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng li sầu của Đỗ Phủ lại càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Đến hai câu thơ tiếp theo vẫn là cảnh nhưng được nhìn ở một tầm thấp hơn:

“Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Cảnh thu hiện lên qua hình ảnh con sông ở thượng nguồn nhiều ghềnh thác, nước chảy xiết và hình ảnh “ mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Nước sông chảy xiết nên giữa lòng sông, sóng dữ dội vọt lên đến tận lưng trời. Hình ảnh: “ Mặt đất mây đùn cửa ải xa” tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Cảnh ở đây không nhuốm màu bi thương tàn tạ như hai câu thơ đầu mà có phần vừa hoành tráng vừa dữ dội. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ.

Ở bốn câu thơ sau, trước cảnh thư, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình:

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.”

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Hoa cúc là hình ảnh đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, điều đó không có gì mới. Điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ. Vì sao vậy? Vì nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu, xa nhà, xã quê. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào, làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng trong lòng tác giả “ Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ thương nơi vườn cũ).

Hai câu kết:

“Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.”

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

Câu thơ bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn nhưng không đủ sức làm nhộn nhịp không gian mà càng làm nổi bật hơn nỗi buồn mênh mang. Khí thu lạnh lẽo như nhắc nhở mọi người rằng mùa đông sắp đến, phải chuẩn bị nhanh nhanh cho việc may áo ấm nhưng cũng khiến nhà thơ chạnh lòng nghĩ tới những người lính thú nơi quan ải. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang… “Ngôn tận nhi ý bất tận” (lời hết mà ý không hết).

Thực ra viết về mùa thu của thiên nhiên cũng là nhà thơ đang viết về một chiều thu cụ thể ở vùng đất Quý Châu trong giai đoạn suy vong của triều đình phong kiến đương thời. Chiến tranh liên miên, Đỗ Phủ phiêu bạt muôn nơi và ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ. Ước mơ ấy cũng là ước mơ chung của bao người dân nghèo khổ lưu vong. Vì vậy, hàm ẩn sau những câu thơ thu là một tâm hồn đau đáu nỗi thương đời, thương người của Đỗ Phủ. Chính nỗi lòng ấy đã mang thơ Người đến gần chúng ta và sống cùng chúng ta.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 14)

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng đúc rút ra quy luật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thật vậy, dù cảnh có tráng lệ đến nhường nào, nhưng cũng vì tâm trạng con người mà nao núng theo. Đỗ Phủ khi xưa, vì mang trong mình nỗi nước nhà mà khiến cho mùa thu sầu như đổ lệ, để rồi nỗi lòng thi nhân khắc lên thành ánh thơ “Thu hứng”. Đó thật sự là một tuyệt tác của đời thơ Đỗ Phủ

Kể tên mười nhà thơ Đường xuất sắc nhất, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Đỗ Phủ, người từng được mệnh danh là “thánh thơ”. Cuộc đời ông gắn nhiều với những đau khổ bất hạnh, lúc nhỏ thì đói nghèo bệnh tật, khi trưởng thành lại vướng vào cảnh chiến tranh. Chưa bao giờ ông thôi làm thơ, ông gửi trọn lòng mình vào câu chữ. Khi sáng tác bài thơ “Thu hứng”, thi nhân đã trải qua mười một năm lưu lạc nơi xứ người sau loạn An Lộc Sơn.

Ông sống cuộc đời lưu lạc ấy ở vùng Quý Châu, Tứ Xuyên, nơi mà núi non thi nhau hiểm trở, trùng trùng điệp điệp. Trước nơi đây, một hồn thơ Đỗ Phủ lại hướng về quê cũ, trĩu nặng suy tư. Và cũng từ đó, thi nhân mượn mùa thu để kí thác lòng mình. Như bao bài thơ Đường khác, “Thu hứng” cũng được chia làm bốn phần đề thực luận kết.

Bốn câu đầu, tác giả vẽ nên bức tranh mùa thu nơi vùng Quý Châu, có núi, có mây, có trời. Bốn câu sau là nỗi niềm của thi nhân khi đứng trước mùa thu, nhưng thực chất là đứng trước lòng mình mà nghĩ về phận lưu lạc. Mỗi phần đều có những đặc sắc về nghệ thuật và nội dung mà chúng ta còn phải khâm phục đến ngày hôm nay. Đứng trước cảnh Quý Châu núi rừng bạt ngàn, tự nhiên lòng thi nhân cũng treo vào rừng vào núi:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

(Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt khí thu loà.)

“Thi trung hữu hoạ”, đối với trong thơ Đỗ Phủ quả không sai. Ta như nhìn được nét tay thi nhân chấm điểm từng nét của cảnh vật. Mùa thu về trên rừng phong, trên sương móc và núi non. Rừng phong có lẽ đã trở thành cổ điển cho mùa thu, khi lá phong chuyển màu đỏ cũng là lúc thu về. Nhưng cái nhìn tinh tế của Đỗ Phủ ở chỗ, ông nhìn được sương móc trên những cành phong rụng dần lá ấy.

Lá phong mang màu đỏ sẫm li biệt, lại rụng dần theo ngày tháng, ắt hẳn là nói đến buồn đau, chia li. Nỗi buồn ấy dường như trở thành muôn thuở trong cảm xúc của mùa thu. Và giọt sương thêm vào cũng làm không khí trở nên u ám tiêu điều hơn. Cảnh thu được nhìn từ trên cao mà bao quát, nhưng dường như càng trên cao lại càng thấy xa lạ cô đơn.

Ở câu thơ thứ hai, điểm nhìn vẫn treo chênh vênh trên đỉnh núi ấy. Ba chữ “khí tiêu sâm” vang lên làm mọi thứ cũng trở nên tối tăm mù mịt. Bản dịch dùng hai chữ “hiu hắt”, tôi nghĩ có lẽ vẫn chưa làm bật lên được sự u ám đến lạnh người ấy. Không gian đó trùm lên khắp Vu sơn, Vu giáp, làm núi Vu, hẻm Vu lại càng hiểm trở.

Cả không gian núi non của vùng đất Ba Thục xưa hiện ra trước mắt tầng tầng lớp lớp. Mây mù che phủ cả núi cả rừng, là mây mù tự nhiên hay lòng thi nhân sầu mà tự khắc sinh mây? Nhà thơ đã nhuốm cả ngòi bút bằng tâm trạng u sầu của mình mà vẽ nên cảnh vật. Hai câu thực tiếp theo, ta vẫn thấy cảnh vật nhuốm màu tâm trạng bi thương của tác giả. Núi non khép lại lại mở ra sông nước bạt ngàn:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Thi nhân giờ đây không còn phải ngước mắt lên mà thu trọn cảnh vật vào nữa. Hơi thu toả vào tình sông nước, bi thương mà hùng tráng đến nao lòng. Các tính từ “rợn, thẳm” gợi tả được cái hồn của cảnh vật và cả hồn người. Vì thác ghềnh, sông hẹp nên sóng từ giữa sông cứ thế vọt lên như một cảnh dị thường trong đời. Lòng sông hay lòng người mà sâu thẳm đến vậy? Liệu đây có phải cảm giác rợn ngợp của tác giả khi đứng trước cả sóng nước lòng sông bao la? Con người dường như quá nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.

Đến câu thơ thứ ba, mây mù lại lan toả khắp chốn: “Tái thượng phong vân tiếp địa âm”. Lúc trước là sóng chạm trời, bây giờ lại là mây tiếp đất, cảnh vật chỉ có thể gọi bằng hai chữ “hùng tráng”. Mây đùn mây dày đặc như tiếp đất, vừa tả thực lại vừa lột tả tâm trạng. Vùng mây ấy che đi cả cửa ải, che lối về chốn cũ của thi nhân. Lòng người giờ đây cũng giăng mắc trong mây, cũng mập mờ khi nhìn về cố hương.

Bốn câu thơ đầu đã lột tả được hồn của cảnh vật. Khí thu nơi đây có cái hùng vĩ tráng lệ của thiên nhiên núi rừng, nhưng lại đơn độc, lẻ loi và mang màu u ám. Cả bức tranh của vùng Quý Châu cứ ẩn hiện trong tâm trí người đọc. Tác giả chỉ điểm chứ không tả, nên sức khơi gợi càng lớn hơn bao giờ hết. Đứng trước một cảnh trời thu như vậy, lòng tác giả liệu có thể an yên?

Trong thơ cổ, thiên nhiên và con người vốn là thể hợp nhất. Cảnh núi non Quý Châu buồn như vậy, tâm trạng của người ngắm cảnh liệu có thể vui? Như một quy luật tất yêu, bốn câu thơ sau đã vén mở bức tranh tâm trạng thầm kín của thi nhân:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Đây có lẽ là hai câu thơ hay nhất trong cả áng thơ cảm hứng mùa thu. Câu thơ vừa có cảnh, lại vừa sinh tình. Không còn là những trùng điệp hùng vĩ của thiên nhiên, tác giả quay về với khóm cúc trước mặt. Dùng cúc để gợi mùa thu, đó không phải là nét mới của Đỗ Phủ.

Nhưng trước màu hoa cúc ấy mà tuôn lệ thì có lẽ chỉ có nỗi lòng Đỗ Phủ. Hoa cúc nở nhưng lòng người lại tàn đến xơ xác. Liệu có phải mùa cúc nở cũng là mùa thu nơi cố hương của tác giả, làm người lại nhớ đến những mùa thu xưa? Tức cảnh sinh tình, cúc cũng vì thế mà sinh lệ theo.

Cái tài của Đỗ Phủ là dùng được những hình ảnh, chỉ cần nhắc đến là người ta hiểu được tâm trạng mình. Trên dùng cúc, câu thơ dưới tác giả đặt hai chữ “cô chu”. Dùng hình ảnh con thuyền thôi cũng đã gợi sự lưu lạc thương nhớ lắm rồi, chữ “cô” lại làm nó đơn độc lạc lõng đến nhói lòng.

Con thuyền ở chở nỗi lòng thương nhớ, chở khát vọng quay về, nhưng dường như trước cả núi non mây mù, nó không tìm được lại phương hướng. Lòng tác giả cũng ngổn ngang bề bộn như con thuyền đơn độc kia. Bức tranh mùa thu kia mới chỉ có tĩnh mà chưa có động, mới có hoạ mà chưa có thang. Hai câu kết, có chút âm thanh vang lên như muốn đem lại sự sống:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

Bóng chiều giờ đây đã buông xuống nuốt trọn cảnh vật và tâm hồn thi nhân. Còn lại trong cảnh chỉ là tiếng dao thước may áo rét, tiếng chày đập vải. Là âm thanh của sự sống nhưng dường như lại nhỏ nhoi quá, không đủ để phá đi cái âm u của cảnh và làm ấm lại lòng người.

Trái lại, nó làm thi nhân nhớ đến những người lính nơi biên ải khi loạn nước chưa dẹp xong, chưa thể về bên gia đình. Tiếng đập vải ấy lại càng thêm chua chát. Cái lạnh lẽo của mùa thu đã bao trùm lên tất cả ,lên cả tiếng đập vải giữa trời chiều. Âm thanh ấy khép lại bài thơ, để rồi thả vào hồn người đọc những âm vang còn băn khoăn mãi.

Như vậy, cả bài thơ là hồn của cảnh và người vùng Quý Châu. Thiên nhiên dẫu có đẹp, có hùng vĩ đến đâu cũng không làm cho lòng người khởi sắc. Vẫn là một nỗi hoài niệm về chốn cũ chất chứa, như một chiếc thuyền đơn độc lẻ loi hay tiếng đập vải giữa đất trời. Ta thấy được cả một tài năng nghệ thuật trong cách tạo vế đối, cách dùng từ, đặt câu.

Đỗ Phủ đã dùng lòng mình mà trải nên thơ, đã biết cảm hứng mùa thu thành khúc thu của nhân loại. Thời gian rồi sẽ trôi, nhưng “Thu hứng” vẫn sẽ nằm ngoài sự băng hoại của nó!

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ (mẫu 15)

Ta đã nghe đâu câu nói: “Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng… Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái, nhỏ nhen mà độc hại”. Thật vậy, nghệ thuật thơ ca sinh ra từ cái nôi đời sống nhưng lại phát triển trong tâm hồn của con người. Cùng với sự phát triển ấy, thơ nuôi dưỡng và giáo dục con người ta theo đúng cái nghĩa nhân văn của nghệ thuật. Thơ mang vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật ngôn từ, tuy nhiên thơ không chỉ là vậy! Con chữ không thể là cái xác khô nằm “yên nghỉ” trên trang giấy; mà thơ phải sống trong lòng độc giả, gieo vào đó hạt giống của những điều tốt đẹp. Chứ thơ không thể “chết” trên trang giấy và để lại nơi tâm hồn con người ta sự đen tối, độc hại và điêu tàn. Tất cả những điều ấy như thể đang nói về thơ Haiku-giai điệu đã ngân vang hàng thế kỉ qua ở xứ sở hoa anh đào.

Thơ là một thể loại văn học nảy sinh rất sớm từ đời sống con người, “thi” và “nhân” ở giữa vòng liên đới không thể nào tách rời khỏi nhau, nó giống như một mối quan hệ cho dù người ta có cố gắng giằng xé đến đâu thì thơ với đời sống vẫn quấn quýt không rời. Trong cuộc “hôn phối” kéo dài cả thiên thu ấy thơ đã “chăm sóc” con người ta bằng sự nhận thức đối với cuộc sống, khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua những liên tưởng, tưởng tượng phong phú và bằng cả sự rung động của ngôn từ giàu tính nghệ thuật. Đi vào trong kho tàng văn hoá Á Đông vĩ đại, giàu sang và trở thành một tài sản vô giá của nền văn hóa Nhật Bản theo một cách rất riêng, thơ Haiku là kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung. Xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVII và thịnh hành vào thời kỳ Edo những năm 1603-1867 thơ Haiku mang hơi thở của Thiền tông, in đậm dấu ấn của thế giới u huyền, thoát tục, đồng thời chứa đựng trong mình bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng cho bốn mùa, được thể hiện dưới một hình thức ngắn gọn, cô đọng.

Linh hồn của văn học Nhật Bản không phô trương, hoa mỹ về mặt hình thức bởi mỗi bài thơ chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết. Tuy vậy, sức chứa về mặt tư tưởng, triết lí nhân sinh của thơ Haiku lại vô cùng sâu và rộng. Nhà thơ Tago từng nhận xét về thơ Haiku: “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài, rồi bước tránh sang bên”. Chẳng cần phải nói nhiều bởi tâm hồn con người ta là phong phú, hãy để bạn đọc tự vẽ ra thế giới mà họ mong muốn. Thơ thiên về gợi hơn là miêu tả và diễn giải. Sức sống và sự hấp dẫn của Thơ Hai -cư nằm ở khả năng kiệm lời mà vẫn khơi gợi nhiều cảm xúc suy nghĩ. Tưởng chừng như cô đọng làm thơ Haiku thêm nặng nề, nhưng không! Thơ Haiku lại nhẹ nhàng, bay bổng đến kì lạ. Sự nhẹ nhàng ấy đến từ tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn hoà hợp với đất trời được thể hiện qua “quý từ” chỉ mùa mà bài thơ Haiku nào cũng có.

Đến với đất nước Nhật Bản là đến với xứ sở huyền bí của Thần đạo với vô số các tập tục và nghi lễ; với vẻ đẹp lãng mạn của những cánh hoa anh đào nở rộ nên còn gọi là “Xứ sở hoa anh đào”; với những “Thiếu nữ duyên dáng trong tà áo Kimono”. Đây còn là xứ sở dũng mãnh của “Truyền thống võ sĩ đạo” và “Kiếm đạo”, của những môn phái võ thuật nổi tiếng như: Sumo, aikido, karate, judo. Trên sân khấu kịch Nô là những gương “Mặt nạ” người trầm lặng không nói và bất động. Chúng ta sẽ bị chìm đắm trong những trang tiểu thuyết dài hàng nghìn trang nhưng lại ấn tượng với những vần thơ hai-cư cực ngắn gắn liền với tên tuổi của Basho, Chiyô, Issa…với những nét thơ riêng nhưng chung quy lại đều là sự tinh tế của tâm hồn người Nhật.

Thơ Haiku có rất nhiều đặc tính nhưng điều làm Bashô – nhà thơ có công lớn trong việc hoàn thiện thơ Haiku để tâm hơn cả đó chính là cảm thức về sự tịch mịch, sâu xa vô hạn của sự vật, nhìn thấy sự vật tự bộc lộ một cách kì diệu, cảm thức ấy được gọi với cái tên Sabi-niềm cô đơn huy hoàng được Bashô thể hiện sâu thẳm nhất trong bài thơ:

“Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều thu”

Thoạt nghe ta thấy bài thơ như một bức tranh thuỷ mặc với gam màu trầm tối, lạnh lẽo. “Cành cây khô” và “chim quạ đậu” dường như đã mang hết thảy những đặc điểm của một “chiều thu” u buồn. Thu về lá cây như trút hết khỏi cành chỉ để lại sự gầy guộc, khẳng khiu vô cùng. Nó như chừa lại chỗ đứng cho chim quạ với cái màu đen tuyền và con mắt sắc lẹm. Nếu như thơ Nguyễn Khuyến khiến chúng ta liên tưởng đến một mùa thu với sự lạnh lẽo, trong trong trẻo như trong câu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

(Thu điếu-Nguyễn Khuyến)

Thì ở đây Ba-sô cũng gợi ra cho ta những hình ảnh như vậy nhưng với một cảm giác khác hoàn toàn. Một chiều thu sầu não, vắng lặng đến cô tịch khiến lòng ta phải cảm thấy u hoài. Nhưng thật kì lạ, bày ra trước mắt là cái vẻ cô liêu nhưng tâm hồn ta lại chẳng hề thấy chán chường hay bi luỵ, oán đời. Khác với Xuân Diệu trong “Đây mùa thu tới”:

“Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li”

Đây chính là cảm thức Sabi, một cảm thức hùng vĩ chứ không phải nỗi cô đơn, bi luỵ cá nhân. Đọc bài thơ ta mới hiểu thế nào là chất Sa-bi đơn sơ, tao nhã, cô liêu đến tiêu điều nhưng lại chẳng đem cho ta cái cảm giác đau khổ.

Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến xứ sở hoa anh đào, mặt trời mọc, áo kimono, nhắc đến một dân tộc thấm đẫm chất thiền, mà thơ Haiku như là một biểu trưng. Ví như Đường luật của Trung Hoa hay Lục bát của Việt Nam mỗi nền văn hoá đều có những tư tưởng, đặc trưng riêng. Nhưng chúng ta biết rằng văn hóa không có cao hay thấp mà chỉ có sự khác biệt. Cũng vậy, hoa triêu nhan từ địa vị ăn nhờ ở đậu trong mắt người Việt, thì sang văn hóa Nhật Bản đã vươn lên ngôi nữ hoàng kiêu hãnh. Điều đó được chứng minh qua hàng loạt bài thơ Haiku. Hãy khoan nhắc đến những kiệt tác của thi sĩ Basho, bài thơ đặc sắc nhất gắn liền với hoa triêu nhan trong thơ Haiku có lẽ phải là bài thơ của nữ sĩ Chiyo:

“Ôi hoa triêu nhan
Dây gầu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.”

Trong tinh thần của Thiền tông, không chỉ loài người hữu tình mà ngay cả loài cây cỏ cũng có khả năng giác ngộ, tức là có Phật tính. Bài thơ trên có thể được xem như một tuyên ngôn hùng hồn của lòng từ bi Phật giáo và phảng phất triết lý của Thiền Tông. Hoa triêu nhan vốn là một loại dây leo, đã quấn vào dây gàu để nở. Trước cái đẹp, trước sự sống, nhà thơ nâng niu, trân trọng, không nỡ làm tổn thương nên bà chọn giải pháp “xin nước nhà bên”, để sự sống và cái đẹp được hiện hữu. Một người lỗ mãng sẽ dễ dàng bứt nhánh triêu nhan để thuận lợi cho công việc múc nước của mình.

Bài thơ không giải thích nhưng tự thân sự kiện đã nói nhiều hơn ba câu thơ ngắn ngủi. Đây chính là tinh thần ý tại ngôn ngoại, lại cũng chính là sự vô ngôn của Thiền và là tính nhân văn của Phật giáo. Cần phải có một nội tâm tĩnh lặng, một tính cách dịu dàng và hơn cả là một tình thương lớn, một tấm lòng trắc ẩn lớn mới có cách hành xử như vậy. Một đóa triêu nhan mỏng manh làm tỏa sáng một tình thương mênh mông và cảm động. Sức sống mãnh liệt của đóa triêu nhan cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ Lưu Đức Trung với bài thơ Haiku:

“Bìm bìm
Leo trên bờ ao
Tay ai vớt bèo”

Tạm chia tay với đóa triêu nhan xinh đẹp của nữ sĩ Chiyo, đào sâu vào kho tàng thơ Haiku phong phú và đồ sộ ta bắt gặp một con ốc miệt mài leo núi Phú Sĩ trong bài thơ của Issa-một trong bốn nhà thơ Haiku vĩ đại nhất của Nhật Bản:

“Chậm rì chậm rì
Kìa con ốc nhỏ
Trèo núi Fuji”

Nhà phê bình văn học nổi tiếng Belinxki từng tâm đắc: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng”. Như một minh chứng rõ ràng, chỉ với 1 bài thơ Haiku ngắn gọn kết hợp với việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ của con vật nhà thơ Issa đã truyền tải thông điệp sâu sắc, triết lý, đầy nhân văn.

“Chậm rì, chậm rì” lời miêu tả chân thật, chính xác của nhà thơ dành cho chú ốc. Nhưng trong cái “chậm” ấy ta thấy được sự kiên nhẫn. Bản thân chỉ là một con ốc nhỏ di chuyển vô cùng chậm chạp, tuy chậm nhưng lại không dừng lại mà cứ đi mãi. Cùng với sự chậm chạp ấy là sự xuất hiện nhỏ bé, bình dị của chú ốc nhỏ. Trong thơ Haiku, việc sử dụng nghệ thuật tương phản cũng là một nét đặc trưng rất độc đáo. Đó là sự đối lập tương phản giữa cái vô hạn – hữu hạn, giữa không – có, giữa cái lớn – bé, xa – gần, con người – vũ trụ… Trong bài thơ “Ao cũ”, Ba-sô viết:

“Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xa”

Nhà thơ Issa cũng không nằm ngoài vòng đặc trưng ấy, trước cái nhỏ bé bình dị của chú ốc nhỏ là cả núi Phú Sĩ tuyết trắng hùng vĩ. Sự đối lập giữa lớn-nhỏ đã khiến cho chúng ta có nhiều suy tưởng. Trên thực tế cuộc sống, mỗi người đều là chú ốc nhỏ bé bình dị nhưng đều ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng của riêng cuộc đời mình. Sức mạnh nội tại của chính bản thân chúng ta là nguồn sức mạnh động lực để thúc đẩy đưa chúng ta lên đến đỉnh cao của cuộc đời mình. Nếu mục tiêu của chú ốc nhỏ là chinh phục được núi Phú Sĩ thì ắt hẳn trong mỗi chúng ta đều có một đỉnh cao mà bản thân muốn chinh phục.

Bài thơ tuy ngắn gọn, hàm súc. Tứ thơ tối giản, chật chội về mặt từ ngữ nhưng ý vị của thơ Haiku không bao giờ là chật. Các sự việc được phản ánh trong thơ haiku có khi tưởng như rời rạc, không liên kết với nhau, nhưng thực ra giữa chúng có mối liên kết chặt chẽ từ bên trong. Từ “sự tinh giản của tâm hồn” (A.Tagor), thơ haiku đã tạo nên sức mạnh nghệ thuật to lớn. Chính vì thế, nhà nghiên cứu phê bình Roland Barther (Pháp) nhận xét: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là sự tin vắn tắt tìm ra được hình thức vừa vặn cho mình”. Hơn hết chính sự giản kiệm này là sự tôn trọng độc giả của các nhà thơ Haiku. Trên đường thơ, họ nhường lối cho người đọc, không lấn chiếm không làm nghẽn đường. Người đọc đi cùng nhà thơ và vẫn còn đi tiếp khi nhà thơ dừng lại. Tagor còn giải thích thêm rằng:

“Lý do khiến nhà thơ rút lui nhanh chóng thế vì người đọc Nhật có quyền năng tinh thần về tưởng tượng rất lớn”.

Lời nhận xét của thi hào người Ấn có thể sẽ khiến những độc giả không phải người Nhật thấy chạnh lòng, nhưng khả năng đọc và thấu hiểu thơ Haiku không phải là đặc quyền của riêng người Nhật. Bất cứ ai cũng có thể thấu hiểu và yêu mến thơ Haiku, nhưng muốn thế, người đọc không có quyền thụ động. Nhà thơ không nói hộ ta tất cả. Cuộc nói chuyện hết lời cạn ý nào mà chẳng chán. Trò chuyện với thơ lại càng không thể để cho niềm chán ngán ấy nổi dậy.

Cũng như bao thể thơ khác, thơ Haiku đến với văn hoá của người Nhật như một mối cơ duyên trùng phùng vậy. Thơ bắt nguồn từ đời sống, đi qua những chặng đường dài để đến với độc giả và sau cùng lại trở về với đời sống với một vai trò là một “người mẹ” chứ không phải là một “đứa con” như thuở trước. Thơ trở về “đất mẹ” với trọng trách cao cả là giáo dục và tái tạo lại con người và xã hội. Cho nên trong quá trình “mở đường” cho thơ quay trở lại độc giả cần “mở lòng” đón nhận thơ bằng tất cả những gì mình có. Khoan đổ lỗi cho nhà thơ sáng tác tệ, khoan đổ lỗi cho bài thơ không hay, hãy tự xem rằng bản thân đã nâng tâm hồn lên gần với thi sĩ hay chưa? Đã góp công vào quá trình đồng sáng tạo nghệ thuật hay chưa? Khi đã ý thức được điều ấy, hãy để thi ca, nghệ thuật trở về với cuộc đời.

Người Nhật thực sự đã mở ra một con đường trải đầy những cánh anh đào cho thơ Haiku xuất hiện vào bốn thế kỉ trước quay trở lại với đời sống của người dân Nhật Bản, hơn thế con đường ấy đưa thơ Haiku đi vào ngôi đền của những điều vô giá.

Cho đến ngày nay, thơ Haiku Nhật Bản vẫn lôi cuốn người đọc nhiều nước trên thế giới bởi nội dung phong phú và nghệ thuật đặc sắc của nó. Đồng thời thể thơ này vẫn được nhiều người bắt chước sáng tác, nhưng không ai có thể vượt qua được thơ haiku Nhật Bản với những thi hào nổi tiếng. Thơ haiku là sản phẩm tinh thần riêng của người Nhật là niềm tự hào của đất nước Phù Tang, của xứ sở hoa anh đào.

1 20,622 20/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: