TOP 13 mẫu Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (2024) SIÊU HAY
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm lớp 10 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm
Đề bài: Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm mà bạn cho là không phù hợp với chuẩn mực chung được cộng đồng tạo dựng.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 1) - Không soạn bài
Bên cạnh việc không làm bài tập ở nhà, không chuẩn bị bài mới cũng trở thành thói quen phổ biến và để lại nhiều hệ lụy đối với các bạn học sinh.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn trẻ không chuẩn bị bài mới xuất phát từ sự lười nhác, cảm thấy không hứng thú và không xác định được mục tiêu trong học tập. Tôi biết có rất nhiều bạn cho rằng việc chuẩn bị bài mới trước khi lên lớp là một việc thừa thãi, tốn thời gian. Thay vì ngồi vào bàn học, các bạn sẵn sàng thỏa mãn bản thân bằng những trò chơi vô bổ, không cần thiết. Chỉ đến khi bố mẹ nhắc nhở, các bạn mới tạm gác lại thú vui để chuyên tâm vào học. Để qua mắt phụ huynh và chống đối lại giáo viên, nhiều bạn tận dụng mạng internet để tìm lời giải rồi tải về và ngồi hì hục chép. Thậm chí, có bạn sát giờ lên lớp mới hốt hoảng nhận ra mình chưa chuẩn bị bài, vội vã mượn vở bạn rồi viết vài dòng nguệch ngoạc cho đủ chữ.
Rõ ràng những điều kể trên đều là những biểu hiện của thói quen không chuẩn bị bài mới. Đây là thói quen xấu cần phải từ bỏ. Không chuẩn bị bài trước khi lên lớp khiến chúng ta thụ động và không thể bắt kịp với tiến độ giảng dạy của thầy cô. Lâu dần, kiến thức trở nên bị "hổng" và gây ra tâm lí hoang mang, chán nản với việc học. Kết quả học tập từ đó cũng giảm sút một cách nghiêm trọng.
Chính vì vậy, bạn hãy thay đổi thói quen này ngay từ hôm nay. Việc từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới đem lại nhiều ích lợi hơn bạn tưởng. Khi từ bỏ được thói quen này, bạn sẽ có phong thái ung dung, tự tin, sẵn sàng chiếm lĩnh và làm chủ tri thức. Việc chuẩn bị bài mới còn giúp bạn lĩnh hội kiến thức tốt hơn. Từ đó, đạt được nhiều điểm cao và thành tích xuất sắc trong học tập.
Tôi biết rằng, để từ bỏ một thói quen đã hình thành và in sâu vào nếp sống, suy nghĩ không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin chắc, bằng sự nỗ lực không ngừng, mỗi người chúng ta đều có thể vượt lên chính mình. Thay vì tiêu phí thời gian vào các công việc không cần thiết, các bạn có thể dành ra từ 1-2 tiếng mỗi tối để ôn lại bài cũ đã học và chuẩn bị cho những tiết học sau. Ngoài ra, bạn nên xây dựng thời gian biểu, chế độ sinh hoạt phù hợp, cân bằng giữa việc học với hoạt động vui chơi. Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, không nên quá thúc ép vào bản thân vào việc học và chuẩn bị bài mới. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu bài, bạn nên trao đổi với bạn bè, thầy cô để được giải đáp và giúp đỡ kịp thời.
Không thể phủ nhận soạn bài và chuẩn bị bài trước khi lên lớp là một công việc nhàm chán nhưng bạn hãy cố gắng vượt lên những rào cản cảm xúc để hướng tới chân trời tri thức đang rộng mở ở tương lai.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 2)- Kì thị người tàn tật
Người tàn tật là những người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, họ lại bị một số người xung quanh hắt hủi, bỏ rơi. Kì thị người tàn tật là quan niệm xấu cần phải từ bỏ và loại trừ khỏi xã hội hiện nay.
Những người tàn tật phải chịu đựng nỗi đau và khiếm khuyết trên cơ thể. Điều này khiến họ rất khó để có thể hòa nhập với cộng đồng, bị kì thị và đối xử bất bình đẳng. Kì thị người khuyết tật chính là thái độ khinh thường, xa lánh người khuyết tật chỉ vì những khiếm khuyết trên cơ thể của người đó. Pháp luật của Việt Nam quy định rất rõ trong "Luật về người khuyết tật", người khuyết tật cũng giống như mọi người khác, đều bình đẳng trước xã hội và được nhà nước, pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp. Do đó, bất kì cá nhân, tổ chức nào có hành vi thiếu tôn trọng, xâm hại đến người tàn tật đều phải chịu hình phạt thích đáng tùy theo mức độ vi phạm của mình.
Ở ngoài cộng đồng, những người tàn tật bị xúc phạm, lăng mạ bởi những lời lẽ thiếu tôn trọng, bỗ bã. Khó khăn hơn nữa là họ bị đối xử bất công ngay trong chính ngôi nhà mình sinh sống. Họ bị hắt hủi, đánh đập, không nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc của người khác.
Vậy lí do nào dẫn đến quan niệm kì thị người khuyết tật? Trước hết, điều này bắt nguồn từ quan niệm của người xưa về người khuyết tật. Một số người cho rằng người tàn tật là hiện thân của những điều xui xẻo, không may mắn. Họ tin vào thuyết nhân quả và nghĩ kiếp trước của người đó ở ác nên kiếp này mới bị trừng phạt. Với người lành lặn, người khuyết tật được xem như là những người không bình thường. Trong mắt mọi người, họ trở thành gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Quan niệm kì thị người tàn tật chỉ cho thấy những yếu kém trong nhận thức của cá nhân đối với vấn đề xã hội và cuộc sống. Quan niệm ấy khiến người tàn tật ngày càng trở nên tự ti, không dám đối diện với đám đông. Đồng thời, cản trở họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, hoạt động giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,...
Vì vậy, chúng ta cần thay đổi và từ bỏ quan niệm này ngay từ hôm nay. Việc từ bỏ quan niệm kì thị người tàn tật sẽ cho ta cái nhìn cởi mở hơn về những người vốn dĩ đã yếu thế trong cuộc sống. Khi ta mở lòng đón nhận, giúp đỡ người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, tự khắc cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp, đáng giá biết bao! Ngoài ra, thái độ đúng mực, tôn trọng người tàn tật khiến họ dễ dàng bước qua những rào cản của bản thân để vươn lên số phận và đóng góp vào sự phát triển chung của gia đình, xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, có rất nhiều những tấm gương người tàn tật vượt khó nổi tiếng trên Việt Nam và thế giới. Họ chính là những minh chứng sống của đóa hoa hướng dương luôn vươn đến ánh mặt trời: thầy Nguyễn Ngọc Kí với đôi chân viết chữ, giáo sư vật lý Stephen Hawking với những công trình nổi tiếng toàn nhân loại và còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác vẫn đang từng ngày, từng giờ ghi tên mình lên đỉnh vinh quang.
Dù là trên phương diện pháp luật hay đạo đức thì chúng ta đều nên có cái nhìn yêu thương, tích cực đối với người tàn tật. Sinh ra với cơ thể không lành lặn đã là một thiệt thòi quá lớn. Do vậy, chúng ta cần đón nhận họ bằng đôi mắt cảm thông.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 3)- Coi thường người khó khăn
Những người có hoàn cảnh khó khăn là người phải chịu nhiều nỗi đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống. Thay vì giúp đỡ họ, một bộ phận người lại tỏ ra kì thị, coi thường. Lâu dần, thái độ, suy nghĩ ấy phát triển thành quan niệm ăn sâu vào tiềm thức của không ít người trong xã hội hiện nay.
Coi thường người có hoàn cảnh khó khăn là thái độ thiếu tôn trọng, khinh mạt người có điều kiện và mức sống thấp hơn mình. Những người này thường đặt mình ở vị trí tối cao, thượng đẳng trong xã hội để nhìn cuộc đời bằng con mắt khinh bỉ, thiếu tôn trọng người khác. Thực tế cuộc sống không thiếu những câu chuyện đau lòng về cách con người đối xử với nhau. Cùng đi vào một cửa hàng, nhưng những người mặc quần áo tuềnh toàng, đi xe rẻ tiền lại không được săn đón và chăm sóc nhiệt tình bằng người đeo túi hiệu, ngồi xe hơi.
Nguyên nhân dẫn đến hành động, quan niệm này bắt nguồn từ nhận thức sai lệch và bản chất hẹp hòi, ích kỉ của một bộ phận người. Họ cho rằng bản thân không có nghĩa vụ phải chăm lo, trợ giúp mà công việc ấy thuộc về xã hội, nhà nước và chính phủ sẽ có trách nhiệm trợ cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn. Lối sống thờ ơ, vô cảm đã khiến họ dửng dưng trước sự khổ cực của người khác.
Quan niệm coi thường người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ cho thấy sự yếu kém và lối sống vị kỉ của một số người mà còn ngăn trở những người yếu thế này tiếp cận với điều tốt đẹp trong xã hội. Khi gặp những người kì thị, lăng mạ, sỉ nhục mình, họ luôn thấy mặc cảm, tự ti và mất đi niềm tin vào cuộc sống. Xã hội vì thế mà cũng dần trở nên xa cách.
Vì lẽ đó, chúng ta cần thay đổi và từ bỏ quan niệm coi thường những người có hoàn cảnh khó khăn. Việc từ bỏ quan niệm coi thường người nghèo khổ sẽ cho ta cái nhìn cởi mở hơn về những người vốn dĩ đã "thấp cổ bé họng". Ta nên cảm thông, đồng cảm trước nỗi đau khổ của người khác. Thái độ tôn trọng người kém may mắn giúp họ dễ dàng vượt lên chính mình và nỗ lực không ngừng vào sự phát triển chung của xã hội, đất nước. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, có rất nhiều tấm gương nghèo vượt khó. Họ đã bỏ lại bóng tối sau lưng để tiến về ánh mặt trời. Đó là người nông dân Lâm Văn Chánh, ngụ ở ấp Mỹ Đức, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành. Trước đây, ông từng thuộc diện hộ nghèo do xã quản lí. Đến năm 2016, được sự hỗ trợ của nhà nước, ông đã vay vốn và phát triển mô hình sản xuất theo Chương Trình 135. Sau hơn 3 năm làm việc chăm chỉ, cật lực, tính đến năm 2019, ông đã tự nguyện xin thoát nghèo và đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Có thể nói, ông chính là tấm gương tiêu biểu của người nghèo vượt khó.
Rõ ràng, những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn đang từng ngày từng giờ vươn lên khẳng định mình. Để từ bỏ quan niệm coi thường người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần hướng tới cái nhìn khách quan, công nhận nỗ lực của người khác. Ai cũng có quyền được sống và khát khao về một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Chính vì thế, mỗi người hãy nâng cao nhận thức bản thân và san sẻ, trao đi yêu thương thông qua hành động thiết thực. Hàng năm, rất nhiều những chương trình thiện nguyện được tổ chức. Đây là cơ hội để mỗi người đóng góp nguồn lực nhỏ bé của mình để lan tỏa giá trị nhân văn và cải thiện chất lượng sống cho những người nghèo khổ trong xã hội.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc từ bỏ quan niệm coi thường những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay giúp đỡ cộng đồng và xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 4) - Kì thị người khuyết tật
Có câu nói rằng khi khỏe người ta ước cả trăm điều nhưng khi ốm yếu, người ta chỉ ước một điều duy nhất là làm sao cho khỏe lại. Ai cũng mong muốn mình có một cơ thể khỏe mạnh nhưng không phải ai cũng được như vậy. Nhiều người chỉ vì bị khiếm khuyết một bộ phận trên cơ thể mà không thể hòa nhập được với cộng đồng, bị kì thị và đối xử bất bình đẳng trong cuộc sống. Những người khuyết tật, tàn tật cũng có quyền con người, họ xứng đáng có một cuộc sống như những người bình thường, và chúng ta cần từ bỏ quan niệm về việc kì thị người khuyết tật, tàn tật.
Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Người khuyết tật họ cũng giống như bao nhiêu người bình thường khác họ cũng được pháp luật quy định là có quyền con người, họ có những quyền cơ bản của công dân không chỉ có vậy mà người khuyết tật còn được pháp luật quy định là được bình đẳng tham gia vào các hoạt động xã hội mà không phải chịu bất kì sự kì thị và phân biệt đối xử nào của xã hội. Để bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, pháp luật cũng quy định rõ ràng và chi tiết những nghiêm cấm hành vi kì thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật. Do đó bất kì người nào có thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng và có hành vi xa lánh, phỉ báng, có thành kiến, hoặc ngược đãi, hạn chế quyền của người khuyết tật thì đều vi phạm quy định pháp luật người khuyết tật và sẽ phải chịu hình phạt tùy theo mức độ vi phạm của mình.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến quan niệm kì thi người khuyết tật? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, trong đó cơ bản từ nhận thức khái niệm khuyết tật. Đầu tiên phải kể đến là do những quan niệm mê tín dị đoan cho rằng người bị khuyết tật là do thuyết nhân quả của người đó kiếp trước ở ác thì kiếp này gặp ác hay là cái quan niệm nếu bố mẹ làm điều xấu thì tội sẽ đến phần con cái gánh và họ sẽ bị khuyết tật xem như là một hình thức trừng phạt. Một số người cho rằng người khuyết tật là một phần hiện thân của điều đen đủi và không may mắn; họ sợ người khuyết tật sẽ đem lại sự đen đủi. Với những người không bị khuyết tật thì người khuyết tật được xem như là những người không bình thường và sự không lành lặn trên cơ thể sự khiếm khuyết đi một bộ phận nào đó chính vì điều này mà những người khuyết tật trong mắt họ luôn là người sống phụ thuộc và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì những quan niệm đã khiến những người khuyết tật này khó có thể hòa nhập vào cộng cồng và sinh sống như những người bình thường khác được.
Trong cuộc sống, người khuyết tật phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do tình trạng khuyết tật gây ra, từ việc thực hiện những công việc sinh hoạt hằng ngày, học tập, việc làm đến tiếp cận các dịch vụ y tế, kết hôn, sinh con và tham gia các hoạt động xã hội.... Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc người khuyết tật không được hòa nhập vào các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng. Tại cộng đồng, người khuyết tật thường bị chế nhạo, bị lăng mạ; người ta thường xa lánh, tránh gặp người khuyết tật trước khi làm việc gì đó quan trọng như đi công tác xa, đi du lịch, đi thi.... Càng khó khăn hơn nữa là người khuyết tật còn bị đối xử bất công ngay trong chính gia đình mình, họ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí còn bị bỏ rơi, không chăm sóc. Tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng nhiều người khuyết tật vẫn vượt qua thử thách bằng chính nghị lực bản thân, đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực: học tập, lao động sản xuất, thể thao, văn hóa nghệ thuật...
Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân, tổ chức không được kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật dưới bất kì hình thức nào. Người khuyết tật khi được sinh ra không được bình thường như bao người khác, đây đã là một sự thiệt thòi lớn nhất đối với người khuyết tật khi bị khiếm khuyết đi một phần của cơ thể. Những người khuyết tật này họ đã phải rất mạnh mẽ để có thể vượt qua được mọi khó khăn trong sinh hoạt để hòa nhập với xã hội. Chính vì vậy mỗi chúng ta phải biết thông cảm, sẽ chia và giúp đỡ những người khuyết tật khi họ gặp khó khăn, cần từ bỏ quan niệm kì thị người khuyết tật ngay từ bây giờ.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 5) - Đi học muộn
Quản lý thời gian là một giải pháp để khắc phục tình trạng trễ và bao gồm đi ngủ sớm, bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết và dự đoán được các vấn đề về giao thông. Học sinh có thể ép mình di chuyển và hành động nhanh hơn bằng cách đặt đồng hồ của họ về phía trước, làm cho họ nghĩ rằng chúng đã hết thời gian.
Giáo viên cũng có thể giúp học sinh của họ trở nên đúng giờ. Họ có thể giải thích tầm quan trọng đa dạng của tính đúng giờ và khuyến khích hành vi tốt thông qua một hệ thống khen thưởng. Họ cũng có thể thêm ý nghĩa vào đầu lớp bằng cách đưa ra các câu đố sớm và thảo luận các tài liệu quan trọng ngay lập tức. Giáo viên phải là những mô hình hành vi tốt. Học sinh tôn trọng và tuân theo các giáo viên đến đúng giờ, dự án chuyên nghiệp và thẩm quyền, lập kế hoạch các bài học có giá trị và sa thải các lớp theo đúng tiến độ.
Học sinh thường đến muộn có thể phải chịu hậu quả. Họ có thể bị giam giữ hoặc làm công việc mà giáo viên yêu cầu. Họ cũng có thể bỏ lỡ các kỳ thi hoặc khiến học sinh khác thất bại trong các hoạt động nhóm đòi hỏi sự có mặt của mọi thành viên. Một số học sinh cũng có thể không hội đủ điều kiện cho một số hoạt động ngoại khóa nhất định vào ngày hôm đó. Có những học sinh mặc trên mình áo đồng phục đẹp nhưng chưa ý thức được những nguyên tắc cơ bản mình phải làm
Trong khi đa số sinh viên có trách nhiệm và trưởng thành, họ có thể làm tất cả mọi việc để không bao giờ có tình trạng đi học muộn như đặt một đồng hồ báo thức, cho phép đủ thời gian để sẵn sàng vào buổi sáng, lịch trình xe buýt để đến lớp đúng thời gian. Họ cũng không nhận ra trách nhiệm của mình khi giao tiếp với các giảng viên khi họ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình
Khi học sinh đến lớp muộn, nó có thể làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, làm phân tâm học sinh khác, cản trở việc học, và thường ăn mòn tinh thần lớp học. Hơn nữa, nếu không kiểm soát, sự chậm trễ có thể trở thành mãn tính và lan rộng khắp lớp. Vì có nhiều lý do khiến học sinh đến lớp muộn, xem xét nguyên nhân nào gây ra vấn đề này có thể giúp hướng dẫn người hướng dẫn phản ứng và chiến lược phù hợp. Hiểu được lý do, tuy nhiên, không đòi hỏi phải chịu đựng hành vi.
Khi học sinh đến lớp muộn, nó có thể làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, làm phân tâm học sinh khác, cản trở việc học, và thường ảnh hưởng tinh thần lớp học. Hơn nữa, nếu không kiểm soát, sự chậm trễ có thể trở thành mãn tính và lan rộng khắp lớp. Vì có nhiều lý do khiến học sinh đến lớp muộn, xem xét nguyên nhân nào gây ra vấn đề này có thể giúp hướng dẫn người hướng dẫn phản ứng và biện pháp phù hợp để không ảnh hưởng đến việc học của các bạn trên lớp.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 6) - Nghiện game
Có thể thấy được với sự phát triển của công nghệ, của internet như hiện nay mang đến rất nhiều lợi ích cho toàn cầu nhưng bên cạnh đó cũng để lại một số tác hại không tưởng. Một trong số đó chính là các trò chơi điện tử. Nó đang tạo ra với mục đích giải trí, thư giãn sau khoảng thời gian làm việc, học tập mệt mỏi. Nhưng nó đã bị giới trẻ hiện nay quá lạm dụng, trở thành những con nghiện game và mang đến những tác hại không ngờ đến.
Trò chơi điện tử đang được giới trẻ rất ưa chuộng và là giải pháp để giải trí khá tối ưu của giới trẻ. Đây là dạng trò chơi có thể chơi được bất cứ khi nào hay ở đâu, đó cũng là lí do nó được lựa chọn nhiều đến vậy. Trò chơi điện tử là một phát minh sinh ra không chỉ với mục đích giải trí, nó còn bắt người dùng sử dụng đầu óc để điều khiển khiến cho người chơi phát triển trí não, sự nhanh nhạy, rèn luyện được phản xạ nhanh nhẹn của cả bộ não và chân tay. Ngoài ra, điện tử còn giúp mọi người kết nối với nhau vì có chức năng kết bạn từ người lạ. Từ đó giúp thu ngắn lại khoảng cách giữa người với người, tạo thành một mạng xã hội đoàn kết, yêu thương.
Nếu được sử dụng với đúng mục đích của nó thì sẽ là người sử dụng thông minh và ngược lại nếu bạn quá lạm dụng dẫn đến nghiện điện tử thì nó chính là liều thuốc độc đối với bạn. Khi chúng ta không biết tự điều chỉnh bản thân mà để cho điện tử cuốn mình vào thế giới ảo sẽ khiến bản thân bị ảo giác, mất kiểm soát và ngày càng cuốn sâu vào nó. Có nhiều người vì quá mê điện tử khiến cho quên ăn, quên ngủ mà chơi thâu đêm suốt sáng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì họ đã quá mải chơi mà quên đi nhiệm vụ hàng ngày của chính mình. Bên cạnh đó, gần như các trò chơi đều có thể nạp tiền vào để sở hữu những vật phẩm xịn trong game, điều đó dẫn đến việc mất rất nhiều tiền đối với các con nghiện điện tử. Đã có rất nhiều trường hợp vì nạp game mà lấy tiền bố mẹ hay trộm cắp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề suy thoái đạo đức cho xã hội ngày nay.
Vì vậy, khi chơi chúng ta cần phải sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lí và chỉ chơi với mục đích giải trí chứ không quá mê muội vào các trò chơi. Không để trò chơi điện tử thao túng tâm lí bản thân, không để nó kiểm soát cảm xúc hay hành động của chính mình. Và khi có dấu hiệu của nghiện điện tử, điều đầu tiên là phải tự điều chỉnh bản thân bằng cách dành ít thời gian cho các trò chơi đó hơn hoặc nếu có thể là nên quên lãng nó một thời gian. Sau đó tìm những cách khác để giải trí để thay thế các trò chơi điện tử.
Việc nghiện điện tử hay không là do chính bản thân mình quyết định vì vậy hãy luôn giữ vững lập trường, giữ vững tư tưởng cho mình. Hãy để trò chơi điện tử được sử dụng đúng với mục đích của nó, đúng với giá trị mà những nhà sáng tạo trò chơi muốn mang đến cho người dùng. Đừng để nó bị biến tính và làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. Chúng ta hãy chung tay xây dựng một thế giới nói không với nghiện điện tử!
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 7) - Kì thị giới tính
“Tôi xinh đẹp trên phong cách của mình, bởi vì Chúa đã tạo ra tôi như thế”
Quả đúng thế thật, mỗi người khi sinh ra đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng, một nét khác biệt cũng như một phong cách sống khác nhau. Không ai khi sinh ra có quyền lựa chọn giới tính, cũng như lựa chọn tính cách của bản thân. Vì vậy đồng tính không phải là một vấn đề không tốt, mà ngược lại đó còn là một vấn đề cả xã hội cần quan tâm.
Trước hết đồng tính không phải là căn bệnh và cũng không có phương thuốc, cách đặc trị riêng nào như mọi người vẫn tưởng. “Đồng tính” là từ ghép của hai từ “đồng”, có nghĩa là “cùng, giống”. Con “tính” chính là tính hướng, giới tính của mỗi người. Nói cách khác, đồng tính là một thể loại giữa những người cùng giới.
Ngày nay trong cuộc sống, đồng tính dần trở thành một vấn đề “nóng” được cả xã hội chú trọng và quan tâm. Những người đồng tính, theo một cách nào đó, luôn cố gắng che giấu tính hướng thật của mình. Họ đa phần thường là những người thích sự lặng yên, sống lặng lẽ và đôi khi một trong số họ rất ngại giao tiếp với thế giới xung quanh.
Đồng tính được chia làm hai giới: đó là đồng tính nam (gay) và đồng tính nữ (les). Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng xu hướng giới tính của xã hội đang ngày một thay đổi. Phần lớn những người đồng tính nam (gay) có chiều hướng sống công khai hơn đồng tính nữ (les). Ho cho rằng, đó là bởi vì nam là những con người mạnh mẽ, gánh chịu dám đương đầu với dư luận và thách thức nên việc công khai có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Tuy là nam, nhưng gay, tự sâu thẳm vẫn tồn tại một phần mềm yếu cũng như gay thường sẽ nhạy cảm và thận trọng với thế giới trước mắt họ hơn những người khác. Les cũng vậy, họ cũng là những người đồng tính như gay nhưng phải mất một khoảng thời gian khá lâu để chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc mới có thể nhận ra. Họ phần lớn thích sự tĩnh lặng và tình cảm, sự nhận thức mọi người, mọi vật xung quanh cũng rất lặng lẽ. Vì vậy les ít khi nào dám nói lên tính hướng thật của mình.
Đồng tính nói chung, cả les và gay cũng chỉ là những con người vô cùng bình thường như chúng ta, cùng đứng chung một bầu trời, cùng hít chung một bầu không khí. Vậy thì vì sao chúng ta phải kì thị, miệt thị họ bằng những từ ngữ cay đắng? Tại sao chúng ta lại dùng hai từ “ghê tởm, dơ bẩn” để gán cho họ? Chúng ta có chắc rằng, mỗi lời ta thốt ra chỉ là một câu nói bình thường? Chúng ta có chắc rằng họ sẽ không đau khổ, buồn tủi thậm chí là nhục nhã? Chúng ta có bao giờ chắc rằng họ sẽ không cảm thấy chán nản với thế giới đầy rẫy những người miệt thị họ?
Và liệu chúng ta, đang làm những việc kỳ thi, xúc phạm này, khi nói ra hai từ “ghê tởm, dơ bẩn” có nên nhìn lại bản thân mình trước khi nói không. Người với người sống để yêu nhau nhưng ta lại đang cố tách biệt họ khỏi vòng tròn tình thương, cố dìm họ trong vực thẳm, cố đẩy họ xuống vực thẳm sâu khôn cùng. Như vậy mà gọi là nhân đạo? Như vậy mà gọi là thương yêu? Phải chăng những tình cảm mà ta tưởng là tốt đẹp, hằng ngày vẫn được bồi đắp, vun vén kia rốt cuộc chỉ là những bằng chứng để phản pháo lại người ta mà thôi. Những người rũ bỏ tình thương yêu, giả vờ tỏ ra nhân đạo cao thượng kia thậm chí còn “ghê tởm” hơn cả những les và gay.
Mỗi lời chúng ta, dù vô tình hay cố ý cũng đều tựa như một nhát dao đâm xuyên qua trái tim họ. Sau này dù đã nguôi ngoai cơn đau nhưng vết thương trong tâm hồn và trái tim ấy vẫn sẽ là một cơn đau âm ỉ. Nó sẽ bám lấy tâm hồn họ dai dẳng, ám ảnh lấy tâm trí họ và trở thành những vết cứa trong hồi ức.
Vì vậy ta hãy dang rộng vòng tay đón nhận lấy những đồng tình nữ, nam, yêu thương cảm thông, chia sẻ với họ. Dù là les hay gay chung quy cũng chỉ là những người bình thường nhưng bị xã hội kì thị. Vì vậy, chúng ta những người có học thức, hiểu biết rõ ràng hãy dũng cảm đứng lên bảo vệ họ. Bởi vì người đi nói người khác quái dị, từ sâu thẳm họ cũng chỉ là mong muốn có được sự dũng cảm, dám nói lên sự thật như họ. Les, gay đúng là những con người sống thật với giới tính của mình, không trốn tránh hay lừa dối bản thân.
Tuy tôi không thể hiểu rõ hết thế giới của những người đồng tính nhưng tôi tin chắc sẽ luôn ủng hộ họ vì họ xứng đáng được bảo vệ. Họ chính là những thiên thần bị ngã, cần chúng ta che chở.
Đúng như câu hát của Lady Gaga: “Tôi xinh đẹp trên phong cách của mình, bởi vì Chúa đã tạo ta tôi như thế”. Chúng ta hãy tự tin sống với giới tính thật của mình và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 8) - Kì thị Xăm mình
Xăm mình không còn lạ lẫm trong thế giới hiện đại ngày nay, nhất là với giới trẻ nhưng nó không được cái nhìn thiện cảm từ những người lớn tuổi. Bởi lẽ, xăm mình luôn được gắn với hình ảnh dân chơi, dân anh chị, xăm mình là hư hỏng, là xấu,...
Xét cái nhìn chung, rõ ràng xăm mình đã có từ rất lâu, từ thời xa xưa. Về nguồn gốc của hình xăm thì ngay từ thời nguyên thủy, tục xăm hình ra đời với ý nghĩa chống thủy quái hay trong cuộc chiến Mông - Nguyên, những người lính đất Việt đã xăm chữ Sát Thát để khẳng định quyết tâm chống giặc, đánh đuổi ngoại xâm. Nhưng đến hiện nay, xăm mình lại không được hoan nghênh vì một số người cho rằng những ai xăm mình là "đầu trộm đuôi cướp", có quá khứ bất hảo, xăm những hình nhạy cảm hoặc xăm tại chỗ nhạy cảm trên cơ thể, rồi cố tình phô ra nên khiến số đông hiểu lầm về xăm mình, có cái nhìn không tốt về xăm mình.
Nhưng rõ ràng, việc có hình xăm trên người chưa bao giờ là tiêu chí đánh giá đạo đức, nhân cách một con người. Nhất là trong cuộc sống hiện đại và sự phát triển tri thức nhân loại cũng như sự khẳng định về giá trị cá nhân ngày càng tăng cao, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện, đa chiều để hiểu rằng xăm mình không phải là xấu, không phải hư hỏng. Xăm mình lên cơ thể là quyền tự do cá nhân. Mục đích của việc xăm mình rất đa dạng và có nhiều hình xăm nghệ thuật, thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân, thể hiện tinh thần của mỗi người tinh tế.
Nhiều người nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho xã hội mà bản thân họ có rất nhiều hình xăm như Angelina Jolie. Cô cũng thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, giáo dục, quyền phụ nữ và đã ủng hộ người tị nạn với tư cách là Đặc phái viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Cô đã thực hiện nhiều nhiệm vụ thực địa trên toàn cầu tại các trại tị nạn và vùng chiến sự; các quốc gia cô đến thăm bao gồm Sierra Leone, Tanzania, Pakistan, Afghanistan, Syria và Sudan.
Do đó, cần phải có cái nhìn khách quan, cởi mở, không nên "nhìn mặt mà bắt hình dong", đánh giá một người tốt xấu chỉ dựa vào những hình xăm không phù hợp với thẩm mỹ của mình.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 9) - Đi học muộn
Không khó để bắt gặp cảnh tượng học sinh đi muộn phải đứng bên ngoài cổng trường, báo danh họ tên và lớp học. Đây là minh chứng rõ nét cho thói quen xấu - đi học muộn ở người học hiện nay.
Thỉnh thoảng, bởi một vài sự cố xảy ra nên chúng ta có thể tới trường lớp trễ. Nhưng, để việc đi học muộn trở thành thói quen thì mỗi người cần tự xem lại bản thân mình. Thay vì nghỉ ngơi sớm, rất nhiều bạn dành thì giờ để lướt mạng, xem phim, nhắn tin hay chơi game thâu đêm suốt sáng. Những bạn học sinh này thường có suy nghĩ "cố chơi nốt ván này", "cố xem hết tập này", "cố đọc hết chương này"... Cứ cố mãi mà không để ý thời gian, dẫn đến trời gần sáng mới bắt đầu chợp mắt đi ngủ. Và dĩ nhiên, sáng hôm sau, đồng hồ báo thức cũng chẳng thể gọi dậy. Ngoài ra, vài cá nhân khác lại có tác phong lề mề, chậm chạp. Họ cho rằng vẫn còn sớm nên không cần vội, đủng đỉnh ở nhà nghịch điện thoại, gần sát giờ mới bắt đầu tới trường.
Thói quen đi học muộn để lại rất nhiều tác hại cho các bạn học sinh. Đầu tiên, nếu thói quen này tiếp diễn thường xuyên, với tần suất dày, người học dễ bỏ lỡ các kiến thức. Giáo viên không thể vì một cá nhân mà giảng lại kiến thức trước đó. Không chỉ vậy, đi học muộn còn biến bản thân thành kẻ dối trá. Chúng ta thường bịa ra vô vàn lí do nhằm thuyết phục người khác thông cảm, đồng tình cho mình. Bên cạnh đó, không ít trường hợp xảy ra sự cố vì vội vã tới trường. Đi học muộn còn đồng nghĩa với vi phạm nội quy nhà trường. Từ đây, nền nếp, kỉ luật của lớp sẽ là đánh giá rất thấp.
Việc từ bỏ một thói quen xấu sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đi học đúng giờ, chúng ta không bị bỏ lỡ kiến thức bài học. Cũng chẳng có cảnh tượng tiết học diễn ra được một nửa thì học sinh mới xuất hiện ở của lớp. Đi học đúng giờ giúp mỗi người thêm chủ động, tự tin trong mọi tình huống. Đến lớp sớm, chúng ta sẽ có thời gian chuẩn bị bài hoặc trò chuyện, giao lưu với bạn bè.
Chắc hẳn, các bạn đã đọc rất nhiều bài viết, tin tức nói về việc thí sinh không được thi THPTQG vì đến trễ đúng không? Vậy nên, từ bỏ thói quen đi học muộn là cần thiết hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, mỗi người hãy tự sắp xếp thời gian biểu một cách linh hoạt, hợp lí. Chúng ta nên giải trí vừa đủ, đừng sa đà quá mà ngủ muộn. Chúng ta cũng cần rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận. Thay vì ngủ nướng buổi sáng, các bạn thử dậy sớm khoảng 30 phút, luyện tập thể thao để tinh thần, cơ thể thêm sảng khoái. Đồng thời, chúng ta không nên sát giờ mới bắt đầu tới trường, hãy dự bị một chút thời gian, đề phòng các tình huống bất ngờ.
Có thể nói, đi học muộn mang lại rất nhiều tác hại cho người học. Như vậy, mỗi người cần có cái nhìn đúng đắn về thói quen đi học muộn. Hãy nhanh chóng thay đổi và hành động để loại bỏ thói quen xấu này, bạn nhé!
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 10) - Không đội mũ bảo hiểm
Muốn trở thành người có nhân cách tốt đẹp và thành công trong cuộc sống, con người phải rèn luyện được những thói quen tốt, loại bỏ được những thói quen xấu. Thói quen tốt dẫn ta đến thành công. Thói quen xấu đưa ta đến thất bại. Thói quen xấu, thói quen không lành mạnh có thể dẫn đến những tác hại, hậu quả mà chúng ta không thể dự đoán được. Một thói quen không tốt mà không chỉ người lớn cần từ bỏ mà cả những em học sinh, sinh viên cần phải lưu ý khi ra đường, đó là thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe gắn máy.
Khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở người lớn và trẻ nhỏ, rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ nhưng đội mũ không đảm bảo chất lượng được khuyên dùng. Chính phủ và Nhà nước đã nhiều lần đưa ra những hình phạt nghiêm khắc, xử phạt những trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng nhìn chung thói quen ấy vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người dân đặc biệt là những em học sinh khi đi xe đạp điện thường đội những chiếc mũ bán ở vỉa hè, không đảm bảo chất lượng. Hay một số bậc phụ huynh coi nhẹ sự an toàn của con em mình khi tham gia giao thông, thiếu trách nhiệm trong việc dạy bảo các em phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân.
Qua việc tìm hiểu và khảo sát cho thấy, thói quen không đội mũ bảo hiểm ở người lớn được hình thành là do mũ bảo hiểm khiến họ cảm thấy khó chịu nhất là vào những ngày hè việc đội mũ dễ ra mồ hôi, gây khó chịu cho da đầu. Hay đôi lúc do quá vội mà họ quên đội mũ rồi dần dần hình thành thói quen không đội mũ khi tham gia giao thông. Còn ở lứa tuổi học sinh như chúng ta, việc không đội mũ bảo hiểm là vì nó không hợp thẩm mỹ, cảm thấy khó chịu khi đội,… Đây chính là một số lý do dẫn đến tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của mọi người hiện nay, cũng là nguyên nhân trực tiếp của việc gia tăng các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại tính mạng con người.
Việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện hay xe gắn máy là một thói quen không tốt, cần phải được từ bỏ ngay từ bây giờ. Thói quen này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng bản thân mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Cá nhân tôi đã từng có thói quen không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và sau một vụ tai nạn ngoài ý muốn, tôi đã ý thức được sự nghiêm trọng của thói quen này, và tôi đã quyết tâm từ bỏ nó để giữ an toàn cho tính mạng của bản thân. Hay đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe gắn máy, dẫn đến thiệt mạng về tính mạng con người được đưa tin trên báo là do việc nạn nhân không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đặc biệt là những vụ tai nạn đâm xe có nạn nhân là những học sinh không đội mũ bảo hiểm, lái xe với tốc độ nhanh khi đi trên đường. Đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và tử vong do tai nạn giao thông gây ra, cần hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường.
Vậy để từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm thì cần phải làm như thế nào? Chính phủ và Nhà nước ta cũng đã đưa ra những điều luật, hình phạt cho những ai tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, phạt tiền hoặc tịch thu xe, bằng lái xe. Nhưng nếu chỉ đưa ra bộ luật mà người dân không tự ý thức về thói quen, hành vì của mình thì tình trạng không đội mũ bảo hiểm vẫn sẽ diễn ra. Đầu tiên, mũ bảo hiểm đạt chuẩn thường không phù hợp với thẩm mỹ của một số người đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, do đó các bậc phụ huynh có thể trang trí thêm một số hình dán lên mũ bảo hiểm cho đẹp hơn. Ngoài việc trang trí mũ cho hợp thẩm mỹ thì chúng ta cần phải luôn ghi nhớ việc đội mũ bảo hiểm khi ra đường, có thể luôn treo mũ ở xe hoặc để mũ ở trên tủ giày hay treo ở gần cửa, … để mỗi khi ra ngoài chúng ta sẽ nhìn thấy và không bị quên phải đội mũ nữa. Việc để mũ ở những nơi dễ thấy, dễ cầm sẽ giúp ta hình thành thói quen đội mũ dễ dàng hơn, sẽ không còn tình trạng quên không đội mũ mỗi khi ra ngoài nữa. Một khi người lớn đã có thói quen đội mũ bảo hiểm thì việc hình thành thói quen đội mũ cho trẻ em cũng sẽ đơn giản hơn, vì trẻ em thường hay học theo những việc làm của người lớn.
Mỗi chúng ta đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe mô tô, xe máy có thể giảm được 42% nguy cơ tử vong với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của từng xe. Vì vậy, để hạn chế chấn thương ở đầu, mỗi người dân cần có ý thức thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tôi và các bạn những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cũng cần có ý thức, tự hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền thói quen tốt đến với mọi người xung quanh ta để bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân mình.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 11) - Nhuộm tóc là hư hỏng
Ngày nay, đi trên đường phố, ta bắt gặp rất nhiều người nhuộm tóc. Tôi cho rằng đó là một chuyện làm đẹp hết sức chính đáng và bình thường của con người. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm cho rằng, việc nhuộm tóc là hư hỏng. Đây là một quan niệm chưa có sự cởi mở nếu nói là sai lầm. Để lí giải cụ thể, tôi xin được trình bày trong bài viết này.
Các cụ ta vẫn có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Thật vậy, nhìn vào hàm răng, mái tóc của một người có thể biết đó là người chăm chỉ, gọn gàng hay không. Nhìn vào hàm răng, mái tóc của một người, ta cũng có thể biết người đó có để ý đến vẻ bề ngoài của bản thân hay không. Vậy là, từ xa xưa, chuyện “tóc tai”, làm đẹp cũng đã được các cụ nhà ta để ý. Quan niệm cho rằng nhuộm tóc là hư hỏng một phần đến từ quan niệm về thẩm mỹ. Màu tóc của người Việt Nam vốn là màu đen. Đến khi cao tuổi, tóc từ màu đen sẽ đổi sang màu trắng. Quan niệm về cái tự nhiên, về cái quen mắt là đẹp vốn đã có hàng nghìn năm. Thời ấy, chưa có công nghệ hiện đại và sự phát triển như bây giờ. Thế nên, chắc chắn con người ta chỉ có thể để màu của tóc theo tự nhiên và dần hình thành quan niệm về cái đẹp của mái tóc. Ngày nay, con người ta vẫn giống như ngày trước, vẫn có nhu cầu làm đẹp, vẫn biết để ý đến hình thức của bản thân. Chỉ có điều, quan niệm về thẩm mỹ đã có sự đổi khác, mái tóc không nhất thiết phải là màu đen. Nói đến quan niệm thẩm mỹ, ta có thể chỉ ra một ví dụ, trước kia, ở nước ta có tục nhuộm răng đen. Nhưng thời đại ngày nay, chẳng còn mấy người nhuộm răng như vậy nữa.
Tôi cho rằng, việc nhuộm tóc chỉ cần phù hợp với điều kiện kinh tế, phù hợp với bản thân và không gây hấn với xã hội là được. Chúng ta sẽ khó thể nào mà chấp nhận một người khỏa thân đi ở ngoài đường. Điều đó vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng và mức độ chịu đựng của tôi. Nhưng với mái tóc, tôi thấy không có vấn đề gì cả. Con người có quyền lựa chọn màu tóc là một cách để thể hiện cá tính, để làm đẹp và để tự tin hơn.
Nhuộm tóc chưa chắc đã là hư hỏng và không nhuộm tóc chưa chắc đã là không hư hỏng. Tôi đã được biết đến một tội phạm giết người ở Việt Nam vào khoảng năm 2011. Anh ta là một người có mái tóc màu đen. Tôi cũng được biết đến hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, một cô gái biết sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Thái, tràn đầy tự tin và cống hiến, có mái tóc nhuộm màu nâu. Và chính bản thân tôi, một học sinh có thể coi là ưu tú, con ngoan trò giỏi trong lớp, cũng đã từng nhuộm tóc.
Tôi chỉ mong rằng chúng ta sẽ nhìn nhận một cách đúng đắn, bao dung, bớt khắt khe hơn về việc nhuộm tóc. Vì chỉ khi cố gắng tìm hiểu một điều gì đó, ta mới có cơ hội để hiểu được tận gốc của vấn đề.
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 12) - Trì hoãn công việc
Cuộc sống là một chuỗi những hành trình, để thực hiện những mục tiêu, dự định con người cần lên kế hoạch và thực hiện tốt những công việc. Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu của mỗi người lại không giống nhau, có người thực hiện một cách nhanh chóng trong một khoảng thời gian xác định, cũng có người phải mất khoảng thời gian rất dài mới có thể thực hiện được. Có sự khác nhau này không chỉ do định hướng, cách thức thực hiện của con người mà còn bị chi phối bởi thói quen trì hoãn công việc.
“Công việc” là những mục tiêu, dự định trước mắt mà chúng ta cần thực hiện. “Trì hoãn” là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc. Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc.
Cuộc sống có rất nhiều biến động, trong đó có nhiều điều bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn của con người. Những thay đổi đó có thể làm gián đoạn buộc con người phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt. Chẳng hạn, công việc hàng ngày của người học sinh là học tập, nhưng vì những lí do bất ngờ: thời tiết, sức khỏe, phương tiện đi lại, người học có thể phải trì hoãn công việc học để giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt ấy.
Tuy nhiên, đó chỉ là việc trì hoãn tạm thời, còn thói quen trì hoãn công việc lại là thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần ở con người. Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng, đứng trước một công việc cần phải giải quyết nhưng mãi ngần ngừ không chịu thực hiện và trì hoãn cho đến ngày hôm sau, ngày sau nữa hoặc một khoảng thời gian không xác định nào đó.
Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, thậm chí thói quen trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân.
Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao. Nếu duy trì thói quen xấu này, con người không chỉ khó khăn trong việc thực hiện những mục tiêu, bỏ lỡ cơ hội để phát triển, thăng tiến mà còn đánh mất đi uy tín, làm giảm đi giá trị của bản thân trong mắt đối tác cũng như mọi người xung quanh.
Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.
Trì hoãn công việc là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công các bạn nhé!
Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm (mẫu 13) - Không làm bài về nhà
Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.
Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức. Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời.
Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng.
Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất.
Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng.
Nếu có thể từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà, chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả học tập mong muốn và theo đuổi được ước mơ của mình. Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Toán 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Toán 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Toán 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Toán 10 – Kết nối tri thức
- Chuyên đề dạy thêm Toán 10 Kết nối tri thức (2024 có đáp án)
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Global Success – Kết nối tri thức
- Giải sbt Tiếng Anh 10 Global Success – Kết nối tri thức
- Ngữ pháp Tiếng Anh 10 Global success
- Bài tập Tiếng Anh 10 Global success theo Unit có đáp án
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 10 Global success đầy đủ nhất
- Giải sgk Vật lí 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Vật lí 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Vật lí 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Vật lí 10 – Kết nối tri thức
- Chuyên đề dạy thêm Vật lí 10 cả 3 sách (2024 có đáp án)
- Giải sgk Hóa học 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Hóa học 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Hóa học 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Hóa học 10 – Kết nối tri thức
- Chuyên đề dạy thêm Hóa 10 cả 3 sách (2024 có đáp án)
- Giải sgk Sinh học 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Sinh học 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Sinh học 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Sinh học 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Lịch sử 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Lịch sử 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Lịch sử 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Lịch sử 10 - Kết nối tri thức
- Giải sgk Địa lí 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Địa Lí 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Địa lí 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Địa lí 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Công nghệ 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Công nghệ 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Kinh tế và pháp luật 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết KTPL 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng - an ninh 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Giáo dục quốc phòng 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Hoạt động trải nghiệm 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Tin học 10 – Kết nối tri thức
- Lý thuyết Tin học 10 – Kết nối tri thức
- Giải sbt Tin học 10 – Kết nối tri thức
- Giải Chuyên đề Tin học 10 – Kết nối tri thức
- Giải sgk Giáo dục thể chất 10 – Kết nối tri thức