TOP 13 mẫu Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (2024) SIÊU HAY

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) lớp 10 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.

1 1,691 30/09/2024
Tải về


Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

Đề bài: Viết bài văn phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) – Đỗ Phủ

Phân tích bài thơ Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 1)

Thiên nhiên, bốn mùa xuân, hạ, thu đông từ lâu đã không còn là đề tài mới lạ trong thơ ca tự cổ chí kim. Thiên nhiên qua từng thời đại tuy được nhìn dưới những lăng kính khác nhau song đều là thiên nhiên của tâm trạng, là cảnh nhuốm màu cảm xúc. Cảnh hay được nhắc đến trong thơ là trăng, hoa, tuyết, vân…mùa thì có xuân, đông, hạ và đặc biệt là mùa thu. Viết về mùa thu, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc Đỗ Phủ có bài “ Cảm xúc mùa thu”.

Đỗ Phủ (712 – 770) xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học và thơ ca, suốt đời sống trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Ông sáng tác rất nhiều và để lại cho đời hàng ngàn bài thơ có nội dung phong phú, sâu sắc, phản ánh sinh động những sự kiện lịch sử thời ông đang sống và chan chứa lòng yêu nước thương đời. Với những đóng góp to lớn cho nền thi ca Trung Quốc nói riêng và nền văn hóa nhân loại nói chung, Đỗ Phủ đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

Bài thơ “ Cảm xúc mùa thu” thuộc chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu bạt ở Quý Châu.. Tứ Xuyên là vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Sau mười một năm kể từ khi bùng nổ loạn An Lộc Sơn, tuy loan đã dẹp xong nhưng đất nước kiệt quệ vì chiến tranh và nhà thơ vẫn phải lưu lạc ở quê người. Hoàn cảnh ấy đã khơi gợi cảm xúc bi thương là cảm xúc chủ đạo của “ Cảm xúc mùa thu” vừa là bức tranh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của nhà thơ trong cảnh đất nước loạn lạc, rối ren.

Mở đầu bài thơ, tác giả vẽ nên bức tranh cảnh vật rừng núi mùa thu đẹp nhưng tiêu điều, xơ xác:

“ Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba làng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

( Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Chỉ với vài nét chấm phá, Đỗ Phủ đã thể hiện được cái thần của một chiều thu ở Quý Châu trong vị trí tương đối cao để hướng tầm mắt bao quát toàn cảnh. Cảnh có xa, có rộng đều được thu lại nơi con mắt tinh tế của thi nhân:

“ Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm”
(Lác đác rừng phong hạt móc sa).

Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu gợi lên một cảnh rừng chuyển lá đỏ là tượng trưng cho sự li biệt. Cùng với rừng phong lá đỏ, hình ảnh hạt móc sa là những giọt sương trắng cũng tượng trưng cho mùa thu, gợi sự lạnh lẽo giăng mắc dày đặc càng làm xơ xác thêm rừng phong.

Tầm mắt từ ngắm nhìn cảnh thu ở rừng phong, tác giả chuyển sang cảnh thu ở vùng núi non:

“ Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm”

Nhắc đến Vu sơn, Vu giáp là người đọc nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia, toàn cảnh bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vũ nổi tiếng hiểm trở và hùng vĩ của được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Suốt cả chiều dài bảy trăm dặm, núi tiếp núi dọc đôi bờ sông, quanh năm mây mù bao phủ. Vách núi dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt được xuống tới lòng sông. Vào mùa thu, khung cảnh nơi đây vốn ảm đạm, lạnh lẽo, qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng li sầu của Đỗ Phủ lại càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Đến hai câu thơ tiếp theo vẫn là cảnh nhưng được nhìn ở một tầm thấp hơn:

“Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Cảnh thu hiện lên qua hình ảnh con sông ở thượng nguồn nhiều ghềnh thác, nước chảy xiết và hình ảnh “ mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Nước sông chảy xiết nên giữa lòng sông, sóng dữ dội vọt lên đến tận lưng trời. Hình ảnh: “ Mặt đất mây đùn cửa ải xa” tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Cảnh ở đây không nhuốm màu bi thương tàn tạ như hai câu thơ đầu mà có phần vừa hoành tráng vừa dữ dội. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ.

Ở bốn câu thơ sau, trước cảnh thư, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình:

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.”

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Hoa cúc là hình ảnh đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, điều đó không có gì mới. Điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ. Vì sao vậy? Vì nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu, xa nhà, xã quê. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào, làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng trong lòng tác giả “ Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ thương nơi vườn cũ).

Hai câu kết:

“Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.”

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

Câu thơ bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn nhưng không đủ sức làm nhộn nhịp không gian mà càng làm nổi bật hơn nỗi buồn mênh mang. Khí thu lạnh lẽo như nhắc nhở mọi người rằng mùa đông sắp đến, phải chuẩn bị nhanh nhanh cho việc may áo ấm nhưng cũng khiến nhà thơ chạnh lòng nghĩ tới những người lính thú nơi quan ải. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang… “Ngôn tận nhi ý bất tận” (lời hết mà ý không hết).

Thực ra viết về mùa thu của thiên nhiên cũng là nhà thơ đang viết về một chiều thu cụ thể ở vùng đất Quý Châu trong giai đoạn suy vong của triều đình phong kiến đương thời. Chiến tranh liên miên, Đỗ Phủ phiêu bạt muôn nơi và ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ. Ước mơ ấy cũng là ước mơ chung của bao người dân nghèo khổ lưu vong. Vì vậy, hàm ẩn sau những câu thơ thu là một tâm hồn đau đáu nỗi thương đời, thương người của Đỗ Phủ. Chính nỗi lòng ấy đã mang thơ Người đến gần chúng ta và sống cùng chúng ta.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 2)

Thơ Đường vốn nghiêm ngặt về niêm, luật, bố cục. Song những quy luật khắt khe ấy không hề trói buộc các bậc thánh thi như Đỗ Phủ. Dưới ngòi bút thi nhân, bài thơ vừa tuân thủ niêm luật chặt chẽ lại vừa bay bổng tự do, tạo nên vẻ đẹp đa dạng giống như vẻ đẹp của viên ngọc được soi rọi từ nhiều phía khác nhau. Bài Thu hứng không nằm ngoài đặc điểm trên

Xét theo nội dung miêu tả chung, bài Thu hứng lại có bố cục hai phần rõ rệt: bốn câu đầu tả cảnh, cảnh núi sông của vùng Quỳ Châu, thượng nguồn Trường Giang, nơi Đỗ Phủ lưu lạc tới vì chạy giặc An Lộc Sơn. Bốn câu dưới là tả tính, tình của kẻ lữ thứ tha hương. Cảnh ấy và tình này tạo nên sự thống nhất của bài thơ.

Bốn câu đầu bài thơ tả cảnh mùa thu. Trước tiên đây là cảnh mùa thu của một nơi xác định. Người ta biết đây là tả cảnh vùng Quỳ Châu thuộc thượng nguồn sông Trường Giang không chỉ ở địa danh Vu Sơn, Vu Giáp, được nhắc tới ở câu thứ hai mà chính là ở cảnh vật đặc trưng do vùng này được miêu tả trong bài thơ. Đó là cảnh rừng phong phủ sương móc trắng, là cảnh kẽm Vu vách núi dựng đứng khi trời mù mịt, là núi Vu cao vút hiểm trở.

Cả một bức tranh phong cảnh hùng vĩ mà âm u hiện ra qua ngòi bút Đỗ Phủ. Bức tranh này có lớp lang chặt chẽ, hiện dần theo bước chân người. Thoạt đầu là cảnh rừng phong trắng sương mù. Vượt qua cánh rừng này, Vu Sơn, Vu Giáp hiện ra qua một nét phác họa chung ở câu thơ thứ hai. Câu thứ ba, thứ tư đặc tả hai cảnh tiêu biểu nhất của núi Vu, kẽm Vu. Như vậy, bức tranh có toàn cảnh và cận cảnh, có bao quát và chi tiết, chứng tỏ một ngòi bút miêu tả điêu luyện, linh hoạt.

Cái thần của bức tranh chính là cảm xúc tác giả gửi trong từng nét vẽ lan tỏa vào lòng người đọc. Câu thơ thứ nhất bảy chữ, có hai chi tiết miêu tả, chi tiết nào cũng gợi nỗi buồn, từ cái lạnh lẽo của màu trắng xóa sương móc bao phủ khắp nơi, từ cái tang thương của rừng phong tiêu điều. Còn cái hiu hắt của hơi thu ở câu thứ hai càng làm tôn lên nỗi buồn bàng bạc thấm đượm trong câu trên.

Hai câu thơ, ba miêu tả chi tiết: nỗi buồn ngày càng rộng, càng sâu khiến cho cảnh vật hùng vĩ mà buồn bã, bí hiểm mà u hoài. Tới hai câu ba bốn, cảnh vật vừa có sự nhất quán với hai câu trên, vừa có sự phát triển. Trong khi đặc tả núi Vu, kẽm Vu, mỗi nơi tác giả tả một chi tiết nhưng cảnh vật sống động hẳn lên. Sóng thì ba lãng kiêm thiên dũng (vọt lên tận lưng trời), vừa vẽ lên chiều cao thăm thẳm của kẽm Vu, vừa tạo sự chuyển động dữ dội, mạnh mẽ.

Cảnh đám mây "sa sầm giáp mặt đất" không chỉ tả được cái độ cao của cửa ải trên núi Vu còn vẽ được sự giận dữ của mây, núi. Sông và trời, mây và núi không còn trong trạng thái tỉnh tại, u hoài như cảnh vật hai câu thơ trên mà đang chuyển động với một nội lực lớn lao, tạo nên vẻ đẹp hoành tráng cho bức tranh. Cả hai cảnh đó bổ sung cho nhau, tạo nên sự thống nhất đa dạng của cảm xúc toát ra từ bức tranh: trầm uất và bi tráng. Đó cũng là phong cách thơ Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời.

Đứng trước cảnh sắc ấy, một người giàu tình cảm như Đỗ Phủ làm sao không nhớ quê được? Chính từ sự vận động nội tại đó, bốn câu thơ sau xuất hiện thật tự nhiên, hợp lẽ. Bốn câu thơ sau tả tình nhưng không xa rời cảnh, tình và cảnh quấn quýt với nhau. Hai câu thơ 5, 6 biểu hiện sinh động lòng nhớ quê với nhiều thủ pháp sinh động, Trong bảy chữ của câu 5, tình và cảnh như thống nhất: hoa cúc nở mà trông như cành hoa bằng nước mắt hư ảo, chập chờn, hiện tại và quá khứ như nối liền: "giọt lệ ngày trước" bỗng rơi cùng giọt lệ hôm nay.

Cái trục nối liền ấy tạo ra sự đồng nhất ấy là hai chữ lưỡng khai với nhiều nghĩa hàm ẩn, làm cho hình ảnh cúc và lệ trở nên đa nghĩa, Hình ảnh con thuyền trong câu 6 cũng được tạo nên cùng một cảnh như hình ảnh ở câu 5. Chữ cố cũng tạo nên nghĩa hàm ẩn: vừa là buộc con thuyền lẻ loi nơi nhà thơ đang sống ở lại nơi đây, vừa có nghĩa là thắt lại, gói lại nỗi lòng thương nhớ quê.

Những cảm xúc dồn dập được tả trong câu 5, 6 tưởng như sẽ được tả trực tiếp và nâng cao hơn ở hai câu kết. Nhưng đến đây bài thơ bỗng từ tả tình chuyển sang tả cảnh sinh hoạt đời thường. Cảnh mọi người rộn rịp may áo rét, giặt giũ áo cũ. Tưởng như hai cảnh này không ăn nhập với tình kia, tưởng như ý bài thơ bị lạc. Song không phải như vậy. Đây là một thủ pháp dồn nén tình cảm vào bên trong hình ảnh để cho lời thơ, ý thơ thêm sâu sắc, có sức rung động mạnh hơn ở người đọc.

Âm thanh đập áo vốn là một âm thanh có sức gợi cảm lớn trong thơ cổ Trung Quốc, gợi nhớ tới người thân đi xa, diễn tả một nỗi lòng nhớ thương, chờ đợi. Bạch Cư Dị đã tả nỗi lòng của người thiếu phụ, đêm tháng tám, tháng chín nghề tiếng chày đập lụa mà "sáng ra e bạc cả đầu". Cho nên sự xuất hiện tiếng chày trong bóng chiều tà tạo nên một dư âm vang vọng cho cả bài thơ.

Nỗi nhớ quê tha thiết của Đỗ Phủ trong một mùa thu tập loạn được bộc lộ trong bài thơ này đâu phải chỉ là tâm trạng của một người. Nó là nỗi lòng của trăm họ đang lầm than vì cảnh chiến tranh, giặc giã liên miên sau loạn An Lộc Sơn đời Đường đang xa lìa quê hương, phiêu bạt nơi góc biển chân trời.

Phân tích bài thơ Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 3)

Thu hứng (bài số 1) của Đỗ Phủ là một bài thơ tiêu biểu, hết sức thâm thúy, hàm súc, kín đáo. Trong bài thơ tâm và cảnh, thi và họa, động và tĩnh, trộn lẫn, lắm lúc khó lòng phân biệt.

Có thể tạm chia bài thơ làm hai phần với bốn câu đầu là cảnh thu và bốn câu sau là nỗi lòng nhà thơ. Cách phân chia như vậy phù hợp về logic hình thức nhưng chưa thực xâm nhập vào chiều sâu quan hệ biện chứng giữa hai phần của bài thơ. Chúng ta biết rằng đặc trưng của thơ cổ nói chung, thơ Đường nói riêng là cái nhìn đồng nhất con người và vũ trụ (“Thiên nhân tương đồng”). Cái “tôi” (tiểu ngã) chỉ là một phần của cái “ta” vũ trụ (đại ngã). Do đó, các nhà thơ cổ nói “cảnh” cũng là đế nói “tâm”, nói “tâm” thường thông qua vẽ “cảnh”. Các nhà thơ Trung Hoa xưa thường nhắc đến mối quan hệ này. Đó là “Tâm nhập vào cảnh” (Vương Xương Linh) “Lòng nhập vào cảnh” “Tình dĩ cảnh hội” (Yên Hoàng Đạo) “Tình bất gặp cảnh”, “Cảnh dĩ tình hợp”, “Tình dĩ cảnh sinh” (Vương Phu Phi).

Ngay bốn câu đầu, qua những nét bút chấm phá về cảnh đã toát lên góc nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ. Chỉ có điều, cảnh ở đây dường như được vẽ ra bằng những nét bút có phần rõ ràng, “khách quan” hơn so với bốn câu thơ sau. Bài thơ có thời gian: mùa thu; có (địa điểm: Vu Sơn, Vu Giáp (thuộc thượng sông Trường Giang, vùng Quý Châu thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Cảnh ở đây cũng có phần được cá biệt hóa với màu sắc hùng vĩ, độc đáo: núi non hiểm trở, sóng bọt lưng trời, mây sa mặt đất. Cảnh vật hiện lên dần như trên một đoạn phim lướt vội. Ống kính hắt đầu từ rặng phong tiêu điều với sương móc trắng xóa (Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm), (chữ “lác đác” trong bài dịch chưa thật sát với nghĩa nguyên tắc), đến cảnh núi Vũ và kèm vu hiu hắt, dần đến những đợt sóng bọt lên lưng trời giữa dòng sông rồi đứng lại ở những đám mây sa sầm giáp mặt đất nơi cửa ải. Bốn câu thơ cũng làm ta nhớ đến những bức tranh thủy mặc với lối vẽ chấm phá tài tình. Cảnh vật hiện lên trong cái “thần”, cái “hồn” của nó. Nhưng sau bức tranh kia đã ấn giấu bao nhiêu tâm trạng. Tâm trạng ấy trước hết thể hiện ở sự lựa chọn cảnh vật. Nhà thơ xưa không đặt nhiệm vụ khám phá đối tượng mình quan sát (dù bên trong hay bên ngoài) mà chi là sắp xếp, tỉa tót nó cho phù hợp với sự cảm nhận duy lí. Thơ cổ không phân biệt rạch ròi chủ thể và khách thể. Ngay nét chấm phá đầu tiên “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm” đã mở ra hướng lựa chọn. Cảnh tượng móc trắng xóa làm tiêu điều cả rừng phong làm ta nhớ đến những rừng phong, cây phong khác trong thơ cổ. Cây phong trong thơ Đường như gắn với nỗi buồn, với chia li. Trong Tì bà hành (Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu), trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” đìu hiu hắt trong mắt nàng Kiều.

Những nét vẽ cảnh tiếp theo dường như càng tô đậm thêm cái nét hoang vắng, hiu hắt, buồn bã trong tâm hồn nhà thơ. Đành rằng cảnh vật ở đây cũng có nét hùng vĩ những nét hùng vĩ không lấn át được vẻ buồn, tàn tạ, không làm tan cái buồn, hiu hắt tràn từ núi đến rừng.

Hai câu tiếp theo đối nhau về ý và lời, tạo nên cảnh đối nghịch trong bức tranh “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng - Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Lưng trời sóng gợn lòng sông thám - Mặt đất mây đùn cửa ải xa) cho ta những ấn tượng trái ngược: Cảnh vừa dữ dội, hoành tráng lại vừa bức bối, bị vây hãm không thoát ra được. Đúng là bức “tâm cảnh” trong con mắt một kẻ xa quê, nhớ quê, lòng buồn trĩu nặng, đồng thời cũng bứt rứt, bức bối, không yên khi nhìn về quê nhà và trông ra thế sự. Kim Thánh Thán thật có lí khi bình rằng: “ngước mắt nhìn sông chì thấy sóng vọt ngất trời, mà đăm đắm trông lên ai, chỉ thấy gió mây mịt mờ liền đất. Thực đúng đau tức, bi thương, khiến cho người ta lòng hết khí tuyệt”.

Bốn câu sau, tác giả tiếp tục phát triển cảm xúc của mình. Ở đây thể hiện nỗi lòng trực tiếp hơn, cụ thể hơn nhưng vẫn thâm trầm, kín đáo. Cái nhìn duy lí đã trừu tượng hóa những sự vật cụ thể. Tác giả nói đến hoa cúc, đến con thuyền nhưng chúng là “tâm” hay là “cảnh”, thật lòng lòng phản biệt. “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” (Khóm cúc nở hoa hai lần: những giọt lệ ngày trước) và “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Con thuyền lẻ loi buộc chặt tấm lòng nhớ vườn củ), ở đấy lời ít ý nhiều, không rõ hoa cúc nhỏ lệ hay thi nhân nhỏ lệ bên khóm cúc, không hiểu dây buộc thuyền hay dây thắt lòng người. Hồ Sĩ Hiệp cho rằng những câu thơ này có thể hiểu theo hai cách: “Cúc đã nở hoa hai lần và đã hai lần làm chảy dòng lệ cũ” hoặc có thể hiểu “Nhìn cúc nở mà tưởng như cúc đã nhỏ lệ”. Dù hiểu cách nào thì cũng thấy rằng ở đây “cánh” đã nhòa vào “tâm”, đã “hội” vào “tâm”. Tác giả đã đồng nhất: tình và cảnh, hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ quá khứ), sự vật và con người (sợi dây cụ thể và sợi dày lòng). So sánh với hoàn cảnh nhà thơ có thề’ hiểu Đỗ Phủ từ khi rời thành đô đến Quý Châu đã được hai năm, trải qua hai mùa thu. Dòng “lệ cũ” của nhà thơ không chỉ “tuôn” ra một lần mà đá nhiều lần rồi. Và đúng như có người nhận xét trong thơ ông già Thiếu Lăng đã lão hóa chốn thanh khốc, cảm thời hoa tiền lệ...

Hai câu thơ kết của bài thơ này thật độc đáo, mở ra nhiều ý nghĩa. Trong thơ Đường, hai câu kết thường là tỏ lòng, nêu trực tiếp cảm xúc nhưng đây tác giả lại hướng nói về cảnh khách quan bên ngoài. Nhưng ờ đoạn đầu, cảnh khách quan là “tĩnh” thì ở đày lại “động”. Cảnh rộn ràng hơn trong không khí “rộn ràng dao thước để may áo rét’’ và âm thanh tiếng chày đập áo dồn dập về chiều trên thành Bạch Đế. Nhịp thơ dường như cũng nhanh hơn, gấp hơn. Thế nhưng, đó chỉ là ngoại cảnh, tấm lòng nhà thơ thì chưa chắc đã có đổi thay. Bởi góc nhìn của nhà thơ vẫn là cái nhìn trong ánh chiều hắt hiu. Tiếng đập áo buổi chiều trên thành Bạch cao ấy (Thành Bạch chày vang bóng ác tà) dễ đưa người ta đến những liên tưởng buồn. Nó dường như cùng hòa vào “gam” nhạc buồn của tiếng đập áo đêm trăng của người chinh phụ nhớ chồng trong Đảo y thiên của Lí Bạch (Chiếc áo đêm trường đập bóng trăng), hay tiếng chày đập áo của người phụ nữ trong mùa thu trong thơ Bạch Cư Dị(Thu đến nhớ chồng đập lụa, gió trăng não lắm đá chày ơi) Tiếng chày ấy đang báo hiệu một mùa đông đến gần, mùa đông với một ( thiếu cơm, thiếu áo, không nhà, ở nhờ trên đất khách và tấm lòng thì luôn nặng trĩu nỗi lo và nỗi nhớ.

Như vậy, trên cái nền của cảnh thu với rừng thu, khí thu, hoa thu, tiếng thu, nhà thơ đã hòa vào đó tâm trạng của chủ thể trữ tình, một tâm trạng đượm buồn, da diết, sầu thương, khắc khoải trong tình quê nặng và nỗi âu lo kín đáo về thế sự.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 4)

Cuộc đời Đỗ Phủ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau : những năm ngao du vô tư thoải mái thời trai trẻ, những năm gia đình sa sút phải ăn chực nằm chờ sau những lần thi hỏng ở thủ đô Trường An, những năm bị ném vào dòng nước xoáy của thời đại trong chiến loạn An – Sử (755 – 763), những năm sống trôi dạt cuối đời ở các tỉnh thuộc vùng tây nam của đất nước.

Khi chiến loạn vừa kết thúc, Đỗ Phủ đã có ý định xuôi sông Trường Giang về đổng để tìm đường về quê ở phía bắc.

Năm 765, Đỗ Phủ rời Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đưa gia đình phiêu bạt qua một số nơi rồi về tạm trú ngụ ở Quỳ Châu. Chùm thơ Cảm xúc mùa thu nổi tiếng gồm tám bài được sáng tác tại đây năm 766, chỉ bốn năm trước khi nhà thơ qua đời.

Chùm thơ là một chỉnh thể trong đó Cảm xúc mùa thu số 1, bài được chọn giảng, là “cương lĩnh sáng tác” của cả chùm thơ. Nhà phê bình nổi tiếng Kim Thánh Thán đã nhận xét về tính chất chặt chẽ của bố cục chùm thơ và vị trí cao của bài Cảm xúc mùa thu số 1 như sau: “Bảo là liền thì mỗi bài đứt, bảo là đứt thì mỗi bài liền. Đổi vị trí một bài không được, thêm bớt một bài không được…

Tất cả thơ này lấy bài thứ nhất làm đề cương, bởi vì bài ấy nói đến cái cảnh tiên sinh đường sống lúc bấy giờ. Đó chính là mùa thu tại Tây các (gác phía tây) phủ Quỳ, nhân thu mà khởi hứng. Câu đầu bảy thiên sâu nhất nhất đều do đó mà ra như áo chìm có cổ, như bông hoa có cuống, như hiệu lệnh của mười vạn binh phát xuất tự nơi trung quân”.

Quả chỉ có thể thấy được một cách thật đầy đủ ý nghĩa và vẻ đẹp của bài Cảm xúc mùa thu số 1 khi đặt nó trong cả chùm thơ; tuy nhiên, vì đó là bài có tính chất “đề cương”, “cương lĩnh”, mặt khác, cũng bảy bài còn lại, nếu “bảo là đút thi mỗi bài liền”, tức mỗi bài đều có tính tương đối độc lập nên ta vẫn có thể và thực tế đã có nhiều người phân tích nó như một chỉnh thể.

Cũng như với nhiều bài thơ Đường nổi tiếng khác, chỉ có thể lí giải được đúng bài Cảm xúc mùa thu số 1 nếu chia tác phẩm thành hai phần : nửa trên, về cơ bản tả cảnh tho ở Quỳ Châu và nửa dưới, về cơ bản ĩả tình — cảm xúc của nhà thơ trước cảnh thu ở Quỳ Châu.

Ở cặp câu thứ nhất (tức “liên thứ nhất”, “liên đầu”, ta quen gọi là hai câu đề), bản dịch thơ đã tái hiện được cảnh thu buồn bã song trong nguyên bản, không khí còn thảm đạm hơn nhiều. Ớ câu thứ nhất, sương móc không phải “sa lác đác” mà hẳn là dày đặc mới có thể làm tiêu điều, thương tổn (điêu thương) được cả rừng phong ; rừng phong không phải là danh từ làm trạng ngữ chỉ nơi chốn mà là đối tượng bị sương móc vùi dập một cách tàn nhẫn.

Ở câu thứ hai của bản dịch, chữ “loà” cùng với từ “hiu hắt” chỉ phần nào lột được thần thái của hai chữ tiêu sâm (tối tăm, ảm đạm) trong nguyên bản; chữ “ngàn non” thay thế cho hai danh từ riêng khiến cho bản dịch dễ hiểu song lại làm mờ nhạt bản sắc của phong cảnh vùng Quỳ Châu. Hãy đọc đoạn sau đây trong thiên Sông ngòi ở cuốn Thuỷ kinh chú của Lịch Đạo Nguyên thời Lục triều: “Suốt cả vùng Tam Giác (Vu Giáp, Cù Đường Giáp, Tây Lăng Giáp) dài bảy trăm dặm, núi liên tiếp đôi bờ, tuyệt không có một chỗ trống.

Vách đá điệp trùng che khuất cả bầu trời, chẳng thấy cả ánh nắng mặt trời lẫn ánh sáng trắng… Mỗi khi trời vừa tạnh, trong sáng sớm sương mù, nơi rừng lạnh khe vắng thường có vườn ở trên cao hú dài, tiếng thê thảm dị thường, hàng trống truyền âm thanh bi ai mãi chẳng dứt. Cho nên những người đánh cá có câu ca rằng : “Ba đồng Tam Giáp Vu Giáp trường – Viên minh tam thanh lệ triêm thường” (Ba kẽm ở phía đông đất Ba Thục thì kẽm Vu là dài nhất, Vượn kêu ba tiếng đã làm cho lệ rơi đầm áo xiêm)”.

Bình thường, cả lúc trời tạnh, cảnh Vu Giáp đã tối tăm ảm đạm ; chiều thu, hẳn càng tối tăm ảm đạm ; qua lăng kính nhà thơ, lại tối tăm ảm đạm bội phần ! Nếu ở câu thứ nhất còn có chút ánh sáng, còn có sự tương phản màu sắc trắng – đỏ giữa sương móc chiều thu và cánh rừng phong bạt ngàn thì đến đây, tất cả dường như chìm trong âm u… Hai câu thơ tiếp theo (tức “liên thứ hai”, “liên cằm”, ta quen gọi là hai câu thực), mới đọc qua, tưởng như mở ra một viễn cảnh thoáng đãng hơn:

Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Quả ở đây, ngoài không khí âm u còn có cảnh sắc hùng vĩ. Hùng vĩ vốn là một trong những nét tiêu biểu của cảnh sông núi Quỳ Chầu, mặt khác, cũng phản ánh một nét trong tâm hồn cao quý của Đỗ Phủ : dẫu đau buồn tột độ, nhà thơ vẫn còn ủ ấp tráng chí. Tuy vẫn được vẽ bởi ngòi bút chấm phá quen thuộc của thơ Đường song thiên nhiên ở đây tuyệt không phải là những đường tiết tủn mủn, yếu ớt mà là rộng mở, rắn rỏi, tạo nên một bức tranh toàn cảnh hoành tráng.

Tuy nhiên, đọc kĩ, sẽ thấy ngay ở đây, nét bi thảm vẫn lấn át mặt hoành tráng. Hãy tưởng tượng xem, phần không gian dành lại cho con người đã bị dồn ép tới mức nào, ngột ngạt và bất an đến dường nào giữa những làn sóng vọt tận lưng trời và những làn mây sa sầm giáp mặt đất ! Các chữ “rợn” và “đùn” ở bản dịch đã truyền đạt thành công không khí hãi hùng của khung cảnh song vẫn khó thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác, làm cho người đọc cảm nhận như sóng và mây vận động cùng chiều trong khi chúng vận động ngược chiều (“đùn” chỉ là bị đẩy từ trong ra hay từ dưới tên).

Cũng như ở nửa trên bài Lên cao, trọng điểm ở bốn câu đầu bài cảm xúc mùa thu số 1 là tả cảnh song trong cảnh đã thoáng lộ tình, tình buồn (qua hình ảnh sương móc trắng xóa, rừng phòng úa tàn, khí thu mù mịt) nhưng xao động, dữ dội (qua hình ảnh đất trời chao đảo, sóng tung toé, mây vần vụ).

Hai câu thứ năm và thứ sáu (tức “liên thứ ba”, “liên cổ”, ta thường quen gọi là hai câu luận) được xem là tiêu biểu cho tinh thần của Cảm xúc mùa thu số 1 và ba chữ “cố viên tâm” (ở câu 6) lại được coi là “mắt rồng”, tức nơi tập trung linh hồn của cả chùm thơ Cảm xúc mùa thu.

“Cố viên tâm” (nỗi lòng quê cũ) trước hết là chỉ “nỗi nhớ Lạc Dương (Hà Nam)”, quê quán của Đỗ Phủ, cũng ỉà một trong những thành phố phồn hoa nhất ở thời Đường. Đặt trong văn cảnh, nó còn chỉ “nỗi nhớ Trường An, kinh đô nhà Đường” và rộng hơn nữa, còn là một biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước.

Trong bảy bài Cảm xúc mùa thu tiếp theo, nhà thơ chỉ nói đến nỗi nhớ Trường An, Trường An những ngày còn thái bình thịnh trị, lúc Đỗ Phủ còn là quan chức của triều đình cũng như Trường An đương thời, nơi đang “thay đổi luôn luôn như một cuộc cờ”, nơi đang diễn ra những cuộc tranh chấp giành giật quyền bính giữa các thế lực phong kiến quân phiệt có sự can thiệp của các thế lực ngoại tộc.

Hai câu thơ này cũng được xem là danh cú (câu thơ, câu văn nổi tiếng) xét về mặt tiêu biểu cho thi pháp thơ Đường. Ở đây, tác giả đã đồng nhất nhiều sự vật và hiện tượng: tình và cảnh (nhìn hoa cúc nở mà trông như xoè ra những cánh hoa bằng nước mắt), hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ của quá khứ gần – hai năm qua, kể từ ngày rời Thành Đô – và quá khứ xa), sự vật và con người (dây buộc thuyền cũng là dây thắt lòng người lại).

Đáng nói hơn là những sự đồng nhất có vẻ phi lí ấy lại có một cội nguồn hiện thực sâu xa. Trong chiến loạn An – Sử, không chỉ con người bị huỷ diệt (trong tám năm, dân số Trung Quốc chỉ còn một phần ba) mà thiên nhiên cũng bị tàn phá. Hình ảnh “hoa nhỏ lệ” không phải chỉ xuất hiện một lần trong thơ Đỗ Phủ. Chữ tha nhật (trong nguyên tác) được một số người hiểu là chỉ ngày sau, những ngày sắp tới song hầu hết đều cho là chỉ ngày trước, những ngày đã qua.

Trước cảnh thu buồn, hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ đã tập kết về thời điểm hiện tại và đọng lại trên những nhành hoa. Bởi vậy, câu thơ dịch “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ” của Nguyễn Công Trứ là rất đạt. Lệ của nhà thơ rơi trong hai năm qua chỉ là sự lặp lại, chồng lên những dòng lệ cũ. Trước chiến loạn An – Sử, nhà thơ nghèo khổ đã từng rơi lệ khi đứa con trai “yêu nhất đời” bị chết đói giữa mùa gặt hái!

Chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một ẩn dụ đích đáng không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất mà nhà thơ gửi gắm vào đó ước vọng về quê, là địa chỉ trú ngụ đích thực, là chiếc “nhà nổi” của Đỗ Phủ trên con đường chuyển dịch về phía đông để kiếm cơ hội hồi hương.

Ở liên thứ tư (tức “liên đuôi”, ta quen gọi là hai câu kết), tác giả đã kết thúc bài thơ một cách bất ngờ. Nhà thơ không bộc lộ trực tiếp cảm xúc chủ quan như thường lệ mà lại quay về tả những cảnh thực ngoài đời: không khí tấp nập của mọi người nô nức may áo rét (câu 7) và giặt giũ áo cũ (câu 8) để chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần. Trong thơ cổ Trung Hoa, tiếng chày đập vải, nhất là về chiều và đêm, là một loại âm thanh đặc biệt có sức gợi cảm rất lớn, chúng không làm cho những người khách xa xứ vui lây mà chỉ càng thêm não lòng.

Cũng giống như ở cuối bài Lên cao (Đẳng cao), cuối bài Cảm xúc mùa thu số 1, tác giả đã dùng phương thức tả pha kể để biểu cảm nên đằng sau những câu thơ tưởng như lạnh lùng bình thản là cả một nỗi lòng đau thương quằn quại. Biểu hiện cảm xúc trước cảnh thu là một đề tài muôn thuở của thơ ca. Cảm xúc mùa thu số 1 là một tác phẩm độc đáo, tiêu biểu cho thành tựu nghệ thuật của Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời.

Qua đây, ta không chỉ thấy hình ảnh cụ thể của một chiều thu ở Quỳ Châu mà còn thấy cả tình cảnh, nỗi lòng của một con người cụ thể sống trong hoàn cảnh ấy. Chiến tranh phong kiến liên miên và sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến ở giai đoạn cuối Thịnh Đường đã đẩy con người ấy, vốn là một ông quan của triều đình, về tận góc trời xa thẳm và con người ấy, ngày đêm chỉ còn ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ.

Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng là ước mơ của bao người dân nghèo khổ lưu vong ở thời Đường. Bởi vậy, bài thơ tuy không miêu tả trực tiếp tình hình xã hội, vẫn chan chứa tình đời và có giá trị hiện thực sâu sắc.

Giỏi Văn - Bài văn: Soạn bài: Cảm xúc mùa thu

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 5)

Đỗ Phủ là nhà thơ lỗi lạc có nhiều đóng góp lớn cho thi ca Trung Quốc, ông là một thi sĩ tiêu biểu, với số lượng tác phẩm để lại không hề nhỏ. Tấm lòng lương thiện, nhạy cảm với cuộc sống với đời, những bài thơ ông viết ra, đều mang tư tưởng yêu nước, hay còn gọi là "yêu nước thương đời" đồng thời phản ánh chân thực thời đại mà ông đang sống. Với tâm hồn nghệ sĩ, những phút xao lòng với những đổi thay của đất trời, của thời tiết cũng khiến cho những câu từ trong chính tâm hồn in đậm lên trang giấy. Thu Hứng hay còn gọi là" Cảm hứng mùa thu" là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu cho hồn thơ của Đỗ Phủ.

Đề tài về thiên nhiên đặc biệt là sự thay đổi của không gian của đất trời khiến cho các thi sĩ không ít khi nao lòng. Mùa thu là mùa mà khiến cho tâm hồn con người ta trở nên lãng mạn, thả hồn theo gió, ta cũng thấy một thứ gì đó vừa man mác lại vừa thấm đượm mùi vị đất trời chênh vênh. Cảm hứng mùa thu là bức tranh màu thu hắt hiu, mang nặng tâm trạng tu sầu của tác giả trong lúc đất nước lâm vào cảnh rối ren, nỗi thương nhớ quê hương dâng lên nghẹn ngào, và buồn thương cho thân phận mình nơi đất khách quê người..

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba làng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thồi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Sau khi được phiên âm, bài thơ "Cảm hứng mùa thu" lại dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc. Những cảnh vật hiện ra trong bài thơ nối tiếp nhau, nhưng bị bao phủ bởi một nỗi buồn khôn tả. Cùng với những vần thơ mềm mại mà thấm đượm, Nguyễn Công Trứ đã mang "cảm hứng mùa thu" lại gần hơn, đặc biệt thể hiện được cả những điều mà Đỗ Phủ đã gửi gắm

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
.............
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.

(Nguyễn Công Trứ dịch)

Có thể thấy rõ được, trong bài thơ, bốn câu đầu là "câu đề" với mục đích miêu tả bức tranh thiên nhiên bao la nhưng buồn hiu hắt ở vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang.

Ở cặp câu thứ nhất, chỉ với vài nét chấm phá, tác giả đã phác thảo ra được cái thần chiều thu ở Quý Châu:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,

(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khi thu lòa)

Có thể thấy được hoặc cũng có thể cảm nhận được, tác giả đang đứng ở vị trí cao để quan sát được toàn cảnh ở nơi đây. Mọi thứ được miêu tả không những theo chiều sâu và còn theo tầm mắt của tác giả, nhìn về phía xa xăm. Hiện ra đầu tiên là hình ảnh rừng phong với sương móc còn phủ trên chúng, tạo ra cảnh tượng buồn, đặc biệt rừng phong lại càng nhấn mạnh thêm sự li biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu đến. Những dấu hiệu như rừng phong hay những hạt sương, dưới con mắt của tác giả, cũng phần nào cho người đọc thấy được mùa thu đang đến gần. Hai câu thơ mở đầu tuy là đều rừng núi nhưng lại chung một điểm, đó chính là nỗi buồn đang dần ngấm vào tác giả, nỗi buồn ấy chế ngự cả tâm trạng và cảm xúc của tác giả khi đặt bút ngâm thơ. Với tâm trạng như vậy, Đỗ Phủ biết những vần thơ tiếp theo:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa).

Nếu như ở hai câu mở đầu là hình ảnh của rừng phong, là sự quan sát từ trên cao xuống thì 2 câu tiếp theo lại miêu tả cảnh sắc vừa hoành tráng lại dữ dội. Nó như muốn lột cả cảnh rừng núi Vu Sơn Vu Giáp vừa tráng lệ nhưng cũng bí hiểm âm u. Bốn câu thơ, nhưng ở mỗi câu là một nét chấm phá, là sự nhìn nhận toàn cảnh chứ không tập trung vào một điểm cụ thể nào. Cảnh sắc trời mây non nước, rừng núi hiện ra vừa cụ thể lại vừa đặc trưng cho mùa thu. Nhưng chính hình ảnh này, lại khiến tác giả nhớ tới quê hương tới nao lòng.

Ở bốn câu thơ sau, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách. Với nghệ thuật đối được sử dụng ở câu năm câu sáu, lại khiến tâm trạng của tác giả dâng lên:

"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà).

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà).

Bốn câu cuối tập trung vào miêu tả cảm xúc cũng là những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là lòng mong ngóng quê nhà, nỗi khát khao được trở về quê hương, tình yêu và sự buồn bã khi phải sống tha phương. Hình ảnh hoa cúc là hình ảnh đặc trưng cho mùa thu, cũng là hình ảnh mà tác giả phải rơi lệ khi nhìn thấy, nhớ tới mùa thu ở quê hương mình. Những hình ảnh được sử dụng như con thuyền (cô chu) là một con thuyền đơn độc, nhưng là con thuyền hy vọng mang tác giả về quê hương của mình. Ở cuối bỗng đột ngột âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong hoàng hôn. Âm thanh duy nhất ấy đã đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng nó chẳng thể đủ để xua đi những áng mây buồn đang bủa vây tâm hồn thi sĩ, với những nét chấm phá mạnh mẽ trong tác phẩm cùng với lấy trọng tâm chính là tả cảnh và bộc lộ cảm xúc, những vần thơ trở nên có hồn và làm rung lên sợi dây tình cảm của độc giả.

Qua bài thơ "Cảm hứng màu thu", ta thấy được một tâm hồn thi sĩ vừa nhạy cảm lại rung động mãnh liệt với cảnh sắc. Trái tim Đỗ Phủ đã dành trọn cho quê hương, cũng qua bài thơ, cái tư tưởng "yêu nước thương đời" lại càng thể hiện rõ.

Những vần thơ của ông có sức lay động mãnh liệt, đặc biệt những vần thơ như bật lên khỏi trang giấy, mở ra một khung cảnh rất rõ.. "cảm xúc mùa thu" đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng của ông, cũng như là một bài thơ tiêu biểu về mùa thu của thi ca Trung Quốc.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 6)

Đỗ Phủ (712 – 770) tên chữ là Tử Mĩ, hiệu là Thiếu Lăng, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học và thơ ca lâu đời. Thủa trẻ Đỗ Phủ cũng đi thi nhưng không đỗ. Suốt cuộc đời, ông sống trong cảnh đói nghèo và bệnh tật. Tuy vậy, ngọn lửa đam mê văn chương trong lòng ông không bao giờ tắt. Ông sáng tác rất nhiều và để lại cho đời hàng ngàn bài thơ có nội dung phong phú, sâu sắc, phản ánh sinh động những sự kiện lịch sử thời ông đang sống và chan chứa lòng yêu nước thương đời. Với những đóng góp to lớn cho nền thi ca Trung Quốc nói riêng và nền văn hóa nhân loại nói chung, Đỗ Phủ đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

Bên cạnh những bài thơ được coi là "thi sử" (lịch sử bằng thơ), Đỗ Phủ còn sáng tác nhiều bài thơ trữ tình thể hiện cảm xúc chân thành của mình trước thiên nhiên, con người và cuộc đời. Trong những bài thơ đặc sắc có bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu). Đây là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu bạt ở Quý Châu.. Tứ Xuyên là vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Sau mười một năm kể từ khi bùng nổ loạn An Lộc Sơn, tuy loan đã dẹp xong nhưng đất nước kiệt quệ vì chiến tranh và nhà thơ vẫn phải lưu lạc ở quê người. Hoàn cảnh ấy đã khơi gợi cảm xúc bi thương là cảm xúc chủ đạo của Thu hứng.

Bài thơ có thể chia làm hai phần: Bốn câu thơ đầu (đề, thực) là bức tranh vé thiên nhiên mùa thu ở vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang. Bốn câu sau chủ yếu thể hiện cảm hứng của thi nhân trước cảnh thu về trên đất khách.

Ở cặp câu thứ nhất, chỉ với vài nét chấm phá, tác giả đã thể hiện được cái thần của một chiều thu ở Quý Châu:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,

(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khi thu lòa)

Người đọc có thể nhận thấy Đỗ Phủ đứng ở vị trí tương đôi cao để ngắm nhìn toàn cảnh, vì thế mà tầm nhìn của ông khá xa, khá rộng. Khả năng quan sát tinh tế của Đỗ Phủ thể hiện ngay từ câu thơ đầu tả cảnh rừng phong: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm (Lác đác rừng phong hạt móc sa). Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu bởi mỗi độ thu về, có rừng phong chuyển sang màu đỏ úa, tượng trưng cho sự li biệt. Sương trắng cũng tượng trưng cho mùa thu, cho sự lạnh lẽo. Sương móc sa dày đặc làm xơ xác cả rừng phong. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rất rõ qua cái nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ.

Câu thứ hai: Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm. Nhắc, đến Vu sơn, Vu giáp là người đọc nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia. Toàn cảnh bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bản dịch, từ lòa cùng với từ hiu hắt chỉ lột tả được một phần ý nghĩa của cụm từ khi tiêu sâm (tối tăm, ảm đạm). Chữ ngàn non thay thế cho Vu sơn, Vu giáp khiến bản dịch dễ hiểu song lại làm mờ nhạt bản sắc của phong cảnh Quý Châu. Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vũ nổi tiếng hiểm trở và hùng vĩ. Được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Suốt cả chiều dài bảy trăm dặm, núi tiếp núi dọc đôi bờ sông, tuyệt không có một chỗ trống. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút. Vách núi dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt được xuống tới lòng sông. Vào mùa thu, khung cảnh nơi đây vốn ảm đạm, lạnh lẽo, qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng li sầu của Đỗ Phủ lại càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Hai câu thơ mở đầu, câu thứ nhất tả cảnh thu ở rừng phong, câu thứ hai tả cảnh thu ở núi non. Tuy cảnh vật khác nhau nhưng nhà thơ nhìn chúng với con mắt và tâm trạng giống nhau: trĩu nặng một nỗi buồn thương.

Vẫn tiếp tục quan sát thiên nhiên với tâm trạng như thế nên Đỗ Phủ đã viết nên những câu thơ tả thực đầy ám ảnh như có ma lực cuốn hút hồn người:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa).

Ở hai câu đề là cảnh thu trên cao (rừng phong, dãy núi), đến hai câu thực là cảnh thu dưới thấp, vẫn là những chi tiết được cảm nhận qua đôi mắt thi nhân và được miêu tả bằng ngọn bút kì tài mà thành những vần thơ trác tuyệt. Sông ở thượng nguồn thường hợp, nhiều ghềnh thác, nước chảy rất xiết. Vì thế nên mới có cảnh giữa lòng sông, sóng dữ dội vọt lên đến tận lưng trời. Trong câu thơ dịch: Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm, các tính từ rợn, thẳm đặc tả sự hùng vĩ hiếm có của vùng sông nước nơi đây và thể hiện cảm giác choáng ngợp của con người nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Hình ảnh: Mặt đất mây đùn cửa ải xa tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa.

Nếu ở hai câu trên, cảnh sắc nhuốm màu bi thương tàn tạ thì ở đây cảnh sắc lại có phần vừa hoành tráng vừa dữ dội. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ.

Bốn câu thơ, mỗi câu tả một cảnh thu cụ thể, đặt cạnh nhau tạo thành một bức tranh mùa thu rộng lớn, hiển hiện rõ ràng cái hồn đặc trưng của mùa thu chốn núi non với đủ cả rừng phong, dãy núi, bầu trời, lòng sông, mặt đất, mây mù, cửa ải xa… Sức khơi gợi, liên tưởng của bức tranh thu ấy trong tâm hồn người đọc là vô biên, vô tận. Tuy tác giả chưa nhắc tới cảnh đời điêu linh nhưng hình như nó đã thấp thoáng ẩn hiện sau hình ảnh những cánh rừng phong xơ xác vì sương gió, hình ảnh đất trời đảo lộn trên sóng nước Trường Giang và mây xám mịt mù vùng quan ải. Đứng trước khung cảnh ấy, một nhà thơ có trái tim nhạy cảm như Đỗ Phủ làm sao lại không nhớ thương quê cũ đến cháy lòng!

Ở bốn câu thơ sau, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách. Câu năm và câu sáu có nghệ thuật đối rất Chỉnh vừa là cảnh thu mà cũng là tình thu:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà)

Đây là hai câu hay nhất trong bài thơ chữ Hán của Đỗ Phủ cũng như trong bản dịch của Nguyễn Công Trứ.

Giống như hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu, hình ảnh hoa cúc cũng đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, điều đó không có gì mới. Điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ. Câu thơ nguyên văn chữ Hán; Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ (Khóm cúc nở hoa đã hai lần, làm tuôn rơi nước mắt ngày trước). Nguyễn Công Trứ dịch thoát ý là: Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ cũng rất hay, giúp người đọc hình dung ra tâm trạng cô đơn chất chửa sầu thương của Đỗ Phủ trong những tháng năm phiêu bạt, xạ quê hương sâu nặng nghĩa tình. Hai lần nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào.

Hoa cúc là yếu tố gợi nhớ, hình ảnh con thuyền càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê trào dâng trong lòng tác giả: Cô chu nhất hệ cố viên tâm. (Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ thương nơi vườn cũ). Câu thơ dịch bỏ mất tính từ cô trong Cô chủ chứa chất đầy tâm, trạng của Đỗ Phủ nơi đất khách. Chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một ẩn dụ đầy ý nghĩa không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để chở ước vọng của nhà thơ về với quê hương trong tâm tưởng.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà).

Ở hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ.

Khí thu lạnh lẽo như nhắc nhở mọi người rằng mùa đông sắp đến, phải chuẩn bị nhanh nhanh cho việc may áo ấm. Hãy đọc lại câu thơ thứ tư: Tái thượng phong vân tiếp địa âm. (Trên cửa ải, mây sà xuống giáp mặt đất âm u). Lúc này, Loạn An Lộc Sơn đã dẹp xong nhưng đất nước chưa yên, chồng con của bao người còn trấn giữ nơi ải xa, nỗi lo còn đó. Trời tối rồi (mộ), không nhìn thấy gì nữa, nhà thơ chỉ nghe thấy tiếng chày đập vải và chạnh lòng nghĩ tới những người lính thú nơi quan ải. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang… "Ngôn tận nhi ý bất tận" (lời hết mà ý không hết). Đỗ Phủ cảm thấy Không lời lẽ nào có thể nói hết nỗi niềm Thu hứng.

Đặc điểm nghệ thuật của bài thơ là kết cấu hết sức chặt chẽ câu nào cũng bám chặt chủ đề, tức là đều thể hiện được hai yếu tố "cảm xúc" và "mùa thu", vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng. Cảnh có sương thu, rừng thu, sắc thu, khí thu, gió thu, sông thu, hoa thu, tiếng thu (tiếng Chày đập vải). Tác giả thâu tóm cả thần thái của mùa thu trong bài thơ. Đó là một chiều thu cụ thể ở vùng đất Quý Châu trong giai đoạn suy vong của triều đình phong kiến đương thời. Chiến tranh xảy ra liên miên đã đầy Đỗ Phủ phiêu bạt về tận góc trời xa thẳm. Ngày đêm, ông chi còn ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ. Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng là ước mơ của bao người dân nghèo khổ lưu vong. Bởi vậy, bài thơ tuy không miêu tả trực tiếp tình hình xã hội nhưng vẫn có ý nghĩa hiện thực sâu sắc và chan chứa tình đời.

Ở trong bài thơ, các mối quan hệ giữa xa và gần, giữa không gian và thời gian, giữa thị giác và thính giác, giữa thu hứng có sự liên kết chặt chẽ. Sự vận hành của tứ thơ rất logic: từ xa đến gần, từ không gian mà cảm nhận thời gian, từ ngoại cảnh thể hiện nội tâm. Hàm ẩn trong mỗi câu, mỗi chữ là tâm hồn đau đáu nỗi thương đời, thương người của Đỗ Phủ.

Cảm xúc mùa thu là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Thu hứng dạt dào xuất phát từ rung động mãnh liệt của trái tim nhà thơ đã được thể hiện đầy đủ qua ngọn bút thần tình. Với Đỗ Phủ, mùa thu đồng nghĩa với nỗi buồn và niềm thương nhớ không nguôi, nhất là khi ông đang phải sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn nơi xứ lạ. Cùng với một số bài thơ nổi tiếng khác như Đăng cao, Mao ốc thu phong vị sở phá ca... được lưu truyền rộng rãi qua hàng ngàn năm, Thu hứng góp phần khẳng định tài năng kiệt xuất của Đỗ Phủ. Ông xứng đáng được người đời tôn vinh lá bậc "Thi thánh" của thơ? Thịnh Đường mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 7)

Nhắc đến Trung Quốc, không ai là không biết đến nhà thơ nổi tiếng Đỗ Phủ (712-770). Ông có hàng ngàn bài thơ phong phú, sâu sắc, chủ yếu viết về sự ảnh hưởng của thời đại lên đời sống người dân và chính bản thân mình. Ông có nhiều tác phẩm kiệt tác, trong số đó có bài thơ "cảm xúc mùa thu" bài thơ thứ nhất trong chùm thơ "thu hứng" năm 766, khi ông cùng gia đình đi chạy nạn ở Quỳ Châu.

"Cảm xúc mùa thu" vừa là bức tranh thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng u sầu trĩu nặng của nhà thơ trong lúc đất nước đang rối ren, loạn lạc. Bài thơ chia làm hai phần, bốn câu thơ đầu tác giả tả cảnh mùa thu ảm đạm, hắt hiu. Bốn câu thơ sau là tả tình, chính là cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước cảnh mùa thu, nỗi nhớ quê và nỗi niềm dân nước. Hai câu thơ đầu được nhìn trong tầm bao quát rộng và xa:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Tác giả đã đặt điểm nhìn của mình từ rừng núi xuống dòng sông, bao quát theo chiều rộng. Nhắc đến phong người ta liên tưởng đến mùa thu vì mỗi đợt thu về rừng phong lại đỏ úa thể hiện sự li biệt, buồn thương. Vậy mà sương móc trắng xóa, dày đặc làm xơ xác cả rừng phong càng hiện vẻ tiêu điều, lạnh giá. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rõ nét trong mắt của nhà thơ.

Câu thơ thứ hai càng làm nổi lên sự lạnh lẽo "Vu sơn, Vu giáp" chính là hẻm Vu hiểm trở, hùng vĩ vách dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt xuống lòng sông. Vào mùa thu không khí lạnh lẽo ảm đạm trong cái nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ càng hiu hắt, ảm đạm. Qua hai câu đầu về cảnh núi rừng mùa thu, sự tiêu điều, hiu hắt, bi thương lan tỏa khắp không gian khác hoàn toàn cảnh thu trong thơ ca truyền thống. Chính sự đau buồn ấy, Đỗ Phủ viết lên những lời thơ sâu sắc:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tại thượng phong vân tiếp địa âm.

Trong hai câu thơ này có hình ảnh đối lập vô cùng thú vị, sóng vọt lên tận lưng trời, rồi mây sa sầm xuống mặt đất, từ thấp lên cao rồi từ cao xuống thấp, sự vận động trái chiều và triệt để. Cảnh thu chuyển động dữ dội tạo nên bức tranh thu vừa hùng vĩ vừa bi tráng. Sự chuyển động chao đảo của cảnh vật, cũng là sự chao đảo xã hội lúc bấy giờ.

Lời thơ là nỗi lòng thương nhớ tuyệt vọng trước thời thế lúc bấy giờ của nhà thơ. Bốn câu thơ tả cảnh cụ thể đặt cạnh nhau làm toát lên bức tranh thu rộng lớn vừa tiêu điều hiu hắt, vừa dữ dội, hùng vĩ. Chính cảnh vật ấy vừa gợi nỗi buồn tê tái, vừa ngầm thể hiện nỗi lo âu của nhà thơ về sự không yên bình nơi biên ải. Cảnh thu ở phần thứ nhất đã khơi gợi cái tình trong lòng nhà thơ. Bốn câu thơ sau nói lên nỗi nhớ quê nhà và nỗi niềm dân nước.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cố chu nhất hệ cố viên tâm.

Cúc là loài hoa của mùa thu, biểu tượng niềm vui và vẻ đẹp vậy mà nhìn nó lại nhỏ lệ , gợi một nỗi buồn sâu lắng của nhà thơ, nhìn hoa cúc nhớ về những mùa thu ở quê hương mà lòng u sầu, nghẹn ngào. Chữ " lệ" trong bài thơ rất khó phân biệt lệ của người hay của hoa, tuy nhiên có lẽ nên hiểu: mỗi lần nhìn hoa cúc nở, nhà thơ lại chạnh lòng nhớ về quê hương.

Những giọt nước mắt cũng cứ thế tuôn rơi không ngăn lại được, hình ảnh hoa cúc nở rồi lại nở vừa gợi sự trở đi trở lại của nỗi nhớ quê, vừa gợi ra những dòng lệ chứa chan ân tình của nhà thơ. "Cố chu" con thuyền cô độc, khi nhìn thấy con thuyền nỗi lòng tác giả càng dâng trào, càng nhớ quê da diết.

Hình ảnh con thuyền trôi nổi, lưu lạc , là phương tiện duy nhất nhà thơ gửi gắm ước nguyện về quê, "hệ cố viên tâm" rất đặc biệt như buộc chặt nỗi lòng con người với quê nhà như con thuyền trôi về quê hương. Bằng nghệ thuật ẩn dụ tinh xảo hai câu thơ biểu hiện nỗi nhớ quê một cách sinh động và tha thiết, sâu lắng của nhà thơ. Hai câu cuối âm thanh sinh động được lột tả:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ chân.

Cảnh nhộn nhịp may áo rét, cảnh mọi người giặt áo cũ âm thanh tiếng chày đập vải nhộn nhịp trên sông để chuẩn bị cho mùa đông tới, vẽ lên cuộc sống sinh hoạt vui tươi và nhộn nhịp, vang động, lại càng xoáy sâu vào lòng người nỗi nhớ quê nhà tê tái, khuôn nguôi, nhớ đến cuộc sống bình yên nơi quê nhà càng mong nhớ quê da diết hơn. Trời tối rồi, nhà thơ không nhìn thấy gì nữa mà chỉ nghe tiếng chày đập vải và chạnh lòng nhớ những người lính nơi quan ải.

Bằng việc sử dụng không gian dài, rộng, vừa cao, sâu, thấp lên cao và từ cao xuống thấp và những phép ẩn dụ đặc sắc, đối xứng chặt chẽ. Cách hay trong bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ cảm xúc, dùng quá khứ nói hiện tại. Bài thơ đã miêu tả bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà hiu hắt, sôi động mà nhạt nhòa trong sương khói mùa thu, đồng thời hiện diện một tâm trạng buồn, xót xa với nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.

Bài thơ "Cảm xúc mùa thu" là bài thơ rất hay và ý nghĩa. Bài thơ là nỗi lòng nhớ quê của tác giả khi phải xa quê trong lúc loạn lạc. Bài thơ như nhắc nhở chúng ta yêu quê hương mình và trân trọng nơi chúng ta đã sinh ra.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 8)

Bài thơ này vừa là bức tranh phong cảnh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của Đỗ Phủ trong cảnh loạn ly. Ông lo cho vận nước đang cơn bĩ cực và ngậm ngùi xót xa cho thân phận bất hạnh của mình nơi đất khách quê người.

Dịch nghĩa:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Đứng ở thành Quỳ Châu, nhìn ra phong cảnh bốn bề. Lúc ấy sương móc sa xuống, lá phong trong rừng đã thấy úa vàng, trên dãy núi Vu Sơn, bóng tối mịt, mù, đủ thấy khí hậu rét lắm. Ớ nẻo xa xa trong lòng sông, làn sóng cồn liền với chân trời. Trên ngọn núi, vài bóng mây lờ mờ tiếp với mặt đất. Thình lình nghĩ đến cảnh mình, tác giả sực nhớ mình đã lênh đênh đất khách đến hai năm trời, khóm cúc ở các nhà chắc đã hai lần nở hoa, sau này về trông thây chắc phải xót cảnh lưu lạc mà rỏ nước mắt.

Bây giờ tạm trú ở đây, không phải là lâu dài chắc chắn, cho nên cứ luôn nhớ đến quê hương, lòng mong mỏi cố hương của mình chẳng khác gì một chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng sông có lúc buộc lại. Nhưng cái ngày ấy biết là ngày nào? Hiện nay mùa thu sắp hết, mùa rét sắp đến, trên thành Bạch Đế mỗi lúc trời chiều, tiếng chày đập vải đã thấy rộn rịp, mau kíp như giục những ai quên việc kéo thước phải sắm áo lạnh. Đáng buồn vô cùng (Ngô Tất Tố dịch).

Dịch thơ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.
Nguyễn Công Trứ dịch

"Hứng" là nói "nổi lên" (hứng). Gái đẹp đương xuân thì ý nồng nàn, chí sì trước thu thì tình sâu xa; phàm núi sông rừng núi, gió khói, mây sương, sắc cò, hương hoa, cái mắt thấy, điều tai nghe, có gì là không cùng với tấc lòng cùng chứa chất nhau, là không chợt tự nhiên tiếp xúc mà phát sinh ra. Tiên sinh với tấm lòng trung tín gặp buổi nhiêu linh, lại đem cái thân lưu ngụ trải qua mùa thu héo rạng này, thì hứng ấy thực là hứng mất hết, lòng nguội tro, ý tiêu tan, chẳng có mảy may hứng nào, vì thế có tám bài này. Số bài mô phỏng của người sau nhiều đến thế như "mồ hôi trâu đầy cột" (hãn ngưu sung đồng); thấy tiên sinh khéo đặt đề thơ, họ cũng từng làm thử theo. Đầu đề là "thu hứng" mà thơ thì lại không có hứng. Người làm thơ trong lòng không có hứng mà lại muốn làm thu hứng, vì thế chẳng những thơ đúng thực là tha diệu mà đề cũng đúng thực là để diệu; chẳng những đề đúng thực là đề diệu mà tiên sinh cũng đúng thực là người diệu. Từ xưa đến nay, thơ gồm bao nhiêu bài thì nhiều thêm một bài không được, mà ít đi một bài cũng không được. Như thế này gồm tám bài thì bảy bài không được, mà chín bài cũng không được. Tôi nói như vậy nhiều lần rồi mà có người chưa mấy tin: xin hãy xem thơ này bài thứ nhất thuần tả "thu", bài thứ tám thuần tả "hứng" thì sẽ biết tám bài là một vậy.

(1 - 4) "Lộ" (móc) mà nói là "ngọc lộ" (móc ngọc), "thụ lâm" (rừng cây) mà nói là "phong thụ lâm" (rừng cây phong); chỉ một cõi "điêu thương* (héo hon) mà "trắng" thì tả rất mực "trắng", "đỏ" thì tả rất mực "đỏ", "thu" sở dĩ "hứng" chính là vì thế. Tiếp theo hạ chữ "Vu Sơn", "Vu Giáp", liền thấy cái khí "tiêu sùm" (mịt mờ), thảy đều lạnh lùng, vắng lặng, mà hai câu "ba lãng", "phong ván" thì thừa tiếp ngay "Vu Sơn, Vu Giáp". Còn như nói "móc ngọc" tả tơi, "rừng phong" soi lá, thì tả cảnh ấy tuy khiến cho người chí sĩ thêm nỗi bi ai, cũng là nơi mà kẻ u nhân gửi niềm hoài bão. Sao lại ở hoài chốn Vu Sơn, Vu Giáp mà ngước mắt nhìn sông, chỉ thấy sóng vọt ngất trời, mà đăm đăm trông lên ải, chỉ thấy gió mây mịt mờ liền đất?

Thực đáng đau đớn bi thương! Khiến cho người ta lòng hết khí tuyệt. Một giải xâu suốt cả tám bài, nối thẳng câu cuối "giai nhân thập thúy" (người đẹp nhặt lóng chim thúy), rồi than "bạch đầu ngâm vọng khổ đê thùy" (đầu trắng ngâm trong khổ cúi buồn).

(5 - 8) Kẻ không biết thì bảo "lưỡng khai" (nở hai lần) ấy là "tùng cúc" (khóm cúc), đâu biết rằng "lưỡng khai" ấy đều là "tha nhật lệ" (nước mắt ngày sau)! Kẻ không biết thì bảo "cô chu" (con thuyền lẻ loi) hà tất phải "nhất hệ" ấy chỉ là "cố viên tâm" (lòng nhớ vườn xưa)! Trên chữ "lệ" đặt chữ "tha nhật": tuyệt diệu! Chỉ có chính mình ở vào hoàn cảnh đó thì mới biết được. Câu 7 nói "xứ xứ" (nơi nơi) chính là tiên sinh "buộc lòng" (hệ tâm) vào một nơi (nhất xứ); Bạch Đế thành ở phía đông Quý Phủ: đây là nói gần để chỉ xa vậy. Trong bụng nghĩ đến "dao thước" (dao xích) trong nhà, mà trong tai chỉ nghe thấy tiếng châm thành Bạch Đế; khách xa nhà vì thế mà rất mực thê lương. Dưới "châm" mà hạ chữ "thành cao" liền thấy được là tai xa nghe, mắt xa trông nỗi khổ của khách xa nhà vì đó mà rất mực thê lương. Các câu 3, 4 thừa các câu 1, 2; các câu 5, 6 chuyển đến các câu 7, 8: cứ xem như thế thì biết lời tôi "phân giải" không lầm đâu.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 9)

Đỗ Phủ được mệnh danh là Thi Thánh, một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, có giá trị, khoảng 1500 bài thơ. Cảm xúc mùa thu được trích từ chùm thơ “Thu hứng” gồm có tám bài. Cảm xúc mùa thu được đánh giá là bài thơ hay nhất, có nội dung bao quát bảy bài thơ còn lại. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ quê hương tha thiết, khắc khoải của tác giả.

Tác phẩm được sáng tác năm 766 trong thời điểm Trung Quốc đã chấm dứt loạn An Lộc Sơn. Loạn An Lộc Sơn đã gây ra hậu quả khủng khiếp. Triều đại nhà Đường rơi vào suy thoái. Cả nội chiến và ngoại xâm đều có nguy cơ bùng nổ. Tình cảnh của nhân dân vô cùng khốn khổ, bản thân Đỗ Phủ cũng phải trải nghiệm sự khốn khổ, điêu linh đó. Khi ấy Đỗ Phủ đến vùng đất Tứ Xuyên, được sự giúp đỡ của một người bạn thân làm quan nhưng sau khi bạn thân mất, ông mất chỗ dựa. Đưa gia đình về nhưng đói khổ nên bị mắc lại ở Quỳ Châu hai năm trong tình cảnh nghèo túng, bệnh tật, bế tắc. Trong những năm này ông sáng tác nhiều, giọng thơ bi thiết, buồn thảm.

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.

Câu thơ đầu đã cho độc giả thấy ba hình ảnh đặc trưng nhất của mùa thu là: rừng phong, hạt móc, nghìn thu, ba hình ảnh này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau gợi cảm giác lạnh lẽo, thê lương. Sương móc vốn là loại sương đặc trưng của mùa thu Trung Quốc, loại sương gợi nên sự giá buốt, lạnh lẽo. Nhưng trong câu thơ dịch không truyền tải được tinh thần của nguyên tác: Sương móc rơi lác đác – lác đác là tính từ cho thấy sự thưa thớt của những hạt sương rơi. Tạo nên cảnh tượng mờ ảo, quyến rũ. Nguyên tác phải là Sương móc trắng xóa dày đặc, giăng mắc, bao phủ khắp không gian, cảnh vật. Màu trắng không gợi ra sự tinh khôi, thanh khiết mà gợi ra sự ảm đạm và hiu hắt, lạnh lẽo. Kết hợp với làn sương trắng xóa, hiu hắt là hình ảnh rừng phong, vốn rừng phong vào mùa thu có màu đỏ, gợi nên sự ấm nóng, rực rỡ. Nhưng với làn sương trắng xóa dày đặc, đã khiến cả rừng thu trở nên xơ xác, tiêu điều. Sang đến câu thơ thứ hai, khắc họa rõ nét hơn sự ảm đạm, hiu hắt của khung cảnh thiên nhiên. Vu sơn, Vu giáp là những dãy núi chạy dài, không có một khoảng trống. Vùng núi cao ấy không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời nên rất tăm tối, ảm đạm. Kết hợp với làn sương dày đặc càng khiến không gian thêm ảm đạm, hiu hắt hơn. Ba hình hình kết hợp lại với nhau mang đến cho người đọc sự cảm nhận về bức tranh cảnh thu nơi đất khách: lạnh lẽo, tiêu điều, hiu hắt tăm tối.

Nếu ở hai câu đề, tác giả bao quát cảnh thu theo chiều rộng thì ở hai câu thực, tác giả bao quát cảnh thu theo chiều cao: Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng/ Tái thương phong vân tiếp địa âm. Câu thơ được tác giả sử dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật đối và phóng đại: Sóng vọt lên tận lưng trời; Mây sà xuống giáp mặt đất. Hai sự vật thiên nhiên vận động trái chiều: vọt lên, sà xuống, các động từ đã nhấn mạnh hơn nữa vào sự vận động ngược chiều đó. Hai sự vật vận động ngược chiều, ép sát vào nhau, khiến không gian bị ken đặc lại, bị lấp kín bới cái mờ ảo, hoang vu của sông và mây. Bức tranh thu hiện lên hùng vĩ nhưng âm u, dữ dội, đầy ngột ngạt.

Bốn câu đầu mở ra không gian nhìn từ xa: rừng phong, sông núi, cửa ải,… bốn câu sau mạch thơ có sự vận động về gần, trước mắt tác giả là hình ảnh:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Với ý tứ sâu xa, bản dịch thơ đã không truyền tải được hết ý nghĩa của nguyên tác. Câu thơ thứ năm mang đến nhiều cách hiểu, khi chủ thể của hoạt động nước mắt tuôn rơi đều bị ẩn đi. Câu thơ có thể hiểu nước mắt tuôn rơi là của khóm cúc vì những cánh hoa nở ra đều mang hình giọt lệ, khóm cúc nở hoa cũng là khóm cúc đang tuôn rơi những giọt lệ. Nhưng cũng có thể hiểu chủ thể của nước mắt là thi nhân. Cứ mỗi lần nhìn khóm cúc nở hoa là một lần nhận ra thời gian chảy trôi, mà mình thì bị buộc ở đây mãi, càng chạnh lòng, lại thức dậy nỗi nhớ quê trong bất lực. Dù hiểu theo cách nào câu thơ chất chứa nỗi buồn đau của tác giả mỗi khi hoa cúc nở. Khóm cúc nở hoa đã hai lần nhấn mạnh vào con số, hai năm – khoảng thời gian gia đình tác giả lưu lạc và mắc lại ở mảnh đất Quỳ Châu. “Lưỡng khai” còn là con số ước lệ – số nhiều – gợi ra nỗi đau triền miên và dai dẳng. Không chỉ năm nay hoa cúc nở mới làm thức dậy nỗi đau mà nỗi đau ấy từ năm ngoái, cho thấy nỗi đau triền miên, dai dẳng, thường trực từ rất lâu. Nỗi đau trong bế tắc – nỗi đau thời thế, nỗi nhớ quê hương mà không thể nào có thể trở về quê hương.

Cảnh ngộ lẻ loi của tác giả thể hiện rõ ràng hơn trong hình ảnh “cô chu” – hình ảnh con thuyền cô đơn, lẻ loi. Đồng thời gợi ra cảnh ngộ cô đơn, lẻ loi, trôi nổi nơi đất khách của tác giả. Câu thơ trước hết là hình ảnh thực: con thuyền chở gia đình nhà thơ về quê đã bị mắc lại ở Quỳ Châu. Đằng sau nghĩa thực là một hàm ý: gửi gắm nỗi nhớ quê buộc chặt trên con thuyền lẻ loi nơi đất khách. Chữ “buộc” trở thành nhãn tự của câu thơ, vừa là sợi dây buộc con thuyền, vừa là sợi dây thắt lòng người.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Trong nỗi nhớ quê hương da diết ấy, cảnh rộn ràng tiếng dao thước may áo rét, tiếng chày đập áo dồn dập càng cho thấy rõ hơn nỗi niềm của kẻ xa quê phải tha hương nơi đất khách quê người. Nhưng bên cạnh đó hình ảnh ấy còn cho thấy nỗi lo lắng vì đất nước vẫn chưa được yên bình.

Với ngôn từ hàm súc, cô đọng, bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, Đỗ Phủ đã tái hiện bức tranh thu xơ xác, tiêu điều, lạnh lẽo. Đằng sau bức tranh ấy còn gửi gắm tâm trạng bài thơ: nỗi lo cho đất nước, nỗi nhớ quê hương và nỗi xót xa cho thân phận của chính mình.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 10)

Tác giả Đỗ Phủ (712 -770) là nhà thơ lớn, không chỉ của đời Đường, mà cả của lịch sử thơ ca Trung Quốc. Đỗ Phủ làm thơ từ lúc 7 tuổi, lúc nhà Đường còn phồn vinh, nhưng tài năng của ông nở rộ vào giai đoạn sau sự biến An Lộc Sơn – Sử Tư Minh (755 -763), lúc đất nước Trung Quốc chìm ngập liên miên trong cảnh loạn li. Và khi ấy Đỗ Phủ cùng gia đình cũng phải chạy loạn nhiều nơi.

Phản ánh hiện thực và bày tỏ thái độ, tâm trạng trước hiện thực khốn khổ của nhân dân, của nạn chiến tranh, nạn đói là nội dung cơ bản của thơ ca Đỗ Phủ. Ông đặc biệt thành công ở mảng thơ biểu hiện tâm trạng khác nhau khi sống trong cảnh tha phương cầu thực vì loạn li – trong đó nổi tiếng nhất là chùm thơ “Thu hứng” gồm tám bài thất ngôn bát cú Đường luật.

Tác phẩm Cảm xúc mùa thu (Thu hứng 1) là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Là một bài thơ tả cảnh và tả tình, bài thơ có kết cấu khá quen thuộc: bốn câu đầu thiên về tả cảnh, bốn câu sau thiên về tả tình. Phong cảnh mùa thu mang những nét đặc trưng của thiên nhiên Trung Quốc.

Cảnh vật được nhìn qua tâm trạng của một người đang phải tha phương cầu thực, nhớ quê hương nhưng không thể trở về nên hiu hắt và rất buồn. Bức tranh phong cảnh có đủ màu sắc, hình khối, đường nét và âm thanh, tất cả tạo nên sức gợi cho bài thơ. Đây là một bài thơ điển hình cho thể thơ luật Đường và cho phong cách thơ trữ tình hiện thực Đỗ Phủ.

Đỗ Phủ và Lí Bạch là hai đỉnh cao chói lọi của thơ Đường, tạo nên hai khuynh hướng trong Đường thi. Lí Bạch mang phong cách lãng mạn, một người lãng mạn cuồng phóng ; Đỗ Phủ mang phong cách hiện thực, một hiện thực sâu sắc. Cuộc đời của Đỗ Phủ gắn liền với điều kiện xã hội đầy biến động của đất nước Trung Hoa thời loạn An Lộc Sơn -Sử Tư Minh. Chứng kiến cảnh đất nước loạn li và là nạn nhân của xã hội thời loạn nên văn thơ của “Thi thánh” Đỗ Phủ chứa đựng chất liệu hiện thực rất phong phú.

Thơ ông được coi là “thi sử” với nghệ thuật điêu luyện và khả năng truyền tải nội dung tư tưởng thời đại rất diệu kì. Xuất thân trong gia đình Nho học, mấy đời làm quan, ông nội là nhà thơ Đỗ Thẩm Ngôn nổi tiếng thời Sơ Thịnh Đường, Đỗ Phủ mang trong mình lí tưởng của người quân tử, muốn tiến thân bằng con đường khoa cử, cứu nước giúp đời. Nhưng triều đình phong kiến thối nát, vua tôi ăn chơi sa đoạ thời ấy đã làm lí tưởng của ông đổ vỡ.

Ông bị đẩy xuống tận đáy xã hội và phải chết đói trên con thuyền lẻ loi nơi đất khách quê người. Qua thơ Đỗ Phủ, xã hội đời Đường ở hai giai đoạn trước và sau loạn An Lộc Sơn hiện lên rất đậm nét. Mang tâm trạng đau đời của một con người có trách nhiệm với dân tộc, với đất nước nên thơ ca Đỗ Phủ là những vần thơ thấm nỗi buồn và đẫm nước mắt.

Chùm thơ “Thu hứng” thể hiện rất rõ nỗi đau đời ấy của thi nhân. “Thu hứng” được sáng tác năm 766, bốn năm trước khi nhà thơ qua đời. Đây là giai đoạn nhà thơ đang cùng gia đình chạy loạn trong cảnh đói rét và bần hàn, cũng là thời kì chín muồi tài năng của ông. Một bài thất ngôn bát cú Đường thi thường có cấu trúc bốn phần là đề, thực, luận, kết và có những quy tắc riêng cho nội dung từng phần.

Thế nhưng cấu trúc ấy cũng có thể chia làm hai phần hần vịnh cảnh và phần tả tình – nhất là đối với những bài trữ tình phong cảnh. Nội dung của bài Thu hứng cũng có thể phân chia theo kiểu cấu trúc thứ hai. Bốn câu đầu tả cảnh, bốn câu sau bày tỏ tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Tất nhiên cách phân chia này chỉ có ý nghĩa tương đối bởi trong thơ ca nói chung và trong thơ Đường nói riêng, tình và cảnh không thể tách rời, cảnh bao giờ cũng chứa tình và tình thì khó có thể bày tỏ nếu thiếu cảnh. Trong Thu hứng, cảnh và tình hoà quyện tạo nên khả năng biểu đạt tâm trạng cho bài thơ. Thơ Đường thường có những quy định rất chặt chẽ về niêm luật, về thi liệu, về đề tài. Hình ảnh và ngôn từ trong thơ Đường, vì vậy, thường không phong phú.

Các nhà thơ thường có thói quen sử dụng một số hình ảnh và ngôn từ mang tính quy ước nhất định. Nhưng chính những yêu cầu ngặt nghèo về thi pháp ấy lại kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ của các nhà thơ cổ điển. Với những hình ảnh và vốn từ ngữ không nhiều ấy họ đã tinh luyện ngôn từ tạo cho ngôn ngữ thơ khả năng cô đọng, hàm súc ở mức tối đa. Cảnh mùa thu là đề tài quá quen thuộc của mọi loại hình nghệ thuật. Thiên nhiên mùa thu dường như đã mang sẵn trong nó phẩm chất tượng trưng nghệ thuật.

Mọi loại hình nghệ thuật đều đã có những kiệt tác về đề tài mùa thu. Và trong văn học, nghệ thuật của ngôn từ, thì đề tài mùa thu đã có rất nhiều kiệt tác. Trong thơ ca phương Đông, cảnh mùa thu xuất hiện rất thường xuyên. Vì vậy, xét về đề tài, về hình ảnh thơ thì Thu hứng của Đỗ Phủ không có gì mới lạ. Cái mới lạ thể hiện sự sáng tạo của nhà thơ và cũng là thành công của bài thơ chính là ở nghệ thuật miêu tả, sử dụng sáng tạo niêm luật thơ và nhất là hình tượng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Bốn câu thơ đầu tả cảnh mùa thu với những hình ảnh rất quen thuộc, đó là rừng phong, là khí trời u ám, mặt nước mờ sương:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang
gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Bốn câu thơ tả cảnh thu vừa có chất nhạc vừa có chất hoạ. Đủ cả sắc màu, đường nét và âm thanh. Nhưng sắc màu không sáng, thanh âm không vui. Đường nét, hình ảnh của bức tranh thì rất hùng vĩ, mở ra một khung cảnh thiên nhiên với đủ núi rừng, sông nước, bầu trời và cửa ải. Một không gian rộng nhưng có giới hạn chứ không vô tận. Đó là một không gian u ám của một buổi sáng mùa thu không có ánh bình minh.

Không khí u ám được gợi lên ở những từ ngữ “điêu thương”, “khí tiêu sâm”, “tiếp địa âm”. Nó gợi cảm giác u ám và lạnh lẽo. Nhạc tính được thể hiện ở nghệ thuật bố trí thanh bằng trắc và cách gieo vần. Bốn câu thơ này có tới ba câu gieo vần bằng, đồng thời lại sử dụng rất nhiều thanh bằng (17/28 thanh bằng), tạo nên cảm giác mênh mang của tâm trạng trữ tình.

Xét về nội dung, đây là bốn câu thơ tả thực cảnh mùa thu với những nét thu rất đặc trưng của thiên nhiên Trung Quốc. Tính chất cổ điển của Đường thi thể hiện ở bốn câu thơ này. Có thể hình dung một người hoạ sĩ đứng ngắm mùa thu và cất bút vẽ, bắt đầu nhìn từ cảnh gần, từ rừng phong rồi đến dòng sông, xa hơn nữa là dãy núi và cuối cùng tầm nhìn bị cản trở bởi cửa ải xa đầy sương mù.

Cảnh thực mùa thu Trung Quốc thường buồn lạnh như vậy, nhưng cái khí u ám của bức tranh sơn thuỷ hùng vĩ này còn được tạo nên bởi tâm tư người dựng cảnh. Chủ thể sáng tạo bức tranh chắc phải mang tâm trạng rất u sầu thì mới thể hiện thần thái u buồn ấy của bức tranh. Cảnh và tình có sự giao hoà tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy tâm sự. Không gian nghệ thuật bài thơ có đủ chiều cao, chiều rộng nhưng không thoáng mà rất nặng nề.

Bởi không gian và cảnh sắc mùa thu ấy được nhìn dưới con mắt của một con người đang phải sống tha hương trong cảnh khốn khó, phải chứng kiến dân tộc đang trong cảnh loạn li. Hướng về quê hương trong nỗi nhớ da diết nhưng không thể trở về được càng làm cho tâm trạng thêm u sầu. Ánh mắt hướng về nơi quê nhà ấy bị cản trở bởi cửa ải mây mù. Tâm trạng đau buồn của người tha hương thời loạn được bộc lộ trực tiếp hơn ở phần hai, phần tả tình của bài thơ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

Bốn câu thơ nói đến cảnh ngộ và tâm trạng của chủ thể trữ tình. Hai phần của bài thơ có vẻ như độc lập về nội dung. Mạch cảm xúc có sự chuyển hướng đột ngột, nhưng thực ra đây là bước phát triển tất yếu của tâm trạng thơ. Cảnh buổi sáng mùa thu u ám gợi liên tưởng đến thực tại và những ngày kế tiếp của cảnh chạy loạn. Chẳng có gì sáng sủa hơn cho những ngày sắp tới. Nỗi nhớ quê hương trỗi dậy trong lòng người lữ thứ khi thu sắp tàn và đông sắp tới. Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ được tập trung ở câu “Cô chu nhất hệ cố viên tâm”.

“Cô chu” là con thuyền đơn độc trên sông. Đây là hình ảnh thơ vừa có ý nghĩa tả thực, vừa là một biểu tượng nghệ thuật. Khi chạy loạn, cả gia đình Đỗ Phủ đã phải sống trên một con thuyền thả trôi trên sông Trường Giang. Loạn lạc nên họ không thể trở về quê hương được. Tấm lòng thương nhớ quê nhà đành buộc chặt nơi con thuyền nhỏ ấy. Hình ảnh con thuyền còn mang một ý nghĩa khái quát, nó đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật của văn học, dùng để chỉ thân phận lênh đênh của con người.

Lí Bạch từng dùng hình ảnh “cô phàm” để thể hiện tâm sự cô đơn, đồng thời thể hiện cảnh ngộ cô đơn và đầy bất trắc của Mạnh Hạo Nhiên khi ông bước chân vào chốn quan trường. Còn ở đây, “cô chu” thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng của nhà thơ bất hạnh Đỗ Phủ. Năm 765, Đỗ Phủ cùng gia đình rời Thành Đô đến Vân An rồi Quỳ Châu. Vậy là trên thực tế, nhà thơ đã rời Thành Đô hai năm. Hai năm là hai mùa hoa cúc nở, hai mùa thu xa quê hương.

Người ta xa quê đi tha phương bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn với chủ thể trữ tình ở bài thơ này thì lí do xa quê là chạy loạn. Đó là lí do khắc nghiệt và đau thương nhất. Loạn li gây nên bao nỗi thương tâm nên nhìn hoa cúc nở mà lòng đau tưởng hoa cúc cũng rơi lệ.

Nguyễn Công Trứ dịch câu thơ này là: “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ”. Câu thơ dịch không làm rõ được nghĩa của nguyên tác. Theo phần dịch nghĩa, có thể hiểu, người xa quê đã hai năm, nhưng dòng nước mắt nhớ quê không phải chỉ rơi hai năm mà đã từng rơi trước đó nữa. Đó không chỉ là dòng nước mắt của người chạy loạn mà còn là dòng nước mắt của nỗi đau đời. Nỗi đau được khúc xạ qua một tâm hồn nhạy cảm. Bao nỗi đau chất chứa trong lòng.

Tâm trạng “cố viên tâm” còn tiếp tục được bày tỏ trong bảy bài thơ còn lại của chùm Thu hứng. Bài Thu hứng có tính chất như là “cương lĩnh sáng tác” của cả chùm thơ. Nỗi nhớ quê càng da diết hơn khi người xa quê muốn trở về mà không được. Hai câu luận của bài thơ cùng phát triển một ý thơ, là điểm sáng thẩm mĩ và cũng là tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Vì nỗi nhớ quê hương, nhớ cuộc sống thanh bình nơi quê nhà xưa kia mà tâm trạng u uất, vì thế mà cảnh mùa thu vốn đã buồn lại càng nhuốm màu li biệt.

Một con thuyền lẻ loi cô độc trên dòng Trường Giang dậy sóng là nơi trú ngụ của kẻ tha phương. Hướng về phía quê hương nhưng phía trước là cửa ải mịt mù, là dòng sông cuộn sóng, là loạn lạc binh đao. Một con thuyền nhỏ nhoi không đủ sức để vượt qua những cản trở đó mà trở về quê hương. Nỗi nhớ nhân lên nhiều hơn khi nghe tiếng chày đập áo, âm thanh quen thuộc và ấm áp của cuộc sống thường nhật:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Những ngày cuối đời sống ở Quỳ Châu, Đỗ Phủ phải sống trong một hoàn cảnh cực kì khó khăn. Đói rét hành hạ tấm thân, nỗi nhớ, nỗi đau, niềm u uất dày vò trong lòng. Lang thang nay đây mai đó trên con thuyền nhỏ rách nát lại càng thèm muốn một ngôi nhà ấm áp. Cuối thu người ta bắt đầu chuẩn bị áo ấm cho một mùa đông dài giá buốt. Tiếng chày đập áo, ngày thường thật giản dị, chẳng mấy ai để ý.

Nhưng trong cảnh ngộ của nhân vật trữ tình lúc này nó có tác động rất lớn. Nó là biểu tượng cho một cuộc sống yên bình, điều mà nhà thơ đang khao khát.Sự đối lập giữa cảnh thu hiu hắt lạnh lẽo với tiếng chày đập áo trên thành Bạch Đế gợi nên sự đối lập của hai cuộc sống. Một tha phương đói rét, một ấm áp bình yên càng làm tăng nỗi nhớ quê hương của người lữ khách.

Tiếng chày đập áo có sức gợi cảm rất lớn, nhất là trong mạch tâm trạng này của nhân vật trữ tình. Tiếng chày đập áo trong bóng chiều tà thật buồn, nó càng làm rõ thêm cảnh ngộ bi thương của người xa quê, nó đã tạo nên dư âm vang vọng cho bài thơ.

Bài thơ không chỉ là tâm trạng của một Đỗ Phủ trong cảnh ngộ cụ thể. Bài thơ là tâm trạng của nhiều người, của nhiều thời đại khi họ phải sống trong cảnh biệt li, nhất là biệt li trong loạn lạc. Cảnh và tình đã có sự kết hợp rất chặt chẽ tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng của bài thơ.

Qua tâm trạng của nhân vật trữ tình, bài thơ đã tố cáo mạnh mẽ những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nguyên nhân cơ bản đẩy con người đến những cảnh ngộ thương tâm. “Thu hứng”vừa là nỗi u sầu của người nhớ quê, vừa là niềm khao khát một cuộc sống yên bình của mỗi người dân. Ai đã từng sống trong chiến tranh, từng chịu cảnh loạn li ắt hẳn sẽ có sự đồng cảm sâu sắc với tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này.

Phần lớn thơ của Đỗ Phủ là thơ luật. “Thu hứng” cũng nằm trong số đó. Về cấu tứ và hình ảnh quả thực không có gì quá xa lạ. Đó đều là những thi liệu vẫn được các nhà thơ đời Đường ưa thích sử dụng. Nhưng với tài năng tinh luyện ngôn ngữ, sử dụng thanh bằng, trắc và tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước, nhà thơ đã sáng tạo nên một thi phẩm giàu xúc cảm, vừa gợi cảm vừa giàu giá trị nhân văn.

Bài thơ là một bức tranh tâm cảnh được bắt đầu từ cảnh để biểu lộ tình. Nó mang vẻ đẹp cổ điển về ngôn ngữ thi liệu, cấu tứ và nồng nàn hơi thở thời đại. Bài thơ Thu hứng 1 là bài thứ nhất -có tính chất cương lĩnh trong chùm thơ Thu hứng gồm tám bài thất ngôn bát cú Đường luật của Đỗ Phủ, khi nhà thơ ở Quỳ Châu, lòng hướng về “vườn cũ” (cố viên). Đọc thêm Thu hứng 4 để thấy vẫn mạch cảm xúc ấy, nhưng cụ thể, mãnh liệt hơn, hồi cố những cảnh thăng bình của thủ đô Trường An những ngày còn thịnh trị.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 11)

Cảm xúc mùa thu là sáng tác tiêu biểu trong chùm thơ mùa thu của Đỗ Phủ – thi sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đời nhà Đường. Mùa thu vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Dù vậy, với Đỗ Phủ, mùa thu vẫn mang nét riêng độc đáo bởi cảm xúc và tài năng.

Bốn câu thơ đầu, tác giả miêu tả mùa thu trong bối cảnh không bình thường:

“Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm”.

Dịch thơ:

“Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt khí thu lòa,
Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.

Với thi ca cổ, rừng phong lá đỏ từng là biểu tượng đẹp đẽ, hoành tráng của mùa thu. Ở đây thì không có gam màu ấy, chỉ có rừng phong ngập chìm trong sương thu. Hai chữ “điêu thương” đối nghịch với mùa thu lãng mạn. “Ngọc lộ” (sương móc) không phải tạo nên cái đẹp mà là nỗi “điêu thương” (tiêu điều) bao trùm lên rừng cây phong.

Những câu thơ sau đó đã củng cố thêm cái dự cảm không yên ổn. Những địa danh như núi Vu, kẽm Vu từng nổi tiếng vì sự hiểm trở được miêu tả rất sinh động. Hơi thu hiu hắt, có khí mù mịt, có sống nhảy tận trời, có mây gió tựa cõi âm. Không gian đầy bất trắc là hiện thực nơi cửa ải, vốn đã sẵn nỗi buồn cho người xa xứ.

Nửa sau của bài thơ đã mang theo những tâm sự của thi sĩ:

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm”.

Dịch thơ:

“Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà”

(Nguyễn Công Trứ dịch)

Nỗi buồn li biệt đã khiến hoa cúc hơn một lần rơi lệ. Những khóm cúc qua mùa thu những tưởng thêm hương thêm sắc, hóa ra chỉ thêm giọt lệ. Lệ của hoa và nước mắt của người. Và tấc lòng hướng về nơi quê cũ vườn xưa thanh bình như một mối dây ràng buộc, như neo lại con thuyền cô quạnh, con thuyền định mệnh từng lênh đênh theo nhà thơ, kể cả lúc trở về với cõi vĩnh hằng. Chủ đề của bài thơ, tâm sự của tác giả được gửi gắm nhiều trong hai câu thơ vào hàng tuyệt tác của bài này nói riêng cũng như của thơ Đường nói chung:

“Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà”…

Hai câu thơ là một tiểu đối hoàn chỉnh về âm, về ý, lại như những giọt nước mắt cô đọng sâu thẳm cảm xúc.

Đến hai câu thơ cuối, tác giả trở về với hiện thức mắt thấy tai nghe nhưng cũng rất gợi cảm:

“Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà”.

Ở đây, câu chuyện chuẩn bị áo rét cho mùa đông sắp đến cũng rất xúc động. Cái lạnh lùng của thời tiết khiến nơi lo may cắt, giặt giũ, chuẩn bị áo ấm. Trong thơ cổ Trung Quốc, tiếng chày đập lụa giặt áo có sức gợi rất lớn. Nó là tập quán, là biểu tượng. Bạch Cư Dị từng có bài thơ “Nghe tiếng chày đêm”. Tiếng chày có bâng khuâng về nỗi nhớ ấm lạnh, về sự từ giã lúc chuyển mùa, về tình cảm đôi lứa…

Ở hai câu thơ này, những từ như “xứ xứ”, “cấp” cùng các từ “thôi xích”, “Bạch đế thành” còn gợi về khung cảnh binh đao, về thời buổi loạn lạc, nội chiến mà nơi nơi đang phải gánh chịu.

Thơ Đỗ Phủ rất có linh hồn nên không gò theo luật lệ Đường thi với bố cục: đề – thực – luận – kết. Hai phần rõ rệt của bài: bốn câu đầu có nhiều yếu tố ngoại cảnh, bốn câu sau nhiều tâm sự. Bài Cảm xúc mùa thu gắn liền với thẩm mĩ thơ ca cổ, nhưng cũng rất mới mẻ. Do gắn liền với cảnh đời thực nên sức tả, sức gợi cũng rất lớn. Chính chất hiện thực đã làm nên sức sống mạnh mẽ cho bài thơ này.

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 12)

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng đúc rút ra quy luật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thật vậy, dù cảnh có tráng lệ đến nhường nào, nhưng cũng vì tâm trạng con người mà nao núng theo. Đỗ Phủ khi xưa, vì mang trong mình nỗi nước nhà mà khiến cho mùa thu sầu như đổ lệ, để rồi nỗi lòng thi nhân khắc lên thành ánh thơ “Thu hứng”. Đó thật sự là một tuyệt tác của đời thơ Đỗ Phủ

Kể tên mười nhà thơ Đường xuất sắc nhất, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua Đỗ Phủ, người từng được mệnh danh là “thánh thơ”. Cuộc đời ông gắn nhiều với những đau khổ bất hạnh, lúc nhỏ thì đói nghèo bệnh tật, khi trưởng thành lại vướng vào cảnh chiến tranh. Chưa bao giờ ông thôi làm thơ, ông gửi trọn lòng mình vào câu chữ. Khi sáng tác bài thơ “Thu hứng”, thi nhân đã trải qua mười một năm lưu lạc nơi xứ người sau loạn An Lộc Sơn.

Ông sống cuộc đời lưu lạc ấy ở vùng Quý Châu, Tứ Xuyên, nơi mà núi non thi nhau hiểm trở, trùng trùng điệp điệp. Trước nơi đây, một hồn thơ Đỗ Phủ lại hướng về quê cũ, trĩu nặng suy tư. Và cũng từ đó, thi nhân mượn mùa thu để kí thác lòng mình. Như bao bài thơ Đường khác, “Thu hứng” cũng được chia làm bốn phần đề thực luận kết.

Bốn câu đầu, tác giả vẽ nên bức tranh mùa thu nơi vùng Quý Châu, có núi, có mây, có trời. Bốn câu sau là nỗi niềm của thi nhân khi đứng trước mùa thu, nhưng thực chất là đứng trước lòng mình mà nghĩ về phận lưu lạc. Mỗi phần đều có những đặc sắc về nghệ thuật và nội dung mà chúng ta còn phải khâm phục đến ngày hôm nay. Đứng trước cảnh Quý Châu núi rừng bạt ngàn, tự nhiên lòng thi nhân cũng treo vào rừng vào núi:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
(Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt khí thu loà.)

“Thi trung hữu hoạ”, đối với trong thơ Đỗ Phủ quả không sai. Ta như nhìn được nét tay thi nhân chấm điểm từng nét của cảnh vật. Mùa thu về trên rừng phong, trên sương móc và núi non. Rừng phong có lẽ đã trở thành cổ điển cho mùa thu, khi lá phong chuyển màu đỏ cũng là lúc thu về. Nhưng cái nhìn tinh tế của Đỗ Phủ ở chỗ, ông nhìn được sương móc trên những cành phong rụng dần lá ấy.

Lá phong mang màu đỏ sẫm li biệt, lại rụng dần theo ngày tháng, ắt hẳn là nói đến buồn đau, chia li. Nỗi buồn ấy dường như trở thành muôn thuở trong cảm xúc của mùa thu. Và giọt sương thêm vào cũng làm không khí trở nên u ám tiêu điều hơn. Cảnh thu được nhìn từ trên cao mà bao quát, nhưng dường như càng trên cao lại càng thấy xa lạ cô đơn.

Ở câu thơ thứ hai, điểm nhìn vẫn treo chênh vênh trên đỉnh núi ấy. Ba chữ “khí tiêu sâm” vang lên làm mọi thứ cũng trở nên tối tăm mù mịt. Bản dịch dùng hai chữ “hiu hắt”, có lẽ vẫn chưa làm bật lên được sự u ám đến lạnh người ấy. Không gian đó trùm lên khắp Vu sơn, Vu giáp, làm núi Vu, hẻm Vu lại càng hiểm trở.

Cả không gian núi non của vùng đất Ba Thục xưa hiện ra trước mắt tầng tầng lớp lớp. Mây mù che phủ cả núi cả rừng, là mây mù tự nhiên hay lòng thi nhân sầu mà tự khắc sinh mây? Nhà thơ đã nhuốm cả ngòi bút bằng tâm trạng u sầu của mình mà vẽ nên cảnh vật. Hai câu thực tiếp theo, ta vẫn thấy cảnh vật nhuốm màu tâm trạng bi thương của tác giả. Núi non khép lại lại mở ra sông nước bạt ngàn:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
(Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)

Thi nhân giờ đây không còn phải ngước mắt lên mà thu trọn cảnh vật vào nữa. Hơi thu toả vào tình sông nước, bi thương mà hùng tráng đến nao lòng. Các tính từ “rợn, thẳm” gợi tả được cái hồn của cảnh vật và cả hồn người. Vì thác ghềnh, sông hẹp nên sóng từ giữa sông cứ thế vọt lên như một cảnh dị thường trong đời. Lòng sông hay lòng người mà sâu thẳm đến vậy? Liệu đây có phải cảm giác rợn ngợp của tác giả khi đứng trước cả sóng nước lòng sông bao la? Con người dường như quá nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.

Đến câu thơ thứ ba, mây mù lại lan toả khắp chốn: “Tái thượng phong vân tiếp địa âm”. Lúc trước là sóng chạm trời, bây giờ lại là mây tiếp đất, cảnh vật chỉ có thể gọi bằng hai chữ “hùng tráng”. Mây đùn mây dày đặc như tiếp đất, vừa tả thực lại vừa lột tả tâm trạng. Vùng mây ấy che đi cả cửa ải, che lối về chốn cũ của thi nhân. Lòng người giờ đây cũng giăng mắc trong mây, cũng mập mờ khi nhìn về cố hương.

Bốn câu thơ đầu đã lột tả được hồn của cảnh vật. Khí thu nơi đây có cái hùng vĩ tráng lệ của thiên nhiên núi rừng, nhưng lại đơn độc, lẻ loi và mang màu u ám. Cả bức tranh của vùng Quý Châu cứ ẩn hiện trong tâm trí người đọc. Tác giả chỉ điểm chứ không tả, nên sức khơi gợi càng lớn hơn bao giờ hết. Đứng trước một cảnh trời thu như vậy, lòng tác giả liệu có thể an yên?

Trong thơ cổ, thiên nhiên và con người vốn là thể hợp nhất. Cảnh núi non Quý Châu buồn như vậy, tâm trạng của người ngắm cảnh liệu có thể vui? Như một quy luật tất yêu, bốn câu thơ sau đã vén mở bức tranh tâm trạng thầm kín của thi nhân:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)

Đây có lẽ là hai câu thơ hay nhất trong cả áng thơ cảm hứng mùa thu. Câu thơ vừa có cảnh, lại vừa sinh tình. Không còn là những trùng điệp hùng vĩ của thiên nhiên, tác giả quay về với khóm cúc trước mặt. Dùng cúc để gợi mùa thu, đó không phải là nét mới của Đỗ Phủ.

Nhưng trước màu hoa cúc ấy mà tuôn lệ thì có lẽ chỉ có nỗi lòng Đỗ Phủ. Hoa cúc nở nhưng lòng người lại tàn đến xơ xác. Liệu có phải mùa cúc nở cũng là mùa thu nơi cố hương của tác giả, làm người lại nhớ đến những mùa thu xưa? Tức cảnh sinh tình, cúc cũng vì thế mà sinh lệ theo.

Cái tài của Đỗ Phủ là dùng được những hình ảnh, chỉ cần nhắc đến là người ta hiểu được tâm trạng mình. Trên dùng cúc, câu thơ dưới tác giả đặt hai chữ “cô chu”. Dùng hình ảnh con thuyền thôi cũng đã gợi sự lưu lạc thương nhớ lắm rồi, chữ “cô” lại làm nó đơn độc lạc lõng đến nhói lòng.

Con thuyền ở chở nỗi lòng thương nhớ, chở khát vọng quay về, nhưng dường như trước cả núi non mây mù, nó không tìm được lại phương hướng. Lòng tác giả cũng ngổn ngang bề bộn như con thuyền đơn độc kia. Bức tranh mùa thu kia mới chỉ có tĩnh mà chưa có động, mới có hoạ mà chưa có thang. Hai câu kết, có chút âm thanh vang lên như muốn đem lại sự sống:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
(Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)

Bóng chiều giờ đây đã buông xuống nuốt trọn cảnh vật và tâm hồn thi nhân. Còn lại trong cảnh chỉ là tiếng dao thước may áo rét, tiếng chày đập vải. Là âm thanh của sự sống nhưng dường như lại nhỏ nhoi quá, không đủ để phá đi cái âm u của cảnh và làm ấm lại lòng người.

Trái lại, nó làm thi nhân nhớ đến những người lính nơi biên ải khi loạn nước chưa dẹp xong, chưa thể về bên gia đình. Tiếng đập vải ấy lại càng thêm chua chát. Cái lạnh lẽo của mùa thu đã bao trùm lên tất cả ,lên cả tiếng đập vải giữa trời chiều. Âm thanh ấy khép lại bài thơ, để rồi thả vào hồn người đọc những âm vang còn băn khoăn mãi.

Như vậy, cả bài thơ là hồn của cảnh và người vùng Quý Châu. Thiên nhiên dẫu có đẹp, có hùng vĩ đến đâu cũng không làm cho lòng người khởi sắc. Vẫn là một nỗi hoài niệm về chốn cũ chất chứa, như một chiếc thuyền đơn độc lẻ loi hay tiếng đập vải giữa đất trời. Ta thấy được cả một tài năng nghệ thuật trong cách tạo vế đối, cách dùng từ, đặt câu.

Đỗ Phủ đã dùng lòng mình mà trải nên thơ, đã biết cảm hứng mùa thu thành khúc thu của nhân loại. Thời gian rồi sẽ trôi, nhưng “Thu hứng” vẫn sẽ nằm ngoài sự băng hoại của nó!

Phân tích bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (mẫu 13)

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc với những vần thơ phản ánh hiện thực và bày tỏ cảm xúc, thái độ, tâm trạng đau khổ trước hiện thực đời sống của nhân dân trong chiến tranh, trong nạn đói chan chứa tình yêu nước và tinh thần nhân đạo. Trong những bài thơ đặc sắc có bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) là bài thơ thứ nhất trong chùm thơ tám bài được Đỗ Phủ sáng tác năm 766, khi đang sống phiêu dạt ở Quý Châu. Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) vừa là bức tranh mùa thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng trĩu nặng u sầu của nhà thơ trong cảnh loạn li; lo cho tình hình đất nước đang lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc; thương nhớ quê hương xa xôi và ngậm ngùi xót xa cho thân phận bất hạnh của mình nơi đất khách.

Phiên âm chữ Hán:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Trong bài thơ, bốn câu đầu là "câu đề" với mục đích miêu tả bức tranh thiên nhiên bao la nhưng mang nỗi buồn hiu hắt ở vùng rừng núi thượng nguồn Trường Giang:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm,

Người đọc có thể nhận thấy Đỗ Phủ đứng ở vị trí tương đối cao để ngắm nhìn toàn cảnh, vì thế mà tầm nhìn của ông khá xa, khá rộng. Mọi thứ được miêu tả không những theo chiều sâu và còn theo tầm mắt của tác giả, nhìn về phía xa xăm. Khả năng quan sát tinh tế của Đỗ Phủ được thể hiện ngay từ câu thơ đầu khi tả cảnh rừng phong với sương còn phủ trên lá cây; nó tạo ra một cảnh tượng buồn, đặc biệt hình ảnh rừng phong lại càng nhấn mạnh thêm sự li biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu đến. Trong thơ cổ Trung Hoa, hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu bởi mỗi độ thu về, cả rừng phong chuyển sang màu đỏ úa, tượng trưng cho sự li biệt. Sương móc cũng tượng trưng cho mùa thu, cho sự lạnh lẽo. Sương móc sa dày đặc làm xơ xác cả rừng phong. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rất rõ qua chính cái nhìn đầy tâm trạng đau buồn của nhà thơ.

Câu thơ thứ hai có nhắc đến hình ảnh Vu sơn, Vu giáp, người đọc sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia – nơi toàn cảnh bị bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bài thơ, Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vu nổi tiếng bởi sự hiểm trở và hùng vĩ, được nhắc đến nhiều trong thần thoại, cổ tích và thơ ca Trung Quốc. Quanh năm, mây mù bao phủ những ngọn núi cao vút; vách núi thì dựng đứng vậy nên ánh mặt trời khó có thể lọt được xuống tới lòng sông. Chính vì vậy mà vào mùa thu, khung cảnh nơi đây luôn ảm đạm, lạnh lẽo và qua ngòi bút miêu tả thấm đẫm tâm trạng u sầu của Đỗ Phủ nó lại hiện lên càng thêm tối tăm, ảm đạm.

Hai câu thơ mở đầu, câu thứ nhất tả cảnh thu ở rừng phong, câu thứ hai tả cảnh thu ở núi non. Tuy cảnh vật khác nhau nhưng nhà thơ nhìn chúng với con mắt và tâm trạng giống nhau – tâm trạng trĩu nặng một nỗi buồn thương. Hai câu thơ tuy là đều là hình ảnh rừng núi nhưng lại chung một điểm, đó chính là nỗi buồn đang dần ngấm vào tác giả, nỗi buồn ấy chế ngự cả tâm trạng và cảm xúc của tác giả khi ông đặt bút ngâm thơ.

Cũng với tâm trạng như vậy, Đỗ Phủ đã viết nên những câu thơ tiếp theo mang nét tả thực đầy ám ảnh, như có ma lực cuốn hút hồn người:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Nếu như ở hai câu mở đầu là hình ảnh của rừng phong, là sự quan sát từ trên cao xuống thì hai câu tiếp theo lại miêu tả cảnh sắc vừa hoành tráng lại dữ dội. Hai câu đề là cảnh thu trên cao (rừng phong, dãy núi) thì đến hai câu thực là cảnh thu dưới thấp. Hai cặp câu như bổ sung cho nhau lột tả được hai nét đặc sắc của phong cảnh vùng Vu sơn Vu giáp vừa âm u, vừa hùng vĩ. Chúng vẫn là những chi tiết được cảm nhận qua đôi mắt thi nhân và được miêu tả bằng ngọn bút kì tài mà thành những vần thơ trác tuyệt. Hình ảnh mặt đất mây đùn cửa ải xa tả thực cảnh mây trắng sà xuống thấp đến mức tưởng chừng như đùn từ dưới mặt đất lên, che lấp cả cửa ải phía xa xa. Bốn câu thơ tuy tả cùng một cảnh nhưng ở mỗi câu là một nét chấm phá riêng, là sự nhìn nhận toàn cảnh chứ không tập trung vào một điểm cụ thể nào. Cảnh sắc trời mây non nước, rừng núi hiện ra vừa cụ thể lại vừa đặc trưng cho mùa thu. Nhưng chính hình ảnh này, lại khiến tác giả nhớ quê hương tới nao lòng.

Ở bốn câu thơ sau, Đỗ Phủ bày tỏ lòng mình trước cảnh mùa thu nơi đất khách. Câu năm và câu sáu có nghệ thuật đối rất chỉnh vừa là cảnh thu mà cũng là tình thu:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Giống như hình ảnh rừng phong gắn liền với mùa thu, hình ảnh hoa cúc cũng đi đôi với mùa thu. Đỗ Phủ nhắc đến hoa cúc, tưởng như không có gì mới nhưng điều quan trọng là mỗi lần thấy cúc nở hoa, nhà thơ lại rơi lệ. Hai lần nhìn cúc nở hoa, có nghĩa là đã hai năm Đỗ Phủ sống ở Quý Châu. Hoa cúc xui lòng thi nhân ngậm ngùi nhớ lại những mùa thu trước chốn quê cũ, vì vậy mà càng thêm xao xuyến, xúc động đến nghẹn ngào. Hình ảnh chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một hình ảnh ẩn dụ đầy ý nghĩa, không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để chở ước vọng của nhà thơ về với quê hương trong tâm tưởng.

Đến hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đã đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy vẫn không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ. Âm thanh của mùa thu may áo vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra nỗi buồn nhớ mênh mang, mong ngóng, chờ đợi ngày được trở về quê của tác giả.

Bốn câu cuối tập trung vào miêu tả cảm xúc cũng là những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là lòng mong ngóng quê nhà, nỗi khát khao được trở về quê hương, tình yêu và sự buồn bã khi phải sống tha phương. Bốn câu thơ diễn tả nỗi buồn của người xa quê, ngậm ngùi, mong ngóng ngày trở về quê hương.

Đặc điểm nghệ thuật của bài thơ là có kết cấu hết sức chặt chẽ, câu nào cũng bám chặt chủ đề, tức là các câu đều thể hiện được hai yếu tố “cảm xúc” và “mùa thu”, vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng. Cảnh có sương thu, rừng thu, sắc thu, khí thu, gió thu, sông thu, hoa thu, tiếng thu (tiếng chày đập vải). Tác giả đã thành công thâu tóm được tất cả thần thái của mùa thu trong bài thơ.

Cảm xúc mùa thu là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Qua bài thơ ta thấy được một tâm hồn thi sĩ vừa nhạy cảm lại rung động mãnh liệt với cảnh sắc. Trái tim Đỗ Phủ đã dành trọn cho quê hương, cũng qua bài thơ, cái tư tưởng "yêu nước thương đời" lại càng thể hiện rõ. Với Đỗ Phủ, mùa thu đồng nghĩa với nỗi buồn và niềm thương nhớ không nguôi, nhất là khi ông đang phải sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn nơi xứ lạ. Những vần thơ của ông có sức lay động mãnh liệt, đặc biệt những vần thơ như bật lên khỏi trang giấy, mở ra một khung cảnh rất rõ… Ông xứng đáng được người đời tôn vinh là bậc “Thi thánh” của thời Thịnh Đường mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

1 1,691 30/09/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: