Khám thai được nghỉ mấy ngày? 1 tháng có được nghỉ 2 ngày khám thai không?
Khám thai được nghỉ mấy ngày? 1 tháng có được nghỉ 2 ngày khám thai không?

1. Khám thai được nghỉ mấy ngày? 1 tháng có được nghỉ 2 ngày khám thai không?

Tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

Điều 51. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai
1. Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.

Căn cứ quy định trên, 1 tháng người lao động có thể nghỉ 2 ngày để khám thai, cụ thể là có thể xin nghỉ 1 lần 2 ngày hoặc 2 lần, mỗi lần 1 ngày.

2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi khám thai

Để được hưởng chế độ ngày nghỉ khi đi khám thai, người lao động cần nộp cho công ty các giấy tờ sau để làm minh chứng:

  • Trường hợp điều trị nội trú
    • Bản sao giấy ra viện;
    • Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
  • Trường hợp điều trị ngoại trú
    • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
    • Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

3. Khám thai được hưởng bao nhiêu tiền bảo hiểm từ chế độ thai sản?

Căn cứ Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:

Điều 59. Trợ cấp thai sản
1. Trợ cấp thai sản một tháng của người lao động quy định tại các điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 và 57 của Luật này bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 06 tháng thì trợ cấp thai sản của người lao động quy định tại Điều 51, Điều 52, các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 53, các khoản 1, 2 và 4 Điều 54, khoản 2 Điều 55 và Điều 57 của Luật này là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tháng đã đóng.

2. Trợ cấp thai sản một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 51 và khoản 2 Điều 53 của Luật này được tính bằng trợ cấp thai sản một tháng chia cho 24 ngày.

Như vậy, mức hưởng trợ cấp thai sản khi khám thai được tính như sau:

Mức hưởng

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ

:

24

x

Số ngày nghỉ

Ví dụ: Lương bình quân tháng đóng BHXH của lao động nữ là 12.000.000 đồng/tháng. Nếu lao động nữ nghỉ khám thai 02 ngày, số tiền trợ cấp thai sản mà người lao động nữ đó được nhận là:

12.000.000 đồng : 24 x 2 = 1.000.000 đồng.

Khám thai được hưởng bao nhiêu tiền bảo hiểm từ chế độ thai sản?
Khám thai được hưởng bao nhiêu tiền bảo hiểm từ chế độ thai sản?

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc tối đa bao nhiêu lần?

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc tối đa 05 lần.

4.2. Đóng bảo hiểm như thế nào thì được hưởng chế độ thai sản?

Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định.

4.3. Có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản thì có kịp hưởng không?

Lao động có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản vẫn kịp hưởng chế độ thai sản nếu thời gian đóng từ đủ 6 tháng trước khi sinh con (tức là bắt đầu đóng muộn nhất vào tháng thứ 4 của thai kì trong trường hợp mang thai đủ 9 tháng).

4.4. Có thai trước khi vào công ty có được hưởng bảo hiểm thai sản không?

Người lao động có thai trước khi vào công ty vẫn được hưởng bảo hiểm thai sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.