Thông tin 1. Pháp luật hình sự không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với phụ nữ

Trả lời Câu hỏi trang 47 Chuyên đề Kinh tế pháp luật 10 sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KTPL 10.

1 235 lượt xem


Giải Chuyên đề Kinh tế pháp luật 10 Cánh diều Bài 9: Khái niệm, các nguyên tắc của pháp luật hình sự 

Câu hỏi trang 47 Chuyên đề KTPL 10: Đọc thông tin và trả lời câu hỏi

Thông tin 1. Pháp luật hình sự không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi khi  họ thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật hình sự có nhiều quy định tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Thông tin 2. Người bị tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì họ không có lỗi, họ không nhận thức được hành vi của mình.

Thông tin 3. Người có chức vụ, quyền hạn phạm tội tham nhũng bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi:

a) Theo em, vì sao pháp luật hình sự không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình cho những đối tượng trong thông tin 1?

b) Tại sao người bị tâm thần không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội?

c) Em hãy nhận xét việc xử lí hình sự đối với người có chức vụ phạm tội.

d) Theo em, pháp luật hình sự được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Yêu cầu a) Pháp luật hình sự không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình cho những đối tương trong thông tin 1 vì những lí do sau:

- Thứ nhất, việc loại trừ hình phạt chung thân, tử hình đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là vì lợi ích của đứa bé và sự công bằng đối với nó. Thai nhi hoặc trẻ nhỏ có sinh mệnh gắn liền với người mẹ, tử hình người mẹ đồng nghĩa với việc tước đoạt quyền sống của thai nhi hay ít ra là điều kiện sống tối cần thiết của đứa trẻ mới sinh. Đó là sự chà đạp quyền con người dã man và vô nhân đạo, không thể được chấp nhận trong xã hội văn minh.

- Thứ hai, loại trừ hình phạt chung thân, tử hình đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ xuất phát từ đòi hỏi về tính nhân đạo của chính sách pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng.

- Thứ ba, việc loại trừ hình phạt chung thân, tử hình đối với người phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ thể hiện sự thừa nhận, tôn vinh của xã hội đối với công lao của người mẹ. Thiên chức sinh sản, nuôi dưỡng của người phụ nữ được tạo hóa sinh ra để tái sản xuất con người, kiến tạo nhân loại. Cho dù người phụ nữ đã phạm tội lỗi ghê gớm đến đâu nhưng việc người ấy đang mang thai, nuôi con nhỏ nghĩa là đang đóng góp công sức lớn đối với sự phát triển của loài người.

- Thứ tư, việc loại trừ hình phạt chung thân, tử hình trong trường hợp này là bởi quyền thực hiện thiên chức làm mẹ là quyền con người thiêng liêng, không thể tước đoạt.

Yêu cầu b) Người bị tâm thần không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vì người bị tâm thần không thể nhận thức đầy đủ được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra cho xã hội.

Yêu cầu c) Nhận xét: Người có chức vụ, quyền hạn phạm tội thì cũng bị xử lí hình sự theo quy định của pháp luật đã thể hiện sâu sắc nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của pháp luật hình sự. Pháp luật hình sự nước ta quy định tất cả tội phạm và các hình phạt đều bình đẳng đối với tất cả mọi người, đối với tất cả những người có hành vi phạm tội.

Yêu cầu d) Theo em, pháp luật hình sự được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc pháp chế: tất cả các vấn đề về tội phạm và hình phạt đều phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong văn bản luật. Việc xác định tội phạm và hình phạt trong áp dụng luật đều phải dựa trên các điều luật cụ thể. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt hoặc miễn giảm hình phạt và các biện pháp khác đều phải do Luật Hình sự quy định.

- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật: Pháp luật hình sự nước ta quy định tất cả tội phạm và các hình phạt đều bình đẳng đối với tất cả mọi người, đối với tất cả những người có hành vi phạm tội.

- Nguyên tắc nhân đạo: Hậu quả mà người phạm tội phải chịu theo pháp luật hình sự là hình phạt, biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Pháp luật hình sự xác định hình phạt không gây đau đớn về thể xác, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người phạm tội. Đối với hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình cũng đã giới hạn phạm vi.

- Nguyên tắc hành vi và có lỗi:

+ Theo đó, pháp luật hình sự không cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự một người về tư tưởng của họ mà chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của họ khi hành vi đó thoả mãn các dấu hiệu của tội phạm cụ thể được quy phạm pháp luật hình sự quy định.

+ Gắn liền với nguyên tắc hành vi là nguyên tắc có lỗi. Pháp luật hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi gây thiệt hại cho xã hội chỉ khi người đó có lỗi.

- Nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự: Trách nhiệm hình sự được xác định đúng cho từng người phạm tội. Hình phạt áp dụng cho người phạm tội cụ thể phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã gây ra và phải phù hợp với nhân thân cũng như hoàn cảnh của người phạm tội.

- Nguyên tắc dân chủ: Luật Hình sự bảo vệ và tôn trọng các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, kiên quyết xử lí các hành vi xâm phạm quyền dân chủ của công dân. Quyền lợi của công dân được ghi nhận một cách bình đẳng, được bảo vệ như nhau.

1 235 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: