Soạn bài Viết đoạn văn nghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ (trang 60) Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết đoạn văn nghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ trang 60 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 183 27/09/2024


Soạn bài Viết đoạn văn nghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ trang 60

Ở các lớp 7, 8, em đã học cách viết đoạn văn nêu cảm xúc về bài thơ bốn chữ, năm chữ và đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tự do. Trong bài học này, em sẽ tìm hiểu cách viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.

* Yêu cầu

• Giới thiệu được bài thơ (nhan đề, tác giả); nêu ấn tượng chung về bài thơ.

• Nêu được cảm nghĩ về một số nét nổi bật trong nội dung và nghệ thuật của bài thơ; chỉ ra tác dụng của thể thơ tám chữ trong việc tạo nên nét độc đáo của bài thơ.

• Khái quát được cảm nghĩ về bài thơ.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản (trang 57 sgk sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tình yêu đất nước trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn bài thơ

Hãy chọn trong số những bài thơ em đã học, đã đọc một bài thơ tám chữ mà em có ấn tượng sâu sắc và cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật của nó.

b. Tìm ý

Căn cứ vào yêu cầu của đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ, em hãy tiến hành những công việc sau:

- Đọc kĩ bài thơ và ghi lại đặc điểm của tác phẩm trên các phương diện:

+ Vần thơ, nhịp thơ; chú ý những nét đặc sắc trong cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ so với cách gieo vần, ngắt nhịp thông thường của thể thơ tám chữ.

+ Nội dung và mạch cảm xúc của bài thơ với những trạng thái, cung bậc cụ thể.

+ Những hình ảnh độc đáo, từ ngữ đặc sắc, biện pháp tu từ sáng tạo,... mà tác giả sử dụng để biểu đạt các cung bậc cảm xúc.

+ Chủ đề, thông điệp của bài thơ.

- Ghi lại cảm nghĩ chung của em về bài thơ.

c. Lập dàn ý

Em hãy lập dàn ý theo gợi ý dưới đây:

Dàn ý

- Mở đoạn:

+ Giới thiệu bài thơ (nhan đề, tác giả).

+ Nêu ấn tượng chung về bài thơ.

- Thân đoạn:

+ Trình bày cảm nghĩ về nội dung (mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp,....) của bài thơ.

+ Nêu cảm nghĩ về những yếu tố nghệ thuật và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung; nêu tác dụng của thể thơ tám chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.

- Kết đoạn: Khái quát cảm nghĩ về bài thơ.

2. Viết bài

- Viết các câu văn phù hợp để triển khai những nội dung đã xác định trong dàn ý. Các câu cần hướng về chủ đề chung của đoạn để tạo sự mạch lạc cho đoạn văn.

- Sử dụng các từ ngữ diễn tả chân thực, chính xác cảm nghĩ về bài thơ; lưu ý sử dụng từ ngữ liên kết để đoạn văn được chặt chẽ.

* Bài viết tham khảo:

Không phải ngẫu nhiên mà Rasul Gamzatov đã từng tâm niệm rằng: “ Thơ ca bắt nguồn từ những âm vang của tâm hồn”. Thật vậy, thi ca muôn đời là nơi bộc lộ những trở trăn, nhưng nghĩ suy thổn thức của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời. Và thơ Lưu Quang Vũ cũng chính là những nỗi niềm chân thành của thi nhân. Đến với thế giới nghệ thuật của nhà thơ này, người đọc sẽ bắt gọn những cảm xúc đầy xúc động, để lại những dư âm, dư ba qua thi phẩm mang tên “Tiếng Việt”.

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bài thơ đã ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng việt có sức sống mãnh liệt, thấm đẫm giá trị dân tộc, bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng với Tiếng việt.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ không sử dụng những khái niệm trừu tượng để lí giải Tiếng việt mà người nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đó là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, câu hát, lời ru,...

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

...

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

Âm thanh hiện lên trong câu thơ là những âm thanh đậm tình, sâu lắng, những âm thanh gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Đó là âm thanh của tiếng mẹ gọi, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng lụa, tiếng cha dặn,.. Những âm thanh nghe sao mà thiết tha.

Tình yêu tiếng Việt in sâu vào tâm khảm mỗi người từ những ngày bé thơ khi tập đọc ê a từng con chữ đầu lòng:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếnmg nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng Việt là kết quả của Tình yêu và Lao động. Mọi mặt của đời sống dân tộc đã làm nên hồn cốt của tiếng việt. Bởi vậy chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói. Tiếng Việt là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Nhà thơ Lưu Quang Vũ rất tài hoa khi sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để khái quát đặc trưng tiếng nói của dân tộc. Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Đây là một phát hiện mới mẻ của thi sĩ. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh quen thuộc, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là hình ảnh đất cày, lụa, tre ngà, tơ. Hai câu thơ giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, khỏe khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, vừa cứng cỏi lại óng ả của Tiếng Việt.

Người Việt Nam ngày nay có đầy đủ lý do và bằng chứng để tự hào về tiếng Việt của mình. Vẻ đẹp của tiếng Việt đến từ mọi khía cạnh, đến từ cả sự giàu đẹp và đa dạng của tiếng Việt. Âm điệu của tiếng Việt đa dạng và trầm bổng nhờ hệ thống 4 dấu gồm: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng:

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Thật vậy, chúng ta thấy ngôn ngữ tiếng Việt có hệ thống dấu thanh rất đa dạng. Mỗi một dấu thanh khi sử dụng giống như một nốt nhạc. Với những thanh bằng như huyền, ngang giống như những nốt trầm. Những thanh trắc như sắc hỏi, ngã nặng lại giống như những thanh cao. Tiếng Việt còn có hệ thống ngữ âm rất phong phú lại rất đa dạng về ngữ nghĩa. Ông cha ta vẫn thường hay nói Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Là một người dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Chúng ta cũng cần có trách nhiệm giữu gìn sự giàu đẹp ấy.

Mỗi một khổ thơ là mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện niềm trân trọng, nó như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngôn ngữ ngàn đời của dân tộc

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình

Từ cảm thán vang lên như lời chân tình sâu nặng của nhà thơ. Tiếng việt là kết quả lao động vất vả của những người nhân dân. Người nhân dân đã lao động, sáng tạo, đổ biết bao mồ hôi công sức, chịu đựng bao vất vả, bao hi sinh để gìn giữ, vun đắp cho tiếng việt ngày càng giàu đẹp. Qua đó, nhà thơ đã ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, cần cù, chịu thương, chịu khó, ân tình, thủy chung son sắt. Nhà thơ nhắc nhở thế hệ mau sau phải biết giữ gìn, phát huy thứ ngôn ngữ của dân tộc.

Tiếng Việt là một bài thơ hay, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Kết thúc tác phẩm nhưng nó vẫn để lại trong lòng người đọc biết bao ấn tượng sâu sắc, là bài học về lòng yêu nước, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc.

3. Chỉnh sửa bài viết

Sau khi hoàn thành bài viết, em hãy rà soát và chỉnh sửa theo những gợi ý dưới đây:

- Phần Mở đoạn đã giới thiệu được tên bài thơ, tác giả và nêu ấn tượng, cảm nghĩ chung của em về bài thơ chưa? Bổ sung nếu còn thiếu.

- Phần Thân đoạn đã sử dụng những từ ngữ biểu đạt cảm nghĩ về mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp và những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của bài thơ hay chưa? Các câu có cùng hướng về một chủ đề và có các từ ngữ liên kết phù hợp hay không? Bổ sung hoặc điều chỉnh nếu chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Phần Kết đoạn đã nêu khái quát cảm nghĩ về bài thơ chưa? Nếu chưa đáp ứng được yêu cầu thì cần chỉnh sửa hoặc viết lại.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Tập làm một bài thơ tám chữ

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học)

Củng cố, mở rộng trang 64

Miền quê

Đọc mở rộng trang 65

1 183 27/09/2024