Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trang 126) Chân trời sáng tạo
Với soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trang 126 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trang 126
* Chuẩn bị đọc
Câu hỏi (trang 126 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em nghĩ gì về những người sẵn sàng cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn?
Trả lời:
- Những người sẵn sàng cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn là người dũng cảm. Con người có muôn vàn điều tốt đẹp và lòng dũng cảm chính là một nét phẩm chất cao quý trong nhân cách đạo đức con người. Con người luôn cần và luôn hướng tới cái đẹp – đó là quy luật của cuộc sống. Cùng với những phẩm chất cao quý khác của nhân cách con người, lòng dũng cảm cần được giữ gìn, vun đắp để nó tồn tại mãi trong cuộc đời này.
* Trải nghiệm cùng văn bản
1. Tưởng tượng: Em hình dung ra sao về cảnh “tả đột hữu xung” của Lục Vân Tiên trong đoạn thơ này?
- Đây là một trận đánh không cân sức: một bên là tướng cướp hùng hổ, hung dữ, đông đúc được trang bị đầy đủ vũ khí; với một bên là thân cô, thế cô.
2. Suy luận: Việc Vân Tiên bảo Nguyệt Nga “khoan khoan ngồi đó chớ ra...” cho thấy chàng là người như thế nào?
- Việc Vân Tiên nói với Nguyệt Nga rằng: Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai, cho thấy chàng là người giữ đúng chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.
3. Suy luận: Hai dòng thơ cuối của văn bản gợi cho em suy nghĩ gì?
- Câu trả lời trong hai dòng cuối:Làm ơn há dễ trông người trả ơn và đặc biệt là câu nói của Vân Tiên: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng, cho thấy một người anh hùng lí tưởng, thấy việc nghĩa thì tự nguyện làm, và đã làm việc nghĩa thì không cần trả ơn.
* Suy ngẫm và phản hồi
Nội dung chính Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga: Đoạn trích khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật trung tâm: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na ân tình. Qua đó thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 1 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Theo em, nhan đề Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga có thể hiện được nội dung bao quát của văn bản không? Vì sao?
Trả lời:
- Nhan đề Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga có thể hiện được nội dung bao quát của văn bản.
- Vì văn bản đã cho thấy nhân vật chính, hành động bao trùm của văn bản là Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga với hành động nghĩa hiệp cứu người.Qua nhan đề ấy, cũng thể hiện tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội, lòng yêu thương sẵn sàng cưu mang, đùm bọc những người gặp cơn hoạn nạn. Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy.
Câu 2 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tóm tắt các sự việc được kể và xác định bố cục của văn bản.
Trả lời:
-Tóm tắt các sự việc được kể: Trên đường trở về nhà thăm cha mẹ trước khi lên kinh đô thi, gặp bọn cướp đang hoành hành, Lục Vân Tiên đã một mình xông vào đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.
- Bố cục:
+ Phần 1: 14 câu đầu: Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga
+ Phần 2: Còn lại: Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga
Câu 3 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhân vật Lục Vân Tiên hiện lên với những phẩm chất nào? Đó có phải là phẩm chất của người anh hùng không? Vì sao? Phân tích một số chi tiết miêu tả hành động, lời nói của Lục Vân Tiên để làm rõ ý kiến của em.
Trả lời:
- Lục Vân Tiên hiện lên là một chàng trai tài giỏi, trượng nghĩa, có học thức và trọng lễ giáo phong kiến.
- Đó là những phẩm chất của một người anh hùng.
- Điều đó được thể hiện qua hành động, lời nói của Vân Tiên.
- Phân tích một số chi tiết miêu tả hành động, lời nói của Lục Vân Tiên:
+ Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô: sự nhanh trí, gan dạ của Lục Vân Tiên.
+ Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân - bản lĩnh của một người quân tử, trước khi ra tay chàng đã nêu rõ lý do là vì chính nghĩa, không phải là hành vi đánh lén.
+ Trận đánh diễn ra cay cấn: bốn phía phủ vây bịt bùng vô cùng nguy hiểm đối với Lục Vân Tiên.Nhưng chàng vẫn tả xung hữu đột chẳng khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
- Lục Vân Tiên gặp và trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga
+ Khi nghe tiếng khóc ở trong xe, Lục Vân Tiên hỏi: Ai than khóc ở trong xe này?
+ Người bên trong trả lời rõ sự tình: Tôi thiệt người ngay/Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.Lục Vân Tiên ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai: giữ đúng chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.
+ Lục Vân Tiên hỏi thăm tên tuổi, xuất thân và lý do vì sao gặp nạn trên đường.Khi nghe Kiều Nguyệt Nga bày tỏ mong muốn Lục Vân Tiên cùng đi đến gặp cha để đền ơn, Lục Vân Tiên nghe vậy từ chối: Làm ơn há dễ trông người trả ơn… Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Câu 4 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Phân tích đặc điểm của nhân vật Kiều Nguyệt Nga (lưu ý những cử chỉ, lời nói của nàng khi đáp lời Lục Vân Tiên).
Trả lời:
Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, thùy mị, có học thức. Điều đó được thể hiện qua:
- Sau khi nghe lời lẽ của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga biết người cứu mình là một nam tử hán, liền kể rõ sự tình: Nàng cùng với tì tất tên là Kim Liên, quê ở quận Tây Xuyên, cha là tri phủ miền Hà Khê nhận được bức thư của cha đến đó để định việc hôn nhân: Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
- Kiều Nguyệt Nga còn bộc lộ mong muốn Lục Vân Tiên đi cùng mình đến gặp cha để đền tạ công ơn: Gẫm câu báo đức thù công/Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Kiều Nguyệt Nga là một tiểu thư khuê các, là con người biết trước sau, hiếu nghĩa.
Câu 5 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định chủ đề của văn bản và phân tích các căn cứ giúp em xác định chủ đề đó.
Trả lời:
-Chủ đề: khát vọng công lý
-Bởi vì, qua văn bản ta thấy Lục Vân Tiên là người thấy hoạn nạn sẵn sàng cứu giúp vô tư đem lại điều tốt đẹp cho mọi người; người anh hùng hành động vì chính nghĩa, vì lẽ phải, vì lẽ công bằng. Luôn bênh vực, che chở cho những người yếu đuối; dám đứng lên bảo vệ lẽ công bằng, quyền lợi chính đáng của mọi người, của tập thể, của một cá nhân bị xâm phạm...; đấu tranh chống lại những cái xấu xa, tội lỗi. Hai câu thơ cuối bài tác giả thể hiện một quan niệm đạo lý người anh hùng là người sẵn sàng làm việc nghĩa một cách vô tư, không tính toán làm việc nghĩa là bổn phận, là lẽ tự nhiên.
Câu 6 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua văn bản? Ngày nay, thông điệp ấy có còn giá trị không? Vì sao?
Trả lời:
- Qua văn bản, tác giả gửi gắm thông điệp:Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn. Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổ phò nguy. Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện; thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).
- Ngày nay, thông điệp ấy vẫn còn mang giá trị sâu sắc. Bởi vì: Con người luôn cần và luôn hướng tới cái đẹp – đó là quy luật của cuộc sống. Cùng với những phẩm chất cao quý khác của nhân cách con người, lòng dũng cảm cần được giữ gìn, vun đắp để nó tồn tại mãi trong cuộc đời này.
Câu 7 (trang 130 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm hiểu sự nghiệp, quá trình sáng tác thơ văn của tác giả Nguyễn Đình Chiểu và chỉ ra một số điểm tương đồng, khác biệt (nếu có) giữa:
a. Hoàn cảnh, mục đích sáng tác Truyện Lục Vân Tiên và các tác phẩm khác của ông như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,...
b. Tình cảm, cảm xúc của tác giả khi kể lại hành động Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên và khi nhắc đến “trang dẹp loạn” trong bài thơ Chạy giặc (xem thêm Ngữ văn 8, tập hai, bộ sách Chân trời sáng tạo).
Trả lời:
a. Hoàn cảnh, mục đích sáng tác:
- Tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên:
+ Hoàn cảnh: Truyện Lục Vân Tiên là một truyện thơ nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ 19.
+ Mục đích: Tác phẩm thể hiện về luân lý và cốt bàn đạo đức, khuyên người ta về những nguyên tắc sống lành mạnh. Tác giả muốn truyền đạt thông điệp về việc nên làm người với quan niệm văn dĩ tải đạo.
- Tác phẩm Chạy giặc:
+ Hoàn cảnh sáng tác: Hoàn cảnh lịch sử: Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, nhưng đến đây, chúng gặp phải sự kháng cự của nhân dân nên chuyển qua tiến đánh Gia Định (Sài Gòn).Hoàn cảnh riêng: Tác phẩm Chạy giặc được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào khoảng thời gian sau khi giặc Pháp tấn công thành Gia Định (tháng 2 năm 1859). Nhà thơ chứng kiến cảnh chạy loạn, li tán của nhân dân nên đã viết bài thơ này.
+ Mục đích: Trước cảnh quê hương bị tàn phá, nhà tan nước mất, nhân dân hốt hoảng, hoang mang trong tay giặc, mặc dù mù lòa không nhìn thấy gì nhưng với tấm lòng xót xa, buồn đau vô hạn, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ “Chạy giặc” để ghi lại tâm trạng của mình.
- Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:
+ Hoàn cảnh: Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, Việt Nam. Sau khi chiếm được thành Gia Định vào đầu năm 1859, quân Pháp bắt đầu một quá trình mở rộng tấn công ra các vùng lân cận như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công v.v… Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16 tháng 12 năm 1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng 20 nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong nhân dân.
+ Mục đích sáng tác:Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đánh này.
b. Tình cảm, cảm xúc của tác giả khi kể lại hành động Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên và khi nhắc đến “trang dẹp loạn” trong bài thơ Chạy giặc:
- Trong bài Truyện Lục Vân Tiên: thái độ bất bình trước hành động của tên cướp, đồng tình ủng hộ trước hành động nghĩa dũng của Lục Vân Tiên.
- Trong bài Chạy giặc: Tác giả bày tỏ sự lo lắng, thương xót cho người dân, cho vận mệnh đất nước, đồng thời cũng thể hiện sự thất vọng, sự trông đợi, sự chất vấn… đối với những “trang dẹp loạn”, những người có khả năng và trách nhiệm trước thời cuộc.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo