Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng (trang 60) Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 60 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 143 11/10/2024


Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 60

Đề bài (trang 60 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Truyện kể của em ở phần Viết được chọn để kể lại cho các bạn cùng lớp nghe. Dựa vào bài viết, em hãy kể lại câu chuyện tưởng tượng của mình.

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, thời gian và không gian nói

• Để thu hút người nghe về câu chuyện của mình, hãy trả lời các câu hỏi sau:

- Người nghe là ai? Họ có những mong muốn gì?

- Em có bao nhiêu thời gian để kể chuyện, có thể sử dụng các phương tiện kĩ thuật (âm thanh, ánh sáng,...) trong quá trình kể hay không?

- Nên chọn cách trình bày như thế nào cho phù hợp với đối tượng người nghe, địa điểm và thời gian kể chuyện?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

• Từ nội dung truyện kể sáng tạo ở phần Viết, tóm tắt truyện dưới dạng sơ đồ theo trình tự: mở đầu truyện, diễn biến truyện, kết thúc truyện.

• Chuẩn bị các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh liên quan đến nhân vật hoặc chi tiết tiêu biểu, sơ đồ tóm tắt cốt truyện, nhạc nền, đoạn phim,...).

Bước 3: Luyện tập, trình bày

• Chào hỏi người nghe, tự giới thiệu về bản thân, giới thiệu tên của truyện, đề tài truyện.

• Lựa chọn từ ngữ phù hợp với văn nói.

• Lên, xuống giọng, điều chỉnh cảm xúc trong khi nói để phù họp với diễn biến của sự kiện và suy nghĩ, tình cảm, hành động của các nhân vật, giúp người nghe dễ dàng phân biệt lời người kể chuyện với lời nhân vật, lời đối thoại và lời độc thoại.

• Nhấn mạnh sau các chi tiết miêu tả đặc sắc, các câu văn biểu cảm, lời đối thoại, lời độc thoại.

• Dự kiến câu hỏi, phản hồi của người nghe và câu trả lời.

Bài nói tham khảo

Em chào cô và các bạn, em tên là Nguyễn Văn A. Hôm nay em sẽ kể lại câu chuyện tưởng tượng về cuộc tranh luận giữa ôtô, xe máy, xe đạp

Ba em là Giám đốc công ty xây dựng số 1 của Sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan cấp cho ba em một chiếc xe du lịch màu xanh hiệu Toyota để làm phương tiện đi lại. Mẹ em là giáo viên Văn trường chuyên Lê Hồng Phong. Ngày ngày, mẹ đi dạy bằng chiếc Honda đã cũ. Còn em đi học bằng chiếc xe đạp leo núi mà ba mua tặng hồi Tết.

Sáng nay chủ nhật, gia đình em có mặt đông đủ ở nhà. Sau bữa ăn sáng, ba vào phòng khách đọc báo, mẹ xách giỏ đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Em lấy chiếc bình nước tưới cho mấy chậu hoa đặt trước lối vào nhà để xe. Chợt em nghe có tiếng trao đổi xì xầm. Lấy làm lạ, em nép ngoài cửa lắng nghe. Thì ra anh ô tô, chị xe máy và cậu xe đạp đang tranh hơn tranh kém với nhau.

Anh ô tô giọng ồm ồm kề cà:

- Cô cậu nghe đây! Chỉ so về hình thức, anh đã hơn hẳn rồi! Anh bệ vệ, sang trọng khó bì. Ông chủ mỗi khi đi đâu đều nhẹ nhàng, thảnh thơi, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Còn cô cậu thì kém anh đủ điều, so làm sao được? Cho nên ông chủ quý anh nhất là phải thôi!

Chị Honda không chịu lép vế:

- Anh nói chẳng sai! Nhưng tôi hỏi anh, ngoài những lúc đưa ông chủ đến sở làm hoặc đi công tác, anh được dùng vào việc gì nữa nào? Còn tôi, tôi được việc hơn anh nhiều! Này nhé! Sáng sáng, tôi đưa bà chủ đi dạy học. Rồi đi chợ, đi chơi, đi thăm người thân… lúc nào tôi cũng kề cận bên bà chủ. Tiện lợi biết bao! Tôi thấy tôi có ích nhất nhà.

Xe đạp nãy giờ đứng dựa vào tường nghe ôtô và xe máy tranh luận, giờ mới lên tiếng:

- Em tuy nhỏ bé nhưng rất có ích. Ngày ngày, em cùng anh Huy tới trường, tới câu lạc bộ. Thỉnh thoảng giúp anh ấy đi picnic với bạn bè ở trong hay ngoài thành phố. Dẫu có kẹt xe kẹt cầu, em vẫn luồn lách được, chứ cứ như anh ôtô với chị Honda thì đành chịu chết. Em lại chỉ miệt mài làm chứ không ăn uống tốn kém gì. Trong khi đó hai người phải uống no xăng mới chạy được. Lại còn xả khói gây ô nhiễm môi trường nữa chứ!

Ô tô và Honda nghe xe đạp nói vậy không bằng lòng. Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp diễn.

Em bước vào nói:

- Các bạn không nên so bì như thế! Dù có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau nhưng ai cũng có ích cả. Ba mẹ tôi và tôi đều yêu quý các bạn như nhau. Các bạn có đồng ý với tôi không nào?

Ôtô, Honda và xe đạp nhìn nhau với ánh mắt thân thiện, cùng cười tươi rồi hô to: Đồng ý!

Bài nói của em đến đây là kết thúc. Em rất mong nhận được góp ý của cô và các bạn để bài trình bày tốt hơn. Em cảm ơn!

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

• Sử dụng Bảng kiểm kĩ năng kể một câu chuyện tưởng tượng đã học ở phần Nói và nghe, Bài 4 để tự đánh giá lại kĩ năng kể chuyện của bản thân.

• Ghi lại những suy ngẫm của em về cách kể câu chuyện, dựa trên gợi ý sau:

Câu 1 (trang 61 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Ba điều em đã thực hiện tốt trong hoạt động kể một câu chuyện tưởng tượng.

Trả lời:

Ba điều em đã thực hiện tốt:

- Có đủ kết cấu bài nói: phần giới thiệu, phần trình bày, phần kết thúc.

- Có nhân vật, có cốt truyện.

- Lựa chọn ngôi kể phù hợp – ngôi thứ nhất.

Câu 2 (trang 61 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Hai điều em cần khắc phục trong hoạt động kể một câu chuyện tưởng tượng.

Trả lời:

Hai điều em cần khắc phục trong hoạt động kể:

- Cần sử dụng lời kể linh hoạt, giàu hình ảnh.

- Tăng thêm lời đối thoại giữa các nhân vật.

Câu 3 (trang 61 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Một kinh nghiệm mà em rút ra cho bản thân.

Trả lời:

Kinh nghiệm rút ra: cần xác định được câu chuyện định kể là gì, từ đó lựa chọn ngôi kể, xây dựng nhân vật, cốt truyện hợp lí.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Viết một truyện kể sáng tạo

Ôn tập trang 62

Bài 8: Những cung bậc tình cảm

Tri thức ngữ văn trang 64

Nỗi nhớ thương của người chinh phụ

Hai chữ nước nhà

1 143 11/10/2024