SBT Ngữ Văn 11 Bài tập đọc hiểu trang 18 - Cánh diều

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài tập đọc hiểu trang 18 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 435 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài tập đọc hiểu trang 18 - Cánh diều

Thương nhớ mùa xuân (Trích Thương nhớ mười hai)

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dòng nào dưới đây nêu đúng đặc điểm thời tiết của mùa xuân miền Bắc và Hà Nội?

A. Trời có mưa riêu riêu, gió lành lạnh

B. Trời đã hết nồm, nhưng vẫn rét căm căm

C. Trời xanh biêng biếc, gió đông về

D. Trời đông tháng giá, cỏ mướt xanh

Trả lời:

Đáp án A

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả yêu mùa xuân nhất là vào khoảng thời gian nào?

A. Trước ngày rằm tháng Giêng

B. Đúng ngày rằm tháng Giêng

C. Sau ngày rằm tháng Giêng

D. Đã kết thúc tháng Giêng

Trả lời:

Đáp án C

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dòng nào dưới đây nêu đúng vẻ đẹp của trăng non tháng Giêng trong văn bản?

A. Ánh trăng trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền

B. Trăng sáng lộng lẫy như trăng mùa thu

C. Trăng đẹp một cách héo úa như trăng tháng Một

D. Trăng sáng lung linh như ngọc

Trả lời:

Đáp án A

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Câu văn nào sau đây thể hiện trực tiếp tình yêu của tác giả dành cho mùa xuân Hà Nội?

A. “Mùa xuân của tôi... là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh...”.

B. “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”.

C. “Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa, mà cái rét ngọt ngào chứ không còn tê buốt căm căm nữa”.

D. “... Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng...”.

Trả lời:

Đáp án B

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình của thể loại tuỳ bút qua một vài biểu hiện cụ thể trong văn bản Thương nhớ mùa xuân (ngôn ngữ, chi tiết, sự việc,...).

Trả lời:

Trong văn bản, một số chi tiết có sự đan xen giữa yếu tố tự sự và trữ tình như: chi tiết miêu tả thời tiết mùa xuân Hà Nội vào khoảng sau rằm tháng Giêng, chi tiết miêu tả khung cảnh đoàn tụ đầm ấm của gia đình….

Ngôn ngữ của văn bản cũng đan xen giữa yếu tố tự sự và trữ tình như: bên cạnh lời kể có nhiều tính từ, từ ngữ miêu tả giàu hình ảnh và chất thơ.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Chi tiết nào về thiên nhiên (hoặc phong tục, con người) Hà Nội trong văn bản để lại ấn tượng đặc biệt đối với em? Vì sao?

Trả lời:

Chi tiết về thiên nhiên (hoặc phong tục, con người) Hà Nội trong văn bản để lại ấn tượng đặc biệt đối với em là chi tiết miêu tả thiên nhiên Hà Nội vào tháng Giêng. Việt Nam có ba vùng miền và mỗi vùng miền lại có đặc điểm về khí hậu và thời tiết khác nhau trong đó, mùa xuân và khí hậu miền Bắc rất đặc biệt vì nó có đủ 4 màu trong một năm. Vũ Bằng đã miêu tả rất chân thực khung cảnh tháng giêng về với những cảm nhận về sự chuyển giao diệu kì của thời tiết và sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với con người nơi đây. Càng đọc, ta càng thấy yêu hơn Hà Nội với những đặc sắc riêng biệt.

Câu 7 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Em hiểu thêm được những gì về giá trị văn hoá dân tộc từ văn bản Thương nhớ mùa xuân?

Trả lời:

Qua văn bản, em hiểu nhiều hơn về văn hóa con người Hà Nội. Các chi tiết “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác” và "Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết...Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật" là các chi tiết miêu tả đặc trưng khung cảnh đoàn tụ đầm ấm của gia đình Việt mỗi dịp Tết. Các chi tiết đã chỉ ra những đặc trưng về văn hóa người miền Bắc vào mỗi dịp trước và sau tết. Tết miền Bắc gắn liền với hình ảnh cây đào, bánh trưng, dưa hành... Khi hoa phai là lúc hết Tết, cuộc sống quay trở lại quỹ đạo thường ngày, tất bật với công việc.

Câu 8 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“...Nhưng đến tháng Ba thì trời đất quả là kì ảo.

Bảo rằng tháng ấy còn rét, không đúng, mà bảo là hết rét rồi cũng không đúng nữa.

Trời trong như ngọc, đất sạch như lau. Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi sáng thì uống chưa xong ấm nước, anh bỗng thấy có những đám mây hồng từ phía đông kéo tới giữa một nền trời xanh ngăn ngắt một màu. Ở đằng sau nhà, chim hót ríu ran, đánh thức những người còn đang thiêm thiếp. Anh mở cửa nhìn ra ngoài thì lá cây sạch bong ra, lóng lánh như ở trong một phim ảnh màu tuyệt đẹp: sương móc ban đêm rửa hoa lá cỏ cây, rửa cả cát bụi trên các nẻo đường thành phố.

Giẫm đôi giày lên trên đất mịn màng, anh cảm thấy cái mát mẻ của đất, của sương vương trên cỏ thấm vào lòng anh y như thể anh đi chân không vậy. Chim vẫn hót ríu ran. Anh nhìn lên trời cười thì những đám mây hồng toả ra một thứ ánh sáng trắng như sữa, nhẹ như bông, tràn lan trong không khí và úp chụp lấy các lùm cây nội cỏ. Anh tự nhủ: “Hôm nay, chắc nắng to”. Anh sửa soạn một bộ quần áo mỏng để mặc cho nhẹ nhõm và dễ chịu.

Thì quả nhiên, đến buổi trưa nắng thực, nhưng đi lên lầu ngủ vừa dậy, anh cảm thấy có một cái gì rất lạ xảy ra. Anh nhắm mắt lại, nằm lặng yên nghe ngóng, để xem cái tiếng reo ở ngoài vườn vọng lại là tiếng gì mà đến bất thình lình và xôn xao như vậy. Thì ra đó là tiếng reo của gió, của mây, của lá [...] trời đã chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối Chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng Ba nắng ấm.

Cái tháng Ba ở Bắc có những ngày huyền ảo như thế đấy. Nếu là người thích ví von, anh có thể ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước. [...]

Tôi yêu tháng Ba đất Bắc một phần vì thế và tôi không muốn tin rằng cái rét tháng Ba có thể làm cho “bà già chết cóng”. [...]

Riêng cái tên mà người ta đặt cho cái rét muộn màng đó đã thơ mộng lắm rồi rét nàng Bân. Nhưng có ai đã từng rét cái rét ấy, sầu cái sầu ấy đôi lần, tắt đều nhận thức rằng cái rét ấy còn chứa đựng một cái gì đẹp như thế hay hơn thế: đàn bà, con gái trời đã cho xinh đẹp gặp cái rét nàng Bân tự nhiên đẹp trội hẳn lên, như thể có một chiếc đũa thần làm biến đổi cả máu huyết, màu da, con mắt, miệng cười, tiếng nói. Từ xa, ta cảm thấy người nào cũng thơm thơm như những nụ tầm xuân.

Vào tháng Chạp, tháng Giêng, tức là vào cái cữ rét đài, rét lộc, không khí có lúc hanh hao, khô ráo làm cho má và mỗi người đẹp nẻ ra thành những vết chân chim bé nhỏ. Đến cái rét này thì khác hẳn: tự nó đã đẹp và nên thơ, nó lại còn làm cho má và môi của đàn bà con gái cũng nẻ nhưng da không nứt rạn mà chỉ ửng hồng lên như thể da một trái đào tơ mịn màng mơn mởn [...]

Cỏ cây mây nước thấy người ta, trong tháng ấy, tự nhiên đẹp rực rỡ lên, đẹp não nùng, hình như hờn giận và cố ganh đua để cho xanh bằng người, thắm bằng người.

Từ tháng Giêng, cây cối bắt đầu nảy lộc nhưng đến tháng Hai lá non mới bắt đầu ló ra và hoa cũng bắt đầu hé mở, nhuỵ thơm không còn ngậm ý, giấu tình như trước nữa. Đó là mùa “lá bàng tai trâu, sầu đâu() chân chó”: trên các cành bàng, lá non hé mở và cuốn lại, chưa bung ra hết, y như thể tai trâu, còn cây sầu đâu thì vào khoảng này cũng trổ lá non nhưng chúm lại với nhau thành một hình tròn trông giống hệt vệt chân con chó để lại trên mặt đất, sau một đêm mưa tuyết.

Cũng như người con gái dậy thì lớn lên và đẹp không ai biết, chỉ vào khoảng cuối tháng Hai, đầu tháng Ba thì lá bàng, lá sầu đâu nở bung ra. Nhìn lên, lá non xanh màu cốm giót2) dún dầy đu đưa một cách đa tình, làm cho người đa cảm tưởng tượng như cây cối giơ những khăn tay bé nhỏ xanh xanh, vàng vàng ra chào mừng, vẫy gọi... Đến cuối tháng Ba, lá bàng xum xuê che kín cả đường đi. Dọc theo con sông đào chạy ngang các thôn xóm ở Vụ Bản, Hải Hậu... những cây bàng đúng soi bóng xuống sông đào chạy dài tít tắp hàng chục cây số trông như thể một cái tàn bất tuyệt, khổng lồ. Đứng ở dưới nhìn lên, mình cảm thấy đứng ở trong một cái hang kết bằng lá non và không thể không nhớ lại lúc nhỏ còn đi học, sân nhà trường chi chít gốc bàng...

Đó là những cây bàng nguyên giống, chớ không lại căng như những cây bằng mà ta thấy ở đây, mọc cao vun vút và tua tủa lá lên trời. Bàng chính thống cao lên chừng hai sải tay thì lá xoè ra như cái tán, kiểu cây trứng cá, lá to xanh điểm những nốt vàng màu nâu đậm. Lá ấy dùng để nhuộm hàng thì hàng đen không chịu được. Nhưng cái tuổi lên chín, lên mười đâu có thèm biết nhuộm làm gì. Sự mê thích của đứa trẻ nổi tiếng phá phách là tôi hồi ấy, mỗi khi tới mùa bàng, là trèo lên cây đi tìm tổ chim bạc má vì giống chim này ưa làm tổ trong những cái lá bàng cuốn lại và lấy dãi làm chỉ “khâu” hai đầu nối lá lại với nhau.

Trong khi đi bắt tổ chim như thế, các cậu bé thỉnh thoảng lại “vớ” được một cái sâu kèn thì sướng như điên. Lấy que đẩy con sâu ở trong tổ nó ra bóp dập một đầu lại, phùng mang trợn mắt lên thổi toe một tiếng, anh cảm thấy mình là một tên tướng thổi kèn hiệu xuất quân. Anh chạy khắp nhà, thổi ầm cả lên.[..]

Bàng ngon nhất là bàng quế, hột đỏ như son, thơm có khi còn hơn cả đào: đào để gần mình mới thấy thơm chớ vớ được một trái bàng quế thì, nói thực, để cách xa mình cả một sải tay, đã ngửi thấy mùi thơm phưng phức!

Nếu không kiếm được bàng quế, cố mày mò, thám thính vớ được trái bàng đực ăn cũng mê li hết sức: bàng cái nhiều hơn và mọc từng chùm, chớ bàng đực thì có cái phong thái đặc biệt “anh hùng độc lập” đứng một mình một chỗ, không thèm kéo bè kéo đảng với ai. Bàng đực có trái to bằng nắm tay đứa trẻ.

Những người không sành thường nghĩ bàng ăn chát. Thực ra, vớ được một quả bàng đực, nhất là bàng quế, cắn một cái ngập răng, nhai thủng thỉnh, còn ngọt hơn cả cam hay táo. Nếu ăn hết một trái mà anh thấy còn thèm thì lấy hòn đá đập cái hột ra; anh sẽ có một cái nhân bùi như trám; và có nhiều, đem đồ xôi trước cúng cụ, sau ăn thì tuyệt.

Có người bảo cây đa, cây đề là cây tiêu biểu của nước ta. Riêng tôi thấy cây bàng là thứ cây đặc biệt nhất: cành lá đã xum xuê, đứng xa trông về lại đẹp; mặt khác, cả cái cây từ lá cho đến rễ, từ búp cho đến cành đều dùng được việc, không có một cái gì bỏ phí.

Còn cây sầu đâu? Cây sầu đâu cũng vậy. Lá, đưa ngâm ngoài ruộng xâm xấp nước cho ải rồi đem bón nhất định là hơn hẳn phân hoá học, còn thân cây cố chăm nom cho thẳng, dăm bảy năm hạ xuống làm cột nhà, bóng cứ lộng lên mà mối chỉ còn cách trông mà khóc vì không thể nào đục nổi! Thế nhưng tại sao người ta không gọi sầu đâu là xoan ta, lại kêu bằng một cái tên buồn như thế? Phải chăng là tại vì cây này trong héo ngoài tươi, tượng trưng cho những người đẹp u buồn, ngoài miệng thì cười mà thực ra hàng bữa vẫn chan cơm bằng nước mắt?

Cũng vào khoảng cuối tháng Ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Kì đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé, lấm tấm máy chấm đen, nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Có người cho hoa đó là một thứ hoa không vương giả như hoa đào, phong lan, mai mặn... Nhưng các cụ thực biết thưởng hoa lại quả quyết không có một loài hoa nào thơm một cách chân thật, quê mùa như thế. Bây giờ nhắc đến loại hoa này, tôi vẫn còn nhớ in những buổi chiều vàng đi thơ thẩn về miền quê, bỗng lạc bước tới một vùng cát trắng ở Xuân Trường, Hải Hậu, ở Phố Cát, Lương Đường, ở Bình Thuỷ, Mai Động,... san sát những căn nhà nhỏ bé xanh um cây cối, trắng xoá tường với, mà nhà nào cũng có vài gốc sầu đâu vượt lên như ngạo nghễ khoe với trời cao ngắt ngất những chùm bông phơn phớt màu hoa cà êm êm.

Hỡi ơi du khách đa xuân tử! Tôi đố anh nhìn thấy những cái cây mảnh mai yếu điệu mang từng chùm hoa diễm kiều như thế mà lại không dừng chân đứng lại Tự nhiên, anh thấy tim anh nhoi nhói.

Ở đời, thỉnh thoảng ta lại có cảm giác như thế mỗi khi sung sướng quá, mỗi khi yêu nhiều quá. Yêu hoa sầu đâu không để vào đâu cho hết, nhớ hoa sầu đâu ở quê hương ta không biết mấy mươi! Người mắc bệnh lưu li3 đã xa cách phần tử mấy chục năm rồi mà lạ thay sao cứ đến tháng Ba, nhớ đến sầu đâu mình vẫn cảm như còn thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc! Mùi thơm huyền diệu đó hoà với mùi của đất ruộng cấy vỡ ra, mùi đậu đã già mà người nông phu đi hái để đem về phơi nắng, mùi mạ non lên sớm xanh màu hoa lí và đẹp như những bức tranh lập thể, mùi khoai sắn, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên... bao nhiêu thứ đó, bấy nhiêu thương yêu... có phải đã có một lúc anh cảm thấy như ngây ngất, như nhức đầu, như say một thứ men gì phải không?

Anh cứ muốn lạc bước đi như thế mãi để uống cái hương thơm của quê hương vào tận tâm can tì phế. Ấy đó, người Việt trầm lặng như thế đó, có cần gì phải tìm những thú vui đắt tiền – mà ví có tiền thật nhiều đi nữa, chắc gì mỗi lúc đã mua được để mà thụ hưởng? Chúng ta tự hào về điểm đó (...). Một lời chào hỏi đậm đà; một miệng cười niềm nở; một bữa cơm thanh đạm dọn vội vàng để mới người khách phương xa ăn đỡ lòng: quý hoá biết bao nhiêu, tình tứ biết bao nhiêu, thương cảm biết bao nhiêu. [...]

Giữa bầu không khí thơm ngát hương sầu đâu ấy, anh thử bảo người nhà hái về mấy ngọn rau cần đầu mùa, nấu một bát canh với tôm he mà ăn với chén cơm gạo vàng xem có phải anh thấy đúng in những cảm giác đó không? Rau cần là một thứ rau rẻ tiền cấy trong ao, cứ đến giữa tháng Ba thì tốt lá, dài rễ, nhổ lên ăn ngay thì ngọt lừ, khó có thứ rau nào sánh kịp. Nếu nấu canh mãi chán, anh có thể xào rau cần với huyết heo bóp nhỏ, hay muốn cầu kì hơn một chút thì xào với lòng heo, thịt bò. Rau cần, với cải bắp cho một ít rau răm vào, muối xổi, lấy ra ăn với thịt đông hay kho tàu nó lạ miệng và có khi thú hơn cả dưa cải nữa... [...]

Tháng Ba mà không có những ao rau cần xanh ngăn ngắt, tươi hơn hớn không phải là tháng Ba Bắc Việt.

Gió xuân mơn cánh hoa đào,

Mưa xuân phấp phới trên ao rau cần.

Ấy, đất nước này chỉ đẹp giản dị thế thôi, hiền lành thế thôi, ai muốn nói thế nào thì nói chớ dân nước chúng tôi vẫn nhận là đẹp nhất thế giới, đáng yêu nhất trần hoàn.

Cha truyền con nối, đời nọ qua đời kia đã truyền cho nhau nên từ đứa bé mới ra đời cho đến lão bà sắp chết, ai cũng lưu luyến quê hương và không nói ra lời mà ai cũng cảm thông cái đẹp mộc mạc, thần tiên đó. Càng đẹp hơn nữa là những ngày tháng Ba làng nào cũng có hội hè đình đám, đèn chăng lá kết rợp trời, hương án, quạt cờ la liệt. Đó là mùa tế thần, tế thánh, mùa rước kiệu của cả Phật giáo lẫn Công giáo, mùa đánh cờ người, cờ bỏi, mùa rước sắc, mùa chọi gà, chọi cá, nhưng quyến rũ nhất và đặc biệt nhất là những cuộc đấu vật ở Hà Lạng, Trà Lũ, Hoành Nha, Mai Động. [...]

Ở Bắc Việt, tháng Ba có Tết Hàn thực kiêng dùng lứa, chỉ ăn ròng đồ lạnh, ngoài ra lại còn biết bao nhiêu hội hè, mà hội hè nào cũng ý vị, mà cũng nên thơ. mà cũng hấp dẫn người ta như thế, thì bảo làm sao, xa nơi phần tử lâu ngày, người mắc bệnh tương tư kinh niên lại không thương không nhớ.

(Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, NXB Văn học,

Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 1989)

a) Xác định đề tài và đặt nhan đề cho văn bản trên.

b) Chỉ ra đặc điểm của thể loại tuỳ bút được thể hiện ở văn bản trên.

Trả lời:

a) - Đề tài: Tháng ba ở miền Bắc

- Nhan đề: Thương nhớ tháng ba

b) Đặc điểm của thể loại tuỳ bút được thể hiện ở văn bản:

- Văn bản có nhiều đoạn văn vừa kể lại sự việc (không gian, cảnh sắc, thời tiết,...) vừa thể hiện trực tiếp suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết (tình yêu, nỗi nhớ,...).

- Ngôn ngữ của văn bản rất giàu chất thơ và hình ảnh.

Vào chùa gặp lại (Minh Chuyên)

Câu 1 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhân vật chính trong văn bản Vào chùa gặp lại là ai?

A. Sư Đàm Thân

B. Vũ Thị Bích

C. Nguyễn Hồng Quân

D. Sư Trần Diệu Tánh

Trả lời:

Đáp án A

Câu 2 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Câu văn nào dưới đây là biểu hiện của yếu tố phi hư cấu trong văn bản Vào chùa gặp lại?

A. Ngôi chùa có sư Đàm Thân.

B. Qua gần chục ngôi chùa, tôi dừng lại một ngày để đến chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương.

C. Đàm Thân ngồi trầm lặng, ngước nhìn lên, vẻ mặt xa xăm, mắt chớp chớp hồi nhớ một thời đã qua.

D. Nhưng từ lâu Thân đã ấp ủ nguyện ước phó thác cuộc đời nơi Tam bảo.

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đâu là lí do chính khiến Thân từ chối lời đề nghị của Quân về chuyện xây dựng tổ ấm gia đình?

A. Vì di chứng của chiến tranh, Thân không còn khả năng sinh con, không thể đem lại tương lai và hạnh phúc cho Quân

B. Vì Quân bị nhiễm chất độc da cam nên không thể đem lại tương lai và hạnh phúc cho Thân

C. Vì đã lớn tuổi nên Thân không còn mong muốn xây dựng tổ ấm gia đình

D. Vì Thân đã trở thành một nhà sư nên muốn xa lánh hoàn toàn với chốn phàm trần

Trả lời:

Đáp án A

Câu 4 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Câu văn nào dưới đây biểu hiện mức cao nhất thái độ trận trọng, yêu mến của tác giả dành cho nhân vật?

A. Người y sĩ tôi gặp ở binh trạm 31 hơn hai mươi năm trước, giờ đây đã trở thành vị “bồ tát” nhân từ đang ngồi trước mặt chúng tôi.

B. Dù bận mải tối ngày, Thân vẫn tranh thủ học chữ Nho, đọc kinh, tu luyện nhân tâm.

C. Từ đó, ngày ngày Thân làm việc cần mẫn từ sáng sớm tinh mơ đến tận sao khuya.

D. Nét đẹp duyên dáng của người con gái làng biển lại thức dậy trên đôi má trắng tròn và mái tóc dài óng mượt của Thân.

Trả lời:

Đáp án A

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Chỉ ra một số chi tiết cho thấy sự kết hợp giữa yếu tố hư cấu và phi hư cấu trong văn bản Vào chùa gặp lại. Phân tích tác dụng của sự kết hợp đó đối với việc thể hiện nội dung, ý nghĩa của văn bản?

Trả lời:

- Phần mở đầu văn bản kể về tình huống nhân vật “tôi” gặp lại người nữ y sĩ tại chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương vừa có yếu tố hư cấu (tạo tình huống gặp gỡ bất ngờ) vừa có yếu tố xác thực với địa chỉ cụ thể của ngôi chùa và nhà sư Đàm Thân.

Câu 6 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Từ câu chuyện của các nhân vật trong văn bản, em suy nghĩ gì về những hi sinh cao cả của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc?

Trả lời:

Câu chuyện của các nhân vật trong văn bản đã cho người đọc thấy được những hi sinh cao cả của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta từ già trẻ, gái trai,.... đã không ngần ngại hi sinh tất cả, từ cuộc sống cá nhân cho đến gia đình, để hy sinh cho một mục tiêu cao cả hơn - bảo vệ đất nước.Những người lính, chiến sĩ đã đánh đổi tuổi trẻ, cuộc sống hạnh phúc để mang trên vai, trong tim ý chí và tình yêu non sông, non nước, xông pha vào mặt trận, đương đầu với mọi nguy hiểm và khó khăn. Những hi sinh ấy không chỉ là sự cống hiến của các anh hùng lính, mà còn là của những người nơi tiền tuyến, dù họ không trực tiếp ra trận nhưng cũng góp chút sức nhỏ của mình vào việc xây dựng và duy trì quân đội, đóng góp công sức và thực phẩm thiết yếu để nuôi lính, cổ vũ lòng lính, giúp các anh có thể vững chân trên con đường bảo vệ hòa bình đầy bom đạn, khó khăn, nguy hiểm.

Câu 7 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Theo em, câu chuyện muốn truyền đạt tới người đọc thông điệp nhân sinh gì? Điều đó còn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay?

Trả lời:

- Thông điệp: Để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, bao thế hệ người lính trước đây đã phải hi sinh xương máu.

- Điều đó khẳng định ý nghĩa của cuộc sống hôm nay, khiến thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình biết trân trọng và đóng góp những việc làm tích cực cho xã hội.

Câu 8 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Tóm tắt: Tác phẩm Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi) kể về cuộc đời và tấm gương chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út (còn được gọi là chị Út, chị Út Tịch) là người mẹ của sáu đứa con nhỏ – Anh hùng Lực lượng vũ trang ở tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ một cô bé nghèo đi ở đợ, chị đã được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành “người mẹ cầm súng”, người chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm, cùng chồng và đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công.

Văn bản dưới đây được trích từ tác phẩm.

Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã sáu con tên là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, chị có khuôn mặt tròn và đôi mắt to, sáng. Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con Út Trầu, vì chị hay ăn trầu. Lại có người đặt danh chị là “Bà Hồng”) vì chị đánh giặc rất giỏi. Xóm giềng theo tục địa phương, ghép tên chị với tên chồng, cứ kêu là Út Tịch. Mới đây, bà con lại bàn tán một chuyện xảy ra về chị.

Một đêm tối trời tháng giáp Tết vừa qua, dân làng đáy ở ngoài cồn Bản Chát bỗng nghe tiếng đàn bà kêu cứu. Vào mùa nước rong, sông chảy xiết, sóng to, có lượn lớn bằng con trâu, dân nghèo đi làm ăn bị chìm ghe, đồ đạc trôi láng sống Người ta chạy ghe máy ra giữa dòng, vớt lên được một người đàn bà chỉ có đã mắt là tỉnh táo. Trên vai chị, một đứa bé tuổi còn bú, cứng đờ, thở thoi thóp. Cùng với chị còn ba đứa nhỏ gái run rẩy, da tím ngắt.

Đó là chị Út Trầu. Hỏi ra mới biết hôm đó nghe tin giặc bố ngoài sông, chi mướn xuồng chở ít dưa sang Cầu Lộ bán, tiện dịp thăm dò tình hình giặc ngoài đó ra sao. Giặc chặn đường ban ngày, chị phải đi ban đêm. Ra tới giữa sông, sóng lưỡi búa đã bốc nước làm chìm xuồng chị. Sông Hậu Giang rộng mênh mông bé ngang bốn ki lô mét, chèo thẳng tay cũng mất ba tiếng. Mấy mẹ con ngụp lặn giữa trời nước tối đen. Chị Út vai vác đứa con mới đẻ, lội đứng, miệng hò hét điều khiển ba đứa con gái, đứa nhỏ nhất mới tám tuổi, bám theo mép xuồng còn chìm lờ đờ, thả trôi. Xuồng muốn chìm luôn xuống đáy sông, chị cố nâng lên. Mọi việc đều phải tỉnh táo, chính xác. Nếu không khéo, đứa nhỏ trên vai sẽ chết. Quá tay một chút, cái xuồng cũng có thể chìm luôn. Cứ như vậy, hai tiếng đồng hồ, sông lớn, sóng cả đã thua chị.

Lên bờ, thoa bụng con, chị thử sức con bằng cách thọc lét cho nó cười. Mấy mẹ trong xóm nói:

Đàn bà như tao thì sình lên rồi. Nó vậy mà mẹ con còn y.

Mấy mẹ Khơ-me nói:

– Con đó chuyện gì nó cũng làm như đụng giặc vậy.

[...] Hỏi bà con những ai là người nghèo ở Tam Ngãi, bà con sẽ nói ngay là nhà Út Tịch. Má Hai vẫn ngồi kể chuyện gia đình đó cả ngày không hết. Má sẽ nói rằng vợ chồng con cái nó như sao trên trời, đêm quang mây mới tụ lại. Má sẽ hết lời khen Út vì đã tóc quàng tai, vai quàng súng, vừa đánh giặc, vừa làm nuôi con. Út trồng dưa. Con Bé được mẹ dạy bón phân và chiết trái. Trồng dưa không đủ ăn, Út đi vay gạo làm bánh, cho con đem ra chợ bán. Miếng ăn trên cạn, dưới sông, trong giồng, ngoài bãi mẹ con đều đã làm qua. [...]

Nhân dân Tam Ngãi cũng có một thói quen. Dù là Ngãi Nhứt, Ngọc Hồ nhiều vườn hay Bưng Lớn nhiều lúa, dù là bà con người Kinh hay người Khơ-me, đủ là các mẹ chiến sĩ hay các cô gái trong đội văn nghệ, tất cả đều làm một việc giống nhau: giúp đỡ gia đình Út. Nếu thấy chị em con Bé đi một mình thì người ta hiểu rằng cha mẹ chúng đang đi đánh giặc. Và nếu lúc đó có pháo hoặc máy bay bắn thì bất cứ ai cũng có thể ra kéo chúng xuống hầm mình. Còn gặp bữa ăn thì khỏi nói, ai cũng cảm thấy có bổn phận ôm chúng vào nhà, cho ngồi vào mâm, và tìm mọi cách cho chúng thấy ở đây cũng như ở nhà chúng vậy. Út đi ra trận đã bớt phải lo con. Sau khi đánh trận về, mấy mẹ lại kêu chị vào bọc cho vài lít gạo. [...] Chị em con Bé cũng có một thói quen, không ai dạy, nó kêu tất cả ông già bà cả là ông nội, bà nội, những người khác là các bác, các chú, mấy cô, mấy dì, y như tất cả Tam Ngãi đều có họ hàng ruột thịt với gia đình mình vậy.

Hàng xóm với Út có ông Sáu Hò. Người thông tin xã già, hay đặt thơ, nghèo, thương vợ chồng Út như con. [...] Hằng ngày, mẹ đi vắng, khạp hết gạo, chị em con Bé lại kéo sang ông. Ông nội, bà nội vẫn nhịn miệng cho cháu.

Con Bé mới mười tuổi. Nó bồng hết em này đến em khác. Hông nó cũng sần sượng, nổi chai. Bữa cơm, nó nhường hết thức ăn cho em. Nó nhường riết đến nỗi bây giờ không biết ăn thịt cá. Muỗi nhiều quá, nó cắt lá chuối, hơ nóng, lót võng cho em ngủ. Nửa đêm, muỗi đốt, thằng em ngủ trèo lên ngực nó. Hằng ngày, chị em đi câu cá bống về bằm sả, đi lượm vỏ đạn giặc bắn bỏ ngoài gò mả về cho mẹ. Thấy cái thau, cái vung nào gỉ người ta vứt lại lượm đem về cho ông Mười quân giới. Con bé vô vườn bà Ba xin bẻ bắp chuối, rọc lá, lượm chanh rụng đem ra chợ bán. Bán được đồng nào, nó mua dầu, nước tương, không quên mua đồng bạc bánh bèo về chia cho em. Nó đi chở nước đá mướn, lâu lâu kiếm vài chục. Tháng Bảy, giáp hạt, mẹ nằm chỗ, con Bé dậy sớm nấu xông cho mẹ, rồi dắt em đi mót khoai lặt, khoai nước. Đầu mưa, đi mót giá đậu mọc trắng ngoài rẫy. Tháng Năm, đi xin dây khoai về giâm. Chị em bơi xuồng đi bắt ốc mò cua, ra cồn cắt lác làm dây buộc gói mang ra chợ bán. Những tháng Tam Ngãi đói, con Bé nấu cháo buổi sáng, chiều mới nấu cơm cho em ăn. Đêm, no bụng, em không khóc, còn ban ngày, có đói, chị em kéo sang hàng xóm được. Cả bốn đứa em đều sợ chị. Bảo tắm là tắm, nằm là nằm. [...] Con Bé chỉ hiểu rằng mẹ đi đánh giặc thì mẹ không có ở nhà, còn nó thì là chị nên phải lo cho em. Nó chưa hiểu được cái kế hoạch Xta-lây Tay-lo đang bị sa lầy ở Tam Ngãi, mẹ nó đang cùng các bác, các chú

đánh tới tấp vào các ấp chiến lược, và cô bác Tam Ngãi vẫn thường nói: "Mẹ con nó dạy nhau cùng một khuôn, con Út kia đi đánh giặc lại có con Út nọ ở nhà

Tháng 5 năm 1964, Út được Mặt trận tỉnh tuyên dương công trạng. Cuộc lễ đông hơn ba ngàn người. Chị được tặng một cây cạc-bin và mười lăm mét vải Giữa ánh điện sáng rực, trước máy phóng thanh, Út nói:

– Tôi đi đánh giặc được Mặt trận thương, cô bác thương nên cứ đánh hoài. Bây giờ trên cho làm xã đội phó, tôi cũng đánh hoài.

[...] Cuối tháng 7 năm 1964, cả nước vô đợt tấn công. Riêng ở Tam Ngãi, du kích phải bao vây khu bót Bà Mi. [...] Muốn bao chặt nó, du kích phải làm đủ mọi việc: đắp mô cắt đường tiếp viện từ Cầu Kè, diệt ác ôn, đánh bọn Cầu Kè để dẫn mặt, thường trực nằm ngày đêm quanh bót...

Những mô đất đồng bào đắp trên đường đi Cầu Kè cao như trái núi con. Tiểu đội nữ du kích gom hàng xuống gáo dừa về gắn vào mô, có gài kèm lựu đạn. Giặc đón phá, bị nổ tung, chúng đổ đạn có đến hàng tấn vào đám gáo dừa mà xe vẫn không dám chạy.

Đó là sáng kiến của đồng bào Kế Sách, Út đã học được.

Du kích nam vào sát bót, du kích nữ đánh vòng ngoài. [...] Hằng ngày, Út chỉ gặp con từ nửa đêm tới sáng.

Ban ngày, đôi khi chị cũng ghé về. Nhìn thấy mẹ bước vô cửa, đàn con reo lên. Nhưng mẹ chúng chỉ về lấy thêm đạn, xắn tay chùi mũi cho đứa nhỏ một cái, rồi đi ngay. Cả năm đứa không đứa nào đòi theo. Súng vẫn nổ dồn dập. Súng của ta ở cái thế đi tìm giặc mà đánh. Ở nhà, mỗi lần nghe súng, mấy đứa trẻ lại bị bộ: má đánh chỗ này, ba đánh chỗ kia. Ngay trước nhà là hướng ấp chiến lược 3. Dịch sang một chút là ấp 2, ấp 1. Ngang hông là Cầu Kè. Sau hè là bót Bà Mi. Mấy đứa trẻ nghe hướng súng nhận ra nơi cha mẹ. Thị trấn nổ là ba đánh. Bà Mi nổ là má và các cô. Hằng ngày, con Bé vừa đi làm vừa điều khiển đàn em núp máy bay. Máy bay bay như bọ hung trên nóc nhà. Trực thăng Mỹ kêu loa ong óng đòi Giải phóng quân ra đầu hàng! – "Giải phóng quân mắc đi đánh bót, chỉ có "Giải phóng quân con" ở nhà đây thôi! Con Giải phóng quân không biết đầu hàng! Chừng nào giết hết không còn thẳng Mỹ và tay sai nào nữa thì Giải phóng quân sẽ về cùng

nhân dân trồng rẫy, nuôi con". Con Bé vẫn nghe mẹ nói vậy.

Tối ngày, nó cột khăn trên đầu, lúc ngủ quần cũng còn vo quá gối. Nó nấu cơm cho em ăn rồi cho tất cả lên võng ngồi đưa. Nó chạy tới trạm giao liên xin chạy thư hoả tốc phụ với các cô. Buông việc ra là nó leo lên ngọn dừa trước nhà. Lên đó, nó nhìn thấy dinh quận, nhà máy, lằn sông, thấy những nơi ba má nó đánh giặc. Có máy bay ném bom xa, nó leo lên dòm hướng: Chà Mẹt, Phong Phú, Tân An, Xẻo Khế, Đường Cức, Trà Ôn,... bom nổ nơi nào, nó nói ngay nơi đó. Mấy bà mẹ bồng con đứng bên chợ, bên sông, tất cả đều nhóng lên ngọn dừa, chờ tin nó. Má đi vắng, nó bơi xuồng đến các cơ sở binh vận của má đem về hàng túi đạn. Mấy mẹ chiến sĩ mà nó vẫn kêu là bà nội, kêu nó ghé xuồng, cho gạo, cho thức ăn, cho bánh đem về cho em. Bao giờ nó cũng chừa phần cho má, có khi là một trái chuối đã chín rục.

Thường quá nửa đêm, Út mới về tới nhà. Con Bé bật dậy ra mở cửa. Trong mùng, bốn đứa nhỏ là nhỏ nhố: "Má về, má về", rồi thức dậy đều hết. Út không kịp cởi bao đạn, ôm lấy con. Thằng Hiển nhỏ nhất, níu lấy cây cạc-bin của mẹ, đòi ngoéo cò. Con Thanh, em kế con Bé, cởi bao đạn cho mẹ. Con Thơ, con Anh, em kế con Thanh, ôm lấy cổ mẹ. Út phân phát bánh cho con. Những tấm bánh Út đã nhịn sau khi đánh trận về, mấy mẹ cho du kích mỗi người một cái ăn lót dạ. Trong những tiếng ríu rít của đàn con, Út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kì lạ, tưởng như việc sống chết vừa xảy ra hồi nãy đây là không có. Và nếu có, nó cũng chỉ còn như những tia chớp yếu ớt, rất xa, trong những đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh đầm ấm của mẹ con trong nhà. Thực ra, lúc nằm phục kích, bao ý nghĩ Út đều quay cả vào giặc. Súng nổ, chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến con. Nếu mình hi sinh, nó sẽ ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng. Giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con mình. Nghĩ đến cảnh đàn con phải đi ở đợ như mình ngày xưa, Út không chịu nổi – "Còn cái lại quần cũng đánh!" – Út dạy con như vậy.

- Quây quần bên con, Út tập cho con bắn súng. Tay chân chị cũng múa may cùng với con. Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát:

Anh eng ta như ạn con ùi

Nó có đúng mình có dao gam

Nó éo cô thì mình ở ô đâm. (*)

(* Anh em ta như bạn con ruồi . Nó có súng mình có dao găm / Nó ngoéo cò thì mình nhảy vô đâm - Bài hát do trẻ con Tam Ngãi tự đặt ra)

Ca sáu mẹ con cùng cười.

Út kiểm lại khạp gạo và chai nước tương rồi đặt kế hoạch ngày mai cho đàn con. Mẹ con đi ngủ. [...] Út nằm giữa, đàn con bao tròn chung quanh. Một lát, anh Tịch về. Cảnh đầm ấm ấy lại diễn ra. Hôm sau, hai vợ chồng lại ra chỗ phục kích

[...] Hai giờ chiều giặc đổ bộ lên ấp Tân Vinh một trung đoàn cần vào hai mặt Út đi nắm tình hình giặc rồi về bàn với các anh bộ đội:

– Các anh gài súng hai đầu cho cứng, đánh. Khúc giữa, cứ để du kích tụi tôi Mặt trận dàn thành hai hướng đón địch. Công sự của du kích đào gần nhà Út, cách một cây cầu. [...] Út dặn chị em bình tĩnh, chờ bộ đội nổ trước. Chị vọt về cầu, la - Cô bác xuống hầm hết nghe, nó tới rồi!

Út lại chạy sang. Người mệt, chân muốn bẻ lái ra sau. Giặc khúm núm dò từng bước.

Bộ đội vẫn kiên gan chờ nó vào tầm súng. Út lại chạy về nhà, dặn con:

– Đừng có ra, nghen con! Nó tới rồi! Đừng sợ nó, nghen!

Tiếng đàn con ó ré từ dưới hầm trả lời mẹ. Cái hầm là một lớp áo đất, trên để bộ vạt. Út nhìn vào. Con Bé đang bồng thằng nhỏ. Bốn đứa kia nhìn mẹ cười. Út nói:

– Chổng khu lên con!

Cả bốn đứa đều chống tay xuống đất, chổng mông lên trời như bốn tại nấm. Đó là động tác ngồi hầm, chống bom làm tức ngực. Út đã dạy con từ trước.

Chưa lần nào mặt trận của Út lại ở gần con như vậy. Chị chạy sang, một loạt đạn giặc véo trên đầu.

Trên một trăm thằng giặc bị tiêu diệt ngay loạt đầu tiên. [...] Giặc bắn hoảng, đạn như mưa, bay lên ngọn tre cũng có mà cày đất công sự ta cũng có. Út chỉ huy tiểu đội bắn đồng loạt trấn áp địch. Tiếng “bá đỏ” kêu ùm ùm như trống đánh. [...]

Bộ đội xung phong. Du kích nhào theo. Đang thu súng thì sáu khu trục, bảy trực thăng, hai cào cào lên bắn phá như điên xuống giữa xóm. Lửa cháy rát mặt. Bộ đội lao vào cứu dân. Út chạy vào nhà bà Ba, ném đồ ra ngoài. Một anh bộ đội bị thương, Út và hai cô du kích khiêng vào nhà hộ sinh, kêu mấy cô mụ ở dưới hầm lên băng bó. Út để lại trên người anh năm trái cam vừa xin được rồi chạy về nhà. Máy bay ném bom chếch sang xóm trên. Nhà Út không cháy nhưng miểng bom phang nát như rổ sảo. Cây dừa trước cửa bị chặt đứt, rơi xuống bít lối. Bụi đất tùm lum ở miệng hầm. Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chống mông lên trời. Con Thanh giương hai con mắt đen nhánh dòm ra. [...] Đàn con bu lấy mẹ.

Tóc chúng hôi mùi khói bom. Út rờ khắp mình các con coi có đứa nào bị thương không. Nhưng không, cả sáu đứa như sáu củ khoai, da thịt vẫn chắc như da anh Tịch. [...]

Hai bữa sau, giặc lại càn, nhưng không dám vào. Út lận trái lựu đạn lên đầu tóc, choàng khăn đi tìm giặc. Tới khúc quẹo, gần đụng đầu mà Út không thấy chúng. Chị câm, người Khơ-me, một người đàn bà nghèo, không chồng, khoát tay la ơ ơ cho Út chạy. Giặc xả súng bắn theo. Chúng đến lấy báng súng đánh người đàn bà tật nguyền ấy gần chết.

Tam Ngãi hoàn toàn giải phóng, sau gần hai mươi năm bị kìm kẹp.

[...]

(Nguyễn Thi, Người mẹ cầm súng, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1970)

a) Tác giả thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với nhân vật Nguyễn Thị Út?

b) Chỉ ra đặc điểm của thể loại truyện kí được thể hiện qua văn bản trên.

c) Nhân vật Nguyễn Thị Út trong văn bản trên và nhân vật Lương Thị Thân trong văn bản Vào chùa gặp lại giống nhau ở những điểm nào?

Trả lời:

a) Tác giả đã thể hiện thái độ cảm phục, ngưỡng mộ và yêu mến đối với nhân vâth Nguyễn Thị Út (Út Tịch).

b) Đặc điểm của thể loại truyện kí được thể hiện qua văn bản trên:

- Phần mở đầu văn bản vừa giới thiệu về nhân vật Út Tịch vừa kể tình huống chị cùng bốn đứa con nhỏ vật lộn với sóng lớn của sông Hậu Giang khi bị chìm xuống. Sau hai tiếng đồng hồ vật lộn, sông lớn, sóng cả đã thua chị. Điều này làm hiện lên chân dung sử thi về một người me bản lĩnh, gan dạ trước tình huống nguy hiểm trong đời thường. Đồng thời, người đọc hình dung, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chắc hẳn đây sẽ là một người mẹ anh hùng. Phần này vừa có yếu tố xác thực (họ tên và địa chỉ cụ thể của nhân vật Nguyễn Thị Út), vừa có yếu tố hư cấu (tình huống chị Út và bốn đứa con nhỏ bị chìm xuống ở sông Hậu Giang suốt hai tiếng đồng hồ vật lộn với sông cả…).

c) Nhân vật Nguyễn Thị Út trong văn bản trên và nhân vật Lương Thị Thân trong văn bản Vào chùa gặp lại có những điểm tương đồng, đó là đều là những người phụ nữ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mang đậm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như đảm đang, nhân hậu trong đời thường, dũng cảm trong chiến đấu; được dân làng và mọi người xung quanh yêu mến, trân trọng.

Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dòng nào dưới đây nêu sát nhất đề tài của văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông?

A. Sông Hương của xứ Huế

B. Đất và người xứ Huế

C. Phong tục xứ Huế

D. Thời tiết xứ Huế

Trả lời:

Đáp án A

Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Thông tin nào sau đây cho biết điểm độc đáo của sông Hương so với các dòng sông đẹp khác?

A. Hiển nhiên sông Hương đã sống những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó

B. Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya

C. Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc

D. Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tác giả thường nghe nói đến, hình như duy chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố

Trả lời:

Đáp án D

Câu 3 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Ở thượng nguồn, vẻ đẹp của sông Hương được so sánh với hình ảnh nào sau đây?

A. Điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế

B. Cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại

C. Một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya

D. Một người con gái dịu dàng của đất nước

Trả lời:

Đáp án B

Câu 4 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Sông Hương trong sách địa dư của Nguyễn Trãi mang tên là:

A. Giang Linh

B. Sông Hương

C. Linh Giang

D. Sông Thơm

Trả lời:

Đáp án C

Câu 5 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo tác giả, vẻ đẹp trầm mặc của sông Hương thể hiện rõ nhất ở đoạn nào?

A. Đoạn giữa lòng đại ngàn Trường Sơn

B. Đoạn xuôi về Huế với những rừng thông và lăng tẩm

C. Đoạn vùng ngoại ô Kim Long với những biền bãi xanh biếc

D. Đoạn qua vùng ngoại ô Vĩ Dạ với màu xanh biếc của tre trúc

Trả lời:

Đáp án B

Câu 6 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhận định nào sau đây không đúng khi nói về văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông?

A. Thể hiện vốn hiểu biết sâu rộng của nhà văn về nhiều lĩnh vực

B. Văn phong hướng nội, tinh tế và rất mực tài hoa

C. Thể hiện tình yêu, sự gắn bó sâu nặng của tác giả với xứ Huế

D. Giọng điệu sắc sảo pha lẫn sự hài hước

Trả lời:

Đáp án D

Câu 7 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Ngôn ngữ của văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? có điểm gì nổi bật? Hãy dẫn ra một số câu văn để minh chứng cho điều đó.

Trả lời:

- Đặc trưng nổi bật của tác phẩm thể loại tuỳ bút là ngôn ngữ giàu chất thơ và hình ảnh.

- Một số câu văn để minh chứng cho điều đó:

+ “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại.”.

+ “Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.”.

+ “Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ...”.”.

Câu 8 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Qua việc khắc hoạ hình tượng sông Hương, nhà văn thể hiện tình cảm, thái độ gì đối với quê hương, xứ sở?

Trả lời:

Tình cảm, thái độ của nhà văn đối với quê hương, xứ sở được thể hiện qua các câu văn:

- “Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất.”.

- “Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố.”

“Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước”.

- “Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.”.

Câu 9 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy chỉ ra và làm sáng tỏ đặc điểm tuỳ bút thể hiện qua văn bản này (cái “tôi” độc đáo, sự kết hợp tự sự và trữ tình, ngôn ngữ giàu chất thơ).

Trả lời:

- Cái “tôi” độc đáo của tác giả thể hiện ở sự tài hoa (cẩn trọng, kì công,... khi miêu tả vẻ đẹp sông Hương), uyên bác (có vốn hiểu biết sâu sắc về sông Hương từ nguồn gốc, tên gọi, lịch sử, địa lí,...) và tình yêu say đắm với quê hương xứ sở (thể hiện qua nhiều chi tiết, hình ảnh, từ ngữ,...).

- Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình khiến hình tượng sông Hương hiện lên không chỉ là dòng nước chảy mà là một sinh thể có tình cảm, tâm hồn phong phú. Đồng thời, người đọc cũng cảm nhận rất rõ tình cảm yêu mến, tự hào mà tác giả dành cho dòng sông của quê hương.

- Ngôn ngữ giàu chất thơ khiến văn bản văn xuôi đẹp như một bài thơ bởi nhịp điệu và hình ảnh. Ví dụ, những câu văn sau:

“Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng.

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại.

Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sống Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.”.

Câu 10 trang 32 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Văn bản đem lại cho em suy nghĩ gì trong việc nhìn nhận vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên quê hương mình? Hãy viết về một cảnh đẹp của quê hương em bằng một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng).

Trả lời:

Trên mảnh đất chữ S thân thương của chúng ta có biết bao phong cảnh tươi đẹp. Em thích nhất là Hồ Gươm xanh xanh giữa lòng Hà Nội. Màu xanh ấy là xanh ngọc óng ánh của lá, xanh thẳm của mây trời và đặc biệt là xanh lục sóng sánh của làn nước. Mỗi khi những chị gió nhẹ lướt qua, làn nước lại lăn tăn gợn sóng. Xung quanh, những hàng cây xà cừ, sấu, si,… cổ thụ như những vệ sĩ canh giữ lòng hồ. Đêm đêm, Hồ Gươm lấp lánh ánh đèn với Tháp Bút, với đền Ngọc Sơn, với cầu Thê Húc. Ai ai cũng nô nức kéo đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng biệt của hồ. Em luôn mong những tối cuối tuần để được ngắm cảnh, ngắm dòng người và chơi nhiều trò chơi vui thú.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ văn 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài tập tiếng Việt trang 33, 34

Bài tập viết và nói - nghe trang 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41

1 435 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: