SBT Ngữ Văn 11 Bài tập tự đánh giá cuối học kì II trang 59 - Cánh diều

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài tập tự đánh giá cuối học kì II sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 154 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài tập tự đánh giá cuối học kì II - Cánh diều

Câu 11 trang 59 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Các câu tự luận 6, 7, 8, 9 ở SGK, phần Tự đánh giá cuối học kì II, trang 149-150).

– 6. Nêu tác dụng của các yếu tố vần và nhịp của đoạn trích nêu trên.

– 7. Chỉ ra yếu tố tượng trưng trong đoạn trích trên.

– 8. Em hiểu “đường thơm” trong đoạn trích trên là gì?

– 9. Nhà thơ nhận biết và diễn tả cảm xúc của mình bằng các giác quan nào?

Trả lời:

– 6. Các vần trong đoạn thơ đều là vần cuối, đan xen rất hài hoà giữa vần bằng và vần trắc theo thứ tự sau:

+ Vần bằng (rơm / thơm) -> vần trắc (tượng / phượng) -> vần bằng (lâu/ sâu) -> vần trắc (ngợp / hợp) -> vần bằng (nào / dao) -> vần trắc (chứ / tự) -> văn bằng (đi / chi).

+ Cách gieo vần này mang lại cho người đọc âm hưởng nhịp nhàng, bổng trầm đan xen rất êm ái, hài hoà,... phù hợp với diễn tả tâm trạng mơ màng, thực lẫn mộng trong cảm xúc của chủ thể trữ tình.

– 7. Hình ảnh tượng trưng "đường thơm".

– 8. “đường thơm” trong đoạn trích trên vừa cụ thể như màu nắng vàng mật gieo vãi ánh sáng trên khắp mọi lối quê, vừa như mây lam đã hòa tan trong tâm hồn thành bến bờ vĩnh cửu cho mọi nỗi nhớ đổ về. Đường qua những cánh đồng mía hơi hướm ngọt lịm dẫn về quê ngoại, đường tấp nập người đứng trên bờ sông vang lừng tiếng “hò dô ta” đến vỡ giọng theo những cuộc đua ghe tưng bừng trên sông nước, đường vàng rực hoa bí hoa dưa thả giấc mơ bay lên đua với những cánh diều trên cồn bãi ven sông… Trong tất cả những con đường ấu thơ thơm ngát và vô tận ấy, thì một lối nhỏ từ ngõ nhà tôi dẫn ra bến nước sau ngôi đình làng là con đường xưa hơn hết trong mọi lối xưa.

– 9. Nhà thơ nhận biết và diễn tả cảm xúc của mình bằng các giác quan: Thị giác để quan sát cảnh vật trên đường; khứu giác để ngửi thấy mùi hương.

Câu 12 trang 59 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2:

Đề 1 (SGK). Phân tích giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh trong một tác phẩm văn xuôi đã học ở Bài 5 và Bài 7 trong sách “Ngữ văn 11”, tập hai.

Đề 2. Phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm bi kịch thể hiện trong một văn bản đã học ở Bài 8, “Ngữ văn 11”, tập hai.

Trả lời:

Bài viết tham khảo

Đề 1:

Mác-xim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông là người rất đam mê đọc sách và cùng với những gian khó tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh khát vọng sáng tác của ông. Truyện “Trái tim Đan-kô” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, được trích ở phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về sự hy sinh cao cả, tấm lòng vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở thảo nguyên u ám, với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hoang đường. Chính ánh lửa này xuất phát từ câu chuyện của một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây trong bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không chiếu đến. Họ không có con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng và buông xuôi tất cả. Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện để cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm cách để dẫn dắt mọi người vượt qua khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối này. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc một kiệt sức thì con người lại lộ ra bộ mặt yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi cho Đan-kô. Họ mắng mỏ, họ bảo anh phải chết đi. Mặc dù Đan-kô rất phẫn nộ trước hành động ấy nhưng anh lại nhận ra rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và yêu thương con người mặc cho bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định cứu mọi người. Ý nghĩa muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không được tin tưởng đến mức phải gào to lên như sấm. Và anh đã có một hành động xé toang lồng ngực của mình và dơ cao lên.

Ngọn lửa trong trái tim Đan-kô đã xua tan đi mây mù và anh đã dẫn mọi người chạy ra khỏi khu rừng tối tăm này. Anh đã đưa được mọi người ra ngoài và sau đó gục xuống chết. Bằng cách đổi lấy sinh mạng của mình, anh ấy đã mang trái tim ấm áp, một lòng tốt của một trái tim dũng cảm soi sáng dẫn đường cho đoàn người. Nhưng rồi có ai nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy hy vọng vì được cứu sống rồi họ lại lập tức quên luôn người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh một con người xả thân cứu người mà không đòi hỏi được đền đáp. Go-rơ-ki đã dùng những từ ngữ chân thành và tốt đẹp nhất để ca ngợi, để trân trọng trước cái chết của Đan-kô. Đó còn là bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Phải chăng khi con người đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên mất mình là ai, sống một cách ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, một lòng tốt chân thành mà không cần đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh sự sống của con người đã hiện lên thật đặc sắc trong tác phẩm “Trái tim của Đan-kô” của Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy nghĩ về những giá trị sống và mối quan hệ giữa con người trong hiện thực thực cuộc sống.

Đề 2

Kịch là một thể loại văn học đặc sắc của văn học Việt Nam. Nhắc đến tác phẩm kịch tiêu biểu Việt Nam, không thể không nhắc tới "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" của Lưu Quang Vũ - một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học dân tộc. Đoạn kịch "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy tư về bi kịch và khát vọng được sống là chính mình của nhân vật Hồn Trương Ba.

Điểm nổi bật gây nhiều ám ảnh đầu tiên trong đoạn kịch là bi kịch của Trương Ba. Chuỗi bi kịch khởi đầu ở cái chết oan uổng của Trương Ba do sự tắc trách của quan trời. Trương Ba là ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, giỏi đánh cờ, hiền lành, yêu thương vợ con và tâm hồn trong sạch. Chỉ vì Nam Tào vội đi dự tiệc nên đã bắt chết nhầm. Đang sống cuộc sống êm ấm với gia đình lại đột ngột chết đi, đây là một bi kịch đau lòng.

Theo lời khuyên của "tiên cờ Đế Thích", Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai", muốn trả lại công bằng cho Trương Ba bằng cách cho Trương Ba sống lại. Không phải sống hoàn toàn mà là hồn được tiếp tục sống trong thân xác của một người khác - anh hàng thịt mới chết gần nhà. Chính sự thay đổi này đã đẩy Trương Ba vào chuỗi bi kịch đầy đau khổ, dằn vặt. Con người vốn là tổng thể thống nhất giữa linh hồn và xác thịt, thế nhưng Trương Ba lại được sống mà không được là chính mình trọn vẹn.

Bời vì sống nhờ trong thân xác của người khác, ông rơi vào bi kịch bị tha hóa về nhân cách. Trước kia, Trương Ba là ông lão làm vườn chăm chỉ, khéo léo, luôn quan tâm vợ con, chăm lo cho các cháu, hòa thuận giúp đỡ xóm làng. Trong mắt những người thân yêu, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, đáng kính. Còn hiện tại, từ khi linh hồn sống lại trong thân xác của anh hàng thịt, ông trở nên thô lỗ, phàm phu. Xác thịt kia dù âm u, đui mù nhưng vẫn có sức mạnh riêng. Có lúc linh hồn nhân hậu, trong sạch phải thỏa hiệp với những đòi hỏi bản năng của xác. Đáng sợ hơn, linh hồn trong sạch ấy còn dần bị nhiễm độc bởi xác thị tầm thường của người đồ tể. Chính Trương Ba cũng nhận ra sự thay đổi của chính mình dù cố gắng phủ nhận: "Không! Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn...". Song cuối cùng vẫn phải ngầm thừa nhận mình đang dần đánh mất bản thân: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta."

Không những dằn vặt bởi nhân cách dần biến chất, Trương Ba còn phải đối mặt với bi kịch không được chính gia đình của mình thừa nhận. Trở về trong thân xác một người đàn ông xa lạ, vợ ông vô cùng đau khổ, muốn tìm cách tránh mặt và định bỏ đi. Con trai hư hỏng, cô cháu gái vốn vô cùng yêu thương ông lại tỏ thái độ thù ghét, xua đuổi quyết liệt "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Con dâu là người duy nhất cảm thông với ông, nhưng "...làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?". Không ai chia sẻ, không ai thấu hiểu cho bi kịch cuộc đời ông. Hồn Trương Ba trong da anh hàng thịt còn vô tình gây nên những xáo trộn, bất an trong gia đình, khiến những người thân đau khổ theo. Trong gia đình của chính mình, ông trở nên cô đơn, lẻ loi.

Tuy nhiên, rơi vào tấn bi kịch này, Trương Ba không dễ dàng cam chịu, buông xuôi mà có khát vọng vô cùng mãnh liệt. Khát vọng trước tiên bùng cháy lên là thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trương Ba ý thức được tình cảnh trớ trêu khi sống mà bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông thấm thía nỗi đau khổ và dằn vặt khi bản thân dần có xu hướng tha hóa, gia đình đau khổ, không thể chấp nhận sự vênh lệch giữa hồn và xác. Thái độ kiên quyết, dứt khoát của ông được nhấn mạnh qua một loạt các từ ngữ: không thể tiếp tục, không thể được, không thể trong lời thoại của mình.

Khát vọng mạnh mẽ nhất thiêu đốt trái tim người có tâm hồn trong sáng là khát vọng được sống là chính mình. Trương Ba muốn là mình một cách toàn vẹn, muốn là một chỉnh thể thể xác và linh hồn hòa hợp, vẻ bên trong và bên ngoài, suy nghĩ và hành động thống nhất với nhau. Trương Ba khát vọng sống, nhưng là một cuộc sống có ý nghĩa, không trộn lẫn sự dung tục, tầm thường. Khát vọng của ông được thể hiện rõ nét trong cuộc tranh cãi giữa linh hồn và thể xác. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai mặt của con người. Một bên là tiếng nói bản năng của thể xác, một bên là tiếng nói lý trí của linh hồn thanh cao, trong sạch, thể hiện khát vọng hướng thiện và khát vọng vượt lên những mong muốn tầm thường, u ám.

Không muốn tiếp tục cuộc sống nương nhờ, bị chi phối bởi xác người hàng thịt, Trương Ba dằn vặt và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Ông trả lại xác cho anh hàng thịt, lựa chọn cái chết thực sự để linh hồn được trong sạch, hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cái chết ấy là chi tiết đắt giá nhất bộc lộ khát vọng sống tốt đẹp của Trương Ba.

Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành cồn tình huống kịch đầy căng thẳng, đưa vở kịch đạt đến cao trào rồi giải quyết mâu thuẫn một cách logic, hợp lí. Những màn đối thoại, độc thoại được sáng tạo sắc nét không những giúp nhân vật bộc bạch suy nghĩ, tính cách mà còn giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm, triết lý sâu sắc được gửi gắm.

Đặc biệt, tác giả khéo léo kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở như lối sống giả dối, giữa những dục vọng u ám thấp hèn với những khát khao cao cả, tốt đẹp. Qua đó tái hiện rõ nét bi kịch và nâng niu khát vọng thanh cao của nhân vật. Đồng thời gửi gắm thông điệp nhân sinh ý nghĩa: vật chất và tinh thần trong đời sống con người cần hài hòa song song, không nên kì thị những đòi hỏi vật chất tầm thường, tôn trọng quyền tự do cá nhân, sống là chính mình nhưng cũng phải cố gắng trở nên tốt đẹp hơn.

Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt xứng đáng là tác phẩm kịch xuất sắc của văn học Việt Nam. Để rồi rất nhiều năm tháng qua đi, những giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm vẫn làm rung động bao trái tim độc giả.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ văn 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

I. Bài tập ôn tập trang 57

1 154 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: