Quy định về thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất [Năm 2023]

Điều kiện cấp chứng chỉ nghiệp vụ hải quan là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để giải đáp những thắc mắc này bạn nhé!

1 150 lượt xem


Quy định về thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất [Năm 2023]

1. Hồ sơ dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

Hồ sơ dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC) như sau:

Quy định về thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất [Năm 2023] (ảnh 2)

* Hồ sơ đăng ký dự thi lần đầu

Hồ sơ đăng ký dự thi lần đầu để cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, người dự thi nộp một (01) bộ hồ sơ, bao gồm:

- Phiếu đăng ký dự thi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BTC;

- Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật, kỹ thuật; 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu;

- Hai (02) ảnh màu 3x4cm chụp trong thời gian 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi có ghi rõ họ tên, năm sinh ở mặt sau của ảnh (01 ảnh dán vào phiếu đăng ký dự thi, 01 ảnh dán vào Chứng chỉ khi được cấp).

- Văn bản ghi kết quả học tập trong trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện chuyên ngành đáp ứng điều kiện miễn thi theo quy định tại tiết a.1 điểm a và tiết b.1 điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC): 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu;

- Văn bản xác nhận của trường đại học, cao đẳng mà người đăng ký dự thi công tác trước khi thôi làm giảng viên trong trường hợp người dự thi thuộc đối tượng miễn thi theo quy định tại tiết a.2 điểm a và tiết b.2 điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC): 01 bản chính

* Hồ sơ đăng ký dự thi lại các môn thi chưa đạt

Hồ sơ đăng ký dự thi lại các môn thi chưa đạt, người dự thi nộp một (01) bộ hồ sơ, bao gồm:

- Phiếu đăng ký dự thi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BTC;

- Hai (02) ảnh màu 3x4cm được chụp trong thời gian 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi có ghi rõ họ tên, năm sinh ở mặt sau của ảnh để dán vào Phiếu đăng ký dự thi và Chứng chỉ khi được cấp.

Quy định về thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất [Năm 2023] (ảnh 3)

2. Đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

* Đăng ký dự thi

Người dự thi đăng ký dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan làm căn cứ tổ chức thi.

* Thời gian, địa điểm thi

- Việc thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được tổ chức ít nhất một năm một lần; có thể tổ chức thi theo khu vực, địa phương đảm bảo số lượng người đăng ký dự thi.

- Thông tin về thời gian, địa điểm nộp hồ sơ; thời gian, địa điểm thi và các thông tin khác liên quan đến kỳ thi được Tổng cục Hải quan thông báo chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố; báo Hải quan điện tử; niêm yết tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh, thành phố và gửi qua hộp thư điện tử của người đăng ký dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan chậm nhất là 60 ngày trước ngày thi.

* Nộp hồ sơ dự thi

- Trong thời gian thông báo nêu trên, người dự thi phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thuận tiện do người dự thi lựa chọn và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi, Cục Hải quan tỉnh, thành phố lập danh sách người dự thi đủ điều kiện dự thi kèm hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí dự thi gửi về Tổng cục Hải quan để tổng hợp và công bố danh sách người đủ điều kiện dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để người dự thi biết.

(Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC)

3. Các môn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

* Các môn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

Các môn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC) bao gồm:

- Môn thứ nhất: Pháp luật về Hải quan, bao gồm các nội dung về:

+ Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các Nghị định quy định chi tiết thi hành; 

+ Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan.

- Môn thứ hai: Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, bao gồm các nội dung về giao nhận vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thanh toán quốc tế.

- Môn thứ ba: Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan, bao gồm các nội dung về thủ tục hải quan, phân loại hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ và chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

* Trường hợp miễn thi các môn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

Căn cứ khoản 7 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC), các trường hợp miễn thi các môn thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan bao gồm:

- Miễn thi môn Pháp luật về hải quan và môn Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan đối với trường hợp sau:

+ Người tốt nghiệp chuyên ngành hải quan thuộc các trường đại học, cao đẳng mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp;

+ Người đã làm giảng viên thuộc chuyên ngành hải quan tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.

- Miễn thi môn Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương đối với trường hợp sau:

+ Người tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ngoại thương, thương mại quốc tế, kinh tế đối ngoại, kinh tế quốc tế hoặc logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các trường đại học, cao đẳng mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp;

+ Người đã làm giảng viên thuộc chuyên ngành kinh tế ngoại thương hoặc thương mại quốc tế hoặc kinh tế đối ngoại hoặc kinh tế quốc tế hoặc logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) mà đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.

Quy định về thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan mới nhất [Năm 2023] (ảnh 3)

4. Trường hợp được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

Việc cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC) như sau:

- Người có 03 môn thi đạt yêu cầu theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 9 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 22/2019/TT-BTC) được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.

- Công chức hải quan giữ ngạch kiểm tra viên hải quan có 09 (chín) năm công tác liên tục hoặc kiểm tra viên chính hoặc kiểm tra viên cao cấp sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.

1 150 lượt xem