Nghị định 75/2007/NĐ-CP điều tra sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng
Số hiệu: | 75/2007/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 09/05/2007 | Ngày hiệu lực: | 16/06/2007 |
Ngày công báo: | 01/06/2007 | Số công báo: | Từ số 326 đến số 327 |
Lĩnh vực: | Giao thông - Vận tải | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm xảy ra sự cố tàu bay quy định tại Phụ lục IV Nghị định này, người khai thác tàu bay, hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng, tổ chức thiết kế, chế tạo tàu bay, người chỉ huy tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và Cảng vụ hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục V Nghị định này.
2. Các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải lập sổ theo dõi, cập nhật thường xuyên các sự cố xảy ra đối với tàu bay liên quan trong phạm vi quản lý của mình.
3. Các hãng hàng không thực hiện việc báo cáo thường kỳ về sự cố tàu bay gửi Cục Hàng không Việt Nam như sau:
a) Báo cáo tháng: vào ngày 25 hàng tháng;
b) Báo cáo quý: trước ngày 5 tháng đầu của quý sau;
c) Báo cáo năm: trước ngày 15 tháng 01 của năm sau.
Trên cơ sở các báo cáo sự cố nhận được, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tiến hành các công việc sau đây nhằm bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố tàu bay:
1. Tổng hợp, phân tích và đánh giá các báo cáo sự cố tàu bay quy định tại Điều 27 Nghị định này;
2. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không;
3. Kiểm tra việc khắc phục sự cố tàu bay và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố tàu bay;
4. Công bố, thông báo kết quả phân tích, đánh giá thông tin từ các báo cáo sự cố cho tổ chức, cá nhân liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
1. Nghị định này quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thông báo sự cố, tai nạn tàu bay; thủ tục điều tra sự cố, tai nạn tàu bay; hợp tác quốc tế trong hoạt động điều tra sự cố, tai nạn tàu bay; báo cáo sự cố và phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay.
2. Sự cố, tai nạn tàu bay dân dụng quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Sự cố, tai nạn tàu bay xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam hoặc vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;
b) Tai nạn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc tàu bay do người khai thác Việt Nam khai thác xảy ra ở vùng biển quốc tế;
c) Sự cố, tai nạn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc tàu bay do người khai thác Việt Nam khai thác xảy ra ngoài trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này mà không có quốc gia điều tra hoặc được quốc gia nơi xảy ra sự cố, tai nạn uỷ thác điều tra.
3. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc thông báo, điều tra, báo cáo và phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay.
Liên quan đến Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Người bị thương nặng" được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam là người bị thương do tai nạn gây ra nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phải nằm viện trên 48 giờ trong vòng 7 ngày, kể từ ngày bị thương;
b) Bị gãy xương trừ xương ngón tay, ngón chân và mũi;
c) Có các vết thương hở làm mất nhiều máu, ảnh hưởng đến thần kinh, cơ bắp, gân;
d) Tổn thương nội tạng;
đ) Bị bỏng độ 2 hoặc 3 hoặc vết bỏng rộng trên 5% bề mặt cơ thể;
e) Bị xác định là nhiễm độc hoặc nhiễm phóng xạ nặng.
2. "Người chết” sử dụng trong báo cáo điều tra tai nạn bao gồm người bị tử vong ngay trong tai nạn và người chết do bị thương trong tai nạn trong vòng 30 ngày, kể từ ngày xảy ra tai nạn.
3. “Máy tự ghi" là máy ghi âm buồng lái, máy ghi tham số chuyến bay, được lắp đặt trên tàu bay.
4. “Trọng lượng tối đa" là trọng lượng cất cánh tối đa được phê chuẩn.
5. "Quốc gia thiết kế" là quốc gia có quyền tài phán đối với tổ chức chịu trách nhiệm về thiết kế loại tàu bay.
6. "Quốc gia sản xuất” là quốc gia có quyền tài phán đối với tổ chức chịu trách nhiệm về lắp ráp tổng thể tàu bay.
1. Các tổ chức, cá nhân sau đây có trách nhiệm thông báo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam bằng điện thoại, fax, mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) hoặc các phương tiện thông tin khác khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về tai nạn tàu bay hoặc sự cố quy định tại Phụ lục I Nghị định này:
a) Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu đối với thông tin về tàu bay lâm nạn;
b) Người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay đối với thông tin về sự cố hoặc tai nạn tàu bay xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam; sự cố hoặc tai nạn đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc do người khai thác Việt Nam khai thác xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam;
c) Giám đốc Cảng vụ hàng không đối với thông tin về sự cố hoặc tai nạn tàu bay xảy ra tại cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay thuộc quyền quản lý của mình;
d) Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đối với thông tin về tàu bay lâm nạn trên biển;
đ) Ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra tai nạn tàu bay.
2. Các tổ chức, cá nhân khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về sự cố, tai nạn tàu bay có trách nhiệm thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân địa phương, Cục Hàng không Việt Nam, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hoặc cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không nơi gần nhất.
3. Trường hợp sự cố, tai nạn tàu bay xảy ra ở nước ngoài đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc do người khai thác Việt Nam khai thác, ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay phải thông báo ngay cho cơ quan ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước đó.
1. Khi nhận được thông báo về sự cố hoặc tai nạn tàu bay quy định tại Điều 3 Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam xác nhận lại và báo cáo Bộ Giao thông vận tải các thông tin sau đây:
a) Loại tàu bay, dấu hiệu đăng ký và dấu hiệu quốc tịch của tàu bay;
b) Tên chủ sở hữu, người khai thác tàu bay;
c) Họ và tên người chỉ huy tàu bay;
d) Ngày, giờ xảy ra sự cố hoặc tai nạn tàu bay;
đ) Nơi khởi hành lần cuối và nơi dự định hạ cánh tiếp theo của tàu bay;
e) Vị trí của tàu bay theo kinh tuyến và vĩ tuyến;
g) Số hành khách, thành viên tổ bay trên tàu bay tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sự cố;
h) Số người chết, bị thương nặng do tai nạn gây ra hoặc số người bị thương do sự cố gây ra, bao gồm hành khách, thành viên tổ bay và người thứ ba;
i) Tính chất tai nạn, sự cố và mức độ thiệt hại đối với tàu bay;
k) Thông tin về hàng nguy hiểm trên tàu bay.
2. Trừ trường hợp tàu bay bị mất tích hoặc không thể tiếp cận được tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam phải cử người đến ngay hiện trường để thực hiện các công việc sau đây:
a) Phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường để cứu giúp người và tránh việc làm xáo trộn hiện trường không cần thiết;
b) Thu thập thông tin về người chết trong trường hợp có người chết;
c) Thu thập các mảnh vỡ tàu bay, đánh giá các hư hại về kết cấu khung sườn, hệ thống vô tuyến điện, điện tử và động cơ;
d) Yêu cầu giao nộp, thu giữ hoặc lấy thông tin từ các máy tự ghi;
đ) Xác định nồng độ cồn hoặc chất kích thích đối với thành viên tổ lái;
e) Phỏng vấn sơ bộ thành viên tổ bay và các nhân chứng;
g) Xác định phạm vi hiện trường và yêu cầu các cơ quan phối hợp, bảo vệ hiện trường, chụp ảnh hiện trường;
h) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản các mẫu vật, tài liệu liên quan đến sự cố, tai nạn.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra và xác nhận lại các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này để quyết định tổ chức điều tra hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban điều tra tai nạn.
4. Trường hợp xảy ra tai nạn hoặc sự cố tàu bay quy định tại Phụ lục I Nghị định này, Bộ Giao thông vận tải thông báo ngay cho các quốc gia và tổ chức quốc tế sau đây:
a) Quốc gia đăng ký tàu bay;
b) Quốc gia của người khai thác tàu bay;
c) Quốc gia thiết kế tàu bay;
d) Quốc gia sản xuất tàu bay;
đ) Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đối với tàu bay có trọng lượng tối đa trên 2250 kilôgam.
5. Thông báo quy định tại khoản 4 Điều này có thể được gửi qua fax, e mail, APTN. Thông báo bao gồm các thông tin sau đây:
a) Ghi rõ “ACCID" nếu là tai nạn hoặc "INCID" nếu là sự cố;
b) Nhà sản xuất, loại tàu bay, quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của tàu bay;
c) Tên chủ sở hữu, người khai thác hoặc người thuê tàu bay;
d) Họ, tên, quốc tịch của thành viên tổ bay và hành khách;
đ) Ngày, tháng và thời gian xảy ra sự cố, tai nạn (giờ địa phương hoặc giờ quốc tế UTC);
e) Nơi khởi hành lần cuối và nơi dự định hạ cánh tiếp theo của tàu bay;
g) Vị trí của tàu bay xác định theo địa phương, kinh tuyến và vĩ tuyến;
h) Số thành viên tổ bay và hành khách trên tàu bay tại thời điểm xảy ra tai nạn; số người bị chết hoặc bị thương nặng (bao gồm hành khách, thành viên tổ bay và người thứ ba ở mặt đất);
i) Mô tả sơ bộ tính chất của tai nạn hoặc sự cố và mức độ hư hỏng tàu bay;
k) Dự kiến phạm vi điều tra;
l) Đặc điểm địa hình khu vực xảy ra tai nạn hoặc sự cố, mức độ khó khăn hoặc những yêu cầu đặc biệt để tiếp cận hiện trường;
m) Cơ quan điều tra, cách thức liên lạc với cơ quan điều tra;
n) Thông tin về hàng nguy hiểm trên tàu bay.
Điều tra sự cố, tai nạn tàu bay nhằm đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Thu thập, ghi lại và phân tích các thông tin có thể thu thập được về sự cố tai nạn tàu bay;
2. Nghiên cứu, xác định các nguyên nhân gây ra sự cố, tai nạn tàu bay;
3. Khuyến cáo đối với việc bảo đảm an toàn hàng không;
4. Lập báo cáo về điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm bảo vệ tàu bay và hiện trường của tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn.
2. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hoạt động bảo vệ hiện trường, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
a) Cấp cứu người còn sống; dập cháy và bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân;
b) Bảo vệ tàu bay để không bị cháy hoặc hư hỏng thêm; không làm xáo trộn hoặc thay đổi tư thế xác nạn nhân; không làm hư hỏng hoặc xáo trộn hàng hoá, hành lý và các đồ vật khác chuyên chở trên tàu bay;
c) Áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do hàng nguy hiểm;
d) Chụp ảnh, quay phim hoặc các biện pháp cần thiết khác để lưu giữ vật chứng dễ bị mất hoặc biến dạng;
đ) Thu thập họ tên và địa chỉ của những người chứng kiến để phục vụ cho việc điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.
3. Chủ sở hữu, người khai thác tàu bay hoặc người thuê tàu bay có trách nhiệm di chuyển tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn, hàng hoá, hành lý và các đồ vật chuyên chở trên tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
4. Cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay tổ chức di chuyển tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn, hàng hoá, hành lý và các đồ vật chuyên chở trên tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn đến vị trí thích hợp trong trường hợp những người quy định tại khoản 3 Điều này không thực hiện.
5. Việc di chuyển tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn, hàng hoá, hành lý và các đồ vật chuyên chở trên tàu bay bị sự cố, tai nạn phải được lập biên bản. Biên bản ghi rõ hiện trạng của các đồ vật và tổ chức, cá nhân được giao đồ vật.
1. Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm đại diện Bộ Giao thông vận tải là Chủ tịch, đại diện các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn.
2. Bộ Giao thông vận tải thành lập cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay hoặc tổ chức điều tra theo cách thức phù hợp với mức độ, tính chất của sự cố, tai nạn đó. Trong trường hợp cần thiết thành lập cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay, Bộ Giao thông vận tải có thể mời đại diện các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn.
3. Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay do Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay do Bộ Giao thông vận tải thành lập (sau đây gọi là cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay) có quyền trưng dụng người có đủ năng lực, trình độ của các tổ chức của Việt Nam sau đây để phục vụ hoạt động điều tra sự cố, tai nạn tàu bay:
a) Người khai thác tàu bay;
b) Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;
c) Cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng và thử nghiệm tàu bay;
d) Tổ chức xã hội nghề nghiệp về hàng không.
4. Cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay được bố trí nơi làm việc thích hợp gần khu vực hiện trường xảy ra sự cố hoặc tai nạn tàu bay; được trang bị phương tiện đi - lại, trang bị, thiết bị cần thiết phục vụ cho việc điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay. Nơi làm việc do cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay quyết định tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể.
5. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ điều tra tai nạn, sự cố tàu bay sau khi kết thúc việc điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay.
1. Người thực hiện điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay phải đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn và kỹ thuật hàng không.
2. Những người sau đây không được là thành viên của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay:
a) Chủ sở hữu tàu bay, người góp vốn hoặc tham gia điều hành tổ chức khai thác tàu bay có tàu bay bị sự cố, tai nạn đang được điều tra;
b) Người có lợi ích từ việc kinh doanh của tổ chức khai thác tàu bay, cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng tàu bay bị sự cố, tai nạn đang được điều tra.
Người đứng đầu cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của cơ quan điều tra để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định;
2. Chủ trì các cuộc họp của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay; phát ngôn hoặc chỉ định thành viên của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn là người phát ngôn trong quá trình điều tra sự cố, tai nạn;
3. Các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
1. Người điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Được vào hiện trường, khám nghiệm hiện trường sự cố hoặc tai nạn tàu bay, tiếp cận tàu bay, trang bị, thiết bị của tàu bay hoặc các mảnh vỡ của tàu bay;
b) Thu giữ hoặc phối hợp với cơ quan công an thu giữ và sử dụng các mảnh vỡ tàu bay, trang bị, thiết bị của tàu bay và các giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc điều tra sự cố, tai nạn;
c) Thống kê các chứng cứ tại hiện trường sự cố, tai nạn tàu bay; kiểm soát việc di chuyển tàu bay, hành lý, hàng hoá và các đồ vật vận chuyển trên tàu bay, các mảnh vỡ, trang bị, thiết bị của tàu bay;
d) Thu giữ các máy tự ghi, thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện giải mã hoặc yêu cầu quốc gia đăng ký, quốc gia khai thác cung cấp dữ liệu của máy tự ghi;
đ) Yêu cầu chủ sở hữu, người khai thác tàu bay, cơ sở sản xuất, Cảng vụ hàng không hoặc tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tàu bay bị sự cố, tai nạn,
e) Giám định hoặc yêu cầu giám định các mẫu vật, chứng cứ, tài liệu liên quan đến sự cố, tai nạn tàu bay, sức khoẻ của những người liên quan đến việc khai thác tàu bay bị sự cố, tai nạn;
g) Được cung cấp kết quả giám định thi thể nạn nhân để phục vụ cho hoạt động điều tra sự cố, tai nạn tàu bay;
h) Hỏi, nghiên cứu lời khai của người chứng kiến về những vấn đề có liên quan đến tai nạn, sự cố tàu bay.
2. Người điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có các nghĩa vụ sau đây:
a) Điều tra sự cố, tai nạn tàu bay nhanh chóng, trung thực và khách quan;
b) Tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay về nội dung, phương pháp điều tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động điều tra;
c) Không được cung cấp thông tin liên quan đến điều tra sự cố, tai nạn tàu bay cho người khác hoặc các phương tiện thông tin khi chưa được phép công bố.
1. Cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay phải trả tàu bay và các trang bị, thiết bị tàu bay bị sự cố, tai nạn cho người có quyền đối với tàu bay hoặc người được quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác chỉ định khi không cần giữ lại để phục vụ công tác điều tra.
2. Việc trả tàu bay, trang bị, thiết bị tàu bay phải lập biên bản giao nhận. Biên bản giao nhận bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên và địa chỉ của người hoặc tổ chức giao, nhận;
b) Miêu tả sơ bộ đối tượng được bàn giao;
c) Ngày giờ, địa điểm bàn giao;
d) Chữ ký của đại diện cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay và đại diện bên nhận.
1. Khi thực hiện điều tra tai nạn tàu bay hoặc sự cố quy định tại Phụ lục I Nghị định này, cơ quan điều tra phải giải mã thông tin trong các máy tự ghi lắp đặt trên tàu bay.
2. Việc chọn cơ sở giải mã thông tin của máy tự ghi phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Mức độ khách quan và chính xác của đơn vị, người tiến hành giải mã;
b) Thời gian ít nhất dành cho việc giải mã đủ để có các thông tin cần thiết;
c) Vị trí địa lý của nơi giải mã phải gần cơ quan điều tra tai nạn.
1. Trường hợp tai nạn tàu bay có thành viên tổ bay bị chết, cơ quan điều tra phải trưng cầu khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra.
2. Trường hợp tai nạn tàu bay có hành khách hoặc người thứ ba trên mặt đất bị chết, cơ quan điều tra có thể quyết định trưng cầu khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra.
Các cơ quan điều tra khác đối với sự cố, tai nạn tàu bay theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về giám định tử thi, danh tính nạn nhân, lời khai của các nhân chứng, các thông tin được giải mã và các chứng cứ cho cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay khi có yêu cầu.
Trong quá trình điều tra sự cố, tai nạn tàu bay, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng thì Bộ Giao thông vận tải phải thông báo ngay cho cơ quan nhà nước liên quan của Việt Nam và các quốc gia liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
1. Khi xảy ra sự cố, tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có quyền công bố các thông tin sau đây:
a) Số hiệu chuyến bay, quốc tịch và số hiệu đăng ký của tàu bay;
b) Tên của các thành viên tổ bay, trình độ và bằng cấp chính thức;
c) Lịch trình chuyến bay;
d) Tình trạng đủ điều kiện bay của tàu bay;
đ) Điều kiện thời tiết;
e) Tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn;
g) Tiến trình điều tra;
h) Các thông tin thực tế về sự cố, tai nạn.
2. Các thông tin sau đây không được phép công bố và chỉ được sử dụng cho việc điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay:
a) Lời khai của những người liên quan trong quá trình điều tra;
b) Thông tin trao đổi giữa những người liên quan đến khai thác tàu bay;
c) Thông tin y tế và các thông tin cá nhân của những người liên quan đến sự cố hoặc tai nạn tàu bay;
d) Ghi âm buồng lái và bản sao ghi âm đó;
đ) Các ý kiến phân tích thông tin, bao gồm các thông tin của máy ghi dữ liệu chuyến bay;
e) Thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng.
1. Việc quyết định điều tra lại đối với sự cố hoặc tai nạn tàu bay sau khi kết thúc điều tra chỉ được thực hiện trong trường hợp phát hiện chứng cứ mới quan trọng có thể làm thay đổi kết luận về nguyên nhân và trách nhiệm đối với sự cố, tai nạn.
2. Thẩm quyền tổ chức điều tra và thủ tục mở lại điều tra sự cố, tai nạn tàu bay áp dụng như đối với việc tổ chức điều tra lần đầu.
1. Cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay lập báo cáo sơ bộ về điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay theo mẫu tại Phụ lục II Nghị định này.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày xảy ra sự cố, tai nạn tàu bay, Bộ Giao thông vận tải gửi bản báo cáo sơ bộ về điều tra sự cố, tai nạn tàu bay cho các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan sau đây:
a) Quốc gia đăng ký tàu bay;
b) Quốc gia khai thác;
c) Quốc giả thiết kế;
d) Quốc gia sản xuất;
đ) Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đối với tàu bay có trọng lượng tối đa trên 2.250 kilôgam.
1. Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay lập báo cáo chính thức theo mẫu tại Phụ lục III Nghị định này.
2. Bộ Giao thông vận tải gửi dự thảo báo cáo chính thức về điều tra sự cố, tai nạn tàu bay cho các quốc gia sau đây để lấy ý kiến:
a) Quốc gia đăng ký tàu bay;
b) Quốc gia khai thác;
c) Quốc gia thiết kế;
d) Quốc gia sản xuất.
3. Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo báo cáo chính thức, nếu nhận được ý kiến của các quốc gia quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo báo cáo chính thức hoặc đính kèm ý kiến đó vào báo cáo chính thức.
4. Hết thời hạn 60 ngày mà không nhận được ý kiến và các quốc gia không có thỏa thuận nào khác, Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo chính thức về điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay cho các quốc gia và tổ chức quốc tế sau đây:
a) Quốc gia tham gia điều tra;
b) Quốc gia đăng ký tàu bay;
c) Quốc gia khai thác;
d) Quốc gia thiết kế;
đ) Quốc gia sản xuất;
e) Quốc gia có công dân bị chết hoặc bị thương nặng;
g) Quốc gia đã cung cấp thông tin liên quan, trang bị, thiết bị hoặc các chuyên gia;
h) Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đối với tàu bay có trọng lượng tối đa trên 5700 kilôgam.
1. Căn cứ vào tính chất sự cố hoặc tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay công bố một phần hoặc toàn bộ báo cáo chính thức về điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay, trừ trường hợp điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay theo ủy thác của quốc gia khác.
2. Việc công bố báo cáo chính thức về điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trong vòng 12 tháng, kể từ ngày gửi báo cáo chính thức về điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay cho các quốc gia, tổ chức quốc tế.
1. Trong quá trình điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có các quyền sau đây:
a) Gửi văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng ngay các biện pháp tăng cường an toàn hàng không;
b) Gửi khuyến cáo về an toàn hàng không phát sinh từ hoạt động điều tra đến các quốc gia liên quan và Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
2. Trong vòng 30 ngày, kể từ khi nhận được văn bản khuyến cáo, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nan về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tăng cường an toàn hàng không.
1. Người khai thác tàu bay, người thuê tàu bay trong trường hợp thuê có tổ bay có tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn chịu chi phí cho việc giải mã, giám định tử thi, dựng lại hiện trường và di chuyển tàu bay, hàng hoá, hành lý và các đồ vật chuyên chở trên tàu bay, thù lao và các chi phí khác cho những người được trưng dụng để phục vụ hoạt động điều tra sự cố, tai nạn tàu bay được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
2. Các chi phí khác phục vụ cho hoạt động điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Bộ Giao thông vận tải lập dự toán chi phí cho từng vụ việc cụ thể báo cáo Bộ Tài chính quyết định.
1. Đại diện của các quốc gia được phép tham gia điều tra tai nạn chịu sự kiểm soát của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.
2. Đại diện các quốc gia tham gia điều tra tai nạn tàu bay có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Đến hiện trường vụ tai nạn;
b) Kiểm tra các mảnh vỡ tàu bay;
c) Được biết các thông tin về lời khai của nhân chứng và đề xuất các vấn đề cần làm rõ;
d) Được biết về các chứng cứ;
đ) Nhận bản sao các tài liệu thích hợp từ việc điều tra;
e) Tham gia giải mã máy tự ghi;
g) Tham gia các hoạt động điều tra tai nạn như kiểm tra bộ phận cấu thành, giảng bình kỹ thuật, kiểm tra và mô phỏng quá trình xảy ra tai nạn;
h) Tham gia các cuộc họp liên quan đến phân tích, đánh giá về nguyên nhân và khuyến cáo an toàn trong quá trình điều tra;
i) Trình bày quan điểm về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình điều tra tai nạn;
k) Được công bố các thông tin về tai nạn tàu bay mà cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay của Việt Nam cho phép.
Trường hợp tai nạn tàu bay xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam, đại diện của quốc gia có công dân bị chết hoặc bị thương nặng được vào Việt Nam và có các quyền sau đây:
1. Đến hiện trường tai nạn tàu bay; được biết các thông tin về hiện trường tai nạn tàu bay;
2. Tham gia nhận dạng nạn nhân;
3. Phối hợp với cơ quan điều tra tai nạn thẩm vấn hành khách còn sống là công dân của mình;
4. Được nhận bản sao báo cáo chính thức điều tra tai nạn tàu bay;
5. Được thông báo các thông tin về sự cố, tai nạn tàu bay khi cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay của Việt Nam cho phép.
1. Trường hợp việc điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay do quốc gia khác thực hiện, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Cung cấp cho quốc gia nơi xảy ra sự cố, tai nạn các thông tin về tàu bay, tổ bay đối với tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hoặc do người khai thác Việt Nam khai thác ngay khi nhận được thông báo;
b) Cung cấp cho quốc gia nơi xảy ra sự cố, tai nạn các thông tin về tàu bay đối với tàu bay được thiết kế hoặc sản xuất tại Việt Nam ngay khi nhận được thông báo;
c) Cung cấp thông tin giải mã từ máy tự ghi cho quốc gia thực hiện điều tra tai nạn hoặc sự cố theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này với tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hoặc do người khai thác Việt Nam khai thác;
d) Cung cấp thông tin về hàng nguy hiểm chuyên chở trên tàu bay do người khai thác Việt Nam khai thác cho quốc gia nơi xảy ra sự cố, tai nạn khi nhận được thông báo;
đ) Thông tin về hành khách chuyên chở trên tàu bay.
2. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tham gia điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay xảy ra ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam;
b) Tàu bay do người khai thác Việt Nam khai thác;
c) Tàu bay do Việt Nam thiết kế hoặc sản xuất.
3. Trường hợp công dân Việt Nam là nạn nhân trong sự cố hoặc tai nạn tàu bay xảy ra ở nước ngoài mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với quốc gia nơi xảy ra sự cố, tai nạn tàu bay để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tham gia điều tra tai nạn.
1. Trường hợp xảy ra sự cố hoặc tai nạn ở nước ngoài đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc tàu bay do người khai thác Việt Nam khai thác và quốc gia nơi xảy ra sự cố hoặc tai nạn ủy thác cho Việt Nam điều tra toàn bộ hoặc một phần thì việc điều tra được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
2. Căn cứ vào tính chất của sự cố hoặc tai nạn và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ quyết định ủy thác cho quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay điều tra sự cố, tai nạn đối với tàu bay mang quốc tịch nước ngoài xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
DANH MỤC SỰ CỐ PHẢI TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA
1. Tàu bay gần va chạm với nhau nhưng bằng thao tác tránh nhau nên không bị va chạm hoặc tránh được tình huống nguy hiểm.
2. Tàu bay suýt đâm vào chướng ngại vật ở mặt đất.
3. Hủy việc thực hiện cất cánh tại điểm tận cùng của đường cất hạ cánh hoặc tàu bay bị xông ra ngoài đường cất hạ cánh.
4. Cất cánh tại đầu mút đường cất hạ cánh hoặc bên ngoài đường cất hạ cánh.
5. Hạ cánh hoặc định hạ cánh tại cuối đường cất hạ cánh hoặc bên ngoài đường hạ cánh.
6. Hạ cánh tiếp đất quá sớm hoặc tàu bay bị xông ra ngoài đường băng.
7. Không đạt tính năng dự kiến trong quá trình cất cánh hoặc lấy độ cao.
8. Cháy hoặc có khói trong khoang hành khách, buồng hàng hoặc cháy động cơ được dập tắt bằng các chất cứu hoả.
9. Sự cố buộc tổ lái phải sử dụng ô xy khẩn nguy.
10. Nhiều hư hỏng xảy ra với một hoặc nhiều hệ thống của tàu bay ảnh hưởng nghiêm trọng đến khai thác tàu bay.
11. Tổ lái mất khả năng làm việc trong thời gian tàu bay đang bay.
12. Có vấn đề với nhiên liệu buộc tổ lái tuyên bố tình trạng khẩn nguy.
13. Hỏng hóc các hệ thống, các hiện tượng thời tiết khác thường hoặc khai thác tàu bay vượt giới hạn được phê chuẩn hoặc các tình huống gây khó khăn cho điều khiển tàu bay.
14. Hư hỏng cấu trúc hoặc động cơ bị tách rời nhưng chưa đến mức tai nạn.
15. Hỏng cùng một lúc nhiều hệ thống trong đó có một hệ thống bắt buộc phải có dự bị để xác định hướng bay và dẫn đường.
16. Các sự cố khác phải tiến hành điều tra theo quy định của ICAO./.
NỘI DUNG BÁO CÁO SƠ BỘ VỀ ĐIỀU TRA SỰ CỐ, TAI NẠN TÀU BAY
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ TAI NẠN TÀU BAY
1. Số tham chiếu vụ việc
2. Nơi xảy ra tai nạn
3. Ngày và giờ địa phương
4. Dữ liệu của tàu bay
5. Loại tàu bay và Nhà sản xuất
6. Quốc tịch và số hiệu đăng ký
7. Tên người khai thác tàu bay
8. Hành trình của chuyến bay
II. HÌNH THỨC CHUYẾN BAY
1. Chuyến bay nội địa/quốc tế thường lệ/thuê chuyến
2. Nhà khai thác (nội địa/quốc tế)
3. Nơi cất cánh lần cuối
4. Nơi dự định hạ cánh
5. Thời gian bay
III. THƯƠNG VONG
1. Thành viên tổ bay
2. Hành khách
3. Người dưới mặt đất
IV. HẬU QUÁ ĐỐI VỚI TÀU BAY
V. ĐIỀU KIỆN THỜI TIẾT
1. Điều kiện thời tiết trong khu vực xảy ra tai nạn
2. Điều kiến về ánh sáng
VI. QÚA TRÌNH XẢY RA ĐỐI VỚI TÀU BAY BỊ SỰ CỐ, TAI NẠN
VII. PHẦN MIÊU TẢ TÓM TẮT
1. Miêu tả tóm tắt về tai nạn bao gồm các tình huống khác thường và các thông tin quan trọng nhất.
2. Các lưu ý về an toàn và các biện pháp ngăn chặn cần thiết có thể chấp nhận./.
NỘI DUNG BÁO CÁO CHÍNH THỨC ĐIỀU TRA SỰ CỐ, TAI NẠN TÀU BAY
A. MỞ ĐẦU
1. Các thông tin về tên người khai thác, nhà sản xuất, kiểu loại, quốc tịch và số hiệu đăng ký, ngày và nơi xảy ra sự cố, tai nạn.
2. Tóm tắt sơ lược các thông tin về quá trình nhận được thông báo của quốc gia về tai nạn, sự cố tàu bay; cơ quan thực hiện điều tra và các đại diện của các quốc gia có liên quan được chỉ định; cơ quan dự thảo báo cáo; bản kết luận về các tình huống dẫn đến sự cố, tai nạn.
B. PHẦN CHÍNH
I. Các thông tin chi tiết về tai nạn, sự cố tàu bay:
1. Hành trình của chuyến bay:
a) Số hiệu chuyến bay, hình thức khai thác, điểm khởi hành lần cuối, giờ địa phương và giờ quốc tế (UTC) lúc khởi hành lần cuối, địa điểm dự định hạ cánh;
b) Kế hoạch bay, miêu tả về chuyến bay và các sự kiện dẫn tới tai nạn, sự cố, bao gồm cả việc dựng lại quỹ đạo bay nếu thấy cần thiết;
c) Địa điểm (theo kinh tuyến, vĩ tuyến) xảy ra tai nạn, thời điểm xảy ra tai nạn (giờ địa phương và giờ quốc tế), ngày hay đêm.
2. Thương vong về người:
a) Số người chết: thành viên tổ bay, hành khách và những người khác;
b) Số người bị thương nặng: thành viên tổ bay, hành khách và những người khác;
c) Số người bị thương nhẹ hoặc vô sự: thành viên tổ bay, hành khách.
3. Mức độ hư hại đối với tàu bay
Miêu tả, đánh giá mức độ hư hại với tàu bay do tai nạn gây ra (bị phá huỷ, hư hại nghiêm trọng, hư hại nhẹ hoặc không hư hại gì).
4. Hư hại khác
Miêu tả các hư hại khác bị ảnh hưởng ngoài tàu bay.
5. Thông tin về nhân viên hàng không:
a) Các thông tin quan trọng về thành viên tổ lái bao gồm: tuổi, hiệu lực của giấy phép, năng định và các bài kiểm tra bắt buộc, kinh nghiệm bay (tổng giờ bay và giờ bay trên loại), các thông tin về thời gian làm nhiệm vụ;
b) Thông tin về kết luận giám định sức khỏe;
c) Tóm tắt sơ lược về trình độ và kinh nghiệm của các thành viên tổ bay khác;
d) Các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân viên hàng không khác có liên quan như kiểm soát viên không lưu, nhân viên bảo dưỡng tàu bay.
6. Dữ liệu về tàu bay:
a) Nêu tóm tắt về tình trạng bảo dưỡng và tính đủ điều kiện bay của tàu bay;
b) Nêu tóm tắt các thông tin về trọng tải, trọng tâm trong giới hạn cho phép ở các giai đoạn của chuyến bay liên quan đến các giai đoạn của chuyến bay;
c) Loại nhiên liệu sử dụng.
7. Thông tin về khí tượng:
a) Nêu tóm tắt về điều kiện khí tượng khi các tình huống xảy ra bao gồm cả điều kiện thời tiết dự báo và thực tế cùng thông tin về thời tiết do tổ lái nhận được;
b) Điều kiện ánh sáng tự nhiên khi xảy ra tai nạn (ánh sáng ban ngày, sáng trăng nửa đêm).
8. Trang thiết bị dẫn đường:
Nêu các thông tin quan trọng về các thiết bị và hệ thống dẫn đường và hạ cánh ( ILS, MLS, NDB, PAR, VOR và các thiết bị hỗ trợ tầm nhìn trên mặt đất) và hiệu quả của chúng tại thời điểm đó.
9. Thông tin liên lạc:
Các thông tin quan trọng về các trạm liên lạc hàng không cố định hoặc di động cùng hiệu quả của chúng.
10. Thông tin về sân bay:
Các thông tin liên quan về sân bay cùng các trang thiết bị và hiệu quả hoạt động.
11. Dữ liệu lấy được từ máy tự ghi
12. Thông tin có được từ các mảnh vỡ của tàu bay
13. Thông tin về giám định tâm lý thành viên tổ bay
14. Thông tin về hiện tượng cháy (nếu có)
15. Các vấn đề liên quan đến nạn nhân sống sót.
a) Nêu tóm tắt các vấn đề về hoạt động tìm kiếm cứu nạn, các vị trí vết thương của tổ bay, hành khách;
b) Các hư hỏng về cấu trúc ghế và dây an toàn
16. Kết quả về việc thử nghiệm và nghiên cứu
17. Thông tin về khía cạnh tổ chức và quản lý
a) Các thông tin quan trọng về lĩnh vực tổ chức, quản lý liên quan và ảnh hưởng đến khai thác tàu bay, bao gồm các tổ chức sau: người khai thác tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và thiết lập đường bay, sân bay, tổ chức cung cấp dịch vụ khí tượng, cơ quan ban hành các quy chế hàng không;
b) Các vấn đề về tổ chức, quản lý bao gồm: bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn; nguồn nhân lực; tình trạng về kinh phí; chính sách quản lý và khung pháp lý của cơ chế làm việc.
II. Phân tích
Phân tích các thông tin có được tại mục I có liên quan cho việc xác định kết luận và nguyên nhân
III. Kết luận
Liệt kê các vấn đề và nguyên nhân xác định được trong quá trình điều tra, bao gồm cả nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân trực tiếp.
IV. Khuyến cáo an toàn
Trong trường hợp xác định được, liệt kê các khuyến cáo an toàn cùng các biện pháp phòng ngừa.
C. CÁC PHỤ LỤC
Bao gồm các sơ đồ, bản vẽ, dữ liệu bổ sung cần thiết để hiểu rõ nội dung báo cáo./.
DANH MỤC CÁC SỰ CỐ PHẢI BÁO CÁO
A. KHAI THÁC BAY
+ Khai tàu bay:
1. Nguy cơ va chạm
a) Nguy cơ va chạm giữa hai tàu bay với nhau, giữa tàu bay và các phương tiện khác;
b) Khi bắt buộc phải thực hiện các cơ động cần thiết để tránh va chạm với tàu bay, mặt đất hoặc với phương tiện khác;
c) Các động tác để tránh các tình huống mất an toàn.
2. Sự cố trong quá trình cất, hạ cánh, bao gồm hạ cánh theo kế hoạch hoặc hạ cánh bắt buộc, sự cố như xông ra ngoài đường băng. Sự cố trong quá trình cất cánh, hủy bỏ cất cánh hoặc hạ cánh vào đường băng không được sử dụng, hoặc đang sử dụng bởi tàu bay khác hoặc hạ cánh nhầm đường băng (dù mới chỉ là kế hoạch trong giai đoạn chuẩn bị hạ cánh).
3. Lượng nhiên liệu còn ít hoặc không có khả năng chuyển nhiên liệu hoặc không thể sử dụng hết được lượng nhiên liệu có thể sử dụng.
4. Mất điều khiển (bao gồm mất một phần hoặc tạm thời của hệ thống điều khiển) vì bất kỳ lý do nào.
5. Sự cố xảy ra tại thời điểm bằng hoặc lớn hơn vận tốc V1 gây ra hoặc có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm hoặc nguy hiểm tiềm ẩn (ví dụ như hủy bỏ cất cánh, đập đuôi, mất công suất động cơ).
6. Có thể gây ra tình huống nguy hiểm hoặc nguy hiểm tiềm ẩn trong khi bay lại vòng hai.
7. Sai lệch ngoài ý muốn về tốc độ bay, hướng bay hoặc độ cao bay lớn hơn 91m (300ft) vì bất cứ nguyên nhân nào.
8. Hạ độ cao thấp hơn độ cao quyết định (DH) hoặc độ cao hạ cánh tối đa cho phép mà không không phát hiện được điểm tham chiếu chuẩn bằng mắt quy định
9. Không xác định được vị trí thực của tàu bay hoặc vị trí của tàu bay so với các tàu bay khác.
10. Gián đoạn liên lạc giữa các thành viên tổ lái hoặc giữa tổ lái và các bộ phận khác như tiếp viên, kiểm soát không lưu, nhân viên kỹ thuật.
11. Hạ cánh thô - hoặc hạ cánh mà sau đó việc tiến hành kiểm tra sau khi hạ cánh thô là cần thiết.
12. Lệch nhiên liệu vượt quá giới hạn cho phép.
13. Đặt sai mã của ra-da giám sát thứ cấp (Secondary Surveil1ance Radar) hoặc bảng chia độ (scale) của đồng hồ đo cao.
14. Lập chương trình sai, cập nhật sai các tham số hoặc sử dụng các tham số không chính xác cho các thiết bị của hệ thống dẫn đường hoặc tính toán đặc tính hoạt động.
15. Hỏng hóc hoặc hoạt động sai chức năng của hệ thống nhiên liệu có ảnh hưởng đến việc cung cấp và phân phối nhiên liệu.
16. Tàu bay có xu hướng lệch ra ngoài đường cất hạ cánh hoặc đường lăn ngoài ý muốn trong quá trình cất, hạ cánh và khi lăn trên mặt đất.
17. Va chạm giữa tàu bay với tàu bay khác, phương tiện và các vật thể khác trên mặt đất.
18. Hoạt động không chính xác hoặc ngoài ý muốn của hệ thống điều khiển.
19. Không đạt được tính năng của tàu bay theo tính toán trong bất cứ giai đoạn nào của hành trình bay.
20. Nguy hiểm hoặc nguy hiểm tiềm ẩn xảy ra như là hậu quả của việc tạo tình huống hỏng hóc trong quá trình huấn luyện, kiểm tra hệ thống, hoặc cho mục đích huấn luyện.
21. Hiện tượng rung lắc bất bình thường.
22. Hoạt động của các hệ thống cảnh báo quan trọng dẫn đến phải thực hiện các cơ động tương ứng của tàu bay, trừ khi:
a) Tổ lái đưa ra khẳng định các cảnh báo đó là cảnh báo giả (ghi trong nhật ký chuyến bay) và cảnh báo giả đó không gây ra khó khăn hoặc nguy hiểm cho tổ bay trong quá trình xử lý các hỏng hóc đó; hoặc
b) Cảnh báo được tạo giả nhằm mục đích huấn luyện hoặc kiểm tra hệ thống.
23. Có hiện tượng cảnh báo của hệ thống cảnh báo địa hình/gần mặt đất (EGPWS/TAWS) khi tàu bay tiếp cận mặt đất thấp hơn kế hoạch bay đã định sẵn hoặc theo tính toán.
24. Có xuất hiện cảnh báo trong điều kiện bay bằng thiết bị (IMC) hoặc khi trời tối và cảnh báo này được gây ra do tốc độ hạ độ cao quá lớn (Mode 1).
25. Xuất hiện cảnh báo càng hoặc cánh tà chưa thả theo chế độ tương ứng tại điểm cần thiết trong quá trình tiếp cận hạ cánh.
26. Mọi khó khăn hoặc nguy hiểm xảy ra hoặc đã có thể xảy ra (ví dụ: không duy trì được dãn cách ngang theo quy định đối với đường bay khác) do tổ lái phải xử lý các loại cảnh báo, có thể là cảnh báo thật, cảnh báo giả hoặc cảnh báo gây khó chịu cho tổ lái.
27. Có khó khăn hoặc nguy hiểm xuất hiện hoặc có thể xuất hiện sau khi tổ lái có hành động phản ứng cảnh báo EGPWS/TAWS.
28. Báo động tránh va chạm trên không (ACAS và Resolution Advisory)
29. Sự cố nổ do phản lực và lực đẩy gây ra hỏng hóc nghiêm trọng hoặc thương tích nguy hiểm.
+ Các trường hợp khẩn cấp:
30. Cháy, nổ, khói hoặc khói độc, kể cả khi lửa đã được dập tắt.
31. Việc người lái hoặc tiếp viên phải sử dụng các quy trình ngoại lệ để đối phó trường hợp khẩn cấp khi:
a) Có quy trình nhưng không được sử dụng; hoặc
b) Không có quy trình; hoặc
c) Có quy trình nhưng chưa hoàn thiện hoặc không phù hợp; hoặc
d) Quy trình không đúng; hoặc
đ) Quy trình đúng nhưng không được tuân thủ.
32. Quy trình không được thiết lập đầy đủ để áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, kể cả khi được sử dụng trong trường hợp bảo dưỡng, huấn luyện và mục đích kiểm tra.
33. Trường hợp dẫn đến phải thoát hiểm khẩn cấp.
34. Mất hệ thống điều chỉnh áp suất trong khoang khách.
35. Việc sử dụng thiết bị khẩn cấp hoặc các quy trình khẩn cấp cần thiết để đối phó với tình huống xảy ra trong khi bay.
36. Các tình huống dẫn tới việc phải công bố tình trạng khẩn cấp (MAYDAY hoặc PAN).
37. Hỏng hóc của hệ thống hoặc thiết bị khẩn cấp kể cả các cửa và đèn thoát hiểm được phát hiện trong quá trình khai thác, bảo dưỡng và kể cả khi được dùng vào mục thích kiểm tra huấn luyện.
38. Tình huống yêu cầu tổ lái phải sử dụng khẩn cấp các thiết bị ô xy.
+ Các trường hợp tổ bay mất khả năng làm việc:
39. Sự mất khả năng làm việc của thành viên tổ lái, kể cả những vấn đề xảy ra trước khi khởi hành nếu có nguy cơ gây mất khả năng làm việc của tổ bay trong quá trình bay sau đó.
40. Tiếp viên mất khả năng làm việc và không thể thực hiện được chức năng thoát hiểm quan trọng.
+ Trường hợp có người bị thương tích:
41. Các sự cố, đã hoặc có thể gây ra thương tích cho hành khách hoặc tổ bay nhưng chưa đến mức được coi là tai nạn.
+ Các trường hợp do nguyên nhân thời tiết:
42. Bị sét đánh gây ra hỏng hóc cho tàu bay, mất hoặc hoạt động không đúng chức năng của các hệ thống chính (hiển thị tham số bay, điều khiển, động cơ, thông tin liên lạc, dẫn đường v.v...).
43. Khi gặp mưa đá và gây ra hỏng hóc cho tàu bay, mất hoặc hoạt động không đúng chức năng của các hệ thống chính (như đã nêu ở trên).
44. Vào vùng nhiễu động mạnh và gây ra thương tích cho người tham gia chuyến bay hoặc phải thực hiện công việc kiểm tra tàu bay sau khi vào vùng nhiễu động mạnh.
45. Vào khu vực có gió cạnh mạnh.
46. Vào khu vực có băng gây khó khăn cho việc điều khiển, hỏng hóc của tàu bay, mất hoặc hoạt động sai chức năng của các chức năng chính.
+ Các trường hợp vì lý do an ninh:
47. Can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay kể cả việc đe doạ dùng bom hoặc cướp tàu bay.
48. Có khó khăn trong việc kiểm soát người say rượu, bạo lực hoặc hành khách không chấp hành quy định.
49. Phát hiện ra người đi bất hợp pháp trên tàu bay.
+ Các trường hợp khác:
50. Các sự cố cụ thể cùng hiện tượng lặp lại nhiều lần, tuy không được coi là sự cố cần phải báo cáo nhưng vì hiện tượng lặp lại nhiều lần và có thể gây ra khả năng uy hiếp an toàn bay.
51. Bị chim va đập và gây ra hỏng hóc cho tàu bay, mất hoặc hoạt động sai chức năng của các hệ thống, thiết bị chính.
52. Tất cả các sự cố khác được coi là đã gây mất an toàn hoặc có thể gây ra mất an toàn cho tàu bay, người trên tàu bay hoặc trên mặt đất.
B. KỸ THUẬT TÀU BAY
+ Cấu trúc tàu bay:
53. Hỏng hóc của các chi tiết thuộc cấu trúc chính (Principal Structure Elements) không được coi là cấu trúc có khả năng chịu đựng hỏng hóc (damage tolerant-life limited element). Chi tiết thuộc cấu trúc chính là các cấu trúc chịu tải chính trong khi bay, trên mặt đất và tải chênh lệch áp suất do việc tăng áp buồng kín gây ra. Hỏng hóc của các chi tiết này có thể dẫn đến tai nạn của tàu bay.
54. Hỏng hóc vượt quá giới hạn cho phép của chi tiết thuộc cấu trúc chính được coi là cấu trúc có khả năng chịu đựng hỏng hóc (damage tolerant).
55. Hư hại hoặc hỏng hóc của các chi tiết kết cấu vượt quá các giới hạn cho phép và có thể làm giảm độ bền của kết cấu làm mất khả năng triệt tiêu rung mạnh (flutter), khuyết tán (divergence) hoặc mất các giới hạn điều khiển dự phòng (control reversal margins).
56. Hỏng hóc cấu trúc của các chi tiết kết cấu có thể dẫn đến việc tách rời các bộ phận nặng gây thương tích cho người tham gia chuyến bay.
57. Hỏng hóc cấu trúc của các chi tiết kết cấu làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các hệ thống khác.
58. Mất một số chi tiết thuộc cấu trúc tàu bay trong quá trình bay.
+ Hệ thống của tàu bay:
59. Mất, hoạt động sai chức năng nghiêm trọng hoặc hỏng hóc của hệ thống hoặc hệ thống phụ hoặc một số thiết bị dẫn đến việc không thể thực hiện được các quy trình theo SOP (Standard Operation Procedures).
60. Tổ lái mất khả năng điều khiển hệ thống, ví dụ:
- Hoạt động không tuân theo điều khiển của tổ lái .
- Phản hồi sai hoặc không hoàn toàn theo điều khiển, bao gồm cả các giới hạn chuyển động hoặc bị kẹt cứng.
- Chuyển động các bánh lái, cánh tà (trước và sau), tấm cản lưng, mảnh điều chỉnh lớn hơn so với tín hiệu điều khiển.
- Bị ngắt cơ học hoặc hỏng hóc.
61. Hỏng hóc hoặc hoạt động sai chức năng của một hay nhiều chức năng đặc biệt của hệ thống (một hệ thống có thể đảm nhiệm nhiều chức năng).
62. Có sự tác động ảnh hưởng trong hoặc giữa các hệ thống.
63. Hỏng hóc hoặc hoạt động sai chức năng của các thiết bị bảo vệ hoặc hệ thống khẩn cấp liên quan đến hệ thống.
64. Mất chức năng dự phòng (redundancy) của hệ thống.
65. Sự cố dẫn đến các hoạt động ngoài chế độ tính toán của hệ thống.
66. Đối với các loại tàu bay mà các hệ thống chính, hệ thống thứ cấp chính hoặc các thiết bị chính chỉ có duy nhất một bộ: mất hoặc hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của một trong những hệ thống chính, hệ thống thứ cấp chính hoặc bộ thiết bị đó.
67. Đối với dạng tàu bay có nhiều hệ thống chính độc lập, hệ thống thứ cấp chính hoặc nhiều bộ thiết bị (có cùng chức năng): mất hoặc hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của từ 02 hệ thống chính, hệ thống thứ cấp chính hoặc bộ thiết bị trở lên.
68. Hoạt động của các hệ thống cảnh báo mức 1 (Warning - mức 1, Cautionary - mức 2, Advisory - mức 3) liên quan đến các hệ thống của tàu bay hoặc thiết bị, trừ khi có kết luận chính thức của tổ lái về cảnh báo là giả và khẳng định cảnh báo giả đó không gây khó khăn hoặc không có nguy hiểm cho tổ lái trong việc đối phó với tình huống.
69. Chảy dầu thuỷ lực, dầu đốt, dầu nhờn hoặc các loại chất lỏng khác có thể gây nguy cơ cháy hoặc nguy cơ hỏng hóc cấu trúc tàu bay, hệ thống hoặc thiết bị, hoặc nguy hại cho hành khách và thành viên tổ bay.
70. Hoạt động sai chức năng của hệ thống hiển thị tham số bay dẫn đến khả năng cung cấp tham số bay không chính xác cho người lái.
71. Tất cả các hỏng hóc hoặc hoạt động sai chức năng xảy ra trong các giai đoạn chính của chuyến bay (chạy đà, cất hạ cánh, lấy và giảm độ cao hoặc khi tiếp cận hạ cánh) và liên quan đến hoạt động của hệ thống.
72. Sự thiếu hụt quan trọng về tính năng thực tế của hệ thống so với tính năng đã được phê chuẩn, có thể gây ra tình huống nguy hiểm (kể cả độ chính xác của phương pháp tính toán các tính năng đó) bao gồm cả trong quá trình sử dụng hệ thống phanh, tiêu hao nhiên liệu v.v..
73. Mất đồng bộ của hệ thống điều khiển, như hệ thống cánh tà trước, cánh tà sau v.v..
+ Hệ thống tạo công suất (động cơ, cánh quạt và hệ thống truyền động của trực thăng):
74. Không có sự đốt trong buồng đốt, tắt máy trên không hoặc hoạt động sai chức năng của một trong các động cơ.
75. Quá tốc độ vòng quay hoặc không có khả năng điều khiển tốc độ vòng quay của các bộ phận có tốc độ vòng quay lớn như: động cơ phụ (APU), máy khởi động khí của động cơ, tua bin làm mát của hệ thống điều hoà, mô tơ tua - bin khí, cánh quạt hoặc cánh quay trực thăng.
76. Hỏng hóc hoặc hoạt động sai chức năng của các bộ phận của động cơ hoặc thiết bị tạo công suất dẫn đến một trong các trường hợp sau:
a) Không có khả năng bao bọc các mảnh vỡ của thiết bị khi bị phá hủy (thiết bị);
b) Mất khả năng báo và dập cháy trong, cháy ngoài hoặc bị hở khí nóng; Chiều lực đẩy cần thiết không theo điều khiển cửa tổ bay;
c) Hệ thống tạo lực đẩy ngược (hệ thống thổi ngược) không hoạt động hoặc hoạt động ngoài ý muốn;
d) Mất khả năng điều khiển công suất, lực đẩy hoặc vòng quay;
đ) Hư hại hoặc hỏng hóc cấu trúc treo động cơ;
e) Mất một phần hoặc toàn bộ của bộ phận chính của thiết bị tạo công suất;
g) Khói nhìn thấy bằng mắt hoặc các chất độc hại có thể gây bất tỉnh cho tổ bay và hành khách;
h) Không tắt được động cơ khi áp dụng các quy trình tắt máy thông thường;
i) Không khởi động lại được động cơ khi động cơ ở tình trạng tốt.
77. Mất, thay đổi hoặc dao động công suất/ lực đẩy ngoài ý muốn do không điều khiển được công suất/ lực đẩy của động cơ:
a) Đối với tàu bay có một động cơ;
b) Khi được coi là quá mức cho phép áp dụng;
c) Khi điều này có thể ảnh hưởng đến nhiều động cơ trên tàu bay có 2 động cơ trở lên, đặc biệt trong trường hợp tàu bay có 2 động cơ; hoặc
d) Khi tình huống được coi là nguy hiểm và nghiêm trọng đối với tàu bay có 2 động cơ cùng loại trở lên.
78. Hỏng hóc của bộ phận, thiết bị có thọ mệnh (Life Limited Parts) hoặc được kiểm soát theo thời gian (Hard Time Controlled Parts) dẫn đến việc phải thay bộ phận, thiết bị đó trước thời hạn quy định.
79. Các hỏng hóc cùng nguyên nhân có thể gây nên tỷ lệ tắt máy trên không cao đến mức có khả năng hai động cơ (trở lên) cùng tắt máy trên không trong một chuyến bay.
80. Các bộ phận giới hạn hoặc thiết bị kiểm soát động cơ không hoạt động khi cần thiết hoặc hoạt động ngoài ý muốn.
81. Vượt quá ngưỡng cho phép của các tham số động cơ.
82. Va chạm với vật ngoại lai gây hư hại cho động cơ, cánh quạt và bộ truyền chuyển động
+ Cánh quay và truyền chuyển động:
83. Hư hại hoặc hoạt động sai chức năng của các bộ phận cánh quạt hoặc bộ phận tạo công suất gây nên một trong số trường hợp sau:
a) Quá tốc độ vòng quay của cánh quạt;
b) Sinh ra lực cản lớn quả mức cho phép;
c) Tạo chiều lực đẩy ngược lại với điều khiển của tổ lái;
d) Văng cánh quạt hoặc bộ phận quan trọng của cánh quạt ra ngoài;
đ) Hỏng hóc gây nên mất cân bằng vượt quá mức cho phép;
e) Chuyển động ngoài ý muốn của lá cánh quạt thấp hơn vị trí biến cự nhỏ nhất cho phép (theo từng chế độ làm việc của động cơ) trong khi bay;
g) Không có khả năng xuôi lá cánh quạt;
h) Không có khả năng điều khiển biến cự cánh quạt;
i) Thay đổi biến cự cánh quạt ngoài ý muốn;
k) Mất kiểm soát mô men xoắn (torque) và giao động tốc độ vòng quay;
l) Các bộ phận chuyển động năng lượng thấp bị văng ra ngoài.
84. Hư hại hoặc hỏng hóc của hộp truyền động cánh quay chính/ hộp truyền động của động cơ có thể đến việc tách rời các bộ phận cánh quạt, và/ hoặc hoạt động sai chức năng của điều khiển cánh quay;
85. Hư hại phần cánh quay đuôi của trực thăng, hệ thống truyền động và các hệ thống tương tự.
+ Động cơ phụ:
86. Tắt máy hoặc hỏng hóc của động cơ phụ (APU) khi mở rộng tầm khai thác đối với tàu bay hai động cơ (ETOPs) hoặc theo yêu cầu của danh mục thiết bị tối thiểu (MEL).
87. Không tắt được động cơ phụ (APU).
88. Quá tốc độ vòng quay động cơ phụ (APU).
89. Không khởi động được động cơ phụ (APU) khi có nhu cầu vì lý do khai thác.
+ Yếu tố con người:
90. Mọi sự cố vì lý do thiết kế tàu bay chưa hoàn thiện có thể dẫn đến lỗi trong khai thác, sử dụng và có thể gây nên tình trạng nguy hiểm hoặc tai nạn.
+ Các sự cố khác:
91. Mọi sự cố vì lý do thiết kế tàu bay chưa hoàn thiện có thể dẫn đến lỗi trong khai thác, sử dụng và có thể gây nên tình trạng nguy hiểm hoặc tai nạn.
92. Sự cố thông thường không thuộc danh mục sự cố phải báo cáo (ví dụ như sự cố đối với hệ thống thiết bị phục vụ hành khách, thiết bị khoang khách, nước sử dụng trên tàu bay) nhưng trên thực tế đã gây mất an toàn cho tàu bay, hành khách và thành viên tổ bay.
93. Cháy, nổ, khói hoặc hơi độc hoặc có hại.
94. Mọi trường hợp khác có thể gây mất an toàn cho tàu bay hoặc ảnh hưởng đến an toàn của hành khách, thành viên tổ bay hoặc của người hoặc tài sản xung quanh tàu bay ở trên mặt đất.
95. Hư hại hoặc hỏng hóc của hệ thống thông báo hành khách dẫn đến mất chức năng hoạt động của hệ thống thông báo hành khách.
96. Ghế phi công mất khả năng điều chỉnh trong khi bay.
C. BẢO DƯỠNG TÀU BAY
97. Lắp ráp sai các bộ phận hoặc thiết bị của tàu bay được phát hiện trong quá trình kiểm tra hoặc thực hiện các quy trình thử nghiệm không theo kế hoạch nhằm phát hiện việc lắp ráp sai đó.
98. Rò rỉ khí nóng dẫn đến hư hại cấu trúc tàu bay.
99. Hỏng hóc của các thiết bị có kiểm soát thọ mệnh dẫn đến nhu cầu thay thế thiết bị đó trước thời hạn.
100. Hư hỏng và tình trạng xuống cấp (rạn, nứt, gỉ sét, tách lớp hoặc mất kết dính - disbonding) bất cứ vì lý do gì (ví dụ như: rung, mất độ cứng vật liệu hoặc hư hỏng về kết cấu) của:
a) Kết cấu chính hoặc các bộ phận kết cấu khung sườn chính (theo như quy định trong tài liệu hướng dẫn sửa chữa kết cấu khung sườn do nhà chế tạo quy định SRM) khi những hư hỏng hoặc tình trạng xuống cấp của các kết cấu chính này vượt quá giới hạn cho phép của tài liệu SRM và yêu cầu việc sửa chữa hoặc thay thế toàn bộ hoặc một bộ phận của các kết cấu đó;
b) Kết cấu phụ có thể gây hậu quả mất an toàn cho tàu bay;
c) Động cơ, cánh quạt hoặc hệ thống cánh quay.
101. Tất cả các hư hỏng, hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của hệ thống hoặc thiết bị, hoặc hư hỏng hoặc tình trạng xuống cấp được phát hiện trong quá trình thực hiện tuân thủ các thông báo kỹ thuật bắt buộc (AD), hướng dẫn kỹ thuật bắt buộc cho từng loại tàu bay, khi mà:
a) Được phát hiện lần đầu trong quá trình thực hiện thông báo kỹ thuật bắt buộc;
b) Trong các lần thực hiện chỉ lệnh kỹ thuật bắt buộc sau đó và phát hiện chúng vượt quá giới hạn cho phép quy định trong tài liệu hướng dẫn và/hoặc chưa có quy trình sửa chữa tương ứng.
102. Hỏng hóc của các hệ thống hoặc thiết bị khẩn cấp, bao gồm các cửa và đèn thoát hiểm để thực hiện chức năng thoát hiểm khẩn cấp, kể cả khi hỏng hóc được phát hiện trong quá trình bảo dưỡng hoặc kiểm tra hoạt động của thiết bị hoặc hệ thống đó.
103. Không tuân thủ hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy trình bảo dưỡng theo yêu cầu.
104. Sản phẩm tàu bay (tàu bay, động cơ, cánh quạt), các bộ phận, thiết bị hoặc vật liệu chưa rõ ràng hoặc bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ.
105. Các tài liệu bảo dưỡng, quy trình sai, không đầy đủ hoặc thậm chí hướng dẫn nhầm có thể gây ra các lỗi trong công tác bảo dưỡng.
106. Hư hại, hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của thiết bị mặt đất được sử dụng để kiểm tra chức năng hoạt động của các hệ thống và thiết bị của tàu bay nhằm phát hiện các vấn đề mà quy trình kiểm tra và thử nghiệm thông thường không phát hiện được, khi chúng (các hư hại, hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của thiết bị mặt đất) có thể gây ra mất an toàn cho tàu bay.
D. ĐIỀU HÀNH BAY VÀ CÁC DỊCH VỤ MẶT ĐẤT
+ Quản lý không lưu:
107. CUng cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc có nhầm lẫn từ các nguồn từ mặt đất như kiểm soát không lưu, dịch vụ thông tin sân bay tự động (ATIS), khí tượng, cơ sở dữ liệu dẫn đường, bản đồ, đồ thị và các tài liệu hướng dẫn v.v...
108. Cung cấp dãn cách so với mặt đất thấp hơn quy định.
109. Cung cấp số liệu khí áp tham chiếu không chính xác (như đặt độ cao khí áp).
110. Truyền, nhận và hiểu sai các huấn lệnh quan trọng dẫn đến tình huống nguy hiểm.
111. Vi phạm giãn cách tối thiểu.
112. Đi vào không phận khi chưa được phép hoặc vi phạm vùng cấm bay.
113. Truyền thông thoại vô tuyến trái pháp luật.
114. Hỏng hóc của các trang thiết bị thuộc hệ thống dẫn đường trên mặt đất hoặc vệ tinh.
115. Hư hỏng nghiêm trọng của hệ thống kiểm soát/ quản lý không lưu hoặc khi có sự xuống cấp nghiêm trọng của cơ sở hạ tầng của sân bay.
116. Khu vực sân bay, đường lăn, đường cất hạ cánh bị tắc nghẽn do tàu bay, phương tiện xe cơ giới, động vật hoặc các vật ngoại lai có thể gây tình trạng mất an toàn.
117. Lỗi cảnh báo hoặc cảnh báo chưa đầy đủ về vật cản hoặc nguy hiểm trên khu vực sân bay, đường lăn, đường cất hạ cánh có thể gây tình trạng mất an toàn.
118. Hư hỏng hoặc hoạt động sai chức năng của hệ thống chiếu sáng sân bay, hoặc không có hệ thống chiếu sáng sân bay.
+ Sân bay và các dịch vụ tại sân bay:
119. Trào quá nhiều dầu đốt (nhiên liệu) trong quá trình nạp dầu.
120. Nạp không đúng lượng dầu đốt (nhiên liệu) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chịu tải, đặc tính, cân bằng hoặc độ bền kết cấu của tàu bay.
121. Quy trình phá băng/ phòng chống đóng băng trên mặt đất không đạt yêu cầu.
122. Sự ô nhiễm, làm bẩn nghiêm trọng kết cấu khung sườn, các hệ thống hoặc thiết bị của tàu bay trong quá trình vận chuyển hành lý hoặc hàng hoá.
+ Phục vụ hành khách, hành lý và hàng hoá:
123. Việc sắp xếp tải (hành khách, hành lý hoặc hàng hoá) sai có ảnh hưởng quan trọng đến trọng tâm, trọng tải của tàu bay.
124. Việc sắp xếp sai hành lý hoặc hàng hoá (kể cả hành lý xách tay) có thể gây mất an toàn cho tàu bay, thiết bị tàu bay, hành khách và thành viên tổ bay hoặc cản trở việc thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
125. Sắp xếp các công-ten-nơ hàng hoá hoặc các hàng hoá lớn, cồng kềnh không đúng quy định.
126. Sự cố do vận chuyển hàng nguy hiểm trái với quy định khai thác.
+ Dịch vụ mặt đất:
127. Hư hại, hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của thiết bị mặt đất được sử dụng để kiểm tra chức năng hoạt động của các hệ thống và thiết bị của tàu bay nhằm phát hiện các vấn đề mà quy trình kiểm tra và thử nghiệm thông thường không phát hiện được, khi chúng (các hư hại, hoạt động sai chức năng hoặc hỏng hóc của thiết bị mặt đất) có thể gây ra mất an toàn cho tàu bay.
128. Không tuân thủ hoặc có lỗi trong việc tuân thủ với các quy trình phục vụ mặt đất.
129. Nạp lên tàu bay dầu đốt hoặc các loại chất lỏng khác không đúng chủng loại hoặc bị nhiễm bẩn./.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: 75/2007/ND-CP |
Hanoi, 09 May 2007 |
INVESTIGATION OF CIVIL AIRCRAFT INCIDENTS AND ACCIDENTS
THE GOVERNMENT
Pursuant to the Law on organization of Government dated 25/12/2001;
Pursuant to the Law on Vietnam Civil Aviation dated 29/6/2006;
Considering the request of the Minister of Transport.
DECREE:
Article 1. Scope of regulation and subjects of application
1. This Decree provides for the responsibility of the bodies, organizations and individuals in notifying the aircraft incidents and accidents; procedures for investigation of aircraft incidents and accidents; international cooperation in investigation of aircraft incidents and accidents; report and prevention of aircraft incidents and accidents.
2. The aircraft incidents and accidents specified in Paragraph 1 of this Article consist of:
a) The aircraft incidents and accidents which occur in the territory of Vietnam or flight information region under the management of Vietnam;
b) The incidents of aircraft bearing the Vietnamese nationality or aircraft operated by Vietnamese operators occur in the international waters;
c) The incidents or accidents of aircraft bearing the Vietnamese nationality or aircraft operated by Vietnamese operators occur other than the cases specified under Points a and b of this Paragraph without investigation from any country or with the authorization to investigation of the country where the incident or accident has occurred.
3. This Decree applied to the organizations and individuals of Vietnam and foreign country pertaining to the notification, investigation, report and prevention of incidents or accidents of aircraft.
Article 2. Interpretation of terms
In this Decree, the terms below are construed as follows:
1. “Seriously injured persons” specified under Point a, Paragraph 2, Article 104 of the Law on Vietnam Civil Aviation are the persons who are injured by the accident if subject to one of the following cases:
a) Hospitalized over 48 hours within 07 days from the date of injury;
b) Having bone fracture except the bone of finger, toe and nose;
c) Having open wounds causing major blood loss, affecting nerve, muscle and tendon;
d) Having organ injury;
dd) Having second or third degree burn or over 5% total body surface area burned.
e) Being defined as heavily intoxicated or severely radioactive contaminated.
2. “Deceased persons” used in the accident investigation report consist of the persons who died in the accident and due to injury in the accident within 30 days, from the date of accident occurrence.
3. “Black box” is a device recording the sound in cockpit, flight parameters and is installed on aircraft.
4. "Maximum weight" means the approved maximum takeoff weight.
5. “Country of design” means the country which has the jurisdiction over the organization responsible for aircraft design.
6. “Country of manufacture” means the country which has the jurisdiction over the organization responsible for overall assembly of aircraft.
NOTIFICATION OF AIRCRAFT INCIDENT AND ACCIDENT
Article 3. Notification of aircraft incident and accident
1. The following organizations and individuals are responsible for immediately notifying the Civil Aviation Authority of Vietnam by phone, fax, Aeronautical Fixed Telecommunications Network (AFTN) or by other means of communications when detecting or receiving the information on aircraft accident or incident specified in the Appendix I of this Decree.
a) The air traffic service provider for the information on aircraft in distress;
b) The aircraft commander, aircraft operator for the information on aircraft incident or accident which has occurred in the territory of Vietnam; incident or accident of aircraft bearing the Vietnamese nationality or aircraft operated by Vietnamese operators which has occurred outside the territory of Vietnam;
c) The Directors of aviation Authorities for the information aircraft incidents or accidents which have occurred in the airports or aerodromes or the surrounding areas of airport or aerodrome under their management;
d) The maritime search and rescue center for the information on aircraft in distress at sea;
dd) People’s Committee of the locality where the aircraft accidents have occurred.
2. The other organizations and individuals not subject to the cases specified in Paragraph 1 of this Article when detecting or receiving information on aircraft incidents or accidents are responsible for notifying immediately the local People’s Committee, the Civil Aviation Authority of Vietnam, the facilities providing the search and rescue services or the nearest bodies and units in the aviation sector.
3. Where the aircraft incidents and accidents occur in foreign countries for the aircraft bearing the Vietnamese nationality or aircraft operated by Vietnamese operators, in addition to the responsibilities specified in Paragraph 1 of this Article, the aircraft commander and operator must notify immediately the Vietnamese diplomatic missions or consular offices in those countries.
Article 4. Processing information on aircraft incidents or accidents
1. When receiving the notification of aircraft incident or accident as specified in Article 3 of this Decree, the Civil Aviation Authority of Vietnam shall make re-confirmation and report to the Ministry of Transport on the following information:
a) Type of aircraft, registration mark and nationality mark of aircraft;
b) Name of owner and operator of aircraft;
c) Full name of aircraft commander;
d) Date and time of occurrence of incident or accident;
dd) Last departure place and intended place of landing of aircraft;
e) Location of aircraft determined by the meridian and parallel;
g) Number of passenger and crew members on aircraft at the time of occurrence of incident or accident;
h) Number of deceased persons and seriously injured persons caused by accident or number of injured persons caused by incident, including the passengers, crew members and the third persons.
i) Characteristics of accident or incident and extent of damage to aircraft;
k) Information on dangerous cargo on aircraft.
2. Except where the aircraft is missing or it is impossible to approach the aircraft, the Civil Aviation Authority of Vietnam must send staff to the scene to carry out the following activities:
a) Coordinate with the search and rescue forces at the scene to help people in distress and avoid disordering the scene unnecessarily;
b) Collect information on the deceased persons if any;
c) Collect aircraft debris; assess damages of chassis structure, radio, electronic and motor systems;
d) Require the handover, seize or collect information from the black box;
Determine the alcohol or stimulant concentration for crew members;
e) Preliminarily interview the crew members and witnesses;
g) Determine the range of scene and require the bodies to coordinate and protect the scene and take its photos;
h) Coordinate with the relevant bodies and organizations to take necessary measures to preserve the objects and documents pertaining to the incident or accident.
3. The Minister of Transport shall verify and re-confirm the information specified in Paragraph 1 of this Article to decide on investigation or report it to the Prime Minister to establish the accident investigation Committee.
4. In case of occurrence of aircraft incident or accident specified in Appendix I of this Decree, the Ministry of Transport shall notify immediately the following countries and international organizations:
a) Country of aircraft registration;
b) Country of aircraft operator;
c) Country of aircraft design;
d) Country of aircraft manufacture;
dd) International Civil Aviation Organization (ICAO) for the aircraft with a maximum weight of over 2250 kilograms.
5. The notification specified in Paragraph 4 of this Article can be sent by fax, email, APTN. The notification consists of the following information
a) Specify “ACCID" if accident or "INCID" if incident;
b) Manufacturer, type of aircraft, nationality and registration mark of aircraft;
c) Name of owner, operator or lessee of aircraft;
d) Full name and nationality of crew members and passengers;
dd) Date and time of occurrence of incident or accident (local time or coordinated universal time - UTC);
e) Last departure place and intended place of landing of aircraft;
g) Location of aircraft determined by the locality, meridian and parallel;
h) Number of crew members and passengers on aircraft at the time of occurrence of accident; number of deceased persons or seriously injured persons (including the passengers, crew members and the third person on the ground)
i) Preliminary description of characteristics of accident or incident and extent of damage of aircraft;
k) Expected range of investigation;
l) Characteristics of topography and area of occurrence of accident or incident, level of difficulty or special requirements to reach the scene;
m) Investigation body and mode of contact with the investigation body;
n) Information on dangerous cargo on aircraft.
PROCEDURES FOR INVESTIGATION OF AIRCRAFT INCIDENT OR ACCIDENT
Article 5. Contents of investigation of aircraft incident or accident
The investigation of aircraft incident or accident is done to meet the following requirements:
1. Collection, recording and analysis of information which can be collected on aircraft incident or accident;
2. Study and identification of causes of aircraft incident or accident;
3. Recommendations for aviation safety assurance;
4. Making of report on investigation of aircraft incident or accident
Article 6. Scene protection and removal of aircraft having accident or incident
1. The organizations and individuals that carry out the search and rescue must protect the aircraft and scene of aircraft having accident or incident.
2. The Ministry of Transport shall coordinate with the relevant organizations and individuals to protect the scene with the following specific duties:
a) Provide emergency aid for the survivors; extinguish fire and protecting people’s life and properties.
b) Protect the aircraft to prevent further fire or damage; not disorder or change position of victim’s body; not damage or disorder the cargo, luggage and other objects transported on aircraft;
c) Take appropriate measures to prevent the consequences that may occur due to the dangerous cargo;
d) Take photos or make film or take other necessary measures to keep the exhibits easily lost or deformed;
dd) Collect the full name and address of witnesses for the investigation of aircraft incident or accident.
3. The owner, operator or lessee of aircraft must move the aircraft having accident or incident or the cargo, luggage and objects transported on aircraft having accident or incident as required by the Ministry of Transport.
4. The bodies investigating the aircraft accident or incident must move the aircraft having accident or incident or the cargo, luggage and objects transported on aircraft having accident or incident to the appropriate location in case the persons specified in Paragraph 3 of this Article fail to do it.
5. The removal of aircraft having accident or incident or the cargo, luggage and objects transported on aircraft having accident or incident must be recorded. The record specifies the present condition of objects and the organizations and individuals that keep them.
Article 7. Bodies investigating the aircraft accident or incident
1. The aircraft investigation Committee set up by the Prime Minister consists of the representative of Ministry of Transport as the Chairman, representatives of relevant Ministries and sectors and provincial People’s Committee where the accident has occurred.
2. The Ministry of Transport shall set up the aircraft accident or incident investigation body or organize the investigation by the way in line with the extent and characteristics of that incident or accident. In case of required setup of aircraft accident or incident investigation body, the Ministry of Transport can invite the representatives of relevant Ministries and sectors and provincial People’s Committee where the accident has occurred.
3. The aircraft investigation Committee set up by the Prime Minister or the aircraft accident or incident investigation body set up by the Ministry of Transport (hereafter referred to as the aircraft accident or incident investigation body) has the right to requisition the qualified persons of the following Vietnamese organizations to serve the investigation of aircraft accident or incident:
a) Aircraft operators;
b) Air traffic service providers;
c) Facilities designing, manufacturing, maintaining and testing aircraft;
d) Social-professional organizations on aviation;
4. The aircraft accident or incident investigation body is arranged an appropriate workplace near the scene of aircraft accident or incident; equipped with means of travelling and equipment necessary for the investigation of aircraft accident or incident. The workplace shall be decided by the aircraft accident or incident investigation body depending on each specific case.
5. The Ministry of Transport must keep the records of aircraft accident or incident investigation after its completion.
Article 8. Person in charge of aircraft accident or incident investigation
1. The person in charge of aircraft accident or incident investigation must meet the requirements for professional qualification and aviation engineering.
2. The following persons must not be the members of the aircraft accident or incident investigation body:
a) The aircraft owner of aircraft, capital contributor or person involved in running the aircraft operation organization which has the aircraft in distress and under investigation;
b) The person having interests from the business of aircraft operation organizations, the facilities designing, manufacturing, maintaining and testing aircraft in distress and under investigation;
Article 9. Duties and powers of the head of aircraft accident or incident investigation body
The head of aircraft accident or incident investigation body has the following duties and powers:
1. Organizes the implementation and assigns duties to the members of the investigation body to perform their prescribed duties and powers.
2. Presides over the meetings of the aircraft accident or incident investigation body, speaks or appoints the member of the investigation body to be the spokesman during the investigation of incident or accident;
3. Other duties and powers are specified in Article 10 of this Decree.
Article 10. Duties and powers of the person in charge of aircraft accident or incident investigation
1. The person in charge of aircraft accident or incident investigation has the following duties and powers:
a) Enters and examines the scene of aircraft accident or incident, approaches the aircraft, its equipment or debris;
b) Seizes or coordinates with the police body to seize and use the debris and equipment of aircraft and the documents and papers necessary for investigation of incident or accident;
c) Makes statistics of evidence at the scene of aircraft incident or accident, controls the removal of aircraft, luggage, cargo and objects transported on aircraft, the debris and equipment of aircraft;
d) Seizes the black box, carries out the decoding or requires the decoding or requires the country of registration or country of operation to provide the data of the black box.
dd) Requires the owner and operator of aircraft, the manufacturer, aviation Authority or other organizations and individuals to provide the information and documents pertaining to the aircraft in distress;
e) Inspects or requires the inspection of exhibits, evidence and documents pertaining to the aircraft incident or accident, and the health of persons involved in operating the aircraft in distress;
g) Provides the result of inspection of victim’s body for the investigation of aircraft incident or accident;
h) Questions and studies the testimonies of witnesses on the issues pertaining to the aircraft incident or accident.
2. The person in charge of aircraft incident or accident has the following obligations:
a) Investigates the aircraft incident or accident quickly, truthfully and objectively.
b) Strictly follows the direction of the head of the aircraft incident or accident investigation body on the contents, methods of investigation and takes measures to ensure the safety in investigation;
c) Must not provide information pertaining to the investigation of aircraft incident or accident for other persons or mass media without permission.
Article 11. Return of aircraft and equipment of aircraft
1. The aircraft incident or accident investigation body must return the aircraft and equipment of aircraft in distress to the person having the authority to the aircraft or the person appointed by the country of registration or the operator’s country when it does not need to retain the aircraft and equipment of aircraft for investigation.
2. The return of aircraft and equipment of aircraft must be made with a record of handover which consists of the following contents:
a) Name and address of the person or organization of handover;
b) Preliminary description of subjects handed over;
c) Date, time and location of handover;
d) Signature of representative of the aircraft incident or accident investigation body and representative of the recipient.
Article 12. Decoding the black box
1. When carrying out the investigation of aircraft incident or accident specified in Appendix I of this Decree, the investigation body must decode the information in the black box installed on aircraft.
2. The selection of facility to decode the information of the black box must meet the following requirements:
a) The level of objectivity and accuracy of the unit and the persons that conduct the decoding;
b) The minimum time for the decoding is sufficient to have necessary information;
c) The geographical location of the decoding place must be near the aircraft incident or accident investigation body.
1. Where the aircraft accident causes the crew member’s death, the investigation body must solicit autopsy to serve the investigation.
2. Where the aircraft accident causes the death of passenger or a third person on the ground, the investigation body can solicit autopsy to serve the investigation.
Article 14. Coordinated responsibility of other investigation bodies
The other investigation bodies for the aircraft incident or accident in accordance with the criminal procedure law must provide the correct information on autopsy, the victim's identity, the testimonies of witnesses, the decoded information and evidence for the aircraft incident or accident investigation body as required .
Article 15. Notification of illegal acts of interference
During the investigation of aircraft incident or accident, if detecting or suspecting the illegal acts of interference in the civil aviation, the Ministry of Transport must notify immediately the relevant state bodies of Vietnam and the relevant countries as stipulated in Paragraph 4, Article 4 of this Decree.
Article 16. Disclosure of information
1. Upon occurrence of aircraft incident or accident, the aircraft incident or accident investigation body has the right to disclose the following information:
a) Flight number, nationality and registration number of aircraft;
b) Name of crew members and their official qualifications;
c) Flight schedule;
d) Status of airworthiness of the aircraft;
dd) Weather condition;
e) Organization and duties of the aircraft incident or accident investigation body;
g) Investigation process;
h) Actual information on incident or accident;
2. The following information must not be disclosed and is only used for the investigation of aircraft incident or accident:
a) The testimonies of the relevant persons during the investigation;
b) The information exchanged between the persons pertaining to the aircraft operation;
c) Medical information and personal information of the persons pertaining to the aircraft incident or accident;
d) Cockpit voice recording and their recording copy;
dd) Opinions on analyzed information, including the information of black box;
e) Information pertaining to the security and national defense.
1. The decision on re-investigation for the aircraft incident or accident after the end of investigation is only done in case of detection of important new evidence which can change the conclusion of cause and responsibility for the incident or accident.
2. The authority to re-investigate and the procedures for re-investigation of aircraft incident or accident are applied as for the first investigation.
Article 18. Preliminary report on aircraft incident or accident
1. The aircraft incident or accident investigation body shall make a preliminary report on investigation of aircraft incident or accident under the form specified in Appendix II of this Decree.
2. Within 30 days from the date of occurrence of aircraft incident or accident, the Ministry of Transport shall send the preliminary report on investigation of aircraft incident or accident to the relevant countries and international organizations as follows:
a) Country of aircraft registration;
b) Country of aircraft operation;
c) Country of aircraft design;
d) Country of aircraft manufacture;
dd) International Civil Aviation Organization (ICAO) for aircraft with a maximum weight of over weighing 2,250 kilograms.
Article 19. Official report on investigation of aircraft incident or accident
1. Upon the completion of investigation, the aircraft incident or accident investigation body shall make an official report under the form specified in Appendix III of this Decree.
2. The Ministry of Transport shall send the draft of official report on aircraft incident or accident to the following countries for opinions:
a) Country of aircraft registration;
b) Country of aircraft operation;
c) Country of aircraft design;
d) Country of aircraft manufacture;
3. Within 60 days, from the date of sending the draft of official report, if receiving the opinions of the countries specified in Paragraph 2 of this Article, the aircraft incident or accident investigation body shall study and revise it or attach those opinions in the official report.
4. When the time limit of 60 days is over without receiving the opinions and agreements from the countries, the Ministry of Transport shall send the official report on the investigation of aircraft incident or accident to the following countries and international organizations:
a) Country involved in investigation;
b) Country of aircraft registration;
c) Country of aircraft operation;
d) Country of aircraft design;
dd) Country of aircraft manufacture;
e) Country having the deceased or seriously injured citizens;
g) Country which has provided the relevant information, equipment or specialists;
h) International Civil Aviation Organization (ICAO) for aircraft with a maximum weight of over weighing 5,700 kilograms.
Article 20. Disclosure of official report on investigation of aircraft incident or accident
1. Based on the characteristics of aircraft incident or accident, the aircraft incident or accident investigation body shall disclose a part or the whole of official report on investigation of aircraft incident or accident, except the case of investigation of aircraft incident or accident as authorized by other countries.
2. The disclosure of official report on investigation of aircraft incident or accident specified in Paragraph 1 of this Article shall be done within 12 months from the date of sending the official report on the investigation of aircraft incident or accident to the countries and international organizations.
Article 21. Safety recommendations
1. During the investigation of aircraft incident or accident, the aircraft incident or accident investigation body has the following rights:
a) Sends documents to require the relevant organizations and individuals to take measures to strengthen the aviation safety;
b) Sends the recommendations for aviation safety arising from the investigation to the relevant countries and the International Civil Aviation Organization (ICAO).
2. Within 30 days from the date of receiving the written recommendation, the organizations and individuals specified under Point a, Paragraph 1 of this Article must report to the Civil Aviation Authority of Vietnam on taking the preventive measures and strengthening the aviation safety.
Article 22. Funding for investigation of aircraft incident or accident
1. The operator and the lessee of aircraft in case of lease with crew having the aircraft in distress shall bear the expenses of decoding, autopsy, scene reconstruction and removal of aircraft, cargo, luggage and objects transported on aircraft, remuneration and other expenses for those who are used to serve the investigation of aircraft incident or accident specified in Paragraph 3, Article 7 of this Decree.
2. The other expenses served for the investigation of aircraft incident or accident are taken from the state budget. The Ministry of Transport shall make an estimate of expenses for each case for report to the Ministry of Finance for decision.
INTERNATIONAL COOPERATION IN INVESTIGATION OF AIRCRAFT INCIDENT OR ACCIDENT
Article 23. Participation in investigation of aircraft accident
1. The representatives of the countries permissible to participate in the investigation of aircraft accident are under the control of the aircraft incident or accident investigation body.
2. The representatives of the countries participating in the investigation of aircraft accident have the following rights and obligations:
a) Come to the scene of accident;
b) Inspect the aircraft debris;
c) Know information on testimonies of witnesses and recommend the issues to be clarified;
d) Know about the evidence;
dd) Receive the copies of appropriate documents from the investigation;
e) Participate in decoding the black box;
g) Participate in investigation of accident such as inspection of component parts, technical explanation and comment, inspection and simulation of process of accident occurrence.
h) Participate in the meetings pertaining to the analysis and assessment of causes and safety recommendations during the investigation;
i) Present viewpoints on issues which still have different opinions during the investigation of accident;
k) Disclose the information on aircraft accident which the aircraft incident or accident investigation body permits.
Article 24. Cooperate with the countries having victims in aircraft accident
Where the aircraft accident occurs in the territory of Vietnam, the representatives of the countries having their deceased or seriously injured citizens can enter Vietnam and have the following rights:
1. Come to scene of aircraft accident; know the information on the scene of aircraft accident;
2. Identify the victims;
3. Coordinate with the accident investigation body to question the live passengers who are their citizens;
4. Receive the copy of official report on aircraft accident;
5. Receive information on aircraft incident or accident as permissible by the aircraft incident or accident investigation body.
Article 25. Investigate the aircraft incident or accident in foreign country
1. Where the investigation of aircraft incident or accident is carried out by other countries, the Ministry of Transport must:
a) Provide the country where the aircraft incident or accident has occurred with the information on the aircraft and crew for the aircraft registered with Vietnamese nationality or operated by the Vietnamese operator right after receiving the notification.
b) Provide the country where the aircraft incident or accident has occurred with the information on the aircraft which is designed or manufactured in Vietnam right after receiving the notification.
c) Provide the information decoded from the black box for the country carrying out the investigation of aircraft incident or accident in accordance with the provisions specified in Appendix I of this Decree with the aircraft registered with Vietnamese nationality or operated by the Vietnamese operator;
d) Provide the information on the dangerous cargo transported on aircraft operated by the Vietnamese operator for the country where the aircraft incident or accident has occurred right after receiving the notification.
dd) Information on passengers transported on aircraft.
2. The Ministry of Transport shall coordinate with the relevant Ministries and sectors to participate in the aircraft incident or accident which has occurred in foreign countries in the following cases:
a) Aircraft bearing the Vietnamese nationality;
b) Aircraft operated by the Vietnamese operator;
c) Aircraft designed or manufactured by Vietnam.
3. Where the Vietnamese citizens are the victims in the aircraft incident or accident which has occurred in foreign countries but not subject to the cases specified in Paragraph 2 of this Article, the Ministry of Foreign Affairs shall coordinate with the country where the aircraft incident or accident has occurred to coordinate with the Ministry of Transport in investigation of accident.
Article 26. Authorization of investigation of aircraft incident or accident
1. Where the occurrence of incident or accident in foreign countries for the aircraft bearing the Vietnamese nationality or operated by the Vietnamese operator and the country where the incident or accident has occurred is authorized to Vietnam for partial or whole investigation. In this case, the investigation is done in accordance with the provisions of this Decree.
2. Based on the characteristics of aircraft incident or accident and at the request of the Minister of Transport, the Prime Minister shall decide to authorize the country of aircraft registration or the country of aircraft operator to investigate the aircraft incident or accident which has occurred in the territory of Vietnam for the aircraft bearing the foreign nationality.
Article 27. Aircraft incident report
1. Within 72 hours from the time of occurrence of aircraft incident specified in Appendix IV of this Decree, the aircraft operator, airline, aircraft maintenance organization, aircraft design and manufacture organization, aircraft commander, air traffic service provider and aviation Authority must report to the Civil Aviation Authority of Vietnam under the form specified in Appendix V of this Decree.
2. The organizations and individuals specified in Paragraph 1 of this Article must have the book to regularly follow and update the incidents occurred to the relevant aircraft within their management.
3. The airlines must make periodical reports on aircraft incident and send them to the Civil Aviation Authority of Vietnam as follows:
a) Monthly report: on the 25th date of each month;
b) Quarterly report: prior to the 5th date of the first month of the subsequent quarter;
c) Yearly report: prior to the 15th date of January of the subsequent year.
Article 28. Summarize the incident reports
Based on the received incident reports, the Civil Aviation Authority of Vietnam must conduct the following activities to take the measures to prevent the aircraft incidents:
1. Summarizes, analyzes and assesses the aircraft incident reports as specified in Article 27 of this Decree;
2. Inspects the application of measures to ensure the aviation safety;
3. Inspects the remedy of aircraft incident and take the measures to prevent the aircraft incidents;
4. Notify the result of analysis and assessment of information from the incident reports to the relevant organizations and individuals.
This Decree takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette.
Article 30. Responsibility for implementation
The Ministers, heads of ministerial-level bodies, heads of governmental bodies, Chairman of People's Committees of provinces and centrally-run cities are liable to execute this Decree. /.
|
FOR THE GOVERNMENT |
LIST OF INCIDENTS TO BE INVESTIGATED
1. Aircrafts nearly collide with each other but with manipulation of avoidance to stop the collision or dangerous situations.
2. Aircraft nearly crashes into the obstacles on the ground.
3. Cancelling the take-off at the end of runway or the aircraft skids off the runway.
4. Taking off at the end of runway or outside the runway.
5. Landing or intending to land at the end of runway or outside the runway.
6. Landing and grounding too early or the aircraft skids off the runway.
7. Failure to meet the expected features during takeoff or climbing.
8. There is fire or smoke in the passenger or cargo compartment or engine fire but is extinguished by the fire-fighting substances.
9. Incident which forces the crew to use emergency oxygen.
10. Many damages occur to one or many aircraft systems seriously affecting the aircraft operation.
11. Crew loses the working capacity while the aircraft is flying.
12. There are problems with the fuel which forces the crew to declare the state of emergency.
13. Malfunction of the system, unusual weather phenomena or aircraft operation exceeding the approved limits or circumstances making it difficult to control the aircraft.
14. Failure of structure or engine separation but not to the extent of being deemed as accident.
15. Failure at the same time of many systems in which there must be a substitute system to determine the direction of flight and navigation.
16. Other incidents which must be investigated as required by ICAO./.
CONTENTS OF PRELIMINARY REPORT ON INVESTIGATION OF AIRCRAFT INCIDENT OR ACCIDENT
I. GENERAL INFORMATION ON AIRCRAFT ACCIDENT
1. Reference number
2. Location of accident
3. Date and local time
4. Aircraft data
5. Type of aircraft and manufacturer
6. Nationality and registration number
7. Name of aircraft operator
8. Flight itinerary
II. FORM OF FLIGHT
1. Domestic/regular international/chartered flights
2. Operator (domestic/international)
3. Last place of take-off
4. Intended landing place
5. Flying time
III. CASUALTIES
1. Crew members
2. Passengers
3. People on the ground
IV. CONSEQUENCES TO AIRCRAFT
V. WEATHER CONDITIONS
1. Weather condition in the area of accident occurrence
2. Lighting conditions
VI. PROCESS OF OCCURRENCE TO THE AIRCRAFT IN DISTRESS
VII. BRIEF DESCRIPTION
1. Brief description of accident including the unusual circumstances and the most important information.
2. Notes of safety and necessary preventive measures which can be acceptable./.
CONTENTS OF OFFICIAL REPORT ON INVESTIGATION OF AIRCRAFT INCIDENT OR ACCIDENT
A. INTRODUCTION
1. The information on operator, manufacturer, type, nationality, registration number, date and place of occurrence of aircraft incident or accident.
2. Preliminary summary of information on the process of receiving the notification of the country of the aircraft incident or accident; the investigation body and the appointed representatives of the relevant countries; the body drafting the report; the conclusion of circumstances resulted in aircraft incident or accident.
B. MAIN PART
I. The detailed information on aircraft incident or accident:
1. Flight itinerary:
a) Flight number, type of operation, last departure place, local time or coordinated universal time (UTC) upon the last departure and intended landing place;
b) Flight plan, description of flight and events resulted in aircraft incident or accident including the reconstruction of flight orbit if necessary;
c) Location (determined by the meridian and parallel) of occurrence of accident, time of occurrence of accident (local time or coordinated universal time - UTC), day and night.
2. Casualties:
a) Number of deceased persons: crew members, passengers and others;
b) Number of seriously injured persons: crew members, passengers and others;
c) Number of mildly injured or unscathed persons: crew members and passengers.
3. Extent of damage to aircraft
Describe and assess the extent of damage to aircraft caused by the accident (serious destruction, damage, minor damage or no damage)
4. Other damages
Describe other damages other than the aircraft
5. Information on aviation staff:
a) The important information on the crew members consist of: age, validity of permit, professional capacity certificate and compulsory tests, flight experience (total flying hours and flying hours on type of aircraft) and information on duty time;
b) Information on conclusion of health inspection;
c) Brief summary of qualifications of experience of other crew members;
d) Important information pertaining to the relevant aviation staff such as air traffic controller and aircraft maintenance officer.
6. Aircraft data:
a) Brief the maintenance condition and airworthiness of the aircraft;
b) Brief the information on load and carry-center within the permissible limit in the stages of flight pertaining to the stages of flight;
c) Type of fuel used
7. Meteorological information:
a) Brief the meteorological condition when the circumstances occur including the forecasting and actual weather condition with the weather information received by the crew;
b) Natural light condition when the accident has occurred (daylight, midnight moonlight).
8. Guidance equipment:
Specify the important information on navigation devices and navigation and landing system (ILS, MLS, NDB, PAR, VOR and other devices that support the vision on the ground) and their effect at that time.
9. Communications:
The important information on stationary or mobile aeronautical stations and their effect.
10. Information on aerodrome:
The information pertaining to the aerodrome with its equipment and operative effect.
11. Data collected from black box
12. Data collected from aircraft debris.
13. Information psychological assessment of crew members.
14. Information on fire phenomenon (if any)
15. Issues pertaining to the survivors as victims
a) Brief the issues pertaining to the search and rescue and wound sites of crew and passengers;
b) Structural damage to the seat and seatbelt.
16. Result of testing and study.
17. Information on organization and management aspects.
a) Important information on the relevant field of organization and management and effect to the aircraft operation, including the following organizations: aircraft operators, facilities providing the air traffic services and setting up the airway and aerodrome, meteorological service providers and bodies issuing the aviation regulations.
b) The issues of organization and management consist of: organizational apparatus, functions, duties, powers, human resources, funding status, management policies and legal framework of working mechanism.
II. Analysis
Analyze the obtained information in relevant section I for determining the conclusion and cause.
III. Conclusion
List the issues and causes identified during the investigation, including the direct and indirect causes.
IV. Safety recommendations
Where the causes are identified, list the safety recommendations with the preventive measures.
C. APPENDICES
Including the layouts, drawings and necessary additional data to clearly understand the contents of report./.
LIST OF INCIDENTS TO BE REPORTED
A. FLIGHT OPERATION
+ Aircraft operation:
1. Risks of collision
a) Risks of collision between 02 aircrafts, between aircraft and other vehicles:
b) When required to apply the necessary movements to avoid collision with aircraft, ground or other vehicles;
c) Movements to avoid the unsafe circumstances.
2. Incidents during the take-off and landing including the scheduled or compulsory landing, skidding off the runway; incident during the take-off, take-off cancellation or landing on unused runway or runway in use by other aircrafts or landing on wrong runway (only the plan for landing preparation phase though).
3. Fuel remains little or unable to switch fuel or use up the amount of usable fuel.
4. Loss of control (including partial or temporary loss of control system) for any reason.
5. Incident which occurs at the time of equal to or greater than the speed V1 can cause or can lead to dangerous circumstances or potential dangers (eg, cancellation of takeoff, tailsitter, engine power loss).
6. Can cause dangerous circumstances or potential dangers while flying the second round.
7. Unintended deviation of flight speed, flight direction or altitude greater than 91m (300ft) for any cause whatsoever.
8. Lower the altitude than the decision height (DH) or the permissible maximum landing altitude without detecting the prescribed visible reference point.
9. Failure to determine the physical position of aircraft or the position of aircraft compared to other aircraft.
10. Disruption of communications between crew members, or between the crew and the other divisions as attendants, air traffic controllers and technical staff.
11. Hard landing - or landing and after that the check after landing is necessary.
12. Fuel deviation exceeding the permissible limit.
13. Setting the wrong code of Secondary Surveillance Radar or scale of height gauge.
14. Wrongly programming, updating wrong parameters or using incorrect parameters for the devices of navigation system or operational feature computing system.
15. Failure or malfunction of the fuel system which can affect the supply and distribution of fuel.
16. Aircraft trends to skid off the runway or taxiway unintendedly during take-off, landing and rolling on the ground.
17. Collision between aircraft with another or other vehicles and objects on the ground.
18. Incorrect or unintended operation of the control system.
19. Failure to gain the features of aircraft as calculated in any stage of the flight.
20. Dangers or potential dangers as the consequences of creation of failure circumstances during the training, system testing or for training purposes.
21. Phenomenon of unusual vibration.
22. Operation of important warning systems resulted in respective activities of aircraft, except when:
a) The crew confirms those warnings are false (record it in the flight logbook) and they do not cause any difficulty or danger to the crew during the handling of such failures; or
b) The warnings are falsified for training or system testing.
23. There is warning phenomenon of the enhanced ground proximity warning system (EGPWS) or terrain awareness and warning system (TAWS) when the aircraft approaches the ground lower than the predefined flight plan as calculated.
24. There appear the warnings while flying with the Instrument Meteorological Conditions (IMC) or when it is dark and these warnings are caused by the too high speed of altitude lowering (Mode 1).
25. There appear the warning of landing gear or edge flap has not yet been dropped according to the respective mode at the necessary point during the landing approach.
26. Any difficulties or hazards occurred or could occur (eg, failure to maintain the prescribed horizontal spacing for other airways) since the crew must handle the types of warning which can be true, false or offensive to the crew.
27. There are difficulties or dangers appeared or could appear after the crew takes action to respond to the EGPWS/TAWS warning.
28. Airborn collision avoidance system (ACAS and Resolution Advisory).
29. Explosion incident due to jet and propulsive force causing serious damage or dangerous injury.
+ Cases of emergency:
30. Fire, explosion, smoke or toxic smoke, even when the fire is extinguished.
31. The pilot or attendant must use the exceptional procedures to deal with the emergency cases when:
a) There are the procedures but not be used; or
b) There are no procedure; or
c) There are the procedures but not yet completed or consisted; or
d) The procedures are improper; or
dd) The procedures are proper but not followed.
32. Procedures are not set up completely for application in case of emergency, even when being used in case of maintenance, training and testing.
33. Cases which lead to emergency exit.
34. Loss of pressure adjustment system in the passenger compartment.
35. Emergency devices or necessary emergency procedures are used to deal with the circumstances during flight.
36. Circumstances which lead to the announcement of state of emergency (MAYDAY or PAN).
37. Failure of emergency devices or system including the exit doors and lights is detected during the operation and maintenance and even when being used in testing and training.
38. Circumstances which require the crew to use the oxygen devices urgently.
+ Cases of loss of working capacity of the crew
39. The loss of working capacity of the crew members, including the problems which have occurred before departure in case of risks causing loss of working capacity of the crew during flight afterwards.
40. The flight attendants lose their working capacity and cannot perform the important exit functions.
+ In case of injured persons:
41. The incidents which caused or could cause injury to the passengers or crew but not to the extent of being deemed as accident.
+ Cases due to weather
42. Lightning strike causes damage to the aircraft or loss or malfunction of key system (display of flying parameters, control, engine, communications, navigation etc).
43. Experience of hail causes damage to aircraft or loss or malfunction of functions of key system (as mentioned above).
44. Aircraft flies into the strong turbulence zone and causes injury to the flight participants or the check of aircraft must be done after it has flown into the strong turbulence zone.
45. Aircraft flies into the strong crosswind areas.
46. Aircraft flies into the area with ice which causes difficulty to the control and failure of aircraft, loss or malfunction of key functions.
+ Cases due to security:
47. Illegal interference in aircraft including bomb threat or aircraft hijacking.
48. Difficulties arise in controlling the drunk persons, violence or passengers who do not comply with regulations.
49. Detection of illegal passengers on aircraft.
+ Other cases:
50. For the specific incidents with their repetitive phenomenon, although they are not deemed as incidents but required to be reported because of their repetitive phenomenon which can cause the possible threat to the flight safety.
51. Bird collision causes damage to aircraft, loss or malfunctioning of key systems or devices.
52. All other incidents which have caused or could cause the loss of safety to the aircraft and persons on aircraft or on the ground.
B. AIRCRAFT ENGINEERING
+ Aircraft structure:
53. Failure of the principal structure elements are not considered as the damage tolerant-life limited elements. The elements of principal structure are the principal load-bearing structures while the aircraft is flying, on the ground and pressure difference load due to the pressure boosting of aircraft capsule. The failure of these elements can cause the aircraft incident.
54. Failure exceeding the permissible limits of principal structure elements is considered as the damage tolerant-life limited elements.
55. Damage or failure of structure elements exceed the permissible limits and can cause the reduced durability of structure and loss of capacity to eliminate the flutter and divergence or loss of control reversal margins
56. Failure of structure elements can result in the separation of heavy components causing injury to the flight participants.
57. Failure of structure elements can affect the normal operation of other systems.
58. Loss of some elements of aircraft structure during flight.
+ Aircraft system:
59. Serious loss or malfunction or failure of system or secondary system or some devices can lead to the impossibility to carry out the Standard Operation Procedures (SOP).
60. Crew loses the system control capacity, for example:
- Operations fail to follow the crew's control.
- Wrong response or incompletely under the control, including the limits of movement or jam.
- Movement of rudder, edge flap (front and rear), spoiler and strip is greater compared with the control signals.
- Mechanical interruption or failure
61. Failure or malfunction of one or multiple special functions of the system (one system can assume multiple functions).
62. There are impacts and effects in or between systems.
63. Failure or malfunction of protective devices or emergency system pertaining to the system.
64. Loss of redundancy of the system.
65. Incidents result in operations other than the calculation mode of the system.
66. For types of aircraft whose primary systems and primary secondary systems or primary devices have only one set: loss or malfunction or failure of one of the primary systems and secondary systems or set of device;
67. For types of aircraft with multiple independent primary systems or primary secondary systems or multiple sets of device (with the same functions): loss or malfunction or failure of 02 primary system or primary secondary systems or sets of device or more.
68. Operation of the warning system of level 1 pertaining to the systems of aircraft or devices, except when there is an official conclusion of the crew that the warning is false and the crew confirms those false warnings do not cause difficulties or dangers to the crew in response to the circumstances.
69. Leakage of hydraulic oil, fuel oil, lubricant or other types of liquid can cause the risks of fire or failure of aircraft structure, system or equipment or danger to the passengers and crew.
70. Malfunction of flight parameter display system can result in the possibility of providing the incorrect flight parameters for the pilot.
71. All failures or malfunctions occur in the primary stages of the flights (takeoff run, takeoff, landing, gain and reduction of height or upon landing approach) and are associated with the operation of the system.
72. Important deficiency of actual features of the system compared with the approved features can cause dangerous circumstances (including the accuracy of calculation methods of those features) including the use of brake system, fuel consumption, etc.
73. Loss of synchronization of control system, front and rear edge flap system, etc)
+ Power generating system (engine, propeller and drive system of helicopter):
74. There is no combustion in the combustion chamber, aerial engine shutdown or malfunction of one of the engines.
75. Excessive turn round speed or unable to control the turn round speed of parts with great turn round speed such as: Auxiliary Power Unit (APU), gas starter motor of the engine, cooling turbine of air conditioning system, gas turbine motor, propeller or helicopter rotary blade.
76. Failure or malfunction of parts of engine or power generating equipment can result in one of the following cases:
a) Inability to enclose the debris of the destroyed equipment (equipment);
b) Loss of capacity of alarm and extinguishment of internal and external fire or hot gas opening; direction of necessary expulsive force fails to follow the crew’s control;
c) System creating the reverse expulsive force (reverse blowing system) does not operate or operates unintendedly;
d) Loss of capacity to control the power, expulsive force or rotation;
dd) Damage or failure of engine suspension structure;
e) Loss of one part or the whole of main components of power generating equipment;
g) Visible smoke or harmful substances that can cause unconsciousness for the flight crew and passengers;
h) The engine cannot be shut down upon application of normal shutdown procedures;
i) Unable to re-start the engine when it is in good condition.
77. Unintended loss, change or oscillation of power/expulsive force due to failure to control the power/expulsive force of the engine:
a) For the aircraft having one engine;
b) When being deemed an excess of permissible application;
c) When this can affect the engines on aircraft having 02 engines or more, especially in case the aircraft has 02 engines; or
d) When the circumstances are deemed dangerous and serious for the aircraft having 02 engines of the same type or more.
78. Failure of life limited parts or devices or hard time controlled parts can result in the change of those parts or devices prior to the prescribed time limit.
79. Failures with the same cause can result in the rate of aerial engine shutdown which is so high that there is a possibility of engine shutdown of two engines (or more) in a flight.
80. Restrictors or engine control equipment fails to operate in case of necessity or unintendedly operate.
81. Excess of permissible limit of engine parameters.
82. Collision with foreign objects which causes damages to the engine, propeller and movement actuator.
+ Rotary blade and movement actuator:
83. Damage or malfunction of propeller or power generating component can cause some cases as follows:
a) Excess of turn round speed of propeller;
b) Generation of excessively large resistance force;
c) Generation of direction of expulsive force in contrast to the control of the crew;
d) Propeller or import component of propeller is thrown out;
dd) Failure causes excessive loss of balance;
e) Unintended movement of blade is lower than the permissible smallest variable range position (for each working mode of the engine) while flying;
g) Blade of propeller cannot be reversible;
h) Variable range of propeller cannot be controlled
i) Variable range of propeller is changed unintendedly;
k) Loss of control of torque and oscillation of turn round speed;
l) Low energy moving parts are thrown out.
84. Damage or failure of the gearbox of main rotary blade / gearbox of engine can lead to separation of propeller parts, and / or malfunction of the rotary blade control;
85. Damage of tail rotary blade of helicopter, drive system and similar systems.
+ Auxiliary engine:
86. Shutdown or failure of auxiliary power unit (APU) for Extended-range Twin-engine Operational Performance Standards (ETOPs) or required by the minimum equipment list (MEL).
87. Auxiliary power unit (APU) cannot be shutdown.
88. Excessive turn round speed of auxiliary power unit (APU).
89. Auxiliary power unit (APU) cannot be started upon needs for operation.
+ Human elements:
90. Any incident due to incomplete aircraft design can lead to the error in operation and use and can cause the danger or accident.
+ Other incidents:
91. Any incident due to incomplete aircraft design can lead to the error in operation and use and can cause the danger or accident.
92. Common incidents not included in the list of incidents to be reported (for example the incident to the equipment system serving passengers, equipment of passenger compartment, water used on aircraft) but actually cause the unsafety for the aircraft, passengers and crew members.
93. Fire, explosion, smoke or toxic or harmful gas.
94. All other cases can cause the unsafety to the aircraft or affect the safety of passengers, crew or people or assets around the aircraft on the ground.
95. Damage or failure of the passenger notification system can lead to its loss of operational functions.
96. Pilot seat loses its control during flight.
C. AIRCRAFT MAINTENANCE
97. Imprecise assembly of parts or equipment of aircraft is detected during the test or performance of the unplanned testing procedures in order to detect such imprecise assembly.
98. Leakage of hot gas leads to the damage of aircraft structure.
99. Failure of life limited devices can result in the change of those devices prior to the prescribed time limit.
100. Damage and degradation (cracked, fissured, rusty, delamination or disbonding), any reason (eg vibration, loss of material hardness or structural damage) of:
a) Primary structure or primary components of chassis framework structure (in accordance with the provisions in the manufacturer’s structure repair manual SRM) when the failures or degradation of these primary structures exceed the permissible limit specified in SRM and need repair or partial or whole replacement of those structures;
b) Auxiliary structure can cause unsafe circumstances to the aircraft;
c) Engine, propeller or rotary blade system.
101. All failures and malfunctions or failures of system or equipment, failure or degradation are detected during the compliance with the compulsory technical notifications and compulsory technical guidelines for each type of aircraft when:
a) Being detected for the first time during the implementation of compulsory technical notifications;
b) During the times of compliance with the compulsory technical instructions afterwards and detecting they exceed the permissible limit specified in the manual and/or without the respective repair procedures.
102. Failure of emergency devices or system including the exit doors and lights for functions of emergency exit, even when the failure is detected during the maintenance or operational testing of those devices or systems.
103. Failure to comply or serious violation of maintenance procedures as required.
104. Aircraft products (aircraft, engine, propeller), parts, devices or materials with unclear or doubtful origin.
105. Wrong, incomplete maintenance manuals and procedures or even provision of wrong instructions can cause errors in maintenance activities.
106. Damage, malfunction or failure of ground devices which are used to test the operational functions of aircraft system and devices to detect the problems which the common procedures and tests cannot detect when they (damages, malfunctions or failure of ground devices) can cause the unsafety to the aircraft.
D. FLIGHTS OPERATION AND GROUND SERVICES
+ Air traffic management:
107. Provision of incorrect, incomplete or misleading information from the ground sources such as air traffic control, automatic terminal information service (ATIS), meteorology, navigation database, map, graphs and guiding documents etc.
108. Provision of spacing which is lower than the prescribed one.
109. Provision of incorrect barometric pressure data (such as setup of altitude).
110. Wrong transmission, receipt and understanding of important instructions can lead to dangerous circumstances.
111. Violation of minimum spacing.
112. Entry into airspace without permission or violation of no-fly-zone.
113. Illegal cordless communications.
114. Failure of devices of navigation system on the ground or satellite.
115. Serious failure of air traffic control/management system or serious degradation of aerodrome infrastructure.
116. Aerodrome areas, taxiway and runway jammed by aircrafts, vehicles, animals or foreign objects can cause the unsafe conditions.
117. Errors of warning or incomplete warning about obstacles or dangers in aerodrome areas, taxiway and runway can cause the unsafe conditions.
118. Failure or malfunction of aerodrome light system or without aerodrome light system.
+ Aerodrome and aerodrome services:
119. Excessive spill of fuel oil (fuel) during oil filling.
120. Filling of improper amount of fuel oil (fuel) can cause serious effect to the load-bearing capacity, features, balance or structural durability of aircraft.
121. Process of defrosting / freezing prevention on the ground is unsatisfactory.
122. Serious pollution and contamination to chassis structure, systems or devices of aircraft during transportation of luggage or cargo.
+ Services to passengers, luggage and cargo:
123. Wrong arrangement of load (passengers, luggage or cargo) significantly affects the load and carry-center of aircraft.
124. Wrong arrangement of luggage or cargo (including hand luggage) can cause unsafety to aircraft, aircraft devices, passengers and crew members or obstruct the exit in case of emergency.
125. Improper arrangement of cargo containers or bulky or large cargo.
126. Incidents caused by transportation of dangerous cargo in contradiction with operation regulation.
+ Ground services:
127. Damage, malfunction or failure of ground devices which are used to test the operational functions of systems and devices of aircraft in order to detect the problems which the common testing procedures cannot detect when they (damages, malfunctions or failure of the ground devices) can cause unsafety to the aircraft.
128. Failure to comply or mistakes made in compliance with the ground service procedures.
129. Filling the aircraft with contaminated or improper fuel oil or other types of liquid./.