Chương II Nghị định 73/2019/NĐ-CP: Quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin
Số hiệu: | 73/2019/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 05/09/2019 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2020 |
Ngày công báo: | 16/09/2019 | Số công báo: | Từ số 759 đến số 760 |
Lĩnh vực: | Công nghệ thông tin, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Mục 2 Chương này.
2. Đối với dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi là dự án thuê), trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Mục 3 Chương này.
3. Trường hợp dự án có sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chưa sẵn có trên thị trường, nếu cần thiết, chủ đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để lựa chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ; xây dựng, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân nói trên chịu mọi chi phí phát sinh (nếu có). Sau khi thử nghiệm thành công, xác định được giải pháp kỹ thuật, công nghệ, chi phí, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.
4. Trường hợp dự án trong lĩnh vực khác có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin đó thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của Luật đầu tư công.
1. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể như sau:
a) Đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án hoặc đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin làm chủ đầu tư;
b) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp đồng thời làm chủ đầu tư;
c) Ban quản lý dự án do bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập làm chủ đầu tư nếu Ban quản lý dự án đó có tư cách pháp nhân và có đủ điều kiện tổ chức triển khai thực hiện dự án.
2. Đối với dự án sử dụng vốn hỗn hợp, chủ đầu tư do các thành viên góp vốn thỏa thuận cử ra hoặc là đại diện của bên có tỷ lệ vốn góp cao nhất.Bổ sung
1. Trình tự đầu tư dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm các giai đoạn:
a) Chuẩn bị đầu tư;
b) Thực hiện đầu tư;
c) Kết thúc đầu tư.
2. Các công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư có thể thực hiện tuần tự hoặc xen kẽ tùy theo điều kiện cụ thể của từng dự án và do người có thẩm quyền quyết định đầu tư xác định.
3. Khuyến khích áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp đối với các dự án có hạng mục đầu tư xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ. Tùy theo tính chất, quy mô của dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định hình thức thực hiện phù hợp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án.
Trường hợp áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp, việc triển khai thực hiện dự án theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
4. Việc lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.
1. Tùy theo quy mô, tính chất của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể, việc thiết kế được thực hiện 01 bước hoặc 02 bước:
a) Thiết kế 01 bước là thiết kế chi tiết;
b) Thiết kế 02 bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết.
2. Thiết kế 01 bước được áp dụng đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin dưới đây, trừ trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư thấy cần thiết và yêu cầu phải thiết kế 02 bước:
a) Dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại;
b) Dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở xuống;
c) Dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nếu xét thấy đủ điều kiện để thiết kế chi tiết và xác định dự toán.
Các trường hợp thiết kế 01 bước quy định tại điểm a, b, c khoản này, thiết kế chi tiết và dự toán của báo cáo kinh tế - kỹ thuật được lập tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư thay cho thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của báo cáo nghiên cứu khả thi.
3. Thiết kế 02 bước được áp dụng đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khác, trừ các dự án quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp thực hiện thiết kế 02 bước, thiết kế chi tiết phải phù hợp với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt về mô hình tổng thể, mô hình lô-gic, mô hình vật lý của hệ thống hoặc các thành phần của hệ thống (nếu có).
1. Nội dung công việc chuẩn bị đầu tư bao gồm:
a) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án;
b) Thực hiện khảo sát;
c) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.
2. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Một tổ chức, cá nhân tư vấn có thể đồng thời thực hiện khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật.
3. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư kết thúc khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt dự án.
1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công.
Đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
2. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo quy định tại Luật đầu tư công. Việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư trong nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp hoặc căn cứ theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt.
3. Trường hợp dự án đầu tư trong lĩnh vực khác có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Nhiệm vụ khảo sát bao gồm các nội dung sau:
a) Mục đích khảo sát;
b) Phạm vi khảo sát;
c) Các loại công tác khảo sát dự kiến;
d) Thời gian thực hiện khảo sát dự kiến.
2. Nhiệm vụ khảo sát phải được chủ đầu tư phê duyệt phù hợp với yêu cầu của từng loại công việc khảo sát và là căn cứ để thực hiện công tác khảo sát.
1. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát
a) Tên nhiệm vụ khảo sát được duyệt;
b) Đặc điểm, quy mô đầu tư;
c) Quy trình, phương pháp và thiết bị (nếu có) dùng cho khảo sát;
d) Số liệu, kết quả khảo sát thực tế. Đối với phần mềm nội bộ, bổ sung thêm mô tả yêu cầu người sử dụng;
đ) Phân tích số liệu, đánh giá kết quả khảo sát;
e) Đề xuất giải pháp kỹ thuật - công nghệ (nếu có) phục vụ cho việc thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết (trong trường hợp khảo sát bổ sung hoặc trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật);
g) Kết luận và kiến nghị;
h) Các phụ lục có liên quan để minh họa cho kết quả khảo sát thu được (nếu có).
2. Báo cáo kết quả khảo sát phải được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho việc triển khai lập thiết kế cơ sở hoặc thiết kế chi tiết (trong trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật).
3. Tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc đảm nhận; bồi thường thiệt hại (nếu có) khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát được duyệt và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.
1. Căn cứ nghiệm thu kết quả khảo sát
a) Hợp đồng giao nhận thầu khảo sát (trong trường hợp thuê tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát);
b) Nhiệm vụ khảo sát được duyệt;
c) Báo cáo kết quả khảo sát.
2. Nội dung nghiệm thu
a) Đánh giá chất lượng công tác khảo sát so với nhiệm vụ khảo sát;
b) Kiểm tra hình thức và số lượng của báo cáo kết quả khảo sát;
c) Nghiệm thu khối lượng công việc khảo sát theo hợp đồng đã ký kết.
3. Kết quả nghiệm thu phải được lập thành biên bản.
1. Thiết kế cơ sở là một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
2. Nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, trong đó đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cần thuyết minh rõ các nội dung sau:
a) Đánh giá sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
b) Phân tích, lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, trong đó có phân tích, lựa chọn phương án bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan; yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc giải pháp nâng cấp hệ thống bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu có các nội dung liên quan hoạt động trên môi trường Internet;
c) Thiết kế cơ sở của phương án chọn.
1. Yêu cầu thiết kế cơ sở
a) Phải phù hợp với chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt và tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành;
b) Phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng;
c) Phải thể hiện được các thông số chủ yếu, chức năng, tính năng chính;
d) Phải bảo đảm xác định được tổng mức đầu tư.
2. Nội dung chính của thiết kế cơ sở
a) Phần thuyết minh:
- Mô tả các yêu cầu của dự án;
- Danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng;
- Thuyết minh mô hình tổng thể, mô hình lô-gic, mô hình vật lý của hệ thống hoặc các thành phần của hệ thống (nếu có), đưa ra các hạng mục đầu tư chính của dự án theo phương án đã chọn bảo đảm thể hiện được các kết nối bên trong, bên ngoài, đường truyền (nếu có) của hệ thống và tính toán (sizing) thông số kỹ thuật cơ bản, số lượng thiết bị;
- Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, thiết bị và các yêu cầu về kỹ thuật; khối lượng sơ bộ công tác đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành và các công tác khác có liên quan;
- Mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
b) Phần sơ đồ sơ bộ:
- Các tài liệu về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện khác; sơ đồ sơ bộ xây lắp, lắp đặt (đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện);
- Sơ đồ sơ bộ thể hiện việc kết nối, liên thông với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan.
c) Nội dung chính của thiết kế cơ sở đối với các hạng mục hoặc dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại bao gồm:
- Danh mục thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại và các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị;
- Thống kê khối lượng các thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại.
Việc mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ phải bảo đảm đủ điều kiện để xác định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ, bao gồm các nội dung chính sau:
1. Tên phần mềm.
2. Các thông số chủ yếu:
a) Các quy trình nghiệp vụ cần được tin học hóa (tổ chức, vận hành của quy trình, sản phẩm của quá trình nghiệp vụ, các giao tác xử lý của quy trình nghiệp vụ);
b) Các đối tượng tham gia vào quy trình nghiệp vụ và mối liên hệ giữa chúng (con người, các nguồn lực, thiết bị phục vụ cho xử lý nghiệp vụ, các yếu tố đóng vai trò hỗ trợ khác);
c) Danh sách các yêu cầu của người sử dụng.
3. Các yêu cầu phi chức năng:
a) Yêu cầu cần đáp ứng đối với cơ sở dữ liệu;
b) Yêu cầu về an toàn thông tin;
c) Các yêu cầu cần đáp ứng về thời gian xử lý, độ phức tạp xử lý của các phần mềm;
d) Các yêu cầu về cài đặt, hạ tầng, đường truyền, an toàn vận hành, khai thác, sử dụng;
đ) Các ràng buộc đối với hệ thống gồm: ràng buộc môi trường, sự phụ thuộc vào hệ thống nền tảng;
e) Yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 (nếu hoạt động trên môi trường Internet);
g) Các yêu cầu phi chức năng khác.
1. Tổng mức đầu tư dự án là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư, là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư dự án.
2. Tổng mức đầu tư bao gồm:
a) Chi phí xây lắp:
- Chi phí mua sắm, lắp đặt mạng, phụ kiện mạng công nghệ thông tin và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng;
- Các chi phí xây lắp trực tiếp khác có liên quan.
b) Chi phí thiết bị:
- Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin: Thiết bị phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị không phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị phụ trợ và thiết bị ngoại vi, phần mềm thương mại, phần mềm nội bộ và các thiết bị khác; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; thuế và các loại phí liên quan để mua sắm thiết bị;
- Chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hóa, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu;
- Chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm;
- Chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có);
- Chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có).
c) Chi phí quản lý dự án: gồm các chi phí để tổ chức thực hiện quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa sản phẩm của dự án vào khai thác sử dụng và chi phí giám sát, đánh giá đầu tư dự án;
d) Chi phí tư vấn đầu tư: Chi phí khảo sát; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật; điều tra, nghiên cứu phục vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật, tuyển chọn giải pháp; thẩm tra tính hiệu quả và tính khả thi của dự án đầu tư; lập thiết kế chi tiết, điều chỉnh, bổ sung thiết kế chi tiết; lập dự toán; điều chỉnh dự toán; thẩm tra thiết kế chi tiết, dự toán; lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và chi phí phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu; lập định mức, đơn giá; kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị; đánh giá chất lượng sản phẩm; quy đổi vốn đầu tư; giám sát công tác triển khai; thực hiện các công việc tư vấn khác;
đ) Chi phí khác: phí và lệ phí; bảo hiểm (trừ chi phí bảo hiểm thiết bị quy định tại điểm b khoản này); kiểm thử hoặc vận hành thử; kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; lắp đặt và thuê đường truyền; lệ phí đăng ký và duy trì tên miền; chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin; chi phí thẩm định giá và các chi phí đặc thù khác;
e) Chi phí dự phòng: chi phí dự phòng trượt giá trong thời gian thực hiện dự án, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).
Trường hợp dự án được triển khai trên phạm vi nhiều địa điểm khác nhau hoặc ở nước ngoài, các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được tính thêm chi phí di chuyển thiết bị và lực lượng lao động.
Các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nếu chưa có quy định về định mức hoặc chưa tính được ngay thì được tạm tính để đưa vào tổng mức đầu tư.
3. Tổng mức đầu tư được tính toán và xác định trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở.
Trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật, dự toán được lập thay cho tổng mức đầu tư. Dự toán tính theo khối lượng từ thiết kế chi tiết và các quy định tại Điều 28 Nghị định này.
4. Tổng mức đầu tư được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:
a) Tính theo thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó: Chi phí xây lắp được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế cơ sở, các khối lượng khác dự tính và giá vật tư, thiết bị, dịch vụ phù hợp trên thị trường; Chi phí thiết bị được tính theo số lượng, chủng loại thiết bị phù hợp với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giá thiết bị trên thị trường và các yếu tố khác liên quan (nếu có); Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp; Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư và chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc tạm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây lắp, chi phí thiết bị; Chi phí dự phòng được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ mới, việc xác định các chi phí thuộc tổng mức đầu tư được phép căn cứ theo báo giá thị trường (nếu có).
b) Tính trên cơ sở số liệu của các dự án có chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật tương tự đã thực hiện. Khi áp dụng phương pháp này phải tính quy đổi các số liệu của dự án tương tự về thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh các khoản mục chi phí chưa xác định trong tổng mức đầu tư cho phù hợp;
c) Kết hợp các phương pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
5. Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính trên tổng các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian triển khai đầu tư của dự án có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.Bổ sung
1. Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A, trừ các dự án đầu tư mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại.
Trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan trung ương, địa phương có thể lấy thêm ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với thiết kế cơ sở dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của các đơn vị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư, trừ các dự án có thiết kế cơ sở thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định thiết kế cơ sở, trừ các dự án có thiết kế cơ sở thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc thuộc thẩm quyền thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong trường hợp đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở đồng thời là chủ đầu tư, đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định thiết kế cơ sở hoặc người có thẩm quyền quyết định đầu tư giao cho đơn vị chuyên môn khác thẩm định thiết kế cơ sở.
5. Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư thẩm định dự án theo quy định của Luật đầu tư công (sau đây gọi là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định) có trách nhiệm:
a) Gửi hồ sơ thiết kế cơ sở lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của đơn vị có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này (trừ trường hợp chủ đầu tư đồng thời là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở);
b) Lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định dự án (nếu cần thiết).
6. Đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này có trách nhiệm gửi ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở cho đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định để tổng hợp ý kiến khi thực hiện thẩm định dự án.
1. Hồ sơ đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định gửi lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở bao gồm:
a) Báo cáo kết quả khảo sát;
b) Thiết kế cơ sở;
c) Các văn bản pháp lý, tài liệu khác có liên quan.
Số lượng hồ sơ là 01 bộ.
2. Thời gian thẩm định thiết kế cơ sở kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau: Không quá 20 ngày đối với dự án nhóm A; không quá 15 ngày đối với dự án nhóm B; không quá 10 ngày đối với dự án nhóm C.
3. Nội dung thẩm định thiết kế cơ sở:
- Sự phù hợp về thành phần, quy cách của thiết kế cơ sở so với quy định của pháp luật, bao gồm: thuyết minh thiết kế cơ sở, các sơ đồ thiết kế cơ sở, các tài liệu khảo sát và các hồ sơ khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Sự phù hợp với quy hoạch, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin;
- Sự tuân thủ với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
- Sự phù hợp của việc lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị;
- Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật;
- Sự phù hợp của thiết kế cơ sở trong việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan.
1. Nội dung chính của báo cáo kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
a) Đánh giá sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
b) Phân tích, lựa chọn phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, trong đó có phân tích, lựa chọn phương án bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan; yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc giải pháp nâng cấp hệ thống bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu có các nội dung liên quan hoạt động trên môi trường Internet;
c) Hồ sơ thiết kế chi tiết và dự toán theo quy định tại Điều 27 và 28 Nghị định này;
d) Các nội dung khác của báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi quy định tại Luật đầu tư công.
2. Thẩm quyền, trình tự thẩm định thiết kế chi tiết dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hình thức báo cáo kinh tế - kỹ thuật
a) Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn quản lý về đầu tư thẩm định dự án theo quy định của Luật đầu tư công (sau đây gọi là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định) có trách nhiệm: gửi hồ sơ thiết kế chi tiết lấy ý kiến thẩm định thiết kế chi tiết của đơn vị có thẩm quyền quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản này; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định dự án (nếu cần thiết);
b) Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế chi tiết đối với dự án nhóm A, trừ các dự án đầu tư mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại.
Trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan trung ương, địa phương có thể lấy thêm ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với thiết kế chi tiết dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của các đơn vị quy định tại các điểm c và d khoản này;
c) Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định thiết kế chi tiết đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư, trừ các dự án có thiết kế chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định thiết kế chi tiết, trừ các dự án có thiết kế chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc thuộc thẩm quyền thẩm định quy định tại điểm c khoản này;
đ) Trong trường hợp đơn vị thẩm định thiết kế chi tiết đồng thời là chủ đầu tư, đơn vị thẩm định thiết kế chi tiết thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định hoặc người có thẩm quyền quyết định đầu tư giao cho đơn vị chuyên môn khác thẩm định thiết kế chi tiết;
e) Đơn vị thẩm định thiết kế chi tiết quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản này có trách nhiệm gửi ý kiến thẩm định thiết kế chi tiết cho đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định để tổng hợp ý kiến khi thực hiện thẩm định dự án.
3. Nội dung thẩm định thiết kế chi tiết, dự toán thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 29 Nghị định này.
Việc điều chỉnh dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm:
1. Thực hiện việc khảo sát bổ sung (nếu cần thiết).
2. Thỏa thuận sử dụng tần số, tài nguyên số quốc gia (nếu yêu cầu phải có thỏa thuận về sử dụng tần số, tài nguyên số theo quy định của pháp luật có liên quan).
3. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chi tiết, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
4. Tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện các hợp đồng.
5. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các hợp đồng.
6. Quản lý thực hiện dự án.
7. Kiểm thử hoặc vận hành thử.
8. Bàn giao sản phẩm, hạng mục công việc của dự án.
9. Đào tạo hướng dẫn sử dụng, triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành và khai thác.
10. Nghiệm thu, bàn giao dự án.
11. Lập hồ sơ hoàn thành, lưu trữ hồ sơ của dự án theo quy định.
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung.
2. Nhiệm vụ khảo sát bổ sung được lập theo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.
3. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát bổ sung, nội dung nghiệm thu kết quả khảo sát bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này.
4. Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phải được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho triển khai lập hoặc thay đổi, điều chỉnh, bổ sung thiết kế chi tiết hoặc thiết kế cơ sở của báo cáo nghiên cứu khả thi.
1. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân lập thiết kế chi tiết và dự toán. Trong quá trình thiết kế, được phép sử dụng thiết kế điển hình cho các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tương tự nhau.
2. Tài liệu làm căn cứ để thiết kế chi tiết
a) Quyết định phê duyệt dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, trừ trường hợp dự án thực hiện theo hình thức báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
b) Danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thông tin được áp dụng;
c) Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
d) Báo cáo kết quả khảo sát;
đ) Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung (nếu có) và các yêu cầu khác (nếu cần thiết).
3. Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình triển khai, nghiệm thu sản phẩm của dự án khi chủ đầu tư yêu cầu.
Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết không được sử dụng danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết khác dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Tổ chức, cá nhân thiết kế chi tiết và dự toán phải bàn giao cho chủ đầu tư hồ sơ thiết kế chi tiết với số lượng đủ bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và lưu trữ.
5. Hồ sơ thiết kế chi tiết được duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
1. Nội dung chính của thiết kế chi tiết
a) Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện:
- Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng trong triển khai lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị;
- Danh mục thiết bị lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị;
- Thống kê khối lượng công tác xây lắp, thiết bị của các hạng mục đầu tư chính và phụ; khối lượng đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành và các công tác khác có liên quan;
- Chỉ dẫn biện pháp triển khai (đối với trường hợp triển khai phức tạp);
- Biện pháp an toàn vận hành, phòng, chống cháy, nổ (nếu có);
- Sơ đồ mặt bằng hiện trạng;
- Sơ đồ và thuyết minh chi tiết giải pháp thiết kế mạng, đường truyền, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, cấp điện, chống sét, hệ thống làm mát, tính toán băng thông đường truyền;
- Sơ đồ và thuyết minh quy hoạch địa chỉ mạng IP;
- Sơ đồ lắp đặt thiết bị: vị trí, khoảng cách, cao độ lắp đặt (nếu có); các vị trí đấu nối; thống kê vật liệu, vật tư phục vụ lắp đặt, cài đặt thiết bị;
- Sơ đồ xây lắp mạng: đi dây, lắp đặt máng cáp bảo vệ, chống sét lan truyền, sử dụng vật tư, vật liệu trong lắp đặt mạng, liên kết giữa các phần hệ mạng với nhau và kết nối ra hệ thống bên ngoài với các kích thước và vật liệu chủ yếu;
- Đối với mạng xây lắp theo tuyến (nếu có): thể hiện phương án tuyến, góc đổi hướng tuyến, cao độ và tọa độ lắp đặt, sự giao cắt chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến với các kích thước và vật liệu chủ yếu.
b) Đối với các hạng mục hoặc dự án mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có, mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại, nội dung chính của thiết kế chi tiết bao gồm:
- Danh mục thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại và các yêu cầu về kỹ thuật của thiết bị;
- Thống kê khối lượng các thiết bị phần cứng, phần mềm thương mại.
- Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư;
- Phân tích và mô tả chức năng của phần mềm;
- Yêu cầu về mức độ chịu đựng sai hỏng đối với các lỗi cú pháp lập trình, lỗi lô-gic trong xử lý dữ liệu, lỗi kiểm soát tính đúng đắn của dữ liệu đầu vào;
- Yêu cầu về tính sẵn sàng với IPv6 hoặc giải pháp nâng cấp bảo đảm sẵn sàng với IPv6 nếu hoạt động trên môi trường Internet; trường hợp không kết nối Internet, khuyến khích khả năng tương thích hỗ trợ IPv6 hoặc có giải pháp nâng cấp bảo đảm sẵn sàng với IPv6;
- Yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật cần đạt được của các giao diện chương trình;
- Các yêu cầu về năng lực của cán bộ tham gia xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm;
- Các yêu cầu phi chức năng khác.
d) Yêu cầu chi tiết về việc đào tạo hướng dẫn sử dụng; triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có); yêu cầu về bảo hành và bảo trì.
2. Dự toán được lập theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.
1. Dự toán là toàn bộ chi phí thực hiện dự án được xác định ở giai đoạn thực hiện đầu tư theo từng dự án cụ thể phù hợp với báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết và các yêu cầu công việc khác phải thực hiện.
a) Dự toán là một nội dung trong hồ sơ thiết kế chi tiết; dự toán chi tiết hạng mục đầu tư được duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng;
b) Đối với gói thầu hỗn hợp, dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết;
c) Trường hợp sử dụng thiết kế điển hình, dự toán được xác định trên cơ sở dự toán của thiết kế điển hình quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này.
2. Nội dung dự toán gồm các chi phí: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và chi phí dự phòng.
a) Chi phí xây lắp:
Chi phí xây lắp được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở định mức, phương pháp lập định mức theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định có liên quan.
b) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, chủng loại thiết bị cần mua sắm và giá thiết bị trên thị trường. Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp. Chi phí lắp đặt, cài đặt thiết bị, tạo lập cơ sở dữ liệu, đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có) và các chi phí khác có liên quan (nếu có) được xác định bằng cách lập dự toán;
c) Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư được xác định trên cơ sở đinh mức chi phí theo tỷ lệ hoặc bằng cách lập dự toán;
d) Chi phí khác bao gồm các chi phí chưa quy định tại các điểm a, b và c khoản này và được xác định bằng cách lập dự toán hoặc theo định mức chi phí theo tỷ lệ;
đ) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian đầu tư của dự án.
3. Việc áp dụng các phương pháp lập dự toán, tính chi phí, xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ và quản lý chi phí được thực hiện theo các công bố, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
5. Nội dung hồ sơ phục vụ xác định chi phí và phương pháp xác định chi phí phần mềm nội bộ, kiểm thử phần mềm nội bộ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Nội dung thẩm định thiết kế chi tiết
a) Sự phù hợp về thành phần, quy cách của thiết kế chi tiết so với quy định của pháp luật, bao gồm: các nội dung chính của thiết kế chi tiết, các tài liệu khảo sát và các hồ sơ khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Sự phù hợp với thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt và quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
c) Sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
d) Sự tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh;
đ) Sự hợp lý của giải pháp, thiết bị (nếu có);
e) Sự phù hợp của biện pháp an toàn vận hành, phòng, chống cháy, nổ (nếu có).
2. Nội dung thẩm định dự toán
a) Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế chi tiết và khối lượng dự toán;
b) Sự phù hợp của việc áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục chi phí trong dự toán theo quy định.
3. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và được phép thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán để làm cơ sở thẩm định đối với các phần việc mà mình thực hiện, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
4. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán
a) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán đối với trường hợp thiết kế 02 bước;
b) Việc phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán được thực hiện đồng thời, không tách riêng thiết kế chi tiết với dự toán.
5. Hồ sơ thiết kế chi tiết được phê duyệt là cơ sở để chủ đầu tư quản lý chất lượng, tiến độ, biện pháp tổ chức triển khai dự án.
6. Tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm định, thẩm tra, phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của mình.
7. Trường hợp điều chỉnh dự án dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế chi tiết và dự toán, các nội dung điều chỉnh phải được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt lại theo quy định tại Điều này.
1. Thiết kế chi tiết đã được phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
a) Khi dự án được điều chỉnh theo quy định tại Điều 23 Nghị định này và có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế;
b) Trong quá trình triển khai thực hiện phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ, biện pháp triển khai và hiệu quả đầu tư của dự án.
2. Trường hợp điều chỉnh thiết kế chi tiết không làm thay đổi giải pháp kỹ thuật, công nghệ; không thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh thiết kế chi tiết. Các trường hợp còn lại, chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt lại nội dung điều chỉnh.
3. Đối với trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, nếu thay đổi thiết kế chi tiết không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt dự toán đã được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thì chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh thiết kế chi tiết; các trường hợp còn lại, chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt lại nội dung điều chỉnh.
4. Tùy điều kiện cụ thể của dự án, chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân thực hiện điều chỉnh thiết kế chi tiết, thiết kế cơ sở.
1. Chủ đầu tư tổ chức lập dự toán điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 30 Nghị định này.
2. Trường hợp thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán (bao gồm cả chi phí dự phòng) nhưng không vượt tổng mức đầu tư hoặc dự toán (đối với trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) đã được phê duyệt, chủ đầu tư tự tổ chức điều chỉnh dự toán các hạng mục đầu tư của dự án.
3. Tùy điều kiện cụ thể của dự án, chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân thực hiện lập dự toán điều chỉnh.
4. Nội dung dự toán điều chỉnh được chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định là một phần của hồ sơ thiết kế chi tiết.
1. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác triển khai xây lắp, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cài đặt phần mềm, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị.
2. Nhà thầu triển khai có trách nhiệm lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô nếu chủ đầu tư yêu cầu; lập nhật ký công tác triển khai.
3. Các dự án đầu tư trong quá trình triển khai xây lắp, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cài đặt phần mềm, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị phải được thực hiện chế độ giám sát công tác triển khai.
4. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát công tác triển khai.
5. Nội dung công tác triển khai, giám sát công tác triển khai, nghiệm thu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Dự án trước khi triển khai thực hiện phải được lập tiến độ thực hiện. Tiến độ thực hiện phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
2. Đối với dự án có quy mô lớn và thời gian thực hiện kéo dài trên 01 năm thì tiến độ thực hiện phải được lập cho từng giai đoạn, quý, năm.
3. Nhà thầu có nghĩa vụ lập tiến độ thực hiện chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện nhưng phải bảo đảm phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
4. Chủ đầu tư, đơn vị giám sát công tác triển khai (nếu có) và các bên liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tổng tiến độ của dự án.
5. Khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở bảo đảm chất lượng đầu tư.
1. Sản phẩm của dự án phải được kiểm thử hoặc vận hành thử tại ít nhất một đơn vị thụ hưởng trước khi tiến hành nghiệm thu.
2. Trường hợp thực hiện kiểm thử, tùy điều kiện cụ thể, chủ đầu tư có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
a) Tự kiểm thử;
b) Thuê tổ chức, cá nhân kiểm thử độc lập có đủ năng lực, phương tiện và điều kiện để thực hiện kiểm thử.
3. Kết quả kiểm thử hoặc vận hành thử phải được lập thành văn bản và được gọi là báo cáo kết quả kiểm thử hoặc vận hành thử.
Báo cáo kết quả kiểm thử hoặc vận hành thử là căn cứ để các bên tham gia nghiệm thu xem xét khi tiến hành nghiệm thu hoặc để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu triển khai tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
4. Sản phẩm của dự án sau khi được nhà thầu bổ sung, hoàn thiện phải được chủ đầu tư tổ chức kiểm thử hoặc vận hành thử lại. Quá trình này chỉ kết thúc khi sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng.
1. Sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án chỉ được bàn giao cho chủ đầu tư sau khi đã nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, bàn giao sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp thiết bị, triển khai và cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có).
2. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng dự án, nhà thầu có thể bàn giao từng sản phẩm, hạng mục công việc đã hoàn thành, dự án thành phần hoặc toàn bộ dự án hoàn thành cho chủ đầu tư để đưa vào khai thác, sử dụng.
Nhà thầu đồng thời phải bàn giao kèm theo các tài liệu sau: hồ sơ hoàn thành, tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành, bảo trì (nếu có) đối với sản phẩm hoặc hạng mục công việc đã hoàn thành; tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối theo quy định (đối với dự án có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương). Các tài liệu này phải được xác định rõ trong hợp đồng và là một phần trong hồ sơ hoàn thành của dự án.
3. Chủ đầu tư phải gửi cho đơn vị có thẩm quyền theo quy định tại điểm b khoản này báo cáo hoàn thành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án cùng danh mục hồ sơ hoàn thành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án để theo dõi, kiểm tra sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án hoàn thành, sự tuân thủ quy định tại Nghị định này khi cần thiết.
a) Thời hạn: trong vòng 10 ngày (đối với dự án có thiết kế cơ sở không thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông) hoặc trong vòng 20 ngày (đối với các dự án có thiết kế cơ sở thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông) kể từ ngày nghiệm thu bàn giao, đưa sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng đạt yêu cầu và được các bên tham gia nghiệm thu chấp thuận, ký kết biên bản nghiệm thu;
b) Đơn vị có thẩm quyền được quy định cụ thể như sau:
- Đối với các dự án có thiết kế cơ sở thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ đầu tư gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư gửi về đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ các dự án thuộc trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Đối với các dự án khác, chủ đầu tư gửi về đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định này, trừ các dự án thuộc trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Đối với xây dựng, phát triển hoặc nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ, nhà thầu có trách nhiệm bàn giao:
a) Các tài liệu của từng giai đoạn trong quá trình xây dựng, phát triển hoặc nâng cấp, mở rộng phần mềm theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
b) Bộ chương trình cài đặt phần mềm;
c) Mã nguồn của chương trình (nếu có);
d) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành; tài liệu phục vụ đào tạo người sử dụng, quản trị, vận hành; tài liệu quy trình bảo trì (nếu có); hướng dẫn về kỹ thuật và tiêu chuẩn, quy chuẩn (nếu có);
đ) Tài liệu kỹ thuật phục vụ kết nối theo quy định (đối với dự án có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
5. Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án phải được chủ đầu tư lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
6. Trường hợp dự án không được tiếp tục thực hiện do nguyên nhân bất khả kháng hoặc theo quyết định của người có thẩm quyền quyết định đầu tư thì chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu phân công việc đã thực hiện với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, thiết kế và cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có).
1. Hồ sơ hoàn thành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án phải được chủ đầu tư lập đầy đủ trước khi đưa sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng.
2. Hồ sơ hoàn thành được lập một lần chung cho toàn bộ dự án nếu các sản phẩm, hạng mục công việc thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng đồng thời. Trường hợp các sản phẩm, hạng mục công việc của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở các thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành cho riêng từng sản phẩm, hạng mục công việc đó.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ hoàn thành. Các nhà thầu chịu trách nhiệm lập hồ sơ hoàn thành cho sản phẩm, hạng mục công việc mình đảm nhận, số lượng hồ sơ hoàn thành do chủ đầu tư quyết định trên cơ sở thỏa thuận với các nhà thầu và các bên có liên quan.
4. Lưu trữ hồ sơ hoàn thành thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Nội dung công việc thực hiện trong giai đoạn này bao gồm:
1. Bảo hành sản phẩm của dự án.
2. Quyết toán vốn đầu tư và phê duyệt quyết toán.
1. Thời hạn tối thiểu bảo hành sản phẩm của dự án được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu bàn giao, đưa sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án vào khai thác, sử dụng và được quy định như sau:
a) Bảo hành 24 tháng đối với sản phẩm của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A;
b) Bảo hành 12 tháng đối với sản phẩm của dự án nhóm B, C.
2. Mức tiền bảo hành tối thiểu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị sản phẩm của dự án và được quy định như sau:
a) Đối với sản phẩm có thời hạn bảo hành 24 tháng là 03%;
b) Đối với sản phẩm có thời hạn bảo hành 12 tháng là 05%.
Nhà thầu có trách nhiệm nộp thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị tương đương cho chủ đầu tư hoặc các hình thức bảo lãnh khác được chủ đầu tư chấp nhận.
Nhà thầu chỉ được hoàn trả bảo lãnh sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.
3. Trách nhiệm của các bên về bảo hành
a) Chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có trách nhiệm:
- Kiểm tra, phát hiện sai hỏng để yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục, thay thế. Trường hợp nhà thầu không đáp ứng được việc bảo hành thì chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có quyền thuê nhà thầu khác thực hiện. Kinh phí thuê được lấy từ tiền bảo hành sản phẩm của dự án;
- Giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa chữa, thay thế của nhà thầu;
- Xác nhận hoàn thành bảo hành sản phẩm của dự án cho nhà thầu.
b) Nhà thầu có trách nhiệm:
- Tổ chức khắc phục, sửa chữa, thay thế ngay sau khi có yêu cầu của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án và phải chịu mọi phí tổn khắc phục, sửa chữa, thay thế;
- Từ chối bảo hành trong các trường hợp: Hư hỏng không phải do lỗi của nhà thầu gây ra; chủ đầu tư vi phạm quy định quản lý nhà nước bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc gỡ bỏ; sử dụng sản phẩm của dự án sai quy trình vận hành.
c) Nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra hư hỏng, sự cố, sai hỏng đối với sản phẩm của dự án kể cả sau thời gian bảo hành, tùy theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý tài sản là kết quả của dự án và tài sản phục vụ hoạt động của dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Sản phẩm của dự án phải được bảo trì.
2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án trong việc bảo trì:
a) Tổ chức thực hiện bảo trì sản phẩm của dự án;
b) Xác định chi phí bảo trì trên cơ sở báo giá thị trường;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chất lượng sản phẩm của dự án xuống cấp hay trục trặc do không thực hiện bảo trì theo quy định.
Việc thanh toán, quyết toán dự án thực hiện theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ thanh toán.
1. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý dự án sau:
a) Trực tiếp quản lý dự án khi chủ đầu tư có đủ điều kiện, năng lực;
b) Thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án.
2. Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án trong trường hợp trực tiếp quản lý dự án để giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án.
Đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở xuống, chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý dự án.
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý thực hiện dự án, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kể từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến khi kết thúc đầu tư, nghiệm thu, bàn giao đưa sản phẩm của dự án vào khai thác sử dụng bảo đảm hiệu quả, khả thi của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật, kể cả những công việc giao cho Ban quản lý dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện.
2. Báo cáo giám sát, đánh giá dự án và cập nhật thông tin dự án trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định.
3. Trường hợp trực tiếp quản lý dự án nhưng không thành lập Ban quản lý dự án, chủ đầu tư sử dụng pháp nhân của mình để trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Chủ đầu tư phải có quyết định cử người tham gia quản lý dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó phải có người trực tiếp phụ trách công việc quản lý dự án. Những người được cử tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.
4. Trường hợp trực tiếp quản lý dự án và thành lập Ban quản lý dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm:
a) Giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý dự án theo nguyên tắc: phù hợp với điều kiện thực tế của chủ đầu tư, yêu cầu của dự án; phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án; phân cấp mạnh cho Ban quản lý dự án theo tinh thần nhiệm vụ phải đi đôi với quyền hạn để giảm tối đa các thủ tục hành chính giữa chủ đầu tư và Ban quản lý dự án.
Việc giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban quản lý dự án phải được thể hiện trong quyết định thành lập Ban quản lý dự án, các văn bản giao nhiệm vụ và ủy quyền của chủ đầu tư.
b) Có thể giao cho một Ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án khi có đủ điều kiện năng lực.
5. Trường hợp thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm:
a) Phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án nhằm bảo đảm dự án được thực hiện đúng nội dung, tiến độ, chất lượng và hiệu quả;
b) Tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức tư vấn quản lý dự án phù hợp với công việc đảm nhận để giúp chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án.
6. Chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
1. Trường hợp chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án, Ban quản lý dự án có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư ủy quyền. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật theo nhiệm vụ được giao và quyền hạn được ủy quyền;
b) Ban quản lý dự án không được thành lập các Ban quản lý dự án trực thuộc hoặc thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thực hiện quản lý dự án;
c) Khi Ban quản lý dự án được giao quản lý nhiều dự án thì từng dự án phải được quản lý, theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời sau khi kết thúc dự án theo đúng quy định;
d) Trường hợp cần thiết, Ban quản lý dự án được phép thuê các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để tham gia quản lý, giám sát một số phần việc Ban quản lý dự án không có đủ điều kiện, năng lực chuyên môn thực hiện, nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận;
đ) Ban quản lý dự án được ký hợp đồng thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để quản lý các công việc mà tư vấn trong nước chưa đủ năng lực thực hiện hoặc khi có yêu cầu đặc biệt khác. Việc thuê tư vấn nước ngoài trong trường hợp này phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép;
e) Thực hiện các công việc quản lý dự án theo quy định tại Điều 45 Nghị định này;
g) Chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Trường hợp chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án, tổ chức tư vấn quản lý dự án có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện các nội dung quản lý thực hiện dự án theo hợp đồng ký với chủ đầu tư. Hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án phải nêu rõ phạm vi công việc và nội dung quản lý; quyền hạn, trách nhiệm của tư vấn và của chủ đầu tư;
b) Tổ chức tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức bộ máy và cử người phụ trách để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Tư vấn quản lý dự án phải có văn bản thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của người phụ trách và bộ máy của tư vấn trực tiếp thực hiện quản lý dự án cho chủ đầu tư biết và thông báo tới các nhà thầu khác và tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Tổ chức tư vấn quản lý dự án được thuê các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện một số phần việc quản lý dự án, nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư;
d) Thực hiện các công việc quản lý dự án theo quy định tại Điều 45 Nghị định này và các nội dung đã cam kết trong hợp đồng; phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình quản lý dự án; chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
đ) Chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nội dung công việc quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gồm:
1. Thực hiện các thủ tục và các công việc phục vụ triển khai dự án.
2. Tổ chức lập, chuẩn bị hồ sơ thiết kế chi tiết.
3. Tổ chức lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu.
4. Đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu theo yêu cầu của chủ đầu tư.
5. Quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí triển khai, an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành và vệ sinh công nghiệp tại hiện trường.
6. Thực hiện giám sát công tác triển khai theo quy định và các công việc tư vấn khác.
7. Tổ chức nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án; thanh toán, quyết toán, thanh lý hợp đồng đã ký kết theo yêu cầu của chủ đầu tư.
8. Lập báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
9. Thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
1. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
2. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án thuê thực hiện theo quy định tại Luật đầu tư công, trong đó thuyết minh rõ các nội dung sau:
a) Sự cần thiết thuê dịch vụ công nghệ thông tin;
b) Xác định sơ bộ các hạng mục chính cần thuê; mục tiêu, nội dung, quy mô, phạm vi, địa điểm và cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin;
c) Xác định sơ bộ yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin; sơ bộ yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ; yêu cầu về khả năng kết nối, liên thông với ứng dụng, hệ thống thông tin khác;
d) Xác định thời gian thuê phải đủ dài nhằm bảo đảm sự ổn định, liên tục, hiệu quả của việc khai thác, sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin;
đ) Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án thuê thực hiện theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp hoặc căn cứ theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt.
1. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thuê thực hiện theo các nội dung quy định tại Luật đầu tư công, trong đó thuyết minh rõ các nội dung sau:
a) Hiện trạng, sự cần thiết thuê dịch vụ công nghệ thông tin;
b) Các hạng mục chính cần thuê; mục tiêu, nội dung và quy mô, phạm vi, địa điểm và cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin;
c) Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin; yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ; yêu cầu, điều kiện về khả năng kết nối, liên thông với ứng dụng, hệ thống thông tin khác; mô tả yêu cầu cần đáp ứng của phần mềm nội bộ; yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu và các yêu cầu khác;
d) Xác định, làm rõ việc sở hữu các thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và phương án quản lý, chuyển giao cho bên thuê;
đ) Thời gian thuê và tiến độ, thời gian xây dựng, phát triển, hình thành dịch vụ công nghệ thông tin;
e) Yêu cầu về các phát sinh trong quá trình khai khác, sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin;
g) Xác định tổng mức đầu tư dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổng mức đầu tư dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin
a) Cơ cấu tổng mức đầu tư
- Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin;
- Chi phí quản lý dự án: Gồm các chi phí để tổ chức thực hiện quản lý dự án từ giai đoạn lập, phê duyệt chủ trương đến khi kết thúc thuê dịch vụ công nghệ thông tin và chi phí giám sát, đánh giá đầu tư dự án thuê;
- Chi phí tư vấn: Chi phí khảo sát; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo đề xuất chủ trương; báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm tra dự án thuê; tư vấn đấu thầu; giám sát thực hiện (nếu có); thực hiện các công việc tư vấn khác;
- Chi phí khác: Phí và lệ phí; bảo hiểm; kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; thẩm định giá; kiểm thử hoặc vận hành thử; chi phí đặc thù khác;
- Chi phí dự phòng.
b) Phương pháp xác định
- Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong dự án thuê được xác định bằng một trong các phương pháp: Phương pháp so sánh; phương pháp chuyên gia; phương pháp lấy báo giá thị trường; phương pháp tính chi phí; kết hợp các phương pháp.
- Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc theo định mức chi phí theo tỷ lệ.
Chủ đầu tư căn cứ vào tính chất của dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin để lựa chọn phương pháp xác định chi phí thuê phù hợp và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, đơn vị thuê. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chuyển giao đầy đủ cho cơ quan, đơn vị thuê các thông tin, dữ liệu khi kết thúc hợp đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Cơ quan, đơn vị thuê dịch vụ công nghệ thông tin xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin tập trung trong phạm vi của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với các dịch vụ công nghệ thông tin có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc cùng có nhu cầu sử dụng.
Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin tập trung thực hiện theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
MANAGEMENT OF IT APPLICATION PROJECTS
Article 6. Management of IT application projects suitable for their characteristics and funding sources
1. IT application projects funded by the state budget for covering development investment expenditures shall be managed according to the Law on Public Investment and regulations on cost and quality management prescribed in Section 2 herein.
2. For IT service leasing projects funded by the state budget for covering development investment expenditures (hereinafter referred to as “leasing projects”), procedures and power are specified in the Law on Public Investment and regulations on cost and quality management prescribed in Section 3 herein.
3. For a project with an information technology product or service that is currently unavailable on the market, if necessary, the investment project owner shall consider and request a competent authority to choose an organization or individual to consider and propose technical and technological solution or plan; develop and test the product or service. Such organization or individual shall incur all costs (if any). After successful testing and determination of technical and technological plans and costs, investment project owners shall proceed with investment procedures as prescribed by law.
4. For a project in another field that contains IT application items, cost and quality management for such IT application items shall comply with the regulations of this Decree.
Article 7. Project classification
Based on its importance and size, a project may be classified as a project of national importance, group A project, group B project or group C project according to the criteria prescribed in the Law on Public Investment.
Article 8. Investment project owners
1. Investment project owners are entities or organizations assigned to directly manage IT application projects. To be specific:
a) Units managing and using products of projects or units specializing in information technology that act as investment project owners;
b) Ministries, central bodies and People's Committees at all levels that concurrently act as investment project owners;
c) Project management boards established by ministries, central bodies or People’s Committees at all levels that act as investment project owners provided that such project management boards have a legal status and are qualified for executing projects.
2. If a project is funded by various sources, the investment project owner shall be elected by the capital contributors or the representative of the party with the highest stake.
Section 2. MANAGEMENT OF IT APPLICATION PROJECTS
Subsection 1. INVESTMENT PROCEDURES AND PREPARATION
Article 9. Procedures for investment in IT application projects
1. Procedures for investment in an IT application project comprise the following phases:
a) Investment preparation;
b) Investment realization;
c) Investment completion.
2. Tasks in the investment realization and investment completion phases may be carried out in order or alternatively depending on the specific conditions of each project and confirmed by the investment decision maker.
3. It is encouraged to execute mixed contracts for projects on build, development, upgradation and expansion of internal-use software. Depending on each project’s characteristics and size, the investment decision maker shall consider and decide on suitable contracts and be answerable to the law for the project’s efficiency.
If a mixed contract is carried out, the project shall be executed under the contract.
4. Contractor selection and contract negotiation and conclusion shall comply with the regulations of the law on bidding and relevant legal documents.
1. Depending on the size and characteristics of each specific IT application project, the design procedures may include 01 step or 02 steps. To be specific:
a) 01-step design means detailed design;
b) 02-step design includes basic design and detailed design.
2. The 01-step design is applied to the following IT application projects unless the investment decision maker finds that it is necessary to use the 02-step design. To be specific:
a) Projects for procurement of backup or substitute hardware devices of current technical infrastructure systems, or procurement of non-installed equipment and commercial software;
b) Projects for investment in and expansion or upgradation of infrastructure, software and database systems with the total investment of under VND 15 billion;
c) Projects for investment in and expansion or upgradation of infrastructure, software and database systems if it is considered qualified for creating a detailed design and determining a cost estimate.
For the cases prescribed in Points a, b and c of this Clause, the detailed design and cost estimate of the economic-technical report shall be made during the investment preparation phase instead of the basic design and total investment of the feasibility study report.
3. The 02-step design shall be applied to other IT application projects, excluding the projects prescribed in Clause 2 herein.
If the 02-step design is applied, the detailed design must be consistent with the approved basic design in terms of overall, logical and physical models or components of information systems (if any).
Article 11. Investment preparation
1. Investment preparation shall focus on:
a) Formulation, appraisal and issuance of decisions on project investment guidelines;
b) Survey;
c) Formulation, appraisal and issuance of decisions on project investment.
2. The investment project owner shall determine survey tasks, carry out surveys and prepare feasibility study reports or economic-technical reports or hire an organization or individual to perform such tasks. A consultancy or consultant may carry out a survey and prepare a feasibility study report or economic-technical report concurrently.
3. The investment preparation phase ends when the project is approved by the investment decision maker.
Article 12. Formulation, appraisal and issuance of decisions on project investment guidelines
1. Procedures for and competence in formulation, appraisal and issuance of decisions on project investment guidelines shall comply with regulations on public investment.
Any unit assigned to prepare pre-feasibility study reports and investment guidelines proposal reports shall directly prepare such reports or hire an organization or individual to do so.
2. Contents of pre-feasibility study reports and investment guidelines proposal reports are specified in the Law on Public Investment. The preliminary total investment specified in pre-feasibility study reports and investment guidelines proposal reports shall be determined according to the comparison method, expert method or quotation or combined methods or approved IT application plan.
3. For projects in other fields that contain IT application items, contents of pre-feasibility study reports and reports on proposal of guidelines on investment in IT application items are specified in Clause 2 of this Article.
Article 13. Determination of survey tasks and organization of survey
1. Survey tasks include:
a) Survey objectives;
b) Scope of survey;
c) Planned survey types;
d) Planned time of survey.
2. Survey tasks must be approved by the investment project owner and suitable with the requirements of each type of survey and serve as the basis to carry out surveys.
Article 14. Reports on survey findings
1. A report on survey findings shall contain
a) Name of the approved survey task;
b) Characteristics and size of investment;
c) Procedures, methods and equipment (if any) for the survey;
d) Data and findings of field surveys. For internal-use software, a description of user requirements is required;
dd) Analysis of data and evaluation of survey findings;
e) Proposed technical – technological solutions (if any) serving the creation of basic or detailed design (if an additional survey is conducted or the project requires an economic-technical report);
g) Conclusions and recommendations;
h) Relevant appendixes illustrating survey findings (if any).
2. The report on survey findings must undergo inspection and commissioning by the investment project owner and serve as the basis for formulation of basic or detailed design (if the project requires an economic-technical report).
3. Organizations and individuals determining survey tasks and/or carrying out surveys must be answerable to investment project owners and the law for quality of their tasks; compensate for damage (if any) in case of failure to carry out approved survey tasks and other violations leading to damage.
Article 15. Commissioning of survey findings
1. Grounds for commissioning of survey findings include:
a) Surveying contract (if an organization or individual is hired to carry out the survey);
b) Approved survey tasks;
c) Reports on survey findings.
2. The commissioning shall focus on:
a) Evaluation of survey quality in comparison with survey tasks;
b) Inspection of forms and quantity of reports on survey findings;
c) Commissioning of survey workload under the concluded contract.
3. Commissioning results must be made into a record.
Article 16. Preparation of project feasibility study reports
1. The basic design constitutes a part of the project feasibility study report.
2. Contents of a project feasibility study report are specified in the Law on Public Investment. For an IT application project, the following contents shall be specifically presented:
a) Evaluation of compliance with the Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
b) Analysis and selection of a technological, technical or equipment plan, including the plan to ensure data connectivity and sharing with the relevant infrastructure, software or database system; IPv6 readiness requirements or system upgrading solutions to ensure IPv6 readiness if there is any content related to activities in the Internet environment;
c) Basic design of the chosen plan.
Article 17. Main contents of basic design
1. A basic design must:
a) Comply with the approved IT application program or plan and applicable Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
b) Comply with the applied technical regulations or standards;
c) Include main specifications, functions and features;
d) Ensure that the total investment is determinable.
2. Main contents of a basic design include:
a) Regarding description:
- Description of project requirements;
- List of applied technical regulations and standards;
- Description of overall, logical or physical model of the system or other components of the system (if any) and main investment items of the project according to the chosen plan, ensuring that internal and external connections and Internet connections (if any) of the system, sizing of basic technical specifications and quantity of equipment are visible;
- Preliminary workload for construction, equipment and technical requirements; preliminary workload for training in use, management, operation and other relevant tasks;
- Description of technical requirements of internal-use software as prescribed in Article 18 herein.
b) Regarding preliminary diagram:
- Documents on the state of infrastructure and other conditions; preliminary diagram of construction and installation (for network construction, installation of information technology equipment and accessories);
- Preliminary diagram showing the connection with relevant infrastructure, software and database systems.
c) Main contents of a basic design for items of or a project for procurement of backup or substitute hardware devices of current infrastructure systems, or procurement of non-installed equipment and commercial software include:
- List of hardware devices, commercial software and technical requirements of equipment;
- Data on weight of hardware devices and commercial software.
Article 18. Description of technical requirements to be satisfied by internal-use software
Technical requirements to be satisfied by internal-use software must be described in a manner that facilitates the determination of the costs of internal-use software build, development, upgradation and expansion. The description shall contain at least:
1. Name of the software.
2. Basic specifications:
a) Business processes that need computerizing (organization and operation of processes, products of business processes, transactions of business processes);
b) Participants in business processes and their connections (humans, resources, equipment for business processes and other supporting factors);
c) List of user requirements.
3. Non-functional requirements:
a) Requirements on database;
b) Requirements on information safety;
c) Requirements on processing time and processing complexity levels of software;
d) Requirements on setup, infrastructure, connection and safe operation and use;
dd) System restrictions, including environmental restrictions and dependence on foundation systems;
e) Requirements on IPv6 readiness (for operations in the Internet environment);
g) Other non-functional requirements.
1. Total investment is the total estimated amount of investment stated in the investment decision and serves as the basis for investment project owners to formulate plans and manage funds during investment in a project.
2. Total investment includes:
a) Construction costs:
- Costs of purchase and installation of informational technology network and network accessories and other costs of network installation;
- Other relevant direct costs of construction.
b) Equipment costs:
- Costs of purchase of information technology equipment, including equipment requiring installation and setup, equipment not requiring installation and setup, auxiliary devices and peripheral equipment, commercial software, internal-use software and other equipment; costs of equipment transportation and insurance; tax and fees related to purchase of equipment;
- Costs of database establishment; standardization and transfer for the purpose of data input; input of data to databases;
- Costs of equipment installation; software setup; inspection and adjustment of equipment and software;
- Costs of providing training in system use; costs of providing training in system management and operation for officials (if any);
- Costs of use, support, management and operation of products or work items of a project prior to commissioning (if any).
c) Project management costs, including costs of organizing project management from preparation to completion, commissioning, and putting project’s products to use, and costs of investment supervision and evaluation;
d) Investment consultancy costs, including costs of carrying out surveys and preparing pre-feasibility study reports, investment guidelines proposal reports, feasibility study reports or economic-technical reports; investigation and research for preparation of pre-feasibility study reports, investment guidelines proposal reports, feasibility study reports or economic-technical reports and selection of solutions; inspection of project efficiency and feasibility; formulation and modification of detailed design; calculation and adjustment of cost estimate; inspection of detailed design and cost estimate; compilation of request for proposals, pre-qualification documents, bidding documents; assessment of proposals, pre-qualification applications and bid packages; establishment of norms and unit price; inspection of material and equipment quality; evaluation of product quality; conversion of investment; supervision of project execution and performance of other consultancy tasks;
dd) Other costs, including fees and charges; insurance (excluding equipment insurance costs prescribed in Point b of this Clause); testing or trial operation; auditing; verification and approval of investment statements; installation and leasing of connections; charges for registration and maintenance of domain names; costs of leasing of IT services; costs of price appraisal and other specific costs;
e) Cost contingency, including contingency for price slippage during the process of project execution, contingency for additional works and temporary amounts (if any).
If a project is executed across multiple locations or overseas, costs of transport of equipment and workers shall be aggregated with each of the costs prescribed in Points a, b, c, d, dd and e of this Clause.
If there has been no norm for the costs prescribed in Points a, b, c, d, dd and e of this Clause or such costs have not yet been determinable, such costs shall be temporarily calculated to be added to the total investment.
3. Total investment shall be calculated and determined during the preparation of a feasibility study report in a manner that conforms to the contents of the feasibility study report and basic design.
If the project requires an economic-technical report, its cost estimate shall be prepared instead of the total investment. Such cost estimate shall be calculated according to the workload specified in the detailed design and provisions of Article 28 herein.
4. Total investment shall be determined according to one of the following methods:
a) Determination according to the basic design of the feasibility study report: The construction costs shall be calculated according to the basic weight specified in the basic design, other estimated weights and prices of materials, equipment and services in conformity with the market price; the equipment costs shall be calculated according to the quantity and types of equipment suitable with IT application solutions, price of equipment on the market and other relevant factors (if any); the costs of build, development, upgradation and expansion of internal-use software shall be calculated by applying the comparison method or expert method or cost calculation methods or according to quotations or by combining various methods; the costs of project management and investment consultancy and other costs shall be determined by preparing cost estimate or provisionally calculated according to its percentage (%) in the total construction costs and equipment costs; and the cost contingency shall be determined as regulated in Clause 5 of this Article;
For the IT application activity that involves using a new technology, the costs constituting the total investment may be determined according to quotations (if any).
b) Determination according to data obtained from the executed projects with similar economic-technical criteria. For this method, the data of the similar projects must be converted to those at the time of preparation of the feasibility study report and the cost items not specified in the total investment shall be adjusted suitably;
c) Combining the methods prescribed in Point a and Point b of this Clause.
5. Cost contingency for additional works shall be calculated according to the total amount of the costs prescribed in Points a, b, c, d and dd of Clause 2 herein. Cost contingency for price slippage shall be calculated according to the duration of project execution with due account taken of domestic and international price fluctuation.
Article 20. Competence in and procedures for appraisal of basic designs of projects
1. The Ministry of Information and Communications shall appraise basic designs of group A projects, excluding projects for procurement of backup or substitute hardware devices of current infrastructure systems, or procurement of non-installed equipment and commercial software.
If necessary, other ministries and central and local bodies may consult the Ministry of Information and Communications on basic designs of projects that are appraised by the units prescribed in Clause 2 and Clause 3 herein.
2. Units specializing in information technology affiliated to provincial People's Committees shall appraise basic designs of projects whose investment is decided by chairpersons of People’s Committees at all levels, excluding projects whose basic designs are appraised by the Ministry of Information and Communications.
3. Units specializing in information technology affiliated to investment decision makers shall appraise basic designs of projects, excluding those whose basic designs are appraised by the Ministry of Information and Communications or within the appraisal competence prescribed in Clause 2 herein.
4. In case a unit that appraises a basic design is also an investment project owner, such unit shall establish an appraisal council to appraise the basic design or the investment decision maker shall assign another specialized unit to appraise the basic design.
5. The appraisal council or body specializing in investment management shall appraise projects according to regulations of the Law on Public Investment (hereinafter referred to as “the unit in charge of organizing project appraisal”) and:
a) Submit the basic design dossier to the competent units prescribed in Clauses 1, 2 and 3 herein to obtain comments on such basic design (except cases where the investment project owner is also the unit that appraises the basic design);
b) Obtain comments from relevant bodies and units (if necessary).
6. The units that appraise basic designs prescribed in Clauses 1, 2, 3 and 4 herein shall send the appraisal comments to the units in charge of organizing project appraisal.
Article 21. Documents about and contents of appraisal of basic designs
1. Documents submitted by the unit in charge of organizing project appraisal to obtain basic design appraisal comments include:
a) A report on survey findings;
b) The basic design;
c) Other relevant legal documents and documents.
01 set of documents shall be sent.
2. The basic design shall be appraised within 20 days for group A projects; within 15 days for group B projects and within 10 days for group C projects from the date of receipt of the satisfactory documents.
3. The appraisal of a basic design shall focus on:
- Conformity of components and specifications of the basic design with legal regulations, including basic design descriptions, basic design diagrams, survey documents and other documents according to relevant regulations;
- Conformity of the basic design with the IT application planning, program or plan;
- Compliance of the basic design with the Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
- Suitability of the selected technological plan, technique and equipment;
- Conformity of the basic design with standards, technical regulations and basic requirements on technical functions and features;
- Suitability of the basic design for data connection and sharing with relevant infrastructure, software and database systems.
Article 22. Competence, procedures and contents of appraisal of detailed designs of IT application projects that require economic-technical reports
1. Main contents of an economic-technical report include:
a) Evaluation of compliance with the Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
b) Analysis and selection of a technological, technical or equipment plan, including analysis and selection of the plan to ensure data connectivity and sharing with relevant infrastructure, software and database systems; IPv6 readiness requirements or system upgrading solutions to ensure IPv6 readiness if there is any content related to activities in the Internet environment;
c) Detailed design dossier and cost estimate according to Articles 27 and 28 herein;
d) Other contents of an economic-technical report that are the same as those of a feasibility study report as prescribed in the Law on Public Investment.
2. Competence in and procedures for appraisal of the detailed design of an IT application project that requires an economic-technical report
a) The appraisal council or body specializing in investment management shall appraise projects according to provisions of the Law on Public Investment (hereinafter referred to as “units in charge of organizing appraisal”), submit the detailed design dossier to the competent units prescribed in Points a, b, c, d and dd herein to obtain comments on such detailed design, and obtain comments from relevant bodies and units (if necessary);
b) The Ministry of Information and Communications shall appraise detailed designs of group A projects, excluding projects for procurement of backup or substitute hardware devices of current technical infrastructure systems, or procurement of non-installed equipment and commercial software.
If necessary, other ministries and central and local bodies may consult the Ministry of Information and Communications on detailed designs of projects that are appraised by the units prescribed in Points c and d herein;
c) Units specializing in information technology affiliated to provincial People's Committees shall appraise detailed designs of projects whose investment is decided by chairpersons of People’s Committees at all levels, excluding projects whose detailed designs are appraised by the Ministry of Information and Communications;
d) Units specializing in information technology affiliated to investment decision makers shall appraise detailed designs of projects, excluding projects whose detailed designs are appraised by the Ministry of Information and Communications or within the appraisal competence prescribed in Point c herein;
dd) In case a unit that appraises a detailed design is also an investment project owner, such unit shall establish an appraisal council to appraise the detailed design or the investment decision maker shall assign another specialized unit to appraise the detailed design;
e) The units that appraise detailed designs prescribed in Points b, c, d and dd herein shall send the appraisal comments to the units in charge of organizing appraisal.
3. Contents of appraisal of detailed designs and cost estimate shall comply with Clauses 1 and 2 of Article 29 herein.
Article 23. Project modification
Modification of IT application projects funded by the state budget for covering development investment expenditures shall be carried out according to regulations of the law on public investment.
Subsection 2. INVESTMENT REALIZATION
Article 24. Tasks in investment realization phase
Tasks in the investment realization phase include:
1. Conducting an additional survey (if necessary).
2. Reaching an agreement on use of national digital resources and frequencies (if an agreement on use of digital resources and frequencies is required).
3. Preparing, appraising and approving detailed design documents, except the case in which the project requires an economic-technical report.
4. Selecting contractors and executing contracts.
5. Carrying out inspection and supervision of contract execution.
6. Managing project execution.
7. Carrying out testing or trial operation.
8. Transferring products and work items of the project.
9. Providing training in use, support, management, operation and development.
10. Carrying out commissioning.
11. Preparing documents about completion and retaining project dossier as prescribed by law.
Article 25. Additional surveys
1. Every investment project owner shall consider and decide additional surveys.
2. The tasks serving additional surveys shall be established according to Clause 1 of Article 13 herein.
3. Contents of a report on additional survey findings and contents of commissioning of additional survey findings are specified in Article 14 and Clause 2 of Article 15 herein.
4. The report on additional survey findings must undergo inspection and commissioning by the investment project owner and serve as the basis for formulation or modification of the detailed design or basic design of the feasibility study report.
Article 26. Formulation of detailed designs
1. Every investment project owner shall formulate the detailed design and cost estimate or hire an organization or individual to do so.
2. Documents serving as bases for creating a detailed design include:
a) Project approval decision and approved feasibility study report, excluding projects that require an economic-technical report;
b) List of applied information technology standards and technical regulations;
c) Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
d) A report on survey findings;
dd) A report on additional survey findings (if any) and other requirements (if necessary).
3. Every organization or individual in charge of creating a detailed design must carry out designer's supervision throughout the project’s product development and commissioning processes at the request of the investment project owner.
Every organization or individual in charge of creating a detailed design shall not use the name of another organization or individual in charge of creating a detailed design in any form.
4. Organizations/individuals in charge of creating detailed designs and making cost estimates must transfer detailed design documents to investment project owners in quantity sufficient for investment management and retention.
5. Approved detailed design dossiers must be retained according to regulations of the law on retention.
Article 27. Main contents of detailed design dossiers
1. A detailed design shall include
a) For network construction and installation of information technology equipment and accessories:
- Technical criteria applied to installation, setup, inspection and adjustment of equipment;
- List of equipment to be installed and set up and its technical specifications;
- Data on workload for construction and installation of main and auxiliary investment items; workload for training in use, management, operation and other relevant activities;
- Instructions on methods for project execution (for cases of complex execution);
- Measures for safe operation and fire and explosion prevention (if any);
- Site plan;
- Diagrams and detailed descriptions of solutions for designs of network, connections, infrastructure, information safety, power supply, lightning arresters, cooling systems and calculation of connection bandwidth;
- Diagrams and descriptions of IP address planning;
- Equipment installation diagram, including location, distance and height of installation (if any); joining locations; data on materials for equipment installation;
- Diagrams of network construction, including wiring, installation of cable protector and surge protector devices, materials and equipment used in network installation, connection between network subsystems and connecting to outside systems by main measurements and materials;
- Route plans, angles for change of route direction, altitudes and coordinates of installation, main crossings on route, security corridor for route by main measurements and materials for route-based network installation (if any).
b) For items of or projects for procurement of backup or substitute hardware devices of current infrastructure systems, or procurement of non-installed equipment and commercial software:
- List of hardware devices, commercial software and technical requirements of equipment;
- Report on weight of hardware and commercial software.
c) For internal-use software:
- Contents of description of technical requirements of internal-use software for investment preparation phase;
- Analysis and description of software functions;
- Requirements on error count for syntax errors and logical errors in data processing and errors in control of accuracy of input data;
- IPv6 readiness requirements or solutions for upgradation to ensure IPv6 readiness for operations in the Internet environment; compatibility with IPv6 or solutions for upgradation to ensure IPv6 readiness are encouraged for non-Internet connection cases;
- Aesthetic and technical requirements for program interfaces;
- Requirements on capacity of the officials participating in build, development, upgradation and expansion of software;
- Other non-functional requirements.
d) Detailed requirements on training in use, support, management and operation of project’s products or work items prior to commissioning (if any); requirements on warranty and maintenance.
2. The cost estimate determined according to Article 28 herein.
1. A cost estimate is the total costs of project execution determined in the investment realization phase for each specific project in a manner that conforms to the feasibility study report, detailed design and other required tasks.
a) Cost estimate is a part of the detailed design dossier; the approved cost estimate for specific investment items shall serve as the basis for bid pricing for cases of direct appointment of contractor or direct project execution and tasks carried out without any contract;
b) For mixed contracts, contract package estimate shall be determined based on the price in the concluded contract;
c) If a typical design is employed, the cost estimate shall be determined according to the cost estimate of the typical design as prescribed in Clause 1 of Article 26 herein.
2. Contents of the cost estimate include construction costs, equipment costs, project management costs, investment consultancy costs, other costs and cost contingency.
a) Construction costs:
Construction costs shall be determined by making a cost estimate according to the norm and quota establishment methods provided for by the Ministry of Information and Communications and relevant regulations.
b) Equipment costs shall be determined according to quantity and types of equipment to be purchased and market price of such equipment. Costs of build, development, upgradation and expansion of internal-use software shall be determined according to the comparison method, expert method, cost calculation methods or quotations or by combining various methods. Costs of equipment installation and setup, database establishment, training in use, management and operation; costs of equipment transport and insurance; costs of use, support, management and operation of project’s products or work items prior to commissioning (if any) and other relevant costs (if any) shall be determined by preparing a cost estimate;
c) Project management costs and investment consultancy costs shall be determined in percentage or by preparing cost estimate;
d) Other costs include the costs not provided for in Points a, b and c herein and shall be determined by preparing a cost estimate or in percentage;
Cost contingency for additional works is expressed as a percentage (%) of the total amount of the costs prescribed in Points a, b, c and d herein. Contingency for price slippage shall be calculated according to the project investment duration.
3. Methods for cost estimate preparation, cost calculation and quota and unit price establishment of each period of time and methods for cost management shall be carried out according to announcements and guidelines of the Ministry of Information and Communications.
4. The Ministry of Information and Communications shall publicize the unit labor cost in cost management for investment in IT application.
5. Contents of the documents supporting cost calculation and methods for cost calculation for internal-use software and testing of internal-use software shall comply with guidelines of the Ministry of Information and Communications.
Article 29. Organization of appraisal and approval of detailed designs and cost estimate
1. The appraisal of a detailed design shall focus on:
a) Conformity of components and specifications of the detailed design with legal regulations, including main contents of the detailed design, survey documents and other documents according to relevant regulations;
b) Conformity of the detailed design with the basic design in the approved feasibility study report and relevant regulations, excluding projects that require an economic-technical report;
c) Compliance of the detailed design with the applied standards and technical regulations;
dd) Compliance of the detailed design with the Vietnam, ministerial or provincial E-Government Architecture;
dd) Reasonableness of solutions and equipment (if any);
e) Suitability of measures for safe operation and fire and explosion prevention (if any).
2. The appraisal of a cost estimate shall focus on:
a) Conformity of the workload specified in the detailed design with the estimated workload
b) Suitability of economic-technical norms, expenditure limits and unit price; application of norms, unit price, calculation methods and relevant policies, and cost items in the cost estimate according to regulations.
3. The investment project owner shall organize the appraisal the detailed design and cost estimate and may hire a capable and experienced organization or individual to carry out such appraisal, which serves as the basis for appraising the investment project owner’s tasks, excluding projects that require an economic-technical reports.
4. Competence in approval of detailed designs and cost estimate
a) Investment project owners shall approve detailed designs and cost estimate for projects that employ the 02-step design procedures;
b) The detailed design and cost estimate shall be approved concurrently. The detailed design and cost estimate shall not be appraised separately.
5. The approved detailed design dossier shall be the basis for investment project owners to manage project quality and schedule and methods for organization of project execution.
6. Organizations/individuals in charge of appraisal, inspection and approval of detailed designs and cost estimate must be answerable to the law for the results of their appraisal, inspection and approval.
7. If a modification to a project results in change to its detailed design and cost estimate, the investment project owner must organize the appraisal and approval of the changed contents as prescribed in this Article.
Article 30. Modification of detailed designs
1. An approved detailed design may be modified only in the following cases:
a) When a project is modified according to Article 23 herein and a request for design modification is submitted;
b) During project execution, unsuitable factors are detected which, if left unchanged, may affect the investment quality of the project, schedule, performance methods and investment efficiency of the project.
2. If the modification of a detailed design neither affects its technical/technological solutions, investment size and objectives nor exceeds the approved total investment, the investment project owner may directly modify such detailed design. For other cases, investment project owners must seek the appraisal and approval of the modified contents from investment decision makers.
3. For projects that require an economic-technical report, if the modification of detailed designs neither affects their investment size and objectives nor exceeds the total investment approved by investment decision makers, investment project owners may directly modify such detailed designs. For other cases, investment project owners must seek the appraisal and approval of the modified contents from investment decision makers.
4. Depending on the characteristics of each project, the investment project owner may hire an organization or individual to modify the detailed design and/or basic design.
Article 31. Cases of cost estimate modification
1. Investment project owners shall organize establishment of modified cost estimate for the cases prescribed in Article 23 and Clause 1 of Article 30 of this Decree.
2. If there is any change to the cost estimate structure (including cost contingency) without exceeding the approved total investment or cost estimate (for the project requires an economic-technical report), the investment project owner shall directly organize the modification of cost estimate of project’s investment items.
3. Depending on the characteristics of each project, the investment project owner may hire an organization or individual to prepare the modified cost estimate.
4. Contents of the modified cost estimate decided by the investment project owner or investment decision maker shall form a part of the detailed design dossier.
Article 32. Execution and execution supervision
1. Investment project owners shall directly carry out construction and installation of infrastructure systems, software installation and modification of materials and equipment or hire organizations/individuals to perform such tasks.
2. Project contractors shall be responsible for establishment of quality management systems suitable with the investment size at the request of investment project owners; and keeping a project diary.
3. The processes of construction and installation of infrastructure systems, software installation and adjustment of materials and equipment of projects must be supervised.
4. Investment project owners shall directly supervise project execution or hire organizations/individuals to perform such task.
5. Contents of project execution, supervision of project execution and project commissioning shall be carried out according to regulations of the Ministry of Information and Communications.
Article 33. Schedule management
1. Before executing a project, a schedule must be drawn up. Such schedule must be consistent with the approved total schedule of the project.
2. For a large-scale project that is executed for more than 01 year, its schedule must be drawn up for each phase, quarter and year.
3. Every contractor shall draw up a detailed execution schedule which contains various tasks provided that the schedule is consistent with the project’s approved total schedule.
4. In case certain phases of the schedule are extended, investment project owners, project supervising units (if any) and relevant parties shall be responsible for monitoring, supervising and modifying project schedule without affecting the total schedule.
5. It’s encouraged to speed up the project schedule provided that the investment quality is ensured.
Article 34. Testing or trial operation
1. Any product of an IT application project must be tested or undergo trial operation at at least one beneficiary before undergoing commissioning.
2. Depending on specific conditions, an investment project owner may:
a) Conduct a self-testing; or
b) Hire an independent organization or individual qualified for carrying out product testing.
3. Results of testing or trial operation must be recorded into a document. Such document is called a report on testing or trial operation results.
The report shall be the basis for parties participating in commissioning to carry out commissioning or for the investment project owner to request the contractor to continue modifying and completing the product.
4. After having been modified and completed, the product shall undergo testing or trial operation by the investment project owner. The testing or trial operation will be done if the product satisfies quality requirements.
Article 35. Commissioning and transfer of project’s products
1. Products or work items of an IT application project shall only be transferred to investment projects owner after undergoing commissioning. The investment project owner shall organize commissioning and transfer of project’s products or work items with the participation of consultancies/consultants, equipment providers, organizations/individuals in charge of project execution and relevant bodies and units (if any).
2. Depending on the characteristics of each project, the contractor may transfer each completed product or work item, constituent project or fully completed project to the investment project owner for official use.
The contractor must also transfer the following documents: completion dossiers, manuals, documents concerning management, operation and maintenance (if any) for completed products or work items; technical documents serving connection according to regulations (for projects involving data connection and sharing between ministries and central and local bodies). These documents must be specified in contracts and constitute a part of the completion dossier.
3. The investment project owner must submit a report on product or work item completion and list of product or work item’s completion dossiers to the competent units prescribed in Point b of this Clause to carry out supervision and inspection of the product or work item of the completed project and compliance with this Decree when necessary.
a) Time limit: within 10 days (for the project whose basic design is not appraised by the Ministry of Information and Communications) or within 20 days (for the project whose basic design is appraised by the Ministry of Information and Communications) starting from the date on which the project’s product or work item undergoes commissioning, is transferred and put to use, and the commissioning participants grant approval and sign the commissioning record;
b) Competent units:
- For projects whose basic designs are appraised by the Ministry of Information and Communications, investment project owners shall submit the report to the Ministry of Information and Communications;
- For projects whose investment are decided by chairpersons of People’s Committees at all levels, investment project owners shall submit the report to the unit specializing in information technology affiliated to the provincial People's Committee, excluding projects whose basic designs are appraised by the Ministry of Information and Communications;
- For other projects, investment project owners shall submit the report to the unit specializing in information technology with competence in appraisal of basic designs according to Clause 3 of Article 20 herein, excluding projects whose basic designs are appraised by the Ministry of Information and Communications.
4. For build/development or upgradation/expansion of internal-use software, contractors shall transfer:
a) Documents of each phase in the process of software build/development or upgradation/expansion according to the contents of concluded contracts;
b) The set of programs for software installation;
c) Program source code (if any);
d) Manuals, management and operation documents; documents concerning user training and training in management and operation; documents on maintenance procedures (if any); guidelines on technique and standards and regulations (if any);
dd) Technical documents serving connection according to regulations (for projects involving data connection and sharing between ministries and central and local bodies).
5. Dossiers and documents related to IT application projects must be retained by investment project owners according to regulations of the law on retention.
6. In case a project is discontinued due to force majeure reasons or the decision of the investment decision maker, the investment project owner shall organize commissioning of the completed tasks with the participation of design and consultancies/consultants and relevant bodies and units (if any).
Article 36. Compilation and retention of product or work item’s completion dossiers
1. The product or work item’s completion dossier must be fully compiled by the investment project owner before putting such product or work item to use.
2. The completion dossier shall be compiled once for the whole project if the products/work items of the project are put to use at the same time. In case products/work items of the project are put to use at different times, each product/work item may have a separate completion dossier.
3. The investment project owner shall organize the compilation of the completion dossier. Each contractor shall compile the completion dossier for the assigned product/work item; quantity of completion dossiers shall be decided by the investment project owner based on the agreement with the contractor and relevant parties.
4. Completion dossiers shall be retained according to regulations of the law on retention.
Subsection 3. INVESTMENT COMPLETION AND PUTTING PROJECT’S PRODUCTS TO USE
Article 37. Investment completion and putting project’s products to use
Tasks of this phase include:
1. Warranty on project’s products.
2. Statements of investment and approval of statements.
Article 38. Warranty on project’s products
1. Minimum warranty period for a product of a project shall start from the date on which its commissioning and transfer record is signed by the investment project owner or the date on which a project’s work item is put to use. To be specific:
a) A 24-month warranty period is applied to the product of a project of national importance or group A project;
b) A 12-month warranty period is applied to the product of a group B or group C project.
2. Minimum warranty provision is expressed as a percentage (%) of value of a project’s product. To be specific:
a) For products under 24-month warranty, the minimum warranty provision is 03%;
b) For products under 12-month warranty, the minimum warranty provision is 05%.
The contractor shall provide letter of bank guarantee of equivalent value to the investment project owner or other forms of guarantee accepted by the investment project owner.
The contractor shall only return the letter of guarantee upon the lapse of the warranty period and confirmation of completion of warranty from the investment project owner.
3. Responsibilities of parties for providing warranty
a) Investment project owners, regulatory bodies and units managing and using project’s products shall:
- Inspect and detect errors and damage and request contractors to repair, improve or replace. If a contractor fails to provide warranty, the investment project owner, regulatory bodies and units managing and using such product are entitled to hire another contractor to do so. Funding for such hiring shall be covered by the product’s warranty provision;
- Carry out inspection and commissioning of repair, improvement or replacement by contractors;
- Confirm the completion of warranty for project’s products.
b) Contractors shall:
- Organize repair, improvement or replacement immediately after being requested by the investment project owner and units managing and using project's products and incur all costs of such repair, improvement or replacement;
- Refuse to provide warranty if the damage is not caused by contractors; the investment project owner violate state management regulations resulting in project removal by state agencies; project’s products are used against procedures.
c) Contractors must compensate for any damage, accident or error that they cause to project’s products even after the warranty period and, depending on severity of the violation, may incur penalty as prescribed by law.
Article 39. Handling of property upon project completion
Property being a project’s results and property of service to project operation shall be handled as prescribed by law.
Article 40. Maintenance of project’s products
1. Project’s products must be maintained.
2. Responsibilities of bodies and units managing and using project’s products for maintenance are as follows:
a) Organization of maintenance of project’s products;
b) Determination of maintenance costs based on quotations;
c) Being answerable to the law if product quality deteriorates or there is any error due to lack of maintenance according to regulations.
Article 41. Project payment and statements
Project payment and statements shall comply with legal regulations. Investment project owners or legal representatives of investment project owners shall be answerable to the law for the accuracy and legitimacy of quotations, workload and value to be paid for in payment dossiers.
Subsection 4. MANAGEMENT OF IT APPLICATION PROJECTS
Article 42. Project management methods
1. An investment decision maker shall choose to:
a) Directly manage a project if all eligibility requirements are satisfied;
b) Hire a consultancy to manage a project.
2. If an investment project owner directly manages a project, a project management board shall be established to act as the contact point for project management to assist the investment project owner.
For the project whose total investment is under VND 15 billion, the investment project owner may employ its personnel to manage and operate the projects or hire experienced and qualified persons to assist with project management instead of establishing a project management board.
Article 43. Responsibilities of investment project owners for project management
Responsibilities of investment project owners for project management are as follows:
1. Investment project owners shall be responsible for management of project execution, fulfillment of tasks and exercise of powers from investment preparation, investment realization to investment completion, commissioning, transfer and official use of project's products, ensuring efficiency and feasibility of projects and compliance with legal regulations, including the tasks assigned to project management boards or hiring of project management consultancies.
2. Every investment project owner shall submit reports on project supervision and evaluation and update project information on information systems for supervision and evaluation of investment in state investment programs and plans according to regulations.
3. If an investment project owner directly manages a project without establishing a project management board, its juridical person shall be used to directly manage the project. The investment project owner must decide to appoint project managers and assign tasks to such project managers, among whom are those directly in charge of project management. The appointed project managers may work on a part-time or full-time basis.
4. If an investment project owner directly manages a project and establishes a project management board, such owner shall:
a) Delegate tasks and powers to the project management board in a manner that suits the investment project owner’s actual conditions and project requirements; clearly assign responsibilities of the investment project owner and the project management board; grant greater powers to the project management board in a manner that ensures duties are coupled with powers so as to minimize administrative procedures between the investment project owner and the project management board.
The delegation of tasks and powers to the project management board must be specified in decision on establishment of project management board and documents on task and power delegation by investment project owners.
b) May assign multiple projects to a project management board if such board meets all eligibility requirements.
5. If a consultancy is hired, the investment project owner shall:
a) Appoint at least one head of a body/unit in charge of project execution management and assign tasks to specialized units affiliated to the investment project owner’s apparatus to advise and assist such head in fulfilling tasks and exercising powers of the investment project owner, and inspecting and supervising the execution of the contract with the project management consultancy so as to ensure that the project is executed according to a plan and on schedule, thereby ensuring its quality and efficiency;
b) Select and conclude a contract with the project management consultancy that is suitable for the tasks to be performed to assist the investment project owner with project execution management.
6. Other responsibilities according to regulations related to management of investment in IT application.
Article 44. Tasks and powers of project management boards and project management consultancies
1. If an investment project owner establishes a project management board, such project management board shall have the following tasks and powers:
a) The tasks assigned by the investment project owner shall be fulfilled and the powers authorized by the investment project owner shall be exercised. The project management board shall be answerable to the investment project owner and the law for the assigned tasks and authorized powers;
b) The project management board shall not establish affiliated project management boards or affiliated service providers to manage a project;
c) When a project management board is assigned to manage multiple projects, each project must be separately managed, supervised, recorded and promptly finalized after completion according to regulations;
d) If necessary, the project management board may hire capable and experienced organizations/individuals to participate in management and supervision of the tasks that the project management board is not qualified to perform with the approval of the investment project owner;
dd) The project management board may contract foreign experienced and capable consultants/consultancies to manage the tasks that domestic consultancies are not yet qualified for or upon other special request. Such contract must be approved by the investment decision maker;
e) Project management tasks specified in Article 45 herein shall be performed;
g) Other responsibilities according to regulations related to management of investment in IT application.
2. If an investment project owner hires a project management consultancy (hereinafter referred to as “consultancy”), such consultancy shall have the following duties and powers:
a) The consultancy shall manage the project under the contract with the investment project owner. The project management consultancy contract must specify the scope of work and management contents; powers and responsibilities of the consultancy and the investment project owner;
b) The consultancy shall be responsible for establishing its organizational structure and assign persons-in-charge to directly manage project execution under the contract with the investment project owner. The consultancy must provide written notifications of duties and powers of the persons-in-charge and organizational structure of the consultancy that directly manage the project to the investment project owner and to other contractors and relevant organizations and individuals;
c) The consultancy may hire capable and experienced organizations and individuals to carry out a number of project management tasks with the approval of the investment project owner in a manner that complies with the duties and powers specified in the contract with the investment project owner;
d) Project management tasks shall be carried out according to the regulations in Article 45 of this Decree and the commitments in the contract; the consultancy shall compensate for any damage that it causes while managing the project; and hold other responsibilities according to regulations related to management of investment in IT application;
dd) Other responsibilities according to regulations related to management of investment in IT application.
Article 45. Contents of project management
Management of an IT application project shall focus on:
1. Carrying out procedures and tasks serving project execution.
2. Organizing the compilation and preparation of a detailed design dossier.
3. Organizing the compilation of request for proposals and bidding documents; and selecting contractors.
4. Negotiating and concluding contracts with contractors at the request of the investment project owner.
5. Managing quality, workload, schedule and costs of project execution, fire and explosion safety, prevention and control, operational safety and industrial hygiene at worksite.
6. Supervising project execution according to regulations and other consultancy tasks.
7. Organizing commissioning and transfer of project’s products; finalization, statement and fulfillment of concluded contracts at the request of the investment project owner.
8. Preparing a statement report upon completion and official use of the project.
9. Carrying out other tasks according to regulations related to management of investment in IT application.
Subsection 3. MANAGEMENT OF LEASING PROJECTS
Article 46. Preparation of pre-feasibility study reports and investment guidelines proposal reports of leasing projects
1. The investment project owner shall prepare the pre-feasibility study report and investment guidelines proposal report of a leasing project or hire an organization or individuals to prepare such reports.
2. Contents of a pre-feasibility study report and investment guidelines proposal report of a leasing project are specified in the Law on Public Investment. To be specific:
a) Necessity of leasing of the IT service;
b) Preliminary determination of main items to be leased; objectives, contents, size, scope, location and user of the IT service;
c) Preliminary determination of requirements on quality of the IT service; preliminary technical and technological requirements to satisfy service quality requirements; requirements on connectivity with other information systems and applications;
d) Determining that the leasing period is sufficient to ensure stability, continuity and efficiency of use of the IT service;
dd) Preliminary determination of the total investment of the leasing project. The total investment of the leasing project shall be preliminarily determined according to the comparison method, expert method or quotations or a combination of various methods or the approved IT application plan.
Article 47. Contents of feasibility study reports of IT service leasing projects
1. The investment project owner shall prepare the feasibility study report of a leasing project or hire an organization or individual to prepare such reports. Contents of a feasibility study report of a leasing project are specified in the Law on Public Investment. To be specific:
a) State and necessity of leasing of the IT service;
b) Main items to be leased; objectives, contents and size, scope, location and user of the IT service;
c) Determination of requirements on quality of the IT service; technical and technological requirements to satisfy service quality requirements; requirements and conditions on connectivity with other information systems and applications; description of requirements on internal-use software; requirements on information and data safety and security and other requirements;
d) Determination and clarification of ownership of information and data acquired from use of the leased IT service and plan for management and transfer of such information and data to the lessee;
dd) Leasing period, schedule and timeline of build, development and establishment of the IT service;
e) Requirements on unanticipated incidents during use of the IT service;
g) Determination of the total investment of the leasing project prescribed in Clause 2 herein.
2. The total investment of a leasing project includes
a) Regarding the total investment structure
- Costs of leasing of the IT service;
- Costs of project management, including costs of organizing project management from preparation and guidelines approval phases to completion of leasing of the IT service, and costs of supervision and evaluation of investment in the project;
- Consultancy costs, including costs of conducting surveys and preparation of the pre-feasibility study report, guidelines proposal report and feasibility study report; project appraisal; bidding consultancy; execution supervision (if any) and other consultancy tasks;
- Other costs, including fees and charges, insurance costs; costs of audit, appraisal and approval of investment statements, price appraisal and testing or trial operation and other specific costs;
- Cost contingency.
b) Methods for cost calculation
- Costs of leasing of an IT service of a leasing project shall be determined according to the comparison method, expert method, quotation method, or cost calculation methods or a combination of various methods.
- Project management costs, consultancy costs and other costs shall be determined by preparing a cost estimate or calculated in percentage.
Based on the characteristics of each leasing project, the investment project owner shall choose a suitable method to determine the leasing costs and be responsible for such choice.
c) The Ministry of Information and Communications shall provide guidance on methods for calculation of the costs of leasing of IT services.
Article 48. Ownership of information and data acquired from leasing of IT services
Information and data acquired from IT service leasing shall be under the ownership of the lessee. Service providers shall ensure information security and safety and fully transfer the information and data to the lessee upon completion of the contract for IT service leasing.
Article 49. Contract for IT service leasing and organization of testing or trial operation
1. Specific contents of the contract for IT service leasing shall comply with guidelines of the Ministry of Information and Communications.
2. IT services must undergo a test or trial operation according to the regulations of Article 58 of this Decree before official use.
Article 50. Leasing of shared information technology services
For IT services with similar characteristics and/or features that many affiliates require, the lessee shall consider and report leasing of shared IT services managed by ministries and central and local bodies to competent authorities.
Leasing of common IT services shall comply with this Decree and relevant provisions.