Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14
Số hiệu: | 31/2018/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 19/11/2018 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2020 |
Ngày công báo: | 22/12/2018 | Số công báo: | Từ số 1133 đến số 1134 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Luật này quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trồng trọt là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp có liên quan đến việc gieo trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn để phục vụ mục đích của con người.
2. Hoạt động trồng trọt bao gồm hoạt động về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.
3. Canh tác là quá trình con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm cây trồng khác nhau.
4. Sản phẩm cây trồng là bộ phận thu hoạch của cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn.
5. Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.
6. Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây, nấm ăn hoặc bộ phận của nấm ăn có thể phát triển thành một cá thể mới, dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng.
7. Loài cây trồng chính là loài cây được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ.
8. Cây hằng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hằng năm lưu gốc.
9. Cây trồng lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
10. Tính khác biệt của giống cây trồng là khả năng phân biệt rõ ràng của một giống cây trồng với các giống cây trồng được biết đến rộng rãi.
11. Tính đồng nhất của giống cây trồng là sự biểu hiện giống nhau của giống cây trồng về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
12. Tính ổn định của giống cây trồng là sự biểu hiện ổn định của các tính trạng liên quan như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
13. Khảo nghiệm giống cây trồng là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng theo phương pháp nhất định.
14. Khảo nghiệm có kiểm soát là khảo nghiệm giống cây trồng trong môi trường nhân tạo để giống cây trồng thể hiện đầy đủ đặc tính chống chịu sinh vật gây hại, điều kiện bất thuận.
15. Khảo nghiệm phân bón là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế của phân bón.
16. Khảo nghiệm diện hẹp là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô nhỏ, có lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm.
17. Khảo nghiệm diện rộng là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô lớn, không lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm.
18. Cây đầu dòng là cây tốt nhất được bình tuyển và công nhận từ quần thể của một giống cây trồng.
19. Vườn cây đầu dòng là vườn cây được nhân từ cây đầu dòng hoặc vườn cây do tổ chức, cá nhân thiết lập được thẩm định và công nhận.
20. Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
21. Chỉ tiêu chất lượng phân bón là thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng.
22. Nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón là nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
1. Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.
2. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp.
3. Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước, quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
4. Phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; bảo vệ hệ thống canh tác bền vững, di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
5. Chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu.
6. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:
a) Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt; thông tin và dự báo thị trường; xây dựng chiến lược phát triển trồng trọt; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hoạt động trồng trọt;
b) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực trồng trọt;
c) Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 của Luật này;
d) Đào tạo nguồn nhân lực về khuyến nông cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, canh tác hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến; quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc;
b) Hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Luật này;
c) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hoạt động chứng nhận sản phẩm cây trồng;
d) Xây dựng cơ sở hạ tầng, phân tích, đánh giá điều kiện sản xuất ban đầu trong trồng trọt, đánh giá nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến; sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; canh tác hữu cơ; cơ giới hóa; phòng thử nghiệm quốc gia và kiểm nghiệm liên phòng quốc tế;
đ) Sản xuất lúa theo quy hoạch;
e) Sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ để sản xuất hạt lai F1, giống gốc và giống thương phẩm mới; phục tráng giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; duy trì cây đầu dòng; bảo vệ và phát triển vườn cây đầu dòng; nhập khẩu giống mới, chuyển nhượng bản quyền đối với giống cây trồng;
g) Xây dựng chợ đầu mối sản phẩm cây trồng; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng;
h) Khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiên tai, dịch bệnh;
i) Đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong trồng trọt.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:
a) Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu phát triển, kinh doanh, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hoạt động liên quan trong trồng trọt;
b) Xã hội hóa dịch vụ công trong trồng trọt; nâng cao năng lực hoạt động đánh giá sự phù hợp;
c) Bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt;
d) Canh tác hữu cơ, canh tác kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ cảnh quan, văn hóa, lịch sử ở khu vực nông thôn;
đ) Sử dụng phân bón hữu cơ.
1. Chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
2. Chiến lược phát triển trồng trọt xác định quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt trên phạm vi toàn quốc.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt.
1. Hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
2. Hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt được Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư bao gồm:
a) Nghiên cứu cơ chế, chính sách trong trồng trọt; chọn, tạo giống cây trồng chất lượng cao, chống chịu sinh vật gây hại và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sinh vật có ích; phát triển phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác và bảo vệ môi trường trong trồng trọt; nghiên cứu khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, công nghệ sau thu hoạch;
b) Thu thập, lưu giữ, bảo tồn và khai thác nguồn gen giống cây trồng quý, hiếm, giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa; xây dựng ngân hàng gen cây trồng;
c) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong canh tác, bảo quản và chế biến; canh tác hữu cơ, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về trồng trọt với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.
2. Nội dung ưu tiên hợp tác quốc tế về trồng trọt bao gồm:
a) Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình và công nghệ sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, trao đổi thông tin và nguồn gen cây trồng;
b) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong trồng trọt;
c) Hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng;
d) Xây dựng và thừa nhận lẫn nhau về hệ thống chứng nhận chất lượng trong trồng trọt.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện hợp tác quốc tế về trồng trọt.
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt là hệ thống thông tin liên quan đến trồng trọt, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.
2. Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến trồng trọt;
b) Cơ sở dữ liệu sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại về trồng trọt;
c) Cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; dữ liệu về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt; dữ liệu giống cây trồng, phân bón, nước tưới;
d) Cơ sở dữ liệu khác về trồng trọt.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt theo quy định của pháp luật.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.
1. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.
4. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
5. Cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.
6. Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.
7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.
8. Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.
9. Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.
10. Khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.
1. Nghiên cứu chọn, tạo và chuyển giao công nghệ về nguồn gen giống cây trồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, đa dạng sinh học.
2. Ưu tiên nghiên cứu trong chọn, tạo về nguồn gen giống cây trồng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 của Luật này.
1. Nguồn gen giống cây trồng bao gồm nguồn gen từ giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; giống cây trồng đã tồn tại phổ biến trong sản xuất, giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng nhập khẩu chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành.
2. Việc khai thác, sử dụng, nguồn gen giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học.
1. Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng bao gồm các hoạt động sau đây:
a) Điều tra, thu thập, lưu giữ và xây dựng ngân hàng gen giống cây trồng;
b) Giải mã gen, đánh giá chỉ tiêu nông học, sinh học và giá trị sử dụng nguồn gen giống cây trồng;
c) Thiết lập và chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu và nguồn gen giống cây trồng.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và ban hành Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.
1. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.
2. Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng theo quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế và sản xuất hạt lai để xuất khẩu. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thì thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng thì thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
4. Việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
5. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện (sau đây gọi là tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng) thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này.
Giống cây cảnh thuộc loài cây trồng chính không phải thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
6. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục loài cây trồng chính.
1. Tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:
a) Chỉ bao gồm chữ số;
b) Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;
d) Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
đ) Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;
e) Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
g) Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.
2. Tổ chức, cá nhân mua bán vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
3. Khi sử dụng tên giống cây trồng kết hợp với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc công bố lưu hành để sản xuất, mua bán thì tên đó phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bao gồm:
a) Có tên giống cây trồng;
b) Có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định;
c) Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng;
d) Có mẫu giống cây trồng được lưu theo quy định tại Điều 20 của Luật này;
đ) Có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
2. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn.
3. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp sau đây:
a) Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị mất hoặc hư hỏng;
b) Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.
4. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được gia hạn khi đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Khi tổ chức, cá nhân yêu cầu;
b) Có kết quả khảo nghiệm có kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật này đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.
5. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị đình chỉ hiệu lực khi giống cây trồng không duy trì được tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc giá trị canh tác hoặc giá trị sử dụng như tại thời điểm cấp Quyết định lưu hành giống cây trồng.
6. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đã bị đình chỉ hiệu lực được phục hồi khi tổ chức, cá nhân được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng khắc phục được trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây:
a) Gian lận hồ sơ đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng;
b) Không duy trì được tính khác biệt của giống cây trồng như tại thời điểm cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng;
c) Không khắc phục được trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về giống cây trồng mà còn tái phạm;
đ) Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải hủy bỏ.
8. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.
1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng bao gồm:
a) Là giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, được địa phương đề nghị;
b) Có bản mô tả đặc tính của giống và hiện trạng sử dụng;
c) Có mẫu lưu theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
2. Đối với Quyết định công nhận lưu hành đặc cách quy định tại khoản 1 Điều này, không áp dụng quy định tại các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 15 của Luật này.
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng.
1. Điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm:
a) Có tên giống cây trồng;
b) Có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc gia đối với loài cây trồng tự công bố lưu hành; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;
c) Có thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.
2. Tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin đã công bố.
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng.
1. Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
2. Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng bao gồm:
a) Khảo nghiệm có kiểm soát;
b) Khảo nghiệm diện hẹp trên đồng ruộng;
c) Khảo nghiệm diện rộng trên đồng ruộng.
1. Khảo nghiệm giống cây trồng quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật này chỉ được tiến hành tại 01 địa điểm cố định.
2. Khảo nghiệm giống cây trồng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này được thực hiện theo từng vùng. Giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào thì được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng ở vùng đó.
3. Phương pháp khảo nghiệm và phân vùng khảo nghiệm giống cây trồng được quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với loài cây trồng khảo nghiệm.
4. Vườn cây của giống cây trồng lâu năm do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận lưu hành thiết lập phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm giống cây trồng được sử dụng để đánh giá các chỉ tiêu cần thiết.
5. Khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng được tiến hành đồng thời.
6. Phương pháp giải trình tự gen được sử dụng thay thế phương pháp khảo nghiệm tính khác biệt để kiểm tra tính đúng giống.
7. Trước khi khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen phải thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
1. Mẫu giống cây trồng khi đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng phải được lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng (sau đây gọi là mẫu lưu) do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt quản lý.
2. Việc lưu mẫu giống cây trồng được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
a) Lưu vật liệu nhân giống cây trồng;
b) Lưu giải trình tự gen của giống cây trồng;
c) Lưu vật liệu nhân giống cây trồng và giải trình tự gen của giống cây trồng.
3. Mẫu lưu được sử dụng trong trường hợp sau đây:
a) Làm giống khảo nghiệm, giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm;
b) Thử nghiệm, kiểm tra chất lượng giống cây trồng;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về giống cây trồng.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng bao gồm:
a) Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về cây trồng, bảo vệ thực vật, sinh học;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phù hợp để thực hiện khảo nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống cây trồng đối với loài cây trồng được khảo nghiệm.
2. Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức khảo nghiệm trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
3. Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đăng ký công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
c) Tổ chức khảo nghiệm có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
d) Không còn đáp ứng được một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng mà còn tái phạm.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Sản xuất giống cây trồng được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính, hạt lai đa dòng đối với cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
1. Cây được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng sau khi được bình tuyển theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng cây đầu dòng. Trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt ban hành tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng.
2. Vườn cây được cấp Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng sau khi được thẩm định theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng vườn cây đầu dòng. Trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt ban hành tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng.
3. Chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng bị đình chỉ hiệu lực khi cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng không còn đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
5. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng được phục hồi hiệu lực khi chất lượng của cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
6. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng bị hủy bỏ khi đã bị đình chỉ hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều này mà không được phục hồi hiệu lực theo quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng.
1. Quản lý chất lượng giống cây trồng bao gồm quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Chất lượng giống cây trồng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với từng loài cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này.
3. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như sau:
a) Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng;
b) Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.
1. Kiểm định ruộng giống được thực hiện trong quá trình sản xuất giống cây trồng theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
2. Lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu giống cây trồng, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
1. Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thương mại, quảng cáo.
2. Nội dung ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng phải phù hợp với thông tin đã công bố trong hồ sơ đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc nội dung tự công bố lưu hành giống cây trồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành và không thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu được xuất khẩu và thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.
2. Giống cây trồng và hạt lai của giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành và không thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu chỉ được xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế không vì mục đích thương mại và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Giống cây trồng, hạt bố mẹ để sản xuất hạt lai của giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; hạt giống bố mẹ để sản xuất hạt lai phục vụ xuất khẩu được nhập khẩu và thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.
Trường hợp nhập khẩu phục vụ mục đích mua bán phải có hồ sơ, tài liệu đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 23 và khoản 1 Điều 26 của Luật này.
2. Giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành chỉ được nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.
3. Giống cây trồng nhập khẩu phục vụ sản xuất, mua bán phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và đạt yêu cầu về chất lượng, trừ trường hợp sau đây:
a) Hạt bố mẹ để sản xuất hạt lai của giống cây trồng;
b) Giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giống cây trồng tạm nhập, tái xuất hoặc quá cảnh hoặc chuyển khẩu;
d) Giống cây trồng gửi kho ngoại quan.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu.
5. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu giống cây trồng.
1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có quyền sau đây:
a) Đầu tư nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng; điều tra, đánh giá, thu thập, lưu giữ, khai thác nguồn vật liệu nhân giống trong nước hoặc nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng;
b) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư cho khoa học và công nghệ, chính sách đặc thù cho lĩnh vực, vùng theo quy định của pháp luật;
c) Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng trước khi đưa vào kinh doanh, chuyển giao trong trường hợp nghiên cứu, chọn, tạo, phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý; khi chuyển giao giống cây trồng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và quy định khác của pháp luật có liên quan khi tiến hành nghiên cứu, chọn, tạo, thí nghiệm, khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen.
1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng được quyền lưu hành giống cây trồng hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác lưu hành giống cây trồng.
2. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền công nhận lưu hành giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Duy trì tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn tính, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng trong quá trình lưu hành, trừ trường hợp được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này;
b) Bồi thường thiệt hại khi lưu hành giống cây trồng không đúng với giống đã được cấp quyết định công nhận lưu hành; lưu hành giống giả, giống không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hoặc tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng hoặc tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng đã công bố; cung cấp sai thông tin về giống cây trồng và quy trình sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
3. Tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành hoặc được ủy quyền tự công bố lưu hành giống cây trồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi lưu hành giống cây trồng không đúng với giống đã tự công bố lưu hành; lưu hành giống giả, giống không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đã công bố; cung cấp sai thông tin về giống cây trồng và quy trình sản xuất đã công bố.
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có quyền sau đây:
a) Được cung cấp đầy đủ thông tin về giống cây trồng và hướng dẫn sử dụng giống cây trồng;
b) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
c) Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng công bố;
b) Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện hậu quả xấu do giống cây trồng gây ra phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân cung cấp giống cây trồng và chính quyền địa phương để xử lý.
1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng có quyền khai thác hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu nhân giống phục vụ mục đích sản xuất, mua bán.
2. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm chất lượng giống cây trồng như khi được công nhận;
b) Khai thác vật liệu nhân giống theo Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng;
c) Nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
1. Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng có quyền sau đây:
a) Tiến hành khảo nghiệm giống cây trồng trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị;
b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm giống cây trồng trên cơ sở hợp đồng với tổ chức, cá nhân đề nghị.
2. Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện khảo nghiệm theo đúng nội dung ghi trong Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm và lưu kết quả theo quy định của pháp luật về lưu trữ;
c) Chịu trách nhiệm bảo mật trước tổ chức, cá nhân có giống cây trồng khảo nghiệm.
3. Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng phải từ chối khảo nghiệm phục vụ mục đích cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng trong trường hợp sau đây:
a) Giống do tổ chức khảo nghiệm đó đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành;
b) Giống của đơn vị liên danh với tổ chức khảo nghiệm khi đăng ký chứng nhận đủ điều kiện khảo nghiệm;
c) Giống của các công ty trong cùng một công ty mẹ hoặc tập đoàn hoặc tổng công ty trong đó có tổ chức khảo nghiệm;
d) Giống của các đơn vị trong cùng một đơn vị sự nghiệp trong đó có tổ chức khảo nghiệm.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có quyền sản xuất, buôn bán giống cây trồng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 22 của Luật này;
b) Thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật;
c) Thu hồi, xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường;
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
đ) Cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc vật liệu nhân giống, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng;
e) Thực hiện dán nhãn đối với giống cây trồng biến đổi gen theo quy định của pháp luật.
1. Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có thời hạn là 05 năm và được gia hạn.
3. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam được đứng tên đăng ký công nhận lưu hành phân bón.
4. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
a) Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
b) Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.
2. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được cấp lại trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành;
b) Quyết định công nhận phân bón lưu hành bị mất, hư hỏng;
c) Thay đổi tên phân bón theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
3. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được gia hạn khi đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu;
b) Đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
c) Báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng phân bón theo quy định.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
1. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bị hủy bỏ trong trường hợp sau đây:
a) Có bằng chứng khoa học mới về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường;
b) Phát hiện sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng với phân bón đã được công nhận lưu hành.
2. Việc hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý chuyên ngành về phân bón tổng hợp thông tin đánh giá và xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân được sản xuất, nhập khẩu phân bón này tối đa là 06 tháng; được mua bán, sử dụng tối đa là 12 tháng kể từ ngày quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý chuyên ngành về phân bón kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu công nhận phân bón để xem xét hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân phải chấm dứt ngay việc sản xuất, nhập khẩu, mua bán, sử dụng phân bón kể từ ngày quyết định hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực.
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
1. Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Các loại phân bón không phải khảo nghiệm bao gồm:
a) Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
d) Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
3. Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.
4. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm.
5. Lượng phân bón được sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm được xác định dựa trên liều lượng bón cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.
1. Tổ chức khảo nghiệm phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Có đủ số lượng nhân lực thực hiện khảo nghiệm, không kể người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm, có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.
2. Chính phủ quy định số lượng nhân lực tối thiểu thực hiện khảo nghiệm của tổ chức khảo nghiệm phân bón; hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, thu hồi Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:
a) Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;
b) Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;
c) Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;
d) Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;
đ) Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;
e) Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 05 năm và được cấp lại.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:
a) Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
b) Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;
c) Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Việc xuất khẩu phân bón thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
1. Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và không cần Giấy phép nhập khẩu phân bón.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây:
a) Phân bón để khảo nghiệm;
b) Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
c) Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
d) Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
đ) Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
e) Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
g) Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
h) Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón.
1. Phân bón được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng phục vụ quản lý nhà nước đối với phân bón phải được chứng nhận lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Việc lấy mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng phục vụ quản lý nhà nước phải do người có Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón thực hiện.
4. Chính phủ quy định nội dung, thời gian, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón.
1. Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, trừ phân bón nhập khẩu quy định tại các điểm a, d, đ, e và h khoản 2 Điều 44 của Luật này.
2. Kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu do cơ quan quản lý chuyên ngành về phân bón thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện.
3. Hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu phải được lưu trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày ban hành thông báo kết quả kiểm tra nhà nước.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu.
1. Tên phân bón khi đăng ký không được trùng với tên phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
2. Tên phân bón không làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng, thành phần và loại phân bón.
3. Tên phân bón không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm. Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của phân bón, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
4. Đối với phân bón hỗn hợp, trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên phân bón phải đặt theo thứ tự tên loại phân bón, thành phần, ký hiệu riêng, chữ số định lượng thành phần có trong tên, ký hiệu riêng khác (nếu có).
Các thành phần và chữ số định lượng thành phần theo thứ tự nguyên tố dinh dưỡng đa lượng đạm (N), lân (P), kali (K), nguyên tố dinh dưỡng trung lượng, nguyên tố dinh dưỡng vi lượng, chất hữu cơ, chất bổ sung khác (nếu có).
1. Phân bón khi lưu thông trên thị trường phải được ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và bao gồm các nội dung sau đây:
a) Loại phân bón;
b) Mã số phân bón;
c) Đối với phân bón lá phải ghi rõ cụm từ “Phân bón lá”.
2. Nội dung ghi trên nhãn phải đúng với nội dung trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có quyền sau đây:
a) Sản xuất phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
b) Sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
c) Quảng cáo phân bón theo quy định tại Điều 49 của Luật này;
d) Được buôn bán phân bón do mình sản xuất.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Duy trì đầy đủ các điều kiện sản xuất phân bón quy định tại Điều 41 của Luật này trong quá trình hoạt động sản xuất phân bón;
b) Sản xuất phân bón đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng;
c) Thực hiện đúng nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
d) Thử nghiệm đối với từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lưu kết quả thử nghiệm theo hạn sử dụng của lô phân bón và bảo quản mẫu lưu trong thời gian là 06 tháng kể từ khi lấy mẫu;
đ) Thu hồi, xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất phân bón;
h) Hằng năm, báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu;
i) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền sau đây:
a) Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;
b) Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;
c) Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;
h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức khảo nghiệm phân bón có quyền sau đây:
a) Tiến hành khảo nghiệm phân bón trên cơ sở hợp đồng với tổ chức, cá nhân đề nghị;
b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm phân bón trên cơ sở hợp đồng với tổ chức, cá nhân đề nghị.
2. Tổ chức khảo nghiệm phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 40 của Luật này;
b) Thực hiện khảo nghiệm phân bón khách quan, chính xác;
c) Tuân thủ đúng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và yêu cầu khảo nghiệm;
d) Báo cáo kết quả khảo nghiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm;
đ) Lưu giữ nhật ký đồng ruộng, số liệu thô, đề cương khảo nghiệm, báo cáo kết quả khảo nghiệm trong thời gian là 05 năm kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
h) Gửi đề cương khảo nghiệm phân bón cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nơi khảo nghiệm trước khi tiến hành khảo nghiệm;
i) Hằng năm, báo cáo kết quả hoạt động khảo nghiệm phân bón với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
1. Người lấy mẫu phân bón có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin có liên quan đến hoạt động lấy mẫu phân bón;
b) Được tập huấn về lấy mẫu phân bón.
2. Người lấy mẫu phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện lấy mẫu theo đúng tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón, bảo đảm khách quan;
b) Bảo mật thông tin, số liệu liên quan đến việc lấy mẫu, trừ trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động lấy mẫu phân bón.
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng phân bón;
b) Yêu cầu cơ sở mua bán phân bón hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung của nhãn phân bón;
c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng phân bón theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn;
b) Sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, vật nuôi, môi trường, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phổ biến bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng phân bón theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
1. Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương, khi xác định cơ cấu cây trồng, phải căn cứ vào tính chất lý, hóa học của đất, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ.
2. Các vùng đất chuyên trồng lúa nước, trồng rau, trồng cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm và cây cảnh được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch sử dụng ổn định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và định kỳ đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững.
1. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;
b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;
c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
d) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả.
2. Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng tầng đất mặt.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương có trách nhiệm xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước.
2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thủy lợi phải bảo đảm chất lượng nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả; áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm; tái sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Sinh vật có ích trong canh tác bao gồm các sinh vật có vai trò ổn định và cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng sức chống chịu và khả năng sinh trưởng của cây trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm và phụ phẩm từ cây trồng, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, thụ phấn cho cây trồng và mục đích có lợi khác.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động canh tác phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để bảo vệ và phát huy hiệu quả của sinh vật có ích.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá nguồn sinh vật có ích để có biện pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; ban hành Danh mục các loài, chủng sinh vật có ích sử dụng trong canh tác.
1. Trang thiết bị trong canh tác bao gồm nhà kính, nhà lưới, máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.
2. Vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm:
a) Giống cây trồng;
b) Phân bón;
c) Thuốc bảo vệ thực vật;
d) Giá thể trồng cây, màng phủ đất, vật liệu giữ ẩm;
đ) Hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong hoạt động trồng trọt không thuộc vật tư quy định tại điểm b và điểm c khoản này.
3. Việc quản lý chất lượng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, sản phẩm hàng hóa.
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác chỉ được sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc của tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và hạn chế lan truyền sinh vật gây hại.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này.
4. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
1. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phải phù hợp với tính chất lý, hóa học của đất, khí hậu, nguồn nước, đặc tính sinh học của cây trồng, lợi thế vùng; bảo đảm xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch, đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với quy hoạch.
1. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở hợp đồng; tạo điều kiện cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện cam kết trong hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
1. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Quy trình sản xuất được ban hành cho mỗi loài cây trồng.
2. Quy trình sản xuất được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật và tổng kết thực tiễn trong canh tác; được sửa đổi, bổ sung khi có tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ, năng lực của người sử dụng.
1. Công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích ứng dụng trong canh tác bao gồm:
a) Công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; chẩn đoán, giám định sinh vật gây hại cây trồng; phát triển sản phẩm trong sinh học và vật liệu mới;
b) Công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất;
c) Công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới;
d) Công nghệ thông tin ứng dụng trong dự tính, dự báo về sinh vật gây hại; cấp mã số và quản lý vùng trồng;
đ) Kỹ thuật nông nghiệp chính xác ứng dụng trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; điều khiển tự động chế độ bón phân, nước tưới; công nghệ bán tự động và tự động trong dây chuyền sản xuất; phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng.
2. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trên vùng canh tác khó khăn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.
3. Công nghệ cao quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được xây dựng với mật độ phù hợp, giảm hiệu ứng khí nhà kính.
1. Công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích ứng dụng trong canh tác bao gồm:
a) Công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; chẩn đoán, giám định sinh vật gây hại cây trồng; phát triển sản phẩm trong sinh học và vật liệu mới;
b) Công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất;
c) Công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới;
d) Công nghệ thông tin ứng dụng trong dự tính, dự báo về sinh vật gây hại; cấp mã số và quản lý vùng trồng;
đ) Kỹ thuật nông nghiệp chính xác ứng dụng trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; điều khiển tự động chế độ bón phân, nước tưới; công nghệ bán tự động và tự động trong dây chuyền sản xuất; phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng.
2. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trên vùng canh tác khó khăn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.
3. Công nghệ cao quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được xây dựng với mật độ phù hợp, giảm hiệu ứng khí nhà kính.
1. Cơ giới hóa trong canh tác phải hướng tới đồng bộ, từng bước hiện đại.
2. Việc đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng trên đồng ruộng phải bảo đảm điều kiện để thực hiện cơ giới hóa.
3. Tổ chức, cá nhân khi lập kế hoạch sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, thời vụ phải bảo đảm điều kiện để thực hiện cơ giới hóa.
4. Thiết bị, máy móc sử dụng trong canh tác phải được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế đồng ruộng, quy mô, tính chất và trình độ canh tác.
1. Vùng canh tác hữu cơ phải được phát triển, bảo vệ và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp, bảo đảm không bị ô nhiễm hóa chất từ bên ngoài.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và thông báo rộng rãi các vùng canh tác hữu cơ; ban hành quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trong phạm vi quản lý.
1. Tổ chức, cá nhân canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp xuất khẩu sản phẩm cây trồng hữu cơ thì áp dụng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư khác sử dụng trong canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc được sản xuất từ nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
3. Không sử dụng hóa chất tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng cây trồng, thực vật biến đổi gen trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.
4. Việc ghi nhãn sản phẩm cây trồng hữu cơ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Áp dụng giải pháp phù hợp trong canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Xác định giải pháp phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác;
b) Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính khi xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án phát triển trồng trọt.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hướng dẫn tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt tại địa bàn.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân canh tác áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
1. Việc canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa tuân thủ quy trình sản xuất để chống xói mòn, sạt lở, bồi lấp và suy thoái đất, bảo đảm phát triển bền vững.
2. Tổ chức, cá nhân canh tác tại các vùng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chí xác định, biện pháp quản lý và quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố vùng và hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.
1. Tổ chức, cá nhân canh tác phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
c) Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng theo quy định tại Điều 76 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động canh tác.
1. Tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với tổ chức, cá nhân khác.
2. Được hưởng chính sách của Nhà nước quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Được hỗ trợ để khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Chính phủ.
4. Được cung cấp, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thị trường sản phẩm cây trồng; đào tạo, tập huấn về hoạt động trồng trọt.
5. Được đăng ký cấp mã số vùng trồng.
6. Được thông báo, cảnh báo về tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh và thiên tai.
7. Tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.
1. Chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm cây trồng do mình sản xuất; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước, sinh vật có ích, cơ sở hạ tầng. Sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép lưu hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.
3. Áp dụng quy trình sản xuất phù hợp để ổn định và cải thiện độ phì của đất; hạn chế ô nhiễm và suy thoái đất, lan truyền sinh vật gây hại.
4. Chủ động ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống sinh vật gây hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi xảy ra ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch hại.
5. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
6. Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng.
1. Tổ chức, cá nhân thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm cây trồng phải thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc thu hoạch sản phẩm cây trồng phải hạn chế thất thoát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế.
3. Sản phẩm cây trồng là nguyên liệu đầu vào của cơ sở sơ chế, chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, an toàn.
4. Cơ sở thu mua, lưu giữ, chế biến phải áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp để bảo quản sản phẩm cây trồng bảo đảm chất lượng, an toàn.
5. Khuyến khích hình thành cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm cây trồng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu.
1. Phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại.
2. Khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, hàng hóa.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Phát triển thị trường sản phẩm cây trồng bao gồm:
a) Dự báo thị trường và định hướng phát triển sản phẩm cây trồng trong từng thời kỳ;
b) Đàm phán và thực hiện mở cửa thị trường; tháo gỡ rào cản để sản phẩm cây trồng của Việt Nam được nhập khẩu vào các quốc gia và vùng lãnh thổ;
c) Xây dựng chợ đầu mối; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm cây trồng.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, thương mại trong nước và xuất khẩu được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm cây trồng phải có tài liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cây trồng thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
1. Chợ đầu mối sản phẩm cây trồng được bố trí ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung hoặc nơi tiêu thụ sản phẩm cây trồng với khối lượng lớn.
2. Phát triển chợ đầu mối sản phẩm cây trồng phải phù hợp với quy hoạch.
1. Tổ chức, cá nhân thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng có quyền sau đây:
a) Được hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm cây trồng;
b) Được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Sản phẩm cây trồng được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Sản phẩm cây trồng biến đổi gen sử dụng làm thực phẩm phải được ghi nhãn theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch; chỉ đạo hướng dẫn thực hiện hoạt động trồng trọt;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất trong hoạt động trồng trọt;
c) Tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, thu hồi, hủy bỏ quyết định, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động trồng trọt theo thẩm quyền và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ;
d) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin; thực hiện thống kê, báo cáo về hoạt động trồng trọt;
đ) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; điều tra cơ bản, thu thập, quản lý các thông tin, tư liệu và hợp tác quốc tế trong hoạt động trồng trọt;
e) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động trồng trọt;
g) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động trồng trọt.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành pháp luật về hoạt động trồng trọt trên địa bàn;
b) Ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương;
c) Chỉ đạo, tổ chức quản lý hoạt động trồng trọt trên địa bàn; hướng dẫn, ban hành quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức sản xuất trồng trọt;
d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức về hoạt động trồng trọt; xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt trên địa bàn và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt;
đ) Tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, thu hồi, hủy bỏ quyết định, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động trồng trọt theo thẩm quyền và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động trồng trọt theo thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện nội dung, biện pháp quản lý trong hoạt động trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt theo phân cấp hoặc ủy quyền;
c) Tổ chức, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động trồng trọt trên địa bàn.
1. Quyết định công nhận giống cây trồng mới được cấp theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 10 năm đối với giống cây trồng hằng năm, 20 năm đối với giống cây trồng lâu năm tính từ ngày được cấp quyết định và được gia hạn theo quy định của Luật này.
Trường hợp thời gian còn lại của Quyết định công nhận giống cây trồng mới không đủ 03 năm hoặc quá thời hạn 10 năm đối với giống cây trồng hằng năm, quá 20 năm đối với giống cây trồng lâu năm tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
2. Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng được cấp theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này và không phải gia hạn.
3. Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, Giấy phép sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết thời hạn và được gia hạn, cấp lại theo quy định của Luật này.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương với Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định của Luật này.
4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia trong hoạt động trồng trọt đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.
5. Kết quả khảo nghiệm cơ bản về giống cây trồng được thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện hẹp theo quy định của Luật này.
6. Kết quả khảo nghiệm sản xuất về giống cây trồng được thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện rộng theo quy định của Luật này.
7. Kết quả khảo nghiệm phân bón thực hiện, trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này.
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No. 31/2018/QH14 |
Hanoi, November 19, 2018 |
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly hereby passes the Law on Crop Production.
This Law provides for crop production activities; rights and obligations of crop farming entities and persons; state management of plant production activities.
For the purposes of this Law, terms used herein shall be construed as follows:
1. Plant production means an economic – technical agricultural industry in connection to the cultivation of agricultural crops, ornamental plants and edible mushrooms for human use.
2. Crop production activities comprise activities related to plant varieties, fertilizers, crop cultivation, harvesting, handling, storage, processing, trading and management of quality of agricultural produce.
3. Crop cultivation means the process by which humans use natural resources, agricultural equipment, supplies and apply the manufacturing process in order to create different crop products.
4. Crop product means the harvest part of an agricultural crop, ornamental plant and edible mushroom.
5. Plant variety means a population of plants that can be distinguished from other populations of plants through the expression of at least one trait which is passed to the next; is uniform in morphological characteristics and stable over the cycle of propagation; has the value for cultivation or use; includes agricultural plant varieties, medicinal plant varieties, ornamental plant varieties and edible mushroom varieties.
6. Propagating material means a plant or its vegetative part, edible mushroom or its vegetative part that can develop into a new individual and can be used for vegetative propagation or seeding.
7. Major crop means the most common plant species that are important for economic development and need to be closely managed.
8. Annual plant means a crop that is planted, harvested and completes its life cycle within one year, including annual trees, including an annual plant whose root is stored.
9. Perennial plant means a crop that is planted once, grown over many years and harvests one or more time.
10. Distinctness of a plant variety means the ability to clearly distinguish a plant variety from widely known plant varieties.
11. Uniformity of a plant variety means the same expression of the plant variety for the relevant characteristics, except for the deviations within the allowable limits for certain particular characteristics in the propagation process.
12. Stability of a plant variety means the stable expression of relevant characteristics which are like initially described ones, and remain unchanged after each propagation season or after each propagation cycle in the case of the cycle-specific propagation of plant varieties.
13. Plant variety testing means the monitoring and evaluation of indicators for determining distinctness, uniformity, stability, value for cultivation and use, of plant varieties according to certain methods.
14. Controlled testing means the test on a plant variety in an artificial environment so that the plant variety can express all characteristics of tolerance to harmful organisms and unfavorable conditions.
15. Fertilizer testing means the monitoring and evaluation of indicators to determine the mode of use, the environmental impact, the agronomic efficiency and the economic efficiency of each fertilizer product.
16. Narrow field testing means the test which takes place on a field or small plot, is repeated and conducted in conformity with national standards on testing methods for test subjects.
17. Wide field testing means the test which takes place on a field or large plot, is not repeated and is conducted in conformity with national standards on testing methods for test subjects.
18. First-generation plant means the best plant which is selected and recognized amongst a plant’s population.
19. First-generation plant garden means a garden of plants propagated from first-generation plants or the one established by an accredited and recognized entity or person.
20. Fertilizer means products that provide nutrients or improve soil to increase crop yield and quality.
21. Fertilizer quality index means a technical specification regarding properties, ingredients and contents of a fertilizer product that reflect its quality as prescribed in relevant applicable technical regulations and standards.
22. Nutrient element found in a fertilizer means a chemical element essential for the growth and development of plants.
Article 3. Principles of crop production activities
1. Develop crop production according to the value chain, connect it with market orientations, correspond to crop production development strategies, planning and proposals for use of land and other resources; create favorable conditions for the development of cooperation and cooperation in production and the establishment of areas for the concentrated commodity production, contract-based production and production obtaining quality certification; maintain food security; balance the interests of the State and those of organizations and individuals.
2. Make effective, economical and sustainable use of natural resources and infrastructure facilities; use agricultural supplies in a safe and efficient manner.
3. Comply with technical standards and regulations on land and water environmental quality and production processes; ensure food safety, biosafety, epidemic safety and environmental protection.
4. Promote regional advantages, connect crop production activities with the conservation of specialty and indigenous cultivated crop varieties; protect sustainable crop cultivation systems, agricultural heritage, landscape and culture associated with eco-tourism and new rural development.
5. Proactively forecast, prevent and control natural disasters and harmful organisms; make adaptations to climate change.
6. Meet international integration requirements; comply with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
Article 4. State policies on crop production activities
1. The State shall invest in the following activities:
a) Enumerating, investigating and building databases of crop production activities; databases of market information and forecasting; developing strategies for crop production development; establishing technical standards and regulations on crop farming activities;
b) Building and improving infrastructure facilities and equipment of state-owned science and technology bodies specialized in conducting policy and fundamental researches in the crop production sector;
c) Science and technology activities referred to in point a and b of clause 2 of Article 6 herein;
d) Training agricultural extension personnel working in areas facing difficult or extremely socio-economic conditions.
2. In each period and within the capacity of the state budget, the State shall support the following activities:
a) Production connection, development of concentrated commodity production areas and organic crop production zones; shift in the crop structure; farming on the sloping land, lowland, alkaline soil, saline soil, sandy soil at or near the coast, soil at risk of desertification or degradation; development of material areas serving the needs of processing plants; management of planting zones and commodity origin tracking;
b) Science and technology activities referred to in point c of clause 2 of Article 6 herein;
c) Application of advanced quality control systems and crop product certification;
d) Construction of infrastructure, analysis and evaluation of primary crop production conditions, agro-chemical and soil evaluation for the concentrated commodity production; building of infrastructure facilities intended for crop produce preservation, storage and processing; production of organic fertilizers, biological products; organic farming; mechanization; national laboratories and international inter-laboratory testing;
dd) Planned rice production;
e) Production of super prototypal varieties, prototypal varieties and parental varieties for production of F1 hybrid seeds, new original and commercial varieties; revitalization of specialty varieties and indigenous crop varieties; preservation of first-generation plants; protection and development of first-generation plant gardens; import of new varieties, disposition of plant variety property rights;
g) Construction of wholesale markets in crop products; branding, trade promotions, development of markets for consumption of crop products;
h) Restoration of crop production in case of natural disasters or epidemics that may occur;
i) Workforce training; transfer of technological breakthroughs and advances in agricultural extension in the crop production industry.
3. The State shall encourage organizations and individuals to invest in activities specified in clauses 1 and 2 of this Article and the following activities:
a) Cooperation and affiliation in research and development, business, supply of engineering services, technology transfer and related activities in the crop production sector;
b) Private sector investment in public services in the crop production industry; improvement of the capacity for performing conformity assessment activities;
c) Crop insurance;
d) Organic farming, farming associated with ecotourism, landscape protection, culture and history at rural areas;
dd) Use of organic fertilizers.
Article 5. Crop production development strategy
1. The crop production development strategy shall be developed over the cycle of 10 years with vision towards 20 years; shall be appropriate for the socio-economic development strategy, other relevant planning schemes and proposals.
2. The crop production development strategy must define viewpoints, regulatory principles, visions, objectives, tasks, solutions and conduct of implementation of tasks of crop production development across the country.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall preside over and cooperate with Ministries, Ministry-level agencies and provincial People’s Committees in formulating and submitting to the Prime Minister the Strategy for development of crop production.
Article 6. Scientific and technological activities in the crop production industry
1. Scientific and technological activities in the crop production industry shall be performed in accordance with this Law and other legislation on science and technology and technology transfers.
2. Scientific and technological activities in the crop production industry shall receive the State’s investment or investment incentives, including:
a) Studying mechanisms and policies in the crop production industry; selecting and creating high-quality plant varieties which can resist harmful organisms and adapt to climate change; making best use of beneficial organisms; developing organic fertilizers, biological products, cultivation techniques and environmental protection in the crop production industry; conducting researches into soil science, crop nutrition and postharvest technologies;
b) Collecting, keeping, conserving and making best use of genetic resources of precious, rare plant varieties, specialty plant varieties and indigenous cultivated plant varieties; building crop gene banks;
c) Carrying out research and development and application of high technologies, advanced technologies and new technologies in crop cultivation, preservation and processing activities; organic farming and crop production practices adaptable to climate change.
Article 7. International cooperation in crop production
1. The State of the Socialist Republic of Vietnam shall carry out international cooperation in crop production with countries, territories and international organization on the basis of equality, mutual interest, respect for national independence, sovereignty and legislation of each partner and international laws.
2. Tasks of international cooperation in crop production include:
a) Scientific research and technology transfer regarding plant varieties, agricultural supplies, processes and crop production technologies, postharvest technologies, information exchange and crop genetic resources;
b) Training of high-quality personnel working in the crop production industry;
c) Investment cooperation, production affiliation, forecast and development of markets for consumption of crop produce;
d) Construction and mutual recognition of quality certification systems in the crop production industry.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall preside over and cooperate with Ministries, Ministry-level bodies and provincial People’s Committees in carrying out international cooperation in crop production.
Article 8. National crop production database
1. The national crop production database is the information system relating to crop production which is set up in a uniform manner from the central government level to the local jurisdiction level and is standardized for update, operation and management by using the information technology.
2. National crop production databases shall be composed of the followings:
a) Database of legislative documents and regulatory documents relating to the crop production;
b) Crop production, preservation, processing and trading database;
c) Database of scientific research and technological development results, technical standards and regulations; database of soil nutrition and use of farming land; database of plant varieties, fertilizers and irrigation water;
d) Other crop database.
3. Organizations and individuals shall be required to supply information, update and utilize the national crop production database under the provisions of law.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall regulate provision of information, update, utilization and management of the national crop production database.
Article 9. Prohibited crop production activities
1. Manufacturing, trading and importing plant varieties which have not obtained circulation decisions or circulation self-declaration, unless otherwise permitted by competent authorities.
2. Producing, trading and importing fertilizers which have not yet obtained circulation recognition decisions in Vietnam, except for the import of fertilizers specified in clause 2 of Article 44 herein, and the production of fertilizers for export under contracts with foreign organizations and individuals.
3. Producing and trading plant varieties that do not meet production and trading requirements; producing and trading fertilizers which have not yet been granted the certificates of compliance with fertilizer production or trading regulations.
4. Producing, trading and importing plant varieties, fertilizers, other agricultural supplies and plant products which are counterfeit, expire and are of unknown origin.
5. Providing information on plant varieties and fertilizers which is inconsistent with information already approved by competent authorities or self-declared information.
6. Illegally rendering such services as testing, trial and assessment of plant variety fields, evaluation and certification of quality of plant varieties, crop products and fertilizers.
7. Providing the wrong or forged results of trial, testing, assessment of crop variety cultivation field, inspection, evaluation, certification of quality, conformance to standards and regulations regarding agricultural supplies and crop products.
8. Illegally exporting plant varieties in the nomenclature of crop genetic resources prohibited for export.
9. Exercising farming practices harming crops, livestock and human health; causing environmental pollution; degradation and depletion of land, water resources and biodiversity.
10. Illegally extracting and using topsoil of arable land for wet rice cultivation for non-agricultural purposes.
Section 1. RESEARCH, EXPLOITATION, USE AND CONSERVATION OF CROP GENETIC RESOURCES
Article 10. Research on selection, generation of and technology transfer regarding crop genetic resources
1. Conducting researches on selection, generation and technology transfer regarding crop genetic resources in accordance with legislative regulations on science and technology, technology transfer and biodiversity.
2. Prioritizing researches in selection and generation of crop genetic resources as prescribed in points a and b of clause 2 of Article 6 herein.
Article 11. Exploitation and utilization of crop genetic resources
1. Crop genetic resources shall include genetic resources already granted or endorsed by circulation recognition decisions or permission for circulation self-declaration; plant varieties which have been prevalent in crop production activities, specialty plant varieties, indigenous plant varieties and/or imported plant varieties which have not yet been granted circulation recognition decisions or permission for circulation self-declaration.
2. The exploitation and utilization of crop genetic resources shall be subject to the provisions of this Law and the legislation on biodiversity.
Article 12. Conservation of crop genetic resources
1. Conservation of crop genetic resources shall be comprised of the following activities:
a) Inspecting, collecting, retaining and building banks of crop genetic resources;
b) Decoding genes, evaluating agronomic and biological indicators and useful value of crop genetic resources;
c) Establishing and sharing data, documentary information systems and crop genetic resources.
2. The Government shall adopt detailed regulations on the conservation of crop genetic resources and shall promulgate the nomenclature of crop genetic resources prohibited from export.
Section 2. RECOGNITION OF CIRCULATION AND SELF-DECLATION OF CIRCULATION OF PLANT VARIETIES
Article 13. General requirements concerning recognition of circulation and self-declaration of circulation of plant varieties
1. Plant varieties belonging to the main plant species may be produced, traded, exported or imported only after being granted the decision on recognition of plant variety circulation as provided for in Article 15 hereof, or granted the Decision on recognition of privileged circulation of plant varieties as provided for in Article 16 hereof, except in the case where plant varieties are intended for research, trial, exhibition, international exchange or production of hybrid seeds for export.
2. Plant varieties not belonging to the main plant species may be produced, traded, exported or imported only if breeding organizations or individuals are granted permission for self-declaration of circulation of plant varieties as provided for in Article 17 hereof, except in the case where plant varieties are intended for research, trial, advertisement, exhibition, international exchange or production of hybrid seeds for export. In case where organizations and individuals wish to apply for the decision on recognition of circulation of plant varieties, they must comply with the provisions of Article 15 of this Law; or if they wish to apply for the decisions on recognition of the privileged circulation of plant varieties, they must comply with the provisions of Article 16 of this Law.
3. Both Vietnamese and foreign organizations and individuals whose representative offices or branches are operating in the crop variety sector in Vietnam shall have the right to submit applications bearing their names for decisions on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of plant varieties.
4. The grant of the decision on recognition of circulation of plant varieties shall be effected concurrently with the grant of the plant variety patent if organizations and individuals applying for recognition of circulation of plant varieties under their own names make their requests and satisfy the requirements concerning the protection of plant varieties in accordance with the law on intellectual property.
5. Plant varieties belonging to the main plant species must be tested by accredited independent testing bodies (hereinafter referred to as plant variety testing body or bodies) before granting or extending the decision on recognition of circulation of plant varieties, except in the case where plant varieties are granted the decision on recognition of privileged circulation of plant varieties as stipulated in Article 16 of this Law.
Ornamental plant varieties belonging to the main plant species must be trialed in accordance with clause 2 of Article 18 herein.
6. Over periods of time, the Minister of Agriculture and Rural Development shall promulgate and amend the Nomenclature of main crops.
Article 14. Names of plant varieties
1. The name of a plant variety shall not be accepted in the following cases:
a) The name includes numerals only;
b) The name violates historical, cultural, moral traditions, national customs and values.
c) The name is read or written the same as the name of a national leader, hero/heroine, celebrity, a food, beverage or pharmaceutical;
d) The name of a state agency, a people's armed force unit, political organization, socio-political organization, socio-political-professional organization, social organization, socio-professional organization is used to make a part or the whole of the name of a plant variety, unless otherwise approved by concerned agencies, organizations or units;
dd) The name easily causes mistakes about the particulars or characteristics of that plant variety;
e) The name easily causes mistakes about the author’s name;
g) The name is the same as the name of the patented plant variety.
2. Organizations and individuals trading plant variety propagating materials must use the plant variety’s name obtaining the decision on recognition of circulation of plant varieties or permission for self-declaration of circulation of plant varieties.
3. In order for the name of a plant variety to be used in combination with a brand name, trade name or indications similar to a name of the plant variety recognized for circulation or declared for circulation for production and trading purposes, the name must be easily identifiable.
Article 15. Issuance, re-issuance, renewal, suspension, restoration and revocation of the decision on recognition of circulation of plant varieties
1. Requirements for grant of the decision on recognition of circulation of a plant variety shall be composed of the followings:
a) That plant variety's name is available;
b) Trial results show the distinctness, uniformity and stability of that plant variety;
c) Trial results show that plant variety is conformable to national standards regarding its value for cultivation and use;
d) Plant variety samples are preserved under the provisions of Article 20 herein;
dd) The declaration of information about that plant variety and cultivation processes is prepared by an organization or individual bearing its/his/her name on an application for the decision on recognition of circulation of that plant variety.
2. The decision on recognition of circulation of an annual plant variety has its validity period of 10 years and 20 years for that of a perennial plant variety. Both may be extended.
3. The decision on recognition of circulation of a plant variety may be re-issued in the following cases:
a) It is lost or damaged;
b) Its information has been changed or supplemented.
4. The decision on recognition of circulation of a plant variety may be extended if the following requirements are met:
a) An organization or individual makes its/his/her request for such extension;
b) The results of the controlled trial stipulated in point a of clause 2 of Article 18 herein shows that plant variety conforms to national standards regarding its value for cultivation and use.
5. The decision on recognition of circulation of a plant variety may be suspended if that plant variety fails to maintain the same level of uniformity or stability or the same value for cultivation or use as determined by the date of grant of the decision on circulation of that plant variety.
6. The decision on recognition of circulation of a plant variety which has been suspended may be restored if the organization or individual awarded that decision has managed to correct the failure specified in clause 5 of this Article.
7. The decision on recognition of circulation of a plant variety may be revoked in the following cases:
a) It is established that the application documentation for recognition of circulation of a plant variety is fraudulent;
b) The distinctness of the plant variety has not been maintained the same as that determined on the date of grant of the decision on recognition of circulation of the plant variety;
c) The failure referred to in clause 5 of this Article has not been corrected;
d) The holder of the decision has already been subject to an administrative penalty and repeats its/his/her offence;
dd) The holder of the decision commits other violation of law that results in revocation of that decision in accordance with laws in force.
8. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for, authority over issuance, re-issuance, renewal, suspension, restoration and revocation of the decision on recognition of circulation of a plant variety.
Article 16. Grant of the decision on recognition of circulation of a plant variety
1. Requirements for grant of the decision on recognition of circulation of a plant variety shall be composed of the followings:
a) The plant variety is a specialty or indigenous propagated one, or the plant variety existing and used for crop production purposes for a long time or the one requested for grant of such decision by local jurisdictions;
b) The description of particulars and status of the plant variety is available;
c) Plant variety samples are preserved under the provisions of Article 20 herein.
2. As for the decision on recognition of privileged circulation of a plant variety referred to in clause 1 of this Article, provisions laid down in clause 2, 4, 5 and 6 herein shall not be applied.
3. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for, authority over issuance, re-issuance and revocation of the decision on recognition of privileged circulation of a plant variety.
Article 17. Self-declaration of circulation of a plant variety
1. Requirements for self-declaration of circulation of a plant variety shall be as follows:
a) That plant variety's name is available;
b) The plant variety has the value for cultivation or use conformable to national standards applied to plant species obtaining permission for self-declaration of circulation; in the absence of national standards, local standards shall be applied;
c) Declaration of information about the plant variety and propagation processes is prepared by a self-declaring organization or individual.
2. Self-declaring organizations and individuals shall be responsible for ensuring provided information is accurate.
3. The Government shall regulate application requirements, processes and procedures for self-declaration of circulation of a plant variety.
Section 3. PLANT VARIETY TESTING
Article 18. Contents of a plant variety test
1. Tests of a plant variety for its distinctness, uniformity and stability.
2. Tests of a plant variety for its value for cultivation or use, including:
a) Controlled tests;
b) Narrow field tests;
b) Wide field tests.
Article 19. General requirements concerning plant variety testing
1. Plant variety tests referred to in clause 1 and point a of clause 2 of Article 18 herein shall only be conducted at one fixed location.
2. Plant variety tests referred to in point b and c of clause 2 of Article 18 herein shall be conducted in specific regions. The plant variety that is tested in a region shall obtain the decision on recognition of circulation of a plant variety issued by the competent authority in that region.
3. Testing methods and determination of regions for plant variety tests shall be prescribed in national standards of methods of testing of plant species intended for testing.
4. Gardens of perennial plant varieties must be established by organizations and individuals signing their names on applications for recognition of circulation of these plant varieties in conformance to national standards of the method of testing of plant varieties which is employed in order to evaluate necessary indicators.
5. Both narrow and wide tests shall be conducted at the same time.
6. The genome sequencing method shall be used in place of the distinctness testing method in order to check the trueness to variety.
7. Before testing genetically modified plant varieties, the risk assessment must be carried out in accordance with the law on biodiversity.
Article 20. Storage of plant variety samples
1. The sample of a plant variety used for applying for the circulation of that plant variety must be kept during the period of testing and circulation of that plant variety (hereinafter referred to as retention sample) managed by a body specialized in management of crop production.
2. Retention of the plant variety sample shall be carried out in one of the following forms:
a) Storage of the crop propagating materials;
b) Storage of crop genome sequencing data;
c) Storage of both crop propagating materials and crop genome sequencing data.
3. A retention sample shall be used:
a) as the plant variety for testing purposes, the control plant variety, the similar plant variety and the typical plant variety serving tests;
b) for testing and evaluation of a plant variety;
c) Inspection, examination and handling of disputes related to plant varieties.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall set out specific regulations on this Article.
Article 21. Issuance, re-issuance and revocation of the decision on recognition of a plant variety testing organization
1. Requirements for grant of the decision on recognition of a plant variety testing organization shall be composed of the followings:
a) A person directly conducting tests must hold at least a university degree in one of the specialties related to crops, plant protection and biology;
b) The plant variety testing organization owns or hires venues, facilities and equipment appropriate for performing tests in conformity with national standards regarding testing of plant varieties with respect to the plant species to be tested.
2. The decision on recognition of a plant variety testing organization may be re-issued in the following cases:
b) The decision is lost or damaged;
b) Information pertaining to the testing organization inscribed in the decision on recognition of a plant variety testing organization has been changed or supplemented.
3. The decision on recognition of a plant variety testing organization may be revoked in the following cases:
a) The decision’s contents are erased or revised;
b) Counterfeit papers and dishonest information have been found in the application package for recognition of a plant variety testing organization;
c) The testing organization holding the decision has committed any violation of law and such violation leads to revocation of the decision on recognition of a plant variety testing organization;
d) The holder of the decision has no longer met one of the requirements set forth in clause 1 of this Article;
dd) The holder of the decision has already been subject to an administrative penalty and repeats its offence;
4. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for, authority over issuance, re-issuance and revocation of the decision on recognition of a plant variety testing organization.
Section 4. PRODUCTION AND TRADING OF PLANT VARIETIES
Article 22. Requirements for eligibility of an organization or individual for production and trading of plant varieties
1. Organizations and individuals producing plant varieties shall be obliged to meet the following requirements:
a) They have to own plant varieties or have to be authorized by other organizations or individuals owning plant varieties obtaining the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation from competent authorities;
b) They own or hire locations, facilities and equipment conformable to national standards of methods for production of plant varieties; in the absence of national standards, local standards shall be applied.
2. Organizations and individuals trading plant varieties must set up a legitimate business location and ensure that the origin of a plant variety batch may be traced back.
3. The Government shall issue specific regulations of this Article.
Article 23. Production of plant varieties
1. Production of plant varieties shall be carried out by employing the sexual propagation method or the asexual propagation method in conformity with national standards of plant variety production; in the absence of national standards, local standards shall be applied.
2. Plants or gardens providing asexual propagation materials and multi-trait hybrid seeds of perennial fruit trees and industrial perennials must be awarded the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden under the provisions of Article 24 herein.
Article 24. Issuance, restoration and revocation of the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden
1. A plant may obtain the decision on recognition of the first-generation plant after undergoing selection processes in conformity with national standards regarding the quality of the first-generation plant. In the absence of national standards, bodies specialized in management of crop production shall have to issue local standards to be applied.
2. A garden may obtain the decision on recognition of the first-generation plant garden after undergoing selection processes in conformity with national standards regarding the quality of the first-generation plant garden. In the absence of national standards, bodies specialized in management of crop production shall have to issue local standards to be applied.
3. The quality of a first-generation plant or a first-generation plant garden shall be managed under national standards or local standards regarding the quality of the first-generation plant and the first-generation plant garden as provided in clause 1 and clause 2 of this Article.
4. The decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden may be suspended if the first-generation plant or the first-generation plant garden has no longer met national standards or local standards regarding the quality of the first-generation plant or the first-generation plant garden.
5. The decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden may be restored to its former effect if the quality of the first-generation plant or the first-generation plant garden satisfies national standards or local standards regarding the quality of the first-generation plant or the first-generation plant garden.
6. The decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden may be revoked if such decision fails to restore its effect under clause 5 of this Article after being suspended as provided in clause 4 of this Article.
7. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for and authority over issuance, suspension, restoration and revocation of the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden.
Section 5. MANAGEMENT OF QUALITY OF PLANT VARIETIES
Article 25. General requirements concerning management of quality of plant varieties
1. The tasks of management of quality of plant varieties shall include the management of quality of plant variety and the management of quality of propagating materials under the provisions of this Law and legislation on the quality of products and commodities.
2. The quality of plant varieties shall be managed in accordance with national standards or local standards applied to specific plant species as provided in point c of clause 1 of Article 15 and point b of clause 1 of Article 17 herein.
3. The quality of propagating materials shall be managed as follows:
a) Materials intended for propagating varieties of plants belonging to the major plant species are group-2 products and commodities prescribed by legislation on the quality of products and commodities. The quality of materials intended for propagating varieties of major plants shall be managed based on national technical regulations on the quality of crop propagating materials and standards declared to be applied by producers or importers;
b) Materials intended for propagating varieties of plants not belonging to the major plant species are group-1 products and commodities prescribed by legislation on the quality of products and commodities. The quality of materials intended for propagating varieties of plants not belonging to the major plant species shall be managed based on standards regarding the quality of crop propagating materials declared to be applied by organizations and individuals.
Article 26. Evaluation of plant variety cultivation fields, sampling of propagating materials
1. The evaluation of plant variety cultivation fields shall be conducted during the period of production of plant varieties according to national standards on methods for evaluation of plant variety cultivation fields and by a person completing professional training in such evaluation.
2. Sampling of propagating materials shall be carried out according to national standards regarding methods for sampling of plant varieties and by a person completing professional training in such sampling activity.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall set out specific regulations on this Article.
Article 27. Labeling and advertising of plant varieties
1. Plant variety labeling and advertising shall be carried out under the provisions of this Law and legislation on commerce and advertisement.
2. Information inscribed on labels and advertisements of plant varieties must be corresponding to those that have been provided in the application package for the decision on recognition of circulation of the plant variety and endorsed by competent authorities, or contents of self-declarations of circulation of the plant variety.
3. The Government shall issue specific regulations of this Article.
Section 6. EXPORT AND IMPORT OF PLANT VARIETIES
Article 28. Export of plant varieties
1. A plant variety obtaining the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation, and not appearing in the Nomenclature of genetic resources of plant varieties prohibited from export may be exported and subject to provisions of laws on commerce and foreign trade management.
2. The plant variety and hybrid seeds of the plant variety which has not yet obtained the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation, and is not in the Nomenclature of genetic resources of plant varieties prohibited from export, may be exported for research, testing, advertising, exhibition and non-commercial international exchange purposes with the permission of the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. The Government shall regulate application documents, processes and procedures for grant of the permit for export of plant varieties as provided in clause 2 of this Article.
Article 29. Import of plant varieties
1. A plant variety obtaining the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation, and not appearing in the Nomenclature of genetic resources of plant varieties prohibited from export may be exported and subject to provisions of laws on commerce and foreign trade management.
In case of import of plant varieties for business purposes, documents and materials meeting regulations laid down in clause 1 of Article 23 and clause 1 of Article 26 herein must be presented and submitted.
2. The plant variety which has not yet obtained the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation may be imported for research, testing, advertising, exhibition and international exchange purposes with the permission of the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. The plant variety serving production and business purposes must be subject to the state inspection of quality thereof conducted by a crop production regulatory body affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development, and must satisfy quality requirements, except in the case where:
a) Seeds of parental plants are used for production of hybrid seeds of plant varieties;
b) Plant varieties which have not yet obtained the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation are imported under clause 2 of this Article;
c) Plant varieties are temporarily imported, re-exported, or in transit or the merchanting trade;
d) Plant varieties are sent to bonded warehouses.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall regulate procedures and processes for the state inspection of the quality of imported plant varieties.
5. The Government shall regulate application documents, processes and procedures for grant of the permit for import of plant varieties.
Section 7. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF PLANT VARIETY ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS
Article 30. Rights and obligations of plant variety research, selection and breeding organizations and individuals
1. Plant variety research, selection and breeding organizations or individuals shall have the following rights:
a) Invest in research, selection and breeding of plant varieties; investigate, evaluate, collect, retain and exploit domestic or imported propagating materials for plant variety research, selection and breeding purposes;
b) Enjoy the State’s incentive policies regarding investments in science and technology and particular policies in the sector or region specified by laws;
c) Cooperate with other domestic and overseas organizations and individuals in research, selection and breeding of plant varieties in accordance with law.
2. Plant variety research, selection and breeding organizations or individuals shall have the following obligations:
a) Fulfill obligations prescribed by laws on science and technology and other regulations of relevant laws;
b) Register the protection of plant variety rights before plant varieties are put into business or transferred in the case of research, selection, breeding, discovery and development of these plant varieties funded by the state budget or from projects under the State control; the transfer of plant varieties must comply with the law on technology transfer;
c) Comply with the provisions of law on biodiversity and other provisions of relevant laws during the period of research, selection, breeding, testing and trial of genetically modified plant varieties.
Article 31. Rights and obligations of organizations and individuals signing their names in applications for issuance of the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of plant varieties
1. Organizations and individuals signing their names in applications for issuance of the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of plant varieties shall have the right to circulate plant varieties or authorize other organizations or individuals to circulate plant varieties.
2. Organizations and individuals signing their names in applications for issuance of the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of plant varieties shall take on the following obligations:
a) Maintain the distinctness, uniformity, stability, value for cultivation and use of plant varieties during the period of circulation, except for the case where the decision on recognition of privileged circulation of the plant variety under the provisions of Article 16 hereof;
b) Compensate for any losses incurred during the period of circulation of a plant variety which is not the same as the plant variety obtaining the decision on recognition of circulation; any losses arising from the circulation of fake plant varieties or ones not conforming to national technical regulations on quality or national quality standards or local quality standards already declared to be in force; any losses arising from supply of false information on plant varieties and production processes already certified by competent authorities.
3. Organizations and individuals who self-declare, or are authorized to self-declare, the circulation of plant varieties shall be obliged to compensate for any losses occurring due to the circulation of the plant variety which is not the same as the plant variety already completing self-declaration of circulation; any losses arising from the circulation of fake plant varieties or plant varieties which fail to meet national technical regulations or national standards or local standards already declared applicable; any losses incurred due to supply of false information about plant varieties and plant variety production processes.
Article 32. Rights and obligations of plant variety usage organizations and individuals
1. Plant variety usage organizations or individuals shall have the following rights:
a) Have access to all information about plant varieties and instructions for use of plant varieties;
b) Receive compensations for any losses that may arise in accordance with laws;
c) File a petition, complaint, denunciation or lawsuit against violations of law committed by an organization or individual obtaining the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of a plant variety.
2. Plant variety usage organizations or individuals shall have the following obligations:
a) Comply with production processes declared by organizations and individuals signing their names in applications for issuance of the decision on recognition of circulation or permission for self-declaration of circulation of plant varieties;
b) In case of incidents that occur or negative consequences that arise from plant varieties, promptly inform plant variety supply organizations or individuals and local authorities to seek their possible solutions.
Article 33. Rights and obligations of organizations and individuals signing their names on application for issuance of the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden
1. Organizations and individuals signing their names on application for issuance of the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden shall have the right to exploit or authorize other organizations or individuals to exploit propagating materials serving production and trading purposes.
2. Organizations and individuals signing their names on application for issuance of the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden shall have the following obligations:
a) Ensure the quality of plant varieties is the same as that determined upon receipt of certification;
b) Exploit propagating materials in accordance with the decision on recognition of the first-generation plant or the decision on recognition of the first-generation plant garden;
c) Pay fees prescribed by laws on fees and charges.
Article 34. Rights and obligations of plant variety testing organizations
1. Plant variety testing organizations shall have the following rights:
a) Test plant varieties under terms and conditions of contracts with requesting organizations or individuals;
b) Receive costs of testing of plant varieties under terms and conditions of contracts with requesting organizations or individuals;
2. Plant variety testing organizations shall have the following obligations:
a) Conduct tests in accordance with the decision on recognition of the plant variety testing organization;
b) Bear legal liabilities for testing results and retain testing results in accordance with laws on archival;
c) Take responsibility for ensuring information security to organizations and individuals submitting their request for testing of plant varieties.
3. Plant variety testing organizations must refuse to perform tests serving the purposes of issuance of the decision on recognition of circulation of plant varieties with respect to:
a) Plant varieties owned by testing organizations signing their names on applications for issuance of the decision on recognition of circulation thereof;
b) Plant varieties owned by units in partnership with testing organizations when submitting applications for certification of conformance to testing regulations;
c) Plant varieties owned by subsidiaries of the same parent company or incorporation or general company, including testing organizations;
d) Plant varieties owned by affiliates of the same public service unit, including testing organizations.
Article 35. Rights and obligations of plant variety production and trading organizations and individuals
1. Plant variety production and trading organizations and individuals shall have the right to produce and trade plant varieties if they meet requirements specified in Article 22 hereof.
2. Plant variety production and trading organizations or individuals shall have the following obligations:
a) Strictly comply with regulations laid down in Article 22 hereof;
b) Declare their conformity with standards and regulations under laws;
c) Recall and handle plant varieties on the market which have failed to meet quality standards;
d) Pay compensations for any losses that may arise in accordance with laws;
dd) Provide certificates of origin for propagating materials or documents on tracing of the origin of plant variety batches;
e) Attach labels to genetically modified plant varieties in accordance with laws.
Section 1. RECOGNITION OF FERTILIZERS IN CIRCULATION AND TESTING OF FERTILIZERS
Article 36. Requirements concerning recognition of fertilizers in circulation and classification of fertilizers
1. Fertilizers are conditional commodities and must obtain the decision on recognition of fertilizers in circulation in Vietnam, except for organic fertilizers manufactured for non-commercial uses or imported fertilizers prescribed in clause 2 of Article 44 hereof; fertilizers manufactured for export under contracts with foreign organizations and individuals.
2. The validity period of the decision on recognition of fertilizers in circulation in Vietnam shall be 05 years and may be extended.
3. Domestic organizations and individuals, or overseas organizations and individuals setting up their representative offices, or branches of companies operating in the fertilizer industry, within the territory of Vietnam, may register recognition of fertilizers in their own names.
4. Each organization or individual may apply for registration of recognition of only one fertilizer name for each ingredient formula and nutritional contents.
5. The Government shall regulate classification of fertilizers.
Article 37. Issuance, reissuance and renewal of the decision on recognition of fertilizers in circulation in Vietnam
1. Requirements for issuance of the decision on recognition of fertilizers in circulation in Vietnam shall be specified as follows:
a) Meet quality indicators according to national technical standards regarding fertilizer quality;
b) Gain testing results conforming to national standards, except the fertilizers referred to in clause 2 of Article 39 herein.
2. The decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam may be re-issued in the following cases:
a) Information relating to organizations or individuals mentioned in the decision on recognition of fertilizer in circulation has been changed or supplemented;
b) The decision on recognition of fertilizer in circulation has been lost or damaged;
c) The fertilizer name has changed according to the decision of the competent State regulatory authority or the court’s judgment or decision in case of violation of the law on intellectual property.
3. The decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam may be extended if the following requirements are met:
a) An organization or individual makes its/his/her request for such extension;
b) Quality indicators defined according to national technical standards regarding fertilizer quality have all been met;
c) The review report on manufacturing, export, import and utilization of fertilizers has been made in accordance with regulations in force.
4. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for, authority over issuance, re-issuance and renewal of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam.
Article 38. Revocation of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam
1. The decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam may be revoked in the following cases:
a) Have scientific evidences on high-risk fertilizers, which are likely to cause adverse impacts on human health and the environment;
b) Detect the use of fake documents or provision of information in fertilizer-related documents incorrect with those of the fertilizers already recognized for circulation.
2. The revocation of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam shall be subject to the following regulations:
a) For the case specified at point a of clause 1 of this Article, the specialized fertilizer management agency shall synthesize information in order to assess and consider annulment of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam. Organizations and individuals may produce and/or import registered fertilizers for the maximum period of 06 months; may be traded and/or used up to 12 months from the effective date of the decision on annulment of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam;
b) For the case specified at point b of clause 1 of this Article, the specialized fertilizer management agency shall carry out inspection and review of documents and materials on recognition of fertilizers in order to consider annulment of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam. Affected organizations and individuals shall be required to promptly terminate the production, import, trading and utilization of fertilizers from the effective date of the decision on annulment of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam.
3. The Government shall regulate application documents, processes, procedures for, authority over the annulment of the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam.
Article 39. Fertilizer testing requirements
1. Fertilizers must be subject to testing before being recognized for circulation, except for the fertilizers stipulated in clause 2 of this Article.
2. Fertilizers shall not be subject to testing, including:
a) Organic fertilizers used for fertilizing roots that are formulated by natural organic ingredients and meet quality indicators defined in national technical regulations;
b) Single fertilizers used for fertilizing roots that are formulated only by nitrogen (N) or phosphorus (P) or potassium (K) and meet quality indicators defined in national technical regulations;
c) Inorganic compound fertilizers used for fertilizing roots that are formulated only by such nutrient elements as nitrogen (N), phosphorus (P) and potassium (K) joining together by chemical bonds, and meet quality indicators defined in national technical regulations;
d) Fertilizers recognized by competent regulatory authorities as technical advances.
3. Fertilizers may be subject to both wide and narrow testing; the wide testing may be conducted only after completion of the narrow testing.
4. Fertilizer testing carried out according to national standards shall be conducted by accredited testing organizations.
5. Amount of fertilizer allowed to be produced or imported for testing shall be determined based on the dosage of administration for each plant and the actual testing area according to national standards regarding fertilizer testing.
Article 40. Requirements for recognition of fertilizer testing organizations
1. Fertilizer testing organization must conform to the following requirements:
a) Persons directly in charge of testing must hold a university or higher degree in one of the following specialties: crop production, plant protection, agro-chemical, pedology, soil science, agronomy, chemistry, biology and must have certificates of completion of training in fertilizer testing under the instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
b) Having the adequate number of testing personnel, except persons directly in charge of testing, who must hold a university or higher degree in one of the specialties specified in point a of clause 1 of this Article and must complete training in fertilizer testing under the instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
c) Having adequate facilities and equipment conforming to national standards regarding fertilizer testing.
2. The Government shall regulate the minimum number of testing personnel working for fertilizer testing organizations; application documents, processes and procedures for and authority over issuance and withdrawal of the decision on recognition of fertilizer testing organizations.
Section 2. PRODUCTION AND TRADING OF FERTILIZERS
Article 41. Fertilizer production requirements
1. Organizations or individuals producing fertilizers must hold certificates of conformance to fertilizer production regulations.
2. Requirements for issuance of certificates of conformance to fertilizer production regulations shall include the followings:
a) They must have production locations and workshops commensurate with the fertilizer production scale;
b) They must have production lines, machinery and equipment appropriate for the process of production of each type or form of fertilizer;
c) They must have laboratories or enter into contracts with other designated testing organizations to assess quality indicators of their fertilizers.
d) They must establish an appropriate quality management system compatible with quality management standards issued by the international standardization organization;
dd) They must set up spacious areas intended for separate storage of raw materials and finished products;
e) Persons directly managing manufacturing of fertilizers must hold university or higher degrees in one of the following specialties such as crop farming, plant protection, agro-chemistry, pedology, agronomy, chemistry and biology.
3. Each certificate of conformance to fertilizer production regulations shall be valid for 05 years and may be re-issued.
4. The Government shall specifically regulate application and documentation requirements, processes, procedures for and authority over issuance, re-issuance and revocation of the certificate of conformance to fertilizer production regulations.
Article 42. Fertilizer trading requirements
1. Organizations and individuals trading fertilizers must hold certificates of conformance to fertilizer trading regulations; in case of trading fertilizers manufactured by themselves, they shall not be required to obtain certificates of conformance to fertilizer trading regulations.
2. Requirements for issuance of certificates of conformance to fertilizer trading regulations shall include the followings:
a) They must have legitimate and express business addressed;
b) They must have all required documents and materials on tracing of the fertilizer origin in accordance with regulations in force;
c) Persons directly selling fertilizers must hold certificates of professional training in fertilizers according to the instructions of the Ministry of Agriculture and Rural Development, except in cases where they have obtained secondary education or higher degrees in one of the following specialties: crop production, plant protection, agro-chemical soil, agronomy, chemistry and biology.
3. The Government shall elaborate on application and documentation requirements, processes, procedures, time limits for and authority over issuance, re-issuance and revocation of the certificate of conformance to fertilizer trading regulations.
Section 3. EXPORT AND IMPORT OF FERTILIZERS
The fertilizer export shall be subject to provisions of laws on commerce, foreign trade management or upon the importing country’s request.
1. Organizations and individuals that have fertilizers already obtaining the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam may import or authorize other organizations and individuals to import fertilizers in such decision without having to hold fertilizer import permits.
2. In order to import fertilizers that have not yet been recognized for circulation in Vietnam, importing organizations and individuals shall be required to hold permits for import of the following types of fertilizer:
a) Fertilizers used for testing purposes;
b) Specialized fertilizers used for sport grounds and amusement parks;
c) Fertilizers used in foreign projects located in Vietnam;
d) Fertilizers used as gifts or sample products;
dd) Fertilizers used in fairs and exhibitions;
e) Fertilizers for scientific researches;
g) Fertilizers used as raw materials for production of other fertilizers;
h) Fertilizers temporarily imported and re-exported or in transit of merchanting trade across Vietnamese bordergates; fertilizers sent to bonded warehouses; fertilizers imported into export processing zones.
3. The Government shall regulate application requirements, procedures and processes and authority over issuance of the fertilizer import permit.
Section 4. QUALITY MANAGEMENT, NAMES, LABELS AND ADVERTISING OF FERTILIZERS
Article 45. Fertilizer quality management
1. Fertilizer quality shall be managed under the provisions of the law on product and commodity quality.
2. In order for conformity assessment organizations to carry out testing, evaluation, audit and certification of the quality of fertilizers to serve the needs of state management of fertilizers, they must be awarded certification in their scope of service according to the provisions of the law on requirements for conformity assessment service business and must be designated by the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with legislation on product and commodity quality.
3. Sampling of fertilizers for testing of quality thereof for state management purposes must be conducted by persons awarded certificates of eligibility for sampling of fertilizers.
4. The Government shall regulate contents, duration of and authority over issuance of the certificate of eligibility for sampling of fertilizers.
Article 46. State inspection of quality of imported fertilizers
1. Imported fertilizers shall be subject to the state inspection of quality, except the imported fertilizers referred to in point a, d, dd, e and h of clause 2 of Article 44 herein.
2. The state inspection of quality of imported fertilizers shall be carried out by fertilizer administrations affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. Documents on the state inspection of fertilizer quality must be stored for the minimum period of 05 years from the date of issuance of the notification of state inspection results.
4. The Government shall regulate application requirements, procedures, processes for and contents of the state inspection of quality of imported fertilizers.
1. In order to be registered, the name of a fertilizer shall not be identical with that of the fertilizer obtaining the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam.
2. The name of a fertilizer shall not give misleading information about the nature, effects, ingredients and type of that fertilizer.
3. The name of a fertilizer shall not violate historical, cultural traditions, moral standards, traditional values and customs; shall not be read or written like the names of great leaders, national heroes, celebrities, foods, beverages and pharmaceuticals. Using the name of a state agency, people's armed force unit, political organization, socio-political organization, socio-political-professional organization, social organization or socio-professional organization as a part or the whole of the name of the fertilizer shall not be allowed, unless otherwise approved by concerned agencies, organizations or units.
4. With regard to a mixed fertilizer, in case where the name of an ingredient is used as the name or part of the name of that fertilizer, it must be structured in the following order: the name of the fertilizer type, ingredient, particular notation, indicators showing quantity of each ingredients contained in the name and other special symbols (if any).
Ingredients and indicators showing quantities of specific ingredients must be arranged in the following order: the names of macronutrient elements such as nitrogen (N), phosphorus (P) and potassium (K), secondary nutrient elements, micronutrient elements, organic substances and other supplements (if any).
Article 48. Fertilizer labeling
1. Fertilizers sold on the market must be labeled in accordance with laws on commodity labels and each label must contain the following information:
a) Fertilizer type;
b) Fertilizer code;
c) As for foliar fertilizers, clearly inscribing the phrase "Foliar fertilizer".
2. Information inscribed on labels must be the same as those defined in the decision on recognition of fertilizer in circulation in Vietnam.
Article 49. Fertilizer advertising
1. Organizations and individuals advertising fertilizers shall comply with laws on advertising.
2. The Government shall regulate application requirements, procedures, processes for and authority over endorsement of fertilizer advertising contents.
Section 5. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS OPERATING IN THE FERTILIZER SECTOR
Article 50. Rights and obligations of fertilizer production organizations and individuals
1. Fertilizer production organizations and individuals shall have the following rights:
a) Manufacture fertilizers recognized for circulation in Vietnam;
b) Manufacture fertilizers for export under contracts with other foreign organizations and individuals;
c) Advertise fertilizers in accordance with Article 49 hereof;
d) Obtain permission to sell fertilizers produced at their expense.
2. Fertilizer production organizations and individuals shall have the following obligations:
a) Maintain strict conformance to fertilizer production regulations as provided in Article 41 hereof during the period of production of fertilizers;
b) Manufacture fertilizers according to national technical regulations and standards declared to be in force;
c) Comply with contents of the certificate of conformance to fertilizer production regulations;
d) Conduct tests on each fertilizer batch before selling it on the market. Retain test results during the shelf life of each fertilizer batch and preserve retention samples for the period of 06 months from the sampling date;
dd) Recall and handle fertilizers failing to meet quality standards and compensate for any loss in accordance with laws;
e) Submit to the inspection and audit conducted by competent authorities;
g) Organize training in and provide instructions for use of fertilizers; provide professional training for workers directly manufacturing fertilizers;
h) On an annual basis, send a review report on production, export and import of fertilizers to the relevant competent authority or make irregular reports upon request;
i) Comply with legislative regulations on fire prevention and fighting, chemicals, labor, environment and other relevant laws.
Article 51. Rights and obligations of fertilizer trading organizations and individuals
1. Fertilizer trading organizations and individuals shall have the following rights:
a) Trade fertilizers recognized for circulation in Vietnam;
b) Have access to information and instructions for use of fertilizers, and professional training in fertilizers.
2. Fertilizer trading organizations and individuals shall have the following obligations:
a) Maintain strict conformance to fertilizer trading regulations as provided in Article 42 hereof during the period of permission for trades in fertilizers;
b) Keep fertilizers at dry places. Keeping fertilizers with other commodities that is likely to affect the fertilizer quality shall be prohibited;
c) Check the fertilizer origin, label, standard conformity mark, regulation conformity mark and other documents relating to fertilizer quality;
d) Submit to the inspection and audit conducted by competent authorities;
dd) Provide legitimate evidencing documents in order to trace the fertilizer origin;
e) Pay compensations for any losses that may arise in accordance with laws;
g) Provide instructions for use of fertilizers according to information inscribed on the fertilizer label;
h) Comply with legislative regulations on fire prevention and fighting, chemicals, labor, environment and other relevant laws.
Article 52. Rights and obligations of fertilizer testing organizations
1. Fertilizer testing organizations shall have the following rights:
a) Conduct testing of fertilizers under terms and conditions of contracts with requesting organizations or individuals;
b) Receive payments for testing of fertilizers under terms and conditions of contracts with requesting organizations or individuals;
2. Fertilizer testing organizations shall have the following obligations:
a) Meet requirements set out in Article 40 hereof;
b) Carry out testing of fertilizers in an objective and accurate manner;
c) Comply with technical regulations, standards and testing requirements;
d) Report test results and bear legal liabilities for test results;
dd) Retain the field log, raw data, testing scheme, and testing result report for a period of 05 years from the completion date;
e) Submit to the inspection, audit and oversight of testing activities conducted by competent authorities;
g) Pay compensations for any losses that may arise in accordance with laws;
h) Send the fertilizer testing scheme to a relevant competent authority at the place where testing occurs before commencement of testing;
i) On an annual basis, report fertilizer testing results to the Ministry of Agriculture and Rural Development or make spontaneous reports upon request.
Article 53. Rights and obligations of fertilizer sampling persons
1. Fertilizer sampling persons shall have the following rights:
a) Have access to information about fertilizer sampling activities;
b) Gain opportunities to attend fertilizer sampling training courses.
2. Fertilizer sampling persons shall have the following obligations:
a) Carry out sampling according to national standards regarding sampling of fertilizers and ensure objectivity during the sampling process;
b) Ensure security for information and data relating to sampling activities, except in the case where competent authorities need such data and information;
c) Bear responsibility before law for fertilizer sampling activities.
Article 54. Rights and obligations of organizations and individuals using fertilizers
1. Organizations and individuals using fertilizers shall have the following rights:
a) Have access to information and instructions for use of fertilizers;
b) Request fertilizer trading establishments to provide instructions for use of fertilizers according to information inscribed on a fertilizer label;
c) Receive compensations for any losses that may arise in accordance with laws.
2. Organizations and individuals using fertilizers shall have the following obligations:
a) Use fertilizers according to directions for use which are inscribed on the label;
b) Use fertilizers to ensure efficiency and safety for humans, animals, environment and food safety according to the principles of proper soil, proper types of plants, right doses, right time and proper administration.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall design and disseminate a set of documents on instructions for use of fertilizers in accordance with point b of clause 2 of this Article.
Section 1. USE OF NATURAL RESOURCES IN CROP CULTIVATION ACTIVITIES
Article 55. Use and protection of land during the cultivation process
1. The crop production authority must identify the crop structure based on the physical and chemical properties of soil, the biological characteristics of each crop and the level of science and technology development.
2. With respect to arable fields specialized in cultivation of wet rice, vegetables, perennial fruit trees, industrial perennials and ornamental plants, the provincial People's Committee shall plan them for stable use and in line with the economic development orientation, and shall carry out the periodic evaluation of the quality of land so as to work out measures to improve and utilize them in a sustainable manner.
Article 56. Crop structure shift occurring on rice paddy fields
1. Crop structure shift occurring on rice paddy fields shall be subject to the following regulations:
a) Correspond to land use planning schemes of localities, market demands, water resource and climatic conditions;
b) Develop concentrated production areas for specific crops associated with land shuffling and combination as well as chain-based production linkages;
c) Ensure effective exploitation of available infrastructure; conformity with the planning and orientation for improvement of fundamental facilities for agricultural production in specific localities;
d) Avoid causing any loss of conditions necessary to recover the rice cultivation.
2. The Government shall issue specific regulations of this Article.
Article 57. Protection and use of topsoil of arable wet rice cultivation land
1. The topsoil of arable wet rice cultivation land shall be used only for agricultural purposes; shall be protected and used in an effective manner.
2. Organizations or individuals building facilities on the land shifted from the arable wet rice cultivation land shall be required to work out the proper topsoil use plan.
3. The Government shall issue specific regulations of this Article.
Article 58. Use of irrigation water
1. Crop production authorities of local jurisdictions shall be responsible for determining the crop structure and season that meet water resource conditions.
2. Organizations and individuals providing water resource services shall be obliged to ensure that the quality of irrigation water conforms to technical standards and regulations.
3. Organizations and individuals shall be responsible for using irrigation water supplies in an effective manner; applying advanced and cost-efficient cultivation practices; reusing water in accordance with laws on water resources, irrigation and other relevant regulations.
Article 59. Use of beneficial organisms
1. Beneficial organisms used in crop cultivation include organisms that play a role in stabilizing and improving soil fertility, increasing plant resistance and growth capacity, preserving and processing crop produce or byproducts, preventing and controlling harmful organisms, pollinating plants and serving other useful purposes.
2. Organizations and individuals involved in crop cultivation activities shall comply with laws on environment, biodiversity protection, plant protection and quarantine; shall apply advanced production processes to protect and promote the effectiveness of beneficial organisms.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall undertake the inspection and assessment of beneficial organism resources in order to implement measures to protect and exploit them in a proper manner; shall adopt the nomenclature describing beneficial organisms species used in crop cultivation.
Section 2. USE OF AGRICULTURAL EQUIPMENT AND SUPPLIES IN CROP CULTIVATION ACTIVITIES
Article 60. Agricultural equipment and supplies in crop cultivation activities
1. Crop cultivation equipment shall include greenhouses, net houses, machinery and tools used for production, irrigation, harvesting, handling, preservation and processing of crop produce.
2. Agricultural supplies used in crop cultivation activities shall be comprised of the followings:
a) Plant varieties;
b) Fertilizers;
c) Pesticides;
d) Planting media, ground cover membranes and thermal insulating materials;
dd) Chemicals and biological products used in crop production activities, other than agricultural supplies referred to in point b and c of this clause.
3. Management of the quality of agricultural equipment and supplies used in crop cultivation shall be subject to laws on technical standards and regulations, commodity quality and commercial products.
Article 61. Requirements concerning use of agricultural equipment and supplies used in crop cultivation activities
1. Organizations and individuals engaged in crop farming activities shall only be allowed to use agricultural materials in cultivation which are permitted for use and circulation in accordance with the provisions of law; shall follow instructions given by specialized agencies or organizations and individuals producing agricultural materials.
2. Organizations and individuals using agricultural materials in crop cultivation activities must meet requirements concerning environmental protection, community health, food safety and restriction of the spread of harmful organisms.
3. Organizations and individuals using fertilizers shall be bound to observe principles specified in point b of clause 2 of Article 54 herein.
4. Organizations and individuals using pesticides must comply with laws on plant protection and quarantine.
Section 3. DEVELOPMENT OF CONCENTRATED AND LINKED PRODUCTION ZONES
Article 62. Development of concentrated production zones
1. The development of a concentrated production zone must be in line with the physical and chemical properties of soil, climate, water resources, biological characteristics of crops and regional advantages; ensure the building of raw material areas associated with processing activities and markets.
2. Provincial People’s Committees shall be responsible for developing plans and schemes for development of concentrated production zones according to the planning.
Article 63. Production cooperation and affiliation
1. Develop forms of cooperation and affiliation at concentrated production zones on the basis of contracts; facilitate the granting of quality certificates and tracing of the origin of products; increase effectiveness in production and business, and ensure the balance of interests between the involved parties.
2. The People’s Committees at all levels shall assume the following responsibilities:
a) Provide favorable conditions and support for parties to negotiate, conclude and fulfill commitments under production and product consumption cooperation and partnership contracts;
b) Assist in infrastructure construction, logistics services and trade promotion for concentrated production zones.
Article 64. Management and grant of codes of crop cultivation regions
1. The cultivation region code is an identity code of a crop production area used for monitoring and controlling production; controlling product quality; tracing the origin of crop products.
2. The State shall provide encouragement, incentive and preferential policies for organizations and individuals applying for the grant of the crop cultivation zone’s code.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall develop the roadmap and provide instructions for the grant of codes of crop cultivation zones nationwide.
4. Provincial People’s Committees shall carry out the grant of the crop cultivation zone's code at respective provinces according to the roadmap and instructions of the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Section 4. PRODUCTION PROCESSES, APPLICATION OF HIGHT TECHNOLOGIES AND MECHANIZATION
Article 65. Production processes
1. Production processes shall be designed to be appropriate for specific crops.
2. Each production process shall be designed on the basis of the results of a research, technological advances and conclusions of crop farming practices; shall be amended and supplemented when new technological advances are made, conform to production practices, scientific and technological development levels and the users’ competence.
Article 66. Application of high technologies in crop cultivation activities
1. High technologies shall be preferred and receive incentives for use in crop cultivation activities, including:
a) Genetic biotechnology for the selection and propagation of plant varieties; diagnosis and evaluation of organisms harmful to crops; development of products in biology and new materials;
b) Technology for efficient irrigation and farming without soil;
c) Greenhouse and net house cultivation technology;
d) Information technology applied to the projection and forecast of harmful organisms; the grant of codes and management of cultivation zones;
dd) Precise agricultural techniques applied in the soil science and crop nutrition; automatically-controlled fertilizer administration and irrigation; semi-automated and automatic technology used in the production line; analysis of the quality of production environment and crop produces.
2. Hi-tech applications referred to in point b and c of clause 1 of this Article shall be preferred for use in cultivation zones facing difficulties, sandy land at or near the coast or land exposed to the risk of degradation and desertification.
3. High technologies prescribed in point c of clause 1 of this Article shall be developed at a proper density rate and with an aim of decreasing effects of greenhouse gases.
Article 67. Mechanization of crop cultivation activities
1. Mechanization of crop cultivation activities shall aim to ensure consistency and gradual modernization.
2. Investment in and improvement of infrastructure used in arable fields must pave the way for performing mechanization tasks.
3. Upon formulation of production plans, determination of the crop structure and season, organizations and individuals shall be required to consider conditions for performing mechanization tasks.
4. Equipment and machinery used in crop cultivation activities must be selected so that they are appropriate for practical conditions of fields, scale, nature and level of cultivation.
Section 5. ORGANIC CULTIVATION
Article 68. Development and protection of organic cultivation zones
1. Organic cultivation zones must be developed, protected and equipped with appropriate facilities, and must aim to prevent chemical pollution from the outside.
2. Provincial People’s Committees shall identify and widely inform organic cultivation zones; shall adopt regulations on cultivation of plants on organic cultivation zones within their ambit.
Article 69. Organic cultivation requirements
1. Organic cultivation organizations and individuals shall be required to meet national standards regarding organic agriculture. In case of export of organic crop produce, the importing country’s requirements shall be applied.
2. Plant varieties, fertilizers, pesticides and other agricultural supplies used in organic cultivation activities must meet organic agriculture standards and relevant technical regulations, or must be manufactured by using raw materials and production methods conformable to organic agriculture standards.
3. Synthetic chemicals, crop growth stimulants and genetically modified vegetation shall be prohibited for use in crop production, harvesting, handling, preservation and processing.
4. Labeling of organic crop produce shall be subject to laws on commerce and other relevant legislation.
5. The Government shall specifically regulate the organic cultivation.
Section 6. CULTIVATION ADAPTED TO CLIMATE CHANGE AND PROTECTING ENVIRONMENT
Article 70. Cultivation adapted to climate change
1. Apply appropriate cultivation solutions to adapt to climate change and decrease greenhouse gas emission.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the following responsibilities:
a) Determine appropriate cultivation solutions to adapt to climate change and decrease greenhouse gas emission;
b) Upon formulation and implementation of strategies, programs, schemes and projects for development of crop production, integrate solutions for adaptation to climate change and decrease in greenhouse gas emission into them.
3. Provincial People’s Committees shall conduct the evaluation of effects of climate change, provide instructions for organizations and individuals to apply solutions for adaptation to climate change and decrease in greenhouse gas emission in crop production at local jurisdictions.
4. Encourage cultivation organizations and individuals to apply solutions for adaptation to climate change and decrease in greenhouse gas emission.
Article 71. Cultivation of crops on the sloping land, lowland, alkaline soil, saline soil, sandy soil at or near the coast, soil at risk of desertification or degradation
1. Cultivation of crops on the sloping land, lowland, alkaline soil, saline soil, sandy soil at or near the coast, soil at risk of desertification or degradation shall conform to the production process to avoid erosion, landslide, soil aggradation and degradation, and ensure sustainable development of crop production.
2. Organizations and individuals cultivating crops at areas specified in clause 1 of this Article shall be entitled to policies stipulated in Article 4 hereof and other policies prescribed in relevant laws.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue criteria for determination, methods of management and the processes for production of crops on the sloping land, lowland, alkaline soil, saline soil, sandy soil at or near the coast, soil at risk of desertification or degradation.
4. Provincial People’s Committees shall identify and publicly inform zones and provide guidance on application of the processes for production of crops on the sloping land, lowland, alkaline soil, saline soil, sandy soil at or near the coast, soil at risk of desertification or degradation.
Article 72. Environmental protection in crop cultivation activities
1. Cultivation organizations and individuals shall be required to meet the following requirements:
a) Comply with laws on environmental protection and other relevant provisions of laws;
b) Follow instructions of specialized agencies for use of agricultural supplies in cultivation that pose the risk of environmental pollution;
c) Collect, dispose of and use crop byproducts in accordance with Article 76 hereof.
2. Organizations and individuals shall have to promptly inform commune-level People's Committees in case of discovering any sign of abnormalities relating to environmental pollution that is likely to cause adverse impacts on crop cultivation activities.
Section 7. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF CULTIVATION ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS
Article 73. Rights of cultivation organizations and individuals
1. Organize production at their discretion or enter into production partnerships with other organizations or individuals.
2. Enjoy state policies specified in Article 4 hereof and other policies prescribed in relevant legislation.
3. Have access to support for recovery of production in case of any loss or damage arising from natural disasters or for epidemic reasons in accordance with the Government’s regulations.
4. Have access to information about policies, laws, technical and technological advances, crop produce markets; training courses in crop production activities.
5. Receive permission to apply for the grant of codes of crop farming zones.
6. Receive notifications and warnings relating to climatic, environmental, epidemic conditions and natural disasters.
7. Participate in agricultural insurance programs under the Government’s regulations.
Article 74. Obligations of cultivation organizations and individuals
1. Assume responsibility for the food quality and safety of crops produced at their own expense; pay any compensation prescribed by laws.
2. Use water resources, beneficial organisms and facilities for right purposes and in an efficient and sustainable manner. Use agricultural supplies in cultivation activities which are permitted for circulation according to instructions given by specialized agencies or organizations and individuals producing agricultural supplies.
3. Apply the appropriate production processes to stabilize and improve the soil fertility; restrict soil pollution and degradation or spread of harmful organisms.
4. Act on their own initiative in preventing and handling environmental pollution, preventing and controlling harmful organisms in accordance with laws on environmental protection, plant protection and quarantine. Promptly inform commune-level People’s Committees in case of environmental pollution occurring and pest outbreak.
5. Make changes in the crop structure corresponding to the plan for shift in the crop structure in each local jurisdiction.
6. Fulfill all contractual commitments.
HARVESTING, HANDLING, PRESERVATION, PROCESSING, TRADING AND MANAGEMENT OF QUALITY OF CROP PRODUCE
Article 75. Harvesting, handling, preservation and processing of crop produce
1. Organizations and individuals harvesting, handling, preserving and processing crop produce shall be required to comply with provisions of this Law and other relevant legislation.
2. Control of losses, assurance of crop quality and economic efficiency shall be required for crop harvest activities.
3. Crop produce which serve as input materials of crop handling and processing establishments must be of clear origin and must meet prescribed quality and safety standards.
4. Businesses purchasing, storing and processing crop produces must apply technical measures appropriate for preservation and storage of crop produce in order to maintain crop quality and safety.
5. Establishment of crop preservation and processing facilities connected with raw material production areas shall be encouraged.
Article 76. Collection, disposal and use of crop byproducts
1. Crop byproducts must be collected, disposed of or used in a correct manner with the aim of preventing and controlling environmental pollution and spread of harmful organisms.
2. Using crop byproducts as input materials for manufacturing of products and commodities shall be encouraged.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate on the collection, disposal and use of crop byproducts as provided in clause 1 of this Article.
Article 77. Development of markets and trading of crop produce
1. Development of markets and trading of crop produce shall be subject to laws on commerce, foreign trade management and provisions laid down in clause 2 and 3 of this Article.
2. Development of crop markets shall include the following tasks:
a) Carry out the market forecast and orientate the development of crop produce over periods of time;
b) Conduct negotiations for opening of markets; lift up barriers in order for Vietnamese crop produce to be imported into other countries and territories;
c) Build wholesale markets; carry out trade promotions and build crop produce brands.
3. Organizations and individuals engaged in the development of markets for the sale of crop products; the building of the chain from production to consumption; the establishment of raw material production areas serving domestic processing, trade and export needs shall be entitled to the policies defined in Article 4 of this Law and other policies prescribed in the provisions of relevant laws.
Article 78. Export and import of crop produce
1. Organizations and individuals importing crop produce must hold documents on tracing of the origin of goods, meet the requirements regarding the food quality, safety and epidemic safety under the provisions of Vietnamese law.
2. Organizations and individuals exporting crop produce must meet the importing country’s requirements.
Article 79. Development of wholesale crop markets
1. Wholesale crop markets shall be established within concentrated production areas or at places where a large quantity of crop produce are consumed.
2. Development of wholesale crop markets must be in line with the planning.
Article 80. Rights and obligations of organizations and individuals harvesting, handling, preserving, processing and trading crop produce
1. Organizations and individuals harvesting, handling, preserving, processing and trading crop produce shall have the following rights:
a) Receive support for link to the chain of production, processing and trading of crop produce;
b) Enjoy the policies specified in Article 4 hereof and other policies prescribed in relevant legislation.
2. Organizations and individuals preserving, processing and trading crop produce shall have the following obligations:
a) Comply with provisions of this Law and other provisions of relevant laws;
b) Submit to the inspection and audit conducted by competent authorities.
Article 81. Management of quality of crop produce
1. Management of quality of crop produce shall be subject to laws on technical standards and regulations, product and commodity quality.
2. Genetically modified crop produce used as food must be labeled in accordance with laws on food safety and other provisions of relevant laws.
STATE MANAGEMENT OF CROP PRODUCTION ACTIVITIES
Article 82. Responsibilities of the Government, Ministries and Ministry-level agencies
1. The Government shall be responsible for the uniform management of crop production activities performed across the nation.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall play a pivotal role in assisting the Government in exercising the state management of crop production activities throughout the nation and shall assume the following responsibilities:
a) Formulate strategies, schemes and plans; provide directions and instructions for crop cultivation activities;
b) Promulgate according to its competence or submit to competent authorities for promulgation and organize the implementation of policies, legal documents, standards, technical regulations and production processes in crop production activities;
c) Undertake the issuance, re-issuance, extension, suspension, restoration, revocation and revocation of decisions, permits and certificates in crop production activities according to its competence and post it on the Ministry’s electronic information portal;
d) Build databases and information systems; conduct the statistics and make reports on crop production activities;
dd) Conduct researches and application of science and technology; carry out the basic investigation, collection and management of information, materials and implement international cooperation in crop production;
e) Provide professional and refresher training courses; disseminate information about and raise people's awareness of crop production activities;
g) Inspect, audit and handle complaints, denunciations and sanction violations of law in crop production activities.
3. Ministries and Ministry-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, have the burden of cooperating with the Ministry of Agriculture and Rural Development in performing the task of State management of crop production activities.
Article 83. Responsibilities of all-level People’s Committees
1. Provincial People’s Committees shall, within the ambit of their duties and powers, have the following responsibilities:
a) Promulgate according to its competence or request competent authorities to promulgate legal documents guiding the organization of implementation of law on crop production activities in respective localities;
b) Issue the plan for shift in the crop structure corresponding to actual conditions of specific localities;
c) Direct and undertake the task of management of crop production activities in their respective localities; provide guidance on and issue production processes appropriate for actual conditions of respective localities; organize crop production activities;
d) Organize propaganda, dissemination and education of law soft, training in knowledge about crop production activities; set up the database on crop production activities in respective localities and update the national crop production database;
dd) Undertake the tasks of issuance, re-issuance, extension, suspension, restoration, revocation or revocation of decisions, permits and certificates in crop production activities according to its competence and post it on the electronic information portal of each provincial People’s Committee;
e) Direct the formulation of plans, undertake the task of inspection, examination and settlement of complaints and denunciations, handle violations of the law on crop production activities according to its competence.
2. District-level People’s Committees shall, within the ambit of their duties and powers, have the following responsibilities:
a) Implement tasks and measures of management in crop production activities in their respective localities under the provisions of law;
b) Perform the task of state management of crop production activities according to assigned duties or delegated authority;
c) Hold and implement propaganda, training and educational programs relating to laws on crop production activities performed within respective localities.
1. This Law shall take effect on January 1, 2020.
2. The Ordinance on Plant Varieties No. 15/2004/PL-UBTVQH11 shall be repealed from the entry into force of this Law.
Article 85. Transitional provisions
1. The decision on recognition of new plant varieties granted under the Ordinance No. 15/2004/PL-UBTVQH11 on Plant Varieties shall be continued for a period of 10 years for annual plant varieties and 20 years for perennial plant varieties from the date of grant of the decision, and may be extended under the provisions of this Law.
In cases where the remaining duration of the decision on recognition of new plant varieties is less than 3 years or exceeds the term of 10 years for annual crop varieties, or 20 years for perennial plant varieties till the effective date of this Law, the decision shall be continued for use for a period of 03 years from the date of entry into force of this Law.
2. The decision on recognition of first-generation plants or the decision on recognition of first-generation plant gardens which is granted under the Ordinance No. 15/2004/PL-UBTVQH11 on Plant Varieties shall be continued for use under the provisions of this Law and shall not need to apply for extension.
3. The decision on recognition of fertilizers in circulation in Vietnam, the permit for fertilizer production or the certificate of conformance to fertilizer production regulations which have been granted before the effective date of this Law shall continue to be used until the expiration of its validity period, and may be extended or reissued in accordance with the provisions of this Law.
The certificate of conformance to fertilizer trading regulations which has been granted prior to the entry into force of this Law shall have the same value as the certificate of conformance to fertilizer trading regulations specified in this Law.
4. National technical regulations or national standards regarding crop production which have been issued ahead of the entry into force of this Law shall continue to be used until they are repealed or replaced.
5. Results of basic tests on plant varieties which are conducted prior to the entry into force of this Law shall have the same value as the results of narrow tests prescribed in this Law.
6. Results of testing of production of plant varieties which is performed prior to the entry into force of this Law shall have the same value as the results of wide tests prescribed in this Law.
7. Results of testing of fertilizers which is conducted prior to the entry into force of this Law shall continue to be valid for use in accordance with this Law.
This Law is passed in the 6th plenary session of the XIVth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam held on November 19, 2018.
|
NATIONAL ASSEMBLY’S CHAIR |