Chương 2 Luật Thương mại 1997: Hoạt động thương mại
Số hiệu: | 58/L-CTN | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 10/05/1997 | Ngày hiệu lực: | 01/01/1998 |
Ngày công báo: | 15/07/1997 | Số công báo: | Số 13 |
Lĩnh vực: | Thương mại | Tình trạng: | Hết hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Mục 1: CÁC LOẠI HÀNH VI THƯƠNG MẠI
Điều 45. Các loại hành vi thương mại
Hành vi thương mại theo quy định của Luật này gồm:
1- Mua bán hàng hoá;
2- Đại diện cho thương nhân;
3- Môi giới thương mại;
4- Uỷ thác mua bán hàng hoá;
5- Đại lý mua bán hàng hoá;
6- Gia công trong thương mại;
7- Đấu giá hàng hoá;
8- Đấu thầu hàng hoá;
9- Dịch vụ giao nhận hàng hoá;
10- Dịch vụ giám định hàng hoá;
11- Khuyến mại;
12- Quảng cáo thương mại;
13- Trưng bày giới thiệu hàng hoá;
14- Hội chợ, triển lãm thương mại.
Mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua và nhận tiền; người mua có nghĩa vụ trả tiền cho người bán và nhận hàng theo thoả thuận của hai bên.
Điều 47. Chủ thể của quan hệ mua bán hàng hoá
Chủ thể của quan hệ mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc một bên là thương nhân.
Điều 48. Đối tượng của mua bán hàng hoá
Đối tượng của mua bán hàng hoá là hàng hoá theo quy định của Luật này.
Điều 49. Hợp đồng mua bán hàng hoá
1- Việc mua bán hàng hoá được thực hiện trên cơ sở hợp đồng.
2- Hợp đồng mua bán hàng hoá được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
3- Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó; điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản.
Điều 50. Nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá
Hợp đồng mua bán hàng hoá phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
1- Tên hàng;
2- Số lượng;
3- Quy cách, chất lượng;
4- Giá cả;
5- Phương thức thanh toán;
6- Địa điểm và thời hạn giao nhận hàng.
Ngoài các nội dung chủ yếu quy định tại Điều này, các bên có thể thoả thuận các nội dung khác trong hợp đồng.
Điều 51. Chào hàng và chấp nhận chào hàng
1- Chào hàng là một đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong một thời hạn nhất định, được chuyển cho một hay nhiều người đã xác định và phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định tại Điều 50 của Luật này.
Chào hàng gồm chào bán hàng và chào mua hàng.
2- Chấp nhận chào hàng là thông báo của bên được chào hàng chuyển cho bên chào hàng về việc chấp thuận toàn bộ các nội dung đã nêu trong chào hàng.
Điều 52. Sửa đổi, bổ sung chào hàng
1- Trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là từ chối chào hàng và hình thành một chào hàng mới.
2- Trong trường hợp bên được chào hàng sửa đổi, bổ sung nội dung chào hàng nhưng không làm thay đổi một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là chấp nhận chào hàng, trừ trường hợp người chào hàng từ chối ngay những sửa đổi, bổ sung đó.
Điều 53. Thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng và bên chấp nhận chào hàng
1- Thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng bắt đầu từ thời điểm chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng đến hết thời hạn chấp nhận chào hàng.
Trong trường hợp không xác định thời hạn chấp nhận chào hàng thì thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng là ba mươi ngày, kể từ ngày chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng.
2- Thời hạn trách nhiệm của bên chấp nhận chào hàng bắt đầu từ thời điểm chấp nhận chào hàng được chuyển đi cho bên chào hàng.
Điều 54. Chấp nhận chào hàng sau khi hết thời hạn chấp nhận chào hàng
Trong trường hợp bên chào hàng nhận được chấp nhận chào hàng sau khi hết thời hạn chấp nhận chào hàng thì chấp nhận đó không có hiệu lực, trừ trường hợp bên chào hàng thông báo ngay cho bên được chào hàng về việc chấp nhận của mình.
Điều 55. Thời điểm ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá
Hợp đồng mua bán hàng hoá được coi là đã ký kết kể từ thời điểm các bên có mặt ký vào hợp đồng.
Trong trường hợp các bên không cùng có mặt để ký hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hoá được coi là đã ký kết kể từ thời điểm bên chào hàng nhận được thông báo chấp nhận toàn bộ các điều kiện đã ghi trong chào hàng trong thời hạn trách nhiệm của người chào hàng.
Điều 56. Hiệu lực của giao dịch và đàm phán trước khi hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết
Từ thời điểm hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết, mọi thư từ giao dịch và đàm phán trước đó về hợp đồng đều hết hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 57. Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hoá
Các bên có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hoá theo trình tự và thủ tục phù hợp với từng loại hợp đồng.
Điều 58. Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hoá
Quyền sở hữu hàng hoá được chuyển từ người bán sang người mua kể từ thời điểm người bán giao hàng cho người mua, nếu hai bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác.
Điều 59. Chuyển quyền sở hữu hàng hoá có điều kiện
Trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hoá có thoả thuận điều kiện bắt buộc mà thiếu điều kiện này người bán không thể giao hàng cho người mua hoặc người mua không thể nhận hàng của người bán thì quyền sở hữu hàng hoá chỉ được chuyển từ người bán sang người mua khi điều kiện đó đã được thực hiện.
Điều 60. Nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan
1- Người bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thoả thuận trong hợp đồng.
2- Trong trường hợp chất lượng hàng hoá không được xác định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng có chất lượng trung bình của loại hàng hoá đó được lưu thông trên thị trường tại thời điểm giao hàng.
3- Trong trường hợp bao bì hàng hoá không được quy định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng với bao bì thường dùng cho loại hàng này. Bao bì phải bảo đảm an toàn hàng hoá trong quá trình vận chuyển, có tính đến khả năng chuyển tải trong điều kiện bốc dỡ thông thường và phải phù hợp với thời gian, phương tiện vận tải.
4- Người bán có thể uỷ quyền cho người thứ ba thực hiện nghĩa vụ giao hàng nếu được người mua chấp thuận. Trong trường hợp này, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm đối với người mua về việc giao hàng của người được uỷ quyền.
5- Người bán chỉ có thể giao hàng trước thời hạn, giao hàng từng phần khi có sự thoả thuận trong hợp đồng hoặc khi được người mua chấp thuận.
6- Người bán có nghĩa vụ giao các chứng từ liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng.
Điều 61. Kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi giao hàng
Trước khi giao hàng, người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hoá, chịu chi phí kiểm tra và cung cấp giấy chứng nhận chất lượng theo các điều kiện đã thoả thuận với người mua. Trong trường hợp không có thoả thuận cụ thể về việc kiểm tra thì người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hoá theo các điều kiện thường được áp dụng đối với loại hàng hoá này.
Điều 62. Người mua, đại diện của người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá tại nơi giao hàng
1- Trong trường hợp hợp đồng mua bán có thoả thuận để người mua hoặc đại diện của người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi giao hàng thì người bán phải bảo đảm cho người mua hoặc đại diện của người mua có điều kiện tham dự việc kiểm tra.
2- Trong trường hợp người bán có thông báo cho người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng mà người mua hoặc đại diện của người mua vắng mặt thì người bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.
3- Trong trường hợp người mua hoặc đại diện người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá.
Điều 63. Quyền nhận tiền bán hàng
Người bán nhận tiền bán hàng theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán hàng hoá. Nếu người bán chậm nhận được hoặc không nhận được tiền bán hàng do lỗi của người mua thì người bán có quyền áp dụng các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Điều 64. Giao hàng cho người vận chuyển
Người bán được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sau khi đã giao hàng cho người vận chuyển theo các điều kiện giao hàng do hai bên thoả thuận.
Điều 65. Giao thừa hàng, giao thiếu hàng, giao hàng lẫn chủng loại
1- Trong trường hợp người bán giao thừa hàng so với thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền từ chối hoặc nhận số hàng thừa. Nếu người mua từ chối thì người bán phải nhận lại số hàng thừa và chịu chi phí liên quan đến việc giải quyết số hàng thừa này. Nếu người mua nhận số hàng thừa thì người mua phải trả thêm tiền cho số hàng đó theo giá thoả thuận giữa hai bên.
2- Trong trường hợp người bán giao thiếu hàng so với thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền nhận và chỉ phải trả số tiền tương ứng với số lượng hàng đã nhận hoặc áp dụng các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
3- Trong trường hợp người bán giao hàng có lẫn loại hàng không được thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền từ chối nhận số hàng lẫn này.
4- Người bán không chịu trách nhiệm về việc giao thiếu hàng hoặc giao hàng lẫn chủng loại, người mua không chịu trách nhiệm về việc nhận thừa hàng nếu sau khi hàng hoá được giao nhận xong mà các bên không khiếu nại theo quy định tại các điều 75 và 241 của Luật này.
Trong trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá đó trong thời hạn bảo hành và phải chịu các chi phí về việc bảo hành nếu các bên không có thoả thuận khác.
Điều 67. Quyền ngừng giao hàng của người bán
1- Người bán có quyền ngừng giao hàng trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu người mua vi phạm điều khoản thanh toán đã thoả thuận trong hợp đồng thì người bán có quyền ngừng giao hàng cho đến khi người mua thực hiện xong việc thanh toán;
b) Nếu trước thời điểm giao hàng người mua bị tuyên bố phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì người bán có quyền không giao hàng và được định đoạt số hàng này.
2- Trong trường hợp người bán phải giữ lại và định đoạt hàng do lỗi của người mua quy định tại khoản 1 Điều này thì người mua phải chịu những thiệt hại và chi phí hợp lý có liên quan.
Điều 68. Trách nhiệm của người bán đối với hàng không phù hợp với hợp đồng
Người bán phải chịu trách nhiệm về việc hàng không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp người bán chứng minh được là mình không có lỗi.
Trường hợp hàng không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng, người bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thiệt hại phát sinh, dù người bán biết hoặc không biết về thiệt hại đó.
Điều 69. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá đã bán
Người bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho người mua đối với hàng hoá đã bán để người mua không bị người thứ ba tranh chấp. Sau thời điểm chuyển quyền sở hữu, người bán không được có bất kỳ hành vi nào làm phương hại tới quyền sở hữu hàng hoá của người mua.
Điều 70. Hoàn trả tiền bán hàng đã nhận
Trong trường hợp người bán đã nhận tiền bán hàng hoặc nhận tiền ứng trước của người mua nhưng không thực hiện nghĩa vụ giao hàng thì người bán phải hoàn trả lại cho người mua số tiền bán hàng đã nhận hoặc tiền ứng trước, kể cả trong trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 77 của Luật này.
Điều 71. Nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền mua hàng của người mua
1- Người mua phải thực hiện các công việc cần thiết để người bán giao hàng, kể cả việc hướng dẫn gửi hàng.
2- Người mua phải nhận hàng và thanh toán tiền mua hàng theo thoả thuận trong hợp đồng.
3- Người mua phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hoá xảy ra sau thời điểm quyền sở hữu hàng hoá đã được chuyển từ người bán sang người mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của người bán gây ra.
Điều 72. Quyền chưa thanh toán tiền mua hàng
1- Người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán đã khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thoả thuận khác.
2- Người mua có quyền giữ lại toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu có bằng chứng về việc người bán lừa gạt hoặc không có khả năng giao hàng hoặc hàng này đang là đối tượng tranh chấp giữa người bán với người thứ ba cho đến khi các tình trạng này đã được giải quyết xong.
Điều 73. Thời hạn thanh toán tiền mua hàng
Thời hạn mà người mua phải thanh toán tiền mua hàng do hai bên thoả thuận căn cứ vào thời gian và phương thức giao hàng.
Điều 74. Kiểm tra hàng tại nơi hàng đến
Người mua có quyền kiểm tra hàng tại nơi hàng đến trong một thời hạn hợp lý phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hoá theo hợp đồng.
Điều 75. Thông báo về hàng hoá không phù hợp với hợp đồng
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thời hạn thông báo về hàng hoá không phù hợp với hợp đồng, người mua phải thông báo cho người bán về việc hàng không phù hợp này trong thời hạn đã thoả thuận; nếu hết thời hạn mà người mua không thông báo cho người bán thì mất quyền khiếu nại.
Điều 76. Rủi ro đối với hàng hoá trên đường vận chuyển
Người mua phải chịu rủi ro đối với hàng hoá trên đường vận chuyển kể từ thời điểm quyền sở hữu hàng hoá được chuyển từ người bán sang người mua nếu không phải do lỗi của người bán hoặc của người vận chuyển.
Điều 77. Các trường hợp miễn trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng
1- Các bên được miễn trách nhiệm về việc không thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm đó.
2- Các bên được miễn trách nhiệm về việc không thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ hợp đồng nếu việc không thực hiện này do trường hợp bất khả kháng gây ra.
Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được.
3- Bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng có trách nhiệm chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Điều 78. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm
1- Bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể có; khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia biết; nếu không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại nếu có.
2- Các trường hợp bất khả kháng phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận.
Điều 79. Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng
1- Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không thoả thuận thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá năm tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận không quá mười hai tháng; không được kéo dài quá tám tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi ký kết hợp đồng. Quá các thời hạn này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền đòi bên kia bồi thường thiệt hại.
2- Trong trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
3- Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán có thời hạn giao hàng cố định.
Điều 80. Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài
Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài.
Điều 81. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài
Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
1- Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý.
Chủ thể bên nước ngoài là thương nhân và tư cách pháp lý của họ được xác định căn cứ theo pháp luật của nước mà thương nhân đó mang quốc tịch.
Chủ thể bên Việt Nam phải là thương nhân được phép hoạt động thương mại trực tiếp với nước ngoài;
2- Hàng hoá theo hợp đồng là hàng hoá được phép mua bán theo quy định của pháp luật của nước bên mua và nước bên bán;
3- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá quy định tại Điều 50 của Luật này;
4- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải được lập thành văn bản.
Điều 82. Áp dụng các quy định về mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài
Ngoài các quy định tại các điều 80 và 81 của Luật này, hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải tuân theo các quy định khác về mua bán hàng hoá của Luật này.
Mục 3: ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN
Điều 83. Người đại diện cho thương nhân, người được đại diện
1- Người đại diện cho thương nhân là một thương nhân nhận uỷ nhiệm của một thương nhân khác để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
2- Người được đại diện là thương nhân uỷ nhiệm cho thương nhân khác làm người đại diện cho mình.
3- Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho chính mình thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.
Các bên có thể thoả thuận về việc người đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của người được đại diện.
Điều 85. Hợp đồng đại diện cho thương nhân
1- Việc làm đại diện cho thương nhân phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng đại diện phải được lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Phạm vi đại diện;
c) Thời hạn đại diện;
d) Mức thù lao;
đ) Thoả thuận về hạn chế cạnh tranh.
Điều 86. Nghĩa vụ của người đại diện
Người đại diện cho thương nhân có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của người được đại diện;
2- Thông báo cho người được đại diện về các cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ nhiệm;
3- Tuân thủ những chỉ dẫn của người được đại diện, trừ trường hợp chỉ dẫn đó vi phạm các quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với hợp đồng đại diện;
4- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
5- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của người được đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi hợp đồng đại diện chấm dứt;
6- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện;
7- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người được đại diện.
Điều 87. Nghĩa vụ của người được đại diện
Người được đại diện có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thông báo ngay cho người đại diện về việc ký kết hợp đồng mà người đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà người đại diện đã ký kết, việc chấp nhận hoặc không chấp nhận hợp đồng mà người đại diện đã ký không đúng thẩm quyền;
2- Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để người đại diện thực hiện hoạt động đại diện;
3- Trả thù lao cho người đại diện theo thoả thuận trong hợp đồng đại diện;
4- Thông báo kịp thời cho người đại diện về khả năng không ký hoặc không thực hiện được các hợp đồng trong phạm vi đại diện;
5- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người đại diện trong trường hợp người đại diện chứng minh được việc người được đại diện đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Điều này.
1- Người đại diện được hưởng thù lao đối với các hợp đồng được ký kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.
2- Mức thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng được ký kết trong phạm vi đại diện hoặc một số tiền nhất định do các bên thoả thuận.
3- Trường hợp người được đại diện giao cho người đại diện một hoặc một số nghĩa vụ ngoài hợp đồng đại diện đã ký thì phải được sự chấp thuận của người đại diện. Trong trường hợp này, người đại diện có quyền yêu cầu được hưởng thêm thù lao ngoài mức thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì người đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các khoản chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đại diện.
Người đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.
Các bên có thể thoả thuận người đại diện không được thực hiện các hoạt động thương mại cạnh tranh với người được đại diện và không được làm đại diện cho đối thủ cạnh tranh của người được đại diện.
Điều 92. Đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện
1- Trong trường hợp hợp đồng đại diện không xác định thời hạn cụ thể, thì các bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện nhưng phải thông báo cho bên kia biết chậm nhất là sáu mươi ngày trước khi chấm dứt hợp đồng đại diện.
2- Trong trường hợp người được đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì người đại diện có quyền yêu cầu người được đại diện trả một khoản thù lao do việc người được đại diện ký kết các hợp đồng với các khách hàng mà người đại diện đã giao dịch.
3- Trong trường hợp người đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện thì người đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng.
Điều 93. Người môi giới thương mại
Người môi giới thương mại là thương nhân làm trung gian cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
1- Việc môi giới thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng môi giới phải được lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Nội dung cụ thể về việc môi giới;
c) Mức thù lao;
d) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng môi giới.
Điều 95. Nghĩa vụ của người môi giới
Người môi giới thương mại có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện việc môi giới trung thực;
2- Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho người được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
3- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của người được môi giới;
4- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho các bên được môi giới;
5- Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.
Điều 96. Việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới
Người môi giới không được tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của người được môi giới.
Quyền hưởng thù lao của người môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng.
Điều 98. Thanh toán chi phí liên quan đến việc môi giới
Người môi giới có quyền yêu cầu người được môi giới thanh toán các chi phí hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả trong trường hợp việc môi giới không mang lại kết quả cho các bên được môi giới.
Mục 5: UỶ THÁC MUA BÁN HÀNG HOÁ
Điều 99. Uỷ thác mua bán hàng hoá
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó bên được uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận phí uỷ thác.
Bên được uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên được uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả phí uỷ thác.
Các hàng hoá được lưu thông đều được uỷ thác mua bán.
Phí uỷ thác mua bán hàng hoá do hai bên thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 104. Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá
1- Việc uỷ thác mua bán hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Hàng hoá được uỷ thác mua bán;
c) Số lượng, chất lượng, quy cách, giá cả và các điều kiện cụ thể khác;
d) Phí uỷ thác;
đ) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng uỷ thác.
Điều 105. Uỷ thác lại cho bên thứ ba
Bên được uỷ thác không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác.
Điều 106. Nhận uỷ thác của nhiều bên
Bên được uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau.
Điều 107. Nghĩa vụ của bên được uỷ thác
Bên được uỷ thác mua bán hàng hoá có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện mua bán hàng hoá theo hợp đồng uỷ thác;
2- Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác; trong trường hợp có chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với hợp đồng uỷ thác thì bên được uỷ thác phải tuân theo chỉ dẫn đó;
3- Bảo quản, giữ gìn tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
4- Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
5- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác.
Điều 108. Quyền của bên được uỷ thác
Bên được uỷ thác có những quyền sau đây:
1- Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Nhận phí uỷ thác theo thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác;
3- Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã giao cho bên uỷ thác, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác;
4- Yêu cầu bên uỷ thác bồi thường thiệt hại do họ gây ra.
Điều 109. Nghĩa vụ của bên uỷ thác
Bên uỷ thác có những nghĩa vụ sau đây:
1- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Trả phí uỷ thác;
3- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng uỷ thác của bên thứ ba trong trường hợp chấp thuận việc uỷ thác lại theo quy định tại Điều 105 của Luật này;
4- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác.
Điều 110. Quyền của bên uỷ thác.
Bên uỷ thác có những quyền sau đây:
1- Yêu cầu bên được uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Khiếu nại đòi bên được uỷ thác bồi thường thiệt hại do bên được uỷ thác gây ra.
Mục 6: ĐẠI LÝ MUA BÁN HÀNG HOÁ
Điều 111. Đại lý mua bán hàng hoá
Đại lý mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh mình mua hoặc bán hàng hoá cho bên giao đại lý để hưởng thù lao.
Hàng hoá của đại lý mua bán phải phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các bên.
Điều 112. Bên giao đại lý, bên đại lý
1- Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua.
2- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán hoặc nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua.
Thù lao đại lý là khoản tiền do bên giao đại lý trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
Mức thù lao đại lý do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại lý.
Đại lý mua hàng là việc bên đại lý nhận tiền của bên giao đại lý để mua hàng theo yêu cầu của bên giao đại lý và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.
Đại lý bán hàng là việc bên đại lý nhận hàng của bên giao đại lý để bán và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.
Điều 116. Các hình thức đại lý
1- Đại lý hoa hồng là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng theo giá mua, giá bán do bên giao đại lý ấn định để được hưởng hoa hồng. Mức hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm do các bên thoả thuận trên giá mua, giá bán hàng hoá.
2- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng theo giá do bên giao đại lý ấn định để được hưởng thù lao. Mức thù lao được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá do bên giao đại lý ấn định.
3- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng.
4- Tổng đại lý mua bán hàng hoá là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
Điều 117. Quyền sở hữu trong đại lý mua, bán hàng hoá
Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Điều 118. Thanh toán trong đại lý
Việc thanh toán tiền hàng và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng xác định nếu các bên không có thoả thuận khác.
1- Việc làm đại lý mua bán hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Hàng hoá đại lý;
c) Hình thức đại lý;
d) Thù lao đại lý;
đ) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý.
Điều 120. Quyền của bên giao đại lý
Bên giao đại lý có những quyền sau đây:
1- Lựa chọn bên đại lý, hình thức đại lý;
2- Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá đại lý;
3- Nhận ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp của bên đại lý nếu có thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
4- Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
5- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý;
6- Được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp do hoạt động đại lý mang lại.
Điều 121. Nghĩa vụ của bên giao đại lý
Bên giao đại lý có những nghĩa vụ sau đây:
1- Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
2- Thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đại lý;
3- Chịu trách nhiệm về chất lượng, quy cách hàng giao đối với đại lý bán hoặc hàng nhận đối với đại lý mua trong hợp đồng đại lý, nếu bên đại lý không có lỗi;
4- Trả thù lao cho bên đại lý;
5- Hoàn trả cho bên đại lý tiền ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp (nếu có) khi kết thúc hợp đồng;
6- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lựa chọn, sử dụng bên đại lý và liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên đại lý vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên giao đại lý gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
Điều 122. Quyền của bên đại lý
Bên đại lý có những quyền sau đây:
1- Lựa chọn và ký kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý;
2- Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tiền ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp nếu có khi kết thúc hợp đồng đại lý;
3- Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
4- Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Điều 123. Nghĩa vụ của bên đại lý
Bên đại lý có những nghĩa vụ sau đây:
1- Mua, bán hàng theo giá do bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
2- Thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đại lý về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3- Ký quỹ hoặc thế chấp tài sản nếu có cho bên giao đại lý theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
4- Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua;
5- Ghi tên thương mại, biển hiệu của bên giao đại lý và tên hàng hoá đại lý tại địa điểm mua bán hàng;
6- Bảo quản hàng hoá, chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, quy cách hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua theo hợp đồng đại lý;
7- Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
8- Chịu trách nhiệm trước bên giao đại lý và trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng đại lý.
Điều 124. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng đại lý
Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá chỉ có hiệu lực khi được các bên chấp thuận và lập thành văn bản.
Điều 125. Chuyển quyền và nghĩa vụ cho bên thứ ba
Một bên của hợp đồng đại lý chỉ được chuyển quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đại lý cho bên thứ ba nếu được bên kia chấp thuận.
Điều 126. Chấm dứt hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1- Hợp đồng đã được thực hiện xong hoặc hết thời hạn hiệu lực;
2- Các bên thoả thuận bằng văn bản chấm dứt hợp đồng trước khi hết thời hạn hiệu lực;
3- Hợp đồng bị vô hiệu khi nội dung hợp đồng hoặc việc thực hiện hợp đồng trái với quy định của pháp luật;
4- Một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thoả thuận;
5- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Điều 127. Đại lý mua bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài
Việc đại lý mua bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài do Chính phủ quy định.
Mục 7: GIA CÔNG TRONG THƯƠNG MẠI
Điều 128. Gia công trong thương mại
Gia công trong thương mại là hành vi thương mại, theo đó bên nhận gia công thực hiện việc gia công hàng hoá theo yêu cầu, bằng nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để hưởng tiền gia công; bên đặt gia công nhận hàng hoá đã gia công để kinh doanh thương mại và phải trả tiền gia công cho bên nhận gia công.
Nội dung gia công trong thương mại gồm sản xuất, chế biến, chế tác, sửa chữa, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng hoá theo yêu cầu và bằng nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công.
Điều 130. Bên nhận gia công và bên đặt gia công
1- Bên nhận gia công là bên nhận thực hiện việc gia công hàng hoá để hưởng tiền gia công.
2- Bên đặt gia công là bên thuê gia công hàng hoá để kinh doanh thương mại.
1- Việc gia công trong thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng.
Hợp đồng gia công trong thương mại phải được lập thành văn bản giữa bên nhận gia công và bên đặt gia công.
2- Nội dung hợp đồng gia công trong thương mại, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công và bên đặt gia công được áp dụng theo các quy định về hợp đồng gia công của Bộ luật dân sự.
Điều 132. Gia công với thương nhân nước ngoài
Gia công với thương nhân nước ngoài là việc gia công trong thương mại, theo đó bên đặt gia công, bên nhận gia công là thương nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú thường xuyên tại các nước khác nhau nhưng phải có một bên là thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Điều 133. Điều kiện gia công với thương nhân nước ngoài
Các mặt hàng được phép gia công và các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu xuất khẩu, nhập khẩu cần thiết cho việc gia công với thương nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và tập quán thương mại quốc tế nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.
Điều 134. Xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu và các mặt hàng được phép gia công
1- Các bên gia công được quyền trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho việc gia công và các mặt hàng đã gia công theo định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng loại hàng gia công.
2- Việc xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 135. Chuyển giao công nghệ trong gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài
Việc chuyển giao công nghệ trong gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng gia công phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 136. Trách nhiệm về quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá gia công
Bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá gia công.
Điều 137. Kiểm tra, giám sát việc gia công
Bên đặt gia công có quyền cử đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công theo thoả thuận giữa các bên.
Điều 138. Áp dụng pháp luật về thuế trong gia công với thương nhân nước ngoài
Thuế đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho việc gia công và các loại hàng gia công theo định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.
Điều 139. Kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá
Thương nhân là pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá.
Việc thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Quy chế bán đấu giá hàng hoá do Chính phủ quy định.
Đấu thầu hàng hoá là việc mua hàng thông qua mời thầu nhằm lựa chọn thương nhân dự thầu đáp ứng được các yêu cầu về giá cả, điều kiện kinh tế - kỹ thuật do bên mời thầu đặt ra.
Bên mời thầu là chủ sở hữu vốn hoặc người được giao quyền sử dụng vốn để mua hàng.
Bên dự thầu là thương nhân trong nước hoặc thương nhân nước ngoài có đủ điều kiện dự thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên trúng thầu là bên được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng với bên mời thầu.
1- Đấu thầu hàng hoá gồm đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế.
Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu và thông báo công khai các điều kiện dự thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số bên có điều kiện tốt nhất tham gia dự thầu.
2- Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định. Trong trường hợp đấu thầu hàng hoá bằng nguồn vốn của Nhà nước, thì Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hình thức đấu thầu.
Điều 146. Sơ tuyển các bên dự thầu
1- Sơ tuyển các bên dự thầu là biện pháp của bên mời thầu áp dụng đối với các hợp đồng mua hàng có giá trị lớn và phức tạp nhằm lựa chọn những bên dự thầu có khả năng đáp ứng các điều kiện mà bên mời thầu đưa ra.
2- Trình tự và thủ tục sơ tuyển do bên mời thầu quy định phải đáp ứng được các điều kiện của việc đấu thầu.
Điều 147. Điều kiện dự thầu của thương nhân
Thương nhân dự thầu phải có những điều kiện sau đây:
1- Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành hàng đấu thầu;
2- Đủ năng lực chuyên môn và điều kiện về tài chính để dự thầu;
3- Hồ sơ dự thầu theo đúng quy định mà bên mời thầu đưa ra.
Điều 148. Quản lý hồ sơ dự thầu
Bên mời thầu có trách nhiệm quản lý hồ sơ dự thầu.
Điều 149. Bảo đảm bí mật thông tin đấu thầu
1- Bên mời thầu tổ chức tiếp nhận, vào sổ, niêm phong, quản lý và bảo đảm giữ bí mật hồ sơ dự thầu.
2- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan trong suốt quá trình đấu thầu.
Điều 150. Sửa đổi hồ sơ đấu thầu
1- Các bên dự thầu không được sửa đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã mở thầu.
Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu làm rõ các vấn đề có liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu của bên mời thầu cũng như những ý kiến trả lời của bên dự thầu đều phải lập thành văn bản.
2- Trong trường hợp bên mời thầu sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải gửi nội dung đã sửa đổi bằng văn bản tới tất cả các bên dự thầu trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu ít nhất là mười ngày để các bên dự thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu của mình.
Tiền bỏ thầu là đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ chuyển đổi do bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tỷ giá quy đổi được tính theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm mở thầu.
Hồ sơ mời thầu gồm:
1- Thông báo mời thầu;
2- Mẫu đơn dự thầu;
3- Các yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá;
4- Điều kiện và tiến độ giao hàng;
5- Các điều kiện về tài chính, thương mại, thể thức thanh toán;
6- Mẫu hợp đồng đấu thầu;
7- Mẫu ký quỹ dự thầu;
8- Mẫu ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng;
9- Những chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu.
Chi phí về việc cung cấp hồ sơ cho bên dự thầu do bên mời thầu quy định.
1- Thông báo mời thầu phải phù hợp với hình thức đấu thầu.
2- Thông báo mời thầu gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của bên mời thầu;
b) Mô tả tóm tắt về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá đấu thầu;
c) Điều kiện dự thầu;
d) Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu;
đ) Thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu;
e) Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.
Điều 154. Chỉ dẫn cho bên dự thầu
Bên mời thầu có trách nhiệm chỉ dẫn cho các bên dự thầu về các điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp các câu hỏi của bên dự thầu.
Bên dự thầu phải nộp tiền ký quỹ dự thầu khi nộp hồ sơ dự thầu. Tỷ lệ tiền ký quỹ dự thầu do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hoá đấu thầu.
Trong một số trường hợp, bên mời thầu có thể quy định một số tiền ký quỹ dự thầu thống nhất để bảo đảm bí mật về mức giá dự thầu của các bên dự thầu.
Bên mời thầu quy định hình thức, điều kiện ký quỹ và ngân hàng nhận ký quỹ dự thầu. Tiền ký quỹ dự thầu sẽ được trả lại cho bên dự thầu không trúng thầu trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày công bố kết quả đấu thầu.
Bên dự thầu không được nhận lại tiền ký quỹ dự thầu trong trường hợp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng, từ chối thực hiện hợp đồng hoặc rút đơn dự thầu sau thời điểm đóng thầu.
Điều 156. Ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng
Bên trúng thầu phải nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng. Số tiền ký quỹ do hai bên thoả thuận, nhưng không được quá 10% giá trị hợp đồng. Ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng có hiệu lực cho đến thời điểm thực hiện xong hợp đồng. Bên trúng thầu được nhận lại tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng khi thanh lý hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Sau khi nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng, bên trúng thầu được hoàn trả tiền ký quỹ dự thầu.
1- Mở thầu là việc mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định. Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn phải được bên mời thầu mở công khai. Các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.
2- Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở.
Khi mở thầu, bên mời thầu và các bên dự thầu có mặt phải ký vào biên bản mở thầu.
Biên bản mở thầu phải ghi rõ tên hàng hoá đấu thầu; ngày, giờ, địa điểm mở thầu; tên, địa chỉ của các bên dự thầu; giá bỏ thầu; ký quỹ dự thầu; các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chi tiết khác có liên quan, nếu có.
Điều 159. Xét hồ sơ dự thầu khi mở thầu
Việc xét hồ sơ dự thầu khi mở thầu gồm:
1- Xét tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;
2- Kiểm tra điều kiện dự thầu của các bên dự thầu;
3- Bên mời thầu yêu cầu các bên dự thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu và lập thành văn bản.
Điều 160. Đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu
1- Các hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn để đánh giá toàn diện.
Các tiêu chuẩn để đánh giá gồm chất lượng, năng lực tài chính và chuyên môn của bên dự thầu, giá cả, tiến độ thực hiện, chuyển giao công nghệ, đào tạo và những tiêu chuẩn cần thiết khác.
2- Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm hoặc phương pháp khác đã được ấn định trước khi mở thầu.
Điều 161. Xếp hạng và lựa chọn nhà thầu
1- Căn cứ vào kết quả đánh giá các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu xếp hạng các bên dự thầu theo phương pháp đã được ấn định.
2- Trong trường hợp các bên tham gia dự thầu Việt Nam và nước ngoài có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì ưu tiên cho bên dự thầu Việt Nam.
3- Trong trường hợp các bên dự thầu nước ngoài có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì ưu tiên cho bên dự thầu nước ngoài cam kết ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ Việt Nam.
4- Trong trường hợp đấu thầu hàng hoá bằng nguồn vốn của Nhà nước thì việc lựa chọn bên trúng thầu phải được Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đấu thầu lại được tổ chức trong những trường hợp sau đây:
1- Khi có sự vi phạm các quy định về đấu thầu;
2- Khi các bên dự thầu đều không đạt yêu cầu đấu thầu.
Mục 10: DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HOÁ
Điều 163. Dịch vụ giao nhận hàng hoá của thương nhân
Dịch vụ giao nhận hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá nhận hàng từ người gửi, tổ chức việc vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm các thủ tục giấy tờ và các dịch vụ khác có liên quan để giao hàng cho người nhận theo sự uỷ thác của chủ hàng, của người vận tải hoặc của người làm dịch vụ giao nhận khác (gọi chung là khách hàng).
Điều 164. Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá là thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá.
Điều 165. Hợp đồng giao nhận hàng hoá
Hợp đồng giao nhận hàng hoá là hợp đồng được ký kết giữa người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá với khách hàng để thực hiện dịch vụ giao nhận hàng hoá quy định tại Điều 163 của Luật này.
Điều 166. Việc đảm nhận vận chuyển hàng hoá
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá khi đảm nhận việc vận chuyển hàng hoá thì phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành về vận tải.
Điều 167. Quyền và nghĩa vụ của người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được hưởng tiền công và các khoản thu nhập hợp lý khác;
2- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng;
3- Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;
4- Sau khi ký kết hợp đồng, nếu xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được toàn bộ hoặc một phần những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng biết để xin chỉ dẫn thêm;
5- Trong trường hợp hợp đồng không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.
Điều 168. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng
Khách hàng có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Lựa chọn người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đáp ứng với yêu cầu của mình;
2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;
3- Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá vi phạm hợp đồng;
4- Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá;
5- Thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác về hàng hoá cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá;
6- Đóng gói, ghi ký, mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đảm nhận công việc này;
7- Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí phát sinh cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn cuả khách hàng hoặc do lỗi của khách hàng gây ra;
8- Trả cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.
Điều 169. Các trường hợp miễn trách nhiệm
1- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng phát sinh trong những trường hợp sau đây:
a) Do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
b) Đã làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
c) Khách hàng đóng gói và ghi ký mã hiệu không phù hợp;
d) Do khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền thực hiện việc xếp, dỡ hàng hoá;
đ) Do khuyết tật của hàng hoá;
e) Do có đình công;
g) Các trường hợp bất khả kháng.
2- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ khách hàng được hưởng, về sự chậm trễ hoặc giao nhận hàng sai địa chỉ mà không phải do lỗi của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 170. Giới hạn trách nhiệm
1- Trách nhiệm của người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá trong mọi trường hợp không vượt quá giá trị hàng hoá, trừ khi các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng.
2- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không được miễn trách nhiệm nếu không chứng minh được việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng không phải do lỗi của mình gây ra.
3- Tiền bồi thường được tính trên cơ sở giá trị hàng hoá ghi trên hoá đơn và các khoản tiền khác có chứng từ hợp lệ. Nếu trong hoá đơn không ghi giá trị hàng hoá thì tiền bồi thường được tính theo giá trị của loại hàng đó tại nơi và thời điểm mà hàng được giao cho khách hàng theo giá thị trường; nếu không có giá thị trường thì tính theo giá thông thường của hàng cùng loại và cùng chất lượng.
4- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày giao hàng, không tính ngày chủ nhật và ngày lễ;
b) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo bằng văn bản về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Điều 171. Quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá
1- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có quyền cầm giữ số hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến hàng hoá để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng và thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.
2- Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày cầm giữ hàng hoá hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có quyền định đoạt hàng hoá hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật và phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng; mọi chi phí cầm giữ và định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu.
3- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan. Số tiền còn lại phải được chuyển trả cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá hết trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.
4- Trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng, quyền định đoạt hàng hoá của người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá quy định tại khoản 2 Điều này phát sinh ngay khi có bất kỳ khoản nợ nào của khách hàng, với điều kiện người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đã thông báo cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá.
Mục 11: DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ
Điều 172. Dịch vụ giám định hàng hoá
Giám định hàng hoá là hành vi thương mại do một tổ chức giám định độc lập thực hiện để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Điều 173. Các tổ chức giám định hàng hoá
1- Chỉ các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định hàng hoá.
2- Các tổ chức giám định nước ngoài chỉ được thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá tại Việt Nam khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoặc được thành lập Chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 174. Nội dung giám định hàng hoá
Giám định hàng hoá gồm giám định về số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì, giá trị hàng hoá, tổn thất, an toàn, vệ sinh và các yêu cầu khác.
Điều 175. Giám định hàng hoá theo yêu cầu của các bên
Hàng hoá được giám định theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá; trong trường hợp hợp đồng không có quy định thì các bên có quyền lựa chọn tổ chức giám định.
Điều 176. Giám định hàng hoá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước
Tổ chức giám định hàng hoá có nghĩa vụ thực hiện việc giám định hàng hoá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước phù hợp với lĩnh vực kinh doanh và được cơ quan yêu cầu giám định trả phí giám định.
Điều 177. Quyền và nghĩa vụ của bên yêu cầu giám định hàng hoá
Bên yêu cầu giám định hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu tổ chức giám định thực hiện việc giám định hàng hoá theo nội dung đã thoả thuận;
2- Yêu cầu giám định lại nếu nghi ngờ kết quả giám định; trong trường hợp tổ chức giám định cấp chứng thư giám định sai, thì có quyền đòi tiền phạt;
3- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu cần thiết cho tổ chức giám định khi có yêu cầu;
4- Trả phí giám định theo thoả thuận.
Điều 178. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định hàng hoá
Tổ chức giám định hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Giám định độc lập, khách quan, kịp thời, chính xác;
3- Nhận phí giám định theo thoả thuận;
4- Trả tiền phạt trong trường hợp giám định sai theo thoả thuận giữa hai bên, mức phạt không được quá mười lần phí giám định.
Điều 179. Uỷ quyền giám định hàng hoá
Trường hợp các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá thoả thuận thuê tổ chức giám định nước ngoài thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá mà tổ chức đó chưa được phép hoạt động tại Việt Nam, thì tổ chức giám định nước ngoài đó được ủy quyền cho tổ chức giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá, nhưng phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định.
Khuyến mại là hành vi thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc bán hàng, cung ứng dịch vụ trong phạm vi kinh doanh của thương nhân bằng cách dành những lợi ích nhất định cho khách hàng.
Điều 181. Các hình thức khuyến mại
1- Các hình thức khuyến mại gồm:
a) Đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
b) Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền;
c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại;
d) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng hoặc các hình thức khác để được trúng thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
đ) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
e) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo vé số dự thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
2- Ngoài các hình thức khuyến mại quy định tại khoản 1 Điều này, thương nhân được thực hiện các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại chấp thuận.
Điều 182. Hàng hoá dùng để khuyến mại
Hàng hoá được thương nhân dùng để tặng, thưởng cho khách hàng, gửi cho khách hàng dùng thử trong hoạt động khuyến mại phải là hàng được phép lưu thông trên thị trường.
Điều 183. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại
1- Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có những quyền sau đây:
a) Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại;
b) Quy định các lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng;
c) Uỷ quyền cho đại lý thực hiện hoạt động khuyến mại.
2- Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có những nghĩa vụ sau đây:
a) Thông báo bằng văn bản về thời gian, hình thức khuyến mại cho cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức khuyến mại trước khi thực hiện việc khuyến mại.
Trong trường hợp áp dụng hình thức khuyến mại quy định tại điểm e khoản 1 Điều 181 của Luật này thì phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Thông báo công khai các hình thức và thời gian khuyến mại tại nơi bán hàng, cung ứng dịch vụ;
c) Thực hiện đúng các cam kết với khách hàng.
Điều 184. Bảo đảm bí mật thông tin về chương trình, nội dung khuyến mại
Khi nhận được thông báo về tổ chức khuyến mại của thương nhân, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải tuyệt đối giữ bí mật chương trình, nội dung khuyến mại; nếu việc tiết lộ gây thiệt hại cho thương nhân thì bên bị hại có quyền khiếu nại đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Điều 185. Các hoạt động khuyến mại bị cấm
Cấm các hoạt động khuyến mại sau đây:
1- Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hoá chưa được phép lưu thông;
2- Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
3- Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại tới sản xuất, lợi ích và sức khoẻ con người, làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường;
4- Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan, tổ chức và đơn vị vũ trang nhân dân;
5- Khuyến mại các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá với các đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi;
6- Hứa hẹn tặng phẩm, giải thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
Điều 186. Quảng cáo thương mại
Quảng cáo thương mại là hành vi thương mại của thương nhân nhằm giới thiệu hàng hoá, dịch vụ để xúc tiến thương mại.
Điều 187. Quyền quảng cáo thương mại
Thương nhân có quyền quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.
Điều 188. Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại
1- Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho các thương nhân khác.
2- Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, có yêu cầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3- Chính phủ quy định các điều kiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại.
Điều 189. Sản phẩm quảng cáo thương mại
Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, âm thanh, chữ viết, biểu tượng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.
Điều 190. Phương tiện quảng cáo thương mại
Phương tiện quảng cáo thương mại là các công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại.
Phương tiện quảng cáo thương mại gồm:
1- Các phương tiện thông tin đại chúng;
2- Các phương tiện truyền tin;
3- Các loại ấn phẩm;
4- Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp phích;
5- Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.
Điều 191. Bảo hộ sản phẩm quảng cáo thương mại và hoạt động quảng cáo thương mại hợp pháp
1- Thương nhân có quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm quảng cáo thương mại do mình sáng tạo ra theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
2- Nhà nước bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi đối với các thương nhân hoạt động quảng cáo thương mại hợp pháp.
Điều 192. Các quảng cáo thương mại bị cấm
Các quảng cáo thương mại bị cấm gồm:
1- Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo;
2- Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép kinh doanh trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo;
3- Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân và các thương nhân khác;
4- Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật;
5- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác hoặc bắt chước sản phẩm quảng cáo của một thương nhân khác, gây nhầm lẫn cho khách hàng;
6- Quảng cáo sai với sự thật của hàng hoá, dịch vụ về một trong các nội dung sau: quy cách, chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành.
Điều 193. Sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại
1- Việc sử dụng các phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 190 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
2- Việc sử dụng các phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Tuân thủ quy hoạch về quảng cáo; không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;
b) Đúng với mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 194. Quảng cáo thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
1- Thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam được quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phù hợp với các quy định của Luật này.
2- Thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam muốn quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.
Điều 195. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại
1- Việc thuê dịch vụ quảng cáo thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng;
2- Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ các bên ký kết hợp đồng;
b) Sản phẩm quảng cáo thương mại;
c) Phương thức, phương tiện quảng cáo thương mại;
d) Thời gian, phạm vi quảng cáo thương mại;
đ) Phí dịch vụ, các chi phí khác có liên quan.
Điều 196. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo thương mại
Bên thuê quảng cáo thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Lựa chọn hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời hạn quảng cáo thương mại;
2- Cung cấp thông tin trung thực, chính xác về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;
3- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại;
4- Trả phí dịch vụ quảng cáo theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Điều 197. Quyền và nghĩa vụ của bên làm dịch vụ quảng cáo thương mại
Bên làm dịch vụ quảng cáo thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Ký kết hợp đồng với bên thuê quảng cáo thương mại phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép sử dụng phương tiện quảng cáo;
2- Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và theo đúng thời hạn của hợp đồng;
3- Thực hiện dịch vụ quảng cáo thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng;
4- Được nhập khẩu vật tư, nguyên liệu và các sản phẩm quảng cáo thương mại cần thiết cho hoạt động dịch vụ quảng cáo của mình theo quy định của pháp luật;
5- Nhận phí dịch vụ quảng cáo theo thoả thuận trong hợp đồng.
Mục 14: TRƯNG BÀY GIỚI THIỆU HÀNG HOÁ
Điều 198. Trưng bày giới thiệu hàng hoá
Trưng bày giới thiệu hàng hoá là hành vi thương mại của thương nhân dùng hàng hoá để giới thiệu, quảng cáo với khách hàng về sản phẩm, hàng hoá của mình nhằm xúc tiến thương mại.
Điều 199. Các hình thức trưng bày giới thiệu hàng hoá
1- Mở phòng trưng bày giới thiệu hàng hoá.
2- Tổ chức giới thiệu hàng hoá dưới các hình thức tại các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm thương mại hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật.
3- Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày giới thiệu hàng hoá.
Điều 200. Điều kiện đối với hàng hoá trưng bày giới thiệu
1- Hàng hoá trưng bày giới thiệu là những hàng mẫu đại diện cho hàng hoá của thương nhân, gồm hàng đã lưu thông, hàng mới sản xuất được phép lưu thông trên thị trường.
2- Hàng hoá trưng bày giới thiệu phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và không phương hại đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
3- Hàng hoá trưng bày giới thiệu phải có nhãn sản phẩm ghi rõ tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, nơi sản xuất, số đăng ký chất lượng, các đặc tính và cách sử dụng của hàng hoá, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo hành nếu có.
Điều 201. Điều kiện đối với hàng hoá sản xuất tại nước ngoài
Hàng hoá sản xuất tại nước ngoài đưa vào trưng bày giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc áp dụng quy định tại Điều 200 của Luật này còn phải có các điều kiện sau đây:
1- Là loại hàng được phép nhập khẩu vào Việt Nam;
2- Đối với hàng tạm nhập khẩu để trưng bày giới thiệu thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép về mặt hàng, số lượng, mẫu mã, chủng loại và thời hạn. Khi kết thúc việc trưng bày giới thiệu, toàn bộ hàng hoá, phương tiện đã tạm nhập khẩu phải được tái xuất khẩu; nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải được Bộ thương mại Việt Nam chấp thuận và phải chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 202. Quyền trưng bày giới thiệu hàng hoá và kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá
1- Thương nhân có quyền trưng bày giới thiệu hàng hoá, lựa chọn các hình thức trưng bày giới thiệu phù hợp; tự mình tổ chức hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá để trưng bày giới thiệu hàng hoá của mình.
2- Các cơ sở hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật có địa điểm, phương tiện thích hợp có thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cho thuê địa điểm, phương tiện để trưng bày giới thiệu hàng hoá; nếu trực tiếp làm dịch vụ tổ chức trưng bày giới thiệu hàng hoá thì phải đăng ký kinh doanh như đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá.
Điều 203. Quyền trưng bày giới thiệu hàng hoá của thương nhân nước ngoài
1- Thương nhân nước ngoài được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam được đưa hàng hoá theo quy định tại Điều 201 của Luật này vào Việt Nam để trưng bày giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam.
2- Thương nhân nước ngoài trưng bày giới thiệu hàng hoá tại Việt Nam có thể thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá của Việt Nam thực hiện.
Điều 204. Các trường hợp cấm trưng bày giới thiệu hàng hoá
Cấm trưng bày giới thiệu hàng hoá trong những trường hợp sau đây:
1- Trưng bày giới thiệu hàng hoá chưa được phép lưu thông;
2- Tổ chức trưng bày giới thiệu hàng hoá hoặc sử dụng các phương tiện trưng bày giới thiệu hàng hoá làm phương hại đến an ninh, trật tự công cộng, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người;
3- Trưng bày giới thiệu hàng hoá hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
4- Trưng bày giới thiệu hàng hoá làm lộ bí mật quốc gia;
5- Trưng bày hàng hoá của người khác để so sánh với hàng hoá của mình;
6- Trưng bày giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh về quy cách, chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn bảo hành và các tiêu chuẩn khác.
Điều 205. Hợp đồng dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá
1- Việc thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ bên thuê dịch vụ và bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá;
b) Hàng hoá trưng bày giới thiệu;
c) Nội dung, hình thức, địa điểm, thời gian trưng bày giới thiệu hàng hoá;
d) Phí dịch vụ, các chi phí khác.
Điều 206. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá
Bên thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá thực hiện thoả thuận trong hợp đồng;
2- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng trưng bày giới thiệu hàng hoá;
3- Cung cấp đầy đủ hàng hoá trưng bày giới thiệu hoặc phương tiện cho bên làm dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;
4- Cung cấp thông tin về hàng hoá trưng bày giới thiệu, phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Trả phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng.
Điều 207. Quyền và nghĩa vụ của bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá
Bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá trưng bày giới thiệu theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
2- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá trưng bày giới thiệu và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận;
3- Nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng;
4- Thực hiện việc trưng bày giới thiệu hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Không được chuyển giao hoặc thuê người khác thực hiện dịch vụ nếu không có sự chấp thuận của bên thuê dịch vụ; trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm với bên thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá;
6- Bảo quản hàng hoá trưng bày giới thiệu, các tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc việc trưng bày giới thiệu hàng hoá, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày giới thiệu cho bên thuê dịch vụ, nếu gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
Mục 15: HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
Điều 208. Hội chợ, triển lãm thương mại
1- Hội chợ thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại tập trung trong một thời gian và địa điểm nhất định, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được trưng bày hàng hoá của mình nhằm mục đích tiếp thị, ký kết hợp đồng mua bán hàng.
2- Triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc trưng bày hàng hoá, tài liệu về hàng hoá để giới thiệu, quảng cáo nhằm mở rộng và thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hoá.
3- Các hội chợ, triển lãm thương mại phải xác định rõ chủ đề, quy mô, thời gian, địa điểm tiến hành, danh mục hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, tên, địa chỉ các tổ chức, cá nhân tham gia.
Điều 209. Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
Tất cả các hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam, kể cả hội chợ, triển lãm thương mại do các thương nhân nước ngoài tổ chức, phải được Bộ thương mại Việt Nam cho phép.
Điều 210. Quyền tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
1- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở trong nước và nước ngoài để xúc tiến thương mại.
2- Tổ chức, cá nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở trong nước và nước ngoài phải thành lập Ban tổ chức theo quy định được ghi trong giấy phép do Bộ thương mại cấp.
3- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam có thể ký hợp đồng thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện việc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
Điều 211. Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam khi tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài phải được sự chấp thuận của Bộ thương mại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.
Điều 212. Hàng cấm bán tại hội chợ, triển lãm thương mại
Hàng cấm bán tại hội chợ, triển lãm thương mại là những hàng chưa có đăng ký chất lượng, nhãn hiệu.
Điều 213. Đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải đăng ký với Ban tổ chức của từng hội chợ, triển lãm thương mại.
Điều 214. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
Tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Trưng bày hàng hoá, tài liệu về hàng hoá của mình tại hội chợ, triển lãm thương mại theo danh mục đã đăng ký tham gia;
2- Giao dịch, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định của pháp luật;
3- Bán hàng tại hội chợ, triển lãm thương mại như đã đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; sau khi bán hàng tại hội chợ, triển lãm thương mại phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật;
4- Tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.
Điều 215. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được tạm nhập khẩu miễn thuế hàng hoá và tài liệu về hàng hoá để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại và phải tái xuất khẩu trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại;
2- Phải tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam;
3- Phải hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hoá, tài liệu về hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại;
4- Chỉ được bán hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại khi được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;
5- Khi dùng hàng hoá sử dụng vào mục đích hội chợ, triển lãm làm quà tặng, phải được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 216. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được tạm xuất khẩu miễn thuế hàng hoá và tài liệu về hàng hoá để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại;
2- Phải tuân thủ các quy định về việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài;
3- Trong trường hợp bán hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài, phải kê khai và nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam;
4- Khi dùng hàng hoá sử dụng vào mục đích hội chợ, triển lãm làm quà tặng phải được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 217. Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
1- Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
2- Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.
3- Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.
Điều 218. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
2- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận;
3- Nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng;
4- Thực hiện việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Không được chuyển giao hoặc thuê người khác thực hiện dịch vụ nếu không có sự chấp thuận của bên thuê dịch vụ; trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm với bên thuê dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại;
6- Bảo quản hàng hoá tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, các tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày giới thiệu cho bên thuê dịch vụ, nếu gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
Hành vi thương mại theo quy định của Luật này gồm:
1- Mua bán hàng hoá;
2- Đại diện cho thương nhân;
3- Môi giới thương mại;
4- Uỷ thác mua bán hàng hoá;
5- Đại lý mua bán hàng hoá;
6- Gia công trong thương mại;
7- Đấu giá hàng hoá;
8- Đấu thầu hàng hoá;
9- Dịch vụ giao nhận hàng hoá;
10- Dịch vụ giám định hàng hoá;
11- Khuyến mại;
12- Quảng cáo thương mại;
13- Trưng bày giới thiệu hàng hoá;
14- Hội chợ, triển lãm thương mại.
Mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua và nhận tiền; người mua có nghĩa vụ trả tiền cho người bán và nhận hàng theo thoả thuận của hai bên.
Chủ thể của quan hệ mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc một bên là thương nhân.
Đối tượng của mua bán hàng hoá là hàng hoá theo quy định của Luật này.
1- Việc mua bán hàng hoá được thực hiện trên cơ sở hợp đồng.
2- Hợp đồng mua bán hàng hoá được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
3- Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó; điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản.
Hợp đồng mua bán hàng hoá phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
1- Tên hàng;
2- Số lượng;
3- Quy cách, chất lượng;
4- Giá cả;
5- Phương thức thanh toán;
6- Địa điểm và thời hạn giao nhận hàng.
Ngoài các nội dung chủ yếu quy định tại Điều này, các bên có thể thoả thuận các nội dung khác trong hợp đồng.
1- Chào hàng là một đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong một thời hạn nhất định, được chuyển cho một hay nhiều người đã xác định và phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định tại Điều 50 của Luật này.
Chào hàng gồm chào bán hàng và chào mua hàng.
2- Chấp nhận chào hàng là thông báo của bên được chào hàng chuyển cho bên chào hàng về việc chấp thuận toàn bộ các nội dung đã nêu trong chào hàng.
1- Trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là từ chối chào hàng và hình thành một chào hàng mới.
2- Trong trường hợp bên được chào hàng sửa đổi, bổ sung nội dung chào hàng nhưng không làm thay đổi một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là chấp nhận chào hàng, trừ trường hợp người chào hàng từ chối ngay những sửa đổi, bổ sung đó.
1- Thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng bắt đầu từ thời điểm chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng đến hết thời hạn chấp nhận chào hàng.
Trong trường hợp không xác định thời hạn chấp nhận chào hàng thì thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng là ba mươi ngày, kể từ ngày chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng.
2- Thời hạn trách nhiệm của bên chấp nhận chào hàng bắt đầu từ thời điểm chấp nhận chào hàng được chuyển đi cho bên chào hàng.
Trong trường hợp bên chào hàng nhận được chấp nhận chào hàng sau khi hết thời hạn chấp nhận chào hàng thì chấp nhận đó không có hiệu lực, trừ trường hợp bên chào hàng thông báo ngay cho bên được chào hàng về việc chấp nhận của mình.
Hợp đồng mua bán hàng hoá được coi là đã ký kết kể từ thời điểm các bên có mặt ký vào hợp đồng.
Trong trường hợp các bên không cùng có mặt để ký hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hoá được coi là đã ký kết kể từ thời điểm bên chào hàng nhận được thông báo chấp nhận toàn bộ các điều kiện đã ghi trong chào hàng trong thời hạn trách nhiệm của người chào hàng.
Từ thời điểm hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết, mọi thư từ giao dịch và đàm phán trước đó về hợp đồng đều hết hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Các bên có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hoá theo trình tự và thủ tục phù hợp với từng loại hợp đồng.
Quyền sở hữu hàng hoá được chuyển từ người bán sang người mua kể từ thời điểm người bán giao hàng cho người mua, nếu hai bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác.
Trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hoá có thoả thuận điều kiện bắt buộc mà thiếu điều kiện này người bán không thể giao hàng cho người mua hoặc người mua không thể nhận hàng của người bán thì quyền sở hữu hàng hoá chỉ được chuyển từ người bán sang người mua khi điều kiện đó đã được thực hiện.
1- Người bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì và đúng thời hạn theo thoả thuận trong hợp đồng.
2- Trong trường hợp chất lượng hàng hoá không được xác định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng có chất lượng trung bình của loại hàng hoá đó được lưu thông trên thị trường tại thời điểm giao hàng.
3- Trong trường hợp bao bì hàng hoá không được quy định cụ thể trong hợp đồng thì người bán phải giao hàng với bao bì thường dùng cho loại hàng này. Bao bì phải bảo đảm an toàn hàng hoá trong quá trình vận chuyển, có tính đến khả năng chuyển tải trong điều kiện bốc dỡ thông thường và phải phù hợp với thời gian, phương tiện vận tải.
4- Người bán có thể uỷ quyền cho người thứ ba thực hiện nghĩa vụ giao hàng nếu được người mua chấp thuận. Trong trường hợp này, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm đối với người mua về việc giao hàng của người được uỷ quyền.
5- Người bán chỉ có thể giao hàng trước thời hạn, giao hàng từng phần khi có sự thoả thuận trong hợp đồng hoặc khi được người mua chấp thuận.
6- Người bán có nghĩa vụ giao các chứng từ liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng.
Trước khi giao hàng, người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hoá, chịu chi phí kiểm tra và cung cấp giấy chứng nhận chất lượng theo các điều kiện đã thoả thuận với người mua. Trong trường hợp không có thoả thuận cụ thể về việc kiểm tra thì người bán phải kiểm tra chất lượng hàng hoá theo các điều kiện thường được áp dụng đối với loại hàng hoá này.
1- Trong trường hợp hợp đồng mua bán có thoả thuận để người mua hoặc đại diện của người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi giao hàng thì người bán phải bảo đảm cho người mua hoặc đại diện của người mua có điều kiện tham dự việc kiểm tra.
2- Trong trường hợp người bán có thông báo cho người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng mà người mua hoặc đại diện của người mua vắng mặt thì người bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.
3- Trong trường hợp người mua hoặc đại diện người mua tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hoá, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá.
Người bán nhận tiền bán hàng theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán hàng hoá. Nếu người bán chậm nhận được hoặc không nhận được tiền bán hàng do lỗi của người mua thì người bán có quyền áp dụng các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Người bán được coi là hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sau khi đã giao hàng cho người vận chuyển theo các điều kiện giao hàng do hai bên thoả thuận.
1- Trong trường hợp người bán giao thừa hàng so với thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền từ chối hoặc nhận số hàng thừa. Nếu người mua từ chối thì người bán phải nhận lại số hàng thừa và chịu chi phí liên quan đến việc giải quyết số hàng thừa này. Nếu người mua nhận số hàng thừa thì người mua phải trả thêm tiền cho số hàng đó theo giá thoả thuận giữa hai bên.
2- Trong trường hợp người bán giao thiếu hàng so với thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền nhận và chỉ phải trả số tiền tương ứng với số lượng hàng đã nhận hoặc áp dụng các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
3- Trong trường hợp người bán giao hàng có lẫn loại hàng không được thoả thuận trong hợp đồng thì người mua có quyền từ chối nhận số hàng lẫn này.
4- Người bán không chịu trách nhiệm về việc giao thiếu hàng hoặc giao hàng lẫn chủng loại, người mua không chịu trách nhiệm về việc nhận thừa hàng nếu sau khi hàng hoá được giao nhận xong mà các bên không khiếu nại theo quy định tại các điều 75 và 241 của Luật này.
Trong trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá đó trong thời hạn bảo hành và phải chịu các chi phí về việc bảo hành nếu các bên không có thoả thuận khác.
1- Người bán có quyền ngừng giao hàng trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu người mua vi phạm điều khoản thanh toán đã thoả thuận trong hợp đồng thì người bán có quyền ngừng giao hàng cho đến khi người mua thực hiện xong việc thanh toán;
b) Nếu trước thời điểm giao hàng người mua bị tuyên bố phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì người bán có quyền không giao hàng và được định đoạt số hàng này.
2- Trong trường hợp người bán phải giữ lại và định đoạt hàng do lỗi của người mua quy định tại khoản 1 Điều này thì người mua phải chịu những thiệt hại và chi phí hợp lý có liên quan.
Người bán phải chịu trách nhiệm về việc hàng không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp người bán chứng minh được là mình không có lỗi.
Trường hợp hàng không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng, người bán phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thiệt hại phát sinh, dù người bán biết hoặc không biết về thiệt hại đó.
Người bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho người mua đối với hàng hoá đã bán để người mua không bị người thứ ba tranh chấp. Sau thời điểm chuyển quyền sở hữu, người bán không được có bất kỳ hành vi nào làm phương hại tới quyền sở hữu hàng hoá của người mua.
Trong trường hợp người bán đã nhận tiền bán hàng hoặc nhận tiền ứng trước của người mua nhưng không thực hiện nghĩa vụ giao hàng thì người bán phải hoàn trả lại cho người mua số tiền bán hàng đã nhận hoặc tiền ứng trước, kể cả trong trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 77 của Luật này.
1- Người mua phải thực hiện các công việc cần thiết để người bán giao hàng, kể cả việc hướng dẫn gửi hàng.
2- Người mua phải nhận hàng và thanh toán tiền mua hàng theo thoả thuận trong hợp đồng.
3- Người mua phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hoá xảy ra sau thời điểm quyền sở hữu hàng hoá đã được chuyển từ người bán sang người mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của người bán gây ra.
1- Người mua có quyền chưa thanh toán toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu khi nhận hàng phát hiện thấy hàng bị hư hỏng, có khuyết tật và chỉ thanh toán khi người bán đã khắc phục những hư hỏng, khuyết tật đó, trừ trường hợp trong hợp đồng có thoả thuận khác.
2- Người mua có quyền giữ lại toàn bộ hoặc một phần tiền mua hàng nếu có bằng chứng về việc người bán lừa gạt hoặc không có khả năng giao hàng hoặc hàng này đang là đối tượng tranh chấp giữa người bán với người thứ ba cho đến khi các tình trạng này đã được giải quyết xong.
Thời hạn mà người mua phải thanh toán tiền mua hàng do hai bên thoả thuận căn cứ vào thời gian và phương thức giao hàng.
Người mua có quyền kiểm tra hàng tại nơi hàng đến trong một thời hạn hợp lý phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hoá theo hợp đồng.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thời hạn thông báo về hàng hoá không phù hợp với hợp đồng, người mua phải thông báo cho người bán về việc hàng không phù hợp này trong thời hạn đã thoả thuận; nếu hết thời hạn mà người mua không thông báo cho người bán thì mất quyền khiếu nại.
Người mua phải chịu rủi ro đối với hàng hoá trên đường vận chuyển kể từ thời điểm quyền sở hữu hàng hoá được chuyển từ người bán sang người mua nếu không phải do lỗi của người bán hoặc của người vận chuyển.
1- Các bên được miễn trách nhiệm về việc không thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm đó.
2- Các bên được miễn trách nhiệm về việc không thực hiện một phần hay toàn bộ nghĩa vụ hợp đồng nếu việc không thực hiện này do trường hợp bất khả kháng gây ra.
Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được.
3- Bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng có trách nhiệm chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
1- Bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể có; khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia biết; nếu không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại nếu có.
2- Các trường hợp bất khả kháng phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận.
1- Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không thoả thuận thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá năm tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận không quá mười hai tháng; không được kéo dài quá tám tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi ký kết hợp đồng. Quá các thời hạn này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền đòi bên kia bồi thường thiệt hại.
2- Trong trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
3- Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán có thời hạn giao hàng cố định.
Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài.
Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
1- Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý.
Chủ thể bên nước ngoài là thương nhân và tư cách pháp lý của họ được xác định căn cứ theo pháp luật của nước mà thương nhân đó mang quốc tịch.
Chủ thể bên Việt Nam phải là thương nhân được phép hoạt động thương mại trực tiếp với nước ngoài;
2- Hàng hoá theo hợp đồng là hàng hoá được phép mua bán theo quy định của pháp luật của nước bên mua và nước bên bán;
3- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá quy định tại Điều 50 của Luật này;
4- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải được lập thành văn bản.
1- Người đại diện cho thương nhân là một thương nhân nhận uỷ nhiệm của một thương nhân khác để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.
2- Người được đại diện là thương nhân uỷ nhiệm cho thương nhân khác làm người đại diện cho mình.
3- Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho chính mình thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.
Các bên có thể thoả thuận về việc người đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của người được đại diện.
1- Việc làm đại diện cho thương nhân phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng đại diện phải được lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Phạm vi đại diện;
c) Thời hạn đại diện;
d) Mức thù lao;
đ) Thoả thuận về hạn chế cạnh tranh.
Người đại diện cho thương nhân có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của người được đại diện;
2- Thông báo cho người được đại diện về các cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ nhiệm;
3- Tuân thủ những chỉ dẫn của người được đại diện, trừ trường hợp chỉ dẫn đó vi phạm các quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với hợp đồng đại diện;
4- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
5- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của người được đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi hợp đồng đại diện chấm dứt;
6- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện;
7- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người được đại diện.
Người được đại diện có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thông báo ngay cho người đại diện về việc ký kết hợp đồng mà người đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà người đại diện đã ký kết, việc chấp nhận hoặc không chấp nhận hợp đồng mà người đại diện đã ký không đúng thẩm quyền;
2- Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để người đại diện thực hiện hoạt động đại diện;
3- Trả thù lao cho người đại diện theo thoả thuận trong hợp đồng đại diện;
4- Thông báo kịp thời cho người đại diện về khả năng không ký hoặc không thực hiện được các hợp đồng trong phạm vi đại diện;
5- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người đại diện trong trường hợp người đại diện chứng minh được việc người được đại diện đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Điều này.
1- Người đại diện được hưởng thù lao đối với các hợp đồng được ký kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.
2- Mức thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng được ký kết trong phạm vi đại diện hoặc một số tiền nhất định do các bên thoả thuận.
3- Trường hợp người được đại diện giao cho người đại diện một hoặc một số nghĩa vụ ngoài hợp đồng đại diện đã ký thì phải được sự chấp thuận của người đại diện. Trong trường hợp này, người đại diện có quyền yêu cầu được hưởng thêm thù lao ngoài mức thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì người đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các khoản chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đại diện.
Người đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.
Các bên có thể thoả thuận người đại diện không được thực hiện các hoạt động thương mại cạnh tranh với người được đại diện và không được làm đại diện cho đối thủ cạnh tranh của người được đại diện.
1- Trong trường hợp hợp đồng đại diện không xác định thời hạn cụ thể, thì các bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện nhưng phải thông báo cho bên kia biết chậm nhất là sáu mươi ngày trước khi chấm dứt hợp đồng đại diện.
2- Trong trường hợp người được đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì người đại diện có quyền yêu cầu người được đại diện trả một khoản thù lao do việc người được đại diện ký kết các hợp đồng với các khách hàng mà người đại diện đã giao dịch.
3- Trong trường hợp người đại diện đơn phương chấm dứt hợp đồng đại diện thì người đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng.
Người môi giới thương mại là thương nhân làm trung gian cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.
1- Việc môi giới thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng môi giới phải được lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Nội dung cụ thể về việc môi giới;
c) Mức thù lao;
d) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng môi giới.
Người môi giới thương mại có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện việc môi giới trung thực;
2- Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho người được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
3- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của người được môi giới;
4- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho các bên được môi giới;
5- Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.
Người môi giới không được tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của người được môi giới.
Quyền hưởng thù lao của người môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng.
Người môi giới có quyền yêu cầu người được môi giới thanh toán các chi phí hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả trong trường hợp việc môi giới không mang lại kết quả cho các bên được môi giới.
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó bên được uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận phí uỷ thác.
Bên được uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên được uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả phí uỷ thác.
Các hàng hoá được lưu thông đều được uỷ thác mua bán.
Phí uỷ thác mua bán hàng hoá do hai bên thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
1- Việc uỷ thác mua bán hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Hàng hoá được uỷ thác mua bán;
c) Số lượng, chất lượng, quy cách, giá cả và các điều kiện cụ thể khác;
d) Phí uỷ thác;
đ) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng uỷ thác.
Bên được uỷ thác không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác.
Bên được uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau.
Bên được uỷ thác mua bán hàng hoá có những nghĩa vụ sau đây:
1- Thực hiện mua bán hàng hoá theo hợp đồng uỷ thác;
2- Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác; trong trường hợp có chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với hợp đồng uỷ thác thì bên được uỷ thác phải tuân theo chỉ dẫn đó;
3- Bảo quản, giữ gìn tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
4- Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
5- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác.
Bên được uỷ thác có những quyền sau đây:
1- Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Nhận phí uỷ thác theo thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác;
3- Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã giao cho bên uỷ thác, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác;
4- Yêu cầu bên uỷ thác bồi thường thiệt hại do họ gây ra.
Bên uỷ thác có những nghĩa vụ sau đây:
1- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Trả phí uỷ thác;
3- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng uỷ thác của bên thứ ba trong trường hợp chấp thuận việc uỷ thác lại theo quy định tại Điều 105 của Luật này;
4- Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng uỷ thác.
Bên uỷ thác có những quyền sau đây:
1- Yêu cầu bên được uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
2- Khiếu nại đòi bên được uỷ thác bồi thường thiệt hại do bên được uỷ thác gây ra.
Đại lý mua bán hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh mình mua hoặc bán hàng hoá cho bên giao đại lý để hưởng thù lao.
Hàng hoá của đại lý mua bán phải phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các bên.
1- Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua.
2- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán hoặc nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua.
Thù lao đại lý là khoản tiền do bên giao đại lý trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
Mức thù lao đại lý do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại lý.
Đại lý mua hàng là việc bên đại lý nhận tiền của bên giao đại lý để mua hàng theo yêu cầu của bên giao đại lý và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.
Đại lý bán hàng là việc bên đại lý nhận hàng của bên giao đại lý để bán và hưởng thù lao do bên giao đại lý trả trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.
1- Đại lý hoa hồng là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng theo giá mua, giá bán do bên giao đại lý ấn định để được hưởng hoa hồng. Mức hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm do các bên thoả thuận trên giá mua, giá bán hàng hoá.
2- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng theo giá do bên giao đại lý ấn định để được hưởng thù lao. Mức thù lao được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá do bên giao đại lý ấn định.
3- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng.
4- Tổng đại lý mua bán hàng hoá là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Việc thanh toán tiền hàng và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng xác định nếu các bên không có thoả thuận khác.
1- Việc làm đại lý mua bán hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Hàng hoá đại lý;
c) Hình thức đại lý;
d) Thù lao đại lý;
đ) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý.
Bên giao đại lý có những quyền sau đây:
1- Lựa chọn bên đại lý, hình thức đại lý;
2- Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá đại lý;
3- Nhận ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp của bên đại lý nếu có thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
4- Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
5- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý;
6- Được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp do hoạt động đại lý mang lại.
Bên giao đại lý có những nghĩa vụ sau đây:
1- Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
2- Thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đại lý;
3- Chịu trách nhiệm về chất lượng, quy cách hàng giao đối với đại lý bán hoặc hàng nhận đối với đại lý mua trong hợp đồng đại lý, nếu bên đại lý không có lỗi;
4- Trả thù lao cho bên đại lý;
5- Hoàn trả cho bên đại lý tiền ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp (nếu có) khi kết thúc hợp đồng;
6- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lựa chọn, sử dụng bên đại lý và liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên đại lý vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên giao đại lý gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
Bên đại lý có những quyền sau đây:
1- Lựa chọn và ký kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý;
2- Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tiền ký quỹ hoặc giấy tờ về tài sản thế chấp nếu có khi kết thúc hợp đồng đại lý;
3- Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
4- Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Bên đại lý có những nghĩa vụ sau đây:
1- Mua, bán hàng theo giá do bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
2- Thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đại lý về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3- Ký quỹ hoặc thế chấp tài sản nếu có cho bên giao đại lý theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý;
4- Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua;
5- Ghi tên thương mại, biển hiệu của bên giao đại lý và tên hàng hoá đại lý tại địa điểm mua bán hàng;
6- Bảo quản hàng hoá, chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, quy cách hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua theo hợp đồng đại lý;
7- Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
8- Chịu trách nhiệm trước bên giao đại lý và trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng đại lý.
Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá chỉ có hiệu lực khi được các bên chấp thuận và lập thành văn bản.
Một bên của hợp đồng đại lý chỉ được chuyển quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đại lý cho bên thứ ba nếu được bên kia chấp thuận.
Hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1- Hợp đồng đã được thực hiện xong hoặc hết thời hạn hiệu lực;
2- Các bên thoả thuận bằng văn bản chấm dứt hợp đồng trước khi hết thời hạn hiệu lực;
3- Hợp đồng bị vô hiệu khi nội dung hợp đồng hoặc việc thực hiện hợp đồng trái với quy định của pháp luật;
4- Một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thoả thuận;
5- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Việc đại lý mua bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài do Chính phủ quy định.
Gia công trong thương mại là hành vi thương mại, theo đó bên nhận gia công thực hiện việc gia công hàng hoá theo yêu cầu, bằng nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để hưởng tiền gia công; bên đặt gia công nhận hàng hoá đã gia công để kinh doanh thương mại và phải trả tiền gia công cho bên nhận gia công.
Nội dung gia công trong thương mại gồm sản xuất, chế biến, chế tác, sửa chữa, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng hoá theo yêu cầu và bằng nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công.
1- Bên nhận gia công là bên nhận thực hiện việc gia công hàng hoá để hưởng tiền gia công.
2- Bên đặt gia công là bên thuê gia công hàng hoá để kinh doanh thương mại.
1- Việc gia công trong thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng.
Hợp đồng gia công trong thương mại phải được lập thành văn bản giữa bên nhận gia công và bên đặt gia công.
2- Nội dung hợp đồng gia công trong thương mại, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công và bên đặt gia công được áp dụng theo các quy định về hợp đồng gia công của Bộ luật dân sự.
Gia công với thương nhân nước ngoài là việc gia công trong thương mại, theo đó bên đặt gia công, bên nhận gia công là thương nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú thường xuyên tại các nước khác nhau nhưng phải có một bên là thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Các mặt hàng được phép gia công và các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu xuất khẩu, nhập khẩu cần thiết cho việc gia công với thương nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và tập quán thương mại quốc tế nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.
1- Các bên gia công được quyền trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho việc gia công và các mặt hàng đã gia công theo định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng loại hàng gia công.
2- Việc xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc chuyển giao công nghệ trong gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng gia công phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá gia công.
Bên đặt gia công có quyền cử đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công theo thoả thuận giữa các bên.
Thuế đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho việc gia công và các loại hàng gia công theo định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.
Thương nhân là pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá.
Việc thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá hàng hoá được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Quy chế bán đấu giá hàng hoá do Chính phủ quy định.
Đấu thầu hàng hoá là việc mua hàng thông qua mời thầu nhằm lựa chọn thương nhân dự thầu đáp ứng được các yêu cầu về giá cả, điều kiện kinh tế - kỹ thuật do bên mời thầu đặt ra.
Bên mời thầu là chủ sở hữu vốn hoặc người được giao quyền sử dụng vốn để mua hàng.
Bên dự thầu là thương nhân trong nước hoặc thương nhân nước ngoài có đủ điều kiện dự thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên trúng thầu là bên được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng với bên mời thầu.
1- Đấu thầu hàng hoá gồm đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế.
Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu và thông báo công khai các điều kiện dự thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số bên có điều kiện tốt nhất tham gia dự thầu.
2- Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định. Trong trường hợp đấu thầu hàng hoá bằng nguồn vốn của Nhà nước, thì Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hình thức đấu thầu.
1- Sơ tuyển các bên dự thầu là biện pháp của bên mời thầu áp dụng đối với các hợp đồng mua hàng có giá trị lớn và phức tạp nhằm lựa chọn những bên dự thầu có khả năng đáp ứng các điều kiện mà bên mời thầu đưa ra.
2- Trình tự và thủ tục sơ tuyển do bên mời thầu quy định phải đáp ứng được các điều kiện của việc đấu thầu.
Thương nhân dự thầu phải có những điều kiện sau đây:
1- Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành hàng đấu thầu;
2- Đủ năng lực chuyên môn và điều kiện về tài chính để dự thầu;
3- Hồ sơ dự thầu theo đúng quy định mà bên mời thầu đưa ra.
Bên mời thầu có trách nhiệm quản lý hồ sơ dự thầu
1- Bên mời thầu tổ chức tiếp nhận, vào sổ, niêm phong, quản lý và bảo đảm giữ bí mật hồ sơ dự thầu.
2- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan trong suốt quá trình đấu thầu.
1- Các bên dự thầu không được sửa đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã mở thầu.
Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu làm rõ các vấn đề có liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu của bên mời thầu cũng như những ý kiến trả lời của bên dự thầu đều phải lập thành văn bản.
2- Trong trường hợp bên mời thầu sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải gửi nội dung đã sửa đổi bằng văn bản tới tất cả các bên dự thầu trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu ít nhất là mười ngày để các bên dự thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu của mình.
Tiền bỏ thầu là đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ chuyển đổi do bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tỷ giá quy đổi được tính theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm mở thầu.
Hồ sơ mời thầu gồm:
1- Thông báo mời thầu;
2- Mẫu đơn dự thầu;
3- Các yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá;
4- Điều kiện và tiến độ giao hàng;
5- Các điều kiện về tài chính, thương mại, thể thức thanh toán;
6- Mẫu hợp đồng đấu thầu;
7- Mẫu ký quỹ dự thầu;
8- Mẫu ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng;
9- Những chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu.
Chi phí về việc cung cấp hồ sơ cho bên dự thầu do bên mời thầu quy định.
1- Thông báo mời thầu phải phù hợp với hình thức đấu thầu.
2- Thông báo mời thầu gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của bên mời thầu;
b) Mô tả tóm tắt về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá đấu thầu;
c) Điều kiện dự thầu;
d) Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu;
đ) Thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu;
e) Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.
Bên mời thầu có trách nhiệm chỉ dẫn cho các bên dự thầu về các điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp các câu hỏi của bên dự thầu.
Bên dự thầu phải nộp tiền ký quỹ dự thầu khi nộp hồ sơ dự thầu. Tỷ lệ tiền ký quỹ dự thầu do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hoá đấu thầu.
Trong một số trường hợp, bên mời thầu có thể quy định một số tiền ký quỹ dự thầu thống nhất để bảo đảm bí mật về mức giá dự thầu của các bên dự thầu.
Bên mời thầu quy định hình thức, điều kiện ký quỹ và ngân hàng nhận ký quỹ dự thầu. Tiền ký quỹ dự thầu sẽ được trả lại cho bên dự thầu không trúng thầu trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày công bố kết quả đấu thầu.
Bên dự thầu không được nhận lại tiền ký quỹ dự thầu trong trường hợp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng, từ chối thực hiện hợp đồng hoặc rút đơn dự thầu sau thời điểm đóng thầu.
Bên trúng thầu phải nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng. Số tiền ký quỹ do hai bên thoả thuận, nhưng không được quá 10% giá trị hợp đồng. Ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng có hiệu lực cho đến thời điểm thực hiện xong hợp đồng. Bên trúng thầu được nhận lại tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng khi thanh lý hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Sau khi nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng, bên trúng thầu được hoàn trả tiền ký quỹ dự thầu.
1- Mở thầu là việc mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định. Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn phải được bên mời thầu mở công khai. Các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.
2- Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở.
Khi mở thầu, bên mời thầu và các bên dự thầu có mặt phải ký vào biên bản mở thầu.
Biên bản mở thầu phải ghi rõ tên hàng hoá đấu thầu; ngày, giờ, địa điểm mở thầu; tên, địa chỉ của các bên dự thầu; giá bỏ thầu; ký quỹ dự thầu; các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chi tiết khác có liên quan, nếu có.
Việc xét hồ sơ dự thầu khi mở thầu gồm:
1- Xét tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;
2- Kiểm tra điều kiện dự thầu của các bên dự thầu;
3- Bên mời thầu yêu cầu các bên dự thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu và lập thành văn bản.
1- Các hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn để đánh giá toàn diện.
Các tiêu chuẩn để đánh giá gồm chất lượng, năng lực tài chính và chuyên môn của bên dự thầu, giá cả, tiến độ thực hiện, chuyển giao công nghệ, đào tạo và những tiêu chuẩn cần thiết khác.
2- Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm hoặc phương pháp khác đã được ấn định trước khi mở thầu.
1- Căn cứ vào kết quả đánh giá các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu xếp hạng các bên dự thầu theo phương pháp đã được ấn định.
2- Trong trường hợp các bên tham gia dự thầu Việt Nam và nước ngoài có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì ưu tiên cho bên dự thầu Việt Nam.
3- Trong trường hợp các bên dự thầu nước ngoài có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì ưu tiên cho bên dự thầu nước ngoài cam kết ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ Việt Nam.
4- Trong trường hợp đấu thầu hàng hoá bằng nguồn vốn của Nhà nước thì việc lựa chọn bên trúng thầu phải được Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đấu thầu lại được tổ chức trong những trường hợp sau đây:
1- Khi có sự vi phạm các quy định về đấu thầu;
2- Khi các bên dự thầu đều không đạt yêu cầu đấu thầu.
Dịch vụ giao nhận hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá nhận hàng từ người gửi, tổ chức việc vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm các thủ tục giấy tờ và các dịch vụ khác có liên quan để giao hàng cho người nhận theo sự uỷ thác của chủ hàng, của người vận tải hoặc của người làm dịch vụ giao nhận khác (gọi chung là khách hàng).
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá là thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá.
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá khi đảm nhận việc vận chuyển hàng hoá thì phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành về vận tải.
Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được hưởng tiền công và các khoản thu nhập hợp lý khác;
2- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng;
3- Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;
4- Sau khi ký kết hợp đồng, nếu xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được toàn bộ hoặc một phần những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng biết để xin chỉ dẫn thêm;
5- Trong trường hợp hợp đồng không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.
Khách hàng có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Lựa chọn người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đáp ứng với yêu cầu của mình;
2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;
3- Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá vi phạm hợp đồng;
4- Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá;
5- Thông tin đầy đủ, chi tiết và chính xác về hàng hoá cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá;
6- Đóng gói, ghi ký, mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đảm nhận công việc này;
7- Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí phát sinh cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn cuả khách hàng hoặc do lỗi của khách hàng gây ra;
8- Trả cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.
1- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng phát sinh trong những trường hợp sau đây:
a) Do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
b) Đã làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
c) Khách hàng đóng gói và ghi ký mã hiệu không phù hợp;
d) Do khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền thực hiện việc xếp, dỡ hàng hoá;
đ) Do khuyết tật của hàng hoá;
e) Do có đình công;
g) Các trường hợp bất khả kháng.
2- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ khách hàng được hưởng, về sự chậm trễ hoặc giao nhận hàng sai địa chỉ mà không phải do lỗi của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
1- Trách nhiệm của người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá trong mọi trường hợp không vượt quá giá trị hàng hoá, trừ khi các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng.
2- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không được miễn trách nhiệm nếu không chứng minh được việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng không phải do lỗi của mình gây ra.
3- Tiền bồi thường được tính trên cơ sở giá trị hàng hoá ghi trên hoá đơn và các khoản tiền khác có chứng từ hợp lệ. Nếu trong hoá đơn không ghi giá trị hàng hoá thì tiền bồi thường được tính theo giá trị của loại hàng đó tại nơi và thời điểm mà hàng được giao cho khách hàng theo giá thị trường; nếu không có giá thị trường thì tính theo giá thông thường của hàng cùng loại và cùng chất lượng.
4- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày giao hàng, không tính ngày chủ nhật và ngày lễ;
b) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo bằng văn bản về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
1- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có quyền cầm giữ số hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến hàng hoá để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng và thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.
2- Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày cầm giữ hàng hoá hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá có quyền định đoạt hàng hoá hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật và phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng; mọi chi phí cầm giữ và định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu.
3- Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan. Số tiền còn lại phải được chuyển trả cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá hết trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.
4- Trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng, quyền định đoạt hàng hoá của người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá quy định tại khoản 2 Điều này phát sinh ngay khi có bất kỳ khoản nợ nào của khách hàng, với điều kiện người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá đã thông báo cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá.
Giám định hàng hoá là hành vi thương mại do một tổ chức giám định độc lập thực hiện để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
1- Chỉ các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định hàng hoá.
2- Các tổ chức giám định nước ngoài chỉ được thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá tại Việt Nam khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoặc được thành lập Chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giám định hàng hoá gồm giám định về số lượng, chất lượng, quy cách, bao bì, giá trị hàng hoá, tổn thất, an toàn, vệ sinh và các yêu cầu khác.
Hàng hoá được giám định theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá; trong trường hợp hợp đồng không có quy định thì các bên có quyền lựa chọn tổ chức giám định.
Tổ chức giám định hàng hoá có nghĩa vụ thực hiện việc giám định hàng hoá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước phù hợp với lĩnh vực kinh doanh và được cơ quan yêu cầu giám định trả phí giám định.
Bên yêu cầu giám định hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu tổ chức giám định thực hiện việc giám định hàng hoá theo nội dung đã thoả thuận;
2- Yêu cầu giám định lại nếu nghi ngờ kết quả giám định; trong trường hợp tổ chức giám định cấp chứng thư giám định sai, thì có quyền đòi tiền phạt;
3- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu cần thiết cho tổ chức giám định khi có yêu cầu;
4- Trả phí giám định theo thoả thuận.
Tổ chức giám định hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Giám định độc lập, khách quan, kịp thời, chính xác;
3- Nhận phí giám định theo thoả thuận;
4- Trả tiền phạt trong trường hợp giám định sai theo thoả thuận giữa hai bên, mức phạt không được quá mười lần phí giám định.
Trường hợp các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá thoả thuận thuê tổ chức giám định nước ngoài thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá mà tổ chức đó chưa được phép hoạt động tại Việt Nam, thì tổ chức giám định nước ngoài đó được ủy quyền cho tổ chức giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định hàng hoá, nhưng phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định.
Khuyến mại là hành vi thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc bán hàng, cung ứng dịch vụ trong phạm vi kinh doanh của thương nhân bằng cách dành những lợi ích nhất định cho khách hàng.
1- Các hình thức khuyến mại gồm:
a) Đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
b) Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền;
c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại;
d) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng hoặc các hình thức khác để được trúng thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
đ) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;
e) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo vé số dự thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
2- Ngoài các hình thức khuyến mại quy định tại khoản 1 Điều này, thương nhân được thực hiện các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại chấp thuận.
Hàng hoá được thương nhân dùng để tặng, thưởng cho khách hàng, gửi cho khách hàng dùng thử trong hoạt động khuyến mại phải là hàng được phép lưu thông trên thị trường.
1- Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có những quyền sau đây:
a) Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại;
b) Quy định các lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng;
c) Uỷ quyền cho đại lý thực hiện hoạt động khuyến mại.
2- Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có những nghĩa vụ sau đây:
a) Thông báo bằng văn bản về thời gian, hình thức khuyến mại cho cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức khuyến mại trước khi thực hiện việc khuyến mại.
Trong trường hợp áp dụng hình thức khuyến mại quy định tại điểm e khoản 1 Điều 181 của Luật này thì phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
b) Thông báo công khai các hình thức và thời gian khuyến mại tại nơi bán hàng, cung ứng dịch vụ;
c) Thực hiện đúng các cam kết với khách hàng.
Khi nhận được thông báo về tổ chức khuyến mại của thương nhân, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải tuyệt đối giữ bí mật chương trình, nội dung khuyến mại; nếu việc tiết lộ gây thiệt hại cho thương nhân thì bên bị hại có quyền khiếu nại đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Cấm các hoạt động khuyến mại sau đây:
1- Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hoá chưa được phép lưu thông;
2- Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
3- Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại tới sản xuất, lợi ích và sức khoẻ con người, làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường;
4- Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan, tổ chức và đơn vị vũ trang nhân dân;
5- Khuyến mại các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá với các đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi;
6- Hứa hẹn tặng phẩm, giải thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
Quảng cáo thương mại là hành vi thương mại của thương nhân nhằm giới thiệu hàng hoá, dịch vụ để xúc tiến thương mại.
Thương nhân có quyền quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.
1- Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho các thương nhân khác.
2- Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, có yêu cầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3- Chính phủ quy định các điều kiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại.
Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, âm thanh, chữ viết, biểu tượng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.
Phương tiện quảng cáo thương mại là các công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại.
Phương tiện quảng cáo thương mại gồm:
1- Các phương tiện thông tin đại chúng;
2- Các phương tiện truyền tin;
3- Các loại ấn phẩm;
4- Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp phích;
5- Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.
1- Thương nhân có quyền đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm quảng cáo thương mại do mình sáng tạo ra theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
2- Nhà nước bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi đối với các thương nhân hoạt động quảng cáo thương mại hợp pháp.
Các quảng cáo thương mại bị cấm gồm:
1- Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo;
2- Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép kinh doanh trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo;
3- Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân và các thương nhân khác;
4- Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật;
5- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác hoặc bắt chước sản phẩm quảng cáo của một thương nhân khác, gây nhầm lẫn cho khách hàng;
6- Quảng cáo sai với sự thật của hàng hoá, dịch vụ về một trong các nội dung sau: quy cách, chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành.
1- Việc sử dụng các phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 190 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
2- Việc sử dụng các phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Tuân thủ quy hoạch về quảng cáo; không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;
b) Đúng với mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.
1- Thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam được quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phù hợp với các quy định của Luật này.
2- Thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam muốn quảng cáo về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.
1- Việc thuê dịch vụ quảng cáo thương mại phải được xác lập bằng hợp đồng;
2- Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ các bên ký kết hợp đồng;
b) Sản phẩm quảng cáo thương mại;
c) Phương thức, phương tiện quảng cáo thương mại;
d) Thời gian, phạm vi quảng cáo thương mại;
đ) Phí dịch vụ, các chi phí khác có liên quan.
Bên thuê quảng cáo thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Lựa chọn hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời hạn quảng cáo thương mại;
2- Cung cấp thông tin trung thực, chính xác về hoạt động sản xuất, hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;
3- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại;
4- Trả phí dịch vụ quảng cáo theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Bên làm dịch vụ quảng cáo thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Ký kết hợp đồng với bên thuê quảng cáo thương mại phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép sử dụng phương tiện quảng cáo;
2- Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và theo đúng thời hạn của hợp đồng;
3- Thực hiện dịch vụ quảng cáo thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng;
4- Được nhập khẩu vật tư, nguyên liệu và các sản phẩm quảng cáo thương mại cần thiết cho hoạt động dịch vụ quảng cáo của mình theo quy định của pháp luật;
5- Nhận phí dịch vụ quảng cáo theo thoả thuận trong hợp đồng.
Trưng bày giới thiệu hàng hoá là hành vi thương mại của thương nhân dùng hàng hoá để giới thiệu, quảng cáo với khách hàng về sản phẩm, hàng hoá của mình nhằm xúc tiến thương mại.
1- Mở phòng trưng bày giới thiệu hàng hoá.
2- Tổ chức giới thiệu hàng hoá dưới các hình thức tại các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm thương mại hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật.
3- Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày giới thiệu hàng hoá.
1- Hàng hoá trưng bày giới thiệu là những hàng mẫu đại diện cho hàng hoá của thương nhân, gồm hàng đã lưu thông, hàng mới sản xuất được phép lưu thông trên thị trường.
2- Hàng hoá trưng bày giới thiệu phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và không phương hại đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
3- Hàng hoá trưng bày giới thiệu phải có nhãn sản phẩm ghi rõ tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, nơi sản xuất, số đăng ký chất lượng, các đặc tính và cách sử dụng của hàng hoá, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo hành nếu có.
Hàng hoá sản xuất tại nước ngoài đưa vào trưng bày giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc áp dụng quy định tại Điều 200 của Luật này còn phải có các điều kiện sau đây:
1- Là loại hàng được phép nhập khẩu vào Việt Nam;
2- Đối với hàng tạm nhập khẩu để trưng bày giới thiệu thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép về mặt hàng, số lượng, mẫu mã, chủng loại và thời hạn. Khi kết thúc việc trưng bày giới thiệu, toàn bộ hàng hoá, phương tiện đã tạm nhập khẩu phải được tái xuất khẩu; nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải được Bộ thương mại Việt Nam chấp thuận và phải chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.
1- Thương nhân có quyền trưng bày giới thiệu hàng hoá, lựa chọn các hình thức trưng bày giới thiệu phù hợp; tự mình tổ chức hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá để trưng bày giới thiệu hàng hoá của mình.
2- Các cơ sở hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật có địa điểm, phương tiện thích hợp có thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cho thuê địa điểm, phương tiện để trưng bày giới thiệu hàng hoá; nếu trực tiếp làm dịch vụ tổ chức trưng bày giới thiệu hàng hoá thì phải đăng ký kinh doanh như đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá.
1- Thương nhân nước ngoài được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam được đưa hàng hoá theo quy định tại Điều 201 của Luật này vào Việt Nam để trưng bày giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam.
2- Thương nhân nước ngoài trưng bày giới thiệu hàng hoá tại Việt Nam có thể thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá của Việt Nam thực hiện.
Cấm trưng bày giới thiệu hàng hoá trong những trường hợp sau đây:
1- Trưng bày giới thiệu hàng hoá chưa được phép lưu thông;
2- Tổ chức trưng bày giới thiệu hàng hoá hoặc sử dụng các phương tiện trưng bày giới thiệu hàng hoá làm phương hại đến an ninh, trật tự công cộng, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người;
3- Trưng bày giới thiệu hàng hoá hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
4- Trưng bày giới thiệu hàng hoá làm lộ bí mật quốc gia;
5- Trưng bày hàng hoá của người khác để so sánh với hàng hoá của mình;
6- Trưng bày giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh về quy cách, chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn bảo hành và các tiêu chuẩn khác.
1- Việc thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng.
2- Hợp đồng dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá phải được lập thành văn bản với những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ bên thuê dịch vụ và bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá;
b) Hàng hoá trưng bày giới thiệu;
c) Nội dung, hình thức, địa điểm, thời gian trưng bày giới thiệu hàng hoá;
d) Phí dịch vụ, các chi phí khác.
Bên thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá thực hiện thoả thuận trong hợp đồng;
2- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng trưng bày giới thiệu hàng hoá;
3- Cung cấp đầy đủ hàng hoá trưng bày giới thiệu hoặc phương tiện cho bên làm dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;
4- Cung cấp thông tin về hàng hoá trưng bày giới thiệu, phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Trả phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng.
Bên làm dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá trưng bày giới thiệu theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
2- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá trưng bày giới thiệu và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận;
3- Nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng;
4- Thực hiện việc trưng bày giới thiệu hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Không được chuyển giao hoặc thuê người khác thực hiện dịch vụ nếu không có sự chấp thuận của bên thuê dịch vụ; trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm với bên thuê dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hoá;
6- Bảo quản hàng hoá trưng bày giới thiệu, các tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc việc trưng bày giới thiệu hàng hoá, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày giới thiệu cho bên thuê dịch vụ, nếu gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
1- Hội chợ thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại tập trung trong một thời gian và địa điểm nhất định, trong đó tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được trưng bày hàng hoá của mình nhằm mục đích tiếp thị, ký kết hợp đồng mua bán hàng.
2- Triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc trưng bày hàng hoá, tài liệu về hàng hoá để giới thiệu, quảng cáo nhằm mở rộng và thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hoá.
3- Các hội chợ, triển lãm thương mại phải xác định rõ chủ đề, quy mô, thời gian, địa điểm tiến hành, danh mục hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, tên, địa chỉ các tổ chức, cá nhân tham gia.
Tất cả các hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam, kể cả hội chợ, triển lãm thương mại do các thương nhân nước ngoài tổ chức, phải được Bộ thương mại Việt Nam cho phép.
1- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở trong nước và nước ngoài để xúc tiến thương mại.
2- Tổ chức, cá nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở trong nước và nước ngoài phải thành lập Ban tổ chức theo quy định được ghi trong giấy phép do Bộ thương mại cấp.
3- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam có thể ký hợp đồng thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện việc tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam khi tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài phải được sự chấp thuận của Bộ thương mại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại.
Hàng cấm bán tại hội chợ, triển lãm thương mại là những hàng chưa có đăng ký chất lượng, nhãn hiệu.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải đăng ký với Ban tổ chức của từng hội chợ, triển lãm thương mại.
Tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Trưng bày hàng hoá, tài liệu về hàng hoá của mình tại hội chợ, triển lãm thương mại theo danh mục đã đăng ký tham gia;
2- Giao dịch, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá theo quy định của pháp luật;
3- Bán hàng tại hội chợ, triển lãm thương mại như đã đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; sau khi bán hàng tại hội chợ, triển lãm thương mại phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật;
4- Tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được tạm nhập khẩu miễn thuế hàng hoá và tài liệu về hàng hoá để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại và phải tái xuất khẩu trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại;
2- Phải tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam;
3- Phải hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hoá, tài liệu về hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại;
4- Chỉ được bán hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại khi được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;
5- Khi dùng hàng hoá sử dụng vào mục đích hội chợ, triển lãm làm quà tặng, phải được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Được tạm xuất khẩu miễn thuế hàng hoá và tài liệu về hàng hoá để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại;
2- Phải tuân thủ các quy định về việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài;
3- Trong trường hợp bán hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài, phải kê khai và nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam;
4- Khi dùng hàng hoá sử dụng vào mục đích hội chợ, triển lãm làm quà tặng phải được phép của Bộ thương mại Việt Nam và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1- Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
2- Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.
3- Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
1- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;
2- Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận;
3- Nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng;
4- Thực hiện việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng;
5- Không được chuyển giao hoặc thuê người khác thực hiện dịch vụ nếu không có sự chấp thuận của bên thuê dịch vụ; trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm với bên thuê dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại;
6- Bảo quản hàng hoá tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, các tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày giới thiệu cho bên thuê dịch vụ, nếu gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
Section 1. TYPES OF COMMERCIAL ACT
Article 45.- Types of commercial act
Commercial acts under this Law shall comprise:
1. Sale and purchase of goods;
2. Representation of traders;
3. Commercial brokerage;
4. Sale and purchase of goods by authorized dealers;
5. Sale and purchase of goods by agents;
6. Commercial processing;
7. Auction of goods
8. Goods bidding;
9. Goods forwarding service;
10. Goods assessment service;
11. Trade promotion;
12. Commercial advertising;
13. Display of goods;
14. Trade fairs and exhibitions.
Section 2. SALE AND PURCHASE OF GOODS
Article 46.- Sale and purchase of goods
Sale and purchase of goods is a commercial act whereby the seller is obliged to deliver and transfer the ownership of goods to the purchaser and to receive payment; and the purchaser is obliged to pay the seller and receive the goods as agreed upon by the two parties.
Article 47.- Parties to goods sale and purchase transactions
The parties to goods sale and purchase transactions shall be traders or one party shall be a trader.
Article 48.- Subject matter of sale and purchase of goods
The subject matter of sale and purchase of goods shall be goods as prescribed in this Law.
Article 49.- Contracts for sale and purchase of goods
1. Sale and purchase of goods shall be carried out by way of contract.
2. Contracts for sale and purchase of goods shall be made in oral or written form or by specific conduct.
3. Where the law prescribes that a contract for sale and purchase of goods must be made in writing, such provision must be complied with; telegraphs, telexes, facsimiles, E-mails and other forms of electronic communication shall be considered to be in written form.
Article 50.- Principal contents of a contract for sale and purchase of goods
A contract for sale and purchase of goods must contain the following principal contents:
1. Name of goods;
2. Quantity;
3. Specifications, quality;
4. Price;
5. Mode of payment;
6. Location and time for delivery and receipt of goods.
In addition to the principal contents prescribed in this Article, parties may agree on other contents of the contract.
Article 51.- Offers and acceptance thereof.
1. An offer is a proposal to enter into a contract for sale and purchase of goods within a certain period of time, which is made to one or more designated persons and includes the principal contents of a contract for sale and purchase of goods as prescribed in Article 50 of this Law.
An offer includes an offer to sell and an offer to purchase goods.
2. Acceptance of an offer is a notice of the offeree sent the offeror about the acceptance of the entire contents of the offer.
Article 52.- Amendment or supplement to offers
1. The act of an offeree making an amendment or supplement to one of the principal contents of an offer is deemed to be a rejection of the offer and to constitute a new offer.
2. The act of an offeree making an amendment or supplement to the contents of an offer without altering one of its principal contents is deemed to be an acceptance of the offer, unless the offeror immediately rejects such amendment or supplement.
Article 53.- Liability periods for the offeror and the offer acceptor
1. The liability time limit for the offeror commences from the time the offer is dispatched to the offeree until the expiry of the time limit for acceptance of the offer.
Where the time limit for acceptance of the offer is not specified, the liability period for the offeror shall be thirty days from the date the offer is dispatched to the offeree.
2. The liability for the acceptor of an offer commences from the time the acceptance of the offer is dispatched to the offeror.
Article 54.- Acceptance of offers after expiry of time limit for acceptance
Where an offeror receives the acceptance of an offer after the expiry of the time limit for its acceptance, the acceptance shall be invalid, except where the offeror immediately notifies the offeree of his/her/its acceptance.
Article 55.- Time for entering into contracts for sale and purchase of goods
A contract for sale and purchase of goods is deemed to be entered into as from the time it is signed by the parties present.
Where all parties are not present to sign the contract, a contract for sale and purchase of goods is deemed to be entered into as from the time the offeror receives, during the period of liability of the offeror, the notice of acceptance of all terms stated in the offer.
Article 56.- Validity of transactions and negotiations conducted before a contract for sale and purchase of goods is entered into
As from the time the contract is entered into, all previous transactions and negotiations in relation to the contract shall become invalid, unless otherwise agreed upon by the parties.
Article 57.- Amendment or supplement to or termination of contracts for sale and purchase of goods
Parties may agree to amend, supplement or terminate contracts for sale and purchase of goods
Article 58.- Time at which ownership over goods is transferred
The ownership over goods shall be transferred from the seller to the purchaser as from the time the seller delivers the goods to the purchaser, unless otherwise agreed upon by the two parties or stipulated by law.
Article 59.- Conditional transfer of ownership over goods
Where it is agreed in a contract for sale and purchase of goods on the condition which must be met before the seller can deliver the goods to the purchaser or the purchaser can receive the goods from the seller, the ownership over the goods shall be transferred from the seller to the purchaser only when such condition is met.
Article 60.- Obligation to deliver goods and relevant documents
1. A seller shall have to deliver goods in accordance with the quantity, quality, specifications and packaging and at the time as agreed in the contract.
2. Where the quality of goods is not specified in the contract, the seller shall have to deliver goods of the average quality of that type of goods in circulation on the market at the time of delivery.
3. Where the packaging of goods is not specified in the contract, the seller shall have to deliver goods in the packaging which is commonly used for that type of goods. Packaging must ensure safety of goods during transportation, allowing for the possibility of transshipment in normal loading and unloading conditions, and must be appropriate to the time and means of transportation.
4. A seller may authorize a third party to perform the obligation to deliver goods if it is so agreed by the purchaser. In this case, the seller remains responsible to the purchaser for the delivery of goods by the authorized person.
5. A seller may only deliver goods earlier than the agreed time or in installments where it is so agreed in the contract or accepted by the purchaser.
6. A seller is obliged to deliver documents relating to the goods as agreed in the contract.
Article 61.- Examination of goods quality prior to delivery
Prior to delivery, a seller must examine the quality of goods, bear the costs of such examination and provide quality certificates in accordance with the conditions already agreed with the purchaser. In cases where there is no specific agreement on the examination, the seller must examine the quality of goods in accordance with the conditions normally applicable to that type of goods.
Article 62.- Participation by purchasers or representatives of purchaser in the examination of goods quality at place of goods delivery
1. When it is agreed in a sale and purchase contract to let the purchaser or his/her/its representative participate in the examination of goods quality prior to delivery, the seller must ensure that the purchaser or his/her/its representative participate in the examination.
2. Where the purchaser or his/her/its representative fails to participate in the examination of goods quality as agreed in the contract though having been so advised by the seller, the seller shall be entitled to deliver goods in accordance with the contract.
3. Irrespective of the participation by the purchaser or his/her/its representative in the examination of goods quality, the seller remains responsible for the quality of the goods.
Article 63.- The right to receive payment for goods
A seller shall receive payment as agreed in the contract for sale and purchase of goods. If the seller receives payment late or receives no payment at all due to the fault of the purchaser, the seller shall be entitled to take measures defined in Chapter IV of this Law in order to protect his/her/its legitimate interests.
Article 64.- Delivery of goods to carriers
A seller is deemed to have fulfilled his/her/its goods delivery obligation upon delivery of goods to a carrier in accordance with the terms of delivery agreed upon by the two parties.
Article 65.- Delivery of goods in excessive or insufficient quantity and delivery of goods of wrong type
1. Where a seller deliver goods in excess of the quantity agreed upon in the contract, the purchaser shall be entitled to refuse or accept the excessive quantity. In case of refusal by the purchaser, the seller must recover the excessive quantity and bear the costs therefore. Where the purchaser accepts the excessive quantity, the purchaser must pay for that quantity of goods at the price agreed upon by the two parties.
2. Where a seller fails to deliver goods in sufficient quantity as agreed upon, the purchaser shall be entitled to accept delivery and to pay for only the quantity of goods which is received or to take measures defined in Chapter IV of this Law in order to protect his/her/its legitimate interests.
3. Where a seller delivers, amongst other (goods), goods other than those agreed upon in the contract, the purchaser shall be entitled to refuse those goods.
4. The seller shall not be responsible for the delivery of goods in insufficient quantity or the delivery of goods mixed up with goods of wrong type and the purchaser shall not be responsible for receipt of excessive goods if, upon completion of delivery and receipt of goods, the parties do not lodge complaints as prescribed in Articles 75 and 241 of this Law.
Article 66.- Goods under warranty
Where goods for sale and purchase are under warranty, the seller must be responsible for the quality of goods within the period of warranty and bears the warranty cost, unless otherwise agreed upon by the parties.
Article 67.- The sellers right to cease the delivery of goods
1. The seller shall have the right to cease the delivery of goods in the following cases:
a/ Where the purchaser breaches the terms of payment agreed upon in the contract, the seller shall be entitled to cease the delivery of goods until the purchaser completes payment;
b/ Where the purchaser is declared bankrupt or becomes insolvent before the delivery of goods, the seller shall have the right not to deliver the goods and be entitled to dispose of such goods.
2. Where the seller must retain and dispose of goods due to the fault of the purchaser under Clause 1 of this Article, the purchaser must bear the losses and relevant reasonable expenses.
Article 68.- The sellers liability for goods which do not conform with contracts
The seller shall be liable for goods which do not conform with the contract, unless he/she/it can disprove its fault.
Where goods do not conform with the contract, the seller shall be liable for all damage caused, irrespective of whether the seller is aware of such damage or not.
Article 69.- Responsibility to guarantee the ownership over goods already sold
The seller shall have to guarantee the purchasers ownership over the already sold goods so that the purchaser shall not be involved in any dispute with a third party. After the transfer of the ownership, the seller must not perform any act which infringes upon the purchasers ownership over the goods.
Article 70.- Refund of payment for goods
Where a seller has received payment or an advance from a purchaser but fails to fulfill the goods delivery obligation, the seller shall have to refund to the purchaser such payment or advance even where its liability is relieved under Article 77 of this Law.
Article 71.- The purchasers obligation to receive goods and to make payment therefore
1. The purchaser shall have to perform tasks necessary for the seller to deliver goods, including providing guidances on transportation of goods.
2. The purchaser shall have to receive goods and make payment therefore as agreed upon in the contract.
3. The purchaser shall have to make payment for goods in cases where goods are lost or damaged after the ownership rights have been transferred from the seller to the purchaser, except for cases where the loss or damage is caused due to the fault of the seller.
Article 72.- The right to suspend payment for purchased goods
1. The purchaser shall be entitled to suspend goods purchase in whole or in part if, upon receipt of goods, the goods are found damaged or defective; and shall make payment only when the seller has made good such damage or defects, unless otherwise agreed in the contract.
2. Where there is evidence indicating that the seller has been deceptive or unable to deliver goods or that goods are the subject of a dispute between the seller and a third party, the purchaser shall be entitled to withhold his/her/its goods purchase payment in whole or in part until the above matters have been settled.
Article 73.- Time limit for making goods purchase payment
The time limit for the purchaser to make his/her/its goods purchase payment shall be agreed upon by both parties on the basis of the time and mode of goods delivery.
Article 74.- Examination of goods at destination
The purchaser shall be entitled to examine goods at the destination within a reasonable period of time suitable to the nature of each type of goods under the contract.
Article 75.- Notice of goods which do not conform with contracts
Where parties agree on the time limit for notification of goods which do not conform with the contract, the purchaser shall have to notify the seller of such goods within the agreed time limit; where the purchaser fails to notify the seller within such time limit, the purchaser loses the right to complain.
Article 76.- Risks with respect to goods during transportation
The purchaser shall have to bear the risks with respect to goods during transportation as from the time the ownership over the goods is passed from the seller to the purchaser if the seller or carrier is not at fault.
Article 77.- Relief from liability for non-performance of contractual obligations
1. Parties shall be exempt from liability for non-performance of contractual obligations in whole or in part if it is so agreed upon in the contract.
2. Parties shall be exempt from liability for non-performance of contractual obligations in whole or in part if such non-performance is caused by force majeure events.
Force majeure events are unexpected events occurring after the contract is entered into, which are beyond the foresight and control of the parties.
3. The party which fails to perform its contractual obligations in whole or in part shall have to prove its circumstances for relief from liability.
Article 78.- Notification and certification of circumstances for relief from liability
1. The party which fails to perform its contractual obligations in whole or in part shall have to notify the other party immediately in writing of the circumstances for relief from liability and their possible consequences; to notify the other party immediately in writing when such circumstances come to an end; and if it fails to notify the other party or gives late notice, it shall have to compensate for damage, if any.
2. Force majeure events must be certified by competent bodies or organizations.
Article 79.- Extension of time limits and refusal to perform contracts due to force majeure events
1. In case of a force majeure event, parties may agree to extend the time limit for the performance of contractual obligations; if the parties fail to reach such agreement, the time limit shall be extended by a period equal to the length of time during which the force majeure event subsists plus a reasonable period of time required to overcome (its) consequences provided that the extension does not exceed five months for the goods which the parties have agreed to deliver within twelve months, and does not exceed eight months for the goods which the parties have agreed to deliver within a period of more than twelve months, from the date on which the contract is entered into. Upon expiry of such time limits, the parties shall be entitled to refuse to perform the contract and no party may claim damages from the other.
2. Where a party refuses to perform the contract, it must, within thirty days from the date of expiry of the time limit prescribed in Clause 1 of this Article, notify the other party thereof prior to commencement by the other party of the performance of its contractual obligations.
3. The extension of time limits for the performance of contractual obligations as provided for in Clause 1 of this Article shall not apply to contracts for sale and purchase of goods with a fixed delivery time limit.
Article 80.- Contracts for sale and purchase of goods with foreign traders
A contract for sale and purchase of goods with a foreign trader is a contract for sale and purchase of goods entered into between one party being a Vietnamese trader and another party being a foreign trader.
Article 81.- Conditions for validity of contracts for sale and purchase of goods with foreign traders
A contract for sale and purchase of goods with a foreign trader shall be valid when all of the following conditions are met:
1. The contracting parties, being the seller and the purchase, must have full legal status.
The foreign party is trader and whose legal status is determined in accordance with the law of the country of which such trader bears the citizenship.
The Vietnamese party must be a trader which is permitted to conduct direct commercial activities with foreign traders;
2. The contracted goods are goods which are permitted to be sold and purchased under the laws of the countries of the seller and the purchaser respectively;
3. A contract for sale and purchase of goods with a foreign trader must include the principal contents of a contract for sale and purchase of goods prescribed in Article 50 of this Law;
4. A contract for sale and purchase of goods with a foreign trader must be made in writing.
Article 82.- Application of provisions relating to sale and purchase of goods to foreign traders
In addition to provisions in Articles 80 and 81 of this Law, contracts for sale and purchase of goods with foreign traders must comply with other provisions of this Law in relation to sale and purchase of goods.
Section 3. REPRESENTATION OF TRADERS
Article 83.- Representatives of traders and represented persons
1. A representative of a trader is a trader that is authorized by another trader to conduct commercial activities in the name and under the instructions of the latter for remuneration.
2. A represented person is the trader that authorizes another trader to act as his/her/its representative.
3. In cases where a trader nominates his/her/its personnel to act as his/her/its representative, the provisions of the Civil Code shall apply.
Article 84.- Scope of representation
Parties may agree that a representative shall be permitted to conduct part or all commercial activities within the scope of operation of the represented person.
Article 85.- Contracts for representation of traders
1. The representation of a trader must be established through a contract.
2. A contract for representation must be made in writing with the following principal contents:
a/ Names and addresses of parties;
b/ Scope of representation;
c/ Duration of representation;
d/ Remuneration;
e/ Agreement on restriction of competition.
Article 86.- Obligations of representatives
A representative of a trader shall have the following obligations:
1. To conduct commercial activities in the name and in the interests of the represented person;
2. To notify the represented person of the opportunities and the results of the implementation of authorized commercial activities;
3. To strictly follow the instructions of the represented person, except where such instructions breach the provisions of law or are inconsistent with the contract for representation;
4. To refrain from conducting commercial activities in his/her/its own name or in the name of a third party within the scope of representation;
5. To refrain from disclosing or supplying to other people confidential information relating to commercial activities of the represented person during the period of representation and within two years after termination of the contract for representation;
6. To maintain the assets and documents assigned for performing the activities of representation;
7. To compensate for damage he/she/it has caused to the represented person.
Article 87.- Obligations of represented persons
A represented person shall have the following obligations:
1. To notify the representative immediately of the signing of contracts negotiated by the representative, the performance of contracts entered into by the representative, and the acceptance or non-acceptance of contracts which have been entered into by the representative beyond his/her/its competence.
2. To supply the assets, documents and information necessary for the representative to perform the activities of representation;
3. To pay remuneration to the representative as agreed upon in the contract for representation;
4. To notify promptly the representative of the impossibility to enter into or perform the contracts within the scope of representation;
5. To compensate for damage he/she/it has caused to the representative if the representative can prove that the represented person has breached obligations prescribed in this Article.
Article 88.- The right to remuneration
1. Representatives shall be entitled to enjoy remuneration for contracts entered into within the scope of representation. The right to remuneration arises from the time agreed upon by the parties in the contract for representation.
2. The rate of remuneration shall be calculated in percentage(s) of the value of a contract entered into within the scope of representation or a certain amount agreed upon by the parties.
3. Where a represented person assigns the representative one or more obligations outside the signed contract for representation, the consent of the representative is required. In this case, the representative shall be entitled to require additional remuneration besides the remuneration prescribed in Clause 1 of this Article.
Article 89.- Payment of expenses
Unless otherwise agreed upon by the parties, a representative shall be entitled to claim for payment of reasonable expenses related to the performance of representation activities.
Article 90.- The right to retention
A representative shall be entitled to retain assigned assets and document as security for payment of remuneration and expenses which are due.
Article 91.- Restriction of competition
Parties may agree that representative shall not be allowed to conduct commercial activities in competition with the represented person and to act as the representative of the competitor(s) of the represented person.
Article 92.- Unilateral termination of contracts for representation
1. Where a contract for representation does not specify a definite duration, any party may unilaterally terminate the contract but must notify the other party within sixty days prior to the termination of the contract.
2. Where a represented person unilaterally terminates the contract for representation as prescribed in Clause 1 of this Article, the representative may require the represented person to pay an amount of remuneration for the signing by the represented person of contracts with clients, which were negotiated by the representative.
3. Where a representative unilaterally terminates the contract for representation, he/she/it forfeits the right to remuneration for the transactions which he/she/it would otherwise have been entitled to.
Section 4. COMMERCIAL BROKERAGE
Article 93.- Commercial brokers
A commercial broker is a trader that acts as an intermediary between parties selling and purchasing goods and providing commercial services during the course of negotiations and signing contracts for sale and purchase of goods or provision of commercial services and shall be entitled to a commission under a brokerage contract.
Article 94.- Brokerage contracts
1. Commercial brokerage must be established through contracts.
2. A brokerage contract must be made in writing with the following principal contents:
a/ Names and addresses of parties;
b/ Details of brokerage;
c/ Commission;
d/ Effective duration of the brokerage contract.
Article 95.- Obligations of brokers
A commercial broker shall have the following obligations:
1. To honestly carry out the brokerage activities;
2. To take care of samples of goods and documents assigned to him/her/it for the performance of brokerage activities and return them to the principal upon completion of brokerage activities;
3. Not to disclose or supply information to the detriment of the interests of the principal;
4. To compensate for damage he/she/it has caused to the principal;
5. To be responsible for the legal status, but not the capacity for payment, of the principal.
Article 96.- Performance of contracts between principals
Brokers shall not be entitled to participate in the performance of contracts between principals, except where they are so authorized by principals.
Article 97.- The right to enjoy commission
A brokers right to enjoy commission arises from the time the principals enter into a contract.
Article 98.- Payment of expenses relating to brokerage activities
Brokers shall be entitled to claim from the principals payment of reasonable expenses relating to the brokerage activities, even where the brokerage activities fail to yield results for the principals.
Section 5. SALE AND PURCHASE OF GOODS BY MANDATED DEALERS
Article 99.- Sale and purchase of goods by mandated dealers
The sale and purchase of goods by a mandated dealer is a commercial act whereby the mandatory carries out the sale and purchase of goods in his/her/its (own) name under terms agreed upon with the mandator and is entitled to receive a commission.
A mandatory for sale and purchase of goods is a trader dealing in goods which are consistent with the mandated goods and carrying out the sale and purchase of goods on terms agreed upon with the mandator.
A goods sale and purchase mandator may, or may not, be a trader that authorizes a mandatory to conduct the sale and purchase of goods at his/her request and pays a commission.
Goods which are circulated may be the subject matter of a mandated sale and purchase.
Article 103.- Mandate commission
Commissions for mandated sale and purchase of goods shall be agreed upon in the contract by the two parties or defined by law.
Article 104.- Contracts of mandate for sale and purchase of goods
1. A goods sale and purchase mandate must be established through a contract.
2. A contract of mandate for goods sale and purchase must be made in writing with the following principal contents:
a/ Names and addresses of parties;
b/ Goods being the subject matter of mandated sale and purchase;
c/ Quantity, quality, specifications, price and other specific terms;
d/ Commission;
e/ Effective duration of the mandate contract.
Article 105.- Sub- mandate to a third party
A mandatory shall not be entitled to sub-mandate a third party to perform the signed contract for goods sale and purchase mandate without the written consent of the mandator.
Article 106.- Multilateral mandate
A mandatory dealer may accept the mandate for sale and purchase of goods from different mandators.
Article 107.- Obligations of mandatories
A good sale and purchase mandatory shall have the following obligations:
1. To conduct the sale and purchase of goods in accordance with the mandate contract;
2. To notify the mandator of matters relating to the performance of the mandate contract; where the mandator gives instructions in accordance with the mandate contract, the mandatory dealer shall have to follow those instructions;
3. To take care of assets and documents assigned to him/her/it for the performance of the mandate contract;
4. To keep the confidentiality of information relating to the performance of the mandate contract;
5. To pay money and deliver goods as agreed upon in the mandate contract.
Article 108.- Rights of mandatories
A mandatory shall have the following rights:
1. To request the mandator to provide necessary information and documents for the performance of the mandate contract;
2. To receive a mandate commission as agreed upon in the mandate contract;
3. Not to bear responsibility for goods which have been delivered to the mandator, except otherwise agreed upon by both parties;
4. To claim compensation from the mandator for damage caused by the latter.
Article 109.- Obligations of mandators
A mandator shall have the following obligations:
1. To provide necessary information, documents and facilities for the performance of the mandate contract;
2. To pay a mandate commission;
3. To bear responsibility for the performance of the mandate contract by a third party where the mandator has consented to the sub-mandate to such third party under Article 105 of this Law;
4. To pay money and deliver goods as agreed upon in the mandate contract.
Article 110.- Rights of mandators
A mandator shall have the following rights:
1. To request the mandatory to provide full information relating to the performance of the mandate contract;
2. To lodge complaints and claim compensation from the mandatory for damage caused by the latter.
Section 6. SALE AND PURCHASE AGENCY
Article 111.- Sale and purchase agency
Sale and purchase agency is a commercial act whereby the principal and the agent agree that the agent shall conduct the sale and purchase of goods on behalf of the principal for remuneration.
Good purchased and sold by agents must be in line with the business registration certificates of the parties.
Article 112.- Principals and agents
1. Principals are traders that deliver goods to agents for sale or provide money to agent for purchase of goods.
2. Agents are traders that receive goods to act as sale agents or receive money to act as purchase agents.
Article 113.- Agency remuneration
Agency remuneration is a sum of money paid by a principal to an agent in the form of a commission or price difference.
The remuneration level shall be agreed upon in the agency contract by the parties.
Purchase agency is a relationship whereby the agent receives money from the principal to purchase goods at the request of the principal and is entitled to an amount of remuneration paid by the principal under a mutual agreement between the parties.
Sale agency is a relationship whereby the agent receives goods from the principal for sale and is entitled to an amount of remuneration paid by principal under a mutual agreement between the parties.
1. Commission agency is a form of agency whereby the agent sells or purchases goods at the sale or purchase prices set by the principal in return for a commission. The rate of commission shall be calculated in percentage(s) of the sale and purchase prices as agreed upon by the parties.
2. Package agency is a form of agency whereby the agent sells or purchases a specific quantity of goods at a price (prices) set by the principal in return for remuneration. The level of remuneration which the agent is entitled to shall be the difference between the actual sale or purchase price and the price(s) set by the principal.
3. Exclusive agency is a form of agency whereby a sole agent is authorized by the principal to sell or purchase one or more items of goods within a certain region.
4. General sale and purchase agency is a form of agency whereby the agent organizes a network of sub-agents to sell or purchase goods for the principal.
The general agent represents the network of sub-agents. Sub-agents operate under the management and in the name of the general agent.
Article 117.- Ownership rights in sale and purchase agency
The principal is the owner of goods and money delivered to the agent(s).
Article 118.- Payments in agency
Payments for goods and payments of agency remuneration shall be made in separate installments after the agent has completed the sale or purchase of a certain quantity of goods, unless otherwise agreed upon by the parties.
Article 119.- Agency contracts
1. Sale and purchase agency must be established through contract(s).
2. Agency contracts must be made in writing with the following principal contents:
a/ Names and addresses of parties;
b/ Goods under agency;
c/ Form of agency;
d/ Agency remuneration;
e/ Effective duration of the agency contract.
Article 120.- Rights of principals
A principal shall have the following rights:
1. To select the agent and the form of agency;
2. To set the sale or purchase price(s) of the goods under agency;
3. To receive deposits or documents on mortgaged assets from the agent, if so agreed in the agency contract;
4. To request the agent to make payment or deliver goods in accordance with the agency contract;
5. To inspect and supervise the performance of the agency contract by the agent;
6. To enjoy lawful rights and interests brought about by the agency activities.
Article 121.- Obligations of principals
A principal shall have the following obligations:
1. To provide guidances, information and conditions for the agent to perform the agency contract;
2. To comply strictly with the undertakings in the agency contract;
3. To bear responsibility for the specifications and quality of goods delivered to the sale agent or received from the purchase agent under the agency contract if the agent is not at fault;
4. To pay remuneration to the agent;
5. To return deposits or documents on mortgaged assets, if any, to the agent upon termination of the contract;
6. To be responsible before law for the selection and employment of the agent and be jointly responsible for any breach of law by the agent caused by the principal or for any intentional breach of law by the parties.
Article 122.- Rights of agents
An agent shall have the following rights:
1. To select and enter into agency contracts with one or more principals;
2. To request the principal to deliver money or goods in accordance with the agency contract; to recover from the principal deposits or documents on mortgaged assets, if any, upon termination of the agency contract;
3. To request the principal to provide guidances, information and other conditions for the performance the agency contract;
4. To enjoy remuneration as well as other legitimate rights and interests brought about by the agency activities.
Article 123.- Obligations of agents
An agent shall have the following obligations:
1. To sell and/or purchase goods at the prices agreed upon by the principal and the agent in the agency contract;
2. To comply strictly with the undertakings given to the principal in the agency contract with respect to the delivery or receipt of goods or money;
3. To pay a deposit or to mortgage assets, if any, to the principal as agreed upon in the agency contract;
4. To pay to the principal any proceeds from the sale of goods, in the case of a sale agent, or deliver the purchased goods, in the case of a purchase agent;
5. To post the trade name and signboard of the principal and the name of the goods under agency at the place where goods are purchased or sold;
6. To preserve goods and be responsible for the quantity, specifications and quality of goods after receipt thereof, for a sale agent, or prior to delivery thereof, for a purchase agent, in accordance with the agency contract;
7. To be subject to inspection and supervision by the principal and to report to the principal on the agency activities;
8. To be responsible to the principal and before law for the performance of the agency contract.
Article 124.- Amendments and supplements to agency contracts
Any amendment or supplement to a sale and purchase agency contract shall be valid only when it is made in writing and approved by the parties.
Article 125.- Transfer of rights and obligations to third parties
A party to an agency contract shall only be entitled to transfer its rights and obligations under the agency contract to a third party if it is approved by the other contracting party.
Article 126.- Termination of agency contracts
A sale and purchase agency contract shall terminate in the following cases:
1. The contract is fully performed or its term expires;
2. The parties agree in writing to terminate the contract prior to expiry of its term;
3. The contract is invalidated when its contents or its performance contravene the provisions of law;
4. A party unilaterally terminates the contract when a breach of the contract by the other party is a condition for terminating the contract as agreed upon by the parties;
5. Other cases prescribed by law.
Article 127.- Sale and purchase agency for foreign traders
The sale and purchase agency for foreign traders shall be stipulated by the Government.
Section 7. COMMERCIAL PROCESSING
Article 128.- Commercial processing
Commercial processing is a commercial act whereby the processor carries out the processing of goods at the request and with raw materials and materials of the processes in order to receive remuneration; and the processes receives processed goods for commercial purposes and must pay processing fees to the processor.
Article 129.- Processing activities
Commercial processing activities include the production, processing, creation, repair, re-production, assembly, classification and packaging of goods at the request and with raw materials and materials of the processee.
Article 130.- Processors and processees
1. A processor is the party that agrees to process goods in order to receive remuneration.
2. A processes is the party that hires the processor to process goods for commercial purposes.
Article 131.- Processing contracts
1. Commercial processing must be established through contract(s).
Commercial processing contracts must be made in writing between the processor and the processes.
2. The contents of commercial processing contracts and the rights and obligations of the processor and the processes shall comply with the provisions of the Civil Code regarding processing contracts.
Article 132.- Processing with foreign traders
Processing with foreign traders is a commercial processing activity whereby the processes and the processor are traders with their head offices or permanent residences in different countries provided that one party must be a trader conducting commercial activities in Vietnam.
Article 133.- Conditions on processing with foreign traders
Items of goods permitted to be processed and imported or exported machinery, equipment, raw materials and materials necessary for the processing with foreign traders shall comply with the provisions of Vietnamese law and international commercial practices if such practices are not contrary to the law of Vietnam.
Article 134.- Exportation and/or importation of machinery, equipment, raw materials, materials and goods items permitted to be processed
1. The processor shall be entitled to directly export or import machinery, equipment, raw materials and materials necessary for processing activities and processed goods in accordance with the economic and technical standards applicable to each kind of processed goods.
2. The exportation or importation defined in Clause 1 of this Article shall be carried out in accordance with the law of Vietnam.
Article 135.- Technology transfer in goods processing with foreign traders
Technology transfer in goods processing with foreign traders shall be carried out in accordance with the agreements stated in processing contracts and in accordance with the provisions of Vietnamese law.
Article 136.- Liability for industrial property rights with respect to processed goods
The processes must be responsible for the lawfulness of industrial property rights with respect to processed goods.
Article 137.- Inspection and supervision of processing
The processes shall be entitled to appoint representatives to inspect and supervise the processing activity at the place of processing as agreed upon by the parties.
Article 138.- Application of tax legislation to processing activities with foreign traders
Taxes levied on machinery, equipment, raw materials and materials necessary for processing activities and on processed product in accordance with economic and technical standards shall be applied in accordance with the tax legislation in Vietnam.
Article 139.- Provision of goods auction services
Traders that are legal persons and satisfy the conditions prescribed by law shall be entitled to provide goods auction services.
Article 140.- Auction of goods
The provision of goods auction services by traders shall comply with the provisions of the Civil Code and the Regulations on Goods Auctions issued by the Government.
Goods bidding is the procurement of goods through bidding to select a trader that satisfies the term of price and economic and technical conditions set by a tenderer.
A tenderer is the owner of capital or the person authorized to use capital to purchase goods.
Bidders are domestic or foreign traders that satisfy the conditions for participation in biddings as prescribed by the law of Vietnam.
Article 144.- Successful bidders
A successful bidder is a party selected to enter into and perform the contract with the tenderer.
Article 145.- Forms of bidding
1. Goods bidding shall include open bidding and restricted bidding.
Open bidding is a form of bidding whereby the tenderer does not limit the number of bidders and publicly announces on mass media the conditions for participation in the bidding.
Restricted bidding is a form of bidding whereby the tenderer invites only a limited number of bidders having the best conditions to participate in the bidding.
2. The selection of the form of open bidding or restricted bidding shall be decided by the tenderer. In cases where the goods bidding funded by the State capital, the head of the competent State body shall select the form of bidding.
Article 146.- Prequalification of bidders
1. Prequalification of bidders is a measure applied by a tenderer to complicated substantial contracts for procurement of goods in order to select bidders that are capable of satisfying the conditions set by the tenderer.
2. The prequalification order and procedures stipulated by the tenderer must conform with the conditions of bidding.
Article 147.- Conditions for trader to participate in biddings
Traders wishing to participate in biddings shall have to satisfy the following conditions:
1. Engaged in business lines which are consistent with the goods opened for bidding;
2. Being professionally and financially capable of participating in the bidding;
3. Having bid dossiers made in accordance with the regulations set by the tenderer.
Article 148.- Management of bid dossiers
The tenderer shall be responsible for managing bid dossiers.
Article 149.- Confidentiality of bidding information
1. The tenderer shall receive, enter into a registry, seal, manage and maintain the confidentiality of bid dossiers.
2. Organizations and individuals involved in the organization of bidding and the evaluation and selection of bids must maintain the confidentiality of relevant information during the entire bidding process.
Article 150.- Amendment of tendering dossiers
1. Bidders shall not be allowed to amend their bid dossiers after the bid opening.
During the process of evaluation and comparison of bid dossiers, the tenderer may request bidders to clarify matters relating to bid dossiers. All requests for clarification from the tenderer and replies from bidders must be made in writing.
2. Where the tenderer amends some contents of the tendering dossiers, it must send such written amendments to all bidders at least ten days before the deadline for submitting bid dossiers so that the bidders may complete their bid dossiers.
Article 151.- Tendering currency
The tendering currency shall be Vietnamese Dong or a convertible foreign currency stipulated by the tenderer in the tendering dossiers in accordance with the law of Vietnam. The exchange rate shall be the official rate announced by the State Bank of Vietnam at the time of bid opening.
Article 152.- Tendering dossiers
A tendering dossier shall comprise:
1. Tendering notice;
2. Bidding participation form;
3. Requirements in terms of quantity, quality, specifications and utility of goods;
4. Goods delivery conditions and schedules;
5. Financial and commercial conditions; mode of payment;
6. Bidding contract form;
7. Bid guarantee form;
8. Contract performance guarantee form;
9. Other instructions relating to the bidding.
The fees for dossiers provided to bidders shall be stipulated by the tenderer.
Article 153.- Tendering notice
1. A tendering notice must be consistent with the form of bidding.
2. A tendering notice shall comprises the following main contents:
a/ Name and address of the tenderer;
b/ Brief description of the quantity, quality, specifications and utility of goods opened for bidding;
c/ Bidding participation conditions;
d/ Time limit, location and procedures for receipt of tendering dossier;
e/ Time limit, location and procedures for submission of bid dossiers;
f/ Instructions for reading tendering dossiers.
Article 154.- Instructions to bidders
The tenderer shall have to provide instructions to bidders relating to the bidding conditions and the procedures applied during the bidding process and answer questions of the bidders.
Bidders shall have to pay a bid guarantee upon submission of their bids. The amount of bid guarantee shall be defined by the tenderer but shall not exceed three per cent of the total estimated value of the goods opened for bidding.
In some cases, the tenderer may set a uniform bid guarantee amount in order to ensure the confidentiality of the bid prices offered by bidders.
The tenderer shall determine the guarantee form and conditions and the bank for payment of bid guarantees. Bid guarantees shall be refunded to unsuccessful bidders within thirty days from the date of announcement of the bidding results.
Where a bid winner fails to sign a contract, refuses to implement the contract, or withdraws his/her/its bidding application after the bid closure he/she/it shall not be entitled to the reimbursement of the bid guarantee.
Article 156.- Contract performance guarantees
The successful bidder shall have to pay a guarantee for the performance of the contract. The amount of the contract performance guarantee shall be agreed upon by the two parties but shall not exceed ten per cent of the value of the contract. The contract performance guarantee shall be effective until the completion of the performance of the contract. The successful bidder shall be entitled to the reimbursement of the contract performance guarantee upon the disposal of the contract, unless otherwise agreed upon by the parties.
After the payment of the contract performance guarantee, the successful bidder shall be refunded with his/her/its bid guarantee.
1. Bid opening is the opening of bid dossiers at a fixed time. All bid dossiers submitted on time must be opened publicly by the tenderer. The bidders shall be entitled to attend the bid opening.
2. Bid dossiers which are not submitted on time shall be rejected and returned to bidders unopened.
Article 158.- Minutes of bid opening
Upon bid opening, the tenderer and the bidders that are present shall have to sign the minutes of bid opening.
The minutes of bid opening must clearly state the name of the bidding goods; date, time and location of the bid opening; names and addresses of bidders; bidding prices, bid guarantees; any written amendments or supplements, and other relevant details, if any.
Article 159.- Consideration of bid dossiers upon bid opening
The consideration of bid dossiers upon bid opening shall include:
1. Consideration of the validity of bid dossiers;
2. Examination of the bidders qualifications to participate in the bidding;
3. Requests by the tenderer for bidders to clarify certain contents of their bid dossiers; the requests and clarification shall be made in writing.
Article 160.- Evaluation and comparison of bid dossiers
1. Bid dossiers shall be evaluated and compared according to each criterion for an overall evaluation.
The criteria for evaluation comprise the quality, financial and professional capability of bidders, prices, schedule of implementation, technology transfer, training, and other necessary criteria.
2. The criteria prescribed in Clause 1 of this Article shall be evaluated according to the method of a score system or other method as determined prior to the bid opening.
Article 161.- Classification and selection of bidders
1. On the basis of the result of bid evaluation, the tenderer shall classify bidders according to the method already determined.
2. Where a Vietnamese bidder and a foreign bidder obtain equal scores and equally satisfy bidding conditions, priority shall be given to the Vietnamese bidder.
3. Where foreign bidders obtain equal scores and equally satisfy bidding conditions, priority shall be given to the foreign bidder that undertakes to enter into sub-contracts with Vietnamese sub-contractors.
4. Where a goods bidding is funded by the State capital, the selection of successful bidder must be approved by the head of the competent State body.
Article 162.- Re-organization of bidding
A bidding shall be re-organized in the following cases:
1. Where there is breach of the regulations on bidding;
2. Where all bidders fail to satisfy the bidding requirements.
Section 10. GOODS FORWARDING SERVICES
Article 163.- Goods forwarding services of traders
Goods forwarding service is a commercial act whereby the forwarder receives goods from the sender, arranges transportation and storage, and completes the paperwork and other related services for the delivery of goods to the recipient as authorized by the goods owner, the carrier or another forwarder (hereinafter referred to as the customer).
A forwarder is a trader having a business registration certificate for forwarding services.
Article 165.- Forwarding contracts
A forwarding contract is a contract entered into between a forwarder and a customer for the provision of forwarding services as prescribed in Article 163 of this Law.
Article 166.- Undertaking to transport goods
A forwarder undertaking to transport goods shall have to comply with the legislation governing transportation activities.
Article 167.- Rights and obligations of forwarders
A forwarder shall have the following rights and obligations:
1. To be entitled to remuneration and other reasonable income;
2. To fulfill all his/her/its obligations in accordance with the contract;
3. To depart from the instructions of the customer during the performance of the contract for a plausible reason and in the interests of the customer, provided that the customer must be notified thereof immediately;
4. To notify the customer immediately for further instructions of the cases where, after the contract has been signed, the instructions of the customer cannot be followed in whole or in part;
5. To perform his/her/its obligations within a reasonable period of time if there is in the contract no agreement on specific time limit for the performance of the obligations to the customer.
Article 168.- Rights and obligations of customers
A customer shall have the following rights and obligations:
1. To select the forwarder that satisfies his/her/its requirements;
2. To guide, examine and supervise the performance of the contract;
3. To claim compensation if the forwarder breaches the contract;
4. To provide sufficient instructions to the forwarder;
5. To provide sufficient, detailed and accurate information on the goods to the forwarder;
6. To pack and mark the goods in accordance with the contract for sale and purchase of goods, except where the forwarder undertake to do such job;
7. To compensate for damage caused to, and pay any costs incurred by, the forwarder if he/she/it has strictly complied with the instructions of the customer or if the customer is at fault;
8. To pay the forwarder all amounts due.
Article 169.- Liability exemption
1. A forwarder shall not be liable for damage and loss caused in the following cases:
a/ Where the customer or his/her/its authorized person is at fault;
b/ Where it has strictly complied with the instructions of the customer or the person authorized by the customer;
c/ Where the customer wrongly packs and marks the goods;
d/ Where the customer or the person authorized by the customer loads and unloads the goods;
e/ Where the goods are defective;
f/ Where there is a strike;
g/ Where force majeure events occur.
2. A forwarder shall not be liable for the loss of profits which the customer should have earned if not for the delayed delivery or the delivery to the wrong address through no fault of the forwarder, unless otherwise provided for by law.
Article 170.- Limited liability
1. The liability of a forwarder shall, in any cases, not exceed the value of the goods, unless otherwise agreed upon by the parties in the contract.
2. A forwarder shall not be exempt from liability if he/she/it fails to disprove his/her/its fault for the loss, damage, or delayed delivery of goods.
3. Damages are calculated on the basis of the value of goods stated in invoices and other amounts substantiated by proper vouchers. If the value of goods is not stated in the invoices, damages shall be calculated on the basis of the market value of that type of goods at the time when and the location where the goods are delivered to the customer; if a market price is not available, the normal price of goods of the same type and quality shall apply.
4. A forwarder shall not be liable in the following cases:
a/ Where the forwarder does not receive any notice of complaint within fourteen days from the date of delivery of goods, excluding Sundays and public holidays;
b/ Where the forwarder does not receive any written notice of any lawsuit instituted at a court or an arbitration body within nine months from the date of delivery of goods.
Article 171.- The right to withhold and dispose of goods
1. A forwarder shall be entitled to withhold a certain quantity of goods and related documents in order to claim payment of a due debt from the customer and shall notify the customer thereof in writing immediately.
2. If the customer fails to pay the debt after forty five days from the date on which the goods and related documents are withheld, the forwarder shall be entitled to dispose of those goods or documents in accordance with the provisions of law and must notify the customer thereof in writing immediately; all costs relating to the withholding and disposal of such goods shall be borne by the customer.
3. A forwarder shall be entitled to use the proceeds from the disposal of goods to pay for the debt owed by the customer and the related expenses. Any balance must be returned to the customer. Thereafter, the forwarder shall no longer be responsible for the goods or documents disposed of.
4. Where there are indications of deterioration of goods, the forwarders right to dispose of the goods as prescribed in Clause 2 of this Article arises immediately upon the incurring of any debt by the customer provided that the forwarder has already notified.
Section 11. GOODS ASSESSMENT SERVICES
Article 172.- Goods assessment services
Goods assessment service is a commercial act conducted by an independent assessment organization in order to determine the actual condition of goods as required by an individual, an agency or an organization.
Article 173.- Goods assessment organizations
1. Only organizations satisfying all conditions prescribed by law and having business registration certificates for goods assessment services issued by a competent State body are permitted to provide assessment services and granted goods assessment certificates.
2. Foreign assessment organizations may provide goods assessment services in Vietnam only when they are so permitted by competent State bodies of Vietnam or when they are licensed to establish branches in Vietnam in accordance with the law of Vietnam.
Article 174.- Contents of goods assessment
Assessment of goods comprises the assessment of quantity, quality, specifications, packaging, value of goods, losses, safety, hygiene, and other aspects.
Article 175.- Assessment of goods at the parties request
Goods are assessed according to the agreement of the parties in the contract for sale and purchase of goods; in cases where such agreement is not stated in the contract, the parties shall be entitled to select the assessment organization.
Article 176.- Assessment of goods at the request of State bodies
A goods assessment organization shall have to assess goods at the request of a State body in accordance with its business lines and shall be paid assessment fees by the body that requests the assessment.
Article 177.- Rights and obligations of parties requesting goods assessment
The party requesting assessment of goods shall have the following rights and obligations:
1. To request the assessment organization to assess goods according to the agreed contents;
2. To request re-assessment if there is any doubt about the assessment results; and to demand a fine if the assessment organization issues an incorrect assessment certificate;
3. To provide promptly all necessary accurate documents to the assessment organization upon request;
4. To pay assessment fees as agreed upon.
Article 178.- Rights and obligations of goods assessment organization
A goods assessment organization shall have the following rights and obligations:
1. To assess goods independently, objectively, promptly and accurately;
2. To issue assessment certificates;
3. To receive assessment fees as agreed upon;
4. To pay fines for incorrect assessment as agreed upon by the two parties; fines shall not exceed ten times the assessment fees.
Article 179.- Authorized assessment of goods
Where parties to a contract for sale and purchase of goods agree to hire a foreign assessment organization to provide goods assessment services but that organization has not yet been permitted to operate in Vietnam, the foreign assessment organization may authorize an assessment organization which has already been permitted to operate in Vietnam to provide goods assessment services but the former shall have to be still responsible for the results of the assessment.
Trade promotion is a commercial act conducted by traders in order to promote the sale of goods and the provision of services within their scope of business by offering certain benefits to customers.
Article 181.- Forms of trade promotion
1. Trade promotion can be conducted in any of the following forms:
a/ Giving free samples of goods to customers for trial use;
b/ Giving goods as gifts or providing free services to customers;
c/ Selling goods or providing services during the period of trade promotion at prices lower than previous normal prices;
d/ Selling goods or providing services together with coupons or other forms of voucher for winning prizes according to rules and prizes already announced;
e/ Selling goods or providing services together with contest forms for customers, so that the prize winners shall be selected according to the rules and prizes already announced;
f/ Selling goods or providing services together with lottery tickets for drawing prizes according to the rules and prizes already.
2. In addition to the forms of trade promotion prescribed in Clause 1 of this Article, traders may apply other forms of trade promotion if approved by the State management body in charge of commerce.
Article 182.- Goods used for trade promotion
Goods which are used by traders as gifts or prizes or samples for trial use by customers in promotion activities must be goods which are permitted to be circulated on the market.
Article 183.- Rights and obligations of traders organizing trade promotion activities
1. A trader that organizes trade promotion activities shall have the following rights:
a/ To select the form, time and location for trade promotion;
b/ To define specific benefits which customers shall be entitled to;
c/ To authorize his/her/its agents to conduct promotion activities.
2. A trader that organizes trade promotion activities shall have the following obligations:
a/ To inform in writing the time and form of promotion to the State body for the management of commerce of the province or city directly under the central Government where the trade promotion activities are conducted prior to their commencement;
Where the trade promotion form prescribed in Point f, Clause 1, Article 181 of this Law is applied, the approval of the competent State body is required;
b/ To announce publicly the form and time of trade promotion at the place where goods are sold and services are provided;
c/ To fulfill his/her/its commitments to customers.
Article 184.- Confidentiality of information relating to trade promotion programs and contents
Upon receiving notices on trade promotion activities organized by traders, the competent State management body shall have to maintain strictly the confidentiality of the promotion programs and contents; if any disclosure causes damage to a trader, the aggrieved party shall have the right to complain to the competent State body or institute court action in accordance with the provisions of law.
Article 185.- Prohibited trade promotion activities
The following trade promotion activities shall be prohibited:
1. Promotion for goods and/or services that are prohibited from business and goods which have not yet been permitted for circulation;
2. Untruthful or misleading promotions for goods and services so as to deceive customers;
3. Promotions for the purpose of selling low quality products, causing harms to production, the interests and health of people and to the environment or scenery;
4. Promotions at schools, hospitals and offices of agencies, organizations and units of the peoples armed forces;
5. Promotions of alcohol, beer and cigarettes targeted at children of under sixteen years of age;
6. Promises to grant gifts or prizes, which are not fulfilled or wrongly fulfilled.
Section 13. COMMERCIAL ADVERTISING
Article 186.- Commercial advertising
Commercial advertising is a commercial act conducted by traders aimed at introducing goods and services for trade promotion.
Article 187.- Right to conduct commercial advertising
Traders shall be entitled to make advertisements for their production activities, goods and services or to hire advertising service organizations to do so for them.
Article 188.- Commercial advertising services
1. Commercial advertising service is a commercial activity carried out by trader(s) in order to conduct commercial advertising for other traders.
2. Organizations and individuals satisfying all conditions prescribed by law and wishing to conduct advertising services shall be granted business registration certificates by the competent State body.
3. The Government shall define the conditions for conducting commercial advertising service activities.
Article 189.- Commercial advertising products
Commercial advertising products comprise information in the forms of visual images, sounds, letters and symbols which contain commercial advertising details.
Article 190.- Means of commercial advertising
Means of commercial advertising are the media used to display commercial advertising products.
Means of commercial advertising comprise:
1. Mass media;
2. Means of communication;
3. Publications of all kinds;
4. All kinds of boards, signs, banners, panels and posters;
5. Other means of commercial advertising.
Article 191.- Protection of lawful commercial advertising products and commercial advertising
1. Traders shall be entitled to register industrial property rights over the commercial advertising products which are created by them in accordance with the provisions of law and protected by the State.
2. The State shall protect and facilitate the lawful commercial advertising activities of traders.
Article 192.- Prohibited commercial advertisements
The prohibited commercial advertisements shall include:
1. Advertisements of goods and services which are banned from business or advertisement by the State;
2. Advertisements of goods and products which have not yet been permitted for circulation or services which have not yet been permitted for provision, by the time of advertising;
3. Advertisements which are made use of, thereby causing damage to the interests of the State, individuals and other traders;
4. Advertisements using images, actions, sounds, spoken or written languages, symbols, colors and lighting which contravene the fine historic, cultural and moral traditions, customs of Vietnam and contravene the provisions of law;
5. Advertisements comparing one�s own goods and services with goods services of the same type of other traders or imitating advertising products of another trader thereby misleading customers;
6. False advertisements of goods and services with respect to any of the following contents: specifications, quality, price, utility, design, type, packaging, service mode and warranty period.
Article 193.- Use of commercial advertising means
1. The use of the commercial advertising means prescribed in Article 190 of this Law shall have to comply with the regulations issued by competent State bodies of Vietnam.
2. The use of the commercial advertising means must satisfy the following conditions:
a/ Being in compliance with advertisement planning; causing no adverse impacts on the environment, scenery, traffic order and safety, and social security;
b/ Being in accordance with the degree, time duration and timing prescribed for each particular means of mass media.
Article 194.- Commercial advertising by foreign traders in Vietnam
1. Foreign traders that are permitted to conduct commercial activities in Vietnam shall be entitled to advertise their production activities, goods and services in Vietnam in accordance with the provisions of this Law.
2. Foreign traders that have not yet been permitted to conduct commercial activities in Vietnam and wish to advertise their production activities, goods and services in Vietnam shall have to hire Vietnamese commercial advertising service organizations to perform such work.
Article 195.- Commercial advertising service contracts
1. Commercial advertising service shall be hired by way of contract.
2. Commercial advertising service contracts must be made in writing with the following principal contents:
a/ Name and addresses of contracting parties;
b/ Commercial advertising products;
c/ Modes and means of commercial advertising;
d/ Time and scope of commercial advertising;
e/ Service charges and other related costs.
Article 196.- Rights and obligations of the commercial advertising service hirers
The commercial advertising service hirer shall have the following rights and obligations:
1. To select the form, content, means, scope and duration of commercial advertising;
2. To provide true and accurate information relating to commercial production activities, goods and services and to be responsible for that information;
3. To inspect and supervise the performance of the commercial advertising service contract;
4. To pay advertising service charges as agreed upon in the contract.
Article 197.- Rights and obligations of the commercial advertising service provider
The commercial advertising service provider shall have the following rights and obligations:
1. To enter into contracts with the commercial advertising service hirers in accordance with its business registration certificate or its license to use means of advertisement;
2. To request the commercial advertising service hirers to provide true and accurate information relating to the advertisement in accordance with the term of the contract;
3. To provide commercial advertising services as agreed upon in the contract;
4. To be permitted to import materials, raw materials and commercial advertising products which are necessary for its advertising service activities in accordance with the provisions of law;
5. To receive advertising service charges as agreed upon in the contract.
Article 198.- Display of goods
Display of goods is a commercial act conducted by traders using goods to introduce and advertise their products and goods to customers for commercial promotion purposes.
Article 199.- Forms of goods display
1. Opening showrooms to introduce goods;
2. Introducing goods in various forms at commercial centers and trade fairs and exhibitions or during the entertainment, sport, cultural or artistic activities;
3. Organizing conferences, workshops with display of goods.
Article 200.- Conditions for goods to be display
1. Displayed goods are sample goods representing goods of the trader, including goods already in circulation and newly produced goods permitted to be circulated on the market;
2. Displayed goods must meet quality and environmental standards and must not be detrimental to the social security and order and the fine historic, cultural and moral traditions and customs of Vietnam;
3. Displayed goods must bear labels indicating name of product, name of producer, place of manufacture, quality registration number, properties and instructions for the use of goods, production date, expiry date and warranty period, if any.
Article 201.- Conditions for goods produced overseas
In addition to the conditions prescribed in Article 200 of this Law, goods produced overseas and brought into Vietnam for display must meet the following conditions:
1. Being permitted to be imported into Vietnam;
2. For goods temporarily imported for display, they must be permitted by the competent State body of Vietnam with respect to their type, quantity, model, specifications and duration. Upon completion of the display, all temporarily imported goods and means must be re-exported. If they are sold in Vietnam, the approval of the Ministry of Trade must be obtained and the provisions of Vietnam law must be complied with.
Article 202.- Right to display goods and provide goods display services
1. Traders shall be entitled to display goods and select the appropriate form of display; and to display goods by themselves or to hire traders providing goods display services to do so.
2. Entertainment, sports, cultural and artistic establishments having suitable locations and facilities may be permitted by competent State bodies to lease out those locations and facilities for the display of goods; if they directly provide goods display services, they must register their business activities as applicable to goods display service providers.
Article 203.- Right of foreign traders to display goods
1. Foreign traders may import goods stipulated in Article 201 of this Law for display at trade fairs and exhibitions organized in Vietnam if they are so permitted by the competent State bodies of Vietnam.
2. Foreign traders wishing to display their goods in Vietnam may hire Vietnamese traders providing goods display service to do so.
Article 204.- Prohibited goods displays
Goods displays shall be prohibited in the following cases:
1. Display of goods which have not yet been permitted for circulation;
2. Display of goods or use of means of goods display, that causes adverse effects on public security and order, scenery, environment and human health;
3. Display of goods or use of forms and means of goods display, that contravene the fine historic cultural and moral traditions and customs of Vietnam;
4. Display of goods disclosing national secrets;
5. Display of goods of other persons to compare with ones own goods;
6. Display of goods samples which are inconsistent with goods actually produced or traded with respect to specifications, quality, price, utility, design type, packaging, warranty period, and other standards.
Article 205.- Goods display service contracts
1. The hiring goods display services must be established through contracts.
2. Goods display service contracts must be made in writing with the following principal contents:
a/ Names and addresses of the service hirer and the goods display service provider;
b/ Goods to be displayed;
c/ Content, form, location and time of the goods display;
d/ Service charges and other expenses.
Article 206.- Rights and obligations of the goods display service hirers
A goods display service hirer shall have the following rights and obligations:
1. To request the goods display service provider to fulfill the agreements in the contract;
2. To inspect and supervise the performance of the goods display service contract;
3. To supply all goods to be displayed or facilities to the service provider as agreed upon in the contract;
4. To provide information relating to goods to be displayed and other necessary facilities as agreed upon in the contract;
5. To pay service charges and other costs in accordance with the contract.
Article 207.- Rights and obligations of the goods display service providers
A goods display service provider shall have the following rights and obligations:
1. To request the service hirers to supply goods to be displayed according to the time limit agreed upon in the contract;
2. To request the service hirers to supply information relating to the to-be displayed goods and other necessary facilities as agreed upon;
3. To receive service charges and other fees in accordance with the contract;
4. To display goods as agreed upon in the contract;
5. To refrain from assigning or hiring other people to provide the services without the consent of the service hirer; to remain responsible to the goods display services hirer even if the obligation to perform the contract is assigned to another person;
6. To take care of the displayed goods, documents and facilities provided during the performance of the contract; to return all displayed goods, documents and facilities to the service hirer upon completion of the goods display and, if any damage is caused to the services hirer, to pay compensation.
Section 15. TRADE FAIRS AND EXHIBITIONS
Article 208.- Trade fairs and exhibitions
1. A trade fair is a commercial promotion activity concentrated at a location and for a certain period of time during which production and business organizations and individuals may display their goods for purposes of marketing or entering into contracts for sale and purchase of goods.
2. A trade exhibition is a commercial promotion activity which is aimed, through the display of goods and documents relating to goods, at introducing and advertising goods in order to expand and promote the sale of goods.
3. Trade fairs and exhibitions must specify the theme, scale, time, location, list of goods, documents on goods, and names and addresses of participating organizations and individuals.
Article 209.- Organization of trade fairs and exhibitions in Vietnam
All trade fairs and exhibitions organized in Vietnam, including trade fairs and exhibitions organized by foreign traders, must be permitted by the Ministry of Trade.
Article 210.- Right to organize or participate in trade fairs and exhibitions
1. Production and business organizations and individuals in Vietnam shall be entitled to organize and participate in both domestic and overseas trade fairs and exhibitions for the purpose of commercial promotion.
2. Organizations and individuals organizing domestic and overseas trade fairs and exhibitions shall have to establish organizational boards in accordance with the provisions of the licenses issued by the Ministry of Trade.
3. Production and business organizations and individuals in Vietnam may enter into contracts with traders providing trade fair and exhibition services for hiring the latter to organize trade fairs and exhibitions.
Article 211.- Organizations of and participation in overseas trade fairs and exhibitions
The organizations of and participation in overseas trade fairs and exhibitions by production and business organizations and individuals in Vietnam must be approved by the Ministry of Trade of Vietnam and comply with Vietnamese laws and the laws of the host country.
Article 212.- Goods prohibited from sale at trade fairs and exhibitions
Goods prohibited from sale at trade fairs and exhibitions are goods having no quality and trademark registration.
Article 213.- Registration of participation in trade fairs and exhibitions
Production and business organizations and individuals wishing to participate in a trade fair or exhibition shall have to register with the organizational board of such trade fair or exhibition.
Article 214.- Rights and obligations of organizations and individuals participating in trade fairs and exhibitions in Vietnam
Organizations and individuals participating in trade fairs and exhibitions in Vietnam shall have the following rights and obligations:
1. To display their goods and documents relating to goods at the trade fairs or exhibitions according to their registered lists;
2. To negotiate and enter into sale and purchase contracts in accordance with the provisions of law;
3. To sell goods at the trade fairs or exhibitions in accordance with the registration of participation in the trade fairs or exhibitions; to declare and pay tax after the sale of goods at the trade fairs or exhibitions as prescribed by law;
4. To comply with the regulations on the organization of trade fairs and exhibitions in Vietnam.
Article 215.- Rights and obligations of foreign traders participating in trade fairs and exhibitions in Vietnam
Foreign traders participating in trade fairs and exhibitions in Vietnam shall have the following rights and obligations:
1. To be entitled to temporarily import duty-free goods and documents thereon for display at trade fairs and exhibitions; such goods and documents must be re-exported within thirty days after the end of the trade fairs or exhibitions;
2. To comply with the regulations on the organization of trade fairs and exhibitions in Vietnam;
3. To complete customs procedures as prescribed by Vietnamese laws in respect of goods and documents thereon temporarily imported for participation in trade fairs and exhibitions;
4. To be entitled to sell goods displayed at trade fairs and exhibitions only when permitted by the Ministry of Trade of Vietnam and to pay tax as provided for by Vietnamese law;
5. When goods displayed at trade fairs and exhibitions are used a gifts, the approval of the Ministry of Trade of Vietnam shall be required and tax must be paid in accordance with the provisions of Vietnamese law.
Article 216.- Rights and obligations of production and business organizations and individuals in Vietnam organizing or participating in overseas trade fairs or exhibitions
Production and business organizations and individuals in Vietnam organizing or participating in overseas trade fairs or exhibitions shall have the following rights and obligations:
1. To be entitled to temporarily export duty-free goods and documents thereon for display at trade fairs or exhibitions;
2. To comply with the regulations on the organization of overseas trade fairs or exhibitions;
3. Where goods displayed at overseas trade fairs or exhibitions are sold, export duties must be declared and paid in accordance with the provisions of Vietnamese law;
4. Where goods displayed at trade fairs or exhibitions are used as gifts, the approval of the Ministry of Trade of Vietnam must be obtained and tax must be paid in accordance with provisions of Vietnamese law.
Article 217.- Provision of trade fairs and exhibitions services
1. The provision of trade fairs and exhibitions service is a commercial activity conducted by traders for the purpose of organizing trade fairs and exhibitions;
2. Organizations and individuals satisfying all conditions prescribed by law shall be granted business registration certificate for provision of trade fair and exhibition services;
3. The Government shall stipulate the conditions and procedures for granting business registration certificates of trade fair and exhibition service provision.
Article 218.- Rights and obligations of traders providing trade fair and exhibitions services
Traders providing trade fair and exhibition services shall have the following rights and obligations:
1. To request the service hirers to supply goods for participation in the trade fairs or exhibitions according to the time agreed upon in the contract;
2. To request the service hirers to provide information relating to goods displayed at the trade fairs or exhibitions and other necessary facilities as agreed upon;
3. To receive service charges and other fees in accordance with the contract;
4. To perform the trade fair and exhibition organization services as agreed upon in the contract;
5. Not to assign or hire other persons to provide the services without the consent of the service hirer; to remain responsible to the trade fair and exhibition service hirer even if the obligation to perform the contract is assigned to another person;
6. To take care of displayed goods and documents and facilities provided during the performance of the contract; to return all displayed goods, documents and facilities to the service hirer when the trade fair and exhibition end; and, if any damage is caused to the service hirer, to pay compensation.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực