Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8 (Cánh diều): Khí áp, gió và mưa

Tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa ngắn gọn, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Địa lí 10.

1 14,898 06/01/2023
Tải về


Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa

I. Khí áp

Sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất

- Trên bề mặt Trái Đất có 2 đai khí áp cao cực và hai đại khí áp thấp ôn đới và hai đai khí áp cao cận nhiệt đới, được phân bố đối xứng nhau qua đai áp thấp xích đạo.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

Các đai khí áp và gió trên Trái Đất

- Tại xích đạo, không khí bị đốt nóng nở ra thăng lên cao nên ở đây hình thành đai áp thấp xích đạo. Đến tầng bình lưu, không khí chuyển động theo luồng ngang về phía hai cực, nhiệt độ hạ thấp và bị lệch hướng do tác động của lực Cô-ri-ô-lit nên giáng xuống vùng cận chí tuyến, tạo nên đai áp cao cận nhiệt đới.

- Ở cực, nhiệt độ xuống thấp, không khí co lại nén xuống bề mặt Trái Đất tạo nên đai áp cao cực.

- Không khí chuyển động từ áp cao cực và từ chí tuyến về ôn đới gặp nhau thăng lên cao, tạo nên đai áp thấp ôn đới.

II. Nguyên nhân sự thay đổi khí áp

- Sự thay đổi khí áp chịu tác động của độ cao, nhiệt độ và độ ẩm không khí.

- Càng lên cao, không khí càng loãng, sức nén của không khí càng giảm nên khí áp càng nhỏ.

- Nhiệt độ tăng làm không khí nở ra, tỉ trọng của không khí giảm đi nên khí áp giảm.

- Không khí có độ ẩm cao thì khí áp giảm. Khi nhiệt độ cao, hơi nước bốc lên nhiều chiếm dần chỗ của không khí khô làm cho khí áp giảm.

III. Một số loại gió chính trên Trái Đất

1. Gió mậu dịch (gió tín phong)

- Phạm vi: Loại gió thổi gần như quanh năm từ hai khu vực áp cao cận nhiệt đới về phía áp thấp xích đạo.

- Hướng gió: Gió này có tốc độ thổi đều đặn và hướng ít thay đổi (Đông Bắc ở bán cầu Bắc; Đông Nam ở bán cầu Nam).

- Tính chất: Gió rất khô, đặc biệt là ở trên lục địa.

- Tác động: Gió chỉ tạo điều kiện cho mưa khi vượt qua một chặng đường dài trên đại dương và gặp địa hình chắn.

2. Gió Tây ôn đới

- Phạm vi: Loại gió thổi từ khu áp cao cận nhiệt đới về phía khu áp thấp ôn đới ở cả hai bán cầu.

- Hướng gió: Ở bán cầu Bắc, gió thổi theo hướng tây nam; ở bán cầu Nam, gió thổi theo hướng tây bắc.

- Tính chất: Thường đem theo mưa, độ ẩm cao.

- Tác động: Thường gây mưa nhiều cho khu vực bờ tây của các lục địa ôn đới.

3. Gió mùa

- Khái niệm: Là loại gió thổi theo mùa, hướng ngược nhau giữa lục địa và đại dương.

- Nguyên nhân:

+ Do sự nóng lên hoặc lạnh đi không đều giữa lục địa và đại dương theo mùa.

+ Về mùa đông, lục địa bị mất nhiệt nhanh hình thành các áp cao, gió thổi từ lục địa ra đại dương, có tính chất khô.

+ Đến mùa hạ, lục địa bị đốt nóng nhiều hơn hình thành nên áp thấp, gió từ đại dương thổi vào lục địa, có tính chất ẩm.

- Phạm vi:

+ Gió mùa chỉ có ở một số khu vực thuộc đới nóng và một số nơi thuộc vĩ độ trung bình. + Nam Á và Đông Nam Á là những khu vực có hoạt động của gió mùa điển hình.

IV. Gió địa phương

1. Gió đất, gió biển

- Phạm vi: Là loại gió hình thành ở vùng ven biển.

- Hướng gió: Thay đổi theo ngày và đêm.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

2. Gió phơn

- Đặc điểm: Là loại gió thổi từ trên núi xuống.

- Tính chất: Nóng và khô.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

Quá trình hình thành gió Phơn

3. Gió núi – gió thung lũng

- Phạm vi: Là loại gió hoạt động theo ngày đêm ở khu vực miền núi.

- Sự hình thành:

+ Ban ngày, không khí ở sườn núi được đốt nóng hơn so với không khí xung quanh nên gió thổi lên theo sườn núi và ở trên gió thổi về phía thung lũng.

+ Ban đêm, không khí ở sườn núi lạnh hơn xung quanh nên gió thổi dọc theo sườn xuống dưới, ở dưới không khí bốc lên trên thung lũng.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

Hoạt động của gió núi – gió thung lũng vào ban đêm

V. Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa

1. Khí áp

- Áp thấp

+ Ở các khu áp thấp, không khí bị hút vào giữa và đẩy lên cao ngưng tụ tạo thành mây và gây mưa.

+ Ở xích đạo và ôn đới là những nơi có áp thấp nên mưa nhiều.

- Áp cao

+ Ở các khu áp cao, chỉ có gió thổi đi không có gió thổi đến nên mưa rất ít hoặc không có mưa.

+ Ở cực và chí tuyến đều là những nơi có áp cao nên mua ít.

2. Gió

- Ở những nơi có gió từ biển thổi vào hoặc hoạt động của gió mùa thường có mưa lớn.

- Ở những nơi chịu ảnh hưởng của Tín phong thường mưa ít.

3. Frông

- Khái niệm: Là mặt tiếp xúc của hai khối khí có nguồn gốc và tính chất vật lí khác nhau, nơi không khí bị nhiễu loạn và sinh ra mưa.

- Phân loại: frông nóng và frông lạnh.

- Nguyên nhân: Dọc các frông nóng cũng như frông lạnh, không khí nóng bị đẩy lên cao tạo thành mây và gây mưa, đó là mưa frông.

- Dải hội tụ nhiệt đới

+ Các khối khí nóng ẩm trong vùng nội chí tuyến tiếp xúc với nhau tạo thành dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa lớn, đó là mưa dải hội tụ.

+ Lượng mưa dải hội tụ lớn hơn rất nhiều so với mưa frông.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

4. Dòng biển

- Những nơi có dòng biển nóng chảy qua có mưa nhiều vì phía trên dòng biển nóng không khí thường chứa nhiều hơi nước.

- Những nơi có dòng biển lạnh chảy qua có mưa ít vì phía trên dòng biển lạnh, không khí lạnh nên hơi nước không bốc lên được.

5. Địa hình

- Cùng một sườn núi nhưng lượng mưa lại không giống nhau theo độ cao. Ở vùng nhiệt đới và ôn đới, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, mưa càng nhiều; tới 1 độ cao nào đó sẽ không còn mưa do độ ẩm không khí đã giảm nhiều.

- Cùng một dãy núi, lượng mưa khác nhau giữa sườn đón gió ẩm và sườn khuất gió.

VI. Sự phân bố lượng mưa trên thế giới

1. Phân bố mưa theo vĩ độ

- Lượng mưa trên thế giới phân bố không đều theo vĩ độ.

+ Khu vực xích đạo lượng mưa nhiều nhất do có áp thấp, nhiệt độ và độ ẩm cao, chủ yếu là đại dương và rừng xích đạo ẩm ướt.

+ Khu vực chí tuyến Bắc và Nam mưa tương đối ít do có khí áp cao cận chí tuyến, tỉ lệ diện tích lục địa tương đối lớn.

+ Hai khu vực ôn đới có mưa nhiều do khi áp thấp, có gió Tây ôn đới từ biển thổi vào.

+ Hai khu vực cực mưa ít nhất do có khí áp cao ngự trị, không khí lạnh khô, nước không bốc hơi lên được.

2. Phân bố mưa trên lục địa

- Phân bố: Lượng mưa trên lục địa không giống nhau giữa các khu vực và hai bán cầu.

- Nguyên nhân: Do ảnh hưởng của biển và đại dương, dòng biển nóng và dòng biển lạnh.

- Ở những nơi gần biển hoặc có dòng biển nóng chảy qua thường mưa nhiều hơn, những nơi sâu trong lục địa hoặc chịu ảnh hưởng của dòng biển lạnh thường mưa ít.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 8: Khí áp, gió và mưa - Cánh diều (ảnh 1)

Bản đồ phân bố lượng mưa trung bình ở các châu lục

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa lí 10 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 10: Thủy quyển. Nước trên lục địa

Lý thuyết Bài 11: Nước biển và đại dương

Lý thuyết Bài 12: Đất và sinh quyển

Lý thuyết Bài 14: Vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh

Lý thuyết Bài 15: Quy luật địa đới và phi địa đới

1 14,898 06/01/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: