Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28 (Cánh diều): Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch

Tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch ngắn gọn, chi tiết sách Cánh diều sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Địa lí 10.

1 8,105 06/01/2023
Tải về


 Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch

I. Thương mại

1. Khái niệm, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố thương mại

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

Hoạt động thương mại (minh họa)

a. Khái niệm

Thương mại là khâu tất yếu của quá trình sản xuất, được coi là mạch máu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng về nhiều mặt.

b. Vai trò

- Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.

- Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.

- Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.

- Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.

c. Đặc điểm

- Hoạt động theo quy luật cung, cầu; gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, cầu của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.

- Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).

- Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

d. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố thương mại

- Trình độ phát triển kinh tế, các ngành sản xuất vật chất tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Đặc điểm dân số, trong đó số dân và nguồn lao động, cơ cấu dân số, sự phân bố dân cư và mạng lưới điểm quần cư, phong tục tập quán,... ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nội thương, đến việc tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cần nhiều lao động.

- Khoa học - công nghệ và chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu thương mại, mở rộng hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, hình thành nhiều loại hình và phương thức hoạt động mới (thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại…).

- Nhân tố khác: Các nhân tố cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn,... cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và phân bố của thương mại.

2. Tình hình phát triển và phân bố

a. Nội thương

- Khái niệm: là hoạt động thương mại diễn ra bên trong phạm vi của một quốc gia.

- Vai trò:

+ Là điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, tạo ra thị trường thống nhất trong nước và đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng.

+ Đáp ứng mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống, lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong nước được thông suốt.

- Thước đo sự phát triển: chỉ tiêu Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

- Phân bố

+ Việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thường diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại.

+ Hệ thống bán buôn, bán lẻ phát triển nhanh trên toàn thế giới, nhiều tập đoàn thương mại và siêu thị lớn đã có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

+ Xã hội văn minh, hiện đại, con người có xu hướng mua sắm hàng hoá ở các siêu thị, trung tâm thương mại và mua bán online.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

Hoạt động mua bán trong siêu thị

b. Ngoại thương

- Khái niệm: là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

- Đặc điểm:

+ Gắn liền với xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.

+ Cán cân xuất nhập khẩu là quan hệ so sánh giữa trị giá hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu.

- Tình hình phát triển:

+ Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập làm cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và gia tăng nhanh chóng.

+ Cơ cấu hàng xuất khẩu trên thế giới có những thay đổi rõ rệt.

- Phân bố:

+ Các khu vực có đóng góp lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá là Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á,...

+ Các quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc,...

+ Những nước xuất siêu là Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc,...; những nước nhập siêu là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản,...

II. Tài chính ngân hàng

1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố tài chính ngân hàng

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

a. Vai trò

- Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu khác nhau của sản xuất và đời sống.

- Tạo cơ hội cho nhà sản xuất và người dân thanh khoản trên thị trường, duy trì nguồn cung tài chính thông qua việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ.

- Điều tiết và ổn định nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.

- Góp phần hình thành quan hệ tích luỹ và tiêu dùng hợp lí.

b. Đặc điểm

- Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng.

- Các tổ chức tài chính và các ngân hàng có quy mô khác nhau dựa trên tài sản, doanh thu và đối tượng phục vụ.

- Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất, phí dịch vụ quyết định tới việc lựa chọn các tổ chức tài chính và các ngân hàng của người tiêu dùng.

c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành tài chính ngân hàng

- Sự phát triển của nền kinh tế: kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu,…

- Khoa học - công nghệ, mức thu nhập của dân cư,... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của tài chính ngân hàng.

- Chính sách tài chính ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả của ngành.

2. Tình hình phát triển và phân bố

- Hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng sôi động, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng được thành lập trên thế giới và ở mỗi quốc gia.

- Các trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là Niu Y-oóc, Luân-đôn, Tô-ky-ô, Thượng Hải, Bắc Kinh, Xin-ga-po, Phran-phuốc, Zu-rich,...

III. Du lịch

1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố du lịch

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

Hoạt động du lịch (minh họa)

a. Vai trò

- Kích thích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia và địa phương.

- Tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, phục hồi sức khoẻ; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia.

- Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí và hiệu quả tài nguyên; bảo vệ, khôi phục và tôn tạo môi trường (tự nhiên và nhân văn).

b. Đặc điểm

- Hoạt động du lịch thường gắn với tài nguyên du lịch, khách du lịch phải đến nơi có tài nguyên du lịch nhờ các dịch vụ du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình.

- Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng và phong phú, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi,..

- Hoạt động du lịch thường có tính mùa vụ.

c. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố du lịch

- Tài nguyên du lịch là điều kiện cần thiết để phát triển và phân bố du lịch, là nhân tố cơ bản tạo nên các sản phẩm du lịch, thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.

- Thị trường khách du lịch ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển du lịch, tới cơ cấu các sản phẩm du lịch và doanh thu của ngành du lịch.

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch ảnh hưởng tới hoạt động du lịch, tới khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

- Các nhân tố kinh tế - xã hội khác như khoa học công nghệ, chính sách phát triển du lịch, điều kiện chính trị và an toàn xã hội,... cũng ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố du lịch.

2. Tình hình phát triển và phân bố du lịch

- Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” và có đóng góp quan trọng vào GDP của nhiều quốc gia.

- Bước sang thế kỉ XXI, lượng khách du lịch quốc tế tăng lên không ngừng.

- Doanh thu từ du lịch cũng ngày càng lớn.

- Các hình thức du lịch ngày càng phong phú, từ truyền thống đến các hình thức mới.

- Các tuyến, tour và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng.

- Những nước đứng hàng đầu thế giới về số lượt khách và doanh thu du lịch là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch - Cánh diều (ảnh 1)

Một góc quang cảnh thành phố Pa-ri

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa lí 10 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 29: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Lý thuyết Bài 30: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh

Lý thuyết Bài 25: Tổ chức lãnh thổ công nghiệp

Lý thuyết Bài 26: Vai trò, đặc điểm, cơ cấu, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ

Lý thuyết Bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

1 8,105 06/01/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: