Trang chủ Lớp 10 Lịch sử Bài tập Chuyên đề Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử có đáp án

Bài tập Chuyên đề Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử có đáp án

Bài tập Chuyên đề Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử có đáp án

  • 118 lượt thi

  • 27 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

21/07/2024

Hãy chia sẻ hiểu biết của em về nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử.

Xem đáp án

- Trong lịch sử Việt Nam tồn tại nhiều mô hình nhà nước khác nhau, điển hình như các mô hình nhà nước quân chủ và mô hình nhà nước dân chủ:

+ Mô hình nhà nước quân chủ, điển hình là các mô hình: nhà nước quân chủ tập quyền thân dân thời Lý - Trần; nhà nước quân chủ tập quyền quan liêu thời Lê sơ; nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế thời Nguyễn;...

+ Mô hình nhà nước dân chủ, điểm hình là: nhà nước dân chủ cộng hòa (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

- Về pháp luật:

+ Những bộ luật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ độc lập là: Quốc triều hình luật (thời Lê sơ) và Hoàng Việt luật lệ (thời Nguyễn)

+ Thời hiện đại, nhà nước Việt Nam ban hành nhiều bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Các bản Hiến pháp này là đạo luật gốc, có giá trị pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật.


Câu 2:

23/07/2024

Khai thác các tư liệu 1, 2 giúp em hiểu gì về chính sách cai trị của nhà nước quân chủ thời Lý - Trần?

Xem đáp án

- Các đoạn tư liệu số 1 và số 2 đã thể hiện rõ tính thân dân của nhà nước quân chủ thời Lý - Trần:

+ Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần thi hành các chính sách như chăm lo phát triển kinh tế nông nghiệp, miễn giảm thuế trong những năm mất mùa, miễn giảm hình phạt, đại xá cho tù nhân,...

+ Mối quan hệ giữa vua và người dân còn khá gần gũi.

Câu 3:

18/07/2024

Em hãy phân tích những đặc điểm của mô hình nhà nước quân chủ thời Lý - Trần.

Xem đáp án

- Nhà nước quân chủ tập quyền thân dân thời Lý - Trần có đặc điểm:

+ Vua là người đứng đầu đất nước, nắm giữ quyền lực tối cao.

+ Nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương.

+ Nhà nước thi hành nhiều chính sách “an dân”.

Câu 4:

23/07/2024

Em hãy phân tích những đặc điểm của mô hình nhà nước quân chủ tập quyền quan liêu thời Lê sơ.

Xem đáp án

- Nhà nước quân chủ tập quyền quan liêu thời Lê sơ có đặc điểm:

+ Vua nắm giữ quyền lực tối cao

+ Nhà nước thống nhất, quyền lực tập trung vào chính quyền trung ương

+ Lập thêm nhiều cơ quan trung ương, cơ quan chuyên môn


Câu 5:

19/07/2024

Nêu những điểm khác của nhà nước thời Lê sơ so với thời Lý - Trần.

Xem đáp án

- Những điểm khác của bộ máy nhà nước thời Lê sơ so với thời Lý - Trần:

+ Bộ máy nhà nước được tổ chức quy mô và hoàn thiện hơn: Lần đầu tiên các cơ quan trung ương được tổ chức và phân định thành ba bộ phận, gồm: dân sự (hành chính), quân sự và giám sát; ngoài Lục bộ, Lục tự đã có từ trước, lập thêm Lục khoa, cùng với Ngự sử đài giám sát hoạt động của Lục bộ và một số cơ quan khác

+ Cơ cấu quyền lực với ba Cơ quan phụ trách ba lĩnh vực (hành chính, quân đội, tư pháp) cũng được áp dụng trong tổ chức chính quyền địa phương (gọi là Tam ti).

Câu 6:

13/07/2024

Em hãy phân tích những đặc điểm của mô hình nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế thời Nguyễn. 

Xem đáp án

- Nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế thời Nguyễn có đặc điểm:

+ Vua nắm giữ quyền lực tối cao

+ Bỏ bớt các chức quan, cơ quan trung gian ở vtrung ương

+ Kiểm soát và hạn chế quyền lực của chính quyền địa phương


Câu 7:

13/07/2024

Nêu những điểm khác của bộ máy nhà nước thời Nguyễn so với thời Lê sơ.

Xem đáp án

- Những điểm khác của bộ máy nhà nước thời Nguyễn so với thời Lê sơ:

+ Ở trung ương, lập và trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan giúp việc trực tiếp của vua như: Nội các, Văn thư phòng, Hàn lâm viện, Cơ mật viện,... để tập trung quyền lực cho nhà vua. Tăng quyền lực cho các cơ quan tư pháp và giám sát.

+ Ở địa phương, từ sau cải cách Minh Mạng, cấp tỉnh do vua và triều đình trực tiếp quản lí.


Câu 8:

13/07/2024

Nêu nội dung cơ bản của Bộ Quốc triều hình luật. 

Xem đáp án

- Bộ Quốc triều hình luật gồm 13 chương, 722 điều, quy định nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau như: hình sự, dân sự, tố tụng, hôn nhân-gia đình,...

- Về nội dung:

+ Quốc triều hình luật có nhiều điều khoản nhằm bảo vệ lợi ích và đặc quyền, đặc lợi của vua, hoàng tộc, quan lại, địa chủ.

+ Những hành vi chống đối nhà nước, xâm phạm tài sản, tính mạng, sự an toàn của vua, hoàng tộc và chính quyền đều bị khép vào tội nặng nhất và phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất.


Câu 9:

22/07/2024

Qua Tư liệu 4, hãy cho biết một số điểm tiến bộ của bộ Quốc triều hình luật.

Xem đáp án

- Qua tư liệu số 4, có thể thấy: bộ Quốc triều hình luật có nhiều nội dung tiến bộ, thể hiện tính nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức, chú ý phần nào tới quyền lợi của người phụ nữ. Ví dụ như:

+ Cho phép con gái được hưởng tài sản thừa kế (điều 388 và 391).

+ Phân chia tài sản do vợ và chồng cùng gây dựng (điều 374, 375).


Câu 10:

13/07/2024

Nêu và phân tích nét chính về nội dung của bộ Hoàng Việt luật lệ. 

Xem đáp án

- Là bộ luật của nhà Nguyễn, được ban hành dưới triều vua Gia Long, năm 1815.

- Về cấu trúc: Bộ luật gồm 398 điểu, phân làm 22 quyển, bao gồm các điều khoản được chia thành sáu thể loại, tương ứng với phạm vi phụ trách và quản lí của sáu bộ.

- Về nội dung:

+ Tổng hợp, quy định và điều chỉnh hầu hết quan hệ xã hội, tập trung bảo vệ chế độ quân chủ, bảo vệ quyền lực và quyền lợi của giai cấp thống trị.

+ Có một số quy định tiến bộ như bảo vệ người già, trẻ em, phụ nữ,...


Câu 11:

13/07/2024

Em hãy cho biết điểm chung của hai bộ Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ.

Xem đáp án

- Điểm chung về nội dung:

+ Có các điều khoản bảo vệ chế độ quân chủ, bảo vệ quyền lực và quyền lợi của giai cấp thống trị.

+ Có nhiều nội dung tiến bộ, thể hiện tính nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức, chú ý phần nào tới quyền lợi của người phụ nữ, người già, trẻ em…

- Điểm chung về kĩ thuật lập pháp:

+ Các điều luật đã được sắp xếp theo từng lĩnh vực;

+ Hầu hết các quy phạm pháp luật đểu gồm ba thành phần cơ bản là: giả định (đặt ra tình huống), quy định (xác định hành vi được/phải làm hoặc không được làm) và chế tài (biện pháp xử lí nếu làm trái quy định).


Câu 12:

20/07/2024

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời trong bối cảnh nào? Sự ra đời đó có ý nghĩa gì?

Xem đáp án

- Bối cảnh ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

+ Ngày 15/ 8/1945, quân phiệt Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

+ Ở Việt Nam, tháng 8/1945, quân đội Nhật Bản hoang mang, tuyệt vọng, chính quyền thân Nhật rệu rã.

+ Từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thắng lợi trên phạm vi cả nước.

+ Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- Ý nghĩa sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

+ Là một trong những thành quả quan trọng nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945

+ Là bước ngoặt lịch sử, chấm dứt chế độ quân chủ, mở đầu cho chế độ dân chủ tiến bộ ở Việt Nam.

+ Cổ cũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới.


Câu 13:

18/07/2024
Qua nội dung mục c và các trư liệu 7, 8, hãy nêu một số đặc điểm và tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Xem đáp án

- Đặc điểm: là nhà nước theo chế độ dân chủ cộng hoà, trong đó quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước thuộc về nhân dân thông qua Quốc hội.

- Tính chất: nhà nước của dân, do dân và vì dân

+ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước dân chủ kiểu mới, do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân.

+ Mọi chính sách và hoạt động của nhà nước đều hướng tới mục tiêu vì nhân dân.


Câu 14:

19/07/2024

Dựa vào thông tin trong Bảng 1 (tr.52 - 53), em hãy nêu vai trò của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1976.

Xem đáp án

* Vai trò của Nhà nước trong tổ chức kháng chiến chống ngoại xâm (1945 - 1975)

- Giai đoạn 1945 - 1946: Thực hiện các biện pháp ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng

- Giai đoạn 1946 - 1954: tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi

- Giai đoạn 1954 - 1975: tổ chức cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, thống nhất đất nước

* Vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội (1945 - 1976)

- Giai đoạn 1945 - 1946:

+ Thực thi các biện pháp cấp bách để giải quyết nạn đói, tình trạng mù chữ và khó khăn về tài chính.

+ Chia ruộng đất cho nông dân.

- Giai đoạn 1946 - 1954:

+ Phát triển kinh tế kháng chiến và công nghiệp quốc phòng.

+ Phát triển giáo dục, y tế.

+ Thực hiện cải cách ruộng đất, chia ruộng đất cho nông dân.

- Giai đoạn 1954 - 1976 (ở miền Bắc)

+ Khôi phục kinh tế sau chiến tranh

+ Hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp, thương nghiệp quốc doanh

+ Phát triển nền giáo dục và y tế toàn dân.

Câu 15:

22/07/2024

Phân tích bối cảnh ra đời Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem đáp án

Bối cảnh ra đời của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng vẫn tồn tại hai tổ chức nhà nước khác nhau ở hai miền đất nước:

+ Ở miền Bắc là: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

+ Ở miền Nam là: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

=> Vì vậy, thống nhất về mặt nhà nước vừa là nguyện vọng của nhân dân, vừa là cơ sở pháp lí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

- Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa hai miền Nam - Bắc được tổ chức tại Sài Gòn.

- Ngày 25/4/1976, nhân dân cả nước tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

- Tại kì họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI (từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976) đã quyết định đổi tên nước Việt Nam là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Câu 16:

23/07/2024

Nêu ý nghĩa của sự ra đời Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem đáp án

- Ý nghĩa lịch sử sự ra đời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

+ Hoàn thành thống nhất đất nước về một nhà nước.

+ Là cơ sở để tiếp tục hoàn thành thống nhất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

+ Tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.


Câu 17:

13/07/2024

Hãy cho biết vai trò của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Xem đáp án

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

- Thành tựu về đổi mới, phát triển nền kinh tế:

+ Nông nghiệp: chính sách giao khoán đất nông nghiệp, khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất,... Nhờ đó, Việt Nam dần giải quyết được nhu cầu lương thực trong nước và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

+ Công nghiệp và dịch vụ: chính sách cho phép phát triển kinh tế tư nhân, kêu gọi và khuyến khích đầu tư nước ngoài, ban hành nhiều bộ luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Nhà nước đưa đến sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, vừa, đến quy mô lớn,... góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc dân.

- Thành tựu về hội nhập quốc tế: thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật:

+ Năm 1995, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kì

+ Năm 1998, tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

+ Năm 2006, gia nhập Tổ chức THương mại thế giới (WTO)

+ Năm 2019: kí Hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu (EU)…

=> Những thành tựu to lớn đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.


Câu 18:

13/07/2024

Nêu những điểm chung về bối cảnh ra đời và phân tích một số điểm chính của các bản Hiến pháp Việt Nam. Lấy ví dụ minh họa.

Xem đáp án

* Điểm chung về bối cảnh ra đời: Các bản Hiến pháp ra đời được ban hành khi Nhà nước mới được thành lập hoặc trong thời điểm đất nước có những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá. Ví dụ:

- Hiến pháp năm 1946:

+ Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 3/9/1945, phiên họp đầu tiên của Chính phủ đã xác định xây dựng hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

+ Ngày 9/11/1946, tại kì họp thứ hai Quốc hội khoá I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- Hiến pháp năm 1959:

+ Từ năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. => Trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra yêu cầu phải bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1946.

+ Ngày 31/12/1959, tại kì họp thứ 11, Quốc hội khoá I đã thống nhất thông qua bản Hiến pháp sửa đổi thay thế cho Hiến pháp năm 1946.

- Hiến pháp năm 1980:

+ Sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hoàn thành trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để thống nhất đất nước; cả nước bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Ngày 18/12/1980, tại kì họp thứ 7 Quốc hội khoá VỊ đã nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Hiến pháp năm 1992:

+ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới. => Công cuộc đổi mới đất nước đặt ra yêu cầu cần có một bản hiến pháp mới.

+ Ngày 15/4/1992, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá VIII đã nhất trí thông qua Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Hiến pháp năm 2013:

+ Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Việt Nam có nhiều biến đổi về kinh tế, xã hội, một số nội dung của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp.

+ Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua bản hiến pháp mới (Hiến pháp năm 2013).

* Điểm chung về nội dung của các bản Hiến pháp:

- Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là cơ sở pháp lí để xây dựng hệ thống pháp luật của Nhà nước.

- Quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của đất nước như:

+ Chế độ chính trị;

+ Chính sách phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội;

+ Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

+ Tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước ở trung ương và địa phương


Câu 19:

13/07/2024

Nêu một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946.

Xem đáp án

- Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946:

+ Ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do

+ Quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ Cộng hòa

+ Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân trước pháp luật.

+ Quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, gồm: Nghị viện nhân dân; chính phủ; chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp.


Câu 20:

20/07/2024

Em hãy nêu và phân tích ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946.

Xem đáp án

- Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946:

+ Là bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

+ Là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

+ Khẳng định chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà;

+ Ghi nhận thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

+ Đặt nền móng cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


Câu 21:

19/07/2024

Nêu một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1992.

Xem đáp án

- Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1992:

+ Thể chế hoá đường lối đổi mới về kinh tế của Đảng và Nhà nước.

+ Thể hiện rõ quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là “thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi”.


Câu 22:

13/07/2024

Nêu và phân tích những điểm mới của Hiến pháp năm 2013.

Xem đáp án

Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới và tiến bộ về tổ chức nhà nước, về tư tưởng dân chủ và kĩ thuật lập pháp.

- Điểm mới về tổ chức nhà nước:

+ Bổ sung quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp

+ Phân định rõ hơn thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương

+ Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi nhận

- Những điểm tiến bộ về tư tưởng dân chủ:

+ Khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng biện pháp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Hiến pháp năm 1993 chỉ ghi nhận hình thức dân chủ đại diện)

+ Khẳng định và mở rộng các quyền con người và quyền công dân

+ Quy định về thực ghiện quyền làm chủ và quyền giám sát của nhân dân.

- Tiến bộ về kĩ thuật lập hiến:

+ Bố cục gọn (11 chương và 120 điều), vị trí các chương được sắp xếp hợp lí hơn.

+ Các điều luật được trình bày, diễn đạt cô đọng, súc tích theo ngôn ngữ pháp lí.

+ Nội dung có tính bao quát, phù hợp, cập nhật những thành tựu của luật pháp quốc tế.


Câu 23:

19/07/2024

So sánh điểm giống và khác nhau giữa các mô hình nhà nước quân chủ ở Việt Nam thời Lý - Trần, Lê sơ và thời Nguyễn.

Xem đáp án

- Điểm giống nhau giữa các mô hình quân chủ ở Việt Nam:

+ Đều là nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền, vua là người đứng đầu nhà nước, nắm quyền lực tối cao và tuyệt đối.

+ Chính quyền trung ương gồm: các bộ và các cơ quan chuyên môn.

+ Bộ máy nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương và ngày càng được củng cố, hoàn thiện.

- Điểm khác nhau giữa các mô hình quân chủ ở Việt Nam:

 

Nhà Lý - Trần

Nhà Lê sơ

Nhà Nguyễn

Mô hình

- Nhà nước quân chủ tập quyền thân dân

- Nhà nước quân chủ tập quyền quan liêu

- Nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế

Chính quyền trung ương

- Kết hợp giữa nguyên tắc đề cao quyền lực của vua và nguyên tắc liên kết dòng tộc.

- Quyền lực của nhà vua bị hạn chế bởi đại thần là hoàng thân quốc thích.

- Bộ máy trung ương còn đơn giản.

- Bộ máy quan lại chủ yếu được tuyển chọn qua hình thức: tập ấm, tiến cử và khoa cử.

- Nhà nước ban hành nhiều chính sách “an dân”.

- Tập trung cao độ quyền lực vào tay vua.

- Từ thời lê Thánh Tông, các chức quan đại thần bị bãi bỏ, quyền lực của quý tộc tôn thất bị hanh chế

- Các cơ quan trung ương được tổ chức và phân định thành ba bộ phận: dân sự (hành chính), quân sự và giám sát.

- Thành lập thêm nhiều cơ quan chuyên môn, cơ quan trung gian.

- Bộ máy quan lại chủ yếu được tuyển chọn qua hình thức: khoa cử.

- Mang tính tập quyền cao độ.

- Các cơ quan giúp việc cho vua được tổ chức tinh gọn.

- Lập và trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan giúp việc của vua (Văn thư phòng, Nội các, Cơ mật viện,...) để tập trung quyền lực cho nhà vua.

- Tăng quyền lực cho các cơ quan tư pháp và giám sát nhằm hạn chế lạm quyền.

- Bộ máy quan lại chủ yếu được tuyển chọn qua hình thức: khoa cử.

Chính quyền địa phương

- Quý tộc tông thất trấn giữ những vùng trọng yếu.

- Tính tự trị của làng xã còn cao.

- Cơ cấu quyền lực với ba cơ quan cai quản ba lĩnh vực hành chính, quân đội, tư pháp (Tam ti).

- Tính tự trị, tự quản của làng xã bị thu hẹp.

- Từ sau cải cách của vua Minh Mạng, cấp lớn nhất ở địa phương (tỉnh) do vua và triều đình trực tiếp quản lí.

- Tăng cường quản lí đến từng làng xã.


Câu 24:

13/07/2024

Em hãy chỉ ra sự khác nhau về đặc điểm, tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà so với các nhà nước quân chủ ở nước ta. Theo em, sự khác nhau đó nói lên điều gì?

Xem đáp án

* Điểm khác nhau về đặc điểm và tính chất…

 

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Các nhà nước quân chủ

Đặc điểm

- Là nhà nước theo chế độ dân chủ cộng hòa, trong đó, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc về nhân dân, thông qua Quốc hội - cơ quan do toàn dân bầu ra

- Là nhà nước theo chế độ quân chủ chuyên chế; đứng đầu đất nước là vua, nắm quyền lực tối cao và tuyệt đối.

Tính chất

- Là nhà nước dân chủ kiểu mới “của dân, do dân và vì dân”:

+ Các đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân.

+ Các cơ quan, đoàn thể từ trung ưng đến địa phương đều do nhân dân tổ chức nên,

+ Mọi chính sách và hoạt động của nhà nước đều hướng tới mục tiêu vì nhân dân

- Là nhà nước quân chủ mang tính tập quyền:

+ Tập trung quyền lực vào tay một cá nhân/ một nhóm người/ một dòng họ.

+ Đại diện quyền lợi cho một nhóm người/ dòng họ

+ Chính sách và mục tiêu của nhà nước hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi của vua và hoàng tộc, sau đó mới hướng tới lợi ích của nhân dân lao động.

* Nhận xét: Đặc điểm, tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có điểm tiến bộ hơn so với các mô hình nhà nước quân chủ. Điều này cho thấy sự phát triển của mô hình nhà nước ở Việt Nam nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo


Câu 25:

15/07/2024

Lập bảng so sánh các bản Hiến pháp năm 1946, 1992 và 2013 theo gợi ý sau:

 

Hiến pháp

năm 1946

Hiến pháp

năm 1992

Hiến pháp

năm 2013

Bối cảnh ra đời

 

 

 

Nội dung cơ bản

 

 

 

Ý nghĩa

 

 

 

Xem đáp án

 

Hiến pháp

năm 1946

Hiến pháp

năm 1992

Hiến pháp

năm 2013

Bối cảnh

ra đời

- Ra đời sau thành công của Cách mạng tháng Tám (năm 1945) và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ra đời khi công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam đang được đẩy mạnh, tiến hành một cách toàn diện.

- Ra đời khi Việt Nam có nhiều biến đổi về kinh tế, xã hội; một số nội dung của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp.

Nội dung

cơ bản

- Ghi nhận thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám.

- Quy định chính thể là Dân chủ Cộng hòa

- Quy định quyền và nghĩa vụ của công dân.

- Quy định về tổ chức bộ máy nhà nước.

- Quy định cụ thể về chế độ chính trị; cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước…

- Thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ,...

- Quy định về:

+ Chế độ chính trị;

+ Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

+ Phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ

+ Bảo vệ Tổ quốc

+ Vai trò, vị trí, chức năng của: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; chính quyền địa phương

- Có nhiều điểm mới về: tổ chức nhà nước, tư tưởng dân chủ và kĩ thuật lập hiến.

Ý nghĩa

- Là bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

- Là sự khẳng định chủ quyền pháp lí, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

- Đặt nền tảng cho tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

- Là cơ sở chính trị -pháp lí quan trọng để thực hiện công cuộc đổi mới.

 

Là cơ sở chính trị - pháp lí quan trọng để tiếp tục thực hiên công cuộc đổi mới đất nước.


Câu 26:

13/07/2024

Có quan điểm cho rằng: bộ Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ có nhiều điểm tiến bộ, nên được tham khảo và áp dụng trong việc quản lí xã hội ngày nay. Em có đồng ý với quan điểm đó không? Vì sao?

Xem đáp án

* Phát biểu ý kiến: đồng ý với quan điểm: “bộ Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ có nhiều điểm tiến bộ, nên được tham khảo và áp dụng trong việc quản lí xã hội ngày nay”.

* Giải thích:

- Trong bộ Quốc triều hình luật có nhiều điều khoản thể hiện sự tiến bộ, nhân văn, đề cao các giá trị đạo đức và quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ví dụ:

+ Có những điều khoản quy định việc xử phạt các hành vi: xâm phạm đến nhân phẩm của con người (các điều từ 473 đến 476); các hành vi tố cáo, vu khống không đúng sự thật (điều 501 đến 505)….

+ Có những điều khoản thừa nhận và bảo vệ sự bình đẳng và tự do của con người. Như: quy định mọi người đều được kêu oan khi cảm thấy bị bắt bớ, bị giam cầm vô cớ và khi bị xử phạt oan sai (điều 687); quy định mọi người dân đều được bảo vệ tính mạng, tài sản…

+ Có những điều khoản quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, người già, người khuyết tật…, như: quy định con gái cũng được hưởng tài sản thừa kế (điều 391); quy định tù nhân phạm tội nếu bị thương hay ốm đau phải được chữa trị, chăm sóc (điều 663); quy định những người từ 90 tuổi trở lên hoặc 7 tuổi trở xuống nếu mắc tội phải xử chết thì đều được tha bổng (điều 17);

+ Có các điều khoản quy định xử phạt quan lại khi có các hành vi: nhận hối lộ, hà hiếp, nhũng nhiễu nhân dân…

=> Những điều khoản tiến bộ, tích cực trong Quốc triều Hình luật có ý nghĩa, giá trị to lớn và là một trong những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức và quản lí xã hội ở Việt Nam hiện nay.

- Quốc triều hình luật có những điểm tiến bộ về kĩ thuật lập pháp, như:

+ Các điều luật được sắp xếp theo từng lĩnh vực;

+ Hầu hết các quy phạm pháp luật đều gồm ba thành phần cơ bản: giả định (đặt ra tình huống), quy định (xác định hành vi được/phải làm hoặc không được làm) và chế tài (biện pháp xử lí nếu làm trái quy định)

=> Kĩ thuật lập pháp trong Quốc triều hình luật có thể được tham khảo và áp dụng trong quá trình soạn thảo luật pháp hiện nay.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo


Câu 27:

13/07/2024

Từ năm 2013, ngày 9/11 hằng năm được lấy là “Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hãy đưa ra một số ý kiến của em để góp phần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật cho mọi người.

Xem đáp án

- Một số giải pháp góp phần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật cho mọi người:

+ Nhà nước cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

+ Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua sách, báo, các kênh thông tin xã hội,...

+ Mỗi cá nhân cần rèn luyện ý thức tuân thủ hiến pháp và pháp luật của nhà nước; lên án, đấu tranh, vận động mọi người đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Bắt đầu thi ngay