Giải GDQP 12 Bài 1 (Cánh diều): Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975

Với giải bài tập Giáo dục quốc phòng 12 Bài 1: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975 sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập GDQP 12 Bài 1.

1 2,906 27/05/2024


Giải GDQP 12 Bài 1: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975

Mở đầu

Giải GDQP 12 trang 5

Mở đầu trang 5 GDQP 12: Các hình ảnh trong hình 1.1 gợi cho em về những cuộc đấu tranh nào của nhân dân ta để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975?

Các hình ảnh trong hình 1.1 gợi cho em về những cuộc đấu tranh nào của nhân dân ta

Lời giải:

- Các hình ảnh trong hình 1.1 gợi cho em về những cuộc đấu tranh sau:

+ Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

+ Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

+ Các hoạt động đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển, đảos

Khám phá

I. Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng

Khám phá 1 trang 5 GDQP 12: Em hãy nêu bối cảnh và những nét chính của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Lời giải:

Bối cảnh:

- Sau khi lên nắm chính quyền ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary (Pôn Pốt - Iêng Xari) đã thực hiện chương trình cải tạo xã hội theo mô hình cực đoan, khiến Campuchia rơi vào cảnh hỗn loạn, tang thương. Trước các tội ác mà lực lượng Khmer Đỏ gây ra, ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời với quyết tâm lật đổ chế độ diệt chủng, khôi phục lại đất nước.

- Đối với đất nước Việt Nam:

+ Trước ngày 30/4/1977, lực lượng Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Phú Quốc, Thổ Chu. Trên đất liền, lực lượng Khmer Đỏ tiến hành các hoạt động khiêu khích quân sự, lấn chiếm đất đai, di dời một số cột mốc biên giới và tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

+ Từ ngày 30/4/1977, lực lượng Khmer Đỏ đẩy mạnh các hoạt động quân sự xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh, giết hại nhiều người dân vô tội.

+ Ngày 23/12/1978, lực lượng Khmer Đỏ huy động lực lượng quân đội lớn và mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam vào lãnh thổ Việt Nam.

Diễn biến chính:

- Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn mong muốn giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Pol Pot đã từ chối mọi thiện chí của ta.

- Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, ta sử dụng lực lượng tại chỗ phòng ngự ngăn chặn địch, kết hợp với phản công, khôi phục lại các đảo và vùng lãnh thổ.

- Ngày 23/12/1978, trước sự tiến công quy mô lớn của đối phương, quân và dân ta đã tổ chức tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, giáng trả kẻ thù những đòn thích đáng, đẩy chúng ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc.

- Đồng thời, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia đã tiến công, xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh (Phnôm Pênh) được giải phóng.

Khám phá 2 trang 7 GDQP 12: Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam có những giá trị lịch sử gì? Vì sao thắng lợi của cuộc chiến tranh này đã mở ra thời kì mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia?

Lời giải:

♦ Giá trị lịch sử:

- Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, sáng suốt của đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

- Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ chính đáng của dân tộc Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, góp phần bảo vệ hoà bình trong khu vực và trên thế giới.

- Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã đập tan tư tưởng cực đoan, hiếu chiến của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, giúp dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi hoạ diệt chủng, mở ra thời kì mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia.

- Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tiếp tục khẳng định ý chí, truyền thống của quân và dân ta trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

♦ Giải thích:

+ Sau khi quét sạch lực lượng Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ Tổ quốc, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia đã tiến công, xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot tại Campuchia.

+ Chiến thắng này của nhân dân Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỉ nguyên hoà bình, độc lập, xây dựng cuộc sống tươi đẹp.

=> Do đó, thắng lợi này đã mở ra thời kì mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia.

Giải GDQP 12 trang 8

Khám phá 3 trang 8 GDQP 12: Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã đóng góp những gì vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam?

Lời giải:

- Nhận thức, đánh giá đúng âm mưu, bản chất, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; kịp thời phát động, tiến hành chiến tranh nhân dân tại chỗ rộng khắp.

- Kết hợp phòng ngự, phản công, tiến công; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận.

- Tập trung lực lượng hợp lí, đủ mạnh trên các khu vực trọng điểm; nắm chắc thời cơ, chuyển hóa thế trận linh hoạt; kiên quyết, chủ động đánh địch ngay khi địch xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

- Kết hợp tạo sức mạnh tổng hợp giữa lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực Việt Nam đồng thời phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân yêu nước Cam-pu-chia.

II. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Khám phá 4 trang 8 GDQP 12: Em hãy nêu bối cảnh và những nét chính của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Lời giải:

♦ Bối cảnh:

- Do có bắt đồng, chính quyền Trung Quốc đã cắt viện trợ, rút chuyên gia khỏi nước ta và có nhiều hành động khiêu khích, làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước.

- Ngày 17/2/1979, chính quyền Trung Quốc đã mở cuộc tiến công quy mô lớn dọc tuyến biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) vào lãnh thổ Việt Nam, gây tổn thất lớn cho nhân dân ta về người và tài sản.

♦ Diễn biến chính:

- Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, toàn thể nhân dân ta, trực tiếp là quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

- Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng kí Sắc lệnh 29 - LCT, ra lệnh Tổng động viên trong cả nước đứng lên chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

- Trước những đòn giáng trả quyết liệt của quân và dân ta, sự lên án mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới và ngay trong chính nước họ, ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

- Về phía ta, lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc đã ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để đối phương rút toàn bộ lực lượng về nước. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.

Khám phá 5 trang 9 GDQP 12: Theo em, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có những giá trị lịch sử gì? Tại sao nói truyền thống văn hoá nhân đạo của dân tộc Việt Nam tiếp tục được thể hiện trong cuộc chiến đấu này?

Lời giải:

♦ Giá trị lịch sử:

- Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

- Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

- Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tiếp tục thể hiện truyền thống văn hóa nhân đạo, vì hoà bình, vì tình hữu nghị lâu đời của Việt Nam, Trung Quốc và các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, vì sự ổn định của khu vực và trên thế giới.

- Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc viết tiếp trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

♦ Giải thích: truyền thống văn hoá nhân đạo của dân tộc Việt Nam tiếp tục được thể hiện trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, vì: khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam; phía Việt Nam đã ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để đối phương rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước.

Giải GDQP 12 trang 10

Khám phá 6 trang 10 GDQP 12: Theo em, những nét chính về nghệ thuật quân sự được thể hiện trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là gì?

Lời giải:

- Đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của đối phương; chủ động chuẩn bị chiến trường, xây dựng thế trận, lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy tác chiến, bảo đảm hậu cần, kĩ thuật, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; động viên tinh thần và lực lượng cả nước ra tiền tuyến; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Quán triệt tư tưởng “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

- Phòng ngự kiên cường, kết hợp phản công, tiến công linh hoạt với nhiều hình thức chiến thuật; kết hợp đánh tiêu hao, tiêu diệt bẻ gãy các đợt tiến công của dịch; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao buộc địch phải rút quân.

III. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc sau 1975

Khám phá 7 trang 10 GDQP 12: Trong những năm qua, tại Biển Đông diễn ra tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển, đảo nhưng Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Em hãy nêu một số dẫn chứng để chứng minh nhận định trên.

Lời giải:

- Một số dẫn chứng: Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước.

+ Quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm hì sinh, đặc biệt là trận chiến đấu ở Đá Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

+ Đồng thời, Việt Nam nhất quán giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

+ Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi chấm dứt các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế; ban hành Luật Biển Việt Nam (năm 2012) và áp dụng có hiệu quả Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định vùng biển với các nước láng giềng; thúc đầy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Khám phá 8 trang 11 GDQP 12: Theo em, quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sau năm 1975 đã đóng góp những giá trị lịch sử gì trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc? Tại sao nói quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam góp phần quan trọng trong đấu tranh tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông?

Lời giải:

♦ Giá trị lịch sử:

- Tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giải quyết bằng biện pháp hoa bình, không gây chiến tranh đối với các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với vùng biển của Việt Nam; góp phần quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp và đấu tranh bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giữ vững hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới;

- Viết tiếp truyền thống yêu chuộng hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và trang sử hào hùng của dân tộc ta, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

♦ Giải thích: Trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông ngày càng leo thang, việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam không chỉ là một vấn đề quốc gia mà còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên khu vực này. Dưới đây là một số lý do:

+ Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam giúp duy trì và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Khi các quốc gia có chủ quyền được xác định rõ ràng, việc đi lại, thương mại và hoạt động khác trên biển trở nên dễ dàng và an toàn hơn.

+ Việc giữ vững chủ quyền biển, đảo là một phần quan trọng trong việc duy trì an ninh và ổn định cho khu vực Biển Đông. Khi có sự ổn định, các hoạt động kinh tế và hàng hải có thể phát triển mạnh mẽ, đồng thời giảm nguy cơ xung đột và xung đột có thể xảy ra.

+ Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam phản ánh sự tuân thủ và tôn trọng quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). UNCLOS 1982 quy định rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên biển, bao gồm cả việc xác định chủ quyền biển và vùng kinh tế đặc biệt.

+ Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cũng là một biện pháp chống lại các hành động gây căng thẳng và xâm phạm chủ quyền từ các quốc gia khác trong khu vực. Việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền là một thông điệp rõ ràng về sự quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì hòa bình trong khu vực.

Giải GDQP 12 trang 12

Khám phá 9 trang 12 GDQP 12: Theo em, những nét chính về nghệ thuật đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam sau năm 1975 là gì?

Lời giải:

- Chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, tác động của đối phương; quản triệt tư tưởng chiến lược: kiên quyết, kiên trì, kiên định về nguyên tắc đồng thời vận dụng cách thức, phương pháp đấu tranh linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế; kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lí, quân sự (khi cần thiết) trong xử lí các tình huống và những vấn đề nảy sinh trên biển, đảo; kiên trì sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, xung đột.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân; kết hợp lực lượng và thế trận an ninh trên biển, đảo, trong đó nòng cốt là lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

IV. Trách nhiệm của công dân, học sinh trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc

Khám phá 10 trang 12 GDQP 12: Theo em, công dân, học sinh cần làm gì để góp phần củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc?

Lời giải:

♦ Trách nhiệm của công dân

- Nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.

- Tự giác thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

- Tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh.

- Tự giác tìm hiểu và tham gia tuyên truyền về giá trị lịch sử, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn cách mạng mới.

- Tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, ...

♦ Trách nhiệm của học sinh

- Thực hiện trách nhiệm của công dân đối với các nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng và an ninh; sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự và tham gia Công an nhân dân để bảo vệ Tổ quốc.

- Tham gia học tập nghiêm túc nội dung chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường phổ thông để nâng cao nhận thức các vấn đề về quốc phòng, an ninh và vận dụng kiến thức, kĩ năng quân sự đã học vào cuộc sống.

- Tích cực học tập, nghiên cứu về lịch sử truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong đó có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

- Tích cực tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa…. do nhà trường tổ chức.

Luyện tập

Giải GDQP 12 trang 13

Luyện tập 1 trang 13 GDQP 12: Giá trị lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giá trị lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và giá trị lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sau năm 1975 có những điểm gì chung?

Lời giải:

- Điểm chung về giá trị lịch sử của cuộc chiến tranh bào vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đào của Việt Nam:

+ Thể hiện lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam; đường lối chính trị quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Là cuộc đấu tranh tranh tự vệ chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

+ Viết tiếp trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta;

+ Để lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Luyện tập 2 trang 13 GDQP 12: Nghệ thuật quân sự cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và nghệ thuật quân sự cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có những nét chung nào?

Lời giải:

- Nét chung về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc:

+ Nhận thức, đánh giá đúng âm mưu, bản chất, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; kịp thời phát động, tiến hành chiến tranh nhân dân tại chỗ rộng khắp.

+ Phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.

+ Kết hợp phòng ngự, phản công, tiến công; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 13 GDQP 12: Sau khi học bài này, em hãy viết một bức thư (khoảng 300 từ) cho một người bạn nêu cảm nghĩ của em và trách nhiệm của học sinh trong bảo vệ biên giới trên đất liền và chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Minh Khôi thân mến!

Sau khi tìm hiểu nội dung “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975”, mình cảm thấy thật xúc động. Những cảm xúc trân trọng và đáng tự hào về thành quả của cha ông đã thôi thúc mình viết những dòng thư này tới câu.

Minh Khôi này, minh nhận thấy: trước những thách thức đáng lo ngại đối với tình hình chủ quyền và an ninh quốc gia, chúng ta, thế hệ trẻ, cùng dân tộc Việt Nam, phải nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thiết thực để bảo vệ tương lai và tình yêu quê hương.

Để đảm bảo chủ quyền biển đảo, trước hết, chúng ta, đặc biệt là thanh niên và học sinh, cần xác định rằng việc giữ vững biển đảo bắt đầu bằng tri thức về chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần tự mình nghiên cứu và thấu hiểu sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biển đảo và giá trị to lớn của chủ quyền này, mà các tổ tiên của chúng ta đã hy sinh nhiều để xây dựng. Hơn nữa, chúng ta cần tìm hiểu về lịch sử đất nước, đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, cũng như lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của những vùng biển này đối với quốc gia và dân tộc. Chúng ta cũng cần nắm rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với biển Đông, để biết cách hành động và ủng hộ các nỗ lực của chính quyền trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chúng ta hãy cùng nhau trang bị kiến thức, tạo ra một cộng đồng ý thức cao về chủ quyền biển đảo và sẵn sàng đóng góp bằng tri thức và tình yêu quê hương để đối mặt với mọi thách thức trong tương lai!

Bạn của cậu

Trung Quân

Vận dụng 2 trang 13 GDQP 12: Em hãy sưu tầm hình ảnh và thuyết minh trước lớp về một trong ba chủ đề sau:

- Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam.

- Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.

- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam sau năm 1975.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến vệ quốc lớn của dân tộc

Thảm họa diệt chủng ở Campuchia xuất hiện sau năm 1975, là hiện tượng chưa từng có trong khu vực Đông Nam Á thời hiện đại. So sánh trước và sau đó sẽ thấy: Thảm họa diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã trong 4 năm (1941-1945) giết hại khoảng 5 triệu người Do Thái trên tổng số hơn 7 triệu người (chiếm 60 – 75% dân cư Do Thái ở châu Âu); thảm họa diệt chủng của chính quyền người Hutu ở Rwanda trong khoảng 100 ngày năm 1994 giết hại trên 800.000 người Tutsi (chiếm 70% dân số Tutsi); Pol Pot-Ieng Sary trong thời gian cầm quyền 3 năm 8 tháng 20 ngày (1975-1979), giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia (tương đương 25% dân số đất nước).

Sự dã man tàn bạo của các đồ tể Angkar do Pol Pot – Ieng Sary lập ra không thua kém Gestapo của Đức Quốc xã và đội quân hung bạo người Hutu ở Rwanda. Chúng đều giết người không chỉ thông dụng bằng cách bỏ đói, khát, bắt lao động kiệt sức, hoặc xử bắn hàng loạt, dùng chất nổ, súng máy, hơi ngạt, mà còn có cách dã man như thời Trung cổ: Dùng cuốc, mai, xẻng, dao rựa, dùi cui đánh đến chết. Ở Campuchia, chúng tàn sát trong các trại giam, nhà tù, trường học, nhà chùa, giống như tàn sát ngay tại các giáo đường, các điểm dừng giao thông, chợ, tại các gia đình ở Rwanda, hay Đức Quốc xã sát nhân ở phòng thí nghiệm, phòng tập bắn, phòng áp lực, xe chứa, phòng tắm hơi…

Cả đất nước Campuchia từ sau ngày 17/4/1975 đến trước ngày 7/1/1979 chìm trong loạn lạc đẫm máu, khi chính quyền do Pol Pot – Ieng Sary cầm đầu, xóa bỏ tận gốc mọi cơ sở xã hội khi xây dựng “nhà nước mới” không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo – một xã hội nông nghiệp không tưởng với mô hình nhà nước kỳ dị cưỡng bức nhân dân từ đô thị về nông thôn, dồn dân vào sâu trong nội địa… Quyền lực tối cao của “Campuchia dân chủ” tập trung vào năm “nhân vật”: Pol Pot, Noun Chea, Ieng Sary, Khieu Samphan, Ta Mok. Chúng đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng tàn khốc; mở nhiều đợt thanh trừng tàn bạo những thành phần chống đối, kể cả trong quân đội; gây xáo trộn và mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Hàng chục vạn người Campuchia, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên phải tìm cách chạy trốn sang Việt Nam.

Không chỉ mất nhân tính khi thực hiện diệt chủng chính đồng loại mình, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary còn xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều tội ác theo lối diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam. Chúng khiêu khích và nhiều lần gây xung đột quân sự trên các vùng biên giới Việt Nam, tiến tới việc phát động cuộc chiến tranh đẫm máu sang toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Em hãy sưu tầm hình ảnh và thuyết minh trước lớp về một trong ba chủ đề sau

Việt Nam chưa kịp khắc phụ hậu quả nặng nề của chiến tranh thực dân mới, lại phải chịu thiệt hại rất lớn từ thảm họa diệt chủng và chính sách gây chiến của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary. Quân và dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, đồng thời đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia anh em, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Song cuộc chiến chỉ thực sự diễn ra sau nhiều nỗ lực ngoại giao không thành của chính phủ Việt Nam và sự kiềm chế đến mức cao nhất của quân dân địa phương các tỉnh biên giới Tây Nam. Đêm 30/4/1977 quân Pol Pot đồng loạt tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang (14 xã); từ tháng 8/1977, chúng tấn công khu vực biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp; tháng 9/1977 chúng tấn công tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh (3 huyện)… Chúng đòi đất ở tất cả những nơi có cây thốt nốt và vu cáo Việt Nam muốn xoá đất nước Campuchia để lập liên bang; chúng ra “Sách đen” kích động “hận thù dân tộc”, bôi nhọ sự thật lịch sử và truyền thống láng giềng tốt đẹp Việt Nam – Campuchia; chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát dã man theo lối diệt chủng trên nhiều địa phương hai bên biên giới (thảm sát Ba Chúc ở An Giang từ ngày 18/4 đến 30/4/1978 giết hại 3.157 người). Chúng nhận viện trợ quân sự của nước lớn để xây dựng lực lượng quân đội có bộ binh, pháo binh, thiết giáp mạnh hòng đánh bại Việt Nam…

Quân dân Việt Nam thực hiện cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc, giúp đỡ và từng bước phối hợp với lực lượng bạn trong “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia” (thành lập ngày 12/5/1978) và Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia (ra đời ngày 2/12/1978). Từ ngày 22/12/1978 đến ngày 7/1/1979, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng công kích giải phóng Campuchia: tấn công chớp nhoáng và đánh bất ngờ vào thế trận tấn công-phòng thủ của địch, đẩy lui toàn bộ các cánh quân Pol Pot xâm lấn về bên kia biên giới, giải phóng toàn bộ các địa phương biên giới Tây Nam bị xâm chiếm; đồng thời quân đội nhân dân Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia tiến công vào các sào huyệt địch, giải phóng thủ đô Phnom Penh, giải phóng hàng triệu dân Campuchia; đập tan bộ máy thống trị của chế độ “Campuchia Dân chủ” từ Trung ương đến cơ sở.

Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Giữ vững biên cương và chủ quyền quốc gia lãnh thổ, bảo vệ vững chắc đất đai và cuộc sống hòa bình cho nhân dân vùng biên giới Tây Nam, lập lại sự ổn định và trật tự vùng biên giới; đồng thời cũng cứu thoát nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, giúp bạn gây dựng lại lực lượng cách mạng, khép lại trang sử đen tối, đau thương của dân tộc Campuchia, mở ra quá trình giúp bạn làm lại cuộc cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và phát triển đất nước Campuchia.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1979 là 1 trong 23 cuộc chiến lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chính nghĩa và tất thắng. Bởi đó vẫn là chiến tranh Nhân dân với nghệ thuật quân sự truyền thống theo lối đánh dựa vào thế núi sông bờ cõi để làm chủ chiến trường, tiêu diệt sinh lực địch, giữ gìn từng tấc đất giang sơn Tổ quốc cả đất liền và biển đảo.

Như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam vẫn toàn dân đánh giặc như thời Trần, vẫn toàn dân toàn diện, lấy nòng cốt là lực lượng vũ trang 3 thứ quân như 30 năm kháng chiến trường kỳ. Đạo lý Việt Nam trong tất cả các cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc vẫn thế: Vì hòa bình, vì con người, nhân đạo và nhân văn, hòa hiếu và thủy chung, sáng rõ bạn-thù, tương thân – tương ái. Và lần này “Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng”, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới dạo lên khúc ca “Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập, Tự do!”.

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục quốc phòng lớp 12 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 2: Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

Bài 3: Công tác tuyển sinh, đào tạo trong các trường Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam

Bài 4: Một số hiểu biết về chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam

Bài 5: Truyền thống và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của địa phương

Bài 6: Kĩ thuật bắn súng tiểu liên AK

1 2,906 27/05/2024


Xem thêm các chương trình khác: