Đề cương ôn tập Học kì 2 Ngữ văn lớp 11 chi tiết nhất
20 Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 11 có đáp án chi tiết nhất giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Ngữ văn 11 Học kì 2. Mời các bạn cùng đón xem:
Đề cương ôn tập Học kì 2 Ngữ văn lớp 11 chi tiết nhất
A. Kiến thức
Phần I: Văn bản
Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:
1. Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu)
2. Hầu trời (Tản Đà)
3. Vội vàng (Xuân Diệu)
4. Tràng giang (Huy Cận)
5. Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)
6. Chiều tối (Hồ Chí Minh)
7. Từ ấy (Tố Hữu)
Phần II: Tiếng Việt
Nhận diện và thực hành:
1. Nghĩa của câu
2. Đặc điểm loại hình của tiếng Việt
3. Phong cách ngôn ngữ chính luận
Phần III: Tập làm văn
1. Thao tác lập luận bác bỏ
2. Tiểu sử tóm tắt
3. Thao tác lập luận bình luận
4. Tóm tắt văn bản nghị luận
B. Cấu trúc đề thi
Đề gồm có hai phần:
- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.
- Phần 2: Làm văn (7,0 – 6,0 điểm)
+ Nghị luận xã hội
+ Nghị luận văn học xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.
C. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:
Bởi vậy cho nên, khi chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu. Nó cứ luôn luôn đi theo những chữ anh, chữ bác, chữ ông đã thấy chướng. Huống bây giờ nó đến một mình!
Nhưng, ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!
(SGK Ngữ Văn 11, tập 2)
Câu 1. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào, của ai?
Câu 2. Chữ tôi trong đoạn văn trên được hiểu là gì?
Câu 3. Tại sao tác giả nói “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lại “đáng thương” và “...tội nghiệp”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Trong Thép đã tôi thế đấy, nhân vật Pa-ven có nói: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Qua câu nói trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.
Câu 2: Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy (Tố Hữu).
ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
A. Kiến thức
Phần I: Văn bản
Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu)
- Tác giả: Phan Bội Châu (1867 – 1940) quê ở Đan Nhiễm – Nam Đàn – Nghệ An, là nhà thơ, nhà văn, là người khởi nguồn cho loại văn chương trữ tình.
- Tác phẩm: Bài thơ được sáng tác vào năm 1905 trước lúc tác giả sang Nhật Bản tìm một con đường cứu nước mới, ông làm bài thơ này để giã từ bè bạn, đồng chí.
*Hai câu đề
- Tác giả nêu lên quan niệm mới: là đấng nam nhi phải sống cho ra sống, mong muốn làm nên điều kì lạ “ yếu hi kì” túc là phải sống cho phi thường hiển hách, dám mưu đồ xoay chuyển càn khôn.
- Câu thơ thể hiện một tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi phải tin tưởng ở mức độ và tài năng của mình.
- Tuyên ngôn về chí làm trai.
*Hai câu thực
- Tu hữu ngã (phải có trong cuộc đời) ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, không chỉ là trách nhiệm trước hiện tại mà còn trách nhiệm trước lịch sử của dân tộc “thiên tỉa hậu” (nghìn năm sau).
- Đó là ý thức sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó.
*Hai câu luận
- Nêu lên tình cảnh của đất nước: non sông đã chết và đưa ra ý thức về lẽ vinh nhục gắn với sự tồn vong của đất nước, dân tộc.
- Đề xuất tư tưởng mới mẻ, táo bạo về nền học vấn cũ: hiền thánh còn đâu học cũng hoài.
- Bộc lộ khí phách ngang tàng, táo bạo, quyết liệt của một nhà cách mạng tiên phong: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết.
*Hai câu kết
- Hình tượng kì vĩ Trường phong (ngọn gió dài) – thiên trùng bạch lãng (ngàn lớp sóng bạc).
- Tư thế: nhất tề phi (cùng bay lên)
- Hình ảnh đầy lãng mạn hào hùng, đưa nhân vật trữ tình vào tư thế vượt lên thực tại đen tối với đôi cánh thiên thần, vươn ngan tầm vũ trụ. Đồng thời thể hiện khát vọng lên đường của bậc đại trượng phu hào kiệt sẵn sàng ra khơi giữa muôn trùng sóng bạc tìm đường cứu sống gian sơn đất nước.
Hầu trời (Tản Đà)
- Tác giả: Tản Đà (1889 – 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Bút danh Tản Đà được ghép từ núi Tản sông Đà quê hương ông.
- Tác phẩm: Bài thơ được in trong tập Còn chơi xuất bản năm 1921.
*Kể về lý do, thời điểm lên hầu Trời
- Bốn dòng thơ đầu:
+ Kể về 1 giấc mơ được lên tiên, lúc tỉnh mộng hãy còn bàng hoàng, mộng mà như tỉnh, hư mà như thực.
+ Tài hư cấu nghệ thuật độc đáo, sáng tạo gợi trí tò mò và sức hấp dẫn đặc biệt.
- Sáu khổ thơ tiếp (chữ nhỏ):
+ Tản Đà ngâm văn 1 mình trong đêm trăng, tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà khiến trời mất ngủ sai các tiên nữ mời thi sĩ lên đọc văn. Cái duyên được hầu trời của Tản Đà gắn liền với văn thơ, với ý thức cao về giọng ngâm văn tốt của mình, khao khát người tri âm tri kỉ.
+ Được lên tiên là ước mơ từ lâu của thi sĩ, thể hiện cái ngông rất Tản Đà.
*Kể về cuộc đọc văn cho Trời và tiên nghe:
- Cảnh tiên giới:
+ Cửa sơn đỏ chói, ghế bành như tuyết ...đẹp, trang nghiêm;
+ Tiên ngồi im lặng, không khí trang nghiêm phù hợp với việc đọc văn, tạo hưng phấn cho thi sĩ.
- Buổi đọc thơ:
+ Thi sĩ cao hứng và có phần tự đắc: đắc ý đọc đã thích, văn dài hơi tốt ran cung mây; Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay…
+ Trời và chư tiên xúc động, tán thưởng, hâm mộ nức nở, lè lưỡi, chau mày, lắng tai đứng, vỗ tay...
+ Trời khen hết lời: văn thật tuyệt, lời văn đẹp như sao băng, khí văn hùng như mây chuyển, êm như gió thoảng...
- Cá tính và tâm hồn thi sĩ:
+ Rất có ý thức về tài năng của mình: sự sốt sắng, đắc ý của tác giả – xưng tên họ. Tự hào, sự khẳng định tài năng. Trước Tản Đà chưa ai nói trắng ra 1 cách đầy đủ cái hay, cái tuyệt của văn mình.
+ Táo bạo, đàng hoàng bộc lộ “cái tôi” – “cái tôi” rất cá thể.
+ Rất ngông: Cá tính độc đáo, khác đời.
+ Càng ngông hơn khi tìm đến tận trời để khẳng định tài năng, đồng thời thể hiện một thực tế: ở hạ giới văn chương rẻ như bèo, nhà văn bị khinh bỉ, phải tìm tri kỉ ở tận trời cao.
- Giọng kể của tác giả: đa dạng, hóm hỉnh có phần ngông nghênh, tự đắc.
*Trần tình với Trời về tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn:
- Cách xưng danh: tách tên họ, nói rõ bản quán, quốc tịch thể hiện bản sắc, dấu ấn Tản Đà rất rõ, là sự khẳng định ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ.
- Tự cho mình là người của cõi tiên được trời sai xuống trần truyền bá “thiên lương”, khơi dậy cái thiện của con người. Tản Đà ý thức về trách nhiệm với đời và khao khát được gánh vác việc đời, lãng mạn nhưng không hoàn toàn thoát li cuộc đời.
- Bức tranh chân thực, cảm động về cuộc đời Tản Đà và những văn sĩ: cơ cực, tủi hổ “nghèo khó, thước đất không có, văn rẻ như bèo ...” một cách chua xót, bi hài. Văn chương là nghề kiếm sống mới, có kẻ bán, người mua, có thị trường tiêu thụ nhưng văn rẻ như bèo. Mâu thuẫn lý tưởng và thực tại.
*Cuộc chia tay với trời và chư tiên: Tan mộng, bị ném về thực tại, tiếc nuối, ngậm ngùi, một nỗi buồn man mác. Tản Đà – một hồn thơ lãng mạn, mang nặng cái sầu, mộng, ngông, bất hòa với hiện thực tù túng, ngột ngạt khiến họ u uất, bất đắc chí, thoát li hiện thực bằng mộng tưởng. Bất hòa với xã hội càng sâu sắc thì giấc mộng thoát li càng đắm say, càng ngông tạo nên một bi kịch.
3. Vội vàng (Xuân Diệu)
- Tác giả: Xuân Diệu (1916 – 1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, bút danh khác là Trảo Nha, quê ở Can Lộc – Hà Tĩnh.
- Tác phẩm:Vội vàng được rút ra từ tập Thơ thơ xuất bản năm 1938 của Xuân Diệu.
*Tình yêu cuộc sống tha thiết
- Khát vọng kì lạ đến ngông cuồng "Tắt nắng", "buộc gió", điệp ngữ “tôi muốn”: khao khát đoạt quyền tạo hóa, cưỡng lại quy luật tự nhiên, những vận động của đất trời. Cái tôi cá nhân đầy khao khát đồng thời cũng là tuyên ngôn hành động với thời gian.
- Bức tranh mùa xuân hiện ra như một khu vườn tràn ngập hương sắc thần tiên, như một cõi xa lạ. Vạn vật đều căng đầy sức sống, giao hòa sung sướng. Cảnh vật quen thuộc của cuộc sống, thiên nhiên qua con mắt yêu đời của nhà thơ đã biến thành chốn thiên đường, thần tiên.
+ Điệp ngữ: "này đây" tuần tháng mật kết hợp với hình ảnh "hoa … xanh rì", âm thanh, màu sắc "lá cành tơ", "yến anh … khúc tình si", ánh sang chớp hàng mi.
+ So sánh: tháng giêng ngon như cặp môi gần là hình ảnh so sánh táo bạo. Nhà thơ phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và thổi vào đó 1 tình yêu rạo rực, đắm say ngây ngất.
+ Sự phong phú bất tận của thiên nhiên, đã bày ra một khu địa đàng ngay giữa trần gian – “một thiên đàng trần thế”
- Tâm trạng đầy mâu thuẫn nhưng thống nhất: Sung sướng đối lập với vội vàng: Muốn sống gấp, sống nhanh, sống vội tranh thủ thời gian.
*Nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi của kiếp người
- Xuân Diệu lại cho rằng: "Xuân đương tới – đương qua/ Xuân còn non – sẽ già". Thời gian như 1 dòng chảy, thời gian trôi đi tuổi trẻ cũng sẽ mất. Thời gian tuyến tính. Xuân Diêu thể hiện cái nhìn biện chứng về vũ trụ, thời gian.
- Cái nhìn động:
+ Xuân Diêu cảm nhận sự mất mát ngay chính sinh mệnh mình. Mùa xuân, tuổi trẻ không tồn tại mãi, nó ngắn ngủi vô cùng, tuổi trẻ đẹp nhất của đời mỗi người. Xuân Diệu lấy tuổi trẻ làm thước đo thời gian. Thời gian mất nghĩa là tuổi trẻ cũng mất. Tác giả cảm nhận sâu sắc, thấm thía.
+ Hình ảnh sự vật: "Cơn gió xinh … phải bay đi", "Chim rộn ràng … đứt tiếng reo." Sự tàn phai, héo úa, chia phôi, tiễn biệt.
- “Mau”: gấp gáp, vội vàng, cuống quýt, hưởng thụ. Thể hiện quan niệm mới, tích cực thấm đượm tinh thần nhân văn. Sự trân trọng và ý thức về giá trị của sự sống, cuộc sống, biết quí đời mình (đây cũng là cơ sở sâu xa của thái độ sống vội vàng).
*Lời giục giã cuống quýt vội vàng để tận hưởng tuổi xuân của mình
- Cảm xúc tràn trề, ào ạt khiến Xuân Diệu sử dụng ngôn từ đặc biệt.
- Nghệ thuật:
+ Điệp cú theo lối tăng tiến: ta muốn ôm, riết, say, thâu, cắn thể hiện cao trào của cảm xúc mãnh liệt.
+ Điệp liên từ "và … và."
+ Giới từ + trạng thái: Cho chếnh choáng, đã đầy, no nê
+ Tính từ chỉ xuân sắc: mơn mởn, thời tươi.
+ Danh từ
+ Những biện pháp trên thể hiện cái “tôi” đắm say mãnh liệt, táo bạo, cái “tôi” điển hình cho thời đại mới, một cái “tôi” tài năng thiết tha giao cảm với đời.
+ Nhịp điệu của đoạn thơ dồn dập, hối hả, sôi nổi, cuồng nhiệt.
4. Tràng giang (Huy Cận)
- Tác giả: Huy Cận (1919 - 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ Mới.
- Tác phẩm: Tràng giang được viết vào mùa thu năm 1939 (in trong tập Lửa thiêng).
*Nỗi buồn đìu hiu, xa vắng
- Sóng:
+ Đi với động từ gợn. Sóng gối đầu đến vô tận (chất thơ của sông nước). Nỗi buồn da diết khôn nguôi của người có ý thức về cuộc sống.
+ Từ tràng giang gợi hình ảnh, âm hưởng từ láy tạo cộng hưởng âm thanh cho lời thơ kết hợp từ láy điệp điệp. Nỗi buồn triền miên, bất tận.
- Nước:
+ xuôi mái gợi không gian mở ra theo chiều rộng, xuôi theo chiều dài, cái không cùng của vũ trụ vô biên, cái mênh mông, hoang vắng của sông nước tô đậm cảm giác lẻ loi, cô đơn, vô định của con thuyền nhỏ bé.
+ Nỗi buồn cứ bao trùm không gian mênh mông từ dòng sông, con sóng, chiếc thuyền gợi cảm giác xa vắng, chia lìa.
+ Nỗi buồn trở nên nỗi sầu hòa vào dòng sông trăm trăm ngả
+ Hình ảnh đối lập thuyền về, nước lại gợi cảm giác chia xa, tạo ấn tượng về khiếp người trong cuộc đời trắc trở, gian truân (tâm cảnh hòa nhập ngoại cảnh).
+ Đảo ngữ củi một cành khô gợi lên hình ảnh cái khô héo, nhỏ nhoi của một cành lạc giữa mấy dòng nước xoáy, giữa trăm ngả sầu thương khủng khiếp.
+ Từ mặt sông đến đỉnh trời, từ thẳm sâu vũ trụ đến thẳm sâu tâm hồn, thân phận của những khiếp phù sinh nổi trôi, lênh đênh, lạc loài giữa dòng đời vô định.
*Bức tranh vô biên của tràng giang
- Không gian:
+ Hiện thực cuộc sống đa dạng, phong phú: cồn cỏ, gió đìu hiu, chợ chiều.
+ Cuộc sống hiu quạnh: đảo ngữ "lơ thơ cồn nhỏ", "vãn chợ chiều".
+ Lặng nghe âm thanh cuộc sống nhưng chỉ cảm nhận được tiếng dội hoang vắng nơi cõi lòng.
- Đối ngữ (cảnh - tình)
+ Sự vô biên theo chiều cao và chiều sâu: "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót".
+ Sự vô cùng theo chiều dài và chiều rộng: "Sông dài, trời rộng, bến cô liêu". Cái tôi mang nỗi sầu vạn kỉ.
+ Nhà thơ đang đứng chơ vơ giữa vũ trụ thăm thẳm, "đứng trên thiên văn đài của linh hồn nhìn cõi bát ngát" của cả một thế giới quạnh hiu, hoang vắng tuyệt đối.
*Khát khao cuộc sống
- Cuộc sống trôi đi trong tan tác, vô định: "Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng".
- Sự trống vắng, cô đơn tuyệt đối: "Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật.".
- Hiện thực cuộc sống vẫn miệt mài tiếp diễn.
- Những tín hiệu giao hòa của sự sống, khát vọng sống trong tình người, tình đời chan hòa, đồng cảm, tri âm.
*Nỗi buồn nhớ quê hương
- Màu sắc cổ điển: mây, núi, cánh chim, bóng chiều. Cảnh hoàng hôn hùng vĩ nhưng không làm vơi đi nỗi sầu.
- Tứ thơ Đường: khói hoàng hôn, nỗi sầu xa xứ làm ý thơ thêm sâu, tình thơ thêm nặng, nỗi buồn đau, trăn trở của cái tôi cá nhân luôn đối diện với chính nỗi cô đơn của lòng mình.
5. Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)
- Tác giả:Hàn Mạc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh tại Đồng Hới – Quảng Bình, lớn lên ở Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ông là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ Mới.
- Tác phẩm: Đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938, được in trong tập Thơ Điên.
*Khổ 1: Bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người xứ Huế.
- Bức tranh được hiện lên qua lời mời trong đó hàm chứa sự trách móc mà thân thiết: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
- Cảnh vật hiện lên qua vài nét phác họa nhẹ nhàng, duyên dáng, đầy ấn tượng của màu xanh như ngọc của ánh sáng tinh khôi buổi ban mai.
- Cuối cùng là nét chấm phá độc đáo tương phản giữa cái vuông vức của khuôn mặt chữ điền với chiếc lá trúc che ngang, gợi lên nét tinh nghịch mà dịu dàng, dễ thương vốn dĩ ở thôn quê.
*Khổ 2: Cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm.
- Cảnh đẹp và thơ mộng, nhưng lay lắt buồn bã trong cảm giác chia lìa bằng hình thức thơ độc đáo: Gió theo lối gió / mây đường mây. Dòng sông như tấm gương ghi nhận hình ảnh chia lìa đó, nên buồn thiu, hoa bắp cúng lay lắt buồ thiu, chia sẻ với tâm trạng nhà thơ.
- Trăng chiếm một dung lượng khá lớn trong thơ Hàn Mặc Tử và ánh trăng thật kì lạ, khác thường. Ta từng gặp trong thơ của ông, hình ảnh: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi. (Bẽn lẽn)
- Câu phiếm định: thuyền ai?, rồi lại bến sông trăng. Quả thật, đúng như Hoài Thanh viết về Hàn Mặc Tử, trong Thi nhân Việt Nam: Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh.
*Khổ cuối: Cảnh vật, con người đều chìm sâu vào mộng ảo.
- Cõi lòng nhà thơ dường như chìm vào mộng tưởng (mơ khách đường xa). Bệnh tật cũng đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái buồn đau ảo giác (nhìn không ra, mờ nhân ảnh). Bởi vậy, con người cảnh vật tất cả đều nhòa mờ trong cô đơn, ngậm ngùi.
- Trong cô đơn, ngậm ngùi, trong mộng ảo đau thương, nhưng lòng nhà tha vẫn cứ âm thầm muôn gởi đến con người, cuộc đời một thông điệp, nó như lời trần tình tội nghiệp: Ai biết tình ai có đậm đà?
- Ta chưa thể quyết rằng cậu thơ ấy thể hiện tình yêu nước của Hàn Mặc Tử đến mức nào. Thế nhưng, chắc chắn rằng Hàn Mặc Tử rất yêu cuộc đời, rất yêu quê hương xứ sở. Ta cũng không ngờ trong tập Thơ Điên lại có những vần thơ đậm đà, chan chứa tình quê đến thế.
6. Chiều tối (Hồ Chí Minh)
- Tác giả:
+ Hồ Chí Minh (1890 – 1969) quê tại làng Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An.
+ Sinh ra trong một thời đại đất nước làm nô lệ, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước và trở thành vị lãnh tụ đầu tiên của nước Việt Nam.
+ Sinh thời Bác không chủ tâm làm thơ văn nhưng vì để phục vụ cho cách mạng nhưng Bác đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị.
- Tác phẩm:
+ Bài thơ Chiều tối hay mộ là bài thơ thứ 31 của tập Nhật kí trong tù, bài thơ được lấy cảm hứng khi Bác trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942.
+ Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt đường luật
+ Chiều tối thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát khao kết nối cuộc sống của Bác trong dù là trong hoàn cảnh tù đày vô cùng cực khổ.
*Bức tranh thiên nhiên vùng núi rừng lúc chiều tà: Cảm hứng thơ đến với Bác như một làn gió mới thổi vào tâm hồn cằn cỗi trong ngục tù. Trời về chiều, đi giữa nơi rừng núi, như một lẽ tự nhiên, người tù ngước lên cao để đón chút ánh sáng cuối cùng của ngày, đó cũng chính là lúc người bắt gặp cánh chim mỏi mệt đang tìm bay về tổ, bắt gặp chùm mây chầm chậm trôi qua lưng trời. Bài thơ không gợi tả màu sắc mà người đọc vẫn cảm nhận được rừng núi chiều tối thật âm u, tĩnh lặng, cùng với sự mệt mỏi của người tù không biết đi về đâu, đi đến bao giờ.
*Bức tranh sinh hoạt con người: Hình ảnh cuộc sống lao động bình dị mà người tù nhìn thấy trên chặng đường chuyển lao đó càng trở nên đáng quý. Đáng tôn trọng biết bao giữa núi rừng chiều tối âm u, heo hút – vẫn xuất hiện hơi ấm của sự sống, chút niềm vui hạnh phúc và hạnh phúc trong lao động của con người.
7. Từ ấy (Tố Hữu)
- Tác giả:
+ Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật Nguyễn Kim Thành. Quê: Ông sinh ra tại Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
+ Con đường thơ gắn liền với con đường cách mạng: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng…
+ Dấu mốc là năm 1937, khi Tố Hữu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, tạo ra bước ngoặt trong tư tưởng của người yêu nước trẻ.
- Tác phẩm: Ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt trong cuộc đời Tố Hữu, để ghi lại sự kiện đáng nhớ ấy bài thơ Từ ấy đã được ra đời. Từ ấy được sáng tác năm 1938. nằm trong phần Máu lửa của tập Từ ấy.
*Niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng cộng sản
- Từ ấy là phút giây đầu tiên tác giả đón nhận ánh sáng của lí tưởng cộng sản.
- Lí tưởng cộng sản là ánh nắng chói chang từ mặt trời chân lí, với những hướng đi tư tưởng đứng đắn.
- Tâm hồn nhà thơ như được tưới mát về lí tưởng cộng sản biến tâm hồn tài lụi lâu nay của nhà thơ bỗng chốc thành vườn hoa lá rực rỡ sắc hương và rộn ràng tiếng chim đoạn thơ như tiếng reo vui hân hoan tri ân với Đảng.
*Nhận thức mới về lẽ sống
- Trước khi bắt gặp lí tưởng cộng sản tâm hồn nhà thơ thu vào cái tôi bơ vơ,bế tắc không biết đi về đâu như bao nhà thơ cùng thời.
- Từ khi bắt gặp lí tưởng tâm hồn nhà thơ hòa vào khối đời chung vào cuộc sống của những người lao khổ để cùng phấn đấu vì lí tưởng cao đẹp.
- Ông tự nguyện gắn kết cuộc đời mình với mọi người, với trăm nơi, với bao hồn khổ. Gắn kết để sẻ chia, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
*Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm: Tố Hữu tự nhận mình là con, là anh, là em, là anh của vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ, Tố Hữu đã trở thành thành viên của đại gia đình của nhân dân lao động. Tấm lòng trải cùng những người cùng khổ, tình cảm bỗng chốc thân thương như tình cảm gia đình.
Phần II: Tiếng Việt
Nghĩa của câu
- Nghĩa sự việc:
+ Ứng với sự việc mà câu đề cập.
+ Sự việc có thể là hành động, trạng thái, quá trình, tư thế, sự tồn tại, quan hệ…
+ Do các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, khởi ngữ, thành phận phụ khác của câu biểu hiện.
- Nghĩa tình thái:
+ Thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá, thái độ của người nói đối với sự việc.
+ Thể hiện thái độ, tình cảm của người nói đối với người nghe.
+ Có thể biẻu hiện riêng nhờ các từ ngữ tình thái.
Đặc điểm loại hình của tiếng Việt
1. Đơn vị ngữ pháp cơ sở là tiếng. Mỗi tiếng về ngữ âm là một âm tiết, còn về mặt sử dụng thì có thể là một từ hoặc một yếu tố cấu tạo từ.
- Về mặt ngữ âm, tiếng là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất, rất dễ nhận biết trong ngữ lưu, trong khi đọc chúng được ngăn cách bởi những khoảng cách ngắt hơi ngắn, trên văn bản chúng có một khoảng cách nhất định.
- Về mặt nghĩa ngữ, tiếng là một yếu tố cấu tạo từ (hình tiết, hình vị), tức là một đơn vị ý nghĩa nhỏ nhất (trùng với hình vị).
- Về mặt sử dụng, tiếng có thể là một từ đơn (từ đơn được cấu tạo theo phương thức từ hóa hình vị: tác động vào một hình vị để hình vị mang đầy đủ những đặc điểm về ý nghĩa và ngữ pháp của một từ mà không cần thêm bớt gì vào hình thức ngữ âm của nó).
2. Từ không biến đổi hình thái: trong bất cứ tình huống nào, ngữ cảnh nào và đảm nhiệm bất cứ chức vụ ngữ pháp gì thì cũng bất biến về hình thái.
3. Ý nghĩa ngữ pháp được biểu hiện nhờ trật tự từ và hư từ: Do từ không biến đổi về hình thái, nên vai trò của trật tự từ và hư từ là đặc biệt quan trọng. Nhiều trường hợp chỉ cần thay đổi trật tự từ hoặc bỏ quan hệ từ là ý nghĩa của câu đã thay đổi.
Phong cách ngôn ngữ chính luận
1. Khái niệm
- Văn bản chính luận thời xưa viết theo kiểu: hịch, cáo, sách, chiếu,...Văn bản chính luận hiện đại bao gồm: các cương lĩnh, tuyên bố, tuyên ngôn,...
- Ngôn ngữ chính luận là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng (khẩu ngữ) trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện, thời sự.
2. Các phương tiện diễn đạt
- Về từ ngữ: Văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị: độc lập đồng bào, tự do, quyền lợi,...
- Chú ý về ngữ pháp: Câu văn thường là câu có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán lôgíc trong một hệ thống lập luận, diễn đạt trong một mạch suy luận.
- Biện pháp tu từ: Ngôn ngữ không phải lúc nào cũng mang tính công thức, ước lệ, khô khan. Ngược lại, nó có thể rất sinh động do sử dụng nhiều các biện pháp tu từ.
3. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận
- Tính công khai về quan điểm chính trị.
- Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận.
- Tính truyền cảm, thuyết phục.
Phần III: Tập làm văn
Thao tác lập luận bác bỏ
1. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ
- Lập luận bác bỏ là cách thức đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng khoa học của mình để phủ nhận ý kiến, quan điểm thiếu chính xác của người khác. Từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe.
- Mục đích: Dùng những lí lẽ, dẫn chứng đúng đắn, khoa học để chỉ rõ những sai lầm, thiếu khoa học của một ý kiến, quan điểm nào đó; đồng thời bày tỏ và bênh vực ý kiến đúng đắn.
- Tác dụng: Đây là thao tác quan trọng giúp cho bài nghị luận thêm sâu sắc và giàu tính thuyết phục; là thao tác rất cần thiết trong cuộc sống.
- Yêu cầu: Tỏ thái độ khách quan, có chừng mực; phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tranh luận.
2. Cách bác bỏ: Có thể bác bỏ một luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác,… của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.
Tiểu sử tóm tắt
I. Mục đích, yêu cầu của tiểu sử tóm tắt
1. Mục đích
- Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân
- Mục đích tiểu sử tóm tắt: giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của người được nói tới.
2. Yêu cầu
- Thông tin khách quan, chính xác về người được nói tới: cụ thể, chính xác số liệu, mốc thời gian, thành tích, đóng góp nổi bật của người được giới thiệu trong lĩnh vực hoạt động đang được quan tâm
- Nội dung và độ dài: phù hợp với mục đích viết tiểu sử tóm tắt.
- Văn phong bản tiểu sử tóm tắt cần cô đọng, trong sáng, không sử dụng các biện pháp tu từ.
II. Cách viết tiểu sử tóm tắt
1. Chọn tài liệu để viết tiểu sử: Bản tóm lược cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu rõ nét đặc trưng của cuộc sống, sự giới thiệu của người sử dụng.
2. Viết tiểu sử tóm tắt:
- Giới thiệu khái quát về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn,...) của người được giới thiệu.
- Hoạt động xã hội của người được giới thiệu: làm gì, ở đâu, mối quan hệ với mọi người,...
- Những đóng góp, những thành tựu tiêu biểu của người được giới thiệu.
- Đánh giá chung.
Thao tác lập luận bình luận
1. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận
- Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với những nhận xét, đánh giá, bàn luận của bản thân về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học. Ví dụ như: bình luận thể thao, bình luận quân sự, bình luận tình hình thời sự,...
- Trong đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ có đưa ra những nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở, đồng thời cũng có bàn bạc mở rộng. Tất cả những lập luận này đều nhằm hướng tới khẳng định vai trò quan trọng của việc cần phải xây dựng một hệ thống luật phép cho quốc gia.
- Nguyễn Trường Tộ có lý do để đề nghị lập khoa luật bởi trên thực tế, ai nấy đều đã thống nhất rõ ràng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa và rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức.
- Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn lập luận bình luận vì nó thể hiện rõ tính chất đề xuất vấn đề đồng thời các lập luận cũng là để hướng vào thuyết phục người đọc tán đồng với những nhận xét, đánh giá, đề xuất của tác giả.
2. Cách bình luận
- Có nhiều cách bình luận, nhưng phải tuân thủ theo ba bước sau:
+ Bước 1: Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
+ Bước 2: Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
+ Bước 3: Bàn về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
- Chú ý:
+ Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng (vấn đề) được bình luận.
+ Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến, nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.
+ Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.
Tóm tắt văn bản nghị luận
I. Mục đích, yêu cầu của việc tóm tắt văn bản nghị luận
1. Mục đích
- Tóm tắt văn bản nghị luận là trình bày lại ngắn gọn nội dung của văn bản nghị luận gốc theo mục đích định trước.
- Thông qua việc tóm tắt, người đọc có thể nắm chắc các thao tác đọc văn bản, có dịp rèn luyện tư duy và các diễn đạt.
2. Yêu cầu
- Văn bản tóm tắt phải phản ánh trung thành các tư tưởng, luận điểm của văn bản gốc. Không được xuyên tạc hoặc thêm bớt.
- Diễn đạt ngắn gọn xúc tích, loại bỏ những nội dung không phù hợp với mục đích tóm tắt văn bản.
II. Cách tóm tắt văn bản nghị luận
- Bước 1: Xác định vấn đề và mục đích nghị luận
- Bước 2: Tìm các luận điểm trong văn bản trên
- Bước 3: Tóm tắt văn bản bằng ba câu
B. Cấu trúc đề thi
Đề gồm có hai phần:
- Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 – 4,0 điểm) liên quan đến nội dung trong đoạn ngữ liệu phần đọc hiểu.
- Phần 2: Làm văn (7,0 – 6,0 điểm)
+ Nghị luận xã hội
+ Nghị luận văn học xoay quanh các tác phẩm học trong giới hạn đề ra.
C. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:
Bởi vậy cho nên, khi chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu. Nó cứ luôn luôn đi theo những chữ anh, chữ bác, chữ ông đã thấy chướng. Huống bây giờ nó đến một mình!
Nhưng, ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!
(SGK Ngữ Văn 11, tập 2)
Câu 1. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào, của ai?
Câu 2. Chữ tôi trong đoạn văn trên được hiểu là gì?
Câu 3. Tại sao tác giả nói “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lại “đáng thương” và “...tội nghiệp”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Trong Thép đã tôi thế đấy, nhân vật Pa-ven có nói: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Qua câu nói trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.
Câu 2: Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy (Tố Hữu).
GỢI Ý
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Đoạn văn trên được trích trong văn bản Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh.
Câu 2: Chữ tôi gắn với một quan điểm chưa từng có trước đây là quan niệm cá nhân (sự tự ý thức về bản thân, khát vọng được thành thực).
Câu 3: Tác giả nói chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó lại đáng thương và ...tội nghiệp vì:
- Đó là bi kịch của cái tôi nhỏ bé đầy tội nghiệp, “mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước”.
- Bi kịch của cái tôi ở đây là “mất bề rộng” (không tìm được tiếng nói chung giữa cuộc đời), phải “đi tìm bề sâu” (chạy trốn vào ý thức của cá nhân).
- Bi kịch của cái tôi là thiếu đi lòng tin, bàng hoàng trước sự đón nhận của “bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu”. Cái tôi trở nên bơ vơ không có một điểm tựa đáng tin nào để bấu víu.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1:
*Mở bài:
- Trích dẫn câu nói của nhân vật Pa-ven trong Thép đã tôi thế đấy.
- Liên hệ đến vấn đề nghị luận: Lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.
*Thân bài:
a. Lí tưởng sống là gì?
- Là mục đích sống của con người.
- Phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội.
Ví dụ: Lí tưởng sống của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn cách mạng là chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
- Nhắc đến lí tưởng sống sẽ nhắc đến thế hệ thanh niên vì họ là những con người trẻ tuổi đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân, là chủ nhân tương lai của đất nước.
b. Biểu hiện:
- Xác định được mục đích sống đúng đắn với những dự định về tương lai sẽ đóng góp cho xã hội trên lĩnh vực nào.
- Xây dựng kế hoạch học tập và rèn luyện kĩ năng để hoàn thiện bản thân.
- Tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội giúp cho bản thân hòa nhập với cộng đồng, hoàn thiện kỹ năng sống, phát huy thế mạnh của bản thân.
- Một số tấm gương có lí tưởng sống cao đẹp: những chiến sĩ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, sinh viên tiêu biểu của thành phố...
c. Vai trò của lí tưởng sống
- Sống có lí tưởng mục đích rõ ràng sẽ giúp con người không ngừng cố gắng để đạt được nó.
- Lí tưởng sống cao đẹp khiến cho con người sống đẹp sống có ý nghĩa hơn.
- Con người khi không có lí tưởng sống sẽ trở nên mất phương hướng, dễ đi vào con đường sai trái. Lối sống ích kỷ, cá nhân là không tốt.
d. Liên hệ bản thân
- Là một học sinh, bản thân em đã xác định được lí tưởng sống cho riêng mình đó là cố gắng học tập tốt, rèn luyện đạo đức…
*Kết bài
- Câu nói của nhân vật Pa-ven trong Thép đã tôi thế đấy thực sự đã trở thành kim chỉ nam cho thanh niên hiện nay.
- Thanh niên Việt Nam cũng cần xác định cho mình lí tưởng sống tốt đẹp để có thể đưa đất nước ta sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.
Câu 2:
*Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Tố Hữu và bài thơ Từ ấy.
- Nếu vấn đề cần nghị luận: Từ ấy chính là bài ca về lí tưởng sống của người chiến sĩ cách mạng.
*Thân bài
Khổ 2: Biểu hiện về những thay đổi trong nhận thức
- Hai câu đầu: Quan niệm mới mẻ về lẽ sống, sống gắn bó hòa hợp giữa cái tôi và cái ta.
+ Động từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc của nhân vật tôi, vượt qua ranh rới của cái tôi cá nhân hướng đến cái ta chung của dân tộc.
+ Từ đó, tâm hồn tôi “trang trải với trăm nơi” bằng những đồng cảm, chia sẻ sâu sắc của những con người cùng cảnh ngộ.
- Hai câu sau: tình yêu thương con người vượt lên trên những phân biệt về giai cấp, địa vị.
+ Nhà thơ đặc biệt dành tình cảm cho những con người khổ cực trong xã hội: “hồn tôi với bao hồn khổ”
+ Sức mạnh của sự đoàn kết đồng lòng và tình yêu thương đã tạo thành sức mạnh tổng hợp “mạnh khối đời”.
Khổ thơ thứ hai đã khẳng định mối quan hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống đối với quần chúng nhân dân.
Khổ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tầm hồn nhà thơ
- Hai câu đầu:
+ Trước khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản với những ích kỷ đời thường vụn vặt.
+ Sau khi bắt gặp ánh sáng cách mạng, nhà thơ tự nhận mình “là con của vạn nhà”, “là em của vạn kiếp”, “là anh của vạn đầu em nhỏ”. Điều đó thể hiện tinh thần hòa nhập với cộng đồng.
- Hai câu sau:
+ Tố Hữu đã trở thành một phần của nhân dân – những con người lam lũ khổ cực vất vả.
+ Từ đó, người chiến sĩ ấy thấu hiểu và say mê với cuộc đời hoạt động cách mạng với những tha thiết cống hiến giải phóng đất nước.
Sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng ánh sáng cách mạng được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh độc đáo, dễ hiểu.
*Kết bài
- Nội dung: Hồn thơ Tố Hữu chan chứa tình yêu quê hương đất nước.
- Nghệ thuật: Giọng thơ chân thành, sôi nổi thể hiện nhiệt huyết cách mạng của nhà thơ....
Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 11 năm 2022 - 2023
Đề thi Học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 Đề số 1
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2
Năm học 2022 - 2023
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: 90 phút
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi :
“…Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, có ma quỷ, có thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình. Tuy coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết ( sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ được mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc ngiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ (…). Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo hộ quốc dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”
(Trần Đình Hựu, Trích “Đến hiện đại từ truyền thống”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996)
Câu 1: Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.
Câu 3: Kiểu câu ( xét theo mục đích giao tiếp) được sử dụng trong đoạn trích trên là gì?
Câu 4: Xác định phép liên kết trong hai câu sau: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.”
Câu 5: Nêu nội dung chính của đoạn văn trên
Câu 6: Câu văn: “ Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.” thể hiện lối sống của người Việt Nam.
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng ) nêu suy nghĩ của mình về lối sống đó.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Phân tích quan niệm sống của Xuân Diệu trong “Vội vàng”
Đề thi Học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 Đề số 2
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2
Năm học 2022 - 2023
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: 90 phút
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi:
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên.
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trôi nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên….
(Trích Thơ tình người lính biển – Trần Đăng Khoa)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
Câu 2: Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ: “Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía. Biển một bên và em một bên.”
Câu 3: Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 4: Anh/chị hãy nhận xét về dòng thơ cuối cùng ở mỗi khổ.Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về khổ thơ sau đây trong bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu:
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.23)
Đề thi Học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 Đề số 3
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2
Năm học 2022 - 2023
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: 90 phút
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Hỏi
Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?
(Hữu Thỉnh)
Câu 1: Hãy xác định một biện pháp tu từ được sự dụng đặc sắc trong đoạn hội thoại trên?
Câu 2: Hãy xác định nhân vật giao tiếp trong đoạn hội thoại? Hàm ý trong văn bản trên là gì? Chỉ rõ cách thức lĩnh hội tầng nghĩa hảm ẩn của văn bản?
Câu 3: Dường như câu hỏi của “Tôi” với người chưa có câu trả lời, bằng hai câu thơ em đã được học hoặc được biết hãy trả lời cho câu hỏi đó.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.