Đề cương Học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 năm 2023 chi tiết nhất
Đề cương Học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 năm 2023 chi tiết nhất giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Tiếng Việt 5 Học kì 1. Mời các bạn cùng đón xem:
Đề cương Học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 năm 2023 chi tiết nhất
NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Kiến thức về Tiếng Việt, văn học
a. Mở rộng vốn từ: Bảo vệ môi trường, Hạnh phúc
b. Ngữ pháp:
Các từ loại: Danh từ, tính từ, động từ, đại từ, quan hệ từ
Các loại câu: câu kể, câu hỏi, câu cảm, câu cầu khiến
Các bộ phận của câu.
2. Đọc:
a. Đọc thành tiếng: đọc bài có độ dài khoảng 230 chữ, biết ngắt nghỉ hơi, biết đọc diễn cảm các bài tập đọc từ tuần 10 - tuần 16 và TLCH về nội dung, ý nghĩa của bài.
b. Đọc hiểu: đọc thầm và tìm hiểu nghĩa các từ, các chi tiết, nhân vật, nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, bước đầu biết liên hệ, vận dụng vào thực tế.
3. Viết:
a. Chính tả:
- Nghe viết một bài chính tả dài khoảng 80 – 90 chữ trong khoảng thời gian 15 phút, biết trình bày sạch đẹp, đúng quy định.
b. Tập làm văn:
Tả một người
Tả một cảnh đẹp
Viết 1 lá đơn theo yêu cầu
ĐỀ KIỂM TRA
A. MỤC TIÊU ĐỀ KIỂM TRA
- Nắm bắt khả năng học tập, mức độ phân hóa về học lực của học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên có kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn.
B. HÌNH THỨC ĐỀ KIỂM TRA
Hình thức: Tự luận
Cách thức: Kiểm tra trên lớp theo đề của trường
Ma trận đề thi học kì 1 lớp 5 môn: Tiếng Việt năm 2023
ĐỀ SỐ 1
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.
- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.
II. Đọc hiểu: (7 điểm)
NHỮNG TRANG SÁCH ĐẦU TIÊN
Ngoài những buổi lên lớp, về nhà Cung rất chăm đọc sách, chẳng bao lâu Cung đã đọc hết sách dành cho người lớn như: “Tứ thư”, “Ngũ kinh”. Những trang sách của các bậc tiền bối đã giúp cho Nguyễn Sinh Cung hiểu được nhiều điều.
Bên cạnh những lời dạy của cổ nhân trong kinh thư, có lẽ còn có những trang sách từ cuộc đời hiện tại đầy xót đau trên quê hương đã dạy Nguyễn Sinh Cung biết phải làm gì và bài học làm người có ích mà Nguyễn Sinh Cung đã nhận thấy để tự răn mình là: Trong lúc quê hương đất nước đang rên xiết bởi gông xiềng nô lệ, thì một đấng nam nhi không thể lấy văn chương làm con đường tiến thân, không nên chỉ biết lo cuộc sống của riêng mình.
Vậy là trong tâm trí của cậu bé Làng Sen đã sớm xuất hiện tình yêu quê hương, để từ đó hình thành tình yêu Tổ quốc.
Trần Viết Lưu
2. Đọc hiểu:
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi: (7 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm) Chi tiết nào trong bài cho ta biết Nguyễn Sinh Cung rất ham học.
A. Những trang sách của các bậc tiền bối đã giúp cho Nguyễn Sinh Cung hiểu được nhiều điều.
B. Nguyễn Sinh Cung còn học từ cuộc sống, từ người thân…
C. Ngoài những buổi lên lớp, về nhà Cung rất chăm đọc sách. chẳng bao lâu Cung đã đọc hết sách dành cho người lớn như: “Tứ Thư”, “Ngũ kinh”.
Câu 2: (0,5 điểm) Ngoài việc học trên lớp, học sách người lớn, Nguyễn Sinh Cung còn học ở đâu?
A. Học từ cuộc sống thiên nhiên.
B. Học từ cuộc đời hiện tại đầy xót đau trên quê hương.
C. Học từ người thân như bố, mẹ…
Câu 3: (0,5 điểm) Trong lúc quê hương đất nước đang rên xiết bởi gông xiềng nô lệ, Nguyễn Sinh Cung đã tự răn mình điều gì?
Câu 4: (0,5 điểm) Nhân vật Nguyễn Sinh Cung trong câu chuyện là ai? M2
A. Anh Kim Đồng. B. Lê Quý Đôn. C. Bác Hồ.
Câu 5: (0,5 điểm) Dòng nào dưới đây là nhóm các từ đồng nghĩa? M2
A. lung linh, long lanh, lóng lánh, mênh mông.
B. vắng vẻ, hiu quạnh, vắng ngắt, lung linh.
C. bao la, mênh mông, thênh thang, bát ngát.
Câu 6: (0,5 điểm) Trong câu: “Những trang sách của các bậc tiền bối đã giúp cho Nguyễn Sinh Cung hiểu được nhiều điều”. Từ tiền bối thuộc từ loại: M2
A. Danh từ B. Động từ C. Tính từ
II. Kiểm tra viết: (10 điểm)
1. Chính tả: Nghe – viết:
Lời khuyên của bố
Con yêu quí của bố,
Học quả là khó khăn, gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khỏi. Con hãy tưởng tượng nếu phong trào học tập bị ngừng lại thì nhân loại sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man.
Hãy can đảm lên, hỡi người chiến sĩ của đạo quân vĩ đại ! Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường ! Hãy coi sự ngu dốt là thù địch. Bố tin rằng con luôn luôn cố gắng và sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.
2. Tập làm văn: (5 điểm)
Đề bài: Hãy tả một cảnh đẹp ở địa phương em.
ĐỀ SỐ 2
A. ĐỌC HIỂU (10 ĐIỂM)
I . ĐỌC THÀNH TIẾNG (3 điểm): Giáo viên kiểm tra trong các tiết ôn tập theo hướng dẫn KT đọc thành tiếng cuối kì I.
II . ĐỌC THẦM VÀ LÀM BÀI TẬP (7 điểm): thời gian làm bài 30 phút
LỜI HỨA
Một hôm, tôi vào công viên, đem theo một quyển sách hay rồi cứ thế mải mê đọc. Đến lúc ngoài phố đã lác đác lên đèn, tôi mới đứng dậy bước ra cổng. Bỗng tôi dừng lại. Sau bụi cây, tôi nghe tiếng một em nhỏ đang khóc.
Tôi bước lại gần và hỏi :
- Này em, em làm sao thế ?
Em ngẩng đầu nhìn tôi, đáp :
- Em, em không sao đâu ạ.
- Thế vì sao em khóc ? Em đi về thôi ! Trời tối rồi, công viên sắp đóng cửa đấy.
- Em không thể đi được.
- Tại sao vậy ? Em ốm phải không ?
- Dạ, em không ốm mà em là lính gác.
- Sao lại là lính gác ? gác gì ?
- Ồ, thế anh không hiểu hay sao ?
Rồi em kể :
Em đang ngồi trên ghế ở công viên thì các bạn đến rủ : “ Muốn chơi đánh trận giả không ? ”. Em trả lời : “ Có ”. Thế là cùng chơi. Một bạn lớn nhất bảo : “ Cậu là trung sĩ nhé ”. Bạn ấy tự nhận là nguyên soái, dẫn em đến đây rồi ra lệnh : “ Đây là kho thuốc súng của chúng ta. Cậu đứng gác cho đến khi có người đến thay ”. Bạn ấy lại bảo : “ Cậu hãy hứa là không bỏ đi cơ ! ”. Em trả lời : “ Xin hứa ”.
- Rồi sao nữa ? – Tôi hỏi.
- Thế đấy ! Em đứng gác cho đến bây giờ. Chắc các bạn ấy đi rồi và quên cử người đến thay.
- Thế thì em còn đứng đây làm gì nữa ?
- Tại em đã hứa.
( Theo L. PAN-TÊ-LÊ-ÉP )
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi sau :
1. Tác giả mải mê đọc sách trong công viên cho đến khi nào ?
a. Khi trời đã về chiều b. Khi trời đã khuya
c. Khi trời vừa sẩm tối d. Khi trời hửng sáng
2. Vì sao em nhỏ không đi về nhà khi công viên sắp đóng cửa ?
a. Vì bị ốm nên khôngthể đi được.
b. Vì muốn giữ lời hứa với các bạn.
c. Vì thấy trời tối không thể về được.
d. Vì em thích chơi trò đánh trận giả.
3. Em nhỏ được bạn lớn nhất phân công làm nhiệm vụ gì ?
a. Đứng gác nhà nguyên soái.
b. Đứng gác cổng doanh trại.
c. Đứng gác kho thuốc súng.
d. Đứng gác kho lương thực.
4. Em nhỏ nghĩ gì khi không có ai đến thay mình đứng gác ?
a. Các bạn đã đi và quên cử người thay.
b. Các bạn còn mải chơi, quên cử người thay.
c. Không có bạn nào muốn làm lính gác.
d. Các bạn sợ trời tối, công viên đóng cửa.
5. Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì ?
a. Không nên tiếp tục giữ lời hứa khi trời tối.
b. Giữ đúng lời hứa là nhiệm vụ của lính gác.
c. Giữ đúng lời hứa là một đức tính quí.
d. Không nên chơi đánh trận giả ở công viên.
6. Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đều có tiếng truyền có nghĩa là trao lại cho người khác ( thường thuộc thế hệ sau ) ?
a. truyền thống, truyền nghề, truyền tụng
b. truyền nghề, truyền ngôi, truyền thống
c. truyền thống, truyền tụng, truyền máu
d. truyền ngôi, truyền máu, truyền thống
7. Dòng nào dưới đây gồm 2 từ đồng nghĩa với từ lác đác ?
a. thưa thớt, rải rác b. thưa thớt, thưa gửi
c. rải rác, vắng vẻ d. thưa vắng, thưa gửi
8. Dòng nào dưới đây gồm 2 từ trái nghĩa với từ lác đác ?
a. xum xuê, chật chội b. chen chúc, dày dặn
c. chen chúc, xum xuê d. chật chội, dày dặn
9. Đoạn 1 của bài ( “ Một hôm .... đang khóc. ” ) có mấy câu sử dụng trạng ngữ ?
a. Một câu b. Hai câu c. Ba câu
B. Phần Viết
I- Chính tả (2 điểm)
Nghe viết: bài: “Người gác rừng tí hon”. Viết từ “sau khi nghe em báo.....đến xe công an lao tới”.
II- Tập làm văn ( 8 điểm)
Em hãy tả lại một người thân mà em yêu quý.
ĐỀ SỐ 3
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Chuyện một khu vườn nhỏ (Trang 102 – TV5/T1)
2. Tiếng vọng (Trang 108 – TV5/T1)
3. Hành trình của bầy ong (Trang 117 – TV5/T1)
4. Người gác rừng tí hon (Trang 124 – TV5/T1)
5. Chuỗi ngọc lam (Trang 134 – TV5/T1)
6. Buôn Chư Lênh đón cô giáo (Trang 144 – TV5/T1)
7. Thầy cúng đi viện (Trang 158 – TV5/T1)
8. Ca dao về lao động sản xuất (Trang 168 – TV5/T1)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
ĐƯỜNG VÀO BẢN
Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lị vào bản tôi rất đẹp.
Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xoá. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.
Những ngày nắng đẹp, người đi trên đường nhìn xuống suối sẽ bắt gặp những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội. Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng... Bên trên đưòng là sườn núi thoai thoải. Núi cứ vươn mình lên cao, cao mãi. Con đường men theo một bãi rừng vầu, cây mọc san sát, thẳng tắp, dày như ống đũa. Đi trên đường, thỉnh thoảng khách còn gặp những cây cổ thụ. Có cây trám trắng, trám đen thân cao vút như đến tận trời…Những con lợn ục ịch đi lại ở ven đường, thấy người, giật mình hộc lên những tiếng dữ dội rồi chạy lê cái bụng quét đất. Những con gà mái dẫn con đi kiếm ăn cạnh đường gọi con nháo nhác...
Con đường đã nhiều lần đưa tiễn người bản tôi đi công tác và cũng đã từng đón mừng cô giáo về bản dạy chữ. Nhưng dù ai đi đâu về đâu, khi bàn chân đã bén hòn đá, hòn đất trên con đường thân thuộc ấy, thì chắc chắn sẽ hẹn ngày quay lại.
(Vi Hồng – Hồ Thuỷ Giang)
1. Đoạn đường dành riêng cho dân bản đi về có gì đặc biệt? (0.5 điểm)
A. Phải vượt qua một con thác bọt tung trắng xóa
B. Phải vượt qua một con suối to, nước bốn mùa trong veo, rào rạt
C. Phải băng qua sườn núi thoai thoải, hoa cỏ mọc đầy hai bên đường
D. Phải đi qua một con đường đầy hoa thơm, cỏ lạ, bướm bay rập rờn, chim hót líu lo
2. Con đường vào bản có những cảnh vật gì? (0.5 điểm)
A. Con suối, núi, rừng vầu, rừng trám, trâu bò
B. Con thác, núi, rừng trám, rừng vầu, lợn gà
C. Con suối, núi, rừng vầu, cây trám, lợn gà
D. Con thác, rừng thảo quả, lợn gà, hoa thơm
3. Những cây cổ thụ mà khách gặp trên đường đi vào bản là những cây nào? (0.5 điểm)
A. Cây vầu, cây trám đen, cây trám trắng
B. Cây vầu, cây đa, cây lim, cây chò
C. Cây vầu, cây trám, cây hoa ban
D. Cây sung, cây vầu, cây sấu
4. Câu “Cá như vẽ hoa, vẽ lá giữa dòng…” ý nói? (0.5 điểm)
A. Đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới suối đẹp như hoa như lá
B. Đàn cá biết vẽ hoa vẽ lá
C. Đàn cá nhiều màu sắc hình thù giống hoa giống lá
D. Đàn cá giống những cành cây bên bờ suối
5. Những con vật nào được nhắc đến trong bài văn? (0.5 điểm)
A. Con vịt, con bò, con lợn
B. Con lợn, con chó, con sư tử
C. Con lợn, con cá, con gà mái
D. Con lợn, con bò, con trâu
6. Bài văn miêu tả cảnh gì? (0.5 điểm)
A. Cảnh vật núi rừng biên giới phía bắc
B. Cảnh cuộc sống của người dân bản vùng biên giới phía bắc
C. Cảnh vật trên con đường vào bản vùng núi phía bắc
D. Cảnh nương rẫy vào một buổi sớm đầu đông
7. Đặt hai câu có chứa từ bản là từ đồng âm. (1 điểm)
8. Đặt một câu có cặp từ trái nghĩa xấu – đẹp
9. Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong câu “Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to.”? (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Trồng rừng ngập mặn
Nhờ phục hồi rừng ngặp mặn mà ở nhiều địa phương, môi trường đã có những thay đổi rất nhanh chóng. Đê xã Thái Hải (Thái Bình), từ độ có rừng, không còn bị xói lở, kể cả khi bị cơn bão số 2 năm 1996 tràn qua. Lượng cua con trong vùng rừng ngập mặn phát triển, cung cấp đủ giống không chỉ cho hàng nghìn đầm cua ở địa phương mà còn cho hàng trăm đầm cua ở các vùng lân cận. Tại xã Thạch Khê (Hà Tĩnh), sau bốn năm trồng rừng, lượng hải sản tăng nhiều và các loài chim nước cũng trở nên phong phú. Nhân dân các địa phương đều phấn khởi vì rừng ngập mặn phục hồi đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập và bảo vệ vững chắc đê điều.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Viết bài văn tả một em bé đang tuổi tập nói tập đi.
ĐỀ SỐ 4
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.
- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.
II. ĐỌC HIỂU (7 điểm)
BIỂN ĐẸP
Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.
Lại đến một buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên.
Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu : xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,... Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ưót đẫm, thẫm lại, khoẻ nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.
Có buổi sớm nắng mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy núi xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời.
Một buổi chiều lạnh, nắng tắt sớm. Những núi xa màu lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió, mà sóng vẫn đổ đều đều, rì rầm. Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lăn tăn như bột phấn trên da quả nhót.
Chiều nắng tàn, mát dịu. Biển xanh veo màu mảnh chai. Núi xa tím pha hồng. Những con sóng nhè nhẹ liếm lên bãi cát, bọt sóng màu bươi đào.
Mặt trời xế trưa bị mây che lỗ đỗ. Những tia nắng dát vàng một vùng biển tròn, làm nổi bật những cánh buồm duyên dáng như ánh sáng chiếc đèn sân khấu khổng lồ đang chiếu cho các nàng tiên biển múa vui.
Thế đấy, biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng. Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý là : vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.
(Vũ Tú Nam)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
Câu 1. Khi nào thì : "Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên." ?
a. Buổi sớm nắng sáng.
b. Buổi sóm nắng mờ.
c. Buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng.
Câu 2. Khi nào thì "Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lăn tăn như bột phấn trên da quả nhót." ?
a. Một buổi chiều lạnh.
b. Một buổi chiều nắng tàn, mát dịu.
c. Một buổi trưa mặt trời bị mây che.
Câu 3. Trong bài, sự vật nào được so sánh với "ngực áo của bác nông dân" ?
a. Cơn mưa
b. Cánh buồm
c. Biển
Câu 4. Trong bài, sự vật nào được so sánh với "ánh sáng chiếc đèn sân khấu" ?
a. Mặt trời
b. Cánh buồm
c. Tia nắng
Câu 5. Theo tác giả Vũ Tú Nam, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc của biển phần lớn do những gì tạo nên ?
a. Mây, trời và nước biển.
b. Mây, trời và ánh sáng.
c. Nưóc biển, những con thuyền và ánh sáng mặt trời.
B. KIỂM TRA VIẾT (10 điểm)
1. Chính tả: Nghe – viết:
Thả thuyền
Sau trận mưa rào, ngoài sân có tiếng ríu rít của bọn trẻ đang xúm lại chơi thả thuyền. Những chiếc thuyền bằng giấy đủ màu được lần lượt thả xuống dòng nước. Chiếc nào cũng tròng trành, nghiêng ngửa một lúc rồi mới lướt đi băng băng. Bọn trẻ thích thú đuổi theo những chiếc thuyền, vừa chạy vừa reo hò, tranh cãi nhau xem thuyền của đứa nào trôi nhanh nhất. Chiếc thuyền trở thành niềm hi vọng của mỗi chủ nhân nhỏ tuổi. Dường như chúng đang trở trên mình cả một thời bé dại.
2. Tập làm căn:
Đề bài: Viết tiếp 3 – 4 câu để có đoạn văn tả cảnh đẹp của biển vào buổi sáng :
Buổi sáng, nắng lên...
ĐỀ SỐ 5
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.
- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.
II. ĐỌC HIỂU (7 điểm)
HƯƠNG LÀNG
Làng tôi là một làng nghèo nên chẳng có nhà nào thừa đất để trồng hoa mà ngắm.
Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương quen thuộc của đất quê. Đó là những mùi thơm mộc mạc chân chất.
Chiều chiều hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng ba, tháng tư hoa cau thơm lạ lùng. Tháng tám, tháng chín hoa ngâu cứ nồng nàn những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp. Tưởng như có thể sờ được, nắm được những làn hương ấy.
Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, sân hợp tác, thơm trên các ngõ, đó là hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ, cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê, giống như hương thơm từ nồi cơm gạo mới, mẹ bắc ra và gọi cả nhà ngồi vào quanh mâm.
Mùa xuân, ngắt một cái lá chanh, lá bưởi, một lá xương sông, một chiếc lá lốt, một nhánh hương nhu, nhánh bạc hà... hai tay mình như cũng đã biến thành lá, đượm mùi thơm mãi không thôi.
Nước hoa ư ? Nước hoa chỉ là một thứ hăng hắc giả tạo, làm sao bằng được mùi rơm rạ trong nắng, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa sen trong gió...
Hương làng ơi, cứ thơm mãi nhé !
(Theo Băng Sơn)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
Câu 1. Tác giả cho rằng mùi thơm của làng mình có là do đâu ?
a. Do mùi thơm của các hương liệu tạo mùi khác nhau.
b. Do mùi thơm của cây lá trong làng.
c. Do mùi thơm của nước hoa.
Câu 2. Trong câu "Đó là những mùi thơm mộc mạc chân chất.", từ đó chỉ cái gì ?
a. Đất quê.
b. Làn hương quen thuộc của đất quê.
c. Làng.
Câu 3. Những hương thơm nào giống như hương thơm từ nồi cơm gạo mới ?
a. Hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ
b. Hoa thiên lí, hoa ngâu, hoa cau.
c. Hoa sen, hoa bưởi, hoa chanh.
Câu 4. Tại sao tác giả cho rằng những mùi thơm đó là những mùi thơm "mộc mạc chân chất" ?
a. Vì những mùi thơm đó không thơm như mùi nước hoa.
b. Vì những mùi thơm đó không phải mua bằng nhiều tiền.
c. Vì những mùi thơm đó là những làn hương quen thuộc của đất quê.
II. TẬP LÀM VĂN (10 điểm)
1. (5đ) Trong đoạn văn cuối bài “Hương làng” (phần đọc hiểu):
"Nước hoa ư ? Nước hoa chỉ là một thứ hăng hắc giả tạo, làm sao bằng được mùi rơm rạ trong nắng, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa sen trong gió..." tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh.
Cách so sánh này có gì đặc biệt ? Hãy nêu tác dụng của cách so sánh đó.
2. (5đ) Cho đề văn: Hãy viết đoạn văn tả mùi hương của một loài hoa mà em yêu thích.
ĐỀ SỐ 6
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.
- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.
II. Đọc hiểu: (7 điểm)
TÔI YÊU BUỔI TRƯA
Buổi sáng, rất nhiều người yêu nó, yêu màn sương lãng mạn, yêu sự sống đang hồi sinh, yêu bầu không khí trong lành mát mẻ...
Buổi chiều, ngọn gió mát thổi nhẹ, hoàng hôn với những vệt sáng đỏ kì quái, khói bếp cùng với làn sương lam buổi chiều... Những điều này tạo nên một buổi chiều mà không ít người yêu thích.
Tôi thích buổi sáng, và cũng thích buổi chiều, nhưng tôi còn thích cái mà mọi ngưòi ghét : buổi trưa. Có những buổi trưa mùa đông ấm áp, buổi trưa mùa thu nắng vàng rót mật rất nên thơ, buổi trưa mùa xuân nhẹ, êm và dễ chịu. Còn buổi trưa mùa hè, nắng như đổ lửa, nhưng chính cái buổi trưa đổ lửa này làm tôi yêu nó nhất.
Trưa hè, khi bước chân lên đám rơm, tôi thấy mùi rơm khô ngai ngái, những sợi rơm vàng óng khoe sắc, tôi thấy thóc đã khô theo bước chân đi thóc của bố mẹ tôi. Rồi bố mẹ tôi cứ thức trông thóc mà chẳng dám nghỉ trưa. Nhờ buổi trưa này mà mọi ngưòi có rơm, củi khô đun bếp, nhờ buổi trưa này mà thóc được hong khô, mọi người được no ấm, và hơn tất cả, nhờ buổi trưa này mà tôi hiểu ra những nhọc nhằn của cha mẹ tôi và của những người nông dân suốt đời một nắng hai sương. Tôi yêu lắm những buổi trưa mùa hè !
(Nguyễn Thuỳ Linh)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :
Câu 1. Bạn nhỏ trong bài cho rằng nhiều người yêu buổi sáng vì lí do gì ?
a. Có màn sương lãng mạn, sự sống đang hồi sinh.
b. Có bầu không khí trong lành, mát mẻ.
c. Cả hai ý trên.
Câu 2. Theo bạn nhỏ, nhiều người yêu buổi chiều vì lí do gì ?
a. Có ngọn gió mát thổi nhẹ, có ánh sáng hoàng hôn.
b. Có khói bếp cùng với làn sương lam.
c. Cả hai ý trên.
Câu 3. Dòng nào nêu đúng thời gian bạn nhỏ yêu thích nhất ?
a. Buổi trưa.
b. Buổi trưa mùa hè.
c. Buổi trưa mùa đông.
Câu 4. "Nhẹ, êm và dễ chịu" là đặc điểm của buổi trưa mùa nào ?
a. Mùa xuân
b. Mùa đông
c. Mùa thu
Câu 5. Lí do quan trọng nhất để bạn nhỏ yêu thích buổi trưa mùa hè là gì ?
a. Nhờ buổi trưa hè mà mọi người có rơm, củi khô để đun bếp.
b. Nhờ buổi trưa hè mà thóc được hong khô, mọi người được no ấm.
c. Nhờ buổi trưa hè mà bạn nhỏ hiểu được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ và của những người nông dân suốt đời một nắng hai sương.
Câu 6. Bài viết nhằm mục đích gì ?
a. Tả cảnh buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều ở làng quê.
b. Ca ngợi những người nông dân suốt đời một nắng hai sương và thấm thía một nỗi biết ơn họ.
c. Kể ra những công việc người nông dân cần làm để tạo ra hạt thóc hạt gạo.
II. TẬP LÀM VĂN (10 điểm)
Câu 1. (5đ) Em hãy viết đoạn văn tả mảnh sân nhà em giữa trưa hè trong mùa thu hoạch, có phần mở đầu như sau :
Trưa hè, nắng như đổ lửa xuống sân...
Câu 2. (5đ) Hãy viết đoạn văn tả một buổi trong ngày.