Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thường gọi là tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự) được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi 2017). Vậy Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật. Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé.

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

2. Như thế nào là cho vay nặng lãi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì "cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác...”

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu bên cho vay cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần lãi suất 20%/năm (tương đương với trên 100%/năm) thì được xem là hành vi cho vay nặng lãi.

3. Khi nào phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên[155], thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

Như vậy, một người trong giao dịch dân sự cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất 20%/năm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên;

- Đã bị xử xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo đó, tùy vào tính chất mức độ hành vi phạm tội mà người tội phạm có thể bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn đến 3 năm. Đồng thời người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 5 năm.

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

4. Các yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

- Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

- Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

- Mặt khách quan:

Hành vi khách quan: Hành vi của người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho người khác vay tiền với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tương đương với trên 100%/năm.

Thủ đoạn mà người phạm tội cho vay lãi nặng thường là lợi dụng những người gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần gấp một số tiền lớn mà không có khả năng vay được chỗ nào khác để “ép” người vay phải chịu lãi suất cao.

Hậu quả: Hậu quả là điều kiện bắt buộc của tội phạm này. Hậu quả của tội cho vay nặng lãi là gây thiệt hại về tài sản cho người vay. Theo đó, người cho vay phải thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi từ 30.000.000 đồng trở lên mới phạm tội.

Ngoài ra, trong trường hợp người có hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tội cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Mối quan hệ nhân quả: Mối quan hệ nhân quả là điều kiện bắt buộc của mọi tội phạm, nguyên nhân dẫn đến hậu quả phải là hành vi khách quan của tội phạm. Thiệt hại về tài sản của người vay phải từ hành vi cho vay nặng lãi gây ra chứ không phải từ nguyên nhân nào khác.

- Mặt chủ quan của tội phạm

Về lỗi: Phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Về mục đích của người phạm tội: Thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi, mục đích này luôn được đặt ra từ trước khi người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, tội phạm luôn nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình là sai trái và mong muốn hậu quả xảy ra để đạt được mục đích của mình.